Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 555/TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Phạm Văn Đồng |
Ngày ban hành: | 23/12/1958 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Chưa xác định |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
THÔNG TƯ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 555/TTG
NGÀY 23 THÁNG 12 NĂM 1958 VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG HOẢ VÀ CHỐNG HOẢ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi: Các Bộ, các Uỷ ban hành chính thành phố, khu, tỉnh.
Hiện nay, các ngành kinh tế, văn hoá, xã hội của ta ngày càng phát triển mạnh; từ nông thôn đến thành thị, từ miền rừng núi đến miền bể, rải rác đều có công trường, nhà máy, kho tàng, trường học, v.v... Những cơ sở đó phần nhiều xây dựng bằng tranh, tre, gỗ, lá, chỉ một phần ít bằng gạch, ngói, xi măng. Lại thêm những vật chất ở các nơi đó gồm có hoá chất, xăng, dầu, v.v... đều là nguồn phát sinh lửa. Theo thống kê, hàng năm có rất nhiều vụ cháy gây nên nhiều thiệt hại cho nhân dân và cho công quỹ, ảnh hưởng đến công việc kiến thiết nước nhà.
Nguyên nhân những vụ cháy đã qua là do:
Một số cán bộ lãnh đạo chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác phòng hoả, chống hoả để bảo vệ tài sản quốc gia và của nhân dân, còn coi nhẹ công tác phòng hoả, chống hoả;
Việc giáo dục ý thức phòng hoả, chống hoả trong nhân dân và cán bộ chưa được chú ý đúng mức, nhiều vụ cháy trong nhân dân là do việc sử dụng củi lửa không cẩn thận; một số vụ cháy các cơ quan, kho tàng, xí nghiệp là do cán bộ, nhân viên còn kém ý thức trong việc bảo quản và sử dụng điện, máy móc, hoá chất, các chất nổ, chất cháy, v.v...
Các cơ quan, xí nghiệp, cửa hàng, kho tàng, bệnh viện, trường học, rạp chiếu bóng, nông trường, công trường, v.v... còn thiếu kế hoạch phòng hoả, chống hoả, thiếu tổ chức và thiếu phương tiện dụng cụ chống hoả. Trong nhân dân, còn nhiều nơi chưa đặt quy ước phòng hoả, chống hoả. Miền rừng núi, chính quyền địa phương, cán bộ chuyên môn chưa chú ý việc phòng và chống lửa rừng. Ở một số xí nghiệp, kho tàng quan trọng dễ phát sinh nạn cháy, thì việc thiết kế phòng hoả, chống hoả chưa hợp lý vì chưa được các cơ quan chuyên trách nghiên cứu chu đáo.
Ngoài những nguyên nhân trên, còn phải rất chú ý và đề phòng âm mưu của địch đương tìm mọi sơ hở, thiếu cảnh giác của ta để đốt phá, gây nên thiệt hại đến tài sản của nhân dân, của Nhà nước và gây ảnh hưởng chính trị xấu cho chế độ của ta.
Để chống nạn cháy, để bảo vệ tính mạng và tải sản của nhân dân và của Nhà nước do hoả hoạn gây ra, cần đặt vấn đề phòng hoả, chống hoả thành một công tác quan trọng.
Trong công tác phòng hoả, chống hoả, phải nắm vững phương châm: phòng hoả là chính, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để chống hoả.
Công tác phòng hoả, chống hoả là nhiệm vụ chung của mọi người, mọi cán bộ, mọi tổ chức, chứ không phải nhiệm vụ của riêng ngành công an.
Cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ sở phải chịu trách nhiệm trước hết về việc phòng hoả, chống hoả ở địa phương, ở cơ sở mình, công an các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ về tổ chức và chuyên môn.
Muốn thực hiện tốt công tác phòng hoả, chống hoả, cần làm các việc sau đây:
1. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, cán bộ, bộ đội làm cho mọi người thấy rõ tác hại của nạn cháy, thấy rõ nhiệm vụ cấp thiết là phải làm công tác phòng hoả, chống hoả. Cần kiểm điểm lại ý thức phòng hoả và công tác phòng hoả, chống hoả từ trước để bổ khuyết các thiếu sót, và đề ra các nội quy về kế hoạch công tác phòng hoả, chống hoả từ nay về sau.
2. Ở mỗi xã, mỗi khu phố, mỗi thị trấn, ở mỗi cơ quan, nhà máy, kho tàng, công trường, nông trường, nhà, kho, cửa hàng, hợp tác xã, v.v... cần tổ chức các tổ phòng hoả, chống hoả có đông đảo nhân dân tham gia, có phân công rõ ràng, để lúc có nạn cháy thì huy động được nhanh chóng, hành động có tổ chức, không bị lúng túng.
Các tổ phòng hoả, chống hoả do Uỷ ban hành chính xã, khu phố, thị trấn, hoặc do ban phòng hoả, chống hoả cơ quan, nhà máy, v.v... lãnh đạo.
3. Đối với những xí nghiệp, kho tàng quan trọng, dễ phát sinh nạn cháy, hiện đang xây dựng, đều phải có kế hoạch thiết kế và trang bị hệ thống phòng hoả, chống hoả do Bộ Công an duyệt. Những kiến thiết cơ bản đã xây dựng từ trước nếu chưa trang bị hoặc trang bị chưa đầy đủ phương tiện phòng hoả, chống hoả, hoặc chưa thiết kế hệ thống phòng hoả, chống hoả theo đúng tiêu chuẩn, đều phải thiết kế và trang bị thêm.
4. Đối với những người vì thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra nạn cháy, nhất là những vụ cháy nghiêm trọng làm thiệt hại nhiều đến tài sản của Nhà nước và của nhân dân, thì phải thi hành kỷ luật hoặc truy tố trước Toà án. Những người có công trong công tác phòng hoả, chống hoả, gan dạ dũng cảm để dập tắt ngay từ đầu những vụ hoả hoạn có thể trở nên nghiêm trọng, hoặc hy sinh xung phong vào trong lửa cháy đề cứu tính mạng và tài sản của nhân dân và của Nhà nước, đều được Uỷ ban hành chính các cấp hoặc Chính phủ khen thưởng.
Công tác phòng hoả, chống hoả là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân, các bộ, các Uỷ ban tỉnh, khu, thành phố cần chú ý lãnh đạo và đôn đốc cấp dưới thực hiện tốt và đặt kế hoạch kiểm tra việc phòng hoả, chống hoả trong lúc này.
Bộ Công an có nhiệm vụ nghiên cứu những biện pháp thích hợp để hướng dẫn các Bộ, các Uỷ ban, các ngành trong việc phòng hoả, chống hoả và cùng các ngành sở quan kiểm tra việc phòng hoả, chống hoả ở một số xí nghiệp và kho tàng quan trọng để rút kinh nghiệm.
Thông tư này, các Bộ, các Uỷ ban cần phổ biến xuống tận các cơ sở.
Không có văn bản liên quan. |
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 555/TTg |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 23/12/1958 |
Hiệu lực: | |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Phạm Văn Đồng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Chưa xác định |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!