hieuluat

Quyết định 133/2009/QĐ-TTg Quy chế thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:521 & 522 - 11/2009
    Số hiệu:133/2009/QĐ-TTgNgày đăng công báo:15/11/2009
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:03/11/2009Hết hiệu lực:01/10/2014
    Áp dụng:20/12/2009Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Lĩnh vực khác, Tài nguyên-Môi trường
  • QUYẾT ĐỊNH

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 133/2009/QĐ-TTg NGÀY 03 THÁNG 11 NĂM 2009  

    BAN HÀNH QUY CHẾ THÔNG TIN CẢNH BÁO, DỰ BÁO THIÊN TAI TRÊN BIỂN

     

     

    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

     

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

    Căn cứ Nghị định số 24/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn;

    Căn cứ Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000;

    Căn cứ Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển;

    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển.

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2009.

    Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

    Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    THỦ TƯỚNG

    Nguyễn Tấn Dũng  

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    QUY CHẾ

    THÔNG TIN CẢNH BÁO, DỰ BÁO THIÊN TAI TRÊN BIỂN
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 133/2009/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2009

    của Thủ tướng Chính phủ)

     

    Chương I

    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

    1. Quy chế này quy định việc ra bản tin và truyền phát bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên khu vực Biển Đông và vùng phụ cận (Phụ lục I Quy chế này).

    2. Quy chế này áp dụng đối với các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc ra bản tin và truyền phát bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên Biển Đông và vùng phụ cận.

    Điều 2. Các loại thiên tai trên biển được cảnh báo, dự báo:

    1. Áp thấp nhiệt đới, bão.

    2. Sóng thần.

    3. Gió mạnh.

    4. Dông mạnh.

    5. Sương mù.

    6. Sóng lớn.

    Điều 3. Giải thích từ ngữ

    Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

    1. Áp thấp nhiệt đới là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật.

    2. Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão từ cấp 10 đến cấp 11 được gọi là bão mạnh; từ cấp 12 trở lên được gọi là bão rất mạnh.

    3. Sóng thần là sóng biển chu kỳ dài, lan truyền với vận tốc lớn (có khi đến 800km/giờ). Khi tới bờ, phụ thuộc vào độ sâu của biển và địa hình vùng bờ, sóng thần có thể đạt độ cao lớn, tới hàng chục mét, tràn sâu vào đất liền, gây ra thảm họa. Sóng thần được quy định trong Quy chế này là sóng thần gây ra bởi động đất hoặc hoạt động của núi lửa.

    4. Gió mạnh là tốc độ gió từ cấp 6 trở lên xác định trung bình trong thời gian 2 phút quan trắc (tính bằng cấp gió Bô - pho).

    5. Dông là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, hình thành khi có đối lưu mạnh, bao gồm sự phóng điện trong đám mây, giữa các đám mây với nhau hoặc giữa các đám mây với mặt đất, tạo ra hiện tượng chớp và sấm, thường kèm theo gió mạnh và mưa lớn, đôi khi có mưa đá. Dông gây ra gió mạnh từ cấp 6 trở lên gọi là dông mạnh.

    6. Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt trái đất (mặt đất, sông, hồ hoặc mặt biển), làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km.

    7. Sóng lớn là những con sóng trên biển có độ cao lớn hơn 2m. Sóng lớn thường đi kèm với gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam và gió mạnh do ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

    Điều 4. Hệ thống thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển

    1. Hệ thống ra bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển bao gồm:    

    a) Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;

    b) Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

    2. Hệ thống truyền phát bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển bao gồm:

    a) Đài Tiếng nói Việt Nam;

    b) Đài truyền hình Việt Nam;

    c) Hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam;

    d) Các Đài Phát thanh, Truyền hình địa phương;

    đ) Hệ thống thông tin liên lạc của Bộ đội Biên phòng;

    e) Hệ thống thông tin liên lạc của Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam và các doanh nghiệp viễn thông khác;

    g) Hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh nội bộ của các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị;

    h) Hệ thống các điểm bắn pháo hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão;

    i) Hệ thống cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão;

    k) Các máy thông tin của cá nhân đã được cấp phép trên đất liền và trên biển.

    3. Sơ đồ Hệ thống thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển được thể hiện tại Phụ lục II của Quy chế này.

     

    Chương II

    CHẾ ĐỘ PHÁT TIN VÀ NỘI DUNG BẢN TIN CẢNH BÁO,

    DỰ BÁO THIÊN TAI TRÊN BIỂN

     

    Điều 5. Trách nhiệm ra bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển

    1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ra và cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, gió mạnh, dông mạnh, sương mù, sóng lớn.

    2. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có trách nhiệm ra và cung cấp các bản tin cảnh báo sóng thần.

    Điều 6. Báo tin áp thấp nhiệt đới, bão

    Chế độ và nội dung tin áp thấp nhiệt đới, bão thực hiện theo quy định tại Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ (sau đây gọi tắt là Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006).

    Điều 7. Bản tin cảnh báo sóng thần

    Chế độ và nội dung tin cảnh báo sóng thần thực hiện theo quy định tại Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần (sau đây gọi tắt là Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006).

    Điều 8. Báo tin gió mạnh, dông mạnh, sương mù, sóng lớn

    1. Khi nhận định trong khoảng thời gian cảnh báo, dự báo, trên vùng biển quy định tại Phụ lục I có khả năng xuất hiện một trong các hiện tượng nêu tại Điều này thì phải phát “Tin thời tiết nguy hiểm trên biển”. Nội dung bản tin này có thể được nhấn mạnh trong các bản tin áp thấp nhiệt đới, bão, bản tin không khí lạnh, gió mùa tây nam

    2. “Tin thời tiết nguy hiểm trên biển” gồm các nội dung sau:

    a) Tiêu đề bản tin;

    b) Cảnh báo thiên tai đã xảy ra (nếu có);

    c) Cảnh báo, dự báo hiện tượng thiên tai, thời gian và khu vực xảy ra thiên tai (kinh độ, vĩ độ hoặc vị trí so với các đảo chính, vùng biển ngoài khơi hoặc bờ biển các tỉnh gần nhất);

    d) Cảnh báo, dự báo các yếu tố khí tượng, hải văn do ảnh hưởng của thiên tai gây ra như: các hiện tượng thời tiết (mưa, dông mạnh, sương mù), tầm nhìn xa, hướng gió và tốc độ gió, tình trạng biển, độ cao sóng biển;

    đ) Dự báo thời gian kết thúc thiên tai;

    e) Dự báo thời tiết biển cho các vùng biển không bị ảnh hưởng.

    3. Chế độ ra bản tin

    a) Bản tin bằng tiếng Việt:

    Mỗi ngày ra 04 bản tin vào lúc 04 giờ 30, 10 giờ 00, 15 giờ 30 và 21 giờ 30;

    b) Bản tin bằng tiếng Anh:

    Mỗi ngày ra 04 bản tin vào lúc 05 giờ 00 và 10 giờ 30, 16 giờ 00 và 22 giờ 00;

    c) Ngoài ra, các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển có thể được nhấn mạnh trong các bản tin áp thấp nhiệt đới, bão, bản tin không khí lạnh, gió mùa tây nam.

    Chương III

    TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC PHỐI HỢP THÔNG TIN CẢNH BÁO, DỰ BÁO THIÊN TAI TRÊN BIỂN

    Điều 9. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp và các cơ quan thông tin, báo chí

    1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

    a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển;

    b) Chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia ra các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy chế này; cung cấp kịp thời các bản tin cho các cơ quan theo quy định tại Phụ lục III của Quy chế này;

    c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, theo dõi việc truyền phát từ cơ quan ra bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến cơ quan chỉ đạo phòng, chống và cộng đồng;

    d) Xây dựng mạng lưới quan trắc khí tượng hải văn trên biển, tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, phục vụ hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển;

    đ) Tiếp nhận thông tin phản hồi của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân về những nội dung: chế độ phát bản tin, chất lượng và độ chính xác của bản tin cảnh báo, dự báo; tính kịp thời và hiệu quả của các bản tin đến người sử dụng;

    e) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức việc đánh giá chất lượng các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai do các cơ quan làm công tác dự báo cung cấp;

    g) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về thiên tai và kiến thức khí tượng thủy văn để các cơ quan, tổ chức và cá nhân chủ động phòng, tránh.

    2. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

    a) Chỉ đạo Viện Vật lý Địa cầu ra các bản tin cảnh báo sóng thần; cung cấp kịp thời các bản tin cho các cơ quan theo quy định của Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần;

    b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, theo dõi việc truyền phát từ cơ quan ra bản tin cảnh báo sóng thần đến cơ quan chỉ đạo phòng, chống và cộng đồng;

    c) Tiếp nhận thông tin phản hồi của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân về những nội dung: chế độ phát tin và độ chính xác của bản tin cảnh báo sóng thần; tính kịp thời và hiệu quả của các bản tin đến người sử dụng;

    d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức việc đánh giá chất lượng các bản tin cảnh báo sóng thần đã cung cấp.

    3. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam

    a) Truyền phát các tin báo áp thấp nhiệt đới, bão và tin cảnh báo sóng thần theo các quy định tại Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 và Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;

    b) Truyền phát nguyên văn “Tin thời tiết nguy hiểm trên biển” vào bản tin thời sự gần nhất ngay sau khi nhận được tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương chuyển đến;

    c) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng các chương trình truyền hình, phát thanh và các giải pháp truyền thông nhằm giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng, chống và phản ứng kịp thời với các tình huống thiên tai khẩn cấp.

    4. Bộ Quốc phòng

    a) Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng và các đơn vị thuộc Bộ truyền phát kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên hệ thống thông tin liên lạc do Bộ quản lý;

    b) Phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc bắn pháo hiệu và vận hành cột tín hiệu báo áp thấp nhiệt đới, bão do Bộ quản lý theo quy định tại Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;

    b) Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi ra biển phải được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, máy thông tin liên lạc, máy thu dự báo thời tiết chuyên dùng theo quy định;

    d) Tiếp nhận các thông tin thực tế về số lượng người, phương tiện và tình hình thiên tai đang xảy ra do các chủ phương tiện hoạt động trên biển chuyển đến; thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Bộ Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo việc cảnh báo, dự báo bổ sung khi cần thiết;

    đ) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan bảo vệ an toàn hệ thống quan trắc khí tượng hải văn trên biển.

    5. Bộ Giao thông vận tải

    a) Chỉ đạo Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam thực hiện việc phát tin cảnh báo, dự kiến thiên tai trên biển trên các kênh thông tin của hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam theo quy định sau:

    - Tin áp thấp nhiệt đới, bão: phát theo quy định tại Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;

    - Tin cảnh báo sóng thần: phát theo quy định tại Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;

    - Tin thời tiết nguy hiểm trên biển: mỗi ngày phát 24 phiên ngay sau khi nhận được bản tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương chuyển đến.

    b) Chỉ đạo Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam nâng cao chất lượng phát sóng và tăng cường vùng phủ sóng thông tin cho các tàu đánh bắt xa bờ;

    c) Tiếp nhận các thông tin thực tế về số lượng người, phương tiện và thiên tai đang xảy ra do các chủ phương tiện trên biển chuyển đến; thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Bộ Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo việc cảnh báo, dự báo bổ sung khi cần thiết.

