hieuluat

Thông tư quy định chế độ phân phối lợi nhuận đối với các xí nghiệp

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:27-TC/TNVTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Trần Tiêu
    Ngày ban hành:20/10/1982Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:01/01/1982Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Đang cập nhật
  • Thông tư

    THÔNG TƯ

    CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 27-TC/TNVT
    NGÀY 20 - 10 - 1982 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI
    LỢI NHUẬN ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP CUNG ỨNG VẬT TƯ,
    THƯƠNG NGHIỆP, DỊCH VỤ

     

    Hội đồng bộ trưởng đã ban hành quyết định số 146-HĐBT ngày 25-8-1982 về việc sửa đổi và bổ sung quyết định số 25-CP ngày 21-1-1981. Căn cứ vào những điểm sửa đổi, bổ sung trong quyết định nói trên và để bảo đảm sự tương quan hợp lý giữa xí nghiệp sản xuất và xí nghiệp trong khâu lưu thông, Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận đối với xí nghiệp cung ứng vật tư, xí nghiệp thương nghiệp và xí nghiệp dịch vụ (khách sạn, ăn uống, giặt là, cắt tóc, sửa chữa xe đạp, xe máy, máy thu thanh, thu hình, đồng hồ ...) hạch toán kinh tế độc lập, dưới đây gọi tắt là các xí nghiệp trong khâu lưu thông như sau.

     

    A. KẾ HOẠCH KINH TẾ, TÀI CHÍNH LÀM CƠ SỞ
    CHO VIỆC PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN

     

    Kế hoạch kinh doanh của các xí nghiệp trong khâu lưu thông gồm kế hoạch nghiệp vụ chính và kế hoạch sản xuất phụ (nếu có).

     

    I. KẾ HOẠCH NGHIỆP VỤ CHÍNH

     

    Kế hoạch nghiệp vụ chính của xí nghiệp gồm kế hoạch nghiệp vụ cơ bản và kế hoạch ngoài nghiệp vụ cơ bản (hạch toán phụ thuộc).

    1. Kế hoạch nghiệp vụ cơ bản là toàn bộ kế hoạch lưu chuyển hàng hoá và kế hoạch lợi nhuận thuộc phần kinh doanh cơ bản theo 3 loại giá là giá cung cấp, giá chỉ đạo của Nhà nước, giá thoả thuận. Tất cả hoạt động kinh doanh, lưu chuyển hàng hoá theo 3 loại giá mới trên phải được kế hoạch hoá. Khi xét duyệt kế hoạch phải xét duyệt kế hoạch lưu chuyển, kế hoạch tích luỹ của nghiệp vụ kinh doanh cơ bản gồm cả 3 loại giá.

    Trong kế hoạch tích luỹ cần phân biệt rõ giữa chêch lệch giá và lợi nhuận.

    a). Đối với loại hàng mua bán và hạch toán hàng tồn kho theo giá chỉ đạo của Nhà nước, thu lợi nhuận là chêch lệch giữa mức chiết khấu thương nghiệp hoặc chiết khấu vật tư đã được duyệt với mức phí tổn lưu thông. Còn toàn bộ số chênh lệch cao hơn mức chiết khấu được duyệt đều là chênh lệch giá, toàn bộ số chênh lệch giá phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Xí nghiệp chỉ được phân phối lợi nhuận trong mức chiết khấu (nói cách khác là chỉ được phân phối lợi nhuận trích lập các quỹ từ lợi nhuận định mức trong chiết khấu nhóm, mặt hàng).

    Số chênh lệch giá nói trên phát sinh ở 2 khâu:

    - Chênh lệch giá I phát sinh ở xí nghiệp cấp I có thể phát sinh lúc nhập kho, hoặc phát sinh lúc bán ra, phát sinh chênh lệch giá lúc nhập kho là khi giá mua thực tế thấp hơn giá chỉ đạo nhập kho (giá nhập kho là giá chỉ đạo bán lẻ, hoặc giá bán buôn vật tư trừ (-) chiết khấu); phát sinh chênh lệch giá lúc bán ra là khi giá chỉ đạo bán ra cao hơn giá hạch toán hàng tồn kho. Toàn bộ số chênh lệch giá I nộp vào ngân sách trung ương.

    - Chênh lệch giá II phát sinh ở xí nghiệp cấp II (bao gồm cả công ty ăn uống) là mức chênh lệch giữa giá chỉ đạo bán ra thực tế cao hơn giá hạch toán hàng tồn kho. Loại chênh lệch này thường là chênh lệch giữa mức giá bán của chính quyền địa phương quy định cao hơn mức giá bán do trung ương quy định (đối với những mặt hàng, những đối tượng mà chính quyền địa phương được phép quy định giá bán cao hơn). Nói chung toàn bộ chênh lệch giá II nộp vào ngân sách địa phương. Trường hợp chênh lệch giá II phát sinh do giá bán hàng công nghiệp trong quỹ hàng hoá thu mua theo hợp đồng hai chiều cao hơn giá chỉ đạo, thì chênh lệch giá này phải sử dụng để bù đắp số chênh lệch giá thu mua nông sản thực phẩm cao hơn giá chỉ đạo, số còn thừa phải nộp ngân sách. Khi địa phương giao hàng nông sản thực phẩm cho trung ương chỉ được thanh toán theo giá chỉ đạo.

    b). Đối với loại hàng mua bán theo giá thoả thuận, xí nghiệp được hạch toán tồn kho theo giá mua thực tế (hoặc giá bình quân). Về nguyên tắc kinh doanh loại hàng này phải đủ bù đắp chi phí, có lãi để trích lập các quỹ và nộp ngân sách.

    Lợi nhuận định mức loại hàng mua bán theo giá thoả thuận được xác định theo tỷ lệ lợi nhuận định mức trong chiết khấu hoặc thặng số của từng nhóm hàng, mặt hàng, xí nghiệp được phân phối trên cơ sở lợi nhuận định mức này. Do hoạt động theo phương thức giá thoả thuận nên có thể số tích luỹ thu được sẽ cao hơn lợi nhuận định mức, toàn bộ số tích luỹ cao hơn này là chênh lệch giá phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

    Trường hợp xí nghiệp kinh doanh tổng hợp nhiều mặt hàng, nhóm hàng theo giá thoả thuận, mỗi nhóm hàng có định mức lợi nhuận khác nhau, thì xí nghiệp có thể tính theo mức lợi nhuận bình quân gia quyền của các nhóm hàng, mặt hàng. Hoặc căn cứ vào mức lợi nhuận của nhóm hàng, mặt hàng có doanh số chiếm đại bộ phận để tính chung cho toàn bộ doanh số.

    2. Kế hoạch nghiệp vụ ngoài cơ bản là toàn bộ kế hoạch sản xuất, gia công, đại lý... hạch toán phụ thuộc vào nghiệp vụ kinh doanh cơ bản, đều phải được kế hoạch hoá, và phải được duyệt chung trong kế hoạch nghiệp vụ chính của xí nghiệp lưu thông. Số tích luỹ do nghiệp vụ ngoài cơ bản mang lại phải được phân biệt rõ giữa chênh lệch giá và lợi nhuận như sau:

    Lợi nhuận là chênh lệch giữa giá thành kế hoạch (hoặc định mức) với giá thành thực tế. Số lợi nhuận thu được này được cộng vào lợi nhuận của nghiệp vụ cơ bản nói trên để phân phối.

