Cơ quan ban hành: | Cục Dự trữ Quốc gia | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 14/1999/TT-CDTQG | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Ngô Xuân Huề |
Ngày ban hành: | 22/09/1999 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 22/09/1999 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
THÔNG TƯ
CỦA CỤC DỰ TRỮ QUỐC GIA SỐ 14/1999/TT-CDTQG
NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN
NGHỊ ĐỊNH SỐ 64/1998/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
Ngày 09-3-1998, Chủ tịch nước đã công bố Pháp lệnh chống tham nhũng và ngày 17-8-1998, Chính phủ có Nghị định số 64/1998/NĐ-CP về việc "quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chống tham nhũng". Để thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh chống tham nhũng trong Ngành, Cục DTQG hướng dẫn thêm một số điểm như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
A. NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 2
PHÁP LỆNH CHỐNG THAM NHŨNG VÀ ĐIỀU 1 NGHỊ ĐỊNH
SỐ 64/1998/NĐ-CP LÀ:
1. Cán bộ, công chức đang làm việc tại cơ quan Cục và các đơn vị thuộc Cục (kể cả người làm hợp đồng khi được uỷ quyền thực hiện một nhiệm vụ, công vụ).
2. Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp thuộc Cục bao gồm: Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên ban kiểm soát, trưởng, phó các phòng nghiệp vụ.
B. NHỮNG VIỆC KHÔNG ĐƯỢC LÀM:
1. Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong khi thực thi nhiệm vụ, công vụ.
2. Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc mà mình đang giải quyết.
3. Chi tiền công quỹ cho việc tặng quà hoặc chi cho cán bộ, công chức và những người khác ngoài quy định của Nhà nước, của Ngành.
4. Tiết lộ thông tin kinh tế và các thông tin khác khi chưa được phép công bố như: thông tin về giá khi thực hiện kế hoạch mua, bán và số lượng vật tư - hàng hoá mà Ngành DTQG mua vào hoặc bán ra.
5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vay hoặc cho vay tiền của công quỹ, vốn ngân sách Nhà nước.
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bản thân, người trong gia đình đi du lịch, tham quan, học tập ở trong nước và nước ngoài bằng kinh phí của Nhà nước, tập thể hoặc bằng nguồn tài trợ của tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
7. Gửi tiền, kim khí quý, đá quý vào ngân hàng nước ngoài.
8. Đưa, nhận tiền hoa hồng trực tiếp hoặc thông qua hoạt động môi giới trong giao thầu, nhận thầu mua bán vật tư - hàng hoá dự trữ cũng như mua sắm trang thiết bị dùng cho hoạt động quản lý.
9. Tổ chức việc tang, việc cưới, mừng ngày lễ, mừng sinh nhật, mừng thọ, mừng lên chức, mừng nhà mới..., nhằm mục đích vụ lợi.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
A. VỀ TỔ CHỨC - NHÂN SỰ:
1. Cán bộ, công chức trong Ngành DTQG không được thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư, cơ sở nghiên cứu khoa học tư.
2. Việc thành lập cơ quan, đơn vị mới hoặc việc sáp nhập, chia, tách tổ chức phải gắn bó với nhu cầu thực tế, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội của Nhà nước, của Ngành.
3. Không can thiệp, tác động đến cá nhân, tổ chức để người khác được đề bạt sai tiêu chuẩn; lợi dụng chức quyền để tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ vì mục đích cá nhân.
4. Cán bộ, công chức trong ngành DTQG là vợ, chồng, bố, mẹ, con hoặc anh chị em ruột của lãnh đạo Cục, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng đơn vị, doanh nghiệp thuộc Cục không được đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo về tổ chức - nhân sự, kế toán - tài vụ và thủ kho, thủ quỹ tại tổ chức do người ruột thịt của mình là lãnh đạo trực tiếp đơn vị.
B. VỀ XÂY DỰNG CƠ BẢN:
1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, quyết toán các dự án đầu tư phải nghiêm chỉnh thực hiện theo các định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước, Ngành ban hành.
2. Nghiêm cấm việc thi công sai thiết kế kỹ thuật, sử dụng nguyên vật liệu không đúng tiêu chuẩn chất lượng.
C. VỀ CẤP PHÁT, SỬ DỤNG VỐN, PHÍ VÀ CHI PHÍ HÀNH CHÍNH:
1. Cơ quan Cục DTQG, các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Cục có trách nhiệm quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn vốn, kinh phí ngân sách Nhà nước cấp.
2. Việc quản lý tài sản, cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí cho hoạt động của bộ máy quản lý, kinh phi sửa chữa lớn, sửa chữa nhỏ và kinh phí nghiên cứu khoa học công nghệ phải theo đúng quy định của Nhà nước, của Cục.
3. Cấm nhận tiền hoa hồng, bồi dưỡng của khách hàng khi triển khai thực hiện kế hoạch mua, bán vật tư hàng hoá DTQG, kể cả thông qua hình thức đấu thầu.
4. Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn, phí mua, phí bán, phí bảo quản.
5. Việc trích thưởng tiết kiệm phí mua, bán, phí bảo quản vật tư - hàng hoá DTQG phải theo đúng quy định của Nhà nước, của Cục và phải do người có thẩm quyền quyết định.
6. Không dùng tiền công quỹ mua sắm trang thiết bị nội thất, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc vượt quá định mức và sử dụng vào việc riêng.
III. ĐỐI TƯỢNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÊ KHAI TÀI SẢN TRONG NGÀNH DTQG
A. ĐỐI TƯỢNG VÀ TÀI SẢN KÊ KHAI:
Việc kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn là để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biết được tài sản của người có trách nhiệm phải kê khai phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.
1. Những người phải kê khai tài sản quy định tại Điều 12 NĐ số 64/1998/NĐ-CP là:
- Lãnh đạo Cục; Chánh, Phó Chánh văn phòng; Chánh, Phó chánh Thanh tra; Trưởng, Phó ban; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng, Trưởng phòng Kế toán Tài chính các đơn vị thuộc Cục.
- Giám đốc, Phó giám đốc; Chủ tịch; Phó chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, Kế toán trưởng doanh nghiệp thuộc Cục.
2. Trong từng thời gian thích hợp, căn cứ theo quy định của Chính phủ, Cục sẽ quy định những đối tượng khác phải kê khai tài sản.
3. Tài sản phải kê khai bao gồm:
- Nhà được thuê, nhà được thừa kế, nhà được tặng, cho, nhà mua, nhà tự xây cất hoặc các loại nhà khác mà người khai hiện có.
- Đất được giao quyền sử dụng, đất được thừa kế, đất do chuyển nhượng hoặc các loại đất khác mà trên thực tế người kê khai hiện có.
- Các tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
B. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÊ KHAI:
1. Người kê khai phải khai đúng mẫu quy định ban hành kèm theo NĐ số 64/1998/NĐ-CP ngày 17-8-1998 của Chính phủ. Hàng năm nếu có sự thay đổi về tài sản thì người kê khai phải kê khai bổ sung.
2. Người kê khai thuộc quyền quản lý của Cục thì nộp bản kê khai tài sản cho Cục trưởng.
3. Người nào làm sai lệch nội dung, làm mất mát, hư hỏng hoặc để lộ bí mật nội dung bản kê khai, cung cấp cho những người không có thẩm quyền khai thác, sử dụng hoặc người nào lợi dụng việc kê khai để gây mất đoàn kết nội bộ, sử dụng trái pháp luật bản kê khai thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật hoặc bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Trưởng ban, Chánh văn phòng, Chánh thanh tra và Thủ trưởng các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Cục có trách nhiệm giúp Cục trưởng trong việc tổ chức các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý người có hành vi tham nhũng.
1. Khi có đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng đối với người ở đơn vị, doanh nghiệp thuộc Cục thì Thủ trưởng đơn vị, doanh nghiệp đó có trách nhiệm xem xét, giải quyết.
- Khi có đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng của Thủ trưởng đơn vị, doanh nghiệp thuộc Cục thì Cục trưởng trực tiếp xem xét, giải quyết.
2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Trưởng ban, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục có trách nhiệm giúp Cục trưởng trong việc:
- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Thông tư này cũng như các văn bản Pháp luật về chống tham nhũng tới cán bộ, công chức đang làm việc trong Ngành DTQG.
- Rà soát kiến nghị với lãnh đạo Cục theo thẩm quyền những văn bản, nguyên tắc, chế độ quản lý dự trữ không còn phù hợp hoặc trái luật hoặc đề nghị lãnh đạo Cục kiến nghị các cơ quan, tổ chức khác bãi bỏ các quy định gây khó khăn, phiền hà đối với cá nhân, tổ chức, cơ quan.
- Công khai hoá việc phân bổ và sử dụng một phần nguồn kinh phí thường xuyên dùng cho hoạt động quản lý DTQG. Ban Tài chính Kế toán chủ trì trình danh mục kinh phí cần công khai và qui chế kiểm tra, kiểm soát mọi cán bộ, công chức có quyền kiểm soát, kiểm tra.
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện những quy định của Pháp luật về chống tham nhũng; kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện và tố cáo hành vi tham nhũng cũng như xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm.
- Tổng hợp tình hình (06 tháng một lần) báo cáo Cục bằng văn bản về công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong đơn vị mình.
3. Người có hành vi tham nhũng tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Thông tư này thay thế hướng dẫn số 714/DT-HD, ngày 15-8-1990 của Cục DTQG về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 240/HĐBT, ngày 26-6-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).
5. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
6. Cán bộ, công chức trong Ngành DTQG có trách nhiệm thi hành Thông tư này.
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản được hướng dẫn |
03 |
Cơ quan ban hành: | Cục Dự trữ Quốc gia |
Số hiệu: | 14/1999/TT-CDTQG |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 22/09/1999 |
Hiệu lực: | 22/09/1999 |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Ngô Xuân Huề |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!