Cơ quan ban hành: | Bộ Nội vụ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 04-TT/BNV(A18) | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Bùi Thiện Ngộ |
Ngày ban hành: | 27/03/1993 | Hết hiệu lực: | 01/07/2003 |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 04-TT/BNV(A18) NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 04/CP NGÀY 18-1-1993
CỦA CHÍNH PHỦ QUI ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH
NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, CƯ TRÚ, ĐI LẠI CỦA
NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Để thực hiện Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 21-2-1992 và Nghị định số 04-CP ngày 18-1-1993 của Chính phủ, Bộ nội vụ hướng dẫn cụ thể thêm đối với việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài không được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao cụ thể như sau:
I. NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH
1. Thủ tục xin cấp giấy phép nhập cảnh
a. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam làm thủ tục xin cấp giấy phép cho người nước ngoài vào Việt Nam tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Trung ương của Việt Nam nói tại khoản 2, Điều 1 của Nghị định, được qui định cụ thể như sau:
- Những người nước ngoài do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc thủ trưởng các đơn vị cơ sở được thủ trưởng cơ quan chủ quản nói trên uỷ quyền (theo qui định của Chính phủ) mời hoặc tiếp nhận vào Việt Nam; những người nước ngoài do các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, chi nhánh của các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân) mời vào để thực hiện các công việc trực tiếp phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với giấy phép thành lập doanh nghiệp đã được cấp, thì cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội của Nhà nước hoặc doanh nghiệp đó phải gửi văn bản đề nghị tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ văn bản đề nghị nói trên phải có đủ yếu tố cần thiết theo mẫu qui định, và đảm bảo có thời gian ít nhất 7 ngày cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét trả lời.
- Những người nước ngoài vào Việt Nam thăm dò khả năng, buôn bán, đầu tư, nhưng chưa có cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam mời hoặc tiếp nhận, hoặc xin vào để du học, chữa bệnh tự túc, du lịch, thăm thân nhân.v.v... thì đương sự có thể uỷ thác cho các tổ chức có giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ mời đón khách của Việt Nam (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các công ty dịch vụ tư vấn đầu tư, các công ty có giấy phép kinh doanh du lịch quốc tế) hoặc thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột) của mình đang thường trú tại Việt Nam làm thủ tục tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ xin cấp phép nhập cảnh Việt Nam. Thủ tục nói trên phải có đủ yếu tố cần thiết theo mẫu qui định, và đảm bảo có thời gian ít nhất 15 ngày cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét trả lời:
b. Trong trường hợp người nước ngoài đến cửa khẩu Việt Nam mà chưa có thị thực nhập xuất cảnh Việt Nam, thì giải quyết như sau:
- Trường hợp đã được Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ đồng ý cho nhận thị thực nhập cảnh Việt Nam tại cửa khẩu, thì được Trạm công an cửa khẩu hoặc đồn biên phòng cửa khẩu của Việt Nam (sau đây gọi chung là Trạm Công an cửa khẩu) cấp thị thực cho vào Việt Nam.
- Trường hợp chưa được Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ đồng ý cho nhập cảnh hoặc đã đồng ý cho nhập cảnh nhưng yêu cầu nhận thị thực ở nước ngoài, nếu đến cửa khẩu Việt Nam mà chưa có thị thực nhập cảnh Việt Nam, về nguyên tắc phải buộc tái xuất, nhưng nếu xét thấy thuộc diện vào Việt Nam khẩn cấp theo qui định, thì Trạm Công an cửa khẩu phải báo ngay về Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ xem xét nếu Cục Quản lý xuất nhập cảnh đồng ý cấp thị thực tại cửa khẩu thì thông báo cho Trạm Công an cửa khẩu thực hiện.
- Các trường hợp khác đến cửa khẩu chưa có thị thực, không thuộc diện qui định trên đây, đều không được giải quyết cho nhập cảnh Việt Nam.
Thị thực cấp tại cửa khẩu phải theo đúng nội dung cấp phép của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
c. Trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam mang hộ chiếu được miễn thị thực của nước có ký kết Hiệp định miễn thị thực với Chính phủ Việt Nam, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mời hoặc tiếp nhận (sau đây gọi chung là cơ quan chủ quản) không phải làm thủ tục xin cấp phép nhập cảnh, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Nội vụ (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) biết trước 7 ngày về mục đích, chương trình hoạt động và các yếu tố cần thiết có liên quan theo hướng dẫn của Cục Quản lý xuất nhập cảnh; người nước ngoài đó phải khai báo tên, địa chỉ cơ quan chủ quản như qui định tại khoản 1, Điều 1 của Nghị định và các chi tiết khác vào phiếu xuất nhập cảnh (theo mẫu qui định) tại Trạm Công an cửa khẩu nơi nhập cảnh Việt Nam.
d. Cơ quan chủ quản nói tại điểm a và c trên đây phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời mời, sự bảo lãnh tiếp nhận và việc đưa đón, quản lý khách hoạt động theo đúng mục đích, chương trình đã nêu khi gửi văn bản đề nghị hoặc thông báo với Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
2. Thủ tục xin cấp thị thực xuất cảnh đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam
- Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam muốn xin xuất cảnh Việt Nam phải làm thủ tục tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an tỉnh) nơi đăng ký thường trú theo qui định tại Điều 3 của Nghị định.
Thủ tục nói trên phải đủ yếu tố cần thiết theo mẫu qui định, và đảm bảo có thời gian ít nhất 3 ngày để Phòng Quản lý xuất nhập cảnh xem xét giải quyết.
Nếu người xin xuất cảnh không thuộc diện có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo qui định tại Điều 7 của Pháp lệnh, thì Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (nơi nhận hồ sơ) cấp thị thực cho đương sự xuất cảnh.
Trường hợp cá biệt người nước ngoài thường trú tại Việt Nam không có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu do không có quốc tịch hoặc do hộ chiếu, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hết giá trị mà chưa được nước mà người đó mang quốc tịch gia hạn, thì có thể được Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét quyết định cho cấp giấy phép xuất cảnh theo mẫu qui định.
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh thu hồi "Giấy chứng nhận thường trú" khi cấp thị thực, giấy tờ cho người nước ngoài thường trú định đi cư định cư ở nước khác. Trong thời gian chờ xuất cảnh Việt Nam, người nước ngoài thường trú được sử dụng hộ chiếu có thị thực xuất cảnh Việt Nam hoặc giấy phép xuất cảnh còn giá trị (kể cả khi được gia hạn) làm giấy tờ tuỳ thân. Nếu đương sự không xuất cảnh nữa hoặc vì lý do nào đó không xuất cảnh được, thì phải có đơn trình báo và xin cấp lại "Giấy chứng nhận thường trú" tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh nơi thường trú, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, cấp lại "Giấy chứng nhận thường trú" cho đương sự và huỷ thị thực xuất cảnh hoặc thu hồi giấy phép xuất cảnh đã cấp nếu còn giá trị.
3. Thủ tục xin gia hạn, sửa đổi, bổ sung thị thực Việt Nam
- Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam muốn được gia hạn hoặc sửa đổi, bổ sung thị thực Việt Nam phải làm đơn hoặc có văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản tại Việt Nam gửi cho Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh nơi người đó tạm trú hoặc gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ theo đúng thủ tục qui định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định.
Đơn hoặc văn bản nói trên phải có đủ yếu tố cần thiết theo mẫu qui định và đảm bảo có thời gian ít nhất 3 ngày để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (nơi tiếp nhận đơn, công văn) xem xét giải quyết.
Riêng trường hợp hết hạn thị thực hợp đồng thời hạn tạm trú ở Việt Nam, nếu có lý do chính đáng cần xin ở lại thêm thì chỉ cần xin gia hạn tạm trú theo qui định tại khoản b, điểm 2, mục II của Thông tư này, không phải gia hạn thị thực. Người nước ngoài được dùng chứng nhận tạm trú có giá trị để xuất cảnh qua cửa khẩu Việt Nam đã ghi ở thị thực dùng khi nhập cảnh Việt nam.
