hieuluat

Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Đại Hàn Dân Quốc

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Chính phủ Brunei Darussalam, Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia, Chính phủ Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Chính phủ Malaysia, Chính phủ Liên bang Mi-an-ma, Chính phủ Cộng hoà Philippin, Chính phủ Cộng hoà Singapo, Chính phủ Vương quốc Thái Lan, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiệp hội các nước Đông nam á (ASEAN)Số công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:Không sốNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Hiệp địnhNgười ký:Đang cập nhật
    Ngày ban hành:13/12/2005Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:Đang cập nhậtTình trạng hiệu lực:Chưa xác định
    Lĩnh vực:Ngoại giao, Chính sách
  • HIỆP ĐỊNH KHUNG

    VỀ HỢP TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN GIỮA CHÍNH PHỦ CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN THUỘC HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á VÀ ĐẠI HÀN DÂN QUỐC

     

    Chính phủ các nước Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang Mi-an-ma, Cộng hoà Phi-líp-pin, Cộng hoà Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các nước Thành viên thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (sau đây gọi chung là "ASEAN" hoặc "các nước Thành viên ASEAN" hay gọi riêng từng nước là "nước Thành viên ASEAN") và Chính phủ Đại hàn Dân quốc (sau đây gọi là "Hàn Quốc"),

    Nhắc lại quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc được tổ chức ngày 30/11/2004 tại Viên-Chăn, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, đã thông qua Tuyên bố chung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc nhằm thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc ("KVTMTD ASEAN-Hàn Quốc") trong thời gian sớm nhất với những đối xử đặc biệt và khác biệt và linh hoạt hơn cho các nước Thành viên mới của ASEAN là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam ("các nước Thành viên mới của ASEAN");

    Mong muốn ký kết một Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện (sau đây gọi là "Hiệp định khung này") giữa ASEAN và Hàn Quốc (gọi chung là "các Bên" hay gọi riêng là "một Bên") nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng và phát triển, nâng cao mức sống của người dân trong toàn bộ khu vực và cung cấp những lợi ích năng động hơn nữa đối với khu vực về lâu dài;

    Tin tưởng rằng việc thành lập KVTMTD ASEAN-Hàn Quốc sẽ mở rộng mối quan hệ hiện có giữa ASEAN và Hàn Quốc và là đòn bẩy để nâng mối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên một tầm cao mới và toàn diện hơn;

    Tái khẳng định niềm tin chung rằng việc thỏa thuận thành lập KVTMTD ASEAN - Hàn Quốc sẽ dựa trên các nguyên tắc đã được nhất trí về tính toàn diện của tiến trình tự do hóa, về mức độ tự do hóa thực sự đáng kể và có ý nghĩa, về việc tăng cường lợi ích của các bên, và đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc và quy định của WTO;

    Dựa trên các quyền và nghĩa vụ quy định tại Hiệp định Marrakesh về thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định khác sẽ được đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định khung này cũng như trong các hiệp định hợp tác đa phương và song phương khác mà các bên đã tham gia;

    Thừa nhận việc dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại thông qua thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc sẽ góp phần phát triển hài hoà và mở rộng thương mại thế giới và tạo động lực để mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế, đặc biệt tại Đông Á;

    Thừa nhận tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực thông qua phát triển nguồn nhân lực để đối phó với những thách thức của toàn cầu hoá; và

    Thừa nhận trình độ phát triển kinh tế khác nhau giữa các nước Thành viên ASEAN và sự cần thiết có linh hoạt đối với các nước Thành viên mới của ASEAN, cụ thể là cần tạo thuận lợi để các nước đó tăng cường tham gia vào hợp tác kinh tế ASEAN-Hàn Quốc và mở rộng xuất khẩu của mình, kể cả thông qua việc nâng cao nội lực, tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh;

    Đã nhất trí như sau:

    Chương 1:

    CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

    Điều 1.1. Mục tiêu

    Mục tiêu của Hiệp định khung này là:

    (a) Củng cố và tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các Bên;

    (b) Tự do hoá từng bước và thúc đẩy thương mại hàng hoá và dịch vụ cũng như thiết lập một chế độ đầu tư thuận lợi, minh bạch và tự do;

    (c) Tìm kiếm các lĩnh vực mới và xây dựng các biện pháp phù hợp vì hợp tác kinh tế gần gũi hơn và hội nhập;

    (d) Tạo thuận lợi cho các nước Thành viên mới của ASEAN hội nhập kinh tế hiệu quả hơn và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các Bên; và

    (e) thiết lập một khuôn khổ hợp tác nhằm củng cố hơn nữa quan hệ kinh tế giữa các Bên. 

    Điều 1.2. Định nghĩa

    Trong Hiệp định này, các định nghĩa sau sẽ được áp dụng trừ phi ngữ cảnh có quy định khác:

    “AEM + Korea” nghĩa là các Bộ trưởng Kinh tế các nước Thành viên ASEAN và Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc;

    “ASEAN” nghĩa là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang Mi-an-ma, Cộng hoà Phi-líp-pin, Cộng hoà Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

    “ASEAN–Hàn Quốc FTA” nghĩa là Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc được thành lập bởi Hiệp định khung này và các hiệp định có liên quan khác quy định tại đoạn 1, Điều 1.3;

    “Các nước Thành viên ASEAN” nghĩa là đề cập chung đến Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang Mi-an-ma, Cộng hoà Phi-líp-pin, Cộng hoà Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

    “Nước Thành viên ASEAN” nghĩa là đề cập riêng đến Bru-nây Đa-rút-xa-lam, Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ma-lai-xi-a, Liên bang Mi-an-ma, Cộng hoà Phi-líp-pin, Cộng hoà Xinh-ga-po, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

    “Hiệp định khung” nghĩa là Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa Chính phủ các nước Thành viên của ASEAN và Chính phủ nước Đại hàn Dân quốc;

    “GATS” nghĩa là Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ, là một bộ phận của Hiệp định WTO;

    “GATT 1994” nghĩa là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994, bao gồm cả các Ghi chú và các Điều khoản bổ sung và là một bộ phận của Hiệp định WTO;

    “Hàn Quốc” nghĩa là Đại hàn Dân quốc;

    “Các nước Thành viên mới của ASEAN” bao gồm Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Liên bang Mi-an-ma và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

    “Danh mục thông thường” nghĩa là danh mục các dòng thuế theo đó mức thuế suất MFN sẽ được giảm và loại bỏ từng bước theo phương thức quy định tại Phụ lục 1 của Hiệp định Thương mại hàng hoá thuộc Hiệp định khung này;

    “Các Bên” nghĩa là tất cả các Nước Thành viên ASEAN và Hàn Quốc;

    “Bên” nghĩa là một Nước Thành viên ASEAN hoặc Hàn Quốc;

    “WTO” nghĩa là Tổ chức Thương mại Thế giới; và

    “Hiệp định WTO” nghĩa là Hiệp định Marrakesh về thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới ngày 15/4/1994.

    Điều 1.3. Các biện pháp hợp tác kinh tế toàn diện

    Các Bên sẽ thành lập, phù hợp với Điều XXIV của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT 1994) và Điều V của Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS), KVTMTD ASEAN-Hàn Quốc và tăng cường hợp tác kinh tế thông qua:

    (a) Loại bỏ dần các hàng rào thuế quan và phi quan thuế đối với cơ bản toàn bộ thương mại hàng hoá;

    (b) Tự do hoá từng bước thương mại dịch vụ trong hầu hết các lĩnh vực;

    (c) Thiết lập một chế độ đầu tư thông thoáng và có tính cạnh tranh nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy đầu tư trong KVTMTD ASEAN-Hàn Quốc;

    (d) Dành đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước Thành viên của ASEAN và linh hoạt hơn nữa cho các nước Thành viên mới của ASEAN như đã được ghi nhận trong Tuyên bố chung cũng như các yếu tố cơ bản kèm theo của các nhà Lãnh đạo;

    (e) Dành linh hoạt cho các Bên trong đàm phán KVTMTD ASEAN - Hàn Quốc nhằm xác định các lĩnh vực nhạy cảm trong thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, những linh hoạt này sẽ được đàm phán và nhất trí dựa trên nguyên tắc có đi có lại và cùng có lợi;

    (f) Xây dựng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và đầu tư có hiệu quả;

    (g) Tìm kiếm các cách thức và phương tiện để mở rộng hợp tác kinh tế sang các lĩnh vực mới và mở rộng hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực sẽ được cùng nhau thống nhất, góp phần làm sâu sắc hơn mối liên kết thương mại và đầu tư giữa các Bên; và

    (h) Thiết lập những quy trình và cơ chế thích hợp nhằm mục đích thực hiện có hiệu quả Hiệp định khung này.

    Điều 1.4. Phạm vi pháp lý và mối quan hệ với các Hiệp định khác

    1. Các hiệp định sau sẽ là một phần của các văn kiện pháp lý thành lập KVTMTD ASEAN-Hàn Quốc trên cơ sở thời hạn có hiệu lực của mỗi hiệp định đó:

    (a) Hiệp định khung này (bao gồm Phụ lục về Hợp tác Kinh tế);

    (b) Hiệp định về Thương mại Hàng hoá quy định tại Điều 2.1;

    (c) Hiệp định về Thương mại dịch vụ sẽ hoàn thành theo quy định tại Điều 2.2;

    (d) Hiệp định về Đầu tư sẽ hoàn thành theo quy định tại Điều 2.3;

    (e) Hiệp định về Cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 5.1; và

    (f) Bất cứ hiệp định nào khác do các bên nhất trí và hoàn tất trong khuôn khổ KVTMTD ASEAN-Hàn Quốc.

    2. Ngoại trừ có các quy định khác trong Hiệp định khung này, Hiệp định khung này hoặc bất kỳ hành động nào được tiến hành trong khuôn khổ của Hiệp định khung này, sẽ không ảnh hưởng hoặc làm mất đi quyền và nghĩa vụ của một Bên theo các Hiệp định hiện hành khác mà Bên đó là thành viên.

    3. Không có quy định nào trong Hiệp định khung này ngăn cản bất kỳ nước Thành viên nào của ASEAN ký kết các hiệp định song phương hoặc đa phương với các nước Thành viên của ASEAN khác và/hoặc với Hàn Quốc trong các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư và/hoặc các lĩnh vực hợp tác kinh tế khác. Các điều khoản của Hiệp định khung này sẽ không áp dụng đối với bất kỳ hiệp định song phương hoặc đa phương nào kể trên.

    Chương 2:

    TỰ DO HOÁ

    Điều 2.1. Thương mại hàng hoá

    1. Các bên sẽ dần cắt giảm và loại bỏ thuế quan và các quy định hạn chế thương mại (ngoại trừ, trong trường hợp cần thiết, những biện pháp được cho phép theo Điều XXIV (8)(b) của GATT 1994) đối với cơ bản toàn bộ thương mại hàng hóa giữa các nước Thành viên ASEAN và Hàn Quốc, phù hợp với các quy định, danh mục và chương trình đối với Danh mục Thông thường trong Hiệp định Thương mại hàng hoá thuộc Hiệp định khung này.

    2. Hiệp định Thương mại hàng hóa sẽ bao gồm, nhưng không giới hạn ở những nội dung sau:

    (a) Những quy tắc chi tiết điều chỉnh chương trình cắt giảm và/hoặc xoá bỏ thuế quan từng bước cũng như những vấn đề liên quan khác;

    (b) Quy tắc xuất xứ;

    (c) Sửa đổi các cam kết

    (d) Các biện pháp phi quan thuế, kiểm dịch động, thực vật và hàng rào kỹ thuật đối với thương mại;

    (e) Các biện pháp tự vệ; và

    (f) Các quy định của WTO và việc cắt giảm và loại bỏ các hàng rào phi quan thuế (NTB).

    Điều 2.2. Thương mại dịch vụ

    1. Các Bên sẽ từng bước tự do hoá thương mại dịch vụ giữa các nước Thành viên ASEAN và Hàn Quốc với phần lớn các lĩnh vực theo quy định tại Điều V của GATS.

    2. Nhằm mục tiêu này, các Bên sẽ tiến hành đàm phán để từng bước tự do hoá thương mại dịch vụ. Các cuộc đàm phán này sẽ được định hướng nhằm:

    (a) Xoá bỏ về cơ bản toàn bộ các phân biệt đối xử giữa các nước Thành viên ASEAN và Hàn Quốc chỉ trong các lĩnh vực quy định tại đoạn 1, thông qua

    (i) loại bỏ các biện pháp phân biệt đối xử hiện có, và/hoặc

    (ii) ngăn cấm việc đưa ra thêm các biện pháp phân biệt đối xử mới hoặc có tính phân biệt đối xử cao hơn liên quan đến thương mại dịch vụ giữa các Bên vào thời điểm hiệp định có hiệu lực theo quy định tại đoạn 3 hoặc trên cơ sở thời gian do các Bên nhất trí, ngoại trừ những biện pháp được cho phép theo Điều XI, XII, XIV, XIVbis của GATS.

    (b) Mở rộng mức độ và phạm vi tự do hoá thương mại dịch vụ hơn những cam kết của các nước Thành viên ASEAN và Hàn Quốc theo GATS; và

    (c) Tăng cường hợp tác dịch vụ giữa các Bên nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, cũng như nhằm đa dạng hoá việc cung cấp và phân phối dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ tương ứng của các Bên.

    3. Các Bên sẽ bắt đầu đàm phán về hiệp định thương mại dịch vụ vào năm 2006 với mục tiêu kết thúc đàm phán không muộn hơn ngày 31/12/2006.

    Điều 2.3. Đầu tư

    1. Các Bên sẽ tạo ra một chế độ đầu tư tự do, thuận lợi, minh bạch và cạnh tranh với môi trường kinh doanh thuận lợi.

    2. Vì mục tiêu này, các Bên sẽ tiến hành đàm phán nhằm tự do hoá chế độ đầu tư. Các cuộc đàm phán này sẽ được định hướng nhằm:

    (a) Từng bước tự do hoá chế độ đầu tư;

    (b) Tăng cường hợp tác đầu tư, thuận lợi hoá đầu tư và cải thiện tính minh bạch các luật lệ và quy định đầu tư; và

    (c) Bảo hộ theo quy định của chế độ đầu tư.

    3. Các Bên sẽ bắt đầu đàm phán về hiệp định thương mại dịch vụ vào năm 2006 với mục tiêu kết thúc đàm phán không muộn hơn ngày 31/12/2006.

    Điều 2.4. Đối xử tối huệ quốc

    Hàn Quốc sẽ dành đối xử tối huệ quốc (MFN) phù hợp với quy tắc và quy định của WTO cho tất cả các nước Thành viên ASEAN chưa là thành viên WTO kể từ ngày Hiệp định khung này có hiệu lực.

    Chương 3:

    HỢP TÁC KINH TẾ

    Điều 3.1. Phạm vi và thực hiện hợp tác

    1. Các Bên, trên cơ sở cùng lợi ích, sẽ thực hiện và tìm hiểu các dự án hợp tác trong các lĩnh vực sau:

    (a) thủ tục hải quan;

    (b) xúc tiến thương mại và đầu tư;

    (c) doanh nghiệp vừa và nhỏ;

    (d) quản lý và phát triển nguồn nhân lực;

    (e) du lịch;

    (f) khoa học và kỹ thuật;

    (g) dịch vụ tài chính;

    (h) công nghệ thông tin và viễn thông;

    (i) nông nghiệp, thuỷ sản, chăn nuôi, cây trồng và lâm nghiệp;

    (j) sở hữu trí tuệ;

    (k) công nghiệp môi trường;

    (l) phát sóng;

    (m) công nghệ xây dựng;

    (n) đánh giá tiêu chuẩn và hợp chuẩn và các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS);

    (o) khai mỏ;

    (p) năng lượng;

    (q) tài nguyên thiên nhiên;

    (r) đóng tàu và vận tải biển; và

    (s) phim ảnh.

    2. Các Bên sẽ thực hiện các dự án hợp tác kinh tế trên cơ sở thời gian được cả hai bên thống nhất, nếu khả thi. Các dự án này sẽ được giám sát bởi Uỷ ban thực hiện thành lập theo quy định tại Điều 5.3 của Hiệp định khung này nhằm đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả các dự án.

    3. Chi tiết cụ thể của việc hợp tác được quy định trong Phụ lục về Hợp tác kinh tế.

    Điều 3.2. Các chương trình xây dựng năng lực và trợ giúp kỹ thuật

    1. Các Bên, thừa nhận tầm quan trọng của các chương trình xây dựng năng lực và trợ giúp kỹ thuật, đặc biệt đối với các nước Thành viên mới của ASEAN, nhằm mở rộng thương mại và đầu tư của các nước này với Hàn Quốc, sẽ thực hiện các chương trình dựng năng lực và trợ giúp kỹ thuật trên cơ sở cùng nhất trí.

    2. Các Bên nhất trí tăng cường hợp tác và hỗ trợ cho việc hiện thực hoá các mục tiêu hội nhập của ASEAN bằng việc thực hiện các dự án thúc đẩy sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) tại Hội nghị Bali lần thứ II cũng như Chương trình hành động Viên Chăn, bao gồm cung cấp trợ giúp kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước Thành viên mới của ASEAN dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của Hàn Quốc trong lĩnh vực phát triển.

    3. Các Bên nhất trí tăng cường các nỗ lực hội nhập của ASEAN trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN và Hàn Quốc bằng việc tăng cường phát triển vùng và tiểu vùng.

    4. Các Bên, thừa nhận khoảng cách phát triển giữa các nước Thành viên ASEAN và giữa các nước Thành viên ASEAN và Hàn Quốc, nhất trí tăng cường phát triển vùng và tiểu vùng, thông qua các sáng kiến hợp tác, bao gồm:

    (a) Tiểu vùng sông Mekong;

    (b) Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS);

    (c) Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN Brunei Darussalam-Indonesia-Malaysia-Philippin (BIMP-EAGA);

    (d) Các Tam giác tăng trưởng như Indonesia-Malaysia-Thailand (IMT-GT), Indonesia-Malaysia-Singapore (IMS-GT);

    (e) Chương trình Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS);

    (f) Hành lang Kinh tế Đông-Tây thứ hai;

    (g) Hợp tác Phát triển lòng chảo Mekong ASEAN (AMBDC);

    (h) Dự án liên đường sắt Singapore-Côn Minh (SKRL);

    (i) Chia sẻ kinh nghiệm với Uỷ ban sông Mekong (MRC) trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình ưu tiên trong lưu vực sông Mekong”.