    Chênh lệch giá là chênh lệch giữa giá chỉ đạo nhập kho với giá thành kế hoạch (hoặc giá thành định mức). Toàn bộ số chênh lệch giá phải nộp vào ngân sách Nhà nước

     

    II. SẢN XUẤT PHỤ CỦA XÍ NGHIỆP LƯU THÔNG

     

    Đối với xí nghiệp lưu thông không có nghiệp vụ lưu thông phụ, tất cả các nghiệp vụ có tính chất lưu thông đó đều phải được ghi ở kế hoạch nghiệp vụ chính nếu ở mục I trên đây (nghiệp vụ kinh doanh cơ bản và ngoài cơ bản). Trường hợp xí nghiệp lưu thông tận dụng lao động dôi thừa, tận dụng các loại phế liệu thu nhặt trong quá trình kinh doanh của mình để sản xuất ra mặt hàng phục vụ tiêu dùng, thì nghiệp vụ sản xuất này được gọi là sản xuất phụ của xí nghiệp lưu thông. Ví dụ cửa hàng ăn uống tận dụng nước thải, thức ăn thừa... để tổ chức chăn nuôi, cửa hàng may đo quần áo tận dụng vải vụn để may đo áo gối, vỏ chăn tiết kiệm..., cửa hàng công nghệ phẩm tận dụng bao bì thải loại để sản xuất đồ chơi trẻ em... Trước khi đưa các loại phế liệu thu nhặt vào sản xuất phụ, xí nghiệp lưu thông phải quản lý và trị giá thu hồi để giảm phí tổn lưu thông của nghiệp vụ chính. Những phế liệu Nhà nước quy định ghi trong kế hoạch phân phối nguyên liệu cho các đơn vị khác thì xí nghiệp không được giữ lại để làm sản xuất phụ. Việc quản lý và phân phối lợi nhuận sản xuất phụ của các xí nghiệp lưu thông được áp dụng như sản xuất phụ trong xí nghiệp sản xuất công nghiệp quy định tại quyết định số 146-HĐBT ngày 25-8-1992 của Hội đồng bộ trưởng và thông tư hướng dẫn số 21-TC/CNA ngày 1-9-1982 của Bộ Tài chính. Các Bộ chủ quản cần hướng dẫn cụ thể những nghiệp vụ nào là sản xuất phụ cho từng ngành kinh doanh. Việc này cần có sự thống nhất của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính. Hàng năm, hàng quý các xí nghiệp phải đăng ký kế hoạch sản xuất phụ, giá thành và giá bán với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của mình.

     

    B. PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN

     

    I. Nếu hoàn thành kế hoạch nghiệp vụ chính theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước thì xí nghiệp được trích từ lợi nhuận thực hiện theo định mức để thành lập các quỹ xí nghiệp như sau:

    1. Quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh được trích từ 1% đến 2 % trên nguyên giá tài sản cố định, mức cụ thể của từng loại xí nghiệp bao nhiêu do cơ quan chủ quản quy định sau khi nhất trí với cơ quan tài chính cùng cấp, trên cơ sở phát huy tốt hiệu quả của quỹ. Trường hợp xí nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận thì khuyến khích phát triển kinh doanh chỉ được trích theo mức độ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.

    2. Quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng.

    Các xí nghiệp kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm, lâm sản, vật liệu xây dựng, muối và các xí nghiệp dịch vụ được trích 20% quỹ lương thực hiện cả năm của kế hoạch nghiệp vụ chính.

    Các xí nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp được trích 18% quỹ lương thực hiện cả năm của kế hoạch nghiệp vụ chính. Tổng số được trích chia ra:

    Quỹ khen thưởng 70%,

    Quỹ phúc lợi 30%.

    3. Số lợi nhuận còn lại xí nghiệp phải nộp vào ngân sách Nhà nước theo định kỳ do cơ quan thu quốc doanh quy định.

    II. Nếu có lợi nhuận vượt kế hoạch do chủ quan phấn đấu thực hiện vượt 2 chỉ tiêu: vượt được doanh số mua, bán, (sau khi loại trừ yếu tố giá), giảm được phí tổn lưu thông, thì số lợi nhuận vượt kế hoạch đó nộp vào ngân sách Nhà nước 60%, số còn lại 40% để bổ sung cho các quỹ theo tỷ lệ:

    60% cho quỹ khen thưởng,

    20% cho quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh,

    20% cho quỹ phúc lợi.

    Khi xác định xí nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, không thể đơn thuần căn cứ vào báo cáo quyết toán hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, vì thường chỉ tiêu này trong quá trình hạch toán, không bóc tách được đầy đủ các yếu tố chênh lệch giá. Cho nên cần phải kiểm tra chặt chẽ các yếu tố quyết định việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận

    - Chỉ tiêu doanh số cả mua vào và bán ra, cả giá trị và cả số lượng, về giá trị cần phải loại trừ yếu tố tăng giá, phải kiểm tra giữa giá mua thực tế với giá mua hạch toán.

    - Chỉ thu phí tổn lưu thông cần phải xem xét số phí thực hiện trong kỳ, số phí trích trước, số phí phân bổ cho hàng tồn kho. Số phí giảm đã dùng để thưởng tiết kiệm. Số chi phí không hạch toán vào phí mà lại hạch toán vào giá mua.

    - Các khoản tài sản thiếu, tổn thất công nợ khê đọng, khoản phải thu nhưng không thu được, những khoản này cần phải được xem xét và xử lý liên quan đến chỉ tiêu lợi nhuận, chỉ tiêu phí tổn lưu thông. Vì theo chế độ hiện hành khi các khoản tổn thất do đơn vị gây ra, ngoài số phải đền bù theo chế độ trách nhiệm vật chất, có khoản phải tính vào phí tổn lưu thông, có khoản tính vào lãi ở trong kỳ.

    III. Trường hợp xí nghiệp không hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh chủ yếu và vi phạm chính sách chế độ quản lý kinh tế tài chính thì giảm trừ hai quỹ khen thưởng và phúc lợi như sau:

    1. Nếu không hoàn thành ba chỉ tiêu chủ yếu sau đây thì cứ mỗi phần trăm (%) không hoàn thành của một chỉ tiêu phải trừ đi 2% số tiền được trích theo mức cơ bản của mỗi quý.

    - Tổng doanh số mua vào, bán ra,

    - Số lượng mua vào, bán ra của những mặt hàng chủ yếu,

    - Lợi nhuận và các khoản phải nộp ngân sách (số thực nộp so với số phải nộp).

    Riêng đối với chỉ tiêu số lượng mua vào, nếu xét thấy có mặt hàng mua vào theo chỉ tiêu kế hoạch sẽ phát sinh ứ đọng thì xí nghiệp phải báo cáo lên cấp trên, và khi xét trích lập quỹ sẽ được miễn trừ.

    2. Nếu xí nghiệp vi phạm chế độ, chính sách quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước kê dưới đây, thì cứ mỗi vi phạm tuỳ theo mức độ bị giảm trừ từ 2 đến 5% số tiền trích theo mức cơ bản của mỗi quỹ trong phần kinh doanh nghiệp vụ chính (bao gồm cả phần quỹ trích từ lợi nhuận vượt kế hoạch nếu có).

    - Làm thiệt hại đến tài sản vật tư, tiền vốn.

    - Vi phạm hợp đồng kinh tế, vi phạm chế độ thu mua, phân phối giá cả của Nhà nước.

    - Vi phạm các chế độ báo cáo, kế toán, thống kê và kỷ luật thu nộp ngân sách.

    - Để xảy ra tai nạn chết người do khuyết điểm về quản lý hoặc do thiếu trách nhiệm.

    IV. Nếu có lợi nhuận của sản xuất phụ, sau khi đã nộp thuế hoặc nộp thu quốc doanh, thì số lợi nhuận này được phân phối 30% nộp ngân sách Nhà nước, số còn lại 70% để bổ sung cho các quỹ theo tỷ lệ:

    60% cho quỹ khen thưởng,

    20% cho quỹ phúc lợi,

    20% cho quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh.

    V. Mức khống chế tối đa cho quỹ khen thưởng. Quỹ khen thưởng cả năm được trích ở mục I, mục II, mục IV trên đây cộng lại tối đa không qúa 6 tháng lương thực hiện bình quân trong năm của công nhân sản xuất kinh doanh của xí nghiệp.

    Số vượt 6 tháng lương xí nghiệp được để lại 30%, nộp cấp trên 20% (Bộ chủ quản đối với đơn vị trung ương quản lý, Sở, Ty chủ quản đối với xí nghiệp địa phương quản lý) để lập quỹ dự trữ tài chính tập trung số còn lại (50% nộp ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính sẽ có quy định riêng về quỹ dự trữ tài chính). Số 30% để lại cho xí nghiệp được phân phối:

    60% quỹ khen thưởng, 20% quỹ phúc lợi.

    20% quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh.

    VI. Trường hợp theo kế hoạch xí nghiệp có nhu cầu tăng vốn lưu động, hoặc nhu cầu xây dựng cơ bản thì xí nghiệp được trích một phần lợi nhuận nộp ngân sách để bổ sung vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản. Mức trích là bao nhiêu do cơ quan chủ quản cấp trên của xí nghiệp và cơ quan tài chính cùng cấp xác định cùng một lúc khi xét duyệt kế hoạch tài chính của xí nghiệp.

    VII. Trường hợp lợi nhuận định mức không đủ trích lập các quỹ, ngân sách cấp bổ sung cho đủ. Nếu xí nghiệp không hoàn thành kế hoạch hoặc bị giảm trừ quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng, cả hai quỹ cộng không đạt 60đ/bình quân đầu người thì sẽ được ngân sách trợ cấp cho đủ 60đ/bình quân đầu người. Những xí nghiệp hoặc nhóm ngành nào chưa có lợi nhuận định mức thì cơ quan chủ quản xí nghiệp cùng cơ quan tài chính cùng cấp tham khảo các ngành nhóm hàng tương đương, xây dựng định mức lợi nhuận cho xí nghiệp, lợi nhuận định mức này do Bộ Tài chính xét duyệt (đối với xí nghiệp trung ương) và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xét duyệt (đối với xí nghiệp địa phương).

    Những điểm không sửa đổi bổ sung trong thông tư này vẫn được áp dụng theo các điều kiện quy định trong thông tư số 3-TC/CNXD ngày 28-3-1978 và thông tư số 4-TC/VP ngày 18-3-1981 của Bộ Tài chính. Trước khi cơ quan chủ quản xét duyệt mức trích quỹ xí nghiệp phải được sự nhất trí của cơ quan tài chính cùng cấp. Cơ quan chủ quản, cơ quan ngân hàng, cơ quan tài chính cần phải tăng cường kiểm tra tài chính đối với xí nghiệp, bảo đảm việc trích lập các quỹ xí nghiệp theo đúng chế độ. Nếu xí nghiệp trích quá mức thì xí nghiệp phải trả lại, nếu trong quỹ không còn tiền thì phải trừ vào kỳ kế hoạch sau: Ai có chủ trương làm sai chế độ thì người đó bị cắt tiêu chuẩn tiền thưởng.

    Thông tư này được áp dụng thống nhất cho tất cả các xí nghiệp lưu thông, cung ứng vật tư, thương nghiệp và các xí nghiệp dịch vụ hạch toán kinh tế độc lập. Thông tư này được áp dụng cho việc phân phối lợi nhuận từ năm 1982 trở đi. Tất cả các điều liên quan đến phân phối lợi nhuận của các xí nghiệp lưu thông trái với thông tư này đều bãi bỏ. Đối với các xí nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, vận tải hạch toán độc lập trong các ngành lưu thông được áp dụng chế độ phân phối lợi nhuận quy định chung cho từng loại xí nghiệp đó.

    Trong quá trình thực hiện, các ngành, các cấp, các xí nghiệp có vướng mắc gì cần báo cáo kịp thời cho Bộ Tài chính.

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X