4. Việc tạm hoãn xuất cảnh Việt Nam
Người nước ngoài chỉ có thể bị tạm hoãn xuất cảnh Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp qui định tại Điều 7 của Pháp lệnh. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh đối với người nước ngoài, phải gửi đơn hoặc công văn tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh nêu rõ lý do cần tạm hoãn xuất cảnh, kèm theo các quyết định hoặc văn bản của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác định nghĩa vụ và trách nhiệm về hình sự, dân sự, hành chính của người nước ngoài đó làm căn cứ tạm hoãn xuất cảnh theo qui định của Pháp lệnh. Tùy theo từng trường hợp cụ thể Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thể áp dụng các biện pháp thích hợp: tạm hoãn cấp thị thực xuất cảnh, thị thực xuất - nhập cảnh, huỷ bỏ thị thực đã cấp cho người nước ngoài xuất cảnh Việt Nam hoặc chỉ đạo các Trạm Công an cửa khẩu Việt Nam tạm hoãn làm thủ tục cho người nước ngoài xuất cảnh.
II. CƯ TRÚ, ĐI LẠI
1. Thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung "Giấy chứng nhận thường trú"
a. Mỗi người nước ngoài phải làm đủ thủ tục đăng ký thường trú theo qui định của khoản 1, Điều 9 của Nghị định, tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh nơi xin thường trú. Người dưới 14 tuổi sống chung với cha, mẹ hoặc người đỡ đầu là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam được cha, mẹ hoặc người đỡ đầu khai chung vào bản khai đăng ký cư trú của mình.
Trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận đủ thủ tục hợp lệ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh cấp "Giấy chứng nhận thường trú" cho người nước ngoài theo mẫu qui định. Người dưới 14 tuổi sống chung với cha, mẹ hoặc người đỡ đầu là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam được ghi chung vào "Giấy chứng nhận thường trú" của cha, mẹ hoặc người đỡ đầu. Khi người đó đủ 14 tuổi, phải làm thủ tục để Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh cấp riêng "Giấy chứng nhận thường trú".
b. Người nước ngoài thường trú muốn thay đổi địa chỉ, nghề nghiệp đã đăng ký hoặc thay đổi những nội dung khác đã ghi trong "Giấy chứng nhận thường trú" phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh nơi thường trú.
2. Thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ chứng nhận tạm trú
a1. Người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sau khi xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu và phiếu nhập xuất cảnh đã kê khai đầy đủ theo qui định tại điểm a, khoản 2, Điều 9 của Nghị định, được Trạm Công an cửa khẩu Việt Nam cấp giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu nhập cảnh.
a2. Thời hạn chứng nhận tạm trú cấp tại cửa khẩu được xác định trong phạm vi thời hạn cho phép nhập cảnh, hoạt động tại Việt Nam đã ghi trong phép nhập cảnh do Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ cấp, nhưng không được quá 12 tháng theo qui định tại điểm c, khoản 2, Điều 9 của Nghị định.
a3. Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ có thể cấp lại chứng nhận tạm trú thay thế chứng nhận tạm trú đã cấp tại cửa khẩu cho người nước ngoài (khoản 3 Điều 10 của Nghị định) trong những trường hợp cần thiết sau:
- Mục đích và lý do tạm trú thực tế của người nước ngoài tại Việt Nam không phù hợp với thời hạn tạm trú đã cấp tại cửa khẩu Việt Nam hoặc do người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam thay đổi mục đích tạm trú mà thời hạn tạm trú đã cấp tại cửa khẩu không còn phù hợp;
- Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam hoặc cơ quan chủ quản ở Việt Nam có yêu cầu được gia hạn, sửa đổi, bổ sung chứng nhận tạm trú đã cấp;
b. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam muốn được gia hạn chứng nhận tạm trú hoặc thay đổi mục đích tạm trú đã đăng ký (kể cả trường hợp chứng nhận tạm trú đã cấp hết hạn hoặc còn hạn), phải làm đơn hoặc có công văn của cơ quan chủ quản ở Việt Nam gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh nơi người đó tạm trú.
Đơn hoặc công văn nói trên phải có đủ yếu tố cần thiết theo qui định, và đảm bảo có thời gian ít nhất 3 ngày để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (nơi tiếp nhận đơn, công văn) xem xét giải quyết.
c. Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thể quyết định huỷ bỏ chứng nhận tạm trú do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã cấp cho người nước ngoài trong những trường hợp sau đây:
- Người nước ngoài không còn lý do tạm trú tại Việt Nam như đã đăng ký;
- Người nước ngoài thuộc một trong những trường hợp nói tại Điều 14 của Pháp lệnh.
d. Trong trường hợp chứng nhận tạm trú hết giá trị mà không được gia hạn hoặc huỷ bỏ, thì người nước ngoài phải rời khỏi Việt Nam mặc dù thời hạn thị thực nhập - xuất cảnh Việt Nam của người đó vẫn còn giá trị; nếu không tự nguyện xuất cảnh thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền quyết định cưỡng chế xuất cảnh bằng các biện pháp áp giải ra khỏi biên giới Việt Nam; thực hiện cư trú bắt buộc để cho xuất cảnh trong thời gian sớm nhất.
Trường hợp người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam mà thị thực nhập xuất cảnh Việt Nam hết hạn, nếu đã được gia hạn thời hạn tạm trú thì cho tới khi xuất cảnh họ không nhất thiết phải xin gia hạn thị thực nói trên.
3. Khai báo tạm trú
Người nước ngoài tại Việt Nam, phải khai báo vào "Phiếu khai báo tạm trú" với chủ khách sạn, nhà khách, nhà trọ hoặc Công an cấp phường, xã nơi ở lại qua đêm theo mẫu qui định.
Chủ khách sạn, nhà khách, nhà trọ hoặc nhà riêng cho người nước ngoài tạm trú có trách nhiệm trình báo việc tạm trú của người nước ngoài với công an phường, xã sở tại; thủ tục trình báo của chủ khách sạn, nhà khách, nhà trọ, hoặc nhà riêng với công an sở tại nói trên theo hướng dẫn riêng của Bộ Nội vụ.
4. Cấp giấy phép đi lại tại Việt Nam cho người nước ngoài.
a. Người nước ngoài tại Việt nam muốn vào khu vực, địa điểm cấm cư trú, đi lại nói tại Điều 12 của Nghị định, phải có đơn xin phép hoặc công văn đề nghị của cơ quan chủ quản ở Việt Nam gửi cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam như sau:
- Đơn hoặc công văn nói trên gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh nơi người đó cư trú, trừ trường hợp xin đến khu vực, địa điểm quốc phòng thì theo qui định của Bộ Quốc phòng.
- Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ cấp giấy phép sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ (đối với khu vực cấm do Thủ tướng Chính phủ qui định) hoặc của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
- Người nước ngoài chỉ được vào khu vực, địa điểm cấm khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nói trên. Trường hợp người nước ngoài đang cư trú tại khu vực, địa điểm được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác định là khu vực, địa điểm cấm, thì người nước ngoài đó phải di chuyển ra khỏi khu vực, địa điểm cấm đó theo thời gian qui định của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
- Biển báo khu vực cấm người nước ngoài cư trú, đi lại nói tại Điều 12 của Nghị định được thống nhất dùng trong cả nước: hình chữ nhật có chiều rộng bằng 2/3 chiều dài làm bằng tôn dày không rỉ hoặc bằng xi măng cốt thép, nền biển sơn màu trắng có đường viền xung quanh màu đen, bên trong là chữ "khu vực cấm" (dòng trên chữ Việt, dòng dưới chữ Anh), màu đen. Điểm đặt biển cấm ngang tầm nhìn về phía bên phải đường hoặc trước hướng đi vào khu vực cấm, bảo đảm xa từ 20 m đến 25 m đã nhìn rõ biển và chữ trên biển cấm.
b. Người nước ngoài đi lại tại Việt Nam ngoài các khu vực, địa điểm cấm theo qui định tại Điều 12 của Nghị định thì không phải xin phép.
5. Trách nhiệm đối với việc đi lại, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam của người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam nói tại khoản 3, Điều 13 của Nghị định được qui định cụ thể thêm như sau:
Các cơ quan chủ quản ở Việt Nam phải có văn bản thông báo trước chương trình đi lại, hoạt động của khách cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh nơi khách tạm trú. Trường hợp có sự thay đổi chương trình đã thông báo, thì cũng phải có văn bản thông báo lại cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc công an tỉnh nơi khách tạm trú biết trước khi đi lại, hoạt động.
6. Người nước ngoài mượn đường Việt Nam phải đi theo đúng tuyến đường từ cửa khẩu nhập cảnh đến cửa khẩu xuất cảnh Việt Nam theo qui định của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ thông báo công khai từng tuyến đường qui định từ cửa khẩu nhập cảnh đến cửa khẩu xuất cảnh Việt Nam dành cho người nước ngoài mượn đường Việt Nam.
III. TRỤC XUẤT
1. Người nước ngoài tại Việt Nam thuộc một trong những trường hợp qui định tại Điều 14 Pháp lệnh, bị trục xuất khỏi Việt Nam khi có "Lệnh trục xuất" của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
"Lệnh trục xuất" của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phải được tống đạt hoặc thông báo cho người bị trục xuất biết trước thời hạn họ phải rời khỏi Việt Nam. Trường hợp cần thiết có thể thông báo cho cơ quan, tổ chức hữu quan tại Việt Nam.
2. Trường hợp người bị trục xuất không tự nguyện chấp hành "Lệnh trục xuất", thì Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ hoặc Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền quyết định tạm giữ người đó để áp dụng biện pháp cưỡng chế trục xuất.
Người ra quyết định tạm giữ người nước ngoài để áp dụng biện pháp cưỡng chế trục xuất nói trên, phải tổ chức dẫn giải người bị trục xuất ra khỏi biên giới Việt Nam, phù hợp với thời hạn người bị trục xuất phải rời khỏi Việt Nam theo lệnh trục xuất của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và điều kiện thực tế.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Lực lượng công an nhân dân các cấp tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu quán triệt Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 21-2-1992, Nghị định số 04-CP ngày 18-1-1993 của Chính phủ và Thông tư này, bảo đảm việc thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất theo qui định của Nhà nước, Chính phủ và của Bộ Nội vụ.
2. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp rà soát lại văn bản của Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân đã ban hành có liên quan việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài ở địa phương, nếu có nội dung trái với Pháp lệnh, Nghị định và Thông tư này, thì đề nghị huỷ bỏ để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật; nhanh chóng kiện toàn tổ chức đơn vị quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo qui định của Pháp lệnh, Nghị định và Thông tư này.
3. Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Nội vụ căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện công tác quản lý nhập xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài; ban hành các biểu mẫu theo qui định của Thông tư này; theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn công an các tỉnh, thành phố trong việc thi hành Pháp lệnh, Nghị định và Thông tư này; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cá nhân của Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam thực hiện đúng các qui định của Nhà nước, Chính phủ và Bộ Nội vụ liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài; thống kê Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam theo qui định của Pháp lệnh.
4. Các qui định, hướng dẫn của Bộ Nội vụ trước đây về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Thông tư 04-TT/BNV(A18) hướng dẫn thực hiện Nghị định 04-CP ngày 18/1/1993
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Nội vụ |
Số hiệu: | 04-TT/BNV(A18) |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 27/03/1993 |
Hiệu lực: | |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Bùi Thiện Ngộ |
Ngày hết hiệu lực: | 01/07/2003 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!