    Chương 4:

    CÁC LĨNH VỰC KHÁC

    Điều 4.1. Mở rộng hợp tác kinh tế sang các lĩnh vực mới

    Với mục tiêu đạt được một KVTMTD ASEAN-Hàn Quốc mang tính toàn diện, các Bên sẽ tìm hiểu các cách thức và phương tiện để mở rộng hợp tác kinh tế sang các lĩnh vực mới mà các bên cùng quan tâm và trên cơ sở được các Bên nhất trí.

    Chương 5:

    CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

    Điều 5.1. Giải quyết tranh chấp

    1. Bất kỳ tranh chấp nào liên quan tới việc giải thích, thực hiện hoặc áp dụng Hiệp định khung này sẽ được giải quyết thông qua thủ tục và cơ chế được quy định trong Hiệp định về Cơ chế giải quyết tranh chấp thuộc Hiệp định khung này.

    2. Tuy nhiên, bất cứ tranh chấp nào liên quan đến đoạn 3 của Điều 2.2 (Thương mại Dịch vụ), đoạn 3 của Điều 2.3 (Đầu tư), Chương 3 (Hợp tác kinh tế, bao gồm Phụ lục) và Chương 4 (Các lĩnh vực khác) và Phụ lục về Hợp tác kinh tế sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định về Cơ chế giải quyết tranh chấp.

    Điều 5.2. Cơ cấu tổ chức đàm phán

    1. Uỷ ban đàm phán Thương mại ASEAN - Hàn Quốc sẽ được thành lập để triển khai chương trình đàm phán được quy định trong Hiệp định khung này.

    2. Uỷ ban đàm phán Thương mại ASEAN - Hàn Quốc có thể thành lập các Nhóm Công tác, nếu cần thiết, nhằm hỗ trợ việc đàm phán trên các lĩnh vực cụ thể trong khuôn khổ KVTMTD ASEAN-Hàn Quốc.

    3. Ngay khi bắt đầu tiến hành đàm phán như quy định trong Hiệp định khung này và tiếp tục cho tới khi chính thức hoàn tất các cuộc đàm phán vào ngày 31/12/2006, các Bên sẽ cố gắng không thực hiện bất kỳ biện pháp hạn chế và bóp méo thương mại nào tác động tiêu cực đến lập trường đàm phán của bất kỳ Bên nào khác.

    Điều 5.3. Thực hiện Hiệp định khung

    1. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc (sau đây gọi là AEM + Hàn Quốc) có thẩm quyền cao nhất đối với mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp định khung này và bất kỳ hiệp định nào khác đã được ký kết hoặc sẽ được ký kết theo quy định của Hiệp định khung này. Uỷ ban thực hiện (sau đây gọi là Uỷ ban), được thiết lập bao gồm các Quan chức Kinh tế Cấp cao của ASEAN đối với ASEAN và các Quan chức Kinh tế Cấp cao đối với Hàn Quốc hoặc những người do họ chỉ định, sẽ họp khi cần để thực hiện các chức năng như quy định tại đoạn 2 dưới sự giám sát và chỉ đạo của AEM-Hàn Quốc.

    2. Các Bên, thông qua Uỷ ban, sẽ:

    (a) giám sát, quản lý và phối hợp việc thực hiện và áp dụng một cách thích hợp các điều khoản của Hiệp định khung này cũng như bất cứ hiệp định nào khác đã được ký kết hoặc sẽ được ký kết theo quy định của Hiệp định khung này;

    (b) rà soát việc thực hiện Hiệp định khung này và bất cứ hiệp định nào khác đã được ký kết hoặc sẽ được ký kết theo quy định của Hiệp định khung này;

    (c) giám sát hoạt động của các uỷ ban và nhóm công tác được thành lập trong khuôn khổ Hiệp định khung này và bất cứ hiệp định nào khác đã được ký kết hoặc sẽ được ký kết theo quy định của Hiệp định khung này;

    (d) xem xét các vấn đề khác có thể tác động đến việc thực hiện Hiệp định khung này và bất cứ hiệp định nào khác đã được ký kết hoặc sẽ được ký kết theo quy định của Hiệp định khung này hoặc các vấn đề do Uỷ ban thực hiện giao phó.

    3. Để thực hiện các chức năng của mình, Uỷ ban có thể:

    (a) thành lập và uỷ quyền cho các uỷ ban lâm thời hoặc thường trực, các nhóm công tác hoặc các nhóm chuyên gia và phân công nhiệm vụ đối với các vấn đề cụ thể; và

    (b) đảm nhận các hoạt động khác để thực hiện chức năng của mình nếu các Bên nhất trí.

    4. Uỷ ban sẽ báo cáo thường kỳ lên AEM-Hàn Quốc về hoạt động của mình.

    5. Uỷ ban thực hiện sẽ xây dựng các quy định và thủ tục hoạt động và sẽ trình AEM-Hàn Quốc thông qua.

    6. Uỷ ban sẽ họp trong vòng một năm kể từ ngày Hiệp định khung này có hiệu lực, sau đó sẽ họp hàng năm hoặc họp nếu cần thiết.

    Điều 5.4. Ban Thư ký và đầu mối liên lạc

    1. Ban Thư ký ASEAN về phía các nước Thành viên ASEAN và Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc về phía Hàn Quốc sẽ cùng hỗ trợ công tác thư ký cần thiết để thực hiện Hiệp định khung này cũng như bất kỳ hiệp định nào khác đã được ký kết hoặc sẽ được ký kết phù hợp với quy định của Hiệp định khung này. Ban Thư ký ASEAN và Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc sẽ giám sát và báo cáo lên Uỷ ban việc thực hiện Hiệp định khung này cũng như bất kỳ hiệp định nào khác đã được ký kết hoặc sẽ được ký kết phù hợp với quy định của Hiệp định khung này.

    2. Tất cả các liên lạc và thông báo chính thức giữa các Bên để thực hiện Hiệp định khung này sẽ bằng tiếng Anh và thông qua Ban Thư ký ASEAN và Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc nếu thích hợp.

    3. Các Bên sẽ chỉ định các đầu mối liên lạc của mình nhằm tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa các Bên về bất cứ vấn đề nào quy định trong Hiệp định khung này. Theo yêu cầu của một Bên, đầu mối liên lạc của bên được yêu cầu phải chỉ rõ cơ quan hoặc cá nhân chịu trách nhiệm về vấn đề đó và hỗ trợ tạo thuận lợi liên lạc với bên yêu cầu.

    Điều 5.5. Phụ lục và các Văn bản pháp lý trong tương lai

    1. Phụ lục về Hợp tác Kinh tế sẽ trở thành một phần không tách rời của Hiệp định này.

    2. Các Bên có thể thông qua các văn bản pháp lý trong tương lai theo quy định tại Hiệp định khung này. Các văn bản pháp lý đó sẽ trở thành một phần không tách rời của Hiệp định khung này kể từ ngày văn bản pháp lý đó có hiệu lực.

    Điều 5.6. Sửa đổi hiệp định

    Các điều khoản của Hiệp định khung này có thể được sửa đổi thông qua sự nhất trí bằng văn bản của các Bên.

    Điều 5.7. Lưu chiểu

    Đối với các nước Thành viên ASEAN, Hiệp định khung này sẽ do Tổng Thư ký ASEAN lưu chiểu, Tổng Thư ký ASEAN sẽ gửi cho mỗi nước Thành viên ASEAN một bản sao Hiệp định đã được chứng nhận.

    Điều 5.8. Thời hạn hiệu lực

    1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2006, với điều kiện ít nhất một nước Thành viên của ASEAN và Hàn Quốc là một trong các nước ký kết thông báo cho tất cả các Bên khác bằng văn bản về việc hoàn thành các thủ tục nội bộ. Trong trường hợp Hiệp định khung này không có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2006, thì sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau ngày mà ít nhất một nước Thành viên của ASEAN và Hàn Quốc là một trong các nước ký kết thông báo cho tất cả các Bên khác bằng văn bản về việc hoàn thành các thủ tục nội bộ.

    2. Sau khi hoàn thành thủ tục nội bộ để Hiệp định khung này có hiệu lực, Bên đó sẽ thông báo cho các Bên khác bằng văn bản.

    3. Nếu một Bên không thể hoàn thành thủ tục nội bộ để Hiệp định khung này có hiệu lực vào ngày quy định tại đoạn 1, Hiệp định khung này sẽ có hiệu lực đối với Bên đó vào ngày thông báo về việc hoàn thành các thủ tục nội bộ.

    Trước sự chứng kiến, Chúng tôi đã ký Hiệp định Khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Chính phủ các nước Thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Đại hàn Dân quốc.

    Được làm tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 13 tháng 12 năm 2005 thành hai bản sao bằng Tiếng Anh.

     

    PHỤ LỤC

    VỀ HỢP TÁC KINH TẾ

    Điều 1. Thủ tục hải quan

    Các bên, với nhận thức rằng việc hợp tác giữa các cơ quan phụ trách các vấn đề hải quan là biện pháp quan trọng tạo thuận lợi thương mại quốc tế, sẽ, tuỳ theo nội luật và phù hợp với các chính sách và thủ tục của mỗi nước:

    (a) chia sẻ chuyên môn nhằm hợp lý hoá và đơn giản hoá các thủ tục hải quan;

    (b) trao đổi thông tin về các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất liên quan đến thủ tục hải quan, các kỹ năng thực thi và quản lý rủi ro, ngoại trừ trường hợp thông tin mật;

    (c) thúc đẩy hợp tác và trao đổi kinh nghiệm về áp dụng công nghệ thông tin và cải tiến các hệ thống giám sát và kiểm tra thủ tục hải quan;

    (d) bảo đảm rằng, nếu thích hợp, những luật lệ và quy định về hải quan của các nước sẽ được công bố và có thể tiếp cận công khai, và nếu cần thiết, các thủ tục hải quan sẽ được trao đổi giữa các cơ quan đầu mối hải quan của các nước.

    Điều 2. Xúc tiến thương mại và đầu tư

    1. Các bên sẽ hợp tác đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và thương mại thông qua các cơ quan chính phủ và/hoặc các tổ chức khác.

    2. Sự hợp tác này sẽ bao gồm:

    (a) tiến hành nghiên cứu khả thi về việc thành lập một trung tâm ASEAN-Hàn Quốc có trụ sở đặt tại Hàn Quốc;

    (b) tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, chẳng hạn như cử các đoàn đầu tư và thương mại, thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo và diễn đàn về kinh doanh, và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông qua các đường kết nối điện tử (kết nối doanh nghiệp bằng điện tử); và

    (c) hỗ trợ phát triển hệ thống pháp lý, đặc biệt đối với các quốc gia thành viên mới của ASEAN, thông qua các chương trình đào tạo chuyên ngành, các cuộc hội thảo chung nhằm phổ biến kiến thức và kinh nghiệm về thực thi pháp luật và triển khai các dự án vể hoàn thiện luật pháp liên quan tới thương mại và đầu tư.

    Điều 3. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ

    1. Các bên, ghi nhận vai trò cơ bản của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (viết tắt là SMEs) trong việc duy trì sự năng động của các nền kinh tế quốc gia, sẽ phối hợp thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp SMEs và các cơ quan liên quan của Các bên.

    2. Sự hợp tác này sẽ bao gồm:

    (a) tạo ra mạng lưới những cơ hội cho các doanh nghiệp SMEs của Các bên để tạo thuận lợi cho việc cộng tác và/hoặc chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất trong các lĩnh vực như phát triển kỹ năng quản lý, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sự liên kết dây chuyền cung ứng, công nghệ thông tin, tiếp cận sự trợ giúp về tài chính cũng như hỗ trợ kỹ thuật;

    (b) tạo thuận lợi cho các nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp SMEs của Hàn Quốc vào các nước thành viên ASEAN và ngược lại; và

    (c) khuyến khích các cơ quan hữu quan tham gia thảo luận, hợp tác và chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc phát triển các chính sách và chương trình SMEs.

    Điều 4. Quản lý và phát triển nguồn nhân lực

    Các bên, với nhận thức rằng sự tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng phụ thuộc rất lớn vào những kỹ năng và kiến thức của người dân, sẽ:

    (a) khuyến khích việc trao đổi các học giả, giáo viên, sinh viên, thành viên của các tổ chức giáo dục và những cá nhân khác có tham gia vào các hoạt động giáo dục và khoa học; và

    (b) khuyến khích các cơ quan liên quan của các bên thảo luận và hợp tác trong việc nâng cao năng lực và kỹ năng cho nhân viên của mình.

    Điều 5. Du lịch

    Các bên, với nhận thức rằng du lịch sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên và là một ngành công nghiệp quan trọng trong nền kinh tế của mình, sẽ:

    (a) khai thác khả năng thực hiện một chương trình nghiên cứu chung về phát triển và xúc tiến du lịch nhằm tăng số lượng khách du lịch đến từng nước, đồng thời xem xét việc thiết lập các mạng lưới và mối liên kết giữa các trang mạng của ASEAN và Hàn Quốc.

    (b) khuyến khích các cơ quan du lịch của ASEAN và Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong việc giáo dục và đào tạo về du lịch, đặc biệt là về tiếng và văn hóa Triều Tiên cho các hướng dẫn viên du lịch của các nước thành viên ASEAN, để đảm bảo chất lượng dịch vụ cao cho các du khách Hàn Quốc khi đi du lịch các nước ASEAN;

    (c) hợp tác trong các chiến dịch xúc tiến mạnh du lịch chung được tổ chức tại lãnh thổ Các bên thông qua các cuộc hội thảo và tọa đàm giữa những cơ quan du lịch và những bộ phận chuyên trách về du lịch của Các bên;

    (d) hợp tác tăng cường phát triển bền vững về du lịch tại mỗi nước thành viên; và

    (e) trao đổi thông tin về số liệu thống kê, chính sách và luật lệ về du lịch và các lĩnh vực khác có liên quan.

    Điều 6. Khoa học và công nghệ

    Các bên, với nhận thức rằng khoa học và công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hơn nữa nền kinh tế của mình cả về trung và dài hạn, sẽ:

    (a) tìm cách xây dựng các chương trình đào tạo và trao đổi thông tin về khoa học và công nghệ;

    (b) cân nhắc việc triển khai các dự án chung về nghiên cứu và phát triển, đặc biệt trong những lĩnh vực khoa học cao nhất và những lĩnh vực công nghệ chủ chốt như công nghệ nano, công nghệ về vật liệu, điện tử, công nghệ không gian, công nghệ sinh học, quản lý công nghệ, và các hình thức khác về hợp tác khoa học và công nghệ;

    (c) khuyến khích các mối liên kết giữa các học viện nghiên cứu của các bên; và

    (d) khuyến khích các bên cùng khai thác, sử dụng các cơ sở và phương tiện nghiên cứu và phát triển cũng như các thiết bị khoa học để cùng có lợi.

    Điều 7. Các dịch vụ tài chính

    Các bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ tài chính với quan điểm:

    (a) đẩy mạnh hợp tác và phát triển, bao gồm cả việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm về những xu hướng thị trường;

    (b) tạo thuận lợi cho sự phát triển của các thị trường và cơ sở hạ tầng về tài chính, bao gồm cả các thị trường vốn;

    (c) cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển năng lực thể chế và nguồn nhân lực, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý rủi ro;

    (d) hỗ trợ làm giảm bớt những tác động tiêu cực của việc thực hiện tự do hoá các dịch vụ tài chính; và

    (e) hỗ trợ xây dựng năng lực trong việc phát triển thị trường vốn.

    Điều 8. Công nghệ thông tin và viễn thông

    1. Các bên, ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và viễn thông (gọi tắt là ICT) và của các hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ có liên quan tới ICT cả ở trong nước và quốc tế với vai trò đầu tầu của khu vực kinh tế tư nhân, sẽ hợp tác để đẩy mạnh sự phát triển của ICT và các dịch vụ có liên quan tới ICT theo quan điểm là tận dụng tối đa những lợi ích do ICT đem lại cho Các bên.

    2. Các lĩnh vực hợp tác sẽ bao gồm:

    (a) tăng cường thương mại điện tử;

    (b) đẩy mạnh việc người tiêu dùng, trong khu vực công lẫn khu vực tư nhân, sử dụng các dịch vụ có liên quan tới ICT, bao gồm cả những lĩnh vực dịch vụ mới nổi lên và những mạng lưới thế hệ tiếp theo;

    (c) phát triển nguồn nhân lực liên quan tới ICT;

    (d) triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển chung; và

    (e) tăng cường những nỗ lực chống SPAM.

    3. Các hình thức hợp tác có thể là:

    (a) trao đổi thông tin và kiến thức chuyên ngành về những chính sách ICT, tạo lập các dịch vụ liên quan tới ICT, cung cấp các dịch vụ chính phủ điện tử, phát triển dung lượng, an ninh mạng và bảo mật riêng tư;

    (b) triển khai hợp tác kỹ thuật trong những lĩnh vực như cơ sở hạ tầng mạng, công nghiệp truyền thông đa phương tiện và sáng tạo, và phát triển cơ sở hạ tầng ICT;

    (c) khuyến khích và tạo thuân lợi cho đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân hoặc nhà nước trong các ngành công nghiệp ICT tại lãnh thổ của Các bên; và

    (d) cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển các dự án liên quan tới ICT.

    Điều 9. Nông nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi, cây trồng và lâm nghiệp

    1. Các bên, với nhận thức rằng vẫn còn những cơ hội cho sự cộng tác và hợp tác kỹ thuật về nông nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm nuôi trồng và lâm nghiệp, kể cả trong lĩnh vực lâm nông nghiệp hệ sinh thái và du lịch sinh thái, sẽ thiết lập sự hợp tác để Các bên cùng có lợi.

    2. Các lĩnh vực hợp tác sẽ bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực:

    (a) trao đổi thông tin;

    (b) xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực;

    (c) nghiên cứu và phát triển chung; và

    (d) hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển bền vững.

    3. Các hình thức hợp tác sẽ bao gồm:

    (a) tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm liên quan tới những lĩnh vực đã nói trong đoạn 1 ở trên và bao gồm cả những công nghệ mới;

    (b) thúc đẩy các dự án nghiên cứu chung;

    (c) trao đổi chuyên gia;

    (d) cung cấp hỗ trợ kỹ thuật bao gồm cả sau thu hoạch;

    (e) tổ chức các cuộc hội thảo, lớp đào tạo và tập huấn;

    (f) khuyến khích các chuyến thăm nghiên cứu tới các trang trại và các trung tâm sản xuất liên quan;

    (g) tăng cường công nghệ, năng lực và bí quyết của các phòng thí nghiệm; và

    (h) hợp tác trong các lĩnh vực khác có thể được Các bên xác định và cùng nhất trí.

    Điều 10. Sở hữu trí tuệ

    1. Các Bên, thừa nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của sở hữu trí tuệ (sau đây viết tắt là “IP”) như là một yếu tố mang tính cạnh tranh kinh tế trong nền kinh tế tri thức, sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực IP.

    2. Việc hợp tác sẽ bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực sau:

    (a) trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về việc tạo ra và sử dụng IP;

    (b) trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích đào tạo cán bộ của mỗi Bên trong lĩnh vực IP;

    (c) tiến hành nghiên cứu quốc tế và kiểm tra sơ bộ quốc tế theo Hiệp ước Hợp tác về Bằng Sáng chế (PCT) của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) theo tư cách thành viên của từng nước;

    (d) phát triển giáo dục và nâng cao hiểu biết về bảo hộ Quyền Sở hữu Trí tuệ;

    (e) hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho việc nâng cấp và hiện đại hóa các cơ sở dữ liệu về IP bao gồm các bằng sáng chế và nhãn hiệu thương mại trong lãnh thổ của các nước thành viên ASEAN; và

    (f) tăng cường hợp tác cùng có lợi trong việc bào hộ IP.

    Điều 11. Công nghiệp môi trường

    1. Các bên, với nhận thức rằng phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường là những cột trụ quan trọng của phát triển bền vững, sẽ tìm cách tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn giữa các thực thể chính phủ, các ngành công nghiệp, các tổ chức và các cơ quan nghiên cứu có quan tâm của các bên.

    2. Với mục tiêu đó, các Bên sẽ theo đuổi các hoạt động bảo vệ môi trường dưới đây dựa trên cơ sở đồng thuận:

    (a) hợp tác trong các công nghệ và chính sách môi trường như công nghệ và chính sách CNG;

    (b) hợp tác trong việc xây dựng năng lực về môi trường của các ngành công nghiệp, trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các ngành công nghiệp môi trường;

    (c) hợp tác trong trao đổi và giáo dục các nguồn nhân lực liên quan tới môi trường;

    (d) các hợp tác hợp tác môi trường khác dựa trên cơ sở đồng thuận chung.

    Điều 12. Phát sóng[1]

    1. Các bên nhận thấy tầm quan trọng của phát sóng trong nền kinh tế kỹ thuật số cũng như vai trò của phát sóng là một kênh giúp trao đổi văn hoá giữa các quốc gia, và ghi nhận sự tiến bộ của công nghệ phát sóng vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với các Bên trong việc tận dụng các lợi ích chung. Vì vậy, các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc, nếu quan tâm, sẽ phát triển và tăng cường các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực phát sóng trên cơ sở song phương.

    2. Tùy theo luật lệ và quy định của các Bên về lĩnh vực phát sóng, các lĩnh vực hợp tác sẽ bao gồm:

    (a) trao đổi các thông tin về những dữ liệu thống kê, trên cơ sở cùng thỏa thuận, về chính sách, luật lệ và quy định về phát sóng và những lĩnh vực có liên quan;

    (b) cùng triển khai nghiên cứu và phát triển các công nghệ phát sóng mới xuất hiện;

    (c) đẩy mạnh trao đổi nhằm mục đích giáo dục và đào tạo những cán bộ làm việc liên quan tới phát sóng; và

    (d) khuyến khích cùng trao đổi về tiếp phát sóng nếu phù hợp.

    Điều 13. Công nghệ xây dựng

    Các bên đồng ý hợp tác, khi cảm thấy phù hợp, về những lĩnh vực sau:

    (a) nhân lực và phát triển xây dựng;

    (b) công nghệ xây dựng;

    (c) phối hợp trong các dự án quốc tế; và

    (d) thiết kế xây dựng hạ tầng.

    Điều 14. Đánh giá tiêu chuẩn và hợp chuẩn và các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS)

    1. Các bên, với nhận thức về tầm quan trọng của các chế định kỹ thuật, các thủ tục đánh giá sự về tiêu chuẩn và hợp chuẩn [ASEAN: về công nghiệp, nông nghiệp, và sản phẩm nuôi trồng] trong thuận lợi hoá thương mại, sẽ hợp tác trong các lĩnh vực như:

    (a) trao đổi quan điểm và thông tin về các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật và các thủ tục đánh giá hợp chuẩn trong những lĩnh vực cùng quan tâm;

    (b) trao đổi về những luật lệ và quy định về các thủ tục đánh giá các tiêu chuẩn và hợp chuẩn dựa trên cơ sở đồng thuận chung;

    (c) trao đổi chuyên gia và cán bộ trong những lĩnh vực cùng quan tâm;

    (d) [ASEAN: tìm kiếm khả năng đạt được những thỏa thuận và hiệp định về công nhận lẫn nhau nhằm tạo thuận lợi cho các luồng thương mại giữa các bên] HQ: xoá bỏ đoạn này và tuân theo quy định về điểm này ghi trong Hiệp định Thương mại hàng hóa;

    (e) phát triển và thực hiện hợp tác kỹ thuật và các chương trình xây dựng năng lực về tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, đo lường và đánh giá hợp chuẩn, bao gồm các cuộc hội thảo, các chương trình đào tạo và huấn luyện đi kèm, trao đổi cán bộ và các cuộc đối thoại về chế định trong các lĩnh vực cùng thỏa thuận;

    (f) đẩy mạnh sự hợp tác giữa các bên tại các diễn đàn khu vực và quốc tế có liên quan về tiêu chuẩn và đánh giá hợp chuẩn và tăng cường sử dụng những hướng dẫn quốc tế về tiêu chuẩn và đánh giá hợp chuẩn, nếu thấy thích hợp, như là một nền tảng cho sự phát triển những quy định về kỹ thuật của quốc gia;

    (g) phát triển các phòng thí nghiệm và mạng lưới chứng nhận cũng như các chương trình kiểm tra, nếu thấy phù hợp, giữa các bên;

    (h) khảo sát sự hỗ trợ kỹ thuật trong phát triển các tiêu chuẩn công nghiệp trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm; và

    (i) các bên sẽ xác định và cùng đồng ý về những lĩnh vực hợp tác khác.

    2. Ghi nhận tầm quan trọng của các biện pháp kiểm dịch động thực vật (viết tắt là “SPS”) trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực của các biện pháp này đối với thương mại trong nông nghiệp, ngư nghiệp, sản phẩm lương thực và thực phẩm, và các sản phẩm trồng trọt, các Bên, trên cơ sở lợi ích chung, sẽ hợp tác trong các lĩnh vực sau:

    (a) trao đổi thông tin liên quan tới các biện pháp SPS;

    (b) trao đổi thông tin về bất cứ sự kiện nào liên quan tới SPS;

    (c) tăng cường hệ thống đóng gói và phân phối;

    (d) phát triển nguồn nhân lực trong những lĩnh vực quan tâm sẽ được tăng cường thông qua, bên cạnh các hình thức khác, việc tổ chức đào tạo và trao đổi các chuyên gia;

    (e) phát triển và đẩy mạnh các công nghệ mới; và

    (f) các lĩnh vực hợp tác khác có thể được các Bên xác định và cùng đồng ý.

    Điều 15. Khai mỏ

    Các bên, với nhận thức rằng hợp tác trong lĩnh vực khai mỏ sẽ góp phần phát triển kinh tế, sẽ:

    (a) xem xét các khả năng cùng phát triển các nguồn khoáng sản và năng lượng và hợp tác trong việc cải tiến công nghệ khai thác và chiết suất năng lượng và các thành phần khoáng sản, tiêu hủy phế thải quặng và phục hồi những mỏ đã đóng cửa;

    (b) khuyến khích tăng cường đầu tư và thương mại vào lĩnh vực khai mỏ;

    (c) hợp tác trong việc tăng cường kinh nghiệm thực tiễn về phát triển khoáng sản đảm bảo về môi trường và có trách nhiệm về xã hội trong quá trình quản lý bền vững và tận dụng tối đa các nguồn khoáng sản;

    (d) khuyến khích trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan tới chính sách và công nghệ khai mỏ;

    (e) phát triển và tăng cường các liên minh kinh doanh giữa các khu vực tư nhân; và

    (f) triển khai các cuộc hội thảo, các khoá đào tạo, tập huấn và trao đổi chuyên gia nhằm phục vụ cho phát triển và tăng cường hoạt động khai mỏ.

    Điều 16. Năng lượng

    Các bên, với nhận thức rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhu cầu năng lượng trong khu vực sẽ tăng lên trong tương lai, sẽ:

    (a) trao đổi thông tin về tăng cường tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng;

    (b) hợp tác trong phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng thay thế và có thể tái sử dụng như về chính sách và công nghệ CNG;

    (c) hợp tác trong phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư và áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới;

    (d) khuyến khích trao đổi chuyên gia; và

    (e) phát triển và tăng cường các liên minh kinh doanh giữa các khu vực tư nhân.

    Điều 17. Tài nguyên thiên nhiên

    Các bên, với nhận thức rằng việc quản lý hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ góp phần vào việc mở rộng hơn nữa nền kinh tế, sẽ hợp tác trong việc:

    (a) phát triển và tận dụng các mô hình toán học phù hợp để dựa theo và dự đoán trữ lượng và dòng chảy của nguồn nước ngầm, đánh giá nguy cơ của việc trữ/tiêu hủy rác thải và các hoạt động công nghiệp sinh thái đối với chất lượng nước ngầm, và xây dựng những khu vực bảo vệ nước ngầm;

    (b) cải tiến công nghệ khai thác, chiết xuất và sử dụng các loại khoáng sản và năng lượng, tiêu hủy quặng phế phẩm và phục hồi những mỏ đóng cửa;

    (c) các hoạt động đẩy mạnh đầu tư; và

    (d) quản lý đồng bộ các nguồn nước, bao gồm cả nước ngầm và nước bề mặt, và áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này.

    Điều 18. Đóng tàu và vận tải biển

    1. Ghi nhận vai trò quan trọng của vận tải biển trong thương mại và phát triển, các bên, thông qua các cơ quan hữu trách của mình, sẽ hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu và vận tải biển.

    2. Các hoạt động hợp tác sẽ bao gồm:

    (a) tiến hành trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm; và

    (b) đẩy mạnh trao đổi chuyên gia.

    Điều 19. Phim ảnh[2]

    1. Ghi nhận tiềm năng của ngành công nghiệp điện ảnh như một công cụ tăng cường hiểu biết và trao đổi văn hóa giữa các Bên và ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp này tại mỗi nền kinh tế, các Bên quan tâm, thông qua các cơ quan hữu trách của mình, sẽ cố gắng, tùy theo những luật lệ và quy định của mình, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

    2. Các hình thức hợp tác sẽ là:

    (a) trao đổi các chuyên gia về phim ảnh;

    (b) trao đổi thông tin; và

    (c) hợp tác trong việc tổ chức và tham gia các liên hoan phim.

     

    --------------------------------------------

    [1] Điều này không gây hại đối với các cam kết của các Bên về tự do hóa đầu tư và thương mại dịch vụ

    [2] Điều này không gây tổn hại đối với các cam kết của các Bên về tự do hóa đầu tư và thương mại dịch vụ

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Đại Hàn Dân Quốc

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Chính phủ Brunei Darussalam, Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia, Chính phủ Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Chính phủ Malaysia, Chính phủ Liên bang Mi-an-ma, Chính phủ Cộng hoà Philippin, Chính phủ Cộng hoà Singapo, Chính phủ Vương quốc Thái Lan, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiệp hội các nước Đông nam á (ASEAN)
    Số hiệu:Không số
    Loại văn bản:Hiệp định
    Ngày ban hành:13/12/2005
    Hiệu lực:
    Lĩnh vực:Ngoại giao, Chính sách
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Đang cập nhật
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Chưa xác định
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Đại Hàn Dân Quốc (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X