hieuluat

Kế hoạch 6530/KH-BNN-KTHT phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp 5 năm 2016-2020

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:6530/KH-BNN-KTHTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Kế hoạchNgười ký:Trần Thanh Nam
    Ngày ban hành:12/08/2015Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:12/08/2015Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
    -------
    Số: 6530/KH-BNN-KTHT
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------
    Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2015
     
     
    KẾ HOẠCH
    PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP 5 NĂM 2016 - 2020
     
    Thực hiện công văn số 2046/BKHĐT-HTX của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm 2016 - 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp 5 năm 2016 - 2020 như sau:
     
    Phần thứ nhất
    TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
     
    I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
    1. Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, tổ hợp tác
    - Về hợp tác xã: Đến hết năm 2014, cả nước có 10.446 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 7.753 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp và 2.693 HTX chuyên ngành (1.210 HTX trồng trọt, 289 HTX chăn nuôi, 461 HTX chuyên thủy lợi; 151 HTX lâm nghiệp; 526 HTX thủy sản và 56 HTX diêm nghiệp), ước tính năm 2015 có 10.540 hợp tác xã nông nghiệp. Giai đoạn 2011 - 2015 đã tăng 1.314 HTX nông nghiệp, riêng năm 2013 thời điểm Luật Hợp tác xã 2012 có hiệu lực, số hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới đạt 803 hợp tác xã.
    - Về tổ hợp tác: Trong 5 năm vừa qua tổ hợp tác phát triển rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên, do tính lỏng lẻo trong hợp tác nên số liệu thống kê về tổ hợp tác qua các năm có biến động tăng, giảm lớn. Năm 2011 có 136.097 tổ hợp tác trong nông nghiệp, năm 2014 có 62.230 tổ hợp tác trong nông nghiệp trong đó có 47.006 tổ dịch vụ và sản xuất nông nghiệp (chiếm 75%); 8.341 tổ thủy lợi; 5.835 tổ thủy sản (gần 10%); 1.048 tổ lâm nghiệp...
    2. Về trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã
    Năm 2011, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của 3 chức danh chủ chốt của các HTX còn hạn chế, tỷ lệ chủ nhiệm HTX chưa qua đào tạo bình quân toàn quốc 37,6%. Năm 2014, trong tổng số 5.826 chủ nhiệm HTX, có 690 người (chiếm 12%) có trình độ đại học; 1.750 (tương đương 30%) có trình độ trung cấp và có 24% (khoảng 1.400 người) chưa qua đào tạo. Tương tự trình độ chuyên môn của kế toán trưởng trong hợp tác xã nông nghiệp như sau: 4% có trình độ đại học; 84% có trình độ trung và sơ cấp; 12% chưa qua đào tạo.
    II. ĐÁNH GIÁ THEO LĨNH VỰC
    1. Về tổ hợp tác
    - Lĩnh vực dịch vụ và sản xuất nông nghiệp: Hiện có 47.006 tổ dịch vụ và sản xuất nông nghiệp (chiếm 75%). Hoạt động chủ yếu là giúp đỡ nhau trong sản xuất như: Hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ công lao động lẫn nhau, hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm, làm đất, vốn...qua đó giúp cho các thành viên tăng năng lực sản xuất, sử dụng hiệu quả hơn về lao động, đất đai, vật tư, tiến bộ kỹ thuật từ đó làm tăng thu nhập cho các hộ thành viên.
    - Lĩnh vực thủy lợi: Cả nước hiện có 8.341 THT dùng nước làm dịch vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các THT dùng nước chủ yếu phát triển ở các tỉnh miền núi phía Bắc (40%) và Đồng bằng sông Cửu Long (39%).
    - Lĩnh vực thủy sản: Phát triển cả trong khai thác, nuôi trồng thủy sản. Gần đây thực hiện chủ trương phát triển đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ an ninh quốc gia, tổ hợp tác với tên “Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển” đã có bước phát triển mạnh mẽ. Cả nước hiện có 3.381 tổ, đội sản xuất trên các vùng biển xa bờ với trên 20.776 tàu thuyền tham gia, quy mô 3 -10 tàu/tổ. Các địa phương hình thành được nhiều tổ đội như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Bến Tre, Đà Nẵng.
    - Lĩnh vực lâm nghiệp: Với 1.048 THT; hoạt động hợp tác chủ yếu trong trồng và bảo vệ rừng; thuê máy móc, thiết bị trong việc khai thác, vận chuyển lâm sản...; ngoài ra, qua Dự án hỗ trợ giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng dưới sự phối hợp của chính quyền địa phương (Dự án FLICH) đã hỗ trợ hình thành các tổ lâm nghiệp cộng đồng. Hầu hết các hoạt động của tổ hợp tác này là quản lý bảo vệ rừng và trồng mới rừng. Các thành viên trong tổ hợp tác là đại diện hộ dân sinh sống trong cộng đồng, giá trị hưởng lợi trực tiếp của các thành viên là nguồn gỗ, củi và lâm sản ngoài gỗ.
    2. Về Hợp tác xã
    a) Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp
    Hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước hiện có 7.753 HTX chiếm 74,2% tổng số các loại hình hợp tác xã. Hầu hết các HTX trong nông nghiệp là hoạt động dịch vụ. Trong đó: 97% số HTX làm dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; dịch vụ thủy lợi 80%; dịch vụ giống cây trồng 53%; dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón 30%; dịch vụ thú y 21%; dịch vụ làm đất 20%; dịch vụ điện 11%; số HTX thực hiện tiêu thụ sản phẩm mới chiếm 9%; chế biến sản phẩm 0,6%; cung cấp vốn cho xã viên (TDNB) 11%; phát triển ngành nghề nông thôn 3,6%.
    b) Hợp tác xã lâm nghiệp
    Các tỉnh có hợp tác xã lâm nghiệp chủ yếu ở vùng Đông Bắc với 113 HTX, tập trung ở một số tỉnh như: Bắc Kạn 53 hợp tác xã, Yên Bái 32 HTX, Lạng Sơn 15 HTX, ngoài ra một số tỉnh cũng có hợp tác xã nông nghiệp lâm nghiệp nhiều như Đắc Lắc 10 HTX, Hà Tĩnh 7 HTX,.... Hầu hết là các HTX nông - lâm nghiệp tổng hợp có các hoạt động chủ yếu là sản xuất, cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp, thu mua và chế biến lâm sản. Số lượng HTX lâm nghiệp thành lập trong những năm qua ít, hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất.
    c) Hợp tác xã trong lĩnh vực thủy sản
    Theo báo cáo của các tỉnh thành phố, năm 2014 có 526 HTX thủy sản (491 HTX nuôi trồng thủy sản và 35 HTX khai thác thủy sản) trong đó tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long với 220 HTX, Đông Bắc 108 HTX và Bắc Trung bộ 68 HTX. Riêng tỉnh Cà Mau hợp tác xã nuôi trồng thủy sản nhiều nhất cả nước với 112 HTX.
    d) Hợp tác xã trong lĩnh vực diêm nghiệp
    Hiện có 56 hợp tác xã diêm nghiệp, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng 24 HTX và Bắc Trung bộ 15 HTX. Tỉnh có HTX diêm nghiệp nhiều nhất cả nước là tỉnh Nam Định 15 HTX.
    Hoạt động của các hợp tác xã diêm nghiệp chủ yếu thực hiện ở 2 khâu là thủy lợi và dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Doanh thu hàng năm của các HTX diêm nghiệp rất thấp, trung bình khoảng 40 - 50 triệu đồng nên hầu như không chia lãi cho xã viên.
    III. HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
    1. Hạn chế
    - Các THT có quy mô nhỏ (bình quân khoảng từ 10 đến 30 thành viên/tổ). Nội dung hợp tác giữa các thành viên chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật, áp dụng giống mới, dịch vụ thủy lợi. Ít tổ hợp tác có các hoạt động kinh doanh. Liên kết sản xuất giữa các tổ hợp tác với các doanh nghiệp rất hạn chế (do THT không có pháp nhân nên khi hợp tác có nhiều rủi ro khi có tranh chấp về kinh tế khó giải quyết). Thành viên ban điều hành tổ hợp tác hầu hết chưa qua đào tạo bồi dưỡng kiến thức nên việc quản lý tổ chức hoạt động hiệu quả không cao.
    - Phần lớn các HTX nông nghiệp thời gian qua hoạt động khó khăn, số HTX hoạt động có hiệu quả tốt ước tính chỉ đạt khoảng 10%. Giá trị sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ bé (bình quân đạt trên dưới 1,0 tỷ đồng/HTX). Số lượng HTX chuyên ngành, đặc biệt là các hợp tác xã chuyên ngành ứng dụng sản xuất công nghệ cao, hoạt động có hiệu quả rất ít. Cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã nghèo nàn. Trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế.
    2. Nguyên nhân
    Nguyên nhân của những tồn tại trên đây bao gồm:
    - Nhận thức về vai trò của kinh tế hợp tác của các cấp, các ngành nhìn chung chuyển biến còn chậm đặc biệt là ở các địa phương nên kết quả về phát triển kinh tế hợp tác mới chỉ chuyển biến rõ nét ở một số lĩnh vực nhất định.
    - Các quy định pháp lý chưa phù hợp với đặc thù riêng về tổ chức bộ máy, sản xuất kinh doanh dịch vụ của các hợp tác xã nông nghiệp.
    - Các cơ chế chính sách chưa được ban hành đồng bộ nên quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn.
    - Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác còn nhiều hạn chế về tổ chức, biên chế và kinh nghiệm hoạt động.
    - Cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác ít được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành.
    - Trình độ và năng lực quản lý của cán bộ tổ hợp tác, hợp tác xã còn rất hạn chế, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu động lực để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong hợp tác xã và tổ hợp tác để liên kết sản xuất mở rộng quy mô, phát triển bền vững.
    - Công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể được triển khai định kỳ (5 năm, 1 năm). Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực thực hiện kế hoạch chưa được thực hiện đầy đủ. Trong mục lục ngân sách dành cho quản lý kinh tế tập thể ở Bộ Nông nghiệp và PTNT và các tỉnh đều không có mục này ngoại trừ kinh phí dành cho chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, THT.
    IV. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
    1. Tình hình triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn
    - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách gắn kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và tác nhân kinh tế khác trong phát triển các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản (Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg) trong đó quy định một số chính sách hỗ trợ hợp tác xã tham gia thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BNN-KTHT để hướng dẫn thực hiện Quyết định này, Thông tư số 41/2013/TT-BNN&PTNT hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trong đó hướng dẫn tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất.
    - Từ năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hợp tác xã nông nghiệp. Hiện Dự thảo đang được lấy ý kiến các Bộ, Ngành.
    - Về xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn tiêu chí hợp tác xã nông nghiệp thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg: Bộ đã có Quyết định thành lập Tổ biên tập và đang xây dựng Dự thảo Thông tư, dự kiến phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để ban hành Thông tư liên tịch vào tháng 10 năm 2015.
    - Phát hành Sổ tay “Hỏi đáp về Luật hợp tác xã năm 2012”, Tờ rơi giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Hợp tác xã năm 2012 và Sổ tay “Thành viên hợp tác xã” để giúp các địa phương phổ biến đến các HTX của tỉnh.
    - Năm 2013, tổ chức 06 hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác năm 2012 cho cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trên cả nước.
    - Năm 2014, tổ chức 02 Hội thảo trao đổi và hướng dẫn chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.
    2. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể
    - Chỉ đạo, điều hành:
    + Năm 2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT ngày 10/4/2014 phê duyệt Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Thực hiện Quyết định số 710, có 21 UBND cấp tỉnh đã phê duyệt Đề án hoặc Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, 31 tỉnh đang xây dựng Dự thảo.
    + Năm 2014, Bộ đã giao nhiệm vụ cho 07 đơn vị thuộc Bộ gồm: Tổng cục Thủy sản; Thủy lợi; Lâm nghiệp và các Cục Trồng trọt; Chăn nuôi; Chế biến NLTS và nghề muối; Kinh tế hợp tác và PTNT triển khai khảo sát nắm bắt tình hình hợp tác xã, tổ hợp tác theo lĩnh vực chuyên ngành, xác định các điển hình tiên tiến và cơ chế chính sách đặc thù.
    + Bộ đã phát hành Công văn số 4671/BNN-KTHT ngày 15/6/2015 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
    - Về xây dựng mô hình:
    + Năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Cục Kinh tế hợp tác và PTNT hỗ trợ 03 mô hình HTX nông nghiệp trong khuôn khổ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại Bắc Giang, Lào Cai, Quảng Nam.
    + Năm 2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổng hợp danh sách các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác điển hình trong cả nước và chuẩn bị tổ chức mạng lưới các mô hình HTX, THT tiêu biểu trong cả nước. Mục đích hoạt động gồm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác kinh doanh giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia; đối thoại cơ chế, chính sách và các giải pháp thúc đẩy phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp. Đây là hoạt động thí điểm triển khai từ 2015 - 2017.
    - Về kiểm tra, giám sát: Hàng năm, tổ chức 1 - 2 đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của ngành đối với hợp tác xã nông nghiệp tại một số tỉnh như Hòa Bình, Quảng Bình, Huế, Hà Nội...
    Sau khi có Luật HTX mới và các chủ trương của Trung ương được ban hành, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo quyết liệt nhằm đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp nên kết quả việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ này đã có sự chuyển biến tích cực: Công tác tuyên truyền được chú trọng do đó nhận thức về vai trò phát triển kinh tế hợp tác được chuyển biến rõ nét ở các cơ quan Trung ương và bắt đầu chuyển biến ở các địa phương; bộ máy quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế hợp tác của Bộ đã được củng cố, tăng cường; đã ban hành các kế hoạch, quyết định liên quan đến kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất; phân công, phân cấp nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các đơn vị của Bộ và các địa phương; các hoạt động khảo sát và xây dựng mô hình hợp tác xã điển hình được quan tâm, đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã tiên tiến, cánh đồng lớn, thực hiện liên kết sản xuất, phát triển các hợp tác xã...được đẩy mạnh. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế như chưa quan tâm đầy đủ đến công tác tổng kết và xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, địa bàn hoặc lĩnh vực, công tác kiểm tra giám sát thực hiện nội dung của Luật, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ ở các cấp. Việc quản lý cơ sở dữ liệu về kinh tế tập thể chưa được thống kê thường xuyên, chưa được báo cáo đầy đủ trên phạm vi cả nước và do đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu.
    3. Kết quả triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác.
    Từ năm 2012 - 2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT được phân bổ 8,8 tỷ đồng từ chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy ý kiến của 63 tỉnh (bao gồm Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã) và lựa chọn 11 chuyên đề hợp tác xã và 02 chuyên đề về tổ hợp tác cần ưu tiên tập trung xây dựng trong danh sách gần 40 chuyên đề theo đề nghị của các đơn vị. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định ban hành Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng hợp tác xã và tổ hợp tác trong nông nghiệp (Quyết định số 2217/QĐ-BNN-TCCB ngày 30/9/2013). Bộ đã giao Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT I, II tổ chức 12 lớp tập huấn tiểu giáo viên cho 262 tiểu giáo viên các tỉnh về 2 bộ tài liệu này. Ngoài ra, hàng năm Bộ đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác của 63 Chi cục Phát triển nông thôn trên cả nước, biên tập và phát hành nhiều tài liệu phục vụ đào tạo thông qua các Sổ tay về thành viên hợp tác xã, hỏi đáp Luật hợp tác xã, hướng dẫn hoạt động tín dụng nội bộ... Năm 2015, Bộ đang phối hợp xây dựng tài liệu về hợp tác xã thành một chuyên đề trong chương trình đào tạo của một số trường đại học liên quan.
     
    Phần thứ hai
    KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ 5 NĂM 2016 - 2020
     
    I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ 5 NĂM 2016 - 2020
    1. Dự báo những thuận lợi, khó khăn
    a) Thuận lợi
    - Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hợp tác xã mới, đồng thời định hướng phát triển cho các hợp tác xã hiện đang hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã.
    - Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới; Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo điều kiện và có cơ hội để tăng thêm nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể.
    - Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông lâm ngư diêm nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã nông nghiệp phát triển.
    b) Khó khăn
    - Nhiều địa phương, lực lượng cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành về kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Kinh phí hoạt động từ ngân sách cho khu vực kinh tế tập thể thấp, nhiều Chi cục không được bố trí ngân sách nghiệp vụ phải trích từ kinh phí chi thường xuyên nên đã làm hạn chế trong công tác chỉ đạo.
    - Những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn nhiều và chưa được khắc phục căn bản.
    2. Mục tiêu chung
    Quán triệt và triển khai thực hiện quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể và Nghị quyết số 707-NQ/BCS của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và PTNT về “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp” nhằm đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác của nông dân, phù hợp từng vùng, từng lĩnh vực gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
    3. Muc tiêu cụ thể từ 2015 - 2020.
    - 90% số HTX nông nghiệp thực hiện tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợptác xã 2012.
    - Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX hiện nay đạt tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới từ 10% lên 20% vào năm 2015 và trên 50% năm 2020.
    - Khuyến khích thành lập và phát triển các liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.
    - Thúc đẩy thành lập mới 2.000 HTX theo hướng ưu tiên các HTX sản xuất theo lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,...để cùng với các THT đạt mục tiêu về tiêu chí tổ chức sản xuất có hiệu quả trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
    - Nâng số lượng THT tăng lên khoảng trên 100.000 THT (tăng 1,5 lần so với hiện nay) nhằm tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các THT ở những địa bàn HTX chưa phát triển để thực hiện tổ chức lại sản xuất và làm cơ sở phát triển các HTX khi có điều kiện trong giai đoạn tới đây.
    II. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
    1. Tổ chức tuyên truyền, học tập quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác
    - Tổ chức các Hội nghị triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương về phát triển hợp tác xã nông nghiệp và sơ kết, tổng kết thực hiện kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương.
    - Tổ chức Hội nghị biểu dương các hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu biểu trong cả nước (2 năm một lần)
    - Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương thường xuyên tuyên truyền và nâng cao nhận thức và phát động phong trào ở nông thôn.
    - Xây dựng các tài liệu tuyên truyền: sổ tay, tờ rơi, sách giới thiệu các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để tuyên truyền phổ biến rộng rãi tới nông dân.
    2. Hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế hợp tác phát triển:
    - Ban hành Nghị định về hợp tác xã nông nghiệp; Quyết định về chính sách liên kết trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, hải sản, muối; Thông tư hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng về hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020.
    - Tổ chức các hội nghị, hội thảo; khảo sát, nghiên cứu thực tế để đánh giá tình hình, những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong thực hiện cơ chế, chính sách đối với HTX nông nghiệp nhằm đề xuất hoàn chỉnh hệ thống văn bản của Trung ương và địa phương để có đủ thể chế, cơ chế chính sách hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
    3. Tổ chức triển khai và triển khai thực hiện một số nội dung chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
    a) Bồi dưỡng nguồn nhân lực
    - Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã:
    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện:
    + Xây dựng chương trình tài liệu bồi dưỡng kiến thức phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp.
    + Tổ chức tập huấn tiểu giáo viên các tỉnh để thực hiện tập huấn cho các hợp tác xã, tổ hợp tác.
    + Xây dựng sổ tay quản lý giúp nâng cao năng lực tổ chức quản lý các hoạt động dịch vụ của hợp tác xã và tổ hợp tác;
    + Hội thảo trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, hội thảo nâng cao năng lực về lý thuyết và thực tiễn cho các giảng viên tại các trường đào tạo về kinh tế hợp tác.
    + Xây dựng tài liệu thử nghiệm đào tạo, bồi dưỡng trong các trường ĐH, CĐ.
    - Các tỉnh:
    + Tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội đồng quản trị, Giám đốc, Phó giám đốc và Ban kiểm soát các hợp tác xã.
    + Tổ chức tập huấn cho 60.000 tổ trưởng tổ hợp tác.
    + Tập huấn cho 1.500 tổ hợp tác có hướng phát triển thành hợp tác xã.
    - Mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp CĐ, ĐH xuống làm việc ở HTX.
    b) Thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã
    - Hội thảo hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm giữa các cán bộ quản lý nhà nước về hướng dẫn thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã.
    - Xây dựng các sổ tay, tài liệu phổ biến.
    c) Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp
    - Quản lý, thực hiện: Tổng hợp kế hoạch hỗ trợ của các địa phương, tổ chức hội nghị triển khai hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và giám sát.
    - Thực hiện một số dự án hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng cho các hợp tác xã theo vùng sinh thái và lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp.
    - Các địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bao gồm: trụ sở, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, điện, nước sinh hoạt, chợ, công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, cửa hàng vật tư nông nghiệp, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh của các HTX nông nghiệp trên địa bàn theo kế hoạch ngân sách được phân bổ.
    4. Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế
    Xây dựng các mô hình liên kết bền vững trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện và đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng của các thành viên tham gia trong mô hình liên kết theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013. Chú trọng vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia vào mô hình liên kết đa dạng, đảm bảo chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó:
    - Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng mô hình HTX điểm về lúa gạo và cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Chính phủ.
    - Xây dựng mô hình thí điểm các dạng mô hình HTX nông nghiệp gắn với một số ngành hàng chủ lực: chè, cà phê, thủy sản, trái cây... nhằm mục tiêu tổ chức lại sản xuất tại các vùng sản xuất hàng hóa lớn phục vụ Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở đó để tuyên truyền phổ biến và nhân rộng nhiều loại hình hợp tác xã kiểu mới trên toàn quốc.
    - Hỗ trợ các địa phương về xây dựng mô hình hợp tác xã điểm.
    - Hỗ trợ vận hành mạng lưới các HTX, THT tiêu biểu trong nông nghiệp
    5. Dự kiến kinh phí các hoạt động giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
    Đơn vị tính: triệu đồng

    Nội dung
    Năm 2016
    Năm 2017
    Năm 2018
    Năm 2019
    Năm 2020
    Tổng
    1 Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã 2012
    15.000
    15.200
    15.000
    15.200
    15.000
    75.400
    1.1. Bộ Nông nghiệp và PTNT
    600
    800
    600
    800
    600
    3.400
    1.2. Hỗ trợ SNN&PTNT các tỉnh (hỗ trợ kinh phí trung ương cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách địa phương)
    14.400
    14.400
    14.400
    14.400
    14.400
    72.000
    2. Tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020
    1.018.700
    1.017.700
    1.017.500
    1.017.700
    1.017.500
    5.083.800
    2.1 Bồi dưỡng nguồn nhân lực
    33.500
    32.500
    32.300
    32.500
    32.300
    161.800
    a) Bộ Nông nghiệp và PTNT
    3.500
    2.500
    2.300
    2.500
    2.300
    11.800
    - Xây dựng tài liệu quản lý giúp nâng cao năng lực cho cán bộ và thành viên về hợp tác xã và tổ hợp tác, tài liệu thử nghiệm đào tạo trong ĐH, CĐ
    1.200
    600
    600
    1.700
    - Hội thảo trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực quản lý nhà nước
    1.100
    700
    700
    700
    700
    3.500
    - Tập huấn tiểu giáo viên về kinh tế tập thể trong nông nghiệp các tỉnh
    800
    800
    800
    1.600
    - Xây dựng sổ tay quản lý giúp nâng cao năng lực tổ chức quản lý các hoạt động dịch vụ của HTX và THT
    400
    1.000
    1.000
    1.000
    1.000
    5.000
    b) Hỗ trợ SNN và PTNT các tỉnh
    30.000
    30.000
    30.000
    30.000
    30.000
    150.0000
    2.2. Thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã
    24.200
    24.200
    24.200
    24.200
    24.200
    121.000
    a) Bộ Nông nghiệp và PTNT
    200
    200
    200
    200
    200
    1.000
    b) Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh
    24.000
    24.000
    24.000
    24.000
    24.000
    120.000
    2.3. Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất của các HTX nông nghiệp
    961.000
    961.000
    961.000
    961.000
    961.000
    4.801.000
    a) Bộ Nông nghiệp và PTNT
    1.000
    1.000
    1.000
    1.000
    1.000
    1.000
    b) Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh
    960.000
    960.000
    960.000
    960.000
    960.000
    4.800.000
    3. Xây dựng mô hình HTX nông nghiệp
    4.500
    4.000
    4.000
    4.000
    4.000
    20.000
    3.1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng mô hình HTX vùng Đồng bằng SCL theo chỉ đạo của Chính phủ theo kế hoạch phân bổ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
    2.000
    2.000
    2.000
    2.000
    2.000
    10.000
    3.2. Xây dựng mô số mô hình HTX tại các vùng SX hàng hóa lớn gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản
    2.000
    2.000
    2.000
    2.000
    2.000
    10.000
    3.3. Hỗ trợ vận hành mạng lưới các HTX, THT tiêu biểu trong nông nghiệp
    500
    500
    500
    Tổng cộng (1+2+3)
    1.038.200
    1.036.900
    1.036.500
    1.036.900
    1.036.500
    5.179.200
    Trong đó:
    - Bộ NN & PTNT
    9.800
    8.500
    8.100
    8.500
    8.100
    37.200
    - Hỗ trợ các tỉnh
    1.028.400
    1.028.400
    1.028.400
    1.028.400
    1.028.400
    5.142.000
     
     
    Trên đây là kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp./.
     

    Nơi nhận:
    - Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
    - Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
    - Lưu: VT, KTHT.
    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Trần Thanh Nam
     
     
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Kế hoạch 6530/KH-BNN-KTHT phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp 5 năm 2016-2020

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
    Số hiệu:6530/KH-BNN-KTHT
    Loại văn bản:Kế hoạch
    Ngày ban hành:12/08/2015
    Hiệu lực:12/08/2015
    Lĩnh vực:Nông nghiệp-Lâm nghiệp
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Trần Thanh Nam
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X