BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------------------- Số: 3186/BNN-TCCB V/v: Báo cáo tình hình thể chế hóa Nghị quyết TW7 (khóa X) và Thông báo kết luận số 234-TB/TW của Bộ Chính trị. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc --------------------- Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2010 |
Kính gửi: Ban Tuyên giáo Trung ương
Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận được Công văn số 6352-CV/BTGTƯ ngày 13/9/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc báo cáo tình hình thể chế hóa Nghị quyết TW7 (khóa X) và Thông báo Kết luận số 234-TB/TW của Bộ Chính trị, Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo như sau:
I. VỀ THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 234-TB/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA X):
- Trong thời gian qua, khoa học và công nghệ đã góp phần tạo ra những chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản xuất hàng hóa.
- Khoa học và công nghệ trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, từ một nước thiếu lương thực, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai Thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao như: thủy sản, cà phê, cao su, chè, hạt điều, lạc nhân, hồ tiêu, đồ gỗ chế biến …. Các nhà khoa học nông nghiệp đã tạo ra 142 giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao trong 5 năm gần đây. Chương trình giống đã mang lại hiệu quả lớn trên 90% diện tích trồng lúa, 80% diện tích trồng ngô, 60% diện tích trồng mía, 100% diện tích trồng điều.
II. VỀ THỂ CHẾ HÓA NGHỊ QUYẾT TW 7 (KHÓA X):
1. Hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan khoa học công nghệ xây dựng và ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa văn nghệ của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Đã nghiên cứu sửa đổi Quyết định 36/2006/QĐ-BNN ngày 15/5/2006 về Quy chế Quản lý đề tài, dự án khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp và PTNT theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học, tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh;
- Kịp thời ban hành thông tư số 37/2009/TT-BNN và thông tư số 38/2009/TT-BNN Hướng dẫn công tác tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực nông nghiệp và PTNT;
- Về công tác Tổ chức bộ máy của hệ thống các Viện nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang từng bước hoàn thiện, phù hợp với cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Thực hiện Quyết định 930/2005/QĐ-TTg ngày 05/9/2005 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Quyết định 594/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 thành lập Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; đang triển khai đề nghị thành lập Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và có chủ trương sắp xếp, thành lập Viện Khoa học Thủy sản Việt Nam theo hướng nâng tầm viện được xếp hạng đặc biệt để đáp ứng sự phát triển của ngành;
- Đang thực hiện việc xây dựng Chiến lược phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp giai đoạn 2010-2020.
- Đã và đang thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học nông nghiệp và thủy sản đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ;
- Đã và đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nông thôn đến năm 2020”;
- Đang nghiên cứu, tiếp tục xây dựng bổ sung thông tư về tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN thuộc Bộ (Theo Nghị định 115). Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính về hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng tạo ra động lực cho các tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm;
- Đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; các quy định về khu công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp;
- Thực hiện việc chỉ đạo và quản lý tốt 03 Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (PTN Công nghệ tế bào động vật, PTN Công nghệ tế bào thực vật, PTN Động lực học sông biển);
- Tạo các điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa văn nghệ. Đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện thị trường khoa học công nghệ. Đề xuất với Nhà nước có chính sách tập trung hỗ trợ, tài trợ để khuyến khích liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ với trường đại học trong việc đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm.
2. Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức:
- Đổi mới công tác cán bộ, giao quyền quyết định công tác cán bộ cho thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ theo hướng công khai, minh bạch trong các khâu tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ quản lý từ các tổ chức trực thuộc đơn vị trở xuống;
- Thực hiện nghiêm túc Quy định 71/QĐ-TTg của Chính phủ về việc kéo dài thời gian công tác đối với tri thức đầu ngành có trình độ cao (Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học), có năng lực và sức khỏe, đã hết tuổi lao động, theo nhu cầu của đơn vị để góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành;
- Thường xuyên tổ chức xét và đề nghị công nhận, tôn vinh các danh hiệu như nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, các chức danh giáo sư, phó giáo sư trong ngành … nâng cao chất lượng xét chọn và nâng mức thưởng đối với các danh hiệu cao quý và các giải thưởng Nhà nước dành cho trí thức.
3. Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức.
- Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cử đi đào tạo khoảng 180 cán bộ đi đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ, Sau tiến sỹ tại nước ngoài. Kinh phí đào tạo từ nguồn các Chương trình của Chính phủ (Đề án 322/356; Đề án 165 …), Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp và các Dự án của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ tiến hành cải cách giáo dục từ cơ cấu hệ thống đến chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo đại học; thực hiện các biện pháp gắn đào tạo với nhu cầu của người học và nhu cầu của xã hội;
- Sử dụng có hiệu quả mọi nguồn đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước;
- Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Gắn đào tạo đại học và sau đại học với nghiên cứu khoa học; gắn nghiên cứu khoa học với ứng dụng trong sản xuất kinh doanh;
- Thường xuyên tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ trí thức; khuyến khích trí thức thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn.
4. Đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức:
- Thường xuyên phổ biến thông tin, giúp trí thức kịp thời nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của đất nước và địa phương;
- Phối hợp các cấp ủy Đảng có liên quan trong việc lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong rèn luyện, phấn đấu, bồi đắp, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn và trong đạo đức, lối sống …;
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các Trường đại học, Viện nghiên cứu thuộc Bộ. Hàng năm, tăng nguồn vốn 10% cho phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp.
5. Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức:
- Ban cán sự Đảng Bộ và lãnh đạo Bộ thường xuyên quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ về vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; xác định rõ công tác trí thức là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp;
- Đã làm tốt công tác tư tưởng để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành hiểu đúng và đề cao vai trò của trí thức, đồng thời để đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước, với ngành từ đó cố gắng phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt trách nhiệm của người cán bộ khoa học công nghệ trong thời kỳ mới. Hình thành ý thức và tâm lý xã hội tôn trọng, tôn vinh trí thức, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”;
- Phát huy tài năng của các nhà khoa học nông nghiệp, khuyến khích đội ngũ trí thức trẻ thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực khoa học công nghệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương để tổng hợp báo cáo Ban Bí thư và Bộ Chính trị theo quy định.
Nơi nhận: - Như trên; - BCS Đảng Bộ (báo cáo); - Bộ trưởng (báo cáo); - Vụ KHCN&MT (t/h); - Vụ TCCB (t/h); - Lưu: VT, TCCB. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Minh Quang |