    6. Bộ Thông tin và Truyền thông

    a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành quy hoạch, phân bổ tần số phục vụ công tác cảnh báo, dự báo thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển;

    b) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nâng cao tốc độ, chất lượng các đường truyền kết nối giữa các Bộ, ngành liên quan với nhau và với hệ thống các Đài thông tin duyên hải, hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng, phục vụ công tác cảnh báo, dự báo thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

    c) Chỉ đạo các doanh nghiệp thông tin di động mở rộng vùng phủ sóng để các tàu thuyền đánh bắt hải sản gần bờ có thể thu tin cảnh báo, dự báo thiên tai qua máy điện thoại di động;

    d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức, triển khai hệ thống truyền tin từ cơ quan ra bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến cơ quan chỉ đạo phòng, chống và cộng đồng;

    đ) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động báo chí trong cả nước để các thông tin thiên tai trên biển đăng tải trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, thông tấn được đảm bảo chất lượng: nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, tuân theo những nội dung liên quan thuộc Nghị định của Chính phủ số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 Quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí;

    e) Phối hợp cùng các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan văn hóa – thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các loại hình thiên tai trên biển và hướng dẫn sử dụng thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

    7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

    a) Ban hành các tiêu chuẩn ngành về trang thiết bị thông tin liên lạc cho các phương tiện đánh bắt xa bờ đủ khả năng tiếp nhận thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển và liên lạc được với các Đài thông tin Duyên hải và hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng;

    b) Chỉ đạo các địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra các tàu, thuyền đánh bắt hải sản trước khi ra khơi phải trang bị các thiết bị thông tin để tiếp nhận tin cảnh báo, dự báo thiên tai.

    8. Bộ Công thương

    a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng công ty Điện tử Việt Nam nghiên cứu, sản xuất các máy thu dự báo thời tiết chuyên dùng; kiến nghị việc trang bị loại máy phù hợp cho tàu, thuyền đánh bắt hải sản;

    b) Thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai về vị trí các giàn khoan và các công trình trên biển để ra các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai phù hợp.

    Điều 10. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn

    1. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương

    a) Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống các hiện tượng thiên tai xảy ra trên biển;

    b) Hàng năm, thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về: Chế độ ra bản tin, chất lượng và hiệu quả của bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai; tính kịp thời của các bản tin đến người sử dụng; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp hoặc còn thiếu nhằm phục vụ kịp thời công tác phòng, chống thiên tai.

    2. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn

    a) Cung cấp kịp thời cho Bộ Tài nguyên và Môi trường các thông tin thực tế về số lượng người và phương tiện trên khu vực xảy ra thiên tai để tập trung cảnh báo, dự báo bổ sung cho phù hợp với khu vực tìm kiếm, cứu nạn;

    b) Hàng năm, thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về chế độ ra bản tin, chất lượng và hiệu quả của bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai; tính kịp thời của các bản tin đến người sử dụng; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp hoặc còn thiếu nhằm phục vụ kịp thời công tác tìm kiếm, cứu nạn.

    Điều 11. Trách nhiệm của các Bộ, ngành ở Trung ương

    1. Truyền phát ngay các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc để chủ động phòng, tránh.

    2. Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các quy định về thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển.

    Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố ven biển trực thuộc Trung ương

    1. Chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh và các cơ quan liên quan kịp thời đưa tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển để các cơ quan, đơn vị và nhân dân chủ động phòng, tránh.

    2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên nắm thông tin về thiên tai trên biển, chủ động phản ánh với cơ quan dự báo thiên tai để đưa ra những phương án phòng, tránh phù hợp với tình hình thực tế.

    3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã và các thôn, ấp nắm chắc số lượng người, phương tiện, khu vực đánh bắt hải sản và du lịch để kịp thời đưa tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển đến các phương tiện và hướng dẫn biện pháp phòng, tránh.

    4. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện đánh bắt hải sản hoạt động theo mô hình tổ, đội tự quản để thông tin, hỗ trợ nhau khi thiên tai xảy ra.

    5. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra người, trang bị thiết bị an toàn và thông tin liên lạc của các tàu, thuyền khi ra khơi theo quy định.

    6. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân để chủ động phòng, tránh.

