Cơ quan ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 63/1999/TT-BNN-BVTV | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Ngô Thế Dân |
Ngày ban hành: | 09/04/1999 | Hết hiệu lực: | 02/07/2005 |
Áp dụng: | 24/04/1999 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
SỐ 63/1999/TT-BNN-BVTV NGÀY 9 THÁNG 4 NĂM 1999
VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM DỊCH NỘI ĐỊA
Nhằm thực hiện tốt Chương III Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chương II Điều lệ về Kiểm dịch thực vật (KDTV) ban hành kèm theo Nghị định 92/CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ; để công tác KDTV nội địa thống nhất trong cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điểm của công tác KDTV nội địa với các địa phương như sau:
I. NỘI DUNG CÔNG TÁC KIỂM DỊCH THỰC VẬT NỘI ĐỊA
Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Bảo vệ và KDTV cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là Chi cục Bảo vệ thực vật) tổ chức và thực hiện công tác KDTV nội địa theo quy định tại Điều 15, 16 Pháp lệnh Bảo vệ và KDTV, Điều 13, 14 Điều lệ về KDTV. Cụ thể:
1. Hướng dẫn và trực tiếp theo dõi, kiểm tra tình hình sinh vật gây hại tài nguyên thực vật trên các nông, lâm sản nhập từ nước ngoài và tại các cơ sở sản xuất, gia công hàng thực vật xuất nhập khẩu trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện dịch hại KDTV của nước ta.
Để thực hiện công việc này, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cần phải:
- Kiểm tra các giấy tờ về KDTV và việc thực hiện của chủ vật thể về các biện pháp KDTV đã được ghi trong các giấy tờ KDTV đối với vật thể thuộc diện KDTV nhập khẩu và vật thể thuộc diện KDTV từ vùng dịch trong nước đưa vào địa phương.
- Ngoài ra, đối với giống cây trồng nhập nội thì Chi cục BVTV căn cứ vào Giấy phép KDTV nhập khẩu do Cục BVTV cấp và Thông báo về KDTV do cơ quan KDTV cửa khẩu gửi để giám sát địa điểm gieo trồng và thường xuyên kiểm tra, phát hiện dịch hại trong quá trình gieo trồng ít nhất là một vụ thu hoạch. Sau thời gian này, Chi cục BVTV phải có thông báo kết quả KDTV cho chủ lô giống cây trồng nhập nội đó.
2. Hướng dẫn chủ vật thể bao vây, tiêu diệt ngay dịch hại KDTV nội địa và dịch hại KDTV nhập khẩu trên tài nguyên thực vật gieo trồng ở địa phương và tài nguyên thực vật nhập khẩu; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện và thông báo cho Chi cục BVTV tại những tỉnh tiếp giáp.
3. Trực tiếp tiến hành KDTV, thực hiện các biện pháp xử lý KDTV và cấp Giấy chứng nhận KDTV nội địa cho các lô vật thể thuộc diện KDTV được vận chuyển từ vùng dịch hoặc qua vùng có dịch sang vùng khác.
4. Thường xuyên điều tra, theo dõi và hướng dẫn việc phòng trừ dịch hại nông lâm sản trong kho ở địa phương, đặc biệt là các loại giống cây trồng.
5. Tổ chức, thực hiện và quản lý Nhà nước về công tác khử trùng, bảo quản nông lâm sản ở địa phương theo Quy định quản lý Nhà nước về hoạt động khử trùng vật thể thuộc diện KDTV ban hành kèm theo Quyết định số 189/NN/BVTV/QĐ ngày 31/3/1994 của Bộ Nông nghiệp & CNTP (nay là Bộ Nông nghiệp & PTNT) như:
- Trực tiếp khử trùng nông, lâm sản bảo quản tại địa phương;
- Trực tiếp kiểm tra và cấp giấy phép hành nghề, thẻ hành nghề khử trùng cho tổ chức, cá nhân tại địa phương có nhu cầu hành nghề khử trùng bảo quản nông, lâm sản.
6. Tổ chức, thực hiện công tác KDTV hàng hoá thuộc diện KDTV xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh khi được sự uỷ quyền của cơ quan KDTV Trung ương đối với các tỉnh có cửa khẩu biên giới.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chi cục BVTV tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Căn cứ vào Quyết định số 706/NN/BVTV/QĐ ngày 18/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & CNTP (nay là Bộ Nông nghiệp & PTNT) quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Chi cục BVTV tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức mạng lưới BVTV ở cơ sở sản xuất nông nghiệp và tình hình thực tế của địa phương, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, thành phố đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT thành lập ít nhất một trạm KDTV trực thuộc Chi cục. Trạm KDTV có trách nhiệm giúp Chi cục trưởng tổ chức thực hiện và quản lý công tác KDTV nội địa. Trạm có con dấu riêng để giao dịch.
- Cán bộ KDTV trong khi làm nhiệm vụ phải mang sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ KDTV.
Việc cấp phát và sử dụng sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ KDTV được thực hiện theo Quy định về sắc phục, phù hiệu, thẻ KDTV và chế độ cấp phát, sử dụng đối với viên chức KDTV ban hành kèm theo Quyết định số 192/NN-BVTV/QĐ ngày 31/3/1994 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & CNTP (nay là Bộ Nông nghiệp & PTNT), Quy định sửa đổi một số điều của Quy định về sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu, thẻ KDTV và chế độ sử dụng, cấp phát, sử dụng đối với viên chức KDTV ban hành kèm theo Quyết định số 1348/NN-BVTV/QĐ ngày 27/9/1994 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & CNTP (nay là Bộ Nông nghiệp & PTNT) và Thông tư số 92 TT/LB liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp & PTNT ngày 13/12/1995 hướng dẫn thực hiện chế độ trang phục đối với viên chức KDTV, kiểm dịch động vật, Thanh tra viên chuyên ngành BVTV và Thanh tra Thú y.
- Chi cục BVTV tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thu các loại phí về KDTV, khử trùng nội địa và quản lý Nhà nước về công tác khử trùng nội địa theo Thông tư liên Bộ Nông nghiệp & CNTP - Bộ Tài chính số 27TT/LB ngày 30/3/1994.
2. Cục trưởng Cục BVTV có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các Chi cục BVTV tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Cục, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức, thực hiện công tác KDTV theo đúng các quy định tại Thông tư này.
3. Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Thông tư này.
4. Các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tại Việt Nam có hoạt động liên quan tới công tác KDTV phải thực hiện theo các quy định của Thông tư này.
5. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Thông tư này tuỳ theo mức độ vi phạm đều bị xử lý theo Nghị định số 78/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ và KDTV.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành, những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp & PTNT giải quyết.
01 | Văn bản thay thế |
02 | Văn bản quy định hết hiệu lực một phần |
Thông tư 63/1999/TT-BNN-BVTV hướng dẫn thực hiện công tác kiểm dịch thực vật
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Số hiệu: | 63/1999/TT-BNN-BVTV |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 09/04/1999 |
Hiệu lực: | 24/04/1999 |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Ngô Thế Dân |
Ngày hết hiệu lực: | 02/07/2005 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!