Cơ quan ban hành: | Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | Không số | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Hiệp định | Người ký: | Hoàng Văn Phong, Bountieu Phissamay |
Ngày ban hành: | 18/12/2008 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 17/01/2009 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Ngoại giao, Khoa học-Công nghệ |
HIỆP ĐỊNH
VỀ HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (sau đây gọi là chung là “các Bên”, gọi riêng là “Bên”),
Mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước và thúc đẩy phát triển hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ,
Nhận rõ tầm quan trọng của khoa học và công nghệ đối với nền kinh tế quốc dân của hai nước,
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1. Phù hợp theo pháp luật và quy định của mình, các Bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Điều 2. Hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này có thể bao gồm các hình thức sau đây:
a) Trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về khoa học và công nghệ;
b) Trao đổi các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật để khảo sát, tham quan nghiên cứu và đào tạo trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ;
c) Cùng thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các chương trình, dự án và các hoạt động nghiên cứu triển khai trên lãnh thổ của một hoặc hai Bên;
d) Các hình thức hợp tác khác về khoa học và công nghệ được các Bên thỏa thuận.
Điều 3. Với mục tiêu tạo thuận lợi cho hợp tác khoa học và công nghệ, trong trường hợp cần thiết, các Bên sẽ thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận bổ sung để thực hiện các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ quan khác có liên quan của hai bên trong khuôn khổ Hiệp định này. Các thỏa thuận đó sẽ được ký kết phù hợp với pháp luật và quy định hiện hành của hai nước.
Điều 4. Các điều khoản và điều kiện bao gồm cả các chi phí thực hiện đối với từng chương trình, dự án hoặc hoạt động được tiến hành theo Hiệp định sẽ được các Bên thỏa thuận cụ thể với nhau.
Điều 5. Trong khuôn khổ pháp luật và quy định hiện hành của mình, mỗi bên sẽ dành cho bên kia mọi sự giúp đỡ cần thiết để tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định.
Điều 6.
1. Để bảo đảm các điều kiện tối ưu cho việc thực hiện Hiệp định này, các Bên sẽ thành lập Ủy ban hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam – Lào gồm các đại diện do các Bên chỉ định.
2. Nhiệm vụ của Ủy ban hợp tác khoa học và công nghệ nêu trên là:
a) Kiểm điểm tiến độ của các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định;
b) Xác định các lĩnh vực hợp tác mới trong khuôn khổ Hiệp định;
c) Thảo luận các vấn đề khác liên quan đến Hiệp định.
3. Ủy ban hợp tác khoa học và công nghệ sẽ họp luân phiên hai năm một lần tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
4. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào cử các cơ quan thẩm quyền của mình dưới đây chủ trì thi hành Hiệp định này. Phía Việt Nam là Bộ Khoa học và Công nghệ, phía Lào là Ủy ban Khoa học và Công nghệ quốc gia.
Điều 7.
1. Các bên sẽ chú ý thích đáng đến việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ hoặc các quyền khác có tính chất sở hữu do hoạt động hợp tác tạo ra trong khuôn khổ Hiệp định và nếu cần thiết sẽ tham khảo ý kiến của nhau nhằm thực hiện việc bảo hộ.
2. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến các quyền sở hữu trí tuệ do các hoạt động hợp tác tạo ra trong khuôn khổ Hiệp định sẽ được ghi vào các thỏa thuận bổ sung nêu tại Điều 3 của Hiệp định.
3. Thông tin khoa học và công nghệ do các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này tạo ra mà không mang tính chất sở hữu, nếu không có thỏa thuận nào khác, có thể được cung cấp cho một bên thứ ba thông qua các kênh giao lưu thông thường và phù hợp với các thủ tục hiện hành của các cơ quan tham gia các hoạt động này.
Điều 8. Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng tới giá trị pháp lý hoặc việc thi hành bất cứ quyền hoặc nghĩa vụ nào trong các điều ước quốc tế mà mỗi Bên là thành viên.
Điều 9. Mọi bất đồng liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua thương lượng giữa các Bên hoặc qua các biện pháp khác theo sự thỏa thuận của các Bên.
Điều 10.
1. Hiệp định này có hiệu lực sau ba mươi ngày kể từ ngày ký.
2. Hiệp định này có hiệu lực trong thời gian 5 năm và mặc nhiên được gia hạn cho từng 5 năm tiếp theo, trừ phi một Bên thông báo bằng văn bản cho Bên kia ý định chấm dứt Hiệp định ít nhất sáu tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.
3. Một Bên có thể bằng thông báo bằng văn bản đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung Hiệp định này. Những sửa đổi hoặc bổ sung như vậy sẽ có hiệu lực từ ngày nhận được văn bản thông báo chấp thuận từ phía Bên kia và là một phần không thể tách rời của Hiệp định này.
4. Việc hiệp định chấm dứt theo khoản 2 của Điều này không ảnh hưởng đến các chương trình, dự án hoặc hoạt động tiến hành trong khuôn khổ Hiệp định này và được bắt đầu trước thời điểm Hiệp định chấm dứt hiệu lực.
Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được hai Chính phủ ủy quyền đầy đủ, đã ký Hiệp định này.
Làm tại Viêng-chăn, ngày 18 tháng 12 năm 2008 thành hai bản gốc bằng tiếng Việt và tiếng Lào
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC | THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO |
Không có văn bản liên quan. |
Cơ quan ban hành: | Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào |
Số hiệu: | Không số |
Loại văn bản: | Hiệp định |
Ngày ban hành: | 18/12/2008 |
Hiệu lực: | 17/01/2009 |
Lĩnh vực: | Ngoại giao, Khoa học-Công nghệ |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Hoàng Văn Phong, Bountieu Phissamay |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |