ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH ---------------- Số: 18/CT-UBND | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------- Quảng Bình, ngày 26 tháng 9 năm 2017 |
CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giết mổ gia súc, gia cầm, công tác đầu tư phát triển cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung
Thời gian qua, các ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai kiểm tra, kiểm soát công tác giết mổ gia súc, gia cầm, góp phần đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; Quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tuy nhiên, sự chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt; công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm chưa được triển khai đồng bộ; chưa thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm; đa số các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn chưa có Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y hoặc Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm; tiến độ triển khai xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung chậm so với yêu cầu.
Thực hiện Chỉ thị số 3005/CT-BNN ngày 11/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật đảm bảo an toàn thực phẩm; Quyết định số 1349/QĐ-UBND ngày 24/4/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm giai đoạn 2017-2020”. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo đảm vệ sinh thú y trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu:
1. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của việc giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ tập trung, việc sử dụng các sản phẩm động vật có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thú y địa phương đối với công tác vệ sinh thú y; không được giết mổ động vật bị chết, bị bệnh để chế biến làm thực phẩm hoặc liên kết với người buôn bán thịt gia súc, gia cầm để gian lận thương mại, biến động vật chết, mắc bệnh thành thực phẩm, đặc sản...; không được vứt xác động vật ra môi trường; khi phát hiện động vật chết, mắc bệnh phải khai báo với cơ quan thú y nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã.
- Bố trí địa điểm xử lý, tiêu hủy động vật chết, mắc bệnh đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là các địa phương có nhiều hoạt động buôn bán, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để sử dụng làm thực phẩm; vứt xác động vật ra môi trường.
- Tăng cường quản lý hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm; vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Công khai trên phương tiện truyền thông các cơ sở giết mổ không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
- Chỉ đạo UBND cấp xã nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý nhà nước về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, nhất là việc quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.
- Khẩn trương rà soát quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo hướng ổn định lâu dài, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và vệ sinh thú y, ưu tiên diện tích để bố trí trồng cây xanh, xây dựng hồ chỉ thị sinh học để xử lý, bảo vệ môi trường, hoàn thành trước tháng 12/2017; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường, tuyệt đối không được gây ô nhiễm. Đối với các địa phương đã có quy hoạch, cần tích cực tìm kiếm, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; Quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, phấn đấu trong năm 2017, mỗi huyện, thành phố, thị xã có ít nhất một cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động. Đối với các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa có hoặc chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung cần hướng dẫn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo quy định theo khoản 2 Điều 69 của Luật Thú y và hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động giết mổ.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến, kho bảo quản sản phẩm động vật, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giết mổ động vật, sơ chế, chế biến, bảo quản thịt gia súc, gia cầm và công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường đôn đốc, giám sát thực hiện xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở các địa phương.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh; Tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký kinh doanh, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, hướng dẫn thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
4. Sở Công Thương, Công an tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật.
5. Sở Y tế: Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sản phẩm động vật không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong việc thực hiện xử lý chất thải, nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền Luật Thú y và các văn bản liên quan về thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh thú y trong giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
Yêu cầu các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện. Thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.
Nơi nhận: - TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh (b/c); - Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh; - Các sở: NN và PTNT; KH và ĐT; Tài chính; Công thương; TN và MT; Y tế; TT và TT; Công an tỉnh; - UBND các huyện, TP, TX; - Lãnh đạo VP UBND tỉnh; - Đài PTTH, Báo Quảng Bình; - Cổng Thông tin điện tử tỉnh; - Lưu: VT, CVNN. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH (đã ký) Lê Minh Ngân |