Cơ quan ban hành: | Chính phủ | Số công báo: | 359 đến 364-03/2019 |
Số hiệu: | 26/2019/NĐ-CP | Ngày đăng công báo: | 27/03/2019 |
Loại văn bản: | Nghị định | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 08/03/2019 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 25/04/2019 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực một phần |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
CHÍNH PHỦ Số: 26/2019/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2019 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT THỦY SẢN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết khoản 10 Điều 10, điểm b khoản 3 Điều 13, khoản 4 Điều 16, khoản 5 Điều 21, điểm a khoản 2 Điều 23, Điều 24, khoản 5 Điều 25, khoản 5 Điều 27, khoản 4 Điều 28, khoản 2 Điều 32, khoản 5 Điều 34, khoản 6 Điều 35, khoản 5 Điều 36, khoản 5 Điều 38, khoản 3 Điều 39, khoản 3 Điều 40, khoản 1 Điều 48, điểm đ khoản 2 Điều 50, khoản 3 Điều 51, khoản 2 Điều 53, khoản 7 Điều 56, điểm k khoản 2 Điều 57, khoản 4 Điều 64, khoản 4 Điều 66, khoản 2 Điều 68, điểm d khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 78, khoản 4 Điều 79, khoản 2 Điều 89, khoản 3 Điều 94, khoản 7 Điều 98, khoản 3 Điều 99 của Luật Thủy sản và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển của Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nuôi trồng thủy sản thâm canh là nuôi trồng thủy sản trong điều kiện kiểm soát được quá trình tăng trưởng, sản lượng của loài thủy sản nuôi và sự tăng trưởng của loài thủy sản nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thức ăn thủy sản.
2. Nuôi trồng thủy sản bán thâm canh là nuôi trồng thủy sản trong điều kiện kiểm soát được một phần quá trình tăng trưởng, sản lượng của loài thủy sản nuôi và sự tăng trưởng của loài thủy sản nuôi phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên và thức ăn thủy sản.
3. Tuyến bờ là đường gấp khúc được tạo bởi các đoạn thẳng nối liền từ điểm 01 đến điểm 18. Tọa độ các điểm từ điểm 01 đến điểm 18 được xác định bởi kinh độ và vĩ độ quy định tại Phụ lục IV-A ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Tuyến lộng là đường gấp khúc được tạo bởi các đoạn thẳng nối liền từ điểm 01’ đến điểm 18’. Tọa độ các điểm từ điểm 01’ đến điểm 18’ được xác định bởi kinh độ và vĩ độ quy định tại Phụ lục IV-A ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Hệ thống giám sát tàu cá là hệ thống được tích hợp bởi thiết bị lắp đặt trên tàu cá kết nối với trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá để quản lý, giám sát hành trình, hoạt động của tàu cá trên các vùng biển.
6. Thiết bị giám sát hành trình lắp trên tàu cá là thiết bị đầu cuối để nhận, lưu trữ và truyền phát các thông tin liên quan đến quá trình hoạt động của tàu cá; được kích hoạt, cài đặt để truyền dữ liệu về trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá.
7. Chuyển tải thủy sản là hoạt động chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản khai thác từ tàu này sang tàu khác.
8. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển là vùng biển, đảo, quần đảo, ven biển được xác định để bảo toàn nguyên vẹn, giữ nguyên hiện trạng và theo dõi diễn biến tự nhiên của các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái tự nhiên trên biển.
9. Phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển là vùng biển, đảo, quần đảo, ven biển được xác định để triển khai hoạt động phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái tự nhiên trên biển.
10. Phân khu dịch vụ - hành chính của khu bảo tồn biển là vùng biển, đảo, quần đảo, ven biển được xác định để triển khai hoạt động dịch vụ, hành chính, hoạt động thủy sản có kiểm soát.
11. Vùng đệm của khu bảo tồn biển là vùng biển, đảo, quần đảo, ven biển bao quanh hoặc tiếp giáp với ranh giới trong của khu bảo tồn nhằm ngăn ngừa, giảm nhẹ tác động gây hại từ bên ngoài đối với khu bảo tồn.
12. Tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản bao gồm: tàu thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ nguồn lợi thủy sản, tàu vận chuyển (chuyển tải, chế biến) thủy sản, sản phẩm thủy sản, trừ tàu chở thủy sản, sản phẩm thủy sản bằng công-ten-nơ.
13. Khai thác thủy sản bất hợp pháp là hoạt động khai thác thủy sản được thực hiện bởi tàu cá của Việt Nam, nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền tài phán của một quốc gia mà không được phép, hoạt động trái với luật pháp, quy định của quốc gia đó hoặc tàu cá treo cờ của quốc gia đã ký thỏa ước với một tổ chức quản lý nghề cá khu vực nhưng hoạt động trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý của tổ chức có tính chất ràng buộc đối với quốc gia tàu treo cờ, hoạt động trái với các điều khoản trong luật quốc tế được áp dụng hoặc tàu cá vi phạm luật quốc gia hay các nghĩa vụ quốc tế, bao gồm cả luật và nghĩa vụ quốc tế của các quốc gia hợp tác với một tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan.
14. Khai thác thủy sản không báo cáo là hoạt động khai thác thủy sản không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ cho cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, trái với luật pháp và quy định của Việt Nam; được thực hiện trong khu vực thuộc thẩm quyền của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan, không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, trái với quy trình thủ tục báo cáo của tổ chức đó.
