hieuluat

Thông báo 173/TB-BGTVT kết luận tại Hội nghị công tác Thanh tra giao thông vận tải năm 2010

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Giao thông Vận tảiSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:173/TB-BGTVTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Nguyễn Văn Công
    Ngày ban hành:04/05/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:04/05/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Lĩnh vực khác, Giao thông
  • BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
    --------------

    Số: 173/TB-BGTVT

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    ----------------------

    Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2010

     

     

    THÔNG BÁO

    KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG HỒ NGHĨA DŨNG VÀ THỨ TRƯỞNG NGÔ THỊNH ĐỨC

    TẠI HỘI NGHỊ CÔNG TÁC THANH TRA GIAO THÔNG VẬN TẢI NĂM 2010

     

     

    Trong các ngày 30/3/2010 tại Hà Nội và ngày 09/4/2010 tại TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị công tác Thanh tra giao thông vận tải năm 2010 đã diễn ra do Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng và Thứ trưởng thường trực Ngô Thịnh Đức chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện các Vụ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, các đơn vị thuộc Bộ; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Lãnh đạo Ban Thanh tra, Đội Thanh tra thuộc Thanh tra Tổng cục, các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành; Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải và Đại diện Phòng An toàn & Thanh tra; Lãnh đạo Cảng vụ Hàng không và Đại diện Phòng Giám sát an toàn, Phòng Giám sát an ninh; Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Chánh Thanh tra và một số Đội trưởng Đội thanh tra.

    Sau khi nghe Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng hợp, đánh giá công tác thanh tra năm 2009, trọng tâm công tác năm 2010; ý kiến phát biểu của các cơ quan, đơn vị dự Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải kết luận:

    1. Về công tác thanh tra năm 2009

    - Thực hiện kế hoạch công tác thanh tra và nhiệm vụ trọng tâm năm 2009, Thanh tra giao thông vận tải (GTVT) từ trung ương đến địa phương đã tiến hành 105.907 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý về kinh tế 18,8 tỷ đồng; phát hiện 187.772 vụ vi phạm, xử phạt 126.001 vụ vi phạm hành chính số tiền 94,5 tỷ đồng. Lực lượng Thanh tra GTVT toàn quốc đã nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và có nhiều kiến nghị hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Chất lượng của hoạt động thanh tra, kiểm tra đã có chuyển biến rõ rệt, nội dung chuyên sâu hơn trong việc thực hiện tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm của ngành, không làm thay các công việc của cơ quan, đơn vị quản lý.

    Qua thanh tra, các tổ chức Thanh tra GTVT đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về giao thông vận tải; yêu cầu các đơn vị, cá nhân và các địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

    - Tuy nhiên, công tác thanh tra còn một số mặt hạn chế cần khắc phục, như: công tác chỉ đạo của Thủ trưởng một số đơn vị và địa phương đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành chưa đầy đủ theo nhiệm vụ được giao; còn có tổ chức Thanh tra GTVT chưa thực hiện cuộc thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm; việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra còn vướng mắc, có nhiều kiến nghị đối với địa phương trong công tác xử lý vi phạm hành lang chưa được thực hiện, công tác thanh tra việc chấp hành các biện pháp bảo đảm an toàn như vạch kẻ đường, biển báo hiệu… tại các thành phố lớn chưa được chú trọng.

    2. Trọng tâm công tác của Thanh tra giao thông vận tải năm 2010

    2.1. Về công tác thanh tra, kiểm tra:

    a) Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam và Giám đốc Sở GTVT bám sát yêu cầu quản lý nhà nước và chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra GTVT để chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giao thông vận tải, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

    b) Chánh Thanh tra các cấp tập trung triển khai thực hiện hoàn thành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2010 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó chú ý:

    - Khi tiến hành các cuộc thanh tra hành chính, Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, các Cục cần khảo sát, lực chọn đối tượng, nội dung thanh tra chính xác; khi tiến hành thanh tra phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định, các kết luận, biện pháp xử lý phải rõ ràng, như xử lý về hành chính, kinh tế, hoàn thiện thể chế chính sách, biện pháp quản lý; kết hợp công tác thanh tra hành chính với công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

    - Khi tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về giao thông vận tải (thanh tra chuyên ngành), Thanh tra giao thông vận tải các cấp cần tập trung thanh tra việc chấp hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình quy phạm về quản lý của ngành Giao thông vận tải; lựa chọn những nội dung, đối tượng điển hình để tiến hành thanh tra, kết luận và xử lý nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong các lĩnh vực giao thông vận tải. Khi tiến hành thanh tra chuyên ngành phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, xử lý tại chỗ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn ngay những hành vi vi phạm có thể ảnh hưởng, uy hiếp trực tiếp đến an toàn, an ninh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

    - Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Thanh tra GTVT các cấp tăng cường thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện tốt Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Tổ chức, cá nhân (kể cả chính quyền cơ sở) bao che, dung túng cho hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

    c) Tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

    d) Triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông vận tải và các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

    2.2. Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:

    a) Thủ trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục, Vụ, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải tổ chức nghiên cứu và triển khai thực hiện nghiêm chỉnh Luật khiếu nại, tố cáo; Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo; Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Giao thông vận tải ban hành kèm theo Quyết định 35/2008/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

    Tiếp tục thực hiện Kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện Thông báo Kết luận số 130/KL-TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị: Kế hoạch 345/KH-TTCP ngày 06/3/2008 và Kế hoạch 319/KH-TTCP ngày 20/02/2009 của Thanh tra Chính phủ. Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ để giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh và tồn đọng, kéo dài.

    b) Khi có khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải tiến hành giải quyết; không để khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Khi ra quyết định hành chính phải thận trọng, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhằm hạn chế khiếu kiện của tổ chức và công dân.

    3. Công tác hoàn thiện thể chế, tuyên truyền và xây dựng lực lượng Thanh tra giao thông vận tải

    a) Thanh tra Bộ Giao thông vận tải:

    - Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho Thanh tra giao thông vận tải tổ chức và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

    - Triển khai thực hiện “Đề án tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 05/3/2010 (Đề án 321) bảo đảm tiến độ.

    - Tăng cường kiểm tra việc sử dụng biên chế; quản lý tiêu chuẩn chức danh Thanh tra viên giao thông vận tải trong toàn quốc; tăng cường công tác đào tạo về nghiệp vụ thanh tra.

    - Phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng làm việc với Bộ Xây dựng để giải quyết những vướng mắc trong công tác thanh tra đối với công trình giao thông đô thị.

    - Phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu triển khai dự án 2 thuộc Đề án 321, trong đó chú ý xây dựng Trung tâm lưu trữ thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải.

    - Phối hợp với các Vụ liên quan xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực chuyên ngành giao thông vận tải. Trong khoảng thời gian cuối Quý II, đầu Quý III/2010 phối hợp với Vụ An toàn giao thông tổ chức biên tập tài liệu, tổ chức triển khai và tập huấn nghiệp vụ thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ.

    - Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 576/QĐ-BGTVT ngày 09/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; lập kế hoạch kinh phí để duy trì trang Website của Thanh tra giao thông vận tải nhằm phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chỉ đạo hoạt động Thanh tra giao thông vận tải.

    b) Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam và Giám đốc Sở GTVT chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh công tác xây dựng lực lượng thanh tra theo đúng Thông tư 02/2008/TT-BGTVT ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số quy định về thanh tra viên, cộng tác viên và việc cấp thẻ kiểm tra giao thông vận tải, trong đó chú ý công tác tuyển dụng, bố trí cán bộ, chuyển ngạch, bổ nhiệm thanh tra viên để phục vụ hoạt động nghiệp vụ.

    4. Một số nội dung khác liên quan

    - Giao Vụ Kết cấu hạ tầng chủ trì phối hợp với Vụ An toàn giao thông và các cơ quan liên quan tham mưu chỉ đạo các đơn vị khắc phục ngay những hạn chế về cơ sở hạ tầng làm mất an toàn giao thông, như: tăng cường các biện pháp kỹ thuật để xử lý các đường ngang giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, biển báo hiệu giao thông, vạch kẻ đường, gờ giảm tốc tại các thành phố lớn.

    - Giao Cục Hàng không Việt Nam có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các quy tắc về hàng không dân dụng nhằm giảm thiểu các vi phạm, uy hiếp đến an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt là tại nhà ga, sân bay.

    - Giao Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam báo cáo cụ thể những chồng chéo về công tác quản lý luồng, cảng, bến và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong tuyến đường thủy nội địa; Thanh tra Bộ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, giải quyết.

    - Giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu hướng dẫn để xác định phương tiện vận chuyển hành khách ngang sông, đặc biệt là các loại phương tiện tương tự như phà; khổ giới hạn của phương tiện thủy khi đi qua các kênh có chiều rộng hạn chế.

    Thừa lệnh Lãnh đạo Bộ, Văn phòng Bộ GTVT xin thông báo để các đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

     

    Nơi nhận:
    - Bộ trưởng (để báo cáo);
    - TT. Thường trực Ngô Thịnh Đức (để báo cáo);
    - Các đơn vị dự họp;
    - Website Bộ GTVT, Thanh tra GTVT;
    - Lưu: VT, TTr.

    TL. BỘ TRƯỞNG
    CHÁNH VĂN PHÒNG




    Nguyễn Văn Công

     

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X