    Điều 13. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có phương tiện hoạt động trên biển

    1. Trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin để tiếp nhận tin cảnh báo, dự báo thiên tai và các thiết bị an toàn khác theo quy định cho thuyền viên, tàu, thuyền khi hoạt động trên biển.

    2. Tổ chức và tham gia mô hình đánh bắt hải sản theo tổ, đội; thường xuyên theo dõi để tiếp nhận kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai; duy trì thông tin liên lạc giữa các phương tiện trong tổ, đội, giữa phương tiện với Đài thông tin Duyên hải Việt Nam, hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng và các hệ thống thông tin khác.

    3. Khi có thiên tai, thông báo ngay số lượng người, phương tiện, vị trí hoạt động của tàu, thuyền trên biển cho hệ thống các Đài thông tin Duyên hải và hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng và các hệ thống thông tin khác để kịp thời nhận hướng dẫn di chuyển, phòng tránh.

    4. Khi phát hiện có hiện tượng thiên tai trên biển, thông báo ngay cho Đài thông tin Duyên hải Việt Nam và hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng để các cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai đề ra những biện pháp xử lý kịp thời.

     

    Chương IV

    ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 14. Tổ chức thực hiện

    Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Quy chế này.

    Trong quá trình thực hiện Quy chế này nếu có khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

     

    THỦ TƯỚNG

    Nguyễn Tấn Dũng  

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Phụ lục I

    SƠ ĐỒ KHU VỰC THEO DÕI VÀ CẢNH BÁO, DỰ BÁO THIÊN TAI
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 133/2009/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2009

    của Thủ tướng Chính phủ)

     

    Chú thích:

    j Bắc Vịnh Bắc Bộ                                            k Nam Vịnh Bắc Bộ

    l Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi         m Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận

    n Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau             o Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang

    p Vịnh Thái Lan                                                 q Bắc Biển đông

    r Giữa Biển Đông                                              s Nam Biển đông

     

     

     

     

     

    Phụ lục II

    SƠ ĐỒ HỆ THỐNG THÔNG TIN CẢNH BÁO, DỰ BÁO THIÊN TAI TRÊN BIỂN
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 133/2009/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2009

    của Thủ tướng Chính phủ)

     

    Thông tin chính thức

    Thông tin bổ sung

    Thông tin phục vụ điều hành, chỉ đạo, phối hợp

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Phụ lục III

    DANH SÁCH CƠ QUAN ĐƯỢC CUNG CẤP BẢN TIN THIÊN TAI TRÊN BIỂN
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 133/2009/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2009

    của Thủ tướng Chính phủ)

     

    TT

    Cơ quan nhận bản tin

    Cơ quan cấp bản tin

    1

    2

    3

    4

    5

    6

    7

    8

    9

    10

    11

    12

    13

    14

    Văn phòng Trung ương Đảng

    Văn phòng Chính phủ

    Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương

    Bộ Quốc phòng

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

    Bộ Giao thông vận tải

    Bộ Thông tin và Truyền thông

    Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn

    Đài Tiếng nói Việt Nam

    Đài Truyền hình Việt Nam

    Thông tấn xã Việt Nam

    Báo Nhân dân

    Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

    Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam

    Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chuyển tin đến

    15

    16

    17

    Văn phòng Tỉnh ủy

    Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

    Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh

    Các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực hoặc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh chuyển tin đến

    18

    19

    20

    21

    Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

    Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh

    Báo hàng ngày của tỉnh

    Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh

    22

    Các cơ quan khác

    Theo thỏa thuận với cơ quan cấp bản tin

     

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản thay thế (01)
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 133/2009/QĐ-TTg Quy chế thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:133/2009/QĐ-TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:03/11/2009
    Hiệu lực:20/12/2009
    Lĩnh vực:Lĩnh vực khác, Tài nguyên-Môi trường
    Ngày công báo:15/11/2009
    Số công báo:521 & 522 - 11/2009
    Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày hết hiệu lực:01/10/2014
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X