BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Số: 3005/CT-BNN-TY | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VẬN CHUYỂN, GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM
Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương, cụ thể: (1) Giết mổ lợn chết, lợn bệnh để chế biến thực phẩm tại Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Long An, Bến Tre; (2) Giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến sản phẩm động vật tại các cơ sở, địa điểm không có giấy phép hoạt động và không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm hoặc không được kiểm soát thú y tại Hà Nam, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh; (3) Tiêm thuốc an thần, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ để gian lận thương mại và gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng tại Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang; (4) Vứt xác động vật ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh động vật tại Hưng Yên, Cao Bằng (chi tiết tại Phụ lục đính kèm).
Nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên là do công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại nhiều địa phương còn nhiều tồn tại, bất cập và chưa hiệu quả. Cụ thể: Các vụ việc nêu trên đã diễn ra ở nhiều địa phương trong thời gian dài, nhưng vẫn chưa được chính quyền và các cơ quan liên quan của địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật về thú y và an toàn thực phẩm.
Để sớm khắc phục những tồn tại, bất cập và chưa hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành liên quan và các đơn vị thuộc Bộ tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của Luật thú y, Luật an toàn thực phẩm, các Nghị định của Chính phủ: Số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó, cần chú trọng một số nội dung chính sau:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã thực hiện các nội dung sau đây:
- Nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để sử dụng làm thực phẩm; vứt xác động vật ra ngoài môi trường theo quy định tại khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 18 Điều 13 của Luật thú y;
- Tổ chức công tác thông tin tuyên tuyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, buôn bán, giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật không được giết mổ động vật bị chết, bị bệnh để chế biến làm thực phẩm hoặc liên kết với người buôn bán thịt gia súc, gia cầm để gian lận thương mại, biến động vật chết, mắc bệnh thành thực phẩm, đặc sản...; không được vứt xác động vật ra môi trường. Khi phát hiện động vật chết, mắc bệnh phải khai báo với cơ quan thú y nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã để kiểm tra;
- Bố trí địa điểm xử lý, tiêu hủy động vật chết, mắc bệnh bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là các địa phương có nhiều hoạt động buôn bán, chăn nuôi gia súc, gia cầm;
- Chấn chỉnh công tác kiểm dịch vận chuyển tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông; tập trung kiểm tra các điểm thu gom (kể cả điểm tập kết, tắm lợn) tại các tỉnh để phát hiện gia súc bị bệnh hoặc không bảo đảm vệ sinh thú y (bị bơm nước, sử dụng chất cấm, tiêm thuốc an thần...) theo quy định tại khoản 1 và khoản 20 Điều 13 Luật thú y; phải có biện pháp xử lý chất thải, nước thải trong quá trình vận chuyển, thu gom, tập kết, tắm lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo quy định tại khoản 3 Điều 70 và điểm d khoản 3 Điều 71 của Luật thú y.
- Chấn chỉnh công tác quản lý giết mổ, chế biến thịt tại các cơ sở giết mổ động vật, chế biến sản phẩm động vật nhỏ lẻ, tập trung vào các tỉnh miền Bắc và các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm phát hiện, xử lý kịp thời hành vi giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật bị chết, bị bệnh làm thực phẩm theo quy định tại khoản 18 Điều 13 Luật thú y;
- Chẩn chỉnh ngay công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm; chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến, kho bảo quản sản phẩm động vật trên địa bàn;
- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh vi phạm trên phương tiện thông tin để người tiêu dùng biết và tránh mua phải thịt từ động vật chết, mắc bệnh, không được kiểm soát giết mổ bởi ngành thú y;
- Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
2. Các Bộ, ngành liên quan:
a) Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các tỉnh, thành phố:
- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, thú y và chính quyền cơ sở để lập chuyên án đấu tranh, triệt phá tận gốc các tổ chức, đường đây có hành vi buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để chế biến làm thực phẩm, động vật bị bơm nước, tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ; đặc biệt chú trọng kiểm tra các cơ sở giết mổ trái phép, cơ sở thu gom động vật, điểm trung chuyển gia súc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm;
- Trường hợp phát hiện vi phạm, thực hiện đồng bộ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, bao gồm hình thức phạt tiền với mức tối đa, tiêu hủy, chuyển mục đích sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, xử lý gian lận thương mại; trường hợp vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng cần xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
b) Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, thanh tra chuyên ngành của địa phương tăng cường công tác kiểm tra tại đầu mối giao thông, cơ sở giết mổ, thu gom, điểm tập kết, trung chuyển động vật.
c) Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y và UBND các cấp trong công tác kiểm soát vận chuyển động vật; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh hoặc vứt bỏ động vật chết trên địa bàn.
3. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: (1) Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn địa phương thực hiện quy định về kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; (2) Tổng hợp những tồn tại, vướng mắc và vi phạm trong công tác quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý kịp thời;
b) Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Thú y tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhằm phát hiện việc giết mổ động vật chết, mắc bệnh để chế biến làm thực phẩm; vứt xác động vật ra môi trường; giết mổ động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, các đơn vị thuộc Bộ chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị này, đồng thời thường xuyên thông báo và định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong quá trình chỉ đạo, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
THỐNG KÊ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THÚ Y VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM ĐÃ ĐƯỢC ĐƯA TIN TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG
(Ban hành kèm theo Chỉ thị số 3005/CT-BNN-TY ngày 11/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)
TT | Địa phương | Huyện, xã | Thời gian kiểm tra | Cơ sở | Hành vi vi phạm |
1 | Hà Nam | Xóm 1, xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý | 22/2/2017 | Cơ sở sản xuất mỡ lợn của bà Trần Thị Loan | Chế biến mỡ lợn không có giấy phép |
2 | Vĩnh Phúc | Thôn Lõng Sâu, xã Đại Đình, Tam Đảo | 05/11/2016 | Cơ sở giết mổ của ông Bằng Văn Rổ | Giết mổ lợn chết để chế biến thành lợn Mán |
3 | Cao Bằng | Xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh | 23/3/2017 | Cơ sở kinh doanh của ông Sài | Giết mổ lợn chết để chế biến thành thịt hun khói |
4 | Hải Dương | Thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ | 24/4/2016 | Cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt lợn của bà Nguyễn Thị Nụ | Giết mổ lợn chết |
5 | Hưng Yên | Thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ | 27/4/2016 | Cơ sở kinh doanh giết mổ lợn của Phạm Quốc Tuấn | Giết mổ lợn chết |
6 | Quảng Ninh | Phường Hạ Long, thành phố Hạ Long | 30/3/2017 | Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thiên Trường | Giết mổ gia súc không đảm bảo ATTP |
7 | Hà Tĩnh | Xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh | 11/11/2016 | Gia đình bà Điện Thị Hương | Giết mổ lợn trái phép |
8 | TP Hồ Chí Minh | P. Bình Chiểu, Q.Thủ Đức | 30/01/2016 | Lò mổ tại nhà số 7 đường số 5 khu phố 4 | Giết mổ heo lậu |
9 | Bình Dương | Phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát | 23/3/2016 | Cơ sở của ông Trần Quốc Thái | Tiêm thuốc an thần cho heo vận chuyển đi giết mổ |
10 | Đồng Nai | Khu phố 2, phường Long Bình, TP. Biên Hòa | 22/3/2017 | Cơ sở giết mổ của ông Ninh Văn Trình | Giết mổ lợn chết để chế biến thực phẩm |
11 | Long An | Ấp Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ | 20/11/2016 | Cơ sở sản xuất bò viên của bà Cao Thị Huyền | Chế biến thịt không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc |
12 | Bà Rịa - Vũng Tàu | Huyện Châu Đức | 31/8/2016 | Lò giết mổ của ông Bùi Ngọc Quy | Bơm nước vào heo trước giết mổ |
13 | Bến Tre | Ấp Giồng Giữa, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc | 11/10/2016 | Cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Văn Tra | Giết mổ lợn bệnh, lợn chết để chế biến hành lợn quay |
14 | An Giang | Xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn | 08/8/2016 | Cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Mạnh Hùng | Bơm nước vào heo trước giết mổ |