15. Khai thác thủy sản không theo quy định là hoạt động khai thác thủy sản được thực hiện trong khu vực hoạt động của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan bởi các tàu cá không quốc tịch, tàu cá treo cờ của quốc gia không thuộc tổ chức, hay bởi bất kỳ một thực thể khai thác thủy sản nào khác theo cách thức không nhất quán hay trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý của tổ chức đó hoặc được thực hiện bởi các tàu cá trong khu vực hay khai thác loài thủy sản không phải là đối tượng áp dụng của các biện pháp bảo tồn hay quản lý liên quan theo cách thức không nhất quán với trách nhiệm của quốc gia về bảo tồn nguồn sinh vật biển trong luật pháp quốc tế.
Điều 4. Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính trong Nghị định này
1. Nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính: Tùy theo điều kiện tiếp nhận, trả kết quả của Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax):
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính: Các thành phần hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản chụp có đóng dấu của cơ sở;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường mạng: Các thành phần hồ sơ phải được scan, chụp từ bản chính.
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
3. Thời gian trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng: Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thông báo cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung.
4. Cách thức nộp phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí theo quy định hiện hành trực tiếp tại Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính hoặc bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua dịch vụ khác.
5. Cách thức trả kết quả: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng.
6. Trong Nghị định này có nội dung quy định khác với quy định nêu tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này thì thực hiện theo quy định đó.
7. Trường hợp hồ sơ là bản bằng chữ nước ngoài phải có bản dịch ra tiếng Việt.
8. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đã nộp.
Chương II. BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Mục 1. ĐỒNG QUẢN LÝ TRONG BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Điều 5. Công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng
1. Hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý theo Mẫu số 02.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng theo Mẫu số 03.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Thông tin về tổ chức cộng đồng theo Mẫu số 04.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
đ) Bản chính biên bản họp tổ chức cộng đồng theo Mẫu số 05.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Trình tự công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng như sau:
a) Đại diện tổ chức cộng đồng gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Thủy sản;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thông báo Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và khu dân cư nơi dự kiến thực hiện đồng quản lý;
c) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo theo quy định tại điểm b khoản này, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế (nếu cần), ban hành quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng theo Mẫu số 06.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không công nhận và không giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
3. Thẩm định hồ sơ công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Thủy sản;
b) Sự phù hợp của phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý và Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng đã được ít nhất 2/3 số thành viên tổ chức cộng đồng biểu quyết thông qua với quy định của pháp luật về thủy sản, pháp luật có liên quan và điều kiện thực tế tại địa phương.
4. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 07.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Thông tin về tổ chức cộng đồng theo Mẫu số 04.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung tên tổ chức và tên người đại diện của tổ chức cộng đồng;
c) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và dự thảo phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản mới đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao; phạm vi quyền được giao;
d) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và dự thảo quy chế mới đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng;
đ) Bản chính biên bản họp của tổ chức cộng đồng về các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung theo Mẫu số 05.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Trình tự sửa đổi, bổ sung nội dung quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng như sau:
a) Đối với trường hợp thay đổi tên tổ chức cộng đồng, người đại diện tổ chức cộng đồng, Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng: Đại diện tổ chức cộng đồng gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Thủy sản. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung. Trường hợp không ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;
b) Đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao; phạm vi quyền được giao; phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản: Thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này;
c) Quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng theo Mẫu số 08.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 6. Báo cáo về hoạt động của tổ chức cộng đồng
1. Tổ chức cộng đồng báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Thủy sản và cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh về hoạt động của tổ chức cộng đồng định kỳ trước ngày 10 tháng 11 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu.
2. Báo cáo của tổ chức cộng đồng bao gồm các nội dung chủ yếu như sau: Tên gọi của tổ chức cộng đồng; số lượng thành viên tham gia; kết quả thực hiện Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; kết quả thực hiện Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng; các nội dung thay đổi trong kỳ báo cáo; đề xuất, kiến nghị (nếu có).
Mục 2. QUẢN LÝ LOÀI THỦY SẢN NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Điều 7. Danh mục và tiêu chí xác định loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
1. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai nhóm, gồm Nhóm I và Nhóm II.
2. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm I khi đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Mang nguồn gen quý, hiếm để bảo tồn, chọn giống phục vụ nuôi trồng thủy sản hoặc chứa chất hoặc hoạt chất có tác dụng sinh học đặc hiệu được sử dụng làm nguyên liệu điều chế các sản phẩm thuốc phục vụ ngành y tế hoặc có khả năng sinh lợi cao khi được thương mại hóa hoặc giữ vai trò quyết định trong việc duy trì sự cân bằng của các loài khác trong quần xã hoặc có tính đại diện hay tính độc đáo của khu vực địa lý tự nhiên.
b) Số lượng còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 05 năm tiếp theo.
3. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm II khi đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Đáp ứng tiêu chí được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
b) Số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 20% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá; hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 20% trong 05 năm tiếp theo.
4. Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, đánh giá, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
Điều 8. Chế độ quản lý và bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
1. Loài thuộc Nhóm I được khai thác vì một trong các mục đích như: Bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế.
2. Loài thuộc Nhóm II được khai thác vì một trong các mục đích như: Bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế hoặc đáp ứng điều kiện quy định tại Phần II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Tổ chức, cá nhân khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế phải được Tổng cục Thủy sản chấp thuận bằng văn bản và báo cáo Tổng cục Thủy sản về kết quả thực hiện.
4. Hằng năm, tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo giống ban đầu, sản xuất giống các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thả tối thiểu 0,1% tổng số cá thể được sản xuất vào vùng nước tự nhiên.
5. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu hoặc vật chứng vụ án bị tịch thu theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự được xử lý như sau:
a) Trường hợp cá thể còn sống khỏe mạnh phải thả về môi trường tự nhiên; cá thể bị thương phải được bàn giao cho cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản để nuôi dưỡng, cứu, chữa trước khi thả về môi trường tự nhiên;
b) Trường hợp tang vật là bộ phận hoặc cá thể đã chết phải được bàn giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hoặc cơ quan nghiên cứu khoa học để làm tiêu bản, trưng bày, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật Việt Nam;
c) Trường hợp tang vật được xác nhận bị bệnh, có khả năng gây dịch bệnh nguy hiểm phải tiêu hủy ngay. Việc tiêu hủy được tiến hành theo quy định hiện hành của pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
6. Quy trình cứu hộ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị thương hoặc bị mắc cạn thực hiện như sau:
a) Tổ chức, cá nhân khi phát hiện loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị thương hoặc bị mắc cạn thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản;
b) Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tiếp nhận thông tin hoặc nhận bàn giao từ tổ chức, cá nhân phải thông báo cho cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản, thực hiện sơ cứu, nuôi dưỡng trong thời gian chờ bàn giao;
c) Cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản tiếp nhận bàn giao loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm từ cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc tổ chức, cá nhân khai thác. Biên bản bàn giao loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được thực hiện theo Mẫu số 09.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
7. Cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản có trách nhiệm như sau:
a) Tổ chức cứu, chữa, nuôi dưỡng và đánh giá khả năng thích nghi của loài thủy sản được cứu hộ trước khi thả về môi trường sống tự nhiên của chúng. Trường hợp loài được cứu hộ bị chết trong quá trình cứu, chữa, cơ sở cứu hộ phải bàn giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hoặc cơ quan nghiên cứu khoa học để làm tiêu bản. Trường hợp loài được cứu hộ không đủ khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên, cơ sở cứu hộ thủy sản tổ chức nuôi dưỡng hoặc bàn giao cho các tổ chức, cá nhân phù hợp để nuôi dưỡng phục vụ mục đích nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục;
b) Báo cáo Tổng cục Thủy sản về kết quả cứu hộ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm định kỳ trước ngày 20 tháng 11 hằng năm hoặc khi có yêu cầu.
8. Trong trường hợp loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị chết không được lưu giữ, bảo quản, chế tác mẫu vật phục vụ nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục thì cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức xử lý phù hợp với tập quán và quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Điều 9. Khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
1. Hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 10.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Phương án khai thác theo Mẫu số 11.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Bản chính hoặc bản sao chứng thực văn bản ký kết hợp tác quốc tế cấp quốc gia về cho, tặng, trao đổi loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đối với trường hợp khai thác vì mục đích hợp tác quốc tế;
d) Quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu khoa học, bảo tồn, nghiên cứu tạo giống ban đầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thuyết minh đề cương bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo giống ban đầu đối với trường hợp khai thác vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo giống ban đầu;
đ) Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đề nghị cấp văn bản chấp thuận đối với trường hợp nghiên cứu khoa học, bảo tồn, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu.
2. Trình tự cấp văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như sau:
a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến Tổng cục Thủy sản;
b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục Thủy sản tổ chức thẩm định hồ sơ; lấy ý kiến Ban quản lý khu bảo tồn biển đối với trường hợp khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trong khu bảo tồn biển và ban hành văn bản chấp thuận theo Mẫu số 12.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
3. Văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có hiệu lực theo thời gian thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo giống ban đầu, hợp tác quốc tế.
4. Tổng cục Thủy sản thu hồi văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận hoặc phương án khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
Mục 3. QUY CHẾ QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN BIỂN
Điều 10. Quản lý hoạt động trong khu bảo tồn biển và vùng đệm
1. Hoạt động được thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm:
a) Thả phao đánh dấu ranh giới vùng biển;
b) Điều tra, nghiên cứu khoa học sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chịu sự giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển;
c) Tuyên truyền, giáo dục môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
2. Hoạt động được thực hiện trong phân khu phục hồi sinh thái bao gồm:
a) Hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển;
c) Hoạt động du lịch sinh thái nhưng không gây tổn hại đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển;
d) Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác được đi qua không gây hại.
3. Hoạt động được thực hiện trong phân khu dịch vụ - hành chính bao gồm:
a) Hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản;
c) Tổ chức hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái;
d) Xây dựng công trình hạ tầng phục vụ hoạt động của Ban quản lý khu bảo tồn biển; công trình phục vụ du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản.
4. Hoạt động được thực hiện trong vùng đệm bao gồm:
a) Hoạt động quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Xây dựng công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
5. Các hoạt động trong khu bảo tồn biển được quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan và Quy chế quản lý khu bảo tồn biển.
Điều 11. Quyền và trách nhiệm của Ban quản lý khu bảo tồn biển
1. Ban quản lý khu bảo tồn biển có quyền sau đây:
a) Thực hiện điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bảo tồn biển trong phạm vi quản lý;
b) Hợp tác đào tạo, tuyên truyền, giáo dục môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn biển;
c) Thu phí, lệ phí theo quy định đối với hoạt động trong khu bảo tồn biển;
d) Phối hợp với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và hệ sinh thái tự nhiên trên biển trong khu bảo tồn;
đ) Công chức, viên chức của Ban quản lý khu bảo tồn biển khi đang thi hành công vụ trong khu bảo tồn biển được lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, chuyển người có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;
e) Kinh doanh, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái tự nhiên trên biển và các hoạt động dịch vụ khác trong khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật;
g) Có ý kiến đối với hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo và dự án liên quan đến khu bảo tồn biển được giao quản lý; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạm dừng hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo và dự án của tổ chức, cá nhân trong trường hợp không thực hiện đúng mục đích, nội dung, kế hoạch hoặc có hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn biển.
2. Ban quản lý khu bảo tồn biển có trách nhiệm sau đây:
a) Quản lý, bảo vệ khu bảo tồn biển theo Quy chế quản lý khu bảo tồn biển và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Xây dựng đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý khu bảo tồn biển định kỳ hằng năm, 05 năm, 10 năm sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm, phòng, trừ dịch bệnh; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong khu bảo tồn biển;
d) Tổ chức nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, phục hồi và phát triển các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn biển; cứu hộ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật; quan trắc, thu thập thông tin, số liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, chất lượng môi trường nước;
đ) Giám sát hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo và dự án thực hiện trong khu bảo tồn biển;
e) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển;
g) Tổ chức, phối hợp với lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Cảnh sát môi trường, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí lực lượng Kiểm ngư thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong khu bảo tồn biển;
h) Phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan hỗ trợ triển khai hoạt động sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển;
i) Ban hành hướng dẫn, quy định đối với phương tiện và hoạt động trong khu bảo tồn biển;
k) Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh diện tích của khu bảo tồn biển; diện tích, vị trí các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển và vùng đệm;
l) Lắp đặt, thả phao đánh dấu ranh giới khu bảo tồn biển, ranh giới các phân khu chức năng và lắp đặt phao cho tàu du lịch buộc neo;
m) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) về công tác quản lý khu bảo tồn biển định kỳ trước ngày 20 tháng 11 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 12. Quyền của tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển
1. Tham gia các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học; phục hồi, tái tạo động vật, thực vật thủy sinh và hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn.
2. Phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn biển triển khai hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo; tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái trong khu bảo tồn biển theo quy định của Nghị định này, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển và quy định của pháp luật có liên quan.
3. Liên doanh, liên kết với Ban quản lý khu bảo tồn biển trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển và các hoạt động dịch vụ khác trong khu bảo tồn theo quy định của pháp luật.
4. Nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản theo quy định của Nghị định này, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 13. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển
1. Đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tại khu bảo tồn biển có nghĩa vụ sau đây:
a) Gửi kế hoạch điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tại khu bảo tồn biển tới Ban quản lý khu bảo tồn biển trước khi thực hiện 10 ngày;
b) Thực hiện điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật, Quy chế quản lý khu bảo tồn biển và hướng dẫn, giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển;
c) Thông báo cho Ban quản lý khu bảo tồn biển về kết quả điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo; tài liệu công bố trong nước hoặc quốc tế (nếu có);
d) Chi trả chi phí dịch vụ cho Ban quản lý khu bảo tồn biển theo quy định, trừ hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học.
2. Đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái liên quan đến khu bảo tồn biển có nghĩa vụ sau đây:
a) Triển khai hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Tuân thủ Quy chế quản lý khu bảo tồn biển, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển, giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển;
c) Bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; tham gia hoạt động làm sạch môi trường, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn;
d) Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học cho khách du lịch;
đ) Chi trả chi phí dịch vụ cho Ban quản lý khu bảo tồn biển theo quy định.
3. Đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển có nghĩa vụ:
a) Chấp hành quy chế quản lý khu bảo tồn biển, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong khu bảo tồn biển;
c) Tham gia hoạt động tái tạo, phục hồi các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn.
Điều 14. Nguồn tài chính của khu bảo tồn biển
1. Ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.
2. Nguồn thu dịch vụ do tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển chi trả theo quy định tại điểm d khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 13 Nghị định này.
3. Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
4. Các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Quản lý, sử dụng tài chính của khu bảo tồn biển
1. Chi ngân sách nhà nước cho khu bảo tồn biển của nhà nước như sau:
a) Chi đầu tư phát triển bao gồm: Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý khu bảo tồn biển; đầu tư khác liên quan đến khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật (nếu có). Việc quản lý, phân bổ chi đầu tư phát triển thực hiện các dự án phục vụ công tác quản lý khu bảo tồn biển thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công hiện hành;
b) Chi thường xuyên bao gồm: Hoạt động của Ban quản lý khu bảo tồn biển; các hoạt động thường xuyên khác liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển.
2. Việc xây dựng dự toán, quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho khu bảo tồn biển thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Nguồn thu dịch vụ của khu bảo tồn biển được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài được quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật về sử dụng nguồn tài trợ và quy định của pháp luật có liên quan.
5. Nguồn tài chính khác được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mục 4. QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Điều 16. Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
1. Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản có chức năng hỗ trợ cho các chương trình, dự án, hoạt động phi dự án về lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản không nằm trong kế hoạch ngân sách trên phạm vi toàn quốc.
2. Nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bao gồm:
a) Vận động, tiếp nhận và quản lý nguồn đóng góp tự nguyện, tài trợ, từ thiện, ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước;
b) Tổ chức thẩm định, quyết định hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu kết quả chương trình, dự án, hoạt động phi dự án do Quỹ hỗ trợ;
c) Thực hiện quy định về tài chính, thống kê, kế toán và kiểm toán theo Luật ngân sách; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng Quỹ cho cấp có thẩm quyền;
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Điều 17. Cơ cấu tổ chức của Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
1. Tên gọi của Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được quy định như sau:
a) Quỹ ở trung ương là Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam (sau đây gọi là Quỹ trung ương);
b) Quỹ cấp tỉnh là “Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tĩnh [tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương]” (sau đây gọi là Quỹ cấp tỉnh).
2. Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ bao gồm:
a) Hội đồng quản lý Quỹ;
b) Ban Kiểm soát Quỹ;
c) Cơ quan điều hành Quỹ.
3. Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ và Cơ quan điều hành Quỹ được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ do cơ quan thành lập Quỹ ban hành.
Điều 18. Cơ chế hoạt động của Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
1. Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng và Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập.
2. Quỹ trung ương có trách nhiệm sau đây:
a) Quản lý và sử dụng nguồn tài chính theo quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí do Quỹ trung ương hỗ trợ;
c) Hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ quản lý và hoạt động của Quỹ;
d) Hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cộng đồng thông qua các chương trình, dự án, hoạt động phi dự án (nếu có).
3. Quỹ cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Quản lý và sử dụng nguồn tài chính theo quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho Quỹ cộng đồng thông qua các chương trình, dự án, hoạt động phi dự án;
c) Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính, hỗ trợ kỹ thuật từ Quỹ trung ương (nếu có);
d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của Quỹ trung ương đối với nguồn vốn do Quỹ trung ương hỗ trợ;
đ) Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng tài chính cho Quỹ trung ương định kỳ hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 19. Quản lý, sử dụng tài chính của Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
1. Nguồn tài chính hình thành Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Luật Thủy sản.
2. Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở trung ương được chi cho các hoạt động chủ yếu sau đây:
a) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục; phổ biến, nhân rộng các điển hình về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên phạm vi toàn quốc;
b) Phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế bền vững trên phạm vi toàn quốc;
c) Thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động phi dự án khác do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài ủy thác trên phạm vi toàn quốc;
d) Hoạt động bộ máy, chuyên môn nghiệp vụ của Quỹ theo quy định hiện hành;
đ) Hỗ trợ kinh phí cho Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cộng đồng.
3. Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở cấp tỉnh được chi cho các hoạt động chủ yếu sau đây:
a) Các hoạt động được quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này trên địa bàn tỉnh;
b) Hỗ trợ kinh phí cho Quỹ cộng đồng.
4. Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tổ chức cộng đồng trong nước có chương trình, dự án, hoạt động phi dự án theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hỗ trợ theo phương thức hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí để thực hiện chương trình, dự án hoặc hoạt động phi dự án được quy định tại khoản 2 Điều này.
6. Tổ chức thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án hoặc hoạt động phi dự án:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu hỗ trợ gửi văn bản đề nghị hỗ trợ, kèm theo thuyết minh chương trình, dự án, hoạt động phi dự án đến Cơ quan điều hành Quỹ;
b) Cơ quan điều hành Quỹ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thẩm định, báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, phê duyệt;
c) Sau khi Hội đồng quản lý Quỹ có quyết định phê duyệt, Giám đốc Quỹ thông báo cho đối tượng được hỗ trợ biết và triển khai thực hiện.
7. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tổ chức cộng đồng thực hiện chương trình, dự án và hoạt động phi dự án theo quyết định đã được phê duyệt và báo cáo Cơ quan điều hành Quỹ về kết quả thực hiện.
8. Kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình, dự án, hoạt động phi dự án:
a) Cơ quan điều hành Quỹ chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động phi dự án được Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hỗ trợ định kỳ hằng năm hoặc đột xuất;
b) Trường hợp cần thiết, Cơ quan điều hành Quỹ có thể thuê tư vấn để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình, dự án, hoạt động phi dự án do Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hỗ trợ.
9. Xây dựng kế hoạch thu, chi tài chính, báo cáo quyết toán tài chính hằng năm:
a) Kế hoạch thu, chi tài chính của Quỹ được Hội đồng quản lý Quỹ thông qua, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đối với Quỹ cấp trung ương, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối với Quỹ cấp tỉnh;
b) Báo cáo quyết toán tài chính của Quỹ theo quy định của pháp luật hiện hành.
10. Chế độ kế toán, kiểm toán, quản lý tài sản và công khai tài chính:
a) Áp dụng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp để thực hiện công tác kế toán;
b) Thực hiện quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản; quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
c) Thực hiện chế độ báo cáo, công khai tài chính theo quy định của pháp luật.
Chương III. NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Mục 1. QUẢN LÝ GIỐNG THỦY SẢN
Điều 20. Điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản được quy định cụ thể như sau:
a) Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải và hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; khu sinh hoạt bảo đảm tách biệt với khu vực sản xuất, ương dưỡng;
b) Trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng.
2. Điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản được quy định cụ thể như sau:
Phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học bao gồm các nội dung: Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng; giống thủy sản trong quá trình sản xuất; vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải; tiêu hủy xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy; kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở; thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Điều 21. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở như sau:
a) Tổng cục Thủy sản cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đối với giống thủy sản bố mẹ; kiểm tra duy trì điều kiện đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo Mẫu số 01.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo Mẫu số 02.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân;
c) Bản chính Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đã được cấp, trừ trường hợp Giấy chứng nhận bị mất.
4. Trình tự cấp, cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
a) Trình tự cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra điều kiện của cơ sở theo Mẫu số 03.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, cơ sở thực hiện khắc phục; sau khi khắc phục có văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để tổ chức kiểm tra nội dung đã khắc phục. Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;
b) Trình tự cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
5. Nội dung kiểm tra gồm:
a) Kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại Giấy chứng nhận;
b) Kiểm tra thực tế tại địa điểm sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định tại Điều 23, khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản và Điều 20 Nghị định này;
c) Kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo khoản 2 Điều 26 Luật Thủy sản.
6. Thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là 12 tháng; trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá, cấp giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện là 24 tháng.
7. Khi phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Thủy sản, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 22. Nhập khẩu giống thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu giống thủy sản chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này để nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.
2. Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu giống thủy sản gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 05.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Ảnh chụp hoặc bản vẽ mô tả loài thủy sản đăng ký nhập khẩu kèm theo tên tiếng Việt, tên khoa học, tên tiếng Anh (nếu có);
c) Đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ (đối với trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu khoa học);
d) Tài liệu chứng minh về việc tham gia hội chợ, triển lãm; phương án xử lý loài thủy sản sau khi hội chợ, triển lãm kết thúc (đối với trường hợp nhập khẩu để trưng bày tại hội chợ, triển lãm).
3. Trình tự cấp phép nhập khẩu giống thủy sản như sau:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu giống thủy sản theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục Thủy sản tổ chức thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân theo Mẫu số 06.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp phép nhập khẩu phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;
c) Tổng cục Thủy sản thực hiện giám sát hoặc có văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nơi thực hiện nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm thực hiện giám sát.
4. Khi phát hiện giống thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn sinh học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất giống thủy sản tại nước xuất khẩu:
a) Thành phần đoàn kiểm tra bao gồm: Tổng cục Thủy sản và đơn vị liên quan;
b) Nội dung kiểm tra như sau: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, môi trường, an toàn sinh học liên quan đến giống thủy sản và năng lực thực thi của cơ quan quản lý tại nước xuất khẩu; điều kiện bảo đảm chất lượng, môi trường, an toàn sinh học tại cơ sở sản xuất, xuất khẩu giống thủy sản vào Việt Nam;
c) Thông báo, công khai kết quả kiểm tra và quyết định biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.
Điều 23. Xuất khẩu giống thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu, Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện để nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế thực hiện theo quy định tại Điều 69 Nghị định này.
2. Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu quy định tại Phụ lục IX, Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 24. Đặt tên giống thủy sản
1. Mỗi giống thủy sản chỉ được đặt một tên.
2. Giống thủy sản không được đặt tên mới trong trường hợp sau đây:
a) Trùng với tên giống đã có;
b) Chỉ bao gồm các số;
c) Vi phạm đạo đức xã hội;
d) Dễ gây hiểu nhầm với các đặc trưng, đặc tính của giống thủy sản đó.
Điều 25. Điều kiện cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản
Điểm b và c khoản 2 Điều 28 Luật Thủy sản được quy định cụ thể như sau:
1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật bao gồm:
a) Có phòng thử nghiệm đủ điều kiện theo quy định hiện hành để theo dõi, kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu theo đề cương khảo nghiệm;
b) Trường hợp khảo nghiệm giai đoạn sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phải đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản và khoản 1 Điều 20 Nghị định này. Trường hợp khảo nghiệm giai đoạn nuôi thương phẩm phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản và Điều 34 Nghị định này.
2. Điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường: Khu nuôi khảo nghiệm có biện pháp ngăn cách với khu sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản thương phẩm khác.
Điều 26. Nội dung, trình tự, thủ tục khảo nghiệm giống thủy sản
1. Tổng cục Thủy sản tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký khảo nghiệm giống thủy sản và phê duyệt đề cương khảo nghiệm giống thủy sản.
2. Hồ sơ đề nghị khảo nghiệm giống thủy sản bao gồm:
a) Đơn đăng ký theo Mẫu số 07.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính đề cương khảo nghiệm theo Mẫu số 08.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trình tự thực hiện như sau:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khảo nghiệm giống thủy sản gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục Thủy sản tổ chức thẩm định, nếu hồ sơ đạt yêu cầu, tổ chức kiểm tra điều kiện cơ sở khảo nghiệm theo Mẫu số 09.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; Tổng cục Thủy sản phê duyệt đề cương khảo nghiệm và ban hành Quyết định cho phép khảo nghiệm theo Mẫu số 10.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời cấp phép nhập khẩu giống thủy sản cho tổ chức, cá nhân để phục vụ khảo nghiệm (nếu là sản phẩm nhập khẩu); trường hợp không đạt yêu cầu phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
c) Tổng cục Thủy sản gửi văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nơi tiến hành khảo nghiệm giám sát khảo nghiệm.
4. Nội dung khảo nghiệm giống thủy sản như sau: Căn cứ đặc điểm sinh học từng loài thủy sản và mục đích sử dụng để xây dựng đề cương khảo nghiệm nhằm xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của loài khảo nghiệm.
5. Giám sát khảo nghiệm:
a) Cơ quan giám sát: Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nơi tiến hành khảo nghiệm;
b) Nội dung giám sát: Theo nội dung đề cương khảo nghiệm giống thủy sản được Tổng cục Thủy sản phê duyệt;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm, đơn vị giám sát khảo nghiệm gửi báo cáo kết quả giám sát về Tổng cục Thủy sản.
6. Kiểm tra hoạt động khảo nghiệm: Tổng cục Thủy sản tổ chức kiểm tra hoạt động khảo nghiệm giống thủy sản; nội dung kiểm tra theo nội dung đề cương khảo nghiệm đã được phê duyệt.
7. Công nhận kết quả khảo nghiệm giống thủy sản:
a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả khảo nghiệm, Tổng cục Thủy sản tổ chức đánh giá kết quả khảo nghiệm và ban hành quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm giống thủy sản. Trường hợp không công nhận phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;
b) Đối với giống thủy sản chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, sau khi ban hành quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm giống thủy sản, trong thời hạn 10 ngày làm việc, Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ bổ sung vào Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Mục 2. THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Điều 27. Điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
1. Điểm c khoản 1 Điều 32 Luật Thủy sản được quy định cụ thể như sau:
a) Có nhà xưởng kết cấu vững chắc, nền không đọng nước, liên thông và một chiều từ nguyên liệu đến thành phẩm; tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu vật liệu, thành phẩm bảo đảm không nhiễm chéo lẫn nhau và bảo đảm theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp;
b) Trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất. Trường hợp cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất chế phẩm sinh học, vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.
2. Điểm d khoản 1 Điều 32 Luật Thủy sản được quy định cụ thể như sau: Có phòng thử nghiệm hoặc có thuê phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất.
3. Điểm đ khoản 1 Điều 32 Luật Thủy sản được quy định cụ thể như sau: Phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học cho từng loại sản phẩm gồm các nội dung: nước phục vụ sản xuất; nguyên liệu, bao bì, thành phẩm; quá trình sản xuất; tái chế; lưu mẫu; kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị; kiểm soát động vật gây hại; vệ sinh nhà xưởng, thu gom và xử lý chất thải.
Điều 28. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở
1. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản như sau:
a) Tổng cục Thủy sản kiểm tra, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận và kiểm tra duy trì cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh kiểm tra, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận và kiểm tra duy trì đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, trừ các cơ sở sản xuất quy định tại điểm a khoản này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất theo Mẫu số 11.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản thuyết minh điều kiện cơ sở sản xuất theo Mẫu số 12.NT ban hành kèm theo Phụ lục III Nghị định này.
3. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất theo Mẫu số 11.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân trong Giấy chứng nhận;
c) Bản chính Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã được cấp, trừ trường hợp Giấy chứng nhận bị mất.
4. Trình tự cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:
a) Trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản: Cơ sở sản xuất gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ, nếu hồ sơ đạt yêu cầu thực hiện kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất và lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 13.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp cơ sở không đáp ứng điều kiện, cơ sở thực hiện khắc phục, sau khi khắc phục có văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để tổ chức kiểm tra nội dung đã khắc phục. Trường hợp kết quả kiểm tra điều kiện cơ sở đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo Mẫu số 14.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
b) Trình tự cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản: Cơ sở sản xuất gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo Mẫu số 14.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Nội dung kiểm tra điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản như sau:
a) Kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
b) Kiểm tra thực tế về điều kiện cơ sở tại địa điểm sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 27 Nghị định này và Điều 32;
c) Kiểm tra về việc thực hiện nghĩa vụ trong sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo khoản 1 Điều 37 Luật Thủy sản.
6. Thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản là 12 tháng. Trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá, cấp giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện là 24 tháng.
7. Khi phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Thủy sản, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và thông báo thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
8. Cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi tham gia một, một số hoặc toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm do cơ sở khác công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy:
a) Sản xuất sản phẩm phải phù hợp với điều kiện ghi trong Giấy chứng nhận. Trước khi sản xuất phải thông báo bằng văn bản đến Tổng cục Thủy sản và cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh để giám sát, quản lý;
b) Thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại điểm a, e khoản 1 Điều 37 Luật Thủy sản. Thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất và giao một bản sao cho cơ sở có sản phẩm công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy để lưu giữ phục vụ truy xuất nguồn gốc;
c) Cơ sở có sản phẩm công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy khi sản xuất tại cơ sở khác có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại điểm b, d, đ, e khoản 1 Điều 37 Luật Thủy sản và thực hiện lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.
Điền 29. Kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu
1. Cơ quan kiểm tra: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh khi được ủy quyền.
2. Nội dung, trình tự và thủ tục kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3. Lấy mẫu kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định về lấy mẫu, thực hiện lấy mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên. Người lấy mẫu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải được Tổng cục Thủy sản tập huấn nghiệp vụ lấy mẫu.
4. Thử nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản do phòng thử nghiệm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định thực hiện. Trong trường hợp chưa có phòng thử nghiệm được chỉ định về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thì thực hiện tại phòng thử nghiệm được chỉ định trong lĩnh vực thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nếu có phương pháp thử phù hợp. Trường hợp các phương pháp thử chưa được chỉ định hoặc chưa được thống nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phương pháp thử được áp dụng.
Điều 30. Nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thủy sản phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.
2. Hồ sơ đăng ký nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bao gồm:
a) Đơn đăng ký nhập khẩu theo Mẫu số 15.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy xác nhận về việc tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam (đối với trường hợp nhập khẩu để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm);
c) Đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ (đối với trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu).
3. Trình tự thực hiện cấp phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản như sau:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để trưng bày tại hội chợ, triển lãm hoặc nghiên cứu khoa học gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thủy sản cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu số 16.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do;
c) Tổng cục Thủy sản có văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện giám sát việc tham gia hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân đăng ký nhập khẩu.
4. Trường hợp nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thức ăn thủy sản, tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định về nhập khẩu thủy sản sống.
5. Khi phát hiện thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn sinh học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại nước xuất khẩu:
a) Thành phần đoàn kiểm tra gồm: Tổng cục Thủy sản và đơn vị liên quan;
b) Nội dung kiểm tra: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, môi trường, an toàn sinh học về sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và năng lực thực thi của cơ quan quản lý tại nước xuất khẩu; điều kiện bảo đảm chất lượng, môi trường, an toàn sinh học tại cơ sở xuất khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vào Việt Nam;
c) Thông báo, công khai kết quả kiểm tra và quyết định biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.
Điều 31. Điều kiện cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
1. Điểm b khoản 2 Điều 35 Luật Thủy sản được quy định như sau:
a) Có phòng thử nghiệm đủ năng lực để phân tích và đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật theo đề cương khảo nghiệm;
b) Trường hợp khảo nghiệm trong giai đoạn sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phải đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản và khoản 1 Điều 20 Nghị định này. Trường hợp khảo nghiệm trong giai đoạn nuôi thương phẩm phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản và khoản 1, khoản 2 Điều 34 Nghị định này.
2. Điểm c khoản 2 Điều 35 Luật Thủy sản được quy định như sau: Khu nuôi khảo nghiệm có biện pháp ngăn cách với các khu sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản thương phẩm khác. Không để sản phẩm, bao bì của sản phẩm khảo nghiệm gây ô nhiễm môi trường.
