Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 9-LĐ/TT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Nguyễn Thọ Chân |
Ngày ban hành: | 18/03/1975 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Chưa xác định |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG SỐ 09-LĐ/TT
NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM 1975 HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN
CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP THỢ ĐẶC BIỆT GIỎI
Ngày 6 tháng 6 năm 1974, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 137/CP về công tác tiền lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể của công nhân, viên chức Nhà nước trong hai năm 1974 - 1975; trong đó có: "Đặt khoản phụ cấp từ 10% đến 30% lương cấp bậc cho "thợ đặc biệt giỏi đã xếp tột bậc của thang lương và một số bảng lương công nhân của Nhà nước, sau một thời gian 3 năm trở lên và vẫn còn phát huy tác dụng tốt đối với sản xuất". Nay Bộ Lao động hướng dẫn thi hành phụ cấp thợ đặc biệt giỏi cho công nhân đã xếp tột bậc của thang lương. Còn đối với một số bảng lương công nhân còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu kỹ, sẽ hướng dẫn sau.
I- MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
Hiện nay, trong các xí nghiệp cơ quan Nhà nước, nhiều công nhân kỹ thuật đã được xếp tột bậc của các thang lương đã trên 3 năm trong đó có một số người đang phát triển tài năng và đang phát huy tác dụng tích cực đối với sản xuất, cần được khuyến khích đúng mức. Chế độ phụ cấp thợ đặc biệt giỏi ban hành nhằm:
1- Thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, khuyến khích những công nhân kỹ thuật giỏi đã được xếp tột bậc, vẫn tiếp tục học tập, kỹ thuật, trau dồi nghề nghiệp, phát huy hết tài năng trong sản xuất, có kết quả cụ thể.
2- Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị quản lý và sử dụng hợp lý đội ngũ công nhân kỹ thuật giỏi, có nhiều kinh nghiệm về sản xuất theo đúng khả năng và nghề nghiệp của họ.
II- ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC XÉT THỢ ĐẶC BIỆT GIỎI
Những công nhân kỹ thuật được xếp tột bậc của thang lương, nói chung là những thợ giỏi trong nghề. Những người được công nhận là thợ đặc biệt giỏi phải có những điều kiện như sau:
1- Đã được xếp tột bậc của thang lương sau 3 năm trở lên, đang làm đúng nghề, hiểu biết và làm được đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật đã quy định cho bậc tột cùng của thang lương của nghề đó; có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, đã giải quyết được những khó khăn về kỹ thuật và công nghệ của đơn vị.
2- Có ý thức làm chủ tập thể trong công tác và sản xuất, không vi phạm kỷ luật lao động, không xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa lần nào, không để lãng phí thời gian lao động, nguyên liệu và công cụ máy móc.
3- Luôn luôn phấn đấu học tập, nâng cao trình độ kỹ thuật, nhiệt tình dìu dắt thợ trẻ và phổ biến kinh nghiệm nghề nghiệp cho công nhân cùng nghề, được công nhân trong đơn vị tín nhiệm về nghề nghiệp.
III- ĐỐI TƯỢNG, MỨC PHỤ CẤP VÀ CÁCH TÍNH PHỤ CẤP
A- ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC PHỤ CẤP:
Sự khác nhau về mức độ phức tạp kỹ thuật của các nghề, đã được thể hiện trên các thang lương, nên thời gian đào tạo và công tác đề đạt tới trình độ xếp tột bậc của các thang lương có khác nhau, do đó mức phụ cấp cũng khác nhau.
1- Những công nhân xếp bậc theo thang lương 7 bậc, bội số 2,5 và 2,2 và một số thang lương 6 bậc có bội số 2,4 và 2,1 mà được công nhận là thợ đặc biệt giỏi như mục II, được hưởng:
a) Mức phụ cấp 15% lương cấp bậc cho những người đã xếp tột bậc của thang lương trên 3 năm đến hết 8 năm;
b) Mức phụ cấp 30% lương cấp bậc cho những người đã xếp tột bậc của thang lương trên 8 năm.
2- Những công nhân xếp bậc theo các thang lương 6 bậc còn lại, thang lương 5 bậc mà được công nhận là thợ đặc biệt giỏi như mục II được hưởng:
a) Mức phụ cấp 10% lương cấp bậc cho những người đã xếp tột bậc của thang lương trên 3 năm đến hết 8 năm;
b) Mức phụ cấp 20% lương cấp bậc cho những người đã xếp tột bậc của thang lương trên 8 năm.
B- CÁCH TÍNH PHỤ CẤP:
Phụ cấp thợ đặc biệt giỏi được tính trên cơ sở lương cấp bậc (bình thường hoặc là nóng hại) và chỉ được hưởng trong những ngàylàm việc đúng nghề. Tất cả những trường hợp nghỉ việc vì bất cứ lý do gì, hoặc đi làm việc khác trái ngành, nghề, đều không được hưởng phụ cấp.
IV- TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1- Các ngành, các địa phương có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện, uốn nắn lệch lạch, phổ biến kinh nghiệm, đảm bảo thi hành đúng các quy định trong thông tư này.
2- Mỗi năm một lần (quý I) thủ trưởng đơn vị cơ sở phối hợp với thư ký công đoàn cùng cấp, tổ chức việc xét chọn thợ đặc biệt giỏi và thi hành chế độ phụ cấp. Những người năm trước được công nhận là thợ đặc biệt giỏi, nhưng năm sau không được công nhận nữa, thì không được tiếp tục hưởng phụ cấp.
3- Quá trình tiến hành xét chọn, công nhận thợ đặc biệt giỏi và xác định mức phụ cấp, thủ trưởng đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với đại diện công đoàn cùng cấp, và phải chú ý lắng nghe ý kiến của công nhân cùng nghề, của cán bộ kỹ thuật để việc nhận xét và quyết định được đúng đắn.
4- Công nhân được công nhận là thợ đặc biệt giỏi được hưởng phụ cấp từ ngày 1 tháng 1 của năm được quyết định công nhận thợ đặc biệt giỏi (tổ chức xét duyệt vào quý I hàng năm) và được hưởng đến hết năm đó. Trường hợp vi phạm những điều kiện ở mục II thì giám đốc huỷ quyết định công nhận thợ đặc biệt giỏi và cắt khoản phụ cấp này từ ngày ký quyết định. Riêng năm 1975, thời hạn xét duyệt là quý II.
5- Những cán bộ thi hành sai Thông tư này, gây tổn thất công quỹ của Nhà nước đều xử lý theo tinh thần Nghị quyết số 228 của Trung ương Đảng và Điều 12 của Pháp lệnh trừng trị các tội phạm tài sản xã hội chủ nghĩa công bố ngày 23 tháng10 năm 1970.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn mắc mứu gì, các cơ sở báo cáo cho Bộ chủ quản, hoặc Uỷ ban hành chính địa phưong và Bộ Lao động để kịp thời nghiên cứu giải quyết.
Không có văn bản liên quan. |
Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động |
Số hiệu: | 9-LĐ/TT |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 18/03/1975 |
Hiệu lực: | |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Thọ Chân |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Chưa xác định |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!