Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 57/TB-VPCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Trần Quốc Toản |
Ngày ban hành: | 23/02/2009 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 23/02/2009 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác, Chính sách |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 57/TB-VPCP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 30A/2008/NQ-CP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG ĐỐI VỚI 61 HUYỆN NGHÈO
Ngày 12 tháng 02 năm 2009, tại thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
Sau khi nghe lãnh đạo các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng báo cáo kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và phân công theo dõi, giúp đỡ huyện nghèo; hướng dẫn xây dựng Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện; hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất lâm, nông nghiệp đối với các huyện nghèo; ý kiến của đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý kiến của đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan, các tỉnh và các huyện nghèo, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, công tác xoá đói giảm nghèo ở nước ta đã đạt thành tựu lớn, bảo đảm ổn định chính trị và an ninh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là vùng đông bào dân tộc thiểu số, với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước đã giảm nhanh từ 60% (năm 1990) xuống còn 13,1% (năm 2008), được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Xoá đói giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài và khó khăn, trong những năm qua Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, nay tập trung thực hiện đồng bộ đối với cấp huyện, mà trọng điểm là hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo nhất; đồng thời, tạo điều kiện để phát triển mạnh kinh tế tạo nguồn lực để thực hiện toàn diện mục tiêu giảm nghèo. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, vì thực hiện trên các địa bàn có địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí thấp, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế… đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện quyết liệt.
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo có ý nghĩa to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng, thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp xoá đói giảm nghèo. Do đó, cần quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết, thống nhất các biện pháp cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình. Trong quá trình thực hiện, các Bộ, ngành phải khẩn trương triển khai các chính sách đã có, vừa làm, vừa đổi mới phương pháp thực hiện, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách; đồng thời, phải chủ động phối hợp với các tỉnh, các huyện với sự đồng thuận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, huy động các đoàn thể chinh trị - xã hội và đông đảo nhân dân cùng làm, cùng rút kinh nghiệm, bảo đảm thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững để đạt được mục tiêu đến năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện này xuống dưới 40%, từ năm 2015 - 2020, phấn đấu nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của hộ nghèo đạt mức trung bình của khu vực, thu nhập tăng gấp 5 - 6 lần so với hiện nay.
Sau Hội nghị này, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh có các huyện nghèo cần tập trung triển khai thực hiện các công việc sau:
1. Về công tác chỉ đạo, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện:
a) Trong tháng 3 năm 2009, các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP để các địa phương triển khai thực hiện thuận lợi.
b) Thành lập các nhóm công tác liên ngành, do Thứ trưởng của các Bộ, ngành có liên quan làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và cùng Ủy ban nhân dân tỉnh có huyện nghèo hướng dẫn các huyện xây dựng đề án Giảm nghèo cấp huyện trên địa bàn;
c) Ở cấp tỉnh, phải coi Chương trình là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những nhiệm vụ cấp bách triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về Nông nghiệp, nông dân và nông thôn của địa phương, cần chỉ đạo chặt chẽ và có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo kết hợp với chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; phân công cán bộ tham gia cùng tổ công tác hướng dẫn các huyện xây dựng đề án Giảm nghèo và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình; chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện thành lập ngay Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình với sự tham gia của cấp uỷ Đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời xây dựng đề án Giảm nghèo của huyện theo nội dung Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
Các huyện phải coi việc xây dựng đề án Giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, cần khẩn trương thực hiện để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện trên địa bàn.
2. Về xây dựng đề án Giảm nghèo trên địa bàn huyện:
a) Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo có nội dung tương đối toàn diện và thực hiện từ nay đến năm 2020 trên địa bàn xã và huyện nghèo.
