Cơ quan ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1263/CĐ-BNN-TY | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công điện | Người ký: | Nguyễn Xuân Cường |
Ngày ban hành: | 05/02/2018 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 05/02/2018 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Số: 1263/CĐ-BNN-TY | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2018 |
CÔNG ĐIỆN KHẨN
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG CÚM GIA CẦM, NGĂN CHẶN VI RÚT CÚM A/H7N9 VÀ CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM NGUY HIỂM KHÁC XÂM NHIỄM VÀO VIỆT NAM
--------
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, ĐIỆN:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Ngày 12/01/2018, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận 01 trường hợp người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9 tại Tân Cương, nâng tổng số người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9 lên 1.624 người, trong đó có 621 ca tử vong. Theo thông báo của Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO), kết quả giám sát trong tháng 01/2018 do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố: Có 36 mẫu gia cầm và môi trường dương tính với vi rút Cúm gia cầm (CGC) A/H7N9; chính quyền nhiều tỉnh của Trung Quốc đã áp dụng biện pháp đóng cửa chợ gia cầm sống từ 02-03 tuần để hạn chế vi rút lây lan. Theo thông báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE): Trong tháng 01/2018 các ổ dịch CGC A/H5N2, A/H5N6, A/H5N8 đã phát sinh tại nhiều quốc gia, đặc biệt là cúm A/H5N1 tại Cam-pu-chia và cúm A/H5N6 tại Trung Quốc. Tại nước ta, vi rút CGC A/H5N1, A/H5N6 vẫn tồn tại và lưu hành trên đàn gia cầm và trong môi trường (năm 2017 có khoảng 1,75% mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 và 0,91% mẫu dương tính với cúm A/H5N6). Trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, điều kiện thời tiết giá lạnh, độ ẩm cao, các hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tăng cao; do vậy nguy cơ tiếp tục xuất hiện các ổ dịch CGC trong nước và khả năng vi rút cúm A/H7N9 cũng như các chủng vi rút cúm độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8 chưa có ở Việt Nam) xâm nhiễm vào trong nước là rất cao, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Nhằm hạn chế các ổ dịch CGC phát sinh, ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác vào Việt Nam, làm lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh biên giới và Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch (CGC, ngăn ngừa vi rút cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản số 18/TTg-KGVX ngày 27/02/2017, Công điện số 427/CĐ-TTg ngày 27/3/2017) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016, Quyết định số 210/QĐ-BNN-TY ngày 14/02/2014 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người), trong đó cần chú trọng một số nội dung sau đây:
1. Nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Chỉ đạo chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng của địa phương, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra giao thông, Y tế phối hợp với lực lượng Thú y tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
2. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong từng cộng đồng, chú trọng tới cư dân khu vực biên giới, chính quyền cấp xã, cấp huyện và các tổ chức đoàn thể tại khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh CGC, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm; đồng thời hướng dẫn của biện pháp phòng, chống dịch CGC một cách có hiệu quả. Đặc biệt, cần tuyên truyền để nhân dân giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ. Vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền cho người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát giết mổ để sử dụng làm thực phẩm; không ăn tiết canh gia cầm và chỉ sử dụng sản phẩm gia cầm đã qua chế biến kỹ.
3. Khẩn trương rà soát, quy hoạch cụ thể khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống; tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực bán gia cầm sau mỗi buổi chợ; xây dựng phương án đóng cửa chợ gia cầm và các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 tại chợ.
4. Chỉ đạo chính quyền các cấp chủ động áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định; xây dựng và triển khai kế hoạch chủ động phòng, chống dịch; bố trí lực lượng kiểm soát cố định và cơ động, nhân lực, vật tư, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch CGC xẩy ra, không để dịch lây lan cho người và xẩy ra diện rộng.
5. Giao Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc lực lượng thú y tại các địa phương khu vực biên giới phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thú y Trung ương tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới. Đồng thời Cục Thú y tiếp tục tổ chức triển khai các hoạt động giám sát chủ động lưu hành vi rút để cảnh báo và làm cơ sở chỉ đạo chống dịch, phát hiện kịp thời sự xâm nhiễm của chủng vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút CGC khác để xử lý; tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và cảnh báo cộng đồng.
Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan, căn cứ chức năng nhiệm vụ và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, chủ động phối hợp với Cục Thú y và các cơ quan chức năng địa phương để triển khai các hoạt động chuyên môn theo quy định.
6. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngăn ngừa các chủng vi rút CGC nguy hiểm xâm nhiễm vào trong nước theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Lãnh đạo các Bộ, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình chỉ đạo, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Công điện 1263/CĐ-BNN-TY tăng cường chống Cúm gia cầm, vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm nguy hiểm khác xâm nhiễm vào Việt Nam
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Số hiệu: | 1263/CĐ-BNN-TY |
Loại văn bản: | Công điện |
Ngày ban hành: | 05/02/2018 |
Hiệu lực: | 05/02/2018 |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Nguyễn Xuân Cường |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |