VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------------------- Số: 447/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------- Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2013 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI
CUỘC HỌP VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CHO LÀO
Ngày 10 tháng 12 năm 2013, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào đã chủ trì cuộc họp về nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho Lào. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Đại sứ Việt Nam tại Lào, Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, ý kiến của đại diện các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Tăng cường công tác nhà nước đối với hoạt động đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên Lào tại Việt Nam, kể cả học viên tại các trường quân đội, công an, các trường thuộc tỉnh, thành phố; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý chất lượng đào tạo.
b) Rà soát, kiến nghị bổ sung, sửa đổi một số nội dung của Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020 theo hướng tập trung xử lý các vấn đề về chất lượng đào tạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2014.
c) Trong tháng 12 năm 2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có đặc thù học sinh, sinh viên Lào.
d) Trong quý II năm 2014, ban hành tiêu chuẩn tuyển sinh đại học đối với sinh viên Lào theo hướng nâng cao tiêu chuẩn đầu vào và trình độ tiếng Việt, hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong cả nước thực hiện tuyển sinh theo tiêu chuẩn của Bộ.
đ) Thống nhất với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào về nhu cầu và cơ cấu ngành nghề đào tạo, thông báo rộng rãi đến các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện.
e) Triển khai việc dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ bắt buộc đối với sinh viên Lào học tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam bắt đầu từ năm học 2014-2015.
g) Đề nghị Bộ Giáo dục và Thể thao Lào xem xét việc dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ tại các trường phổ thông do Việt Nam xây dựng và những nơi học sinh có định hướng sang Việt Nam học tiếp đại học.
h) Đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo tiếng Việt của Việt Nam; bảo đảm học sinh, sinh viên Lào được học dự bị tiếng Việt tại các cơ sở đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định về chất lượng.
i) Trong năm 2014, biên soạn sách giáo khoa dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ; xuất bản bộ từ điển Việt - Lào và Lào - Việt.
k) Hỗ trợ chính quyền tỉnh Hủa Phăn (Lào) triển khai Trung tâm tiếng Việt (quà tặng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), bảo đảm hoạt động tốt và đạt được mục tiêu đề ra; phối hợp với Đại sứ quán ta tại Lào bàn với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào chọn trường Nguyễn Du tại Thủ đô Viêng Chăn làm thí điểm trường phổ thông song ngữ Lào - Việt.
l) Dừng các chương trình liên kết đào tạo tại Lào không bảo đảm chất lượng để kiểm tra, đánh giá và chấn chỉnh.
m) Củng cố bộ phận theo dõi hợp tác với Lào.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Bộ Tài chính và Phân ban hợp tác Lào - Việt Nam, hỗ trợ kinh phí bổ túc tiếng Việt tại Lào cho các sinh viên Lào được tuyển chọn sang Việt Nam học; cấp kinh phí đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Bộ Tài chính đề xuất việc tăng định mức chi phù hợp cho cán bộ, học sinh, sinh viên Lào thuộc diện Hiệp định giữa hai Chính phủ từ năm 2014; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn vốn để xây dựng thêm các ký túc xá cho các trường có cán bộ, học sinh, sinh viên Lào theo học.
4. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc tăng chỉ tiêu đào tạo tại các trường quân đội và công an từ năm 2014; ban hành tiêu chí tuyển sinh cho học viên trong các trường quân đội và công an, bảo đảm chất lượng đầu vào.
5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cơ sở đào tạo tiếp nhận cán bộ, học sinh, sinh viên Lào:
a) Định kỳ 6 tháng (vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm) gửi báo cáo về tình hình đào tạo nhân lực cho Lào đến Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo trực thuộc, bảo đảm các yêu cầu về chương trình, chất lượng học tập và thi cử của sinh viên Lào theo đúng quy chế, nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm.
c) Có hình thức khen thưởng, cấp học bổng để khuyến khích, động viên học sinh, sinh viên Lào học tốt.
d) Chỉ đạo các trường trực thuộc có các biện pháp cụ thể giúp đỡ học sinh, sinh viên Lào nắm vững kiến thức đã học; bổ sung các chương trình ngoại khóa, tìm hiểu đất nước con người Việt Nam.
đ) Khuyến khích học sinh, sinh viên Lào giao lưu với sinh viên Việt Nam và các gia đình Việt Nam để tăng khả năng tiếng Việt và hiểu biết lẫn nhau; chỉ đạo các cơ sở đào tạo tăng cường công tác quản lý ký túc xá, cải thiện chỗ ở cho lưu học sinh Lào.
6. Đồng ý Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, phối hợp với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, thí điểm tuyển chọn một số chỉ tiêu đào tạo tại Việt Nam cho con em Việt kiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp, hỗ trợ Đại sứ quán ta tại Lào làm tốt nhiệm vụ này.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng và các Phó Thủ tướng (để báo cáo); - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương; - Văn phòng QH, Văn phòng CTN; - Hội đồng QG Giáo dục và Phát triển nhân lực; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg; các Vụ: KGVX, KTTH, TH; - Lưu: VT, QHQT (3). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Văn Tùng |