Điều 32. Trình tự, thủ tục khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
1. Hồ sơ đăng ký khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản gồm:
a) Đơn đăng ký theo Mẫu số 17.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Đề cương khảo nghiệm theo Mẫu số 18.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Bản thuyết minh điều kiện của cơ sở thực hiện khảo nghiệm theo Mẫu số 19.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Trình tự thực hiện cho phép khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:
a) Tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản;
b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ Tổng cục Thủy sản tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký khảo nghiệm. Nếu hồ sơ đạt yêu cầu Tổng cục Thủy sản kiểm tra điều kiện cơ sở khảo nghiệm theo Mẫu số 20.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, cơ sở thực hiện khắc phục; sau khi khắc phục cơ sở có văn bản thông báo đến Tổng cục Thủy sản để tổ chức kiểm tra các nội dung đã khắc phục. Trường hợp hồ sơ và điều kiện cơ sở khảo nghiệm đạt yêu cầu, Tổng cục Thủy sản phê duyệt đề cương khảo nghiệm và ban hành quyết định khảo nghiệm theo Mẫu số 21.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời thực hiện cấp phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cho tổ chức, cá nhân để khảo nghiệm (nếu là sản phẩm nhập khẩu). Trường hợp không đạt yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Kiểm tra hoạt động khảo nghiệm: Tổng cục Thủy sản tổ chức kiểm tra thực tế tại nơi thực hiện khảo nghiệm ít nhất 01 lần trong quá trình khảo nghiệm.
4. Giám sát hoạt động khảo nghiệm: Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện giám sát hoạt động khảo nghiệm trên địa bàn. Nội dung giám sát theo đề cương đã được phê duyệt.
5. Công nhận kết quả khảo nghiệm:
a) Sau khi kết thúc khảo nghiệm, cơ sở có thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khảo nghiệm báo cáo kết quả khảo nghiệm về Tổng cục Thủy sản. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả khảo nghiệm, Tổng cục Thủy sản tổ chức đánh giá kết quả khảo nghiệm và ban hành quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo Mẫu số 22.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không công nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
b) Sau khi công nhận kết quả khảo nghiệm, Tổng cục Thủy sản trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung vào Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Điều 33. Nội dung khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
1. Nội dung khảo nghiệm thức ăn thủy sản:
a) Kiểm tra thành phần, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trước khi tiến hành khảo nghiệm;
b) Đánh giá đặc tính, công dụng của sản phẩm: Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển; tỷ lệ nuôi sống qua các giai đoạn phát triển của đối tượng khảo nghiệm; hệ số chuyển hóa thức ăn; các chỉ tiêu kỹ thuật khác nêu trong hồ sơ sản phẩm;
c) Đánh giá độ an toàn đối với sức khỏe con người, đối tượng nuôi và môi trường trong quá trình sử dụng: Dư lượng kháng sinh, hóa chất độc hại trong thủy sản khảo nghiệm và môi trường (nêu cụ thể trong đề cương khảo nghiệm); đánh giá biến động các chỉ tiêu môi trường.
2. Nội dung khảo nghiệm sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản gồm:
a) Kiểm tra thành phần, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trước khi tiến hành khảo nghiệm;
b) Đánh giá đặc tính, công dụng của sản phẩm thông qua đánh giá sự biến động các chỉ tiêu vật lý, hóa học và sinh học trong môi trường nuôi; các chỉ tiêu kỹ thuật khác nêu trong hồ sơ sản phẩm;
c) Đánh giá độ an toàn đối với sức khỏe con người, đối tượng nuôi và môi trường trong quá trình sử dụng: Tồn dư thành phần của sản phẩm trong môi trường và trong động vật khi thu hoạch đối với sản phẩm có thành phần là hóa chất; dư lượng kim loại nặng trong môi trường, trong động vật khi thu hoạch; tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng của đối tượng nuôi.
Mục 3. NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Điều 34. Điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản
Điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản được quy định chi tiết như sau:
1. Cơ sở vật chất đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản trong ao (đầm/hầm), bể:
a) Bờ ao (đầm/hầm), bể làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi, không rò rỉ nước; nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, nơi xử lý thủy sản chết và tách biệt với khu vực nuôi, không làm ảnh hưởng đến môi trường;
b) Trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu phải bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu sinh hoạt, vệ sinh phải bảo đảm nước thải, chất thải sinh hoạt không làm ảnh hưởng đến khu vực nuôi;
c) Trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh phải có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải riêng biệt; nơi chứa bùn thải phù hợp; có biển báo chỉ dẫn từng khu và đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản này.
2. Cơ sở vật chất đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, đăng quầng (sau đây được gọi là nuôi lồng bè):
a) Khung lồng, phao, lưới, đăng quầng phải làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi và không để thủy sản nuôi sống thoát ra môi trường; có thiết bị cảnh báo cho hoạt động giao thông thủy; nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, nơi xử lý thủy sản chết, không làm ảnh hưởng đến môi trường;
b) Trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu phải đảm bảo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu sinh hoạt, vệ sinh phải bảo đảm nước thải, chất thải sinh hoạt không làm ảnh hưởng đến khu vực nuôi.
3. Trang thiết bị sử dụng trong nuôi trồng thủy sản phải làm bằng vật liệu dễ làm vệ sinh, không gây độc đối với thủy sản nuôi, không gây ô nhiễm môi trường.
Điều 35. Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân
1. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 23.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản;
c) Sơ đồ vị trí đặt lồng bè/Sơ đồ khu vực nuôi.
3. Trình tự cấp Giấy chứng nhận:
a) Cơ sở có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện kiểm tra thực tế tại cơ sở theo Mẫu số 24.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 25.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
4. Thời hạn của Giấy chứng nhận: 24 tháng.
5. Thu hồi Giấy chứng nhận:
a) