Cơ quan ban hành: | Bộ Thương binh và Xã hội | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 37-TBXH | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Song Hào |
Ngày ban hành: | 06/11/1984 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Chưa xác định |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ Xà HỘI SỐ 37-TBXH NGÀY 6-11-1984
HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 128-HĐBT NGÀY 8-10-1984
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG.
Thi hành Quyết định số 128-HĐBT ngày 8-10-1984 của Hội đồng Bộ trưởng bổ sung, sửa đổi một số chế độ đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945; sau khi thoả thuận với Bộ Tài chính, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tổ chức của Chính phủ, Bộ Thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ TẠI QUYẾT ĐỊNH
SỐ 128-HĐBT
Những cán bộ được hưởng các chế độ quy định ở Quyết định số 128-HĐBT ngày 8-10-1984 của Hội đồng Bộ trưởng là:
a) Những cán bộ về hưu (bao gồm công nhân viên chức, lực lượng vũ trang) hoặc lâu nay vẫn ở xã, phường, thị trấn đã được Đảng, Đoàn, ban cán sự hoặc hội đồng Bộ, Tổng cục (nếu công tác ở cơ quan trung ương) hoặc tỉnh uỷ, thành uỷ, đặc khu uỷ trực thuộc trung ương (nếu công tác ở cơ quan địa phương) công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945, hướng dẫn ở Thông tri số 7-TT/TC ngày 21-3-1979 và Thông tri số 26-TC/TW ngày 22-10-1984 của Ban tổ chức Trung ương.
b) Những cán bộ về hưu hoặc lâu nay ở xã, phường, thị trấn nay mới yêu cầu công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 thì ngoài Thông tri số 7-TT/TC còn phải căn cứ vào Thông tri số 26-TC/TW ngày 22-10-1984 của Ban Tổ chức Trung ương.
c) Ngành thương binh và xã hội căn cứ xác nhận của các cấp bộ Đảng có thẩm quyền, lập thành danh sách, chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước để thi hành các quy định trong Quyết định số 128-HĐBT .
II. VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 128-HĐBT
A. Đối với cán bộ về hưu:
Cán bộ về hưu ngoài trợ cấp hưu trí theo chế độ chung, được hưởng các chế độ sau đây:
1. Phụ cấp ưu đãi: Cứ mỗi năm hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 được phụ cấp hàng tháng 20 đồng. Điểm này thi hành từ ngày 1 tháng 10 năm 1984 và thay cho điều 1 trong Quyết định số 296-CP ngày 20-11-1978, của Hội đồng Chính phủ.
Đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 đã nghỉ việc trước ngày ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội, đã hưởng chế độ hưu trí theo Thông tư số 11-NV ngày 20 tháng 9 năm 1966 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Thương binh và xã hội) thì ngoài trợ cấp hưu trí đang hưởng cũng được thêm khoản phụ cấp tính theo số năm hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 như mọi cán bộ về hưu trí hiện hành.
2. Phiếu thực phẩm:
a) Những cán bộ hoạt động cách mạng từ năm 1935 trở về trước đang có mức lương hưởng phiếu thực phẩm loại C hoặc C1 thì được cấp phiếu loại B (theo cấp chuẩn hiện hành); Số còn lại được cấp phiếu thực phẩm loại C1.
b) Những cán bộ hoạt động cách mạng từ năm 1936 đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 đang có mức lương hưởng phiếu thực phẩm loại C1, được cấp phiếu loại B (theo tiêu chuẩn hiện hành), đang có mức lương hưởng phiếu thực phẩm loại C thì được cấp phiếu thực phẩm C1; đang có mức lương hưởng phiếu thực phẩm loại D, Đ, E, thì được cấp phiếu thực phẩm loại C như Quyết định số 128-HĐBT.
Để việc cấp phiếu thực phẩm cho các cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 sớm được thực hiện đúng quy định, cơ quan thương binh và xã hội cùng với cơ quan tổ chức của Đảng căn cứ vào hồ sơ đang quản lý lập danh sách chuyển cho cơ quan tài chính cấp phiếu.
Thời gian được hưởng phiếu thực phẩm theo quy định mới bắt đầu từ khi cơ quan tài chính nhận được thông báo danh sách của ngành thương binh và xã hội, chậm nhất không được sau năm 1984.
B. Đối với cán bộ lâu nay ở xã, phường, thị trấn (là cán bộ sinh hoạt, hoạt động ở địa phương xã, phường, thị trấn);
1. Phụ cấp ưu đãi: Cứ mỗi năm hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 được phụ cấp hàng tháng 20 đồng. Điểm này thay cho điều 1 Quyết định số 296-CP ngày 20-11-1978 của Hội đồng Chính phủ.
2. Trước đây không có chế độ cấp phiếu vải, lương thực, thực phẩm, nay Nhà nước quy định được hưởng các chế độ như sau:
- Được cấp phiếu vải như chế độ đối với cán bộ, công nhân viên chức (kể cả bù chênh lệch giá vải) theo phiếu vải từ năm 1985 trở đi.
- Lương thực được cấp phiếu (hoặc sổ) lương thực theo tiêu chuẩn và giá bán như cán bộ về hưu, xét khi nào thì hưởng từ khi ấy (không truy lĩnh), chậm nhất không để qua tháng 12 năm 1984.
- Cấp tiền mua thực phẩm:
a) Những cán bộ hoạt động cách mạng từ năm 1935 trở về trước, được cấp mỗi tháng 300 đồng.
b) Những cán bộ hoạt động cách mạng từ năm 1936 đến trước tháng 8 năm 1945, được cấp mỗi tháng 200 đồng.
Việc cấp tiền mua thực phẩm được thi hành từ ngày 1 tháng 10 năm 1984. - Tiền mai táng phí: Cán bộ lâu nay ở xã, phường, thị trấn khi từ trần được cấp tiền mai táng như cán bộ về hưu.
C. Về Một số chế độ chung:
Tất cả cán bộ về hưu hoặc lâu nay ở xã, phường, thị trấn (là cán bộ sinh hoạt, hoạt động ở địa phương xã, phường thị trấn) đều được hưởng một số chế độ sau đây:
1. Cấp tờ báo hàng ngày. Được cấp thường xuyên một tờ báo địa phương (trừ cán bộ đã có tiêu chuẩn cấp báo Nhân dân). Cơ quan thương binh và xã hội lập danh sách các cán bộ thuộc diện được cấp tờ báo địa phương chuyển cho cơ quan văn hoá và thông tin phụ trách việc cấp phát cho các đồng chí đó theo nơi cư trú.
Kinh phí để mua tờ báo này do cơ quan thương binh và xã hội dự trù và do ngân sách địa phương đài thọ.
2. Về khám bệnh, chữa bệnh:
Những đồng chí đã có tiêu chuẩn chế độ do tổ chức quy định thì tiếp tục thực hiện như hiện hành. Những đồng chí chưa có quy định về tiêu chuẩn chế độ khám và điều trị thì Sở Thương Binh và xã hội có trách nhiệm bàn với Sở Y tế và Ban Tổ chức để quy đinh cụ thể theo chế độ chính sách chung và theo khả năng địa phương.
3. Chế độ đối với gia đình khi cán bộ từ trần:
Các cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 khi từ trần ngoài chế độ quy định chung, nếu còn thân nhân phải nuôi dưỡng thì gia đình được hưởng các tiêu chuẩn chế độ thêm 6 tháng (trừ lương thực).
Sau đó nếu gia đình có khó khăn thì địa phương có trách nhiệm giúp đỡ để gia đình giải quyết khó khăn đột xuất hoặc thường xuyên.
III. VỀ THỦ TỤC HỒ SƠ.
1. Đối với cán bộ về hưu đã được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi theo Điều 1 Quyết định số 296-CP ngày 20-11-1978 của Hội đồng Chính phủ thì cơ quan thương binh và xã hội nơi các đồng chí đó cư trú căn cứ hồ sơ đang quản lý hoặc sổ trợ cấp hưu trí để tính phụ cấp ưu đãi theo số năm hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 (như đã nói ở điểm 1, phần A, Mục II trên) và điều chỉnh vào sổ trợ cấp hưu trí và phiếu lĩnh tiền.
Một số trường hợp về hưu trước đây đã được Đảng uỷ cơ quan Bộ, Tổng cục hoặc Ban Tổ chức tỉnh uỷ, thành uỷ công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 thì vẫn được giải quyết. Những trường hợp từ tháng 12 năm 1984 về sau phải do Đảng, Đoàn hội đồng Bộ, tỉnh uỷ, thành uỷ công nhận như đã quy định tại Thông tri số 26-TC/TW của Ban Tổ chức Trung ương thì mới được giải quyết.
2. Sau khi thoả thuận với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức của Chính phủ, Bộ Tài chính, kể từ nay ngành thương binh và xã hội trực tiếp quản lý và thi hành các chế độ đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 lâu nay ở xã, phường, thị trấn. Ban tổ chức tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc Ban tổ chức Uỷ Ban nhân dân tỉnh chuyển giao hồ sơ các đồng chí đó cho Sở Thương binh và xã hội để Sở Thương binh và xã hội thay sổ trợ cấp và phiếu trả tiền (dùng sổ trợ cấp và phiếu lĩnh tiền của cán bộ về hưu có đóng ký hiệu CM ở trang đầu).
Kinh phí chi các khoản phụ cấp ưu đãi, bù chênh lệch giá vải, tiền mua thực phẩm, tiền mai táng đều thuộc kinh phí bảo hiểm xã hội của trung ương đài thọ, trừ tiền mua báo thì do ngân sách địa phương.
Quyết định của Đảng và Nhà nước về bổ sung, sửa đổi một số chế độ đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 là thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước và trách nhiệm chăm sóc của các ngành, các cấp và tình nghĩa của nhân dân đối với các đồng chí đã đóng góp công sức trong cuộc chiến đấu vì Tổ quốc và nhân dân. Vì vậy các cấp các cơ quan có trách nhiệm cần tích cực triển khai cho nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời để thực hiện tốt chủ trương, chính sách này.
Cơ quan ban hành: | Bộ Thương binh và Xã hội |
Số hiệu: | 37-TBXH |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 06/11/1984 |
Hiệu lực: | |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Song Hào |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Chưa xác định |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!