Số: 82/2014/TB-LPQT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2014 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ca-na-đa về Dự án “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh, ký tại Hà Nội ngày 10 tháng 11 năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2014.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Bản ghi nhớ theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ PHÓ VỤ TRƯỞNG Nguyễn Văn Ngự |
BẢN GHI NHỚ
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CANADA VỀ DỰ ÁN PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA (DNNVV) TỈNH TRÀ VINH
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây được gọi là “VIỆT NAM”) và Chính phủ CANADA (sau đây được gọi là “CANADA”), với mong muốn hợp tác triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển của Canada tại Việt Nam, đã thống nhất các nội dung sau:
Phần I
BẢN CHẤT CỦA BẢN GHI NHỚ
Bản ghi nhớ này là một thỏa thuận bổ sung, được xây dựng theo Hiệp định chung về Hợp tác Phát triển giữa VIỆT NAM và CANADA ký ngày 21 tháng 6 năm 1994 (sau đây được gọi là “Hiệp định chung”), với mục đích xác định các trách nhiệm của VIỆT NAM và CANADA liên quan đến Dự án được mô tả trong Phần III. Bản ghi nhớ này không tạo thành một điều ước quốc tế.
Phần II
CƠ QUAN ĐƯỢC ỦY QUYỀN
CANADA chỉ định Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada (DFATD) đảm trách việc thực hiện các trách nhiệm trong Bản ghi nhớ này.
VIỆT NAM chỉ định Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh (sau đây được gọi là “tỉnh Trà Vinh”) đảm trách việc thực hiện các trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện dự án như được mô tả tại Phần III trong Bản ghi nhớ này.
Tỉnh Trà Vinh chỉ định Sở Kế hoạch và Đầu tư Trà Vinh (Sở KH-ĐT) thực hiện các trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện dự án như được mô tả tại Phần III trong Bản ghi nhớ này. Việc thực thi các trách nhiệm cụ thể sẽ là trách nhiệm của từng đơn vị trực thuộc Sở KH-ĐT và các đối tác khác tham gia dự án như Sở Tài chính; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Lao động,Thương binh và Xã hội; Sở Tài nguyên và Môi trường; và các đối tác khác có thể sẽ được xác định trong quá trình thực hiện Dự án.
Phần III
DỰ ÁN
3.01
VIỆT NAM và CANADA sẽ tham gia thực hiện Dự án Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Trà Vinh (sau đây được gọi là “Dự án”). Mục đích của Dự án là mở rộng các cơ hội phát triển kinh tế cho nam giới và phụ nữ nghèo, bao gồm cả các nhóm dân tộc thiểu số, tại tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu của Dự án là tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số ngành nghề được lựa chọn; cải thiện các kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ tạo điều kiện cho việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; và cải thiện năng lực của một số cơ quan, ban ngành ở cấp tỉnh, huyện, xã trong công tác lập kế hoạch, quản lý, thực hiện và giám sát các chương trình của nhà nước hỗ trợ cho việc phát triển bền vững các DNNVV.
Miêu tả tóm tắt về Dự án được trình bày trong Phụ lục “A” đính kèm Bản ghi nhớ này.
Phần IV
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
4.01
Để thực hiện Dự án, tỉnh Trà Vinh sẽ xây dựng một Đề cương Thực hiện Dự án trong thời gian 6 năm và các kế hoạch hoạt động thường niên có kèm theo kinh phí. Các bản kế hoạch hoạt động thường niên có kinh phí đi kèm sẽ được xây dựng dựa trên Kế hoạch 5 năm phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa của tỉnh và dựa trên bản Đề cương Thực hiện Dự án và sẽ được Ban Chỉ đạo Dự án phê duyệt.
Dự án sẽ tuân theo các luật, hướng dẫn và thủ tục mua sắm đấu thầu của VIỆT NAM. Dự án sẽ tuân theo các định mức chi phí nhất quán với các định mức chi phí của VIỆT NAM. Tuy nhiên, Dự án có thể áp dụng các định mức chi phí cập nhật nhất được quy định trong “Hướng dẫn của UN-EU về Chi phí Địa phương trong Hợp tác Phát triển với Việt Nam” để nhằm thu hút được các chuyên gia tư vấn trong nước hoặc quốc tế có đủ trình độ và kinh nghiệm theo yêu cầu của Dự
Dự án sẽ chịu sự kiểm toán tài chính thường niên do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam hoặc kiểm toán độc lập tiến hành.
Phần V
ĐÓNG GÓP CỦA CANADA
5.01
Đóng góp của CANADA sẽ bao gồm việc hỗ trợ ngân sách cho việc xây dựng và thực hiện các ưu tiên trong Kế hoạch 5 năm Phát triển DNNVV của tỉnh. Tổng giá trị phần đóng góp của CANADA sẽ không vượt quá mười một triệu Canada (CAD 11,000,000), và sẽ được giải ngân trong khoảng thời gian năm.
Căn cứ theo Điều V của Hiệp định chung 1994, đóng góp của CANADA không được sử dụng để thanh toán bất cứ khoản thuế, lệ phí, thuế quan hoặc bất cứ khoản thu hay nghĩa vụ nào khác mà VIỆT NAM trực tiếp hoặc gián tiếp đánh vào bất cứ hàng hóa, vật liệu, thiết bị, phương tiện đi lại và các dịch vụ được mua hoặc có được để đáp ứng, hoặc liên quan đến, việc thực hiện Dự án.
Phần VI
ĐÓNG GÓP CỦA VIỆT NAM
VIỆT NAM, thông qua tỉnh Trà Vinh, sẽ chịu trách nhiệm về cung cấp lương và các chi phí điều hành cho các cán bộ của cơ quan đối tác tham gia Dự án, VIỆT NAM cũng sẽ đóng góp vào các chi phí liên quan đến việc thiết lập và điều hành Dự án như được mô tả trong Phụ lục “A” của Bản ghi nhớ này và Phụ lục “B” của Hiệp định chung 1994. Tổng giá trị đóng góp của VIỆT NAM sẽ là một triệu một trăm ngàn đô la Canada (CAD 1,100,000), trong đó năm trăm năm mươi ngàn đô la Canada (CAD 550,000) là tiền mặt và năm trăm năm mươi ngàn đô la Canada (CAD 550,000) là hiện vật.
Phần VII
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
VIỆT NAM và CANADA sẽ đảm bảo rằng Dự án sẽ tuân thủ một cách thích hợp tất cả các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường của CANADA (Luật Đánh giá Tác động Môi trường Canada) và của Việt Nam (Luật Bảo vệ Môi trường).
Phần VIII
THÔNG TIN
VIỆT NAM và CANADA sẽ đảm bảo rằng Bản ghi nhớ này được thực hiện một cách có trách nhiệm và hiệu quả và mỗi bên sẽ cung cấp cho bên kia tất cả các thông tin liên quan đến Dự án khi được yêu cầu một cách hợp lý.
Phần IX
LIÊN LẠC
9.01
Mọi liên lạc hoặc tài liệu do VIỆT NAM hoặc CANADA giao, lập hoặc gửi tiếp theo Bản ghi nhớ này sẽ được làm bằng văn bản và được coi là đã được cung cấp, lập hoặc gửi hợp lệ cho bên nhận vào thời điểm liên lạc qua gửi tay trực tiếp, gửi theo đường thư tín hoặc gửi fax, theo các địa chỉ tương ứng, cụ thể là:
Phía VIỆT NAM: | Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Số 1, Đường 19/5, Phường 1 Thành phố Trà Vinh Tỉnh Trà Vinh Fax: +84-74-3855895 |
Phía CANADA: | Tham tán (Phát triển) Đại sứ quán Canada 31 Hùng Vương Hà Nội, Việt Nam Fax: +84-4-3734-5059 |
9.02
Thông qua việc thông báo bằng văn bản cho bên kia, mỗi bên có thể thay đổi địa chỉ liên lạc để mọi thông báo hoặc yêu cầu dành cho bên kia sẽ được gửi đúng địa chỉ.
Mọi liên lạc và tài liệu gửi cho VIỆT NAM sẽ bằng tiếng Anh và tiếng Việt và mọi liên lạc và tài liệu gửi cho CANADA sẽ bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Việt.
Phần X
TRAO ĐỔI Ý KIẾN
VIỆT NAM và CANADA sẽ tham khảo ý kiến của nhau về bất cứ vấn đề nào có thể nảy sinh liên quan đến Bản ghi nhớ này.
Phần XI
ÁP DỤNG
Những khác biệt có thể nảy sinh trong khi áp dụng các điều khoản của Bản ghi nhớ này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán giữa VIỆT NAM và CANADA, hoặc bằng bất cứ hình thức nào do Chính phủ hai nước cùng thỏa thuận.
Phần XII
CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Bản ghi nhớ này cùng với Phụ lục “A” là một phần không thể tách rời của Bản ghi nhớ sẽ tạo thành toàn bộ những ghi nhớ giữa các bên tham gia ký kết về Dự án này.
12.02
Bản Ghi nhớ này có thể được sửa đổi trên cơ sở nhất trí bằng văn bản giữa VIỆT NAM và CANADA.
12.03
Bản ghi nhớ này sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày ký dưới đây và sẽ có hiệu lực trong thời gian 6 năm.
Bản Ghi nhớ này được ký tại Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2014, gồm bốn bản, hai bản bằng tiếng Việt và hai bản bằng tiếng Anh, các văn bản đều có giá trị như nhau.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ĐỒNG VĂN LÂM Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Trà Vinh | THAY MẶT CHÍNH PHỦ CANADA DAVID DEVINE Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Canada tại Việt Nam Đại sứ quán Canada |
PHỤ LỤC "A"
MÔ TẢ DỰ ÁN
Dự án Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (PTDNNVV) tỉnh Trà Vinh ($11 triệu đô la Canada, 2014-2020) sẽ hỗ trợ cho việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công việc sản xuất và kinh doanh cũng như các hiệp hội nghề nghiệp của họ, hỗ trợ xây dựng các kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ giúp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng năng lực quản lý các chương trình hỗ trợ DNNVV cho các cán bộ cấp tỉnh, huyện và xã. Tỉnh Trà Vinh vẫn chưa xác định các lĩnh vực kinh tế cụ thể sẽ nhận hỗ trợ từ dự án vì trong năm đầu tiên, dự án sẽ tập trung vào việc xác định các lĩnh vực mục tiêu thông qua các phân tích kinh tế dựa trên nhu cầu của thị trường và lấy ý kiến tham vấn, cùng với việc hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cơ quan địa phương trong các lĩnh vực như lập kế hoạch, lập ngân sách và quản lý tài chính. Tuy nhiên, do kinh tế của tỉnh hiện chủ yếu là dựa vào nông nghiệp, đồng thời đây cũng là mối quan tâm của chính quyền tỉnh, các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế gia tăng cao hơn, bao gồm các sản phẩm thực phẩm, sẽ được coi là trọng tâm của bản kế hoạch.
1.1. Các Kết quả Mong đợi của Dự án
Kết quả cuối cùng 1000 - Các cơ hội phát triển kinh tế được mở rộng cho nam giới và phụ nữ nghèo, bao gồm cả các nhóm dân tộc thiểu số, tại tỉnh Trà Vinh. |
Kết quả Trung hạn |
1100 - Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số lĩnh vực được lựa chọn tại tỉnh Trà Vinh được nâng cao. | 1200 - Các DNNVV tại các các xã mục tiêu tại tỉnh Trà Vinh tăng việc sử dụng các kết cấu hạ tầng đã được cải thiện một cách bền vững1 | 1300 - Hoạt động của chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ phát triển DNNVV bền vững về môi trường và nhạy cảm về giới tại tỉnh Trà Vinh được cải thiện. |
Kết quả Trước mắt |
1110- Việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ DNNVV phù hợp với nhu cầu thị trường của các doanh nhân nam và nữ, bao gồm cả dân tộc thiểu số được cải thiện. | 1120- Quy trình đăng ký thành lập doanh nghiệp đã đơn giản hóa và các chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV có tham vấn đầy đủ được đưa vào áp dụng. | 1130- Năng lực sản xuất và quản lý của các DNNVV, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ và người dân tộc thiểu số làm chủ được nâng cao, nhằm tham gia vào việc nâng cấp chuỗi giá trị ở một số ngành hàng nhất định. | 1210- Việc tiếp cận các kết cấu hạ tầng đã được cải thiện của các DNNVV do nam giới, phụ nữ, và người dân tộc thiểu số làm chủ cũng như của cộng đồng được nâng cao | 1220- Năng lực quản lý triển khai thực hiện việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ một cách bền vững của các xã mục tiêu được nâng cao | 1310- Kiến thức và hiểu biết của cán bộ cấp tỉnh, huyện và xã về phát triển kinh doanh, xúc tiến thương mại, và quản trị công như quản lý tài chính công, lập kế hoạch, lập ngân sách, mua sắm đấu thầu, quản lý dựa trên kết quả, phân tích và lồng ghép giới, môi trường, công tác báo cáo và giám sát được nâng cao. | 1320- Các cơ chế quản trị được cải tiến, bao gồm cả các thực tiễn tốt để hỗ trợ cho công tác phát triển DNNVV bền vững về môi trường và nhạy cảm giới ở cấp tỉnh, huyện và xã |
1.2. Quy mô và các Hợp phần của Dự án
Dự án này sẽ gồm 3 hợp phần có liên quan đến nhau. Là cơ quan chịu trách nhiệm chính cho việc phát triển DNNVV và các kết cấu hạ tầng của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) sẽ là đối tác chính cho cả 3 hợp phần của dự án. Cơ quan này sẽ phối hợp với các ban ngành khác (bao gồm các sở Tài chính, Công thương Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và Tài nguyên Môi trường), Trường Đại học Trà Vinh, và chính quyền của các huyện và xã mục tiêu để thực hiện dự án.
1) Xây dựng và thực hiện kế hoạch PTDNNVV
Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada (DFATD) sẽ tài trợ cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch 5 năm PTDNNVV của tỉnh. Bản Kế hoạch này được xây dựng dựa vào các phân tích và tham vấn với các bên liên quan ở tất cả các cấp, bao gồm cả khu vực tư nhân (các DNNVV, các thể chế tài chính, v.v.). Bản kế hoạch này sẽ phù hợp với khung chính sách hỗ trợ PTDNNVV của quốc gia, và dự kiến sẽ bao gồm các nội dung như: đơn giản hóa quy trình đăng ký kinh doanh; cải thiện các dịch vụ phát triển kinh doanh; tạo điều kiện tiếp cận vốn, đất đai và thị trường; và tăng cường phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng các nhu cầu về lao động cho các DNNVV. DFATD sẽ tài trợ cho việc thực hiện các ưu tiên chính của bản kế hoạch này. Các ưu tiên này sẽ được xác định theo từng năm một. Một kế hoạch giám sát, bao gồm các số liệu được tách biệt về giới và dân tộc thiểu số, sẽ được xây dựng nhằm đánh giá các tiến độ trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm này. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ hường lợi từ các khóa đào tạo và các dịch vụ phát triển doanh nghiệp nhằm cải thiện năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của họ trong khi vẫn đảm bảo tính bền vững về môi trường.
2) Các kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ PTDNNVV
Các công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ phát triển DNNVV và các chuỗi giá trị sẽ được ưu tiên xây dựng tại một số xã và huyện được chọn lựa tại tỉnh Trà Vinh. Các công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ (ví dụ như đường liên xã, cầu, chợ) sẽ được xác định thông qua các quy trình tham vấn người dân tại các xã và các huyện. Dự kiến là các xã và các huyện với tư cách là chủ đầu tư sẽ quản lý quy trình đấu thầu và lựa chọn nhà thầu thông qua quy trình này.
Các chủ đầu tư cũng sẽ chịu trách nhiệm tiến hành các đánh giá tác động môi trường và quản lý nguồn tiền do tỉnh phân bổ để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ. Tỉnh sẽ lựa chọn các xã được hỗ trợ xây dựng các kết cấu hạ tầng dựa trên việc xem xét tỉ lệ hộ nghèo cũng như tiềm năng mở rộng cơ hội cho phát triển DNNVV và tham gia vào việc nâng cấp các chuỗi giá trị sản phẩm của các xã đó. Cần đảm bảo rằng không chỉ có các DNNVV mà người nghèo bao gồm phụ nữ và người dân tộc thiểu số tại các xã này sẽ có thể tiếp cận được với các cơ hội việc làm được tạo ra từ việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của dự án.
3) Xây dựng năng lực quản lý công trong việc triển khai chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV
Đóng góp của DFATD cũng sẽ bao gồm việc tăng cường việc quản lý nguồn lực công liên quan đến phát triển DNNVV. Nguồn kinh phí hỗ trợ kỹ thuật sẽ tăng cường năng lực lập kế hoạch, lập ngân sách, quản lý tài chính, mua sắm đấu thầu và giám sát tại cấp tỉnh và các cấp cơ sở và sẽ cải thiện chất lượng triển khai chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV nhằm tăng cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ kỹ thuật cùng giúp giới thiệu các sáng kiến trong phát triển DNNVV và có thể bao gồm việc cả xây dựng năng lực cho việc lồng ghép các quan tâm về giới và môi trường. Sự hỗ trợ này sẽ được dành cho các đơn vị thụ hưởng dự án của các cấp tỉnh, huyện và xã cũng như các cơ quan hiện có tại địa phương có chức năng giám sát trách nhiệm giải trình, ví dụ như Hội đồng Nhân dân.
2. CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ
2.1. Các Nguyên tắc Quản lý
Dự án Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh sẽ hoạt động theo các nguyên tắc sau:
● Dự án sẽ hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch 5 năm Phát triển DNNVV của tỉnh,
● Dự án sẽ hỗ trợ các ưu tiên của tỉnh trong việc phát triển các DNNVV.
● Ở mức độ cao nhất có thể được, dự án sẽ sử dụng pháp luật, các hệ thống và các thể chế của Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho các cán bộ của các ban ngành có liên quan trong tỉnh thực hiện các công việc hàng ngày và nhiệm vụ của họ tốt hơn.
● Việc thực hiện dự án sẽ trùng khớp với các chu kỳ lập kế hoạch và ngân sách của chính phủ Việt Nam.
● Xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật sẽ được cung cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu Tư (Sở KH-ĐT) và các đối tác thực hiện dự án, như các sở ngành của tỉnh, huyện và xã, nhằm giúp họ có thể thực hiện thành công nhiệm vụ của họ.
● Các đối tác Việt Nam và Canada nhất thiết phải hợp tác chặt chẽ nhằm đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng các nguồn lực công.
2.2. Các Đối tác Chủ chốt
Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh (UBND):
Là bên tham gia ký kết Bản ghi nhớ và Thỏa thuận Đóng góp, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc thực hiện, giám sát và đưa ra những chỉ đạo chiến lược cho dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh (Sở KH-ĐT):
Việc xây dựng Kế hoạch 5 năm PTDNNVV của tỉnh Trà Vinh thuộc về trách nhiệm của Sở KH-ĐT. Bản Kế hoạch này sẽ được soạn thảo có sự tham vấn với các bên có liên quan ở các cấp tỉnh, huyện và xã và được dựa trên các thông tin có được từ các phân tích thị trường đầy đủ do tỉnh tiến hành. Bản kế hoạch này sẽ được các cơ quan có liên quan của tỉnh phê duyệt. Sở KH-ĐT sẽ là cơ quan đầu mối cho các đối thoại về các nội dung kỹ thuật của dự án, về tiến độ thực hiện và sẽ chịu trách nhiệm giải trình trước UBND tỉnh và DFATD thông qua Ban Chỉ đạo Dự án.
Sở KH-ĐT chịu trách nhiệm soạn thảo và trình xin phê duyệt Văn kiện dự án (VKDA) của phía Việt Nam.
Sở Tài chính tỉnh Trà Vinh
Sở Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định ngân sách. Sở Tài chính cũng chịu trách nhiệm cho việc rà soát các báo cáo tài chính định kỳ nhận được từ Ban Quản lý Dự án. Sở Tài chính cũng sẽ tư vấn cho việc phân bổ ngân sách của dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT)
Bộ KH-ĐT chịu trách nhiệm cho việc quản lý viện trợ phát triển chính thức (ODA) tại Việt Nam. Tuy nhiên, bộ sẽ không tham gia trực tiếp vào quản lý các đầu tư ODA tại cấp tỉnh, Theo cơ chế báo cáo và quản lý ODA hiện hành thì Bộ KH-ĐT sẽ có vai trò giám sát bao quát trong quá trình thực hiện dự án này. Trong trường hợp cần thiết, Bộ KH-ĐT có thể tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại giữa Sở KH- ĐT Trà Vinh và DFATD.
Bộ Tài chính
Trong dự án này, Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm:
i) gửi thư đề nghị chuyển tiền cho dự án tới DFATD;
ii) nhận kinh phí của dự án bằng đô la Canada tại tài khoản của Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước mở tại Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam;
iii) chuyển đổi kinh phí nhận được sang tiền đồng Việt Nam và trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được tiền, phân bổ số kinh phí này vào Kho bạc tỉnh Trà Vinh để thực hiện dự án;
iv) cung cấp cho DFATD thư xác nhận viện trợ cho các khoản kinh phí của Dự án mà Bộ tài chính đã nhận được từ DFATD;
v) đảm bảo nguồn kinh phí của dự án sẽ là ngân sách cấp bổ sung có mục tiêu ngoài các khoản cân đối ngân sách phân bổ hàng năm cho tỉnh;
vi) ban hành hướng dẫn cho tỉnh trong việc tiếp nhận, quản lý và báo cáo về việc sử dụng nguồn vốn ODA.
Bộ Ngoại giao, Thương Mại và Phát triển Canada (DFATD)
DFATD sẽ tham gia vào việc giám sát thường xuyên đối với tiến độ, các cơ hội chiến lược, và những rủi ro, bao gồm cả các lĩnh vực bình đẳng giới và bảo vệ môi trường của dự án. DFATD sẽ tiến hành thăm thực địa, rà soát các báo cáo tiến độ và tài chính, thực hiện các hoạt động kiểm toán và đánh giá, và tham gia vào những chỉ đạo chiến lược của dự án và các đối thoại chính sách thông qua sự tham gia vào các cuộc kiểm điểm chung (xem dưới đây) và là đồng trưởng ban Chỉ đạo Dự án.
Ban Chỉ đạo Dự án (Ban CĐ):
Việc xây dựng và thực hiện Dự án Phát triển DNNVV sẽ nhận được sự chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo Dự án có Đồng Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND tỉnh và một Đại diện của DFATD. Các thành viên khác của Ban Chỉ đạo Dự án sẽ bao gồm:
● Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
● Một lãnh đạo Sở Tài chính
● Một lãnh đạo Sở Công thương
● Một lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ
● Một lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội
● Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
● Một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường
● Một lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh
● Một lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh.
● Một lãnh đạo Trường Đại học Trà Vinh
● Một lãnh đạo Hội đồng Nhân dân tỉnh
● Một lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh
● Một lãnh đạo Hội LHPN tỉnh
● Một lãnh đạo Đoàn Thanh niên tỉnh
● Một lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh
● Một đại diện Văn phòng UBND tỉnh
● Một lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh; và
● Một lãnh đạo UBND huyện, phụ trách kinh tế, của các huyện tham gia vào dự án.
Ban Quản lý Dự án tỉnh (BQLDA):
Theo như Nghị định 38/2013/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam, để thực hiện nhiệm vụ của dự án này, UBND tỉnh sẽ thành lập một Ban Quản lý Dự án nằm trong Sở KH-ĐT.
BQLDA sẽ quản lý và điều phối việc thực hiện các hoạt động của dự án. Các cán bộ của BQLDA sẽ chịu trách nhiệm quản lý quá trình lập kế hoạch công việc hằng năm. BQLDA cũng sẽ giám sát việc thực hiện các kế hoạch công việc mỗi năm, tổng hợp các báo cáo tài chính và báo cáo tiến độ về các kết quả và việc hoàn thành các hoạt động ưu tiên của dự án để trình lên Ban Chỉ đạo Dự án, và giám sát việc thực hiện các hoạt động của dự án tại các đơn vị thụ hưởng. BQLDA cũng đảm bảo rằng các đơn vị thụ hưởng phải có đủ năng lực cần thiết cho việc triển khai chương trình và các hỗ trợ kỹ thuật phải đáp ứng đúng nhu cầu của các đơn vị thụ hưởng.
BQLDA tỉnh sẽ lập các báo cáo tài chính quý và cũng như báo cáo tài chính và báo cáo hoạt động 6 tháng và thường niên để báo cáo cho Ban Chỉ đạo Dự án về tiến độ thực hiện các công việc tại tất cả các đơn vị thụ hưởng, các vấn đề nổi cộm trong quá trình thực hiện và các biện pháp khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm này.
Các cán bộ nhà nước tham gia BQLDA sẽ hưởng lương do chính phủ Việt Nam chi trả. BQLDA có thể thuê một số tư vấn để hỗ trợ chuyên môn cho BQLDA. BQLDA sẽ đưa nhu cầu về nhân lực của dự án vào các kế hoạch công việc năm để Ban Chỉ đạo Dự án phê duyệt.
Họp Kiểm điểm Chung:
Sở KH-ĐT và DFATD sẽ tham gia vào các cuộc họp kiểm điểm chung thường niên của dự án. Quá trình kiểm điểm chung là nhằm giám sát việc thực hiện các kế hoạch năm, kế hoạch mua sắm đấu thầu và việc thực hiện ngân sách. Các cuộc họp kiểm điểm chung này cũng nhằm giám sát tiến độ đạt được các hoạt động ưu tiên để báo cáo và đưa ra các khuyến nghị cho Ban Chỉ đạo Dự án.
Cố vấn Chiến lược (CVCL):
Sở KH-ĐT có thể ký hợp đồng thuê một Cố vấn Chiến lược quốc tế hoặc người Việt Nam để hỗ trợ cho việc thực hiện dự án. CVCL sẽ làm việc dưới sự lãnh đạo và chịu trách nhiệm giải trình cho Giám đốc Ban Quản lý Dự án. CVCL sẽ cung cấp những tư vấn mang tính chiến lược và kỹ thuật cho tỉnh trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển DNNVV. CVCL cũng sẽ hỗ trợ cho tỉnh trong việc tìm kiếm các chuyên gia trong nước và quốc tế mà dự án cần. Tỉnh sẽ tuyển chọn vị trí CVCL này. DFATD sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh trong quá trình tuyển dụng vị trí này.
Hỗ trợ Kỹ thuật khác (HTKT).
Trong suốt quá trình thực hiện dự án, kinh phí hỗ trợ kỹ thuật sẽ được cung cấp cho tỉnh để giúp cho việc xây dựng và thực hiện dự án PTDNNVV. Kinh phí này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các thông lệ tốt nhất và khuyến khích các sáng kiến trong phát triển DNNVV.
Kinh phí hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực sẽ được phân bổ dựa trên kế hoạch công việc và ngân sách do BQLDA của Sở KH-ĐT lập và được Ban Chỉ đạo Dự án phê duyệt. Nhu cầu về hỗ trợ kỹ thuật sẽ do các bên có liên quan đến dự án tại tất cả các cấp tỉnh, huyện, xã xác định ra và đề nghị hằng năm. Kinh phí hỗ trợ kỹ thuật sẽ được quản lý theo các định mức do DFATD và tỉnh thỏa thuận.
2.5. Dòng tiền và Chuyển tiền DFATD sẽ chuyển tiền thực hiện Dự án cho tỉnh Trà Vinh thông qua Bộ Tài chính. Việc chuyển tiền sẽ tuân thủ các quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức.
DFATD sẽ chuyển tiền vào Tài khoản Ngoại tệ của Ngân sách Nhà nước Việt Nam. Bộ Tài chính sẽ cung cấp cho DFATD một văn bản xác nhận đã nhận được khoản tiền đô la Canada do DFATD chuyển, kèm theo bản sao kê của ngân hàng bằng tiền đô la Canada và ghi rõ số tiền đồng Việt Nam tương đương sẽ phân bổ cho tỉnh.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí các khoản tiền nhận được trong dự toán ngân sách hàng năm theo hình thức bổ sung hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn vốn ODA theo cam kết với nhà tài trợ. Sở Tài chính sẽ cung cấp cho DFATD văn bản xác nhận đã nhận được từ Bộ Tài chính số kinh phí dự án bằng tiền đồng Việt Nam.
Sau khi Bản Ghi nhớ được ký kết, Ban Quản lý Dự án (BQLDA) sẽ mở một tài khoản dành riêng cho Dự án tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Trà Vinh. Sở Tài chính sẽ tiến hành thẩm định và phân bổ dự toán cho BQLDA dựa trên kế hoạch công việc của từng quý, kinh phí đi kèm và nhu cầu chi tiêu của BQLDA, và phải nhất quán với kế hoạch công việc hằng năm đã được phê duyệt. Hằng quý, BQLDA sẽ cung cấp cho DFATD văn bản xác nhận đã nhận được số kinh phí chuyển cho dự án bằng tiền đồng Việt Nam. Kho bạc Nhà nước tỉnh chịu trách nhiệm kiểm soát chi tiêu, căn cứ theo Luật Ngân sách, đối với số tiền trên tài khoản của BQLDA.
2.6. Kiểm toán
DFATD sẽ thu xếp với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam hoặc một kiểm toán độc lập để tiến hành kiểm toán hằng năm đối với tất cả các đơn vị thụ hưởng dự án. Các báo cáo kiểm toán sẽ tổng kết các phát hiện và khuyến nghị. Ban Quản lý Dự án sẽ chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện các khuyến nghị này. Các kết quả của kiểm toán sẽ là công cụ quan trọng để Ban Chỉ đạo Dự án đưa ra các quyết định về việc phân bổ ngân sách cho các hoạt động cho các năm tiếp theo.
Việc sử dụng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam để tiến hành kiểm toán sẽ sử dụng tối đa các cơ chế giám sát trách nhiệm giải trình có sẵn của Việt Nam. Tuy nhiên, do việc kiểm toán của KTNN chỉ giới hạn trong việc kiểm toán sự tuân thủ trong lĩnh vực tài chính và chỉ được hoàn tất vào năm tiếp theo, cho nên cần phải sử dụng thêm các biện pháp bổ sung khác cho dự án.
2.7. Giám sát và Đánh giá
DFATD sẽ ký hợp đồng với một đơn vị giám sát địa phương nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện các nhiệm vụ giám sát của mình.
DFATD sẽ thực hiện một cuộc đánh giá độc lập giữa kỳ cho Dự án.
DFATD sẽ thực hiện một cuộc đánh giá kết thúc Dự án.
PHỤ LỤC B
DỰ TOÁN NGÂN SÁCH
Dự án VN/34758: Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh TRÀ VINH
ĐÓNG GÓP: | Đô la Canada |
Đóng góp của DFATD cho Dự án | 11.000.000 |
Đóng góp của tỉnh TRÀ VINH: bằng tiền mặt | 550.000 |
Đóng góp của tỉnh TRÀ VINH: bằng hiện vật | 550.000 |
TỔNG KINH PHÍ DỰ ÁN | 12.100.000 |
NGÂN SÁCH CHO CÁC HỢP PHẦN (Đóng góp của Canada) | |
Xây dựng và thực hiện Kế hoạch PTDNNVV | 4.950.000 |
Xây dựng các kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ PTDNNVV | 4.400.000 |
Xây dựng năng lực quản lý công cho PTDNNVV | 1.650.000 |
TỔNG CỘNG: | 11.000.000 |
---------------------------
1 Bền vững ở đây có nghĩa là các kết cấu hạ tầng được xây dựng dựa trên các nguyên tắc về kinh tế, xã hội và môi trường đảm bảo sử dụng được lâu dài.