Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 63/TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Phan Kế Toại |
Ngày ban hành: | 28/02/1957 | Hết hiệu lực: | 01/01/1975 |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
THÔNG TƯ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 063/TTG
NGÀY 28 THÁNG 2 NĂM 1957 VỀ VIỆC THÀNH LẬP CÁC TỔ CHỨC
BẢO VỆ Ở CÁC XÍ NGHIỆP, CÔNG TRƯỜNG, NÔNG TRƯỜNG,
KHO TÀNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi: Các ông Bộ trưởng,
Các ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính,
Các liên khu, khu, thành phố và tỉnh,
Từ khi hoà bình được lập lại, do sự thực hiện chương trình khôi phục và phát triển kinh tế của Chính phủ, các nhà máy cũ đã dần dần được phục hồi và có một số nhà máy mới được xây dựng. Cho nên biên chế các xí nghiệp, công trường, nông trường, các kho tàng ngày càng tăng và đã thu hút hàng vạn cán bộ, công nhân, nhân viên mới. Trong thời gian qua do việc tuyển dụng người một cách ồ ạt, thiếu thận trọng, mặt khác lại thiếu giáo dục đầy đủ cho cán bộ, công nhân và nhân viên về ý thức bảo vệ kinh tế, cho nên tình hình nội bộ các cơ sở kinh tế trở lên phức tạp, hiện tượng ăn cắp, tham ô, lãng phí đã xảy ra, một số hiện tượng địch phá hoại cũng đã được khám phá ra.
Để đối phó với tình hình trên, hầu hết các cơ quan kinh tế, tài chính, các xí nghiệp, công trường, nông trường, kho tàng, v.v... đã tiến hành giáo dục cán bộ, công nhân viên về phòng gian bảo mật và bảo vệ tài sản quốc gia, đồng thời đã thành lập các tổ chức bảo vệ, quy định nội quy và tiến hành điều tra các hiện tượng không tốt xảy ra kể trên.
Nói chung công tác đã thu được một số kết quả, nhưng bên cạnh đó còn phạm nhiều thiếu sót, nhất là về phương diện tổ chức và lãnh đạo công tác bảo vệ các cơ sở kinh tế.
Để khắc phục thiếu sót trên và đảm bảo làm tốt công tác bảo vệ kinh tế, Thủ tướng Chính phủ thấy cần chấn chỉnh lại các tổ chức bảo vệ kinh tế về các mặt sau đây:
1- Nhiệm vụ:
Nhiệm vụ của công tác bảo vệ các cơ sở kinh tế (xí nghiệp, hầm mỏ, kho tàng, công trường, nông trường v.v...) là :
1- Giáo dục nâng cao ý thức phòng gian bảo mật và ý thức bảo vệ của công cho cán bộ, công nhân và nhân viên.
2- Xây dựng các nội quy bảo vệ, các chế độ kiểm soát canh gác và đôn đốc kiểm tra sự thực hiện nội quy và các chế độ đó.
3- Phòng ngừa âm mưu và hành động của địch thâm nhập và điều tra phá hoại công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế của ta, đồng thời phòng ngừa mọi sự ăn cắp, tham ô, lãng phí của công.
Các nhiệm vụ trên đây nhằm mục đích chung là bảo vệ an toàn cho sản xuất và kiến thiết, bảo vệ tài sản quốc gia, phát hiện và tiêu trừ phần tử địch (nếu có) ẩn nấp hoạt động trong các cơ sở kinh tế một cách có phương pháp, có kế hoạch và có lãnh đạo chặt chẽ.
2- Tổ chức thực hiện:
Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trên, cần củng cố hoặc thành lập các tổ chức bảo vệ xí nghiệp, hầm mỏ, công trường, nông trường... theo phương pháp thích hợp, đơn giản, nhẹ nhàng và không ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.
Tổ chức bảo vệ cơ sở kinh tế gồm có:
a) Phòng, ban bảo vệ: Phòng hay ban bảo vệ là tổ chức ở những cơ sở quan trọng hoặc tương đối quan trọng. Ở những nơi chỉ có một, hai cán bộ bảo vệ chuyên trách thì không lập ban hay phòng, nhưng số cán bộ đó sẽ trực thuộc đồng chí giám đốc hoặc quản đốc nhà máy, công trường, v.v...
Số cán bộ thoát ly sản xuất hoặc công tác chuyên môn để chuyên trách công tác bảo vệ sẽ căn cứ theo ba điều kiện sau đây mà quy định:
- Tính chất của cơ sở kinh tế (quan trọng nhiều hay ít).
- Sự bố trí phân tán hay tập trung (điều kiện bảo vệ thuận lợi hay khó khăn).
- Số lượng công nhân.
Nói chung tỷ lệ cán bộ, nhân viên thoát ly có thể định từ 3 đến 5 phần nghìn đối với tổng số cán bộ, công nhân và nhân viên của từng cơ sở kinh tế.
b) Đội bảo vệ: Hiện nay chỉ nên tổ chức ở những cơ sở kinh tế xét thật cần thiết để đảm nhiệm công tác canh gác, kiểm soát trong phạm vi xí nghiệp, hầm mỏ, công trường, nông trường... chủ yếu chống sự đột nhập của kẻ gian từ ngoài vào, đồng thời làm công tác phòng hoả, cứu hoả.
Lực lượng này sẽ tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của phòng, ban bảo vệ (hay cán bộ chuyên trách bảo vệ ở những nơi không có phòng, ban bảo vệ) và do Bộ Công an hướng dẫn về nghiệp vụ. Đội bảo vệ sẽ nằm trong biên chế cơ quan, xí nghiệp, hầm mỏ, công trường, nông trường, và do các nơi này đài thọ về lương và mọi khoản cấp phát khác.
Tuy rằng trên đây đã định ra các tổ chức và hình thức bảo vệ (phòng, ban, đội bảo vệ) các cơ sở kinh tế, nhưng không gò bó, không nhất thiết nơi nào cũng phải có những hình thức tổ chức như thế. Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các Bộ sở quan sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất quan trọng nhiều hay ít cuả từng cơ sở kinh tế mà định ra các tổ chức cho thật thích hợp, thật đơn giản nhẹ nhàng. Còn về tỷ lệ cán bộ và nhân viên thoát ly (từ 2 đến 5/1000) cũng vậy, đó là mức nói chung và "mức" tối đa, phải xuất phát từ tình hình và yêu cầu thực tế của từng cơ sở kinh tế mà định số người cho sát, hết sức tránh ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.
Để công tác bảo vệ các cơ sở kinh tế thu được nhiều kết quả tốt và tranh thủ được sự giúp đỡ và tham gia ý kiến rộng rãi của quần chúng công nhân, các tổ chức bảo vệ nói trên cần liên hệ chặt chẽ với các tổ chức quần chúng trong các cơ quan, xí nghiệp, nông trường... (công đoàn, thanh niên lao động).
3- Quan hệ chỉ đạo và phối hợp:
Các tổ chức bảo vệ (phòng, ban bảo vệ, đội bảo vệ) đều nằm trong biên chế cơ quan, xí nghiệp, hầm mỏ, kho tàng, nông trường, công trường, đồng thời đều là bộ phận chuyên môn của bảo vệ kinh tế để giúp cho ban phụ trách nhà máy, công trường... chỉ đạo công tác bảo vệ. Các tổ chức này một mặt chịu sự lãnh đạo của ban phụ trách nhà máy và mặt khác phải chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ bảo vệ của công an. Giữa Công an địa phương và ban phụ trách cơ sở kinh tế và cũng như giữa Bộ Công an và các Bộ sở quan cần có sự phối hợp công tác chặt chẽ hơn nữa.
Thông tư này chỉ quy định nhiệm vụ và những nguyên tắc về tổ chức và chỉ đạo công tác, những vấn đề chi tiết sẽ có thông tư liên bộ quy định sau.
01 | Văn bản thay thế |
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 63/TTg |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 28/02/1957 |
Hiệu lực: | |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Phan Kế Toại |
Ngày hết hiệu lực: | 01/01/1975 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!