BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN --------------------- Số: 288/BNN-TCLN V/v: điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Hòa Bình | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------------------------ Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2011 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình
Tại văn bản số 1842/UBND-NLN ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị được điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, sau đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 13/SNN-LN ngày 07 tháng 01 năm 2011 giải trình về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh.
Theo các văn bản nêu trên, để đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội và sau khi chuyển diện tích đất lâm nghiệp của 4 xã huyện Lương Sơn về Hà Nội, tỉnh Hòa Bình đề nghị điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, cụ thể:
Tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp sau khi điều chỉnh là 319.281 ha, trong đó:
Đất rừng đặc dụng: 41.629 ha
Đất rừng phòng hộ: 128.572,2 ha
Đất rừng sản xuất: 149.079,6 ha
So với Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 04/4/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng với diện tích 337.840 ha, diện tích đất lâm nghiệp theo đề nghị điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh giảm 14.654,1 ha (do chuyển ra ngoài mục đích lâm nghiệp để thăm dò, khai thác khoáng sản).
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị điều chỉnh 24.919,5 ha đất lâm nghiệp (đã loại trừ 627 ha dự định chuyển trả Vườn quốc gia Cúc Phương), trong đó:
- Điều chỉnh nội bộ quy hoạch 3 loại rừng: 10.265,4 ha
- Điều chỉnh chuyển ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp sang mục đích khác để thăm dò, khai thác khoáng sản: 14.654,1 ha.
Sau khi nghiên cứu, xem xét, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một số ý kiến như sau:
1. Về việc điều chỉnh nội bộ quy hoạch 3 loại rừng
Theo đề nghị của tỉnh, tổng diện tích đất lâm nghiệp điều chỉnh: 10.265,4 ha, trong đó:
a) Điều chỉnh quy hoạch từ rừng đặc dụng sang rừng sản xuất: 343,1 ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, huyện Đà Bắc, cụ thể như sau:
Vị trí: Thuộc phân khu phục hồi sinh thái
Trạng thái:
- Đất có rừng: 25,8 ha, trong đó:
+ Rừng tự nhiên: 15,4 ha (5,0 ha rừng gỗ IIA bị suy giảm chất lượng; 10,4 ha rừng nứa)
+ Rừng trồng 10,4 ha
- Đất chưa có rừng: 317,3 ha, trong đó:
+ Trạng thái Ia: 189,6 ha
+ Trạng thái Ib: 80,1 ha
+ Trạng thái Ic: 47,6 ha
Khi thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, 343,1 ha đất rừng đặc dụng này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh. Tuy nhiên đến nay quy hoạch này không còn phù hợp vì hầu hết diện tích đất chưa có rừng nêu trên đã bị người dân định cư và canh tác nương rẫy lâu năm, đồng thời hiện trạng 25,8 ha đất có rừng không đáp ứng đủ tiêu chí phân loại rừng đặc dụng theo Quyết định số 62/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn.
Vì vậy Bộ Nông nghiệp và PTNT nhất trí với đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình chuyển 343,1 ha đất rừng đặc dụng sang quy hoạch rừng sản xuất để các hộ gia đình ngụ cư tại chỗ có điều kiện tham gia trồng rừng sản xuất, tạo thu nhập và giảm sức ép đến rừng tại phân khu nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh.
b) Về việc điều chỉnh từ quy hoạch rừng phòng hộ sang rừng sản xuất: 1.160,3 ha
Theo đề nghị của tỉnh, số diện tích rừng phòng hộ này nằm rải rác trên địa bàn 7 huyện, thuộc cấp ít xung yếu trong phân cấp phòng hộ
Hiện trạng:
- Đất có rừng: 564,7 ha, trong đó:
+ Rừng tự nhiên: 69,6 ha (núi đá có cây 63,8 ha; nứa 5,8 ha)
+ Rừng trồng: 495,1 ha
- Đất chưa có rừng: 595,6 ha, trong đó:
+ Trạng thái Ia: 435,6 ha
+ Trạng thái Ic: 160,0 ha
Khi thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã cho quy hoạch diện tích này thuộc đất rừng phòng hộ với hy vọng có kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay quy hoạch đất rừng phòng hộ không còn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của xã, huyện, do vậy, UBND các xã và huyện đều kiến nghị nên chuyển sang quy hoạch rừng sản xuất.
Căn cứ hiện trạng 564,7 ha rừng phòng hộ thuộc cấp phòng hộ ít xung yếu theo tiêu chí phân cấp rừng phòng hộ tại Quyết định số 61/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, vị trí thuận lợi giao thông và khu dân cư, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhất trí với đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình chuyển 1.160,3 ha đất rừng phòng hộ sang quy hoạch rừng sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
c) Về việc điều chỉnh từ quy hoạch rừng sản xuất sang rừng phòng hộ: 8.762,0 ha, trong đó:
- Đất có rừng: 3.798,8 ha (rừng tự nhiên: 2.759,1 ha; rừng trồng: 1.039,1 ha)
- Đất chưa có rừng: 4.963,2 ha (trạng thái Ia: 3.576,4 ha; Ib: 131,6 ha; Ic: 1.255,2 ha).
Khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do công tác khảo sát hiện trường không kỹ nên đã quy hoạch đất rừng sản xuất ở khu vực có xen lẫn núi đá (huyện Mai Châu, Tân Lạc), nên trong thực tế khi phát triển rừng sản xuất có gặp khó khăn. Tuy nhiên qua 4 năm sau khi thực hiện quy hoạch, địa phương cũng đã trồng được 1.039,1 ha rừng sản xuất ở khu vực thuận lợi.
Theo các quy định hiện hành, rừng sản xuất vẫn được bảo vệ và phát triển với mục đích phòng hộ và cần được quản lý theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cân nhắc việc chuyển 8.762 ha đất rừng sản xuất sang quy hoạch đất rừng phòng hộ.
2. Về diện tích 627 ha rừng mà UBND tỉnh Hòa Bình chuyển trả cho Vườn quốc gia Cúc Phương đã được quy hoạch là rừng đặc dụng không thuộc diện phải đề nghị điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các địa phương và Vườn quốc gia thực hiện việc giao đất và rừng như đã được thỏa thuận theo biên bản làm việc ngày 01/7/2010 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình với Vườn quốc gia Cúc Phương.
3. Về việc chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác ngoài mục đích lâm nghiệp.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị chuyển 14.654,1 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn 11 huyện, thành phố ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp để thăm dò, khai thác khoáng sản, trong đó:
- Chuyển từ đất rừng phòng hộ là 14.638,5 ha, trong đó:
+ Đất có rừng: 10.112,4 ha (rừng trồng: 912,7 ha; rừng tự nhiên: 9.199,7 ha gồm có 635,1 ha rừng gỗ, 176,7 ha rừng nứa, 527,6 ha rừng hỗ giao và 7.860,3 ha rừng trên núi đá)
+ Đất chưa có rừng: 4.541,7 ha (trạng thái Ia: 2.583,4 ha; Ib: 832,1 ha; Ic: 1.126,2 ha).
- Chuyển từ đất rừng sản xuất là 15,6 ha đất có rừng tự nhiên (rừng gỗ ở trạng thái IIA: 7,9 ha và 7,7 ha rừng trên núi đá).
Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
Việc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản được thực hiện theo Luật khoáng sản và Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản sửa đổi, theo đó không quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản vào rừng phòng hộ, đặc dụng.
Việc quy hoạch đất rừng với mục đích là phòng hộ, đặc dụng được xác lập trên đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp và theo các tiêu chí cụ thể theo quy định. Việc quy hoạch đất để phát triển lâm nghiệp hay ngoài mục đích lâm nghiệp là trách nhiệm của ngành Tài nguyên và môi trường. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, giải quyết cụ thể.
Trên đây là một số ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đề nghị điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thăm dò, khai thác khoáng sản của tỉnh Hòa Bình.
Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình xem xét, quyết định theo thẩm quyền./.
Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, TCLN. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Hứa Đức Nhị |