- Mục tiêu của đề án Giảm nghèo cấp huyện cần bám sát mục tiêu của Chương trình và lồng ghép có hiệu quả với các Chương trình, dự án khác có liên quan đến mục tiêu giảm nghèo đang triển khai trên địa bàn;
- Cần căn cứ vào đặc thù riêng của cấp huyện, xã để xây dựng nội dung đề án Giảm nghèo cho phù hợp và thực hiện có hiệu quả;
- Đối với các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án và các công trình như xây dựng cửa khẩu, trụ sở làm việc của xã và làm đường giao thông... trên địa bàn các huyện nghèo đã và sẽ có chương trình, dự án riêng, trong đó có các khoản đã được ghi trong kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2009 của Bộ, ngành, cần tiếp tục ưu tiên bố trí vốn, tăng cường chỉ đạo để hoàn thành sớm.
b) Đề án Giảm nghèo cấp huyện là chương trình dài hạn, nên không cầu toàn mà phải khẩn trương thực hiện ngay những chính sách có thể làm trước và phê duyệt những việc cần phải triển khai sớm; đề án của huyện nào được phê duyệt trước, những chính sách, những việc chuẩn bị xong trước thì bố trí kinh phí thực hiện ngay, không chờ xong toàn bộ và chậm nhất đến ngày 01 tháng 4 năm 2009 tất cả các huyện, các chính sách và công việc phải được triển khai thực hiện; đồng thời, trong quá trình thực hiện cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, trước hết là cho giai đoạn từ nay đến 2010.
3. Những nội dung cần tập trung thực hiện:
a) Đối với chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, phấn đấu hoàn thành chương trình hỗ trợ hộ nghèo chưa có nhà ở, nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 trong năm 2009 theo hướng:
- Xã chịu trách nhiệm rà soát, thống kê danh sách các hộ có nhà tạm, tranh tre, dột nát, bảo đảm đúng đối tượng, huyện phê duyệt và tổng hợp danh sách đối tượng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phân bổ kinh phí thực hiện.
- Việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thực hiện theo nguyên tắc: người dân tự làm với sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
- Nguồn kinh phí gồm ngân sách trung ương, hỗ trợ của doanh nghiệp, hỗ trợ của cộng đồng, Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ kinh phí đối với các địa phương có khó khăn. Việc thanh, quyết toán phải đơn giản: cán bộ xã, thôn xác nhận công trình đã hoàn thành và ký nhận phần vốn ngân sách cấp; không phải đấu thầu xây dựng và kiểm tra hoá đơn, chứng từ.
Bộ Xây dựng có nhiệm vụ hướng dẫn và cùng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện, phấn đấu từ nay đến ngày 02 tháng 9 năm 2009 hoàn thành 1 đợt và đến ngày 03 tháng 02 năm 2010 hoàn thành.
b) Đối với chính sách hỗ trợ sản xuất:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến địa bàn xã, hoàn thành việc quy hoạch giao, khoán rừng cho người dân làm cơ sở xây dựng đề án Giảm nghèo của 61 huyện; hướng dẫn cụ thể những chính sách hỗ trợ sản xuất đã quy định trong Nghị quyết.
- Khuyến khích phát triển chăn nuôi, mở mang nghề nghiệp, tuỳ theo điều kiện của vùng phát triển kinh tế tư nhân, sản xuất vừa và lớn, phát triển ngành nghề phụ...
c) Về phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, cần xây dựng trên cơ sở quy hoạch nông thôn mới, mục tiêu đến năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới về văn hoá, hạ tầng cơ sở, đời sống người dân được nâng cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành tiêu chí xây dựng nông thôn mới và ưu tiên triển khai trên địa bàn 61 huyện nghèo.
- Về thuỷ lợi: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn thực hiện việc xây dựng các công tình bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi... Các địa phương lên danh mục dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bố trí vốn thực hiện.
- Về giao thông, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về phát triển giao thông, chú ý quy hoạch đường giao thông lên miền núi; giao thông từ tỉnh về huyện, ưu tiên các huyện miền núi, đường đến xã, đường liên thôn, bản... thực hiện theo cơ chế Nhà nước và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm.
- Về giáo dục, căn cứ các danh mục đầu tư trong Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, lập dự án cụ thể; xây trường chuẩn cấp xã, thôn, bản, có nhà ở cho giáo viên, bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho học sinh và giáo viên.
- Về y tế: đẩy nhanh chương trình trái phiếu Chính phủ đầu tư y tế tuyến huyện; bảo đảm cơ sở vật chất để khám chữa bệnh, tỉnh lo bố trí y bác sỹ; nâng cấp trạm y tế xã...
- Lập kế hoạch xây dựng các công trình văn hoá, hướng dẫn thủ tục đơn giản, dễ thực hiện để huyện, xã tổ chức triển khai, tỉnh quy định chỉ định thầu tư vấn, thiết kế và xây lắp.
- Về hạ tầng phục vụ cơ sở sản xuất, cần thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tại các địa bàn khó khăn; hỗ trợ chi phí di dân đối với các dự án triển khai tại các huyện nghèo.
d) Về đào tạo dạy nghề: tập tung đào tạo nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động (phấn đấu đưa đi xuất khẩu lao động từ 100 - 800 người/huyện/năm), đào tạo các ngành nghề dịch vụ, xuất khẩu lao động, nông lâm nghiệp; gắn với việc thực hiện Đề án đào tạo 01 triệu lao động nông thôn; đào tạo khuyến nông, lâm tại chỗ.
Đối với cán bộ quản lý cơ sở, Bộ Nội vụ sớm ban hành chính sách luân chuyển cán bộ, ưu tiên thực hiện cử tuyển ở các huyện nghèo.
4. Các doanh nghiệp tập trung hỗ trợ các huyện theo các nội dung sau:
a) Hỗ trợ đào tạo nghề :
- Đào tạo nghề cho con em nhân dân tại các huyện nghèo vào làm việc lâu dài cho doanh nghiệp mình và các doanh nghiệp khác trên địa bàn;
- Đào tạo nghề, ký hợp đồng đưa đi xuất khẩu lao động;
- Hỗ trợ học bổng cho con em hộ nghèo đi học đại học, cao đẳng, học nghề . . .
b) Thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, công ty cổ phần trên địa bàn các huyện, thu hút lao động tại chỗ.
c) Hỗ trợ kinh phí để xoá nhà tạm, hư hỏng, dột nát cho hộ nghèo.
d) Tuỳ theo năng lực và nguồn kinh phí của doanh nghiệp mà thực hiện hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nhỏ, hệ thống thông tin, điện, nước, thiết bị, máy móc...
5. Về tổ chức thực hiện:
a) Tổ Công tác chỉ đạo xây dựng Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công tác lập đề án Giảm nghèo của các huyện.
b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình ở Trung ương, chịu tránh nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội lập các nhóm công tác liên ngành, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh có huyện nghèo hướng dẫn các huyện xây dựng đề án Giảm nghèo trên địa bàn;
- Chủ trì, phối hợp với Đảng uỷ Khối doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, giúp đỡ các huyện nghèo; tổng hợp đề nghị nhận hỗ trợ, giúp đỡ huyện nghèo của các doanh nghiệp và thông báo cho các doanh nghiệp và các tỉnh, huyện phối hợp triển khai thực hiện;
- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện, giám sát Chương trình, tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực; các cơ quan thông tin đại chúng khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyên truyền tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện Chương trình này;
- Hàng tháng phải tổng hợp báo cáo Chính phủ, 03 tháng tổ chức giao ban và hàng năm có sơ kết đánh giá thực hiện Chương trình.
c) Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan tích cực triển khai, đôn đốc các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên có các huyện nghèo thực hiện Chương trình này.
d) Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn các huyện nghèo.
đ) Các Bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008.
e) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan thực hiện, giám sát Chương trình; chủ trì, phối hợp vời các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ các huyện nghèo, xây dựng nông thôn mới; chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh giám sát, quản lý chặt chẽ kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, bảo đảm thực hiện hiệu quả và đúng đối tượng.
g) Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các hoạt động của các Bộ, ngành và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và địa phương biết và thực hiên./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo 57/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP
In lược đồCơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số hiệu: | 57/TB-VPCP |
Loại văn bản: | Thông báo |
Ngày ban hành: | 23/02/2009 |
Hiệu lực: | 23/02/2009 |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác, Chính sách |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Trần Quốc Toản |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |