BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ---------------------------- Số: 262/BNN-TY V/v: chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc xin, sử dụng hóa chất để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc --------------------------- Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2013 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trong thời gian vừa qua, việc sử dụng vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và hóa chất khử trùng tại một số địa phương còn nhiều bất cập, cụ thể: Số lượng và tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm còn thấp, một số chủng loại vắc xin đưa vào sử dụng chưa phù hợp, việc bảo quản vắc xin và kỹ thuật tiêm phòng chưa đảm bảo; hóa chất sử dụng để khử trùng, tiêu độc chưa được sử dụng đúng mục đích, dẫn đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm chưa đạt yêu cầu.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh động vật với nguyên tắc phòng bệnh là chính, theo đó biện pháp chủ đạo là tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời để chấn chỉnh công tác tiêm phòng, giám sát việc sử dụng vắc xin, hóa chất khử trùng và nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vắc xin, hóa chất trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây bệnh sang người và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi như bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng ở gia súc, Tai xanh ở lợn, Dịch tả lợn và bệnh Dại ở chó; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp:
a) Tổ chức rà soát các chương trình, dự án, kế hoạch sử dụng vắc xin để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; giám sát chặt chẽ việc bảo quản và quản lý vắc xin tiêm phòng theo đúng quy định, sử dụng vắc xin tiêm phòng đúng chủng loại, thời gian tiêm phù hợp với đặc điểm dịch tễ của từng bệnh, từng vùng, lực lượng đi tiêm phòng phải được tập huấn và đảm bảo kỹ thuật, tiêm phòng đúng đối tượng và đạt tỷ lệ theo quy định, trang bị đầy đủ dụng cụ tiêm phòng và bảo hộ cho người đi tiêm phòng.
b) Tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ việc bảo quản và sử dụng hóa chất khử trùng một cách có hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản; tránh gây lãng phí, thất thoát, sử dụng không đúng mục đích, để hết hạn sử dụng hoặc bảo quản không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến chất lượng hóa chất khử trùng.
c) Thường xuyên, đột xuất tổ chức các đoàn đi thanh tra, kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm phòng vắc xin; sử dụng hóa chất khử trùng để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và động vật thủy sản tại địa phương.
d) Phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục: Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tiêm phòng vắc xin, sử dụng hóa chất khử trùng, điều tra nguyên nhân phát sinh dịch bệnh, giám sát lưu hành vi rút,… làm công cơ sở xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản.
đ) Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân: Sử dụng vắc xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm không đúng chủng loại vắc xin; không tổ chức tiêm phòng nhưng vẫn kê khai tiêm phòng; không khử trùng tiêu độc nhưng vẫn kê khai khử trùng tiêu độc; bảo quản và sử dụng vắc xin, hóa chất không đúng quy định;
2. Giao cho Cục Thú y tổ chức thực hiện:
a) Thường xuyên giám sát lưu hành đối với vi rút gây bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh ở lợn; đánh giá hiệu lực các loại vắc xin để khuyến cáo, hướng dẫn kịp thời cho các địa phương sử dụng có hiệu quả; tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất công tác tiêm phòng vắc xin, sử dụng hóa chất khử trùng tại các địa phương trọng điểm.
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các địa phương tổ chức thực hiện: Hướng dẫn cụ thể và giám sát chặt chẽ việc lập kế hoạch tiêm phòng, sử dụng vắc xin tiêm phòng, hóa chất khử trùng để phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản; lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để kiểm tra kháng thể sau tiêm phòng; lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nội dung trên và yêu cầu Cục Thú y khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.
Nơi nhận: - Như trên; – Văn phòng Chính phủ (để b/c); – Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c); – Sở NN và PTNT, Chi cục Thú y các tỉnh, TP; – Các đơn vị thuộc Cục Thú y; – Các Công ty SX, KD vắc xin, hóa chất khử trùng dùng trong thú y; – Lưu: VT, TY. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Vũ Văn Tám |