BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ----------------- Số: 3159/BC-BNN-TCTL | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------------------------ Hà Nội, ngày 28 tháng 09 năm 2010 |
BÁO CÁO
TỔNG KẾT VIỆC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 62/1999/NĐ-CP NGÀY 31/7/1999 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ PHÂN LŨ, CHẬM LŨ THUỘC HỆ THỐNG SÔNG HỒNG ĐỂ BẢO VỆ AN TOÀN CHO THỦ ĐÔ HÀ NỘI
I. TỔNG QUAN
Các khu phân lũ, chậm lũ trên hệ thống sông Hồng đã được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ trước và được củng cố, nâng cấp sau trận lũ lịch sử năm 1971. Việc phân lũ, chậm lũ hệ thống sông Hồng khi xảy ra lũ lớn là biện pháp đặc biệt được áp dụng nhằm bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Chính phủ đã có Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31/7/1999 ban hành Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng. Theo đó, các hệ thống phân chậm lũ sông Đáy, Lương Phú (Hà Tây cũ) và các khu chậm lũ Tam Thanh, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) được sử dụng để chuẩn bị sẵn sàng thực hiện phân, chậm lũ bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 62/1999/NĐ-CP
Qua hơn 10 năm kể từ 1999, Nghị định 62/1999/NĐ-CP thực sự đã đóng góp phần quan trọng trong việc cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão. Thực hiện Nghị định 62/1999/NĐ-CP, các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao hàng năm đều chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với các tình huống khẩn cấp về lụt bão. Việc hộ đê, điều tiết hồ chứa, chuẩn bị phương án sẵn sàng phân chậm lũ được thực hiện. Kết quả thi hành Nghị định này đạt được như sau:
1. Hộ đê:
- Hàng năm, trước mùa mưa lũ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương), các địa phương tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều, xác định các trọng điểm xung yếu để xây dựng phương án bảo vệ theo phương châm “4 chỗ”: vật tư, phương tiện, lực lượng, hậu cần tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố đê điều xảy ra.
- Các tuyến đê thường xuyên được cấp vốn tu bổ và duy tu bảo dưỡng để nâng cao chất lượng thân và nền đê. Chính phủ đã phê duyệt Chương trình nâng cấp đê hệ thống đê sông đến 2020 tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 09/12/2009 nhằm hoàn thiện các tuyến đê theo tiêu chuẩn thiết kế, nâng cao chất lượng để đảm bảo an toàn chống lũ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Các tuyến đê bối tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định: cao trình đỉnh đê chỉ được giữ ở mức báo động số 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn các địa phương lập các dự án xây dựng đường tràn sự cố trên các tuyến đê bối. Một số địa phương như: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa,… đã tiến hành xây dựng đường tràn sự cố phòng khi lũ lớn xảy ra sẽ chủ động cho nước lũ tràn vào vùng phía trong các đê bối, tránh xảy ra thảm họa do vỡ đê đột ngột gây ra.
2. Điều tiết hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà để cắt giảm lũ:
Trong mùa lũ, tiến hành trực ban, giao ban hàng ngày theo dõi tình hình mưa, lưu lượng nước về các hồ, mực nước để điều tiết các hồ tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du; đồng thời đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bản thân công trình hồ chứa.
3. Sử dụng các vùng chậm lũ:
Hàng năm, đều tổ chức diễn tập, vận hành thử cũng như đầu tư tu bổ các công trình đầu mối phân lũ, chậm lũ. Về cơ chế chính sách đối với các địa phương vùng phân, chậm lũ, Chính phủ đã có Quyết định 132/2002/QĐ-TTg ngày 7/2/2002 phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng công trình phân lũ, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Theo đó, hàng năm Nhà nước dành một khoản ngân sách tập trung để đầu tư nâng cấp các công trình phục vụ việc phân lũ, chậm lũ; các công trình hạ tầng: đường giao thông, hệ thống điện, trạm bơm và kênh mương thủy lợi, quy hoạch lại và xây dựng cao tầng hệ thống trường học, bệnh xá, trụ sở Ủy ban nhân dân xã và các công trình phúc lợi công cộng,… cho các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, đảm bảo hoạt động bình thường khi phải thực hiện phân lũ, chậm lũ. Đến nay, về cơ bản cơ sở hạ tầng vùng phân chậm lũ đã được cải thiện. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan thực hiện việc tổng kết đánh giá quá trình thực hiện của Quyết định 132/2002/QĐ-TTg.
4. Thực hiện trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương:
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ trên cơ sở dự báo, cảnh báo và số liệu về khí tượng thủy văn do Tổng cục Khí tượng Thủy văn cung cấp để tham mưu cho Ban chỉ đạo PCLB TW chỉ đạo và phối hợp hoạt động với các Bộ, ngành và địa phương xử lý kịp thời các sự cố do lũ gây ra, chỉ đạo điều hành việc cắt lũ hồ Hòa Bình và hồ Thác Bà theo quy trình vận hành.
- UBND các địa phương có vùng phân lũ, chậm lũ đã tổ chức chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền quán triệt chủ trương phân lũ, chậm lũ đến tận người dân; tổ chức chuẩn bị hộ đê, chống lũ lụt trên địa bàn, đặc biệt quan tâm có phương án hộ đê tả sông Đáy phòng khi phải phân lũ; triển khai xây dựng, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch tổ chức sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng phân lũ, chậm lũ xây dựng các phương án phòng tránh nhằm chủ động đối phó với lũ lụt có thể xảy ra và đối phó với tình huống phải phân lũ, chậm lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
III. KẾT LUẬN
Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội qua hơn 10 năm thực hiện đã góp phần cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão. Tuy đã đạt được nhiều kết quả trong việc thi hành Nghị định nhưng cho đến nay, mặc dù hàng năm việc đầu tư củng cố công trình đầu mối và các phương án vẫn được chuẩn bị sẵn sàng song chưa một lần thực hiện việc phân, chậm lũ, vì thế không có cơ sở đánh giá thực tế diễn ra phân, chậm lũ và kết quả mang lại.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại do việc phát triển cơ sở hạ tầng và dân cư trong khu vực phân, chậm lũ không kiểm soát được nên năng lực các công trình phân, chậm lũ bị suy giảm nghiêm trọng, hiệu quả cắt lũ không còn được như thiết kế ban đầu. Thêm vào đó, các khu được chọn làm khu phân lũ, chậm lũ đến nay đã tương đối đông dân, kinh tế ngày càng phát triển theo sự phát triển của đất nước. Vì thế, nếu có phân lũ vào những khu vực này sẽ gây thiệt hại lớn về dân sinh, kinh tế và tác động xấu đến môi trường. Trước những thay đổi quan trọng hiện nay và trong tương lai như: việc mở rộng thành phố Hà Nội bao trùm cả khu phân lũ, chậm lũ của Hà Tây cũ, việc xây dựng một số hồ chứa nước lớn trên thượng nguồn tham gia cắt lũ đã tạo thêm khả năng cắt lũ, giảm lũ. Do đó, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 62/1999/NĐ-CP ngày 31/7/1999 nhằm tiến tới không sử dụng các công trình phân lũ, chậm lũ như một biện pháp phòng, chống lũ cho đồng bằng sông Hồng khi hồ Sơn La tham gia điều tiết cắt giảm lũ cho hạ du là hết sức cần thiết và có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Các nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ, ngành đối phó với lũ lụt tại Nghị định 62/1999/NĐ-CP ngày 31/7/1999 đã được quy định trong Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão sửa đổi, bổ sung năm 2000./.
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Bộ trưởng (để báo cáo); - Bộ Tư pháp; - Lưu: VT, TCTL (VT, ĐĐ 5b). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Đào Xuân Học |