Cơ quan ban hành: | Bộ trưởng Tổng thư ký | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 48-BT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Nguyễn Hữu Thụ |
Ngày ban hành: | 27/04/1982 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Chưa xác định |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
THÔNG TƯ
BỘ TRƯỞNG TỔNG THƯ KÝ SỐ 48-BT NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 126-CP
NGÀY 19-3-1981 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC
HƯỚNG NGHIỆP TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG VÀ SỬ DỤNG
HỢP LÝ HỌC SINH PHỔ THÔNG CÁC CẤP TỐT NGHIỆP RA TRƯỜNG
Ngày 19-3-1981, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 126-CP về công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông và sử dụng hợp lý học sinh phổ thông các cấp tốt nghiệp ra trường. Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện quyết định nói trên như sau:
A. Các ngành, các cấp cần phổ biến ngay Quyết định số 126-CP và các Thông tư hướng dẫn tới toàn thể cán bộ, đảng viên và toàn dân. Yêu cầu của việc phổ biến là làm cho mọi tổ chức và mọi người nhận thức đúng đắn tầm quan trọng và trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình đối với công tác hướng nghiệp cho học sinh và sử dụng hợp lý số học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông. Ngoài việc tổ chức phổ biến trong các cuộc họp, các cơ quan báo chí và phát thanh, truyền hình cần có chương trình phục vụ công tác hướng nghiệp cho thanh niên học sinh.
B. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến quyết định, các ngành, các cấp có trách nhiệm thực hiện những việc sau đây:
1. Bộ Giáo dục
Tiến hành những công tác cần thiết nhằm chuẩn bị cho học sinh về các mặt tư tưởng, tình cảm, kỹ năng để biết cách chọn nghề, cụ thể là:
a) Nâng cao chất lượng dạy và học các bộ môn văn hoá và kỹ thuật phổ thông theo phương hướng cơ bản, tinh giản, sát với thực tiễn, tạo cho học sinh kỹ năng cần thiết và ý thức sẵn sàng tham gia lao động sản xuất theo yêu cầu phát triển kinh tế và ngành nghề cụ thể của từng địa phương;
b) Tổ chức cho học sinh lao động sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, và đáp ứng nhu cầu lao động của các ngành nghề phổ biến ở địa phương;
c) Có kế hoạch giới thiệu những hiểu biết cần thiết về các ngành nghề chính trong xã hội, nhất là các ngành nghề đang cần phát triển, hoặc mời những người sản xuất giỏi tới báo cáo, cho học sinh tham quan một số cơ sở sản xuất;
d) Phối hợp với các ngành liên quan biên soạn một số tài liệu thiết thực về giáo dục lao động, kỹ thuật theo tinh thần hướng nghiệp để trong hè 1982 - 1983 tổ chức phổ biến tới hiệu trưởng và giáo viên.
e) Có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy kỹ thuật, hướng nghiệp và hướng dẫn lao động cho các trường phổ thông;
g) Có chủ trương, biện pháp thiết thực vận động các ngành và nhân dân xây dựng cơ sở vật chất để thực hành kỹ thuật, lao động sản xuất cho các trường; xây dựng thí điểm các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp ở cấp huyện, tiến tới xây dựng ở các cụm xã;
h) Cải tiến cách đánh giá, tuyển chọn học sinh theo đường lối cải cách giáo dục và theo tinh thần hướng nghiệp.
i) Phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức các trường, lớp năng khiếu; có kế hoạch phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo những học sinh thực sự có năng khiếu về các môn khoa học, nghệ thuật, kỹ thuật... thành những người tài giỏi của đất nước;
k) Hướng dẫn các trường thành lập ban hướng nghiệp theo điều lệ nhà trường phổ thông;
l) Có kế hoạch chỉ đạo điển hình một huyện (quận) và tổng kết, nhân điển hình các năm sau.
2. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề.
a) Cải tiến việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật nhằm chọn được những học sinh có hứng thú đối với nghề nghiệp, có sự chuẩn bị tốt đối với ngành học đã chọn (năng lực, học lực, sức khoẻ, ý thức phục vụ); trong đó, chú ý thích đáng đến những đối tượng đào tạo cho địa phương;
b) Phối hợp với ngành giáo dục chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương xây dựng các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; trước mắt, xây dựng được các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp ở huyện;
c) Chỉ đạo và hướng dẫn các trường trong ngành giúp các trường phổ thông:
- Cung cấp tài liệu giới thiệu các ngành nghề đang đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, dạy nghề.
- Tổ chức những ngày "mở cửa trường" để học sinh phổ thông có dịp được vào trường chuyên nghiệp làm quen với những ngành nghề đào tạo trong trường.
- Triệt để sử dụng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của trường do ngành quản lý vào việc giúp các trường phổ thông làm công tác hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh đã tốt nghiệp phổ thông.
d) Giúp đỡ những nơi có điều kiện (quận, huyện và những cơ sở có nghề truyền thống) mở các lớp dạy nghề dài hạn hoặc ngắn hạn với hình thức tổ chức thích hợp để thu hút đông đảo học sinh đã tốt nghiệp phổ thông các cấp vào học nghề; xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu và các quy chế đào tạo, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp và có kế hoạch sử dụng sau khi tốt nghiệp.
3. Bộ Văn hoá, Bộ Y tế, Tổng cục Thể dục thể thao.
a) Phối hợp với Bộ giáo dục trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn nhạc, hoạ, nghệ thuật, thể dục thể thao;
b) Tận dụng các câu lạc bộ, các phương tiện thông tin, báo chí do ngành quản lý phục vụ công tác hướng nghiệp cho học sinh;
c) Huy động các cơ sở sản xuất vật chất của ngành phục vụ cho công tác hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh.
4. Các Bộ thuộc khối kinh tế, các cơ sở sản xuất.
a ) Tham gia làm công tác hướng nghiệp cho học sinh đang học ở các trường phổ thông, cụ thể là:
- Chỉ đạo các đơn vị cơ sở thuộc ngành lập kế hoạch nhận và hướng dẫn học sinh các trường phổ thông lân cận tham quan và tham gia sản xuất. Có thể cho tham gia một số công việc lao động đơn giản ngoài dây chuyền, dần dần cho học sinh lớn tuổi được tham gia lao động ở một số khâu chủ yếu trong dây chuyền sản xuất. Chú ý giáo dục và bảo đảm an toàn lao động cho học sinh.
Cử cán bộ kỹ thuật hoặc người sản xuất giỏi dạy kỹ thuật, hướng dẫn thực hành và giới thiệu về nghề nghiệp cho học sinh. Cơ sở sản xuất trả tiền bồi dưỡng dạy thêm giờ cho các cán bộ này theo chế độ hiện hành đối với giáo viên từng cấp học phổ thông.
- Có kế hoạch giúp đỡ vật tư, thiết bị kỹ thuật để lập các xưởng trường hoặc các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp dùng chung cho các trường trong cụm để học sinh tới thực hành kỹ thuật, lao động sản xuất.
- Có kế hoạch đầu tư, xây dựng từng bước cơ sở dạy nghề trong đơn vị sản xuất với nhiệm vụ trước mắt là hướng dẫn học sinh phổ thông vừa thực hành kỹ thuật, vừa trực tiếp tham gia lao động sản xuất theo kế hoạch của nhà máy, nông trường, hợp tác xã... tiến tới mở rộng các cơ sở này thành các trường dạy nghề, đủ sức thu nhận học sinh tốt nghiệp phổ thông các cấp của địa phương vào học nghề.
Tất cả những việc làm nêu trên cần được thể hiện trong bản hợp đồng ký kết hàng năm giữa cơ sở sản xuất và trường phổ thông kết nghĩa.
b) Tham gia bồi dưỡng kỹ thuật (dạy nghề) và sử dụng hợp lý học sinh phổ thông tốt nghiệp đã ra trường.
- Giới thiệu và hướng dẫn nghề nghiệp dưới hình thức kèm cặp cho những học sinh sẽ được bố trí vào các công việc giản đơn của đơn vị sản xuất như cấy, cày, đan mây tre, chăn nuôi gia súc, ươm giống và bảo vệ thực vật...
- Các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp dưới sự hướng dẫn của huyện, tổ chức các lớp dạy nghề đơn giản như mộc, nề, may, thêu, kế toán, thống kê, quản lỹ lao động, đội trưởng sản xuất, sửa chữa cơ khí và đồ dùng gia đình... cho những học sinh nằm trong kế hoạch đào tạo thành người lao động kỹ thuật của cơ sở sản xuất.
- Tận dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ cán bộ, kỹ thuật của cơ sở sản xuất và của các trường dạy nghề do ngành quản lý để mở lớp đào tạo công nhân kỹ kthuật về các ngành nghề cần thiết cho nhu cầu phát triển k inh tế và dịch vụ của địa phương.
- Có kế hoạch tiếp nhận và sử dụng hợp lý số học sinh đã tốt nghiệp phổ thông. Đối với số đã được hướng nghiệp có hệ thống hoặc đã được học nghề thì vừa cần sử dụng hợp lý, vừa cần tổ chức các đợt bổ túc kỹ thuật nhằm nâng tay nghề cho họ và bồi dưỡng họ thành những cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chủ chốt cho đơn vị sản xuất.
Để thực hiện tốt hai loại việc trên, đơn vị sản xuất cần ghi các hoạt động hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh phổ thông thành các chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển sản xuất hàng năm của đơn vị sản xuất; tận dụng các phế liệu, phế phẩm của đơn vị sản xuất để dùng cho việc học tập lao động của học sinh mà vẫn bảo đảm được hiệu quả kinh tế của đơn vị sản xuất.
5. Các cơ quan quản lý tổng hợp
a) Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước các cấp phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm về nhu cầu lao động các ngành nghề cho từng địa phương hoặc từng khu vực trong cả nước, kế hoạch phân bố và điều chỉnh lao động trong địa phương hoặc giữa các địa phương, các khu vực kinh tế khác nhau trong cả nước để các ngành liên quan có cơ sở xây dựng kế hoạch hướng nghiệp cho học sinh và vận động học sinh đi xây dựng các vùng kinh tế mới; hướng dẫn các ngành, các cấp lập kế hoạch quản lý và sử dụng hợp lý số học sinh phổ thông đã ra trường...
b) Bộ Lao động phối hợp với các ngành liên quan xây dựng các chế độ và chính sách ưu tiên tuyển dụng vào các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước những học sinh đã được hướng nghiệp hoặc đã tốt nghiệp các trường dạy nghề do địa phương tổ chức; hướng dẫn thi hành các chế độ chính sách khuyến khích thanh niên, học sinh thực hiện kế hoạch phân bố lao động trong cả nước, chế độ bảo hộ lao động cho học sinh phổ thông khi tham gia lao động hay học việc trong các cơ sở sản xuất.
c) Bộ Tài chính phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các ngành, các địa phương làm dự trù ngân sách, kinh phí dùng cho công tác hướng nghiệp, như kinh phí mua sắm thiết bị kỹ thuật để xây dựng các xưởng trường hoặc các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, vật tư nguyên liệu dùng cho việc vừa học tập vừa sản xuất của học sinh, chế độ thù lao cho cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn kỹ thuật hay dạy nghề cho học sinh, chế độ cho các trường hoặc lớp dạy nghề ở địa phương vay vốn để mở rộng cơ sở dạy nghề và phát triển sản xuất, chế độ sử dụng tiền thu nhập do học sinh lao động sản xuất được và tiền học phí của học sinh học nghề vào việc trả thù lao cho giáo viên hoặc các chi phí cần thiết cho việc học nghề của học sinh...
6. Uỷ ban nhân dân các cấp:
a) Chỉ đạo các ngành trong địa phương thực hiện tốt những công việc đã giao cho các ngành.
b) Chủ trì sự phối hợp giữa các ngành, bảo đảm xây dựng và thực hiện kế hoạch về hướng nghiệp theo Quyết định số 126-CP và theo nội dung Thông tư này.
7. Đoàn thể các cấp có kế hoạch phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền và hướng dẫn làm cho đoàn viên thuộc đoàn thể mình và mọi người có quan niệm đúng đắn, nhận rõ trách nhiệm đối với việc giáo dục, chuẩn bị ngành nghề cho học sinh.
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ chí Minh làm nòng cốt trong việc tuyên truyền về những ngành nghề đang cần phát triển, tổ chức hoạt động câu lạc bộ lựa chọn nghề nghiệp tương lai, tổ chức những buổi gặp gỡ giữa những học sinh với những người lao động, sản xuất giỏi và vận động thanh niên, học sinh ra trường sẵn sàng đi xây dựng các nông trường và các vùng kinh tế mới.
C. Để phối hợp hành động trong công tác hướng nghiệp và sử dụng học sinh phổ thông tốt nghiệp, Bộ Giáo dục có trách nhiệm xây dựng đề án trình Hội đồng Bộ trưởng thành lập hệ thống tổ chức hướng nghiệp và sử dụng học sinh tốt nghiệp phổ thông ở Trung ương và địa phương, với nhiệm vụ cụ thể là:
- Phối hợp các ngành xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm và phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng ngành trong việc giúp đỡ các trường phổ thông làm công tác hướng nghiệp và sử dụng hợp lý học sinh tốt nghiệp phổ thông.
- Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các trường học, các cơ sở sản xuất, các ngành trong việc thực hiện Quyết định số 126-CP của Hội đồng Chính phủ.
Không có văn bản liên quan. |
Cơ quan ban hành: | Bộ trưởng Tổng thư ký |
Số hiệu: | 48-BT |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 27/04/1982 |
Hiệu lực: | |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Hữu Thụ |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Chưa xác định |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!