hieuluat

Hiệp định vận tải biển thương mại giữa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Iran

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Hồi giáo I-ranSố công báo:6-11/2004
    Số hiệu:Không sốNgày đăng công báo:09/11/2004
    Loại văn bản:Hiệp địnhNgười ký:Nguyễn Việt Tiến, Ahmad Donya Mali
    Ngày ban hành:21/10/2002Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:24/05/2004Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Ngoại giao, Giao thông
  • BỘ NGOẠI GIAO

    *******

    Số: 78/2004/LPQT

     

     

    Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2004

     

    Hiệp định vận tải biển thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa hồi giáo I-ran có hiệu lực từ ngày 24 tháng 5 năm 2004./.

     

     

     TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
    KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

    PHÓ VỤ TRƯỞNG




    Nguyễn Hoàng Anh

     

     

    HIỆP ĐỊNH

    VẬN TẢI BIỂN THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA HỒI GIÁO IRAN

     

    Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Iran, dưới đây được gọi là “Các Bên ký kết”, với mong muốn củng cố và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển giữa hai nước dựa trên nguyên tắc tự do thương mại hàng hải.

    Đã thỏa thuận như sau:

    Điều 1. Định nghĩa

    Theo Hiệp định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau

    1. “Tầu của một Bên ký kết” là bất kỳ tầu vận tải biển thương mại được đăng ký phù hợp với luật pháp và quy định của bất kỳ Bên ký kết nào và mang cờ của Bên ký kết đó cũng như bất kỳ tầu vận tải biển thương mại do các công ty vận tải biển của một Bên ký kết thuê và mang cờ của nước thứ ba được một Bên ký kết chấp nhận. Thuật ngữ này không bao gồm các tầu sau:

    a) tầu quân sự và các tầu khác phục vụ cho lực lượng vũ trang.

    b) các tầu nghiên cứu (thủy văn, đại dương học và khoa học).

    c) các tầu đánh cá.

    d) tầu Chính phủ, tầu y tế và các tầu khác sử dụng không phải vì mục đích thương mại.

    2. “Thuyền viên” bao gồm thuyền trưởng, sĩ quan, thủy thủ và bất kỳ người nào được tuyển dụng làm việc trên tầu của một Bên ký kết có trình độ phù hợp, có tên trong danh sách thuyền viên của tầu và có giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của một Bên ký kết cấp.

    3. “Hành khách” là tất cả những người được chuyên chở trên tầu của một trong các Bên ký kết theo hợp đồng vận chuyển hành khách và có tên trong danh sách hành khách của tầu đó.

    4. “Cảng của một Bên ký kết” là bất kỳ cảng biển thuộc lãnh thổ của một Bên ký kết và được Bên ký kết đó công bố là cảng mở cho vận tải biển quốc tế.

    5. “Công ty vận tải biển” là một thể nhân được thiết lập tại lãnh thổ của một Bên ký kết phù hợp với luật pháp trong nước của Bên ký kết đó và tham gia vào vận tải biển quốc tế bằng cách khai thác các tầu thuộc công ty đó hay tầu được thuê.

    6. “Vận tải nội địa” là vận tải hành khách hoặc hàng hóa giữa các cảng của một Bên ký kết.

    7. “Lãnh thổ” đối với một Bên ký kết nghĩa là những khu vực thuộc chủ quyền hoặc thẩm quyền của Bên ký kết đó.

    8. “Cơ quan hàng hải có thẩm quyền” là:

    - Đối với Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Bộ Giao thông vận tải.

    - Đối với Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Iran: Bộ Đường bộ và vận tải (Cơ quan Vận tải biển và Cảng).

    Điều 2. Hợp tác

    Mối quan hệ hợp tác giữa hai Bên ký kết trong lĩnh vực vận tải biển thương mại dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, bình đẳng và cùng có lợi phù hợp với luật pháp, thông lệ hàng hải quốc tế.

    Hai Bên ký kết sẽ cố gắng phát triển hợp tác hàng hải song phương trong lĩnh vực vận tải biển thương mại. Hợp tác đó cũng bao gồm cả lĩnh vực:

    - tìm kiếm và cứu nạn,

    - ngăn ngừa ô nhiễm biển,

    - kiểm soát giao thông hàng hải,

    - nghiên cứu thủy văn học,

    - trao đổi thông tin,

    Điều 3. Phạm vi áp dụng

    Hiệp định này sẽ được áp dụng trên lãnh thổ của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Hồi giáo Iran.

    Hiệp định này không áp đụng đối với các hoạt động vận tải được dành riêng theo quy định của pháp luật của mỗi Bên ký kết, cụ thể là các quy định về dịch vụ cảng, vận tải nội địa, lai dắt, hoa tiêu, cứu hộ, trợ giúp hàng hải và việc đi lại trên các tuyến đường thủy nội địa.

    Điều 4. Thiết lập liên lạc

    Hai Bên ký kết sẽ dành những trợ giúp cần thiết phù hợp với Điều 1 của Hiệp định này trong việc thiết lập những mối quan hệ song phương và đa phương giữa các cơ quan quản lý ngành vận tải biển cũng như các công ty vận tải biển của hai Bên ký kết.

    Điều 5. Tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông vận tải

    1. Hai Bên ký kết thống nhất:

    a) khuyến khích tầu của hai Bên ký kết tham gia vào vận tải hàng hóa giữa các cảng của hai Bên ký kết và hợp tác trong việc loại bỏ các trở ngại có thể gây cản trở đến sự phát triển của việc vận tải này.

    b) không cản trở tầu Bên ký kết kia tham gia vào việc vận tải hàng hóa từ các cảng của một Bên ký kết đến các cảng của nước thứ ba và ngược lại.

    2. Các quy định của khoản 1 của Điều này sẽ không ảnh hưởng đến quyền của các tầu treo cờ của nước thứ ba tham gia vào vận vải biển thương mại giữa các cảng của hai Bên ký kết và/hoặc giữa các cảng của một Bên ký kết và cảng của nước thứ ba.

    Điều 6. Văn phòng đại diện

    Để củng cố và mở rộng mối quan hệ thường xuyên trong lĩnh vực vận tải biển, các công ty vận tải biển của mỗi Bên ký kết có thể lập văn phòng đại diện trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phù hợp với pháp luật và các quy định hiện hành của Bên ký kết đó.

    Điều 7. Chế độ đối xử

    1. Mỗi Bên ký kết sẽ dành cho tầu của Bên ký kết kia chế độ đối xử như nhau đối với hàng hóa, thuyền viên, hành khách của Bên ký kết kia trong các lĩnh vực dưới đây tương tự như đối với tầu của Bên ký kết đó tham gia vào vận tải biển thương mại quốc tế:

    a) quyền tự do vào vùng lãnh hải và các cảng mở ra cho vận tải biển quốc tế;

    b) quyền lưu lại tại các cảng và sử dụng các thiết bị tại cảng;

    c) đón khách và trả khách;

    d) sử dụng các dịch vụ liên quan đến vận tải biển thương mại cũng như các hoạt động khác liên quan. Thuế, phí cảng và các phí khác phát sinh sẽ được áp dụng phù hợp với pháp luật và các quy định hiện hành của các Bên ký kết tương ứng.

    2. Các điều khoản của khoản (1) của Điều này sẽ không áp dụng đối với:

    a) các hoạt động, theo luật pháp quốc gia của từng Bên ký kết, được dành riêng cho các công ty và tổ chức của Bên ký kết đó như vận tải nội địa;

    b) các quy định liên quan đến việc cho phép vào và lưu lại đối với người nước ngoài trong lãnh thổ của từng Bên ký kết;

    c) các quy định điều chỉnh hoa tiêu bắt buộc đối với tầu nước ngoài;

    d) Sử dụng các cảng không mở ra cho tầu nước ngoài.

    Điều 8. Công nhận các giấy chứng nhận

    1. Các loại giấy chứng nhận đăng ký và quốc tịch tầu của một Bên ký kết do cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết đó cấp trên cơ sở của các quy định của Bên ký kết này cũng như các giấy chứng nhận dung tích và các loại giấy tờ khác của tầu do cơ quan có thẩm quyền của một Bên ký kết cấp và/ hoặc công nhận phù hợp với các yêu cầu của các công ước quốc tế liên quan, sẽ được cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia công nhận.

    2. Tầu của mỗi Bên ký kết, có giấy chứng nhận dung tích hợp lệ sẽ được miễn đo lại dung tích tại các cảng của Bên ký kết kia. Việc tính toán phí trọng tải sẽ dựa trên giấy chứng nhận dung tích của tầu.

    3. Nếu một Bên ký kết có đủ cơ sở để nghi ngờ về sự chính xác của giấy chứng nhận dung tích, Bên ký kết đó có thể cử thanh tra viên để kiểm tra tầu đó theo pháp luật và các quy định hiện hành.

    Điều 9. Tuân thủ pháp luật và các quy định

    1. Các yêu cầu của một Bên ký kết cũng như các tầu của công ty vận tải biển của một Bên ký kết khi ở trong lãnh thổ của Bên ký kết kia phải tuân thủ luật pháp và các quy định hiện hành của Bên ký kết đó.

    2. Hành khách và chủ hàng sẽ phải tuân thủ luật pháp và các quy định hiện hành trên lãnh thổ của Bên ký kết nơi điều chỉnh việc vào, ở lại và đi của hành khách cũng như việc nhập khẩu, xuất khẩu và lưu kho hàng hóa, đặc biệt các quy định quản lý việc rời bờ, xuất nhập cảnh, hải quan, thuế và kiểm dịch.

    Điều 10. Giấy tờ tùy thân của thuyền viên

    Mỗi Bên ký kết công nhận các loại giấy tờ tùy thân của thuyền viên do cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia cấp.

    - Đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: Hộ chiếu thuyền viên.

    - Đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran là: Giấy chứng minh thuyền viên.

    - Đối với thuyền viên của nước thứ ba làm việc trên tầu của một Bên ký kết, giấy tờ tùy thân là những giấy tờ được một trong các Bên ký kết cấp hoặc công nhận.

    Điều 11. Nhập cảnh, quá cảnh và lưu lại của thuyền viên.

    1. Thuyền viên của mỗi Bên, trên cơ sở có đi có lại, được phép đi bờ trong thời gian tầu của họ lưu lại cảng của Bên ký kết kia, phù hợp với pháp luật và những quy định hiện hành của Bên ký kết đó.

    2. Thuyền viên của tầu của một Bên ký kết cần điều trị y tế hoặc kiểm tra y tế khi bị ốm sẽ được phép lưu lại trên lãnh thổ của Bên ký kết kia trong khoảng thời gian cần thiết cho việc điều trị đó phù hợp với luật pháp và các quy định của Bên ký kết này.

    3. Thuyền viên của mỗi Bên ký kết có thể nhập cảnh hoặc quá cảnh qua lãnh thổ của Bên ký kết kia cho mục đích lên tàu, hồi hương hoặc bất kỳ lý do nào khác được cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia chấp nhận sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết phù hợp với pháp luật và quy định hiện hành của Bên ký kết đó.

    4. Dù có quy định của khoản (1) của Điều này, mỗi Bên ký kết, phù hợp với luật pháp và các quy định của Bên ký kết đó, có quyền từ chối việc nhập cảnh vào lãnh thổ của mình đối với bất kỳ thuyền viên nào.

    Điều 12. Các biện pháp phòng ngừa

    1. Khi một Bên ký kết được thông báo về hành vi trái pháp luật cố ý gây tổn hại cho tầu của Bên ký kết kia tại các cảng biển hay tại vùng lãnh hải của mình, thì Bên ký kết được yêu cầu sẽ phải dành các biện pháp có thể để bảo vệ tầu, thuyền viên, hành khách,. hàng hóa và tài sản trên tầu phù hợp với pháp luật và các quy định của Bên ký kết đó.

    2. Hai Bên ký kết sẽ hợp tác để ngăn ngừa và loại bỏ các hành vi di cư bất hợp pháp.

    Điều 13. Tai nạn hàng hải

    1. Nếu tầu của một Bên ký kết gặp tai nạn hoặc gặp nguy hiểm trong vùng lãnh hải của Bên ký kết kia hoặc các vùng nước lân cận, cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết đó sẽ:

    a) dành sự giúp đỡ và các hỗ trợ như dành cho thuyền viên, hành khách, tầu và hàng hóa của Bên ký kết đó phù hợp với pháp luật và các quy định hiện hành.

    b) thông báo kịp thời đến cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước mà tầu mang cờ.

    2. Tất cả các chi phí phát sinh sẽ được thu theo luật pháp và các quy định của quốc gia nơi tai nạn xảy ra trong lãnh thổ của quốc gia đó và/hoặc theo thỏa thuận của các bên liên quan. Các quy định của khoản này sẽ không cản trở việc khiếu nại liên quan đến bảo vệ, trợ giúp, và giúp đỡ dưới hình thức hợp đồng dành cho các tầu và hàng hóa bị thiệt hại.

    3. Tất cả các hàng hóa và tài sản được bốc dỡ từ tầu gặp tai nạn hàng hải được đề cập đến tại khoản 1 (a) của Điều này sẽ được miễn các loại thuế với điều kiện là hàng hóa và tài sản đó không được tiêu thụ hoặc sử dụng trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.

    4. Mỗi Bên ký kết, trong chừng mực có thể, sẽ cung cấp các trợ giúp y tế cần thiết cho thuyền viên của tầu của Bên ký kết kia phù hợp với các quy định quốc gia của Bên ký kết đó.

    Điều 14. Thanh toán, thu nhập và chuyển tiền

    1. Toàn bộ thu nhập do các công ty vận tải biển của một Bên ký kết thu được trong lãnh thổ của Bên ký kết kia sẽ được quyết toán bằng đồng tiền tự do chuyển đổi mà hai Bên ký kết chấp thuận. Thu nhập đó được sử dụng để trang trải mọi chi phí trong lãnh thổ của Bên ký kết kia hoặc được chuyển ra nước ngoài phù hợp với pháp luật và các quy định của Bên ký kết đó.

    2. Việc đánh thuế thu nhập và các khoản thu khác từ việc khai thác tầu trong vận tải quốc tế sẽ được điều chỉnh bằng các điều khoản của Hiệp định Tránh Đánh thuế hai lần giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Iran.

    3. Trong trường hợp hai Bên ký kết chưa có Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, những thu nhập phát sinh từ các dịch vụ vận tải biển quốc tế sẽ phải tuân thủ các quy định hiện hành về thuế của các Bên ký kết.

    Điều 15. Ủy ban hỗn hợp

    1. Ủy ban hỗn hợp bao gồm các đại diện của các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên ký kết sẽ được thiết lập và chủ trì các cuộc gặp theo thỏa thuận và định kỳ và/hoặc theo đề nghị của Bên ký kết kia để:

    a) bàn bạc, trao đổi các ý kiến về việc thực hiện Hiệp định.

    b) thực hiện những nghiên cứu chung về việc áp dụng những dịch vụ mới trong lĩnh vực vận tải biển.

    c) đánh giá các cơ hội đầu tư và năng lực của hai nước trong lĩnh vực hàng hải và cảng nhằm mục đích khai thác có hiệu quả như mong muốn.

    d) kiểm tra và đề xuất những hướng dẫn khả thi và phù hợp nhằm sử dụng một cách tốt nhất các tiềm năng hàng hải và cảng của hai nước nhằm phát triển quan hệ và hợp tác hàng hải và cảng giữa hai nước.

    e) giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và áp dụng Hiệp định này.

    f) xem xét các đề nghị sửa đổi và tiến hành các sửa đổi cần thiết đối với Hiệp định này sau khi đã có sự đồng ý của hai Bên ký kết.

    Điều 16. Sửa đổi

    Hiệp định này có thể đựơc sửa đổi và/hoặc bổ sung nếu được đồng ý của hai Bên ký kết. Các sửa đổi, bổ sung đối với Hiệp định này phải được các Bên ký kết thống nhất bằng văn bản và do đại diện có thẩm quyền của các Bên ký kết ký, và sẽ có hiệu lực theo các thủ tục được quy định trong khoản (1) của Điều 17 của Hiệp định này.

    Điều 17. Hiệu lực

    Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 30 (ba mươi) ngày kể từ khi nhận được thông báo thứ hai của các Bên thông qua đường ngoại giao cho biết đã hoàn tất các yêu cầu trong nước để đưa Hiệp định đi vào hiệu lực.

    Hiệp định này có hiệu lực trong khoảng thời gian 5 (năm) năm kể từ ngày hoàn thiện các thủ tục pháp lý và sẽ tiếp tục có hiệu lực trong những thời hạn 5 năm tiếp theo, trừ khi một Bên ký kết thông báo ý định chấm dứt Hiệp định cho Bên ký kết kia bằng văn bản sáu tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.

    Vào bất kỳ thời gian nào, mỗi Bên ký kết có thể thông báo cho Bên ký kết kia ý định chấm dứt Hiệp định này. Hiệp định này sẽ chấm dứt sau sáu tháng kể từ ngày nhận được thông báo của Bên ký kết kia, trừ khi thông báo việc chấm dứt được rút lại bằng văn bản trước khi hết thời hạn này.

    Để làm bằng, những người có tên dưới đây được Chính phủ của các Bên ký kết ủy quyền đã ký Hiệp định này.

    Làm tại Têhêran ngày 21 tháng 10 năm 2002 thành hai bản tiếng Việt, tiếng Iran và tiếng Anh, mỗi văn bản đều có giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự khác nhau về việc giải thích Hiệp định này, văn bản tiếng Anh sẽ được ưu tiên./.

     

    THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    THỨ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI




    Nguyễn Việt Tiến

    THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA HỒI GIÁO IRAN
    THỨ TRƯỞNG BỘ ĐƯỜNG BỘ, GIAO THÔNG VẬN TẢI IRAN




    Ahmad Donya Mali

     

     

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Hiệp định vận tải biển thương mại giữa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Iran

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Hồi giáo I-ran
    Số hiệu:Không số
    Loại văn bản:Hiệp định
    Ngày ban hành:21/10/2002
    Hiệu lực:24/05/2004
    Lĩnh vực:Ngoại giao, Giao thông
    Ngày công báo:09/11/2004
    Số công báo:6-11/2004
    Người ký:Nguyễn Việt Tiến, Ahmad Donya Mali
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X