hieuluat

Sắc lệnh ấn định thẩm quyền Toà án và sự phân công giữa các nhân viên Toà án

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Chủ tịch nướcSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:51Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Sắc lệnhNgười ký:Hồ Chí Minh
    Ngày ban hành:17/04/1946Hết hiệu lực:30/04/1975
    Áp dụng:Đang cập nhậtTình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Đang cập nhật
  • SắC LệNH

    SẮC LỆNH

    CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
    SỐ 51 NGÀY 17 THÁNG 4 NĂM 1946

     

    Chiểu Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 1 năm 1946 tổ chức các toà án và các ngạch thẩm phán;

    Chiểu lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

    Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận;

    RA SẮC LỆNH:

     

    Điều thứ 1: Trong toàn cõi Việt Nam các toà án Việt Nam có thẩm quyền đối với mọi người, bất cứ quốc tịch nào.

    Điều thứ 2: Thẩm quyền các toà án và sự phân công giữ các nhân viên ấn định như sau này:

     

    CHƯƠNG THỨ NHẤT - THẨM QUYỀN CÁC TOÀ ÁN

     

    TIẾT THỨ NHẤT - BAN TƯ PHÁP Xà

     

    Điều thứ 3: Thẩm quyền ban tư pháp xã đã ấn định rõ trong Điều thứ 3 Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 1 năm 1946.

     

    Điều thứ 4: Ban tư pháp xã hoà giải tất cả các việc hộ và thương mại do các người đương sự muốn mang ra trước ban tư pháp ấy.

    Biên bản hoà giải thành chỉ có hiệu lực tư chứng thư.

     

    TIẾT THỨ NHÌ - TOÀ ÁN SƠ CẤP

    Điều thứ 5: Về hình sự, toà án sơ cấp có quyền xử:

    A- Chung thẩm:

    1- Những án phạt bạc từ 0 đ 50 đến 9 đ 00,

    2- Những án xử bồi thường từ 150 đ trở xuống do nguyên cáo bị thiệt hại trong một vụ vi cảnh thỉnh cầu trong đơn khiếu, hay chậm nhất lúc việc vi cảnh đem ra phiên toà xử.

    B- Sơ thẩm:

    1- Những án phạt giam từ 1 đến 5 ngày,

    2- Những án xử bồi thường quá 150 đ hoặc những việc xin bồi thường quá số tiền ấy, mà nguyên đơn thỉnh cầu trong đơn khiếu hay chậm nhất, lúc việc vi cảnh đem ra phiên toà xử.

    Điều thứ 6: Về dân sự và thương sự, Toà án sơ cấp có quyền xử:

    A- Chung thẩm:

    1- Những việc kiện dân sự, thương sự về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định không quá 150 đ.

    2- Những việc kiện về các khoản lệ phí đã phát sinh ra trước toà án ấy không cứ giá ngạch nào.

    B- Sơ thẩm:

    Những việc dân sự hay thương sự về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định trên 150đ, nhưng dưới 450 đ.

    Điều thứ 7: Khi nào một bên nguyên cáo kiện một bên bị cáo mà cùng trong việc kiện có nhiều sự thỉnh cầu, nếu giá ngạch những sự thỉnh cầu cộng lại quá 450đ, thì ông thẩm phán sơ cấp không có thẩm quyền.

    Điều thứ 8: Khi nào ông thẩm phán sơ cấp thụ lý một việc kiện, nếu chiểu theo giá ngạch trong đơn trình, có quyền chung thẩm, mà lúc xét xử, lại nhận được đơn phản tố hay đơn xin đối khẩu, thì tuỳ giá ngạch những đơn này có quá số chung thẩm, ông thẩm sơ cấp đối với tất cả việc kiện cũng có quyền chung thẩm.

     

    Điều thứ 9: Khi nhận được đơn khiếu về dân sự hay thương sự, ông thẩm phán sơ cấp phải đòi hai bên đến để thử làm hoà giải. Biên bản hoà giải có hiệu lực công chứng thư.

     

    TIẾT THỨ BA - TOÀ ÁN ĐỆ NHỊ CẤP

    Điều thứ 10: Về hình sự, toà án đệ nhị cấp có quyền xử:

    A- Chung thẩm:

    Những án vi cảnh của toà án sơ cấp bị kháng cáo.

    B- Sơ thẩm:

    Những việc tiểu hình và đại hình. Những việc tiểu hình là những việc có thể bị phạt tù từ 6 ngày đến 5 năm, hay phạt bạc trên 9 đ 00.

     

    Điều thứ 11: Về dân sự và thương sự, toà án đệ nhị cấp có quyền xử:

    A- Chung thẩm:

    1- Những án của toà sơ cấp bị kháng cáo,

    2- Những việc kiện về bất động sản mà giá ngạch theo thời giá, hôm khởi tố hay theo văn tự không quá 150 đ,

    3- Những việc kiện về động sản mà giá ngạch trên 450 đ nhưng dưới 750 đ.

    B- Sơ thẩm:

    1- Những việc kiện về bất động sản mà giá ngạch theo thời giá, hôm khởi tố, hay theo văn tự trên 150 đ,

    2- Những việc kiện về động sản mà giá ngạch trên 750 đ,

    3- Những việc kiện không thể định trước được giá ngạch,

    4- Những việc kiện không cứ giá ngạch là bao nhiêu, mà phải có án nghị về thẩm quyền,

    5- Những việc kiện có quan hệ đến thân phận hay căn cước của người, hoặc về vấn đề tế tự.

     

    Điều thứ 12: Những việc kiện dân sự và thương sự thuộc về thẩm quyền của toà án đệ nhị cấp đều phải giao trước về cho ông thẩm phán sơ cấp thử hoà giải.

     

    TIẾT THỨ TƯ - TOÀ THƯỢNG THẨM

    Điều thứ 13: Toà Thượng thẩm có quyền xét xử: những việc kháng cáo án sơ thẩm của các toà đệ nhị cấp.

    Phòng luận tội toà Thượng thẩm họp ít nhất mỗi tuần lễ một lần, để xét xử việc kháng cáo những mệnh lệnh của các ông dự thẩm.

     

    CHƯƠNG THỨ NHÌ - PHÂN CÔNG GIỮA CÁC NHÂN VIÊN TRONG TOÀ ÁN

     

    TIẾT THỨ NHẤT - BAN TƯ PHÁP Xà

     

    Điều thứ 14: Việc phân công trong ban tư pháp xã và nhiệm vụ tư pháp cảnh sát của ban này đã ấn định rõ trong Điều 2, 4, 5, 6 Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946.

     

    TIẾT THỨ HAI - TOÀ ÁN SƠ CẤP

     

    Điều thứ 15: Ông thẩm phán sơ cấp kiêm phụ trách tư pháp cảnh sát trong địa hạt mình, dưới quyền chỉ huy của ông Biện lý.

    Nhiệm vụ tư pháp cảnh sát của ông thẩm phán sơ cấp gồm có:

    1- Nhiệm vụ thi hành các mệnh lệnh của ông Biện lý và của các Toà án khác uỷ thác cho.

    2- Nhiệm vụ điều tra về mặt hình: Mỗi khi một việc tiểu hình hay đại hình phát sinh ra trong địa hạt mình, ông thẩm phán sơ cấp lập tức báo ông biện lý toà án tỉnh biết và có phận sự phải chiểu theo luật hiện hành, lập tức điều tra.

     

    Điều thứ 16: Ông thẩm phán sơ cấp có quyền được đòi gọi thẳng binh lực để giúp việc mình trong khi thừa hành chức vụ.

     

    TIẾT THỨ BA - TOÀ ÁN ĐỆ NHỊ CẤP

    MỤC A - NHIỆM VỤ CỦA ÔNG CHÁNH ÁN

     

    Điều thứ 17: Ông chánh án chủ toạ những phiên toà công khai và xử những vụ kiện mà ông đã thụ lý theo luật hiện hành. Ông có nhiệm vụ điều khiển cuộc thẩm vấn và bảo vệ trật tự phiên toà. Ông chánh án điều khiển và kiểm soát công việc các thẩm phán xử án và dự thẩm trong toà án. Ông có thể uỷ thác các ông thẩm phán xử án một phần những vụ kiện mà ông đã thụ lý. Tuy thế, các thẩm phán và dự thẩm được tự do định đoạt trong các việc xét xử thuộc phạm vi của mình.

    Ông Chánh án có quyền điều khiển và kiểm soát tất cả nhân viên khác trong toà án trừ các thẩm phán buộc tội.

     

    Điều thứ 18: Ông chánh án, nếu cần, có thể mở phiên toà ngoài trụ sở của Toà án, ở các nơi xa cách toà.

     

    MỤC B - NHIỆM VỤ CỦA ÔNG DỰ THẨM

     

    Điều thứ 19: Ông dự thẩm giữ công việc thẩm cứu do luật lệ ấn định và thụ lý do các duyên cơ sau này:

    - Hoặc do khởi tố trạng của ông biện lý.

    - Hoặc do đơn của người đứng dân sự nguyên cáo.

    Trong trường hợp ấy, khi phòng dự thẩm xét cuộc thẩm cứu đã đầy đủ thì giao hồ sơ sang ông biện lý.

    Điều thứ 20: Ông dự thẩm cũng là một phụ trách tư pháp cảnh sát trong quản hạt Toà án mình.

     

    MỤC C - NHIỆM VỤ CỦA ÔNG BIỆN LÝ

    I- NHIỆM VỤ TƯ PHÁP CẢNH SÁT:

     

    Điều thứ 21: Dưới quyền kiểm soát của ông Chưởng lý, ông Biện lý điều khiển công việc và giám sát hành động ban tư pháp cảnh sát trong quản hạt mình. Để thi hành nhiệm vụ này, ông biện lý có quyền nhận những đơn khởi tố của tư nhân, hay biên bản của các ban tư pháp cảnh sát lập ra. Những phụ trách tư pháp cảnh sát là: Dự thẩm, Biện lý, các thẩm phán sơ cấp, các cảnh sát trưởng, trưởng ban tư pháp ty công an, những kiểm soát viên ngạch kiểm lâm, hoả xa, thương chính v. v... mà luật pháp giao phó cho nhiệm vụ tư pháp cảnh sát.

    Đối với những việc này, ông biện lý có quyền: hoặc đình cứu nhưng sẽ báo cho sự chủ biết, hoặc đưa ra phiên toà xử, hay đưa ra phòng dự thẩm thẩm cứu.

     

    II- NHIỆM VỤ CÔNG TỐ

     

    Điều thứ 22: Dưới quyền kiểm soát của ông Chưởng lý, ông Biện lý thi hành quyền công tố trước toà án đệ nhị cấp. Ông Biện lý phải báo ngay cho ông chưởng lý biết các việc có ảnh hưởng đến trật tự chung đã phát sinh ra trong quản hạt mình.

     

    Điều thứ 23: Để thi hành nhiệm vụ công tố, ông biện lý có thể áp dụng một trong những thể thức sau này:

    1- Nếu là một vụ tiểu hình, và nếu xét ra cuộc điều tra của các ông thẩm phán sơ cấp, hoặc của các phụ trách tư pháp cảnh sát đã đem đủ tài liệu để truy tố mà bị can không cần phải giam cứu, ông biện lý có thể cho trát gọi thẳng bị can ra xét xử tại một phiên toà tiểu hình gần nhất.

    2- Nếu là một việc tiểu hình, mà lại là một việc phạm pháp quả tang, ông biện lý phải hỏi cung ngay bị can, và có thể hạ trát tống giam rồi đưa bị can ra xét xử tại một phiên toà tiểu hình gần nhất.

    3- Ông biện lý sẽ làm khởi tố trạng chuyên giao hồ sơ sang phòng dự thẩm để thẩm cứu, trong những trường hợp sau này:

    - Nếu là một việc đại hình,

    - Nếu bị can là người vị thành niên,

    - Nếu bị can, vì các tiền án, có thể bị phát vãng,

    - Nếu xét ra cần phải mở một cuộc thẩm cứu kỹ lưỡng hơn.

    Trong thời kỳ thẩm cứu, ông Biện lý cũng như bên bị can và bên dân sự nguyên cáo, có quyền yêu cầu ông Dự thẩm thi hành tất cả các phương sách cần thiết để chứng tỏ sự thật.

    Khi cuộc thẩm cứu đã kết liễu, và khi tiếp nhận được hồ sơ do ông dự thẩm chuyển sang thì trong hạn 3 ngày, ông biện lý sẽ làm quyết tố trạng ra mệnh lệnh hoặc tạm đình cứu, hoặc miễn tố vô thẩm quyền, hoặc đưa việc kiện ra xét xử tại một phiên toà vi cảnh, tiểu hình, hay đại hình.

    4- những nơi nào, có thừa phát lai, những người bị thiệt hại có thể đừng khởi tố bằng dân trát; ông biện lý sẽ đứng phụ tố lúc việc đưa ra toà. Trong trường hợp ấy, những phương sách cần thi hành để chứng tỏ sự thật đều do người bị thiệt hại phải làm và ứng tiền phí tồn.

    Điều thứ 24: Ông biện lý, cũng như những người đương sự, có quyền kháng cáo những mệnh lệnh của ông dự thẩm, trừ mệnh lệnh đưa ra toà.

    Tạm thời, sự kháng cáo những mệnh lệnh của ông dự thẩm sẽ xử sau:

    a) Nếu ông dự thẩm tạm giữ bị cáo quá hạn 1 tháng khi nào là khinh tội, hay 3 tháng khi nào là trọng tội nói ở Sắc lệnh số 40 ngày ngày 29 tháng 3 năm 1946 về việc bảo đảm tự do cá nhân, thì việc kháng cáo của bị cáo sẽ do phòng luận tội của toà thượng thẩm xét.

    b) Còn trong các trường hợp khác, các mệnh lệnh của dự thẩm tạm thi hành, nhưng sẽ phải đem ra toà xét xử cùng với vụ kiện chính, khi việc dự thẩm kết liễu.

    Nếu toà án xét ra việc nguyên đơn kháng cáo mệnh lệnh của ông dự thẩm có tính cách toa tụng, thì toà án sẽ xử nguyên đơn phải bồi thường cho bị cáo.

    Điều thứ 25: Trước khi mang một việc ra toà xử, ông biện lý có nhiệm vụ phải đem tất cả các vật chứng cùng đòi các người đương sự và nhân chứng đôi bên, để toà có thể bằng cứ vào đó mà xét xử được.

     

    Điều thứ 26: Ông biện lý bó buộc phải có mặt tại các phiên toà hình và hộ. Khi ra phiên toà, ông biện lý cũng như bên bị cùng bên dân sự nguyên cáo, có quyền yêu cầu toà thi hành mọi phương sách cần thiết để chứng tỏ sự thật.

    Khi cuộc thẩm vấn ở phiên toà xong rồi, ông biện lý thay mặt xã hội buộc tội bị can. Bao giờ ông biện lý cũng nói sau dân sự nguyên cáo. Bên bị can được nói sau cùng, trước khi toà tuyên án. Toà không bắt buộc phải xử theo lời yêu cầu của ông biện lý.

     

    Điều thứ 27: Trong khi điều khiển cuộc thẩm vấn và bảo vệ trật tự phiên toà, nếu ông chánh án ra mệnh lệnh gì, thì ông biện lý sẽ cho thi hành cấp tốc những mệnh lệnh đó.

    Điều thứ 28: Về việc hình, khi án đã tuyên ra rồi, ông biện lý cũng như những người đương sự có quyền kháng cáo.

     

    Điều thứ 29: Ông biện lý có nhiệm vụ thi hành những án đã có tư pháp hiệu lực.

     

    Điều thứ 30: Về mặt hộ, ông biện lý có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các vị thành niên, của các người bị cấm quyền cùng của các pháp nhân hành chính. Ông Biện lý có nhiệm vụ phải can thiệp vào những việc quan hệ đến thân phân và căn cước cùng vào những việc mà pháp luật bắt buộc phải có ý kiến công tố viên.

    Điều thứ 31: Ông Biện lý đảm nhiệm công việc quản trị Toà án, điều khiển và kiểm soát công việc của tất cả các nhân viên trong toà trừ các vị thẩm phán xử án.

    Ông Biện lý kiểm soát công việc quản trị lao tù trong quản hạt Toà án mình.

     

    Điều thứ 32: Ông Biện lý có nhiệm vụ khám xét sổ sách cùng ngân quỹ của các phòng công lại.

    Ông Biện lý còn có nhiệm vụ khám xét các sổ hộ tịch trong quản hạt mình.

     

    MỤC D - NHIỆM VỤ CỦA ÔNG PHÓ BIỆN LÝ

    Điều thứ 33: Các Phó Biện lý thuộc quyền điều khiển và kiểm soát của ông biện lý. Các Phó Biện lý phải triệt để theo lệnh của ông Biện lý, nhưng khi ra phiên toà công khai, các phó biện lý, một khi đã đệ bản kết luận viết theo lệnh trên, có thể kết luận miệng theo ý riêng của mình.

     

    MỤC Đ - CÁCH PHÂN CÔNG TRONG TOÀ ÁN KHI
    KHÔNG ĐỦ SỐ THẨM PHÁN

     

    Điều thứ 34: Khi nào toà án chỉ có một ông thẩm phán, vị này sẽ kiêm tất cả các chức vụ chánh án, biện lý và dự thẩm.

     

    Điều thứ 35: Nếu toà án có hai ông Thẩm phán: một vị sẽ giữ chức chánh án, còn một vị sẽ giúp ông chánh án, hoặc ngồi ghế công tố viên, hoặc giữ chức dự thẩm, hoặc xử án. Việc phân công này sẽ do ông chánh án định đoạt tuỳ theo sự nhu cầu của công việc trong toà án.

     

    TIẾT THỨ TƯ - TOÀ THƯỢNG THẨM

    MỤC A - NHIỆM VỤ CỦA ÔNG CHÁNH NHẤT

     

    Điều thứ 36: Cứ sáu tháng một lần, ông chánh nhất có nhiệm vụ cắt đặt các hội thẩm vào các phòng trong toà thượng thẩm, sau khi hỏi đã ý kiến các ông chánh án phòng, vị hội thẩm cao cấp nhất và ông chưởng lý. Trong việc đó, ông chánh nhất cũng phân chia cả công việc cho các ông Chánh án phòng nữa. Ông chánh nhất có quyền ấn định ngày tháng, và giờ các phiên toà, nghỉ hè của toà thượng thẩm, sau khi theo thủ tục nói trên.

     

     

    MỤC B - NHIỆM VỤ CÁC ÔNG CHƯỞNG LÝ

    PHÓ CHƯỞNG LÝ VÀ THAM LÝ

     

    Điều thứ 37: Ông Chưởng lý điều khiển, phân phát công việc cho các Phó Chưởng lý và Tham lý.

    Điều thứ 38: Ông Chưởng lý và các Thẩm phán trong công tố viện có quyền phát ngôn ở những phiên toà hộ và hình toà thượng thẩm.

    Điều thứ 39: Về những việc hệ trọng và khó khăn, ông Phó Chưởng lý hay Tham lý, sau khi đã xét phải trình ông chưởng lý bút lục và lời kết luận của mình về những việc đó. Còn những việc khác khi nào ông Chưởng lý muốn biết đến ông Phó Chưởng lý hay Tham lý cũng phải làm như trên.

     

    Điều thứ 40: trong quản hạt toà thượng thẩm mình, ông Chưởng lý phải trông nom việc thi hành các đạo luật, sắc lệnh và quy tắc hiện hành. Ông có nhiệm vụ phải đốc thúc việc chấp hành những án văn khi có những khoản liên can đến trật tự chung.

    Ông Chưởng lý có quyền trưng cầu binh lực trong những trường hợp và theo những thủ tục do luật pháp ấn định.

    Ông chưởng lý phải trông nom giữ gìn trật tự các toà án cùng là kiểm soát hành động của tất cả các nhân viên ban tư pháp cảnh sát kỳ.

    Ông Chưởng lý có quyền kiểm soát các công lại trong quản hạt tòa án mình và có phận sự báo cho ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp biết tất cả những việc gì có liên can đến quan kỷ của chánh lục sự, lục sự, thư ký, công chứng viên, luật sư v.v...

    Ông Chưởng lý trông nom và đệ lên ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp những hồ sơ xin ân xá hay xin phóng thích.

    Điều thứ 41: Về bên hộ, dưới quyền điều khiển của ông Chưởng lý, các thẩm phán trong công tố viện có quyền đứng làm chánh tố trong những trường hợp do luật lệ định trước.

     

    CHƯƠNG THỨ BA - TỔNG TẮC

     

    Điều thứ 42: Những luật lệ hiện hành vẫn giữ nguyên như cũ, trừ những điều khoản trái với Sắc lệnh này cùng trái với chủ quyền và chính thể Dân chủ cộng hoà của nước Việt Nam.

    Tại Trung kỳ, các toà án cấp trên sẽ không duyệt xử những án cấp dưới như trước nữa, nếu không có sự kháng cáo của người đương sự hay của công tố viện.

     

     

    Điều thứ 43: Thủ tục về việc đại hình thi hành cũng như thủ tục về việc tiểu hình.

    Duy những việc đại hình nào đã có án của phòng luận tội chuyển đưa ra trước toà án đại hình cũ, thì nay sẽ mang thẳng ra phòng đại hình toà thượng thẩm xét theo thủ tục cũ.

    Những việc nào trước kia toà đại hình xử vắng mặt thời một khi bắt được phạm nhân cũng sẽ đem ra trước phòng đại hình toà thượng thẩm phúc lại theo thủ tục cũ.

    Điều thứ 44: Tạm thời ở những nơi nào có toà án biệt lập thì ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố lập một danh sách từ 40 đến 60 người, chọn trong nhân dân tỉnh để làm phụ thẩm nhân dân, sau khi nói ý kiến ông Biện lý.

    những nơi nào chưa có Toà án biệt lập, thì việc xét xử việc tiểu hình và đại hình vẫn theo Sắc lệnh số 22-B ngày 18 tháng 2 năm 1946.

    Điều thứ 45: Việc thi hành Sắc lệnh này và Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946 sẽ do Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định.

    Điều thứ 46: Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, chịu uỷ nhiệm thi hành.

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Sắc lệnh ấn định thẩm quyền Toà án và sự phân công giữa các nhân viên Toà án (.zip)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X