hieuluat

Bộ Ngoại giao ban hành Thông báo 17/2017/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định về dẫn độ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Ngoại giaoSố công báo:315&316-05/2017
    Số hiệu:17/2017/TB-LPQTNgày đăng công báo:06/05/2017
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Lê Thị Tuyết Mai
    Ngày ban hành:20/04/2017Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:01/05/2017Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Ngoại giao
  • BỘ NGOẠI GIAO
    -------
    Số: 17/2017/TB-LPQT
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2017
     
     
    THÔNG BÁO
    VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
     
    Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
    Hiệp định về dẫn độ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha, ký tại Ma-đrít ngày 01 tháng 10 năm 2014, có hiệu lực với Việt Nam kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2017.
    Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.
     

     
    TL. BỘ TRƯỞNG
    Q. VỤ TRƯỞNG
    VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ




    Lê Thị Tuyết Mai
     
     
    HIỆP ĐỊNH
    VỀ DẪN ĐỘ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ VƯƠNG QUỐC TÂY BAN NHA
     
    Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha (sau đây gọi là “các Bên”);
    Mong muốn duy trì và tăng cường hợp tác chung giữa hai nước;
    Mong muốn hợp tác có hiệu quả hơn giữa hai nước trong đấu tranh chống tội phạm và thi hành hình phạt, đặc biệt là đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và khủng bố;
    Nhận thức được lợi ích của hai Bên trong việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là về dẫn độ;
    Đã thỏa thuận như sau:
    Điều 1
     Nghĩa vụ dẫn độ
    Các Bên đồng ý dẫn độ cho nhau, phù hợp với các quy định trong Hiệp định này và theo yêu cầu của Bên kia, những người có mặt trên lãnh thổ của mình đang bị Bên kia truy nã để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành hình phạt hoặc các biện pháp bảo đảm do Tòa án áp dụng, vì một tội có thể dẫn độ.
    Điều 2
    Các tội có thể bị dẫn độ
    1. Việc dẫn độ chỉ được thực hiện đối với những tội phạm có thể bị kết tội theo pháp luật cả hai Bên và thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
    a) Nếu yêu cầu dẫn độ để tiến hành các thủ tục tố tụng thì tội phạm đó phải có hình phạt tù với thời hạn từ một năm trở lên theo quy định của pháp luật hai Bên; hoặc
    b) Nếu yêu cầu dẫn độ để tiếp tục thi hành hình phạt hoặc biện pháp bảo đảm liên quan đến tước tự do, thì tại thời điểm đưa ra yêu cầu dẫn độ, thời gian tiếp tục chấp hành hình phạt của người bị yêu cầu dẫn độ phải còn ít nhất là sáu tháng.
    2. Khi xác định một hành vi phạm tội cố cấu thành một tội phạm theo pháp luật của cả hai Bên như quy định tại khoản 1 Điều này, sẽ không tính đến việc hành vi đó có được đặt trong cùng một nhóm tội hoặc được gọi với cùng một tội danh hay không.
    3. Nếu yêu cầu dẫn độ liên quan đến hai hay nhiều hành vi, mà mỗi hành vi đó đều cấu thành một tội phạm theo quy định của pháp luật hai Bên và ít nhất một trong số các hành vi đó đáp ứng điều kiện về thời hạn phạt tù quy định tại khoản 1 Điều này, Bên được yêu cầu có thể chấp nhận dẫn độ đối với tất cả các hành vi đó.
    Điều 3
    Bắt buộc từ chối dẫn độ
    Việc dẫn độ sẽ bị từ chối nếu:
    a) Bên được yêu cầu coi tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm mang tính chất chính trị, tuy nhiên tội phạm về khủng bố không được coi là tội phạm chính trị.
    b) Bên được yêu cầu có lý do để cho rằng yêu cầu dẫn độ nhằm truy tố hoặc trừng trị người bị dẫn độ vì lý do chủng tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch, hoặc quan điểm chính trị của người đó hoặc xâm hại đến vị trí của người này trong tố tụng hình sự vì một trong các lý do trên.
    c) Những tội phạm được yêu cầu dẫn độ chỉ là tội quân sự thuần túy theo pháp luật của Bên được yêu cầu.
    d) Vào thời điểm nhận được yêu cầu dẫn độ, người bị dẫn độ là công dân của Bên được yêu cầu hoặc đã được Bên được yêu cầu đồng ý cho tị nạn.
    e) Hành vi phạm tội hoặc bản án đã hết thời hiệu theo quy định của pháp luật của một trong các Bên.
    f) Tòa án của Bên được yêu cầu đã tuyên phán quyết cuối cùng hoặc đã kết thúc thủ tục tố tụng hình sự đối với người bị dẫn độ liên quan đến tội phạm yêu cầu dẫn độ hoặc người đó đã bị xét xử ở một nước thứ ba về tội phạm yêu cầu dẫn độ và đã được miễn hoặc đã chấp hành xong hình phạt.
    g) Yêu cầu dẫn độ của Bên yêu cầu là kết quả của một bản án bị tuyên vắng mặt và Bên yêu cầu không đưa ra bảo đảm về việc xét xử lại sau khi dẫn độ.
    h) Tội phạm yêu cầu dẫn độ là tội phạm có thể bị phạt tử hình theo pháp luật của Bên yêu cầu, trừ khi Bên yêu cầu bảo đảm mà Bên được yêu cầu cho là phù hợp về việc sẽ không áp dụng hình phạt tử hình hoặc nếu áp dụng thì hình phạt sẽ không được thực thi.
    Điều 4
    Có thể từ chối dẫn độ
    Dẫn độ có thể bị từ chối, nếu:
    a) Bên được yêu cầu có quyền tài phán đối với tội phạm được yêu cầu dẫn độ theo quy định của pháp luật nước đó và đang tiến hành hoặc có kế hoạch bắt đầu quá trình tố tụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ về tội phạm này.
    b) Tội phạm được yêu cầu dẫn độ được thực hiện bên ngoài lãnh thổ của cả hai Bên, và Bên yêu cầu không có thẩm quyền đối với tội phạm thực hiện ngoài lãnh thổ của mình trong trường hợp tương tự.
    c) Bên được yêu cầu, mặc dù đã tính đến mức độ nghiêm trọng của tội phạm và lợi ích của Bên yêu cầu, xét thấy việc dẫn độ sẽ không phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, trên cơ sở xem xét đến độ tuổi, sức khỏe hoặc hoàn cảnh cá nhân khác của người đó.
    d) Trường hợp tội phạm được yêu cầu dẫn độ có thể bị phạt tù chung thân, việc dẫn độ có thể bị từ chối nếu Bên yêu cầu không bảo đảm mà Bên được yêu cầu chấp nhận, về việc tình trạng mất tự do của người đó không kéo dài suốt cuộc đời.
    e) Yêu cầu dẫn độ đối với một người dưới 18 tuổi và việc dẫn độ có thể gây bất lợi cho việc thích nghi hoặc tái hòa nhập xã hội của người đó.
    Nghĩa vụ tiến hành thủ tục tố tụng hình sự ở Bên được yêu cầu
    Nếu việc dẫn độ bị từ chối theo các quy định của Hiệp định này, Bên được yêu cầu cam kết sẽ đệ trình vụ việc lên cơ quan có thẩm quyền để bắt đầu thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật nước đó.
    Trong trường hợp này, Bên yêu cầu sẽ cung cấp cho Bên được yêu cầu các tài liệu và vật chứng liên quan đến vụ án qua kênh ngoại giao.
    Điều 6
    Cơ quan Trung ương
    1. Để thực hiện Hiệp định này, các cơ quan Trung ương gồm có:
    a) Cơ quan Trung ương của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ Công an;
    b) Cơ quan Trung ương của Vương quốc Tây Ban Nha là Bộ Tư pháp.
    2. Các Bên sẽ thông báo cho nhau về sự thay đổi liên quan đến Cơ quan Trung ương của mình qua kênh ngoại giao.
    Điều 7
    Yêu cầu dẫn độ và các tài liệu cần thiết
    1. Yêu cầu dẫn độ phải được lập thành văn bản và gồm có hoặc kèm theo:
    a) Tên, địa chỉ của cơ quan yêu cầu và cơ quan được yêu cầu dẫn độ;
    b) Họ, tên, giới tính, quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ; ảnh, miêu tả tình trạng sức khỏe, dấu vân tay và nếu có thể, giấy tờ về quốc tịch và nơi lưu trú của người bị yêu cầu dẫn độ;
    c) Bản mô tả chi tiết vụ việc cùng với bản tóm tắt hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi và địa điểm, thời gian xảy ra hành vi phạm tội;
    d) Văn bản pháp luật hiện hành về thẩm quyền tài phán, xác định tội danh và hình phạt có thể áp dụng; và
    e) Văn bản pháp luật hiện hành về thời hạn truy cứu hành vi phạm tội hoặc thi hành bản án.
    2. Ngoài những yêu cầu bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều này:
    a) Yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự người bị dẫn độ phải kèm theo bản sao lệnh bắt của cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu, hoặc
    b) Yêu cầu dẫn độ để thi hành hình phạt đã tuyên đối với người bị dẫn độ phải kèm theo bản sao phán quyết của Tòa án và bản mô tả thời gian đã chấp hành hình phạt.
    3. Tất cả các tài liệu do Bên yêu cầu gửi theo quy định của Hiệp định này phải được chứng nhận và gửi kèm theo bản dịch ra tiếng của Bên được yêu cầu hoặc ra tiếng Anh.
    4. Tài liệu được chứng nhận theo quy định của Hiệp định này là tài liệu được ký hoặc xác nhận của thẩm phán hoặc quan chức có thẩm quyền của Bên yêu cầu và đóng dấu chính thức của cơ quan có thẩm quyền của Bên đó.
    Điều 8
    Thông tin bổ sung
    1. Nếu Bên được yêu cầu thấy rằng thông tin đã cung cấp kèm theo yêu cầu dẫn độ không đầy đủ để tiến hành việc dẫn độ theo Hiệp định này, thì có thể yêu cầu cung cấp các thông tin bổ sung trong thời hạn 30 ngày. Yêu cầu cung cấp này có thể được gia hạn thêm 15 ngày.
    2. Trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đang bị bắt giữ và các thông tin bổ sung đã cung cấp theo Hiệp định này không đầy đủ hoặc không nhận được trong khoảng thời gian đã ấn định, thì người bị bắt giữ có thể được trả tự do.
    3. Trong trường hợp người đó được trả tự do khỏi nơi giam giữ theo khoản 2 Điều này, Bên được yêu cầu sẽ thông báo cho Bên yêu cầu trong thời gian sớm nhất có thể.
    Điều 9
    Bắt khẩn cấp
    1. Trong trường hợp khẩn cấp, một Bên có thể yêu cầu Bên kia bắt khẩn cấp người bị yêu cầu dẫn độ, trước khi Bên này nhận được yêu cầu dẫn độ. Yêu cầu bắt khẩn cấp có thể được gửi bằng văn bản qua kênh ngoại giao hoặc qua Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), hoặc qua bất kỳ kênh liên lạc nào được hai Bên đồng ý.
    2. Yêu cầu bắt khẩn cấp phải bao gồm các chi tiết được quy định tại khoản 1 Điều 7 Hiệp định này, một bản tuyên bố về việc có các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 7 và một bản tuyên bố rằng yêu cầu dẫn độ sẽ được chuyển đến ngay.
    3. Bên được yêu cầu phải thông báo ngay cho Bên yêu cầu về quá trình thực hiện yêu cầu.
    4. Việc bắt khẩn cấp sẽ chấm dứt nếu trong thời hạn 40 ngày từ khi thực hiện bắt giữ người bị yêu cầu dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu không nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức. Thời hạn này có thể được gia hạn thêm 15 ngày theo yêu cầu chính đáng, hợp lệ của Bên yêu cầu.
    5. Việc thả người theo quy định tại khoản 4 Điều này sẽ không ảnh hưởng đến việc dẫn độ người bị yêu cầu dẫn độ nếu Bên được yêu cầu nhận được yêu cầu chính thức sau đó.
    Điều 10
    Quyết định liên quan đến yêu cầu dẫn độ
    1. Bên được yêu cầu sẽ ra quyết định liên quan đến yêu cầu dẫn độ theo các thủ tục pháp luật trong nước quy định và thông báo ngay cho Bên yêu cầu về quyết định đó.
    2. Trường hợp Bên được yêu cầu từ chối toàn bộ hoặc một phần yêu cầu, phải thông báo cho Bên yêu cầu về lý do từ chối.
    3. Từ chối dẫn độ với căn cứ hợp lý sẽ ngăn Bên yêu cầu đưa ra yêu cầu dẫn độ mới về cùng một người với cùng hành vi.
    Điều 11
    Chuyển giao người bị dẫn độ
    1. Nêu Bên được yêu cầu đồng ý dẫn độ, hai Bên sẽ thỏa thuận về địa điểm, thời gian và các điều kiện khác liên quan đến việc thực hiện yêu cầu dẫn độ. Trong khi đó, Bên được yêu cầu dẫn độ sẽ thông báo cho Bên yêu cầu về thời hạn mà người này đã bị bắt giữ trước khi tiến hành bàn giao người đó.
    2. Nếu Bên yêu cầu không nhận người trong thời hạn 15 ngày sau ngày thỏa thuận thực hiện dẫn độ, Bên được yêu cầu sẽ thả ngay người bị yêu cầu dẫn độ và có thể từ chối yêu cầu dẫn độ mới của Bên yêu cầu liên quan đến người đó về cùng một hành vi phạm tội trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
    3. Trường hợp một Bên không bàn giao hoặc không nhận người trong thời hạn thỏa thuận do những tình huống bất khả kháng thì phải thông báo ngay cho Bên kia. Các Bên sẽ thỏa thuận lại các điều kiện để tiến hành dẫn độ và áp dụng quy định tại khoản 2 Điều này.
    4 Trường hợp người đã chuyển giao trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt ở Bên yêu cầu và quay trở lại Bên được yêu cầu thì Bên yêu cầu dẫn độ có thể đưa ra một yêu cầu dẫn độ mới đối với người đó kèm theo các tài liệu quy định tại Điều 7 Hiệp định này.
    Điều 12
    Hoãn chuyển giao và chuyển giao tạm thời
    1. Khi người bị yêu cầu dẫn độ đang bị Bên được yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt về một tội phạm khác với tội phạm nêu trong yêu cầu dẫn độ, thì Bên được yêu cầu sau khi đồng ý với yêu cầu dẫn độ, sẽ hoãn việc chuyển giao người đó cho đến khi kết thúc quá trình truy tố hoặc chấp hành toàn bộ hoặc một phần hình phạt đã tuyên. Bên được yêu cầu sẽ thông báo cho Bên yêu cầu về việc hoãn dẫn độ nói trên. Khi điều kiện hoãn dẫn độ kết thúc thì Bên được yêu cầu phải thông báo ngay cho Bên yêu cầu và tiếp tục tiến hành việc dẫn độ nếu không có thông báo khác của Bên yêu cầu.
    2. Nếu việc hoãn chuyển giao theo quy định tại khoản 1 Điều này có thể dẫn đến việc hết thời hiệu hoặc gây khó khăn cho việc điều tra tội phạm tại Bên yêu cầu, Bên được yêu cầu có thể, theo quy định của pháp luật nước mình, dẫn chuyển giao tạm thời người bị yêu cầu dẫn độ cho Bên yêu cầu, phù hợp với thời hạn và điều kiện mà hai Bên thỏa thuận. Bên yêu cầu sẽ chuyển trả lại nhanh chóng người bị yêu cầu dẫn độ cho Bên được yêu cầu ngay khi kết thúc các thủ tục liên quan.
    Điều 13
    Yêu cầu dẫn độ được đưa ra bởi nhiều quốc gia
    1. Nếu yêu cầu dẫn độ về cùng một người được đưa ra bởi một trong hai Bên và một hoặc nhiều Bên thứ ba, Bên được yêu cầu sẽ quyết định dẫn độ cho nước nào và thông báo cho Bên yêu cầu về quyết định đó.
    2. Khi quyết định nước nào sẽ được dẫn độ người này, Bên được yêu cầu sẽ tính đến tất cả yếu tố có liên quan đặc biệt là:
    a) Quốc tịch hoặc nơi thường trú của người bị yêu cầu dẫn độ;
    b) Thời gian và địa điểm thực hiện tội phạm;
    c) Mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội;
    d) Quốc tịch của người bị hại;
    e) Khả năng dẫn độ tiếp đến nước yêu cầu khác;
    f) Ngày đưa ra yêu cầu dẫn độ.
    Điều 14
    Quy tắc đặc biệt
    Người bị dẫn độ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kết án, giam giữ hoặc hạn chế bất kỳ tự do thân thể nào vì những hành vi hành động hoặc không hành động đã thực hiện trước khi chuyển giao người đó, trừ hành vi mà vì đó người này bị dẫn độ, trừ một trong các trường hợp sau:
    a) Bên được yêu cầu đã đồng ý trước. Trong trường hợp này, Bên được yêu cầu sẽ yêu cầu gửi các tài liệu và thông tin liên quan quy định tại Điều 7 Hiệp định này cùng với tờ khai của người bị dẫn độ về các tội phạm đó;
    b) Khi được trả tự do, người bị dẫn độ đã không rời lãnh thổ của Bên mà người đó bị yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 45 ngày. Tuy nhiên, thời hạn này không bao gồm thời gian người đó không thể rời lãnh thổ Bên yêu cầu vì có tình huống phát sinh vượt quá khả năng kiểm soát của người đó, hoặc;
    c) Người đó đã rời khỏi lãnh thổ của Bên yêu cầu sau khi dẫn độ và tự nguyện quay trở lại lãnh thổ đó.
    Điều 15
    Chuyển giao tài sản
    1. Theo pháp luật của Bên được yêu cầu và trên cơ sở tôn trọng quyền lợi của bất kỳ Bên thứ ba nào, mọi vật được sử dụng để thực hiện tội phạm hoặc những tài sản do phạm tội mà có và các tài sản khác tìm thấy trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu có thể là những chứng cứ có giá trị sẽ được chuyển giao theo đề nghị của Bên yêu cầu nếu việc dẫn độ được chấp thuận.
    2. Trường hợp chấp thuận dẫn độ, vật đề cập tại khoản 1 Điều này có thể được chuyển giao, kể cả khi việc dẫn độ không thực hiện được do người bị yêu cầu dẫn độ chết, mất tích hoặc bỏ trốn.
    3. Việc chuyển giao tài sản sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ quyền lợi hợp pháp nào của Bên được yêu cầu hoặc bất kỳ bên thứ ba nào đối với tài sản đó. Trường hợp có các quyền hợp pháp đó, Bên yêu cầu phải, theo đề nghị của Bên được yêu cầu, nhanh chóng hoàn trả miễn phí các tài sản đã được chuyển giao cho Bên được yêu cầu sau khi kết thúc thủ tục tố tụng hình sự.
    4. Bên được yêu cầu có thể, vì mục đích tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự khác, hoãn việc chuyển giao vật nói trên đến khi kết thúc thủ tục hoặc tạm thời chuyển giao vật nói trên với điều kiện vật đó phải được Bên yêu cầu trả lại trong thời gian sớm nhất có thể sau khi kết thúc thủ tục tố tụng hình sự.
    Điều 16
    Quá cảnh
    1. Trường hợp một trong các Bên dẫn độ một người từ một nước thứ ba qua lãnh thổ của Bên kia, Bên đó sẽ yêu cầu được cho phép quá cảnh. Việc cho phép nói trên sẽ không cần thiết nếu sử dụng đường hàng không và không hạ cánh trên lãnh thổ của Bên đó trong lịch trình bay.
    2. Bên được yêu cầu sẽ cho phép quá cảnh theo đề nghị của Bên yêu cầu trong phạm vi không trái với pháp luật nước mình.
    Điều 17
    Thông báo kết quả
    Bên yêu cầu sẽ thông báo ngay cho Bên được yêu cầu những thông tin liên quan đến quá trình tố tụng hoặc thi hành hình phạt đối với người bị yêu cầu dẫn độ, hoặc những thông tin liên quan đến việc dẫn độ người đó cho Bên thứ ba.
    Điều 18
    Chi phí
    1. Mỗi Bên sẽ chịu mọi chi phí liên quan trong quá trình thực hiện yêu cầu dẫn độ phát sinh trên lãnh thổ nước mình, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.
    2. Chi phí giao thông và quá cảnh liên quan đến việc giao hoặc nhận người bị dẫn độ do Bên yêu cầu chi trả.
    Điều 19
    Mối quan hệ với các điều ước quốc tế khác
    Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào của các Bên theo các điều ước hay thỏa thuận quốc tế khác.
    Điều 20
    Giải quyết tranh chấp
    Mọi tranh chấp phát sinh liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ được giải quyết qua tham vấn ngoại giao.
    Điều 21
    Hiệu lực và chấm dứt hiệu lực của Hiệp định
    1. Hiệp định này sẽ được phê chuẩn theo pháp luật hiện hành của mỗi bên. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ nhất tháng thứ hai kể từ khi trao đổi văn kiện phê chuẩn.
    2. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vô thời hạn.
    3. Mỗi Bên có thể chấm dứt Hiệp định này bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho nhau vào bất kỳ thời điểm nào qua kênh ngoại giao. Trong trường hợp đó, Hiệp định sẽ hết hiệu lực sau sáu (06) tháng kể từ ngày thông báo.
    Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được ủy quyền đầy đủ, đã ký Hiệp định này.
    Làm tại Madrid, ngày 01 tháng 10 năm 2014 thành hai bản gốc bằng tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, tất cả các văn bản đều có giá trị như nhau.
     

    THAY MẶT
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




    Thượng tướng Lê Quý Vương
    Thứ trưởng Bộ Công an
    THAY MẶT
    VƯƠNG QUỐC TÂY BAN NHA
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Điều ước quốc tế của Quốc hội, số 108/2016/QH13
    Ban hành: 09/04/2016 Hiệu lực: 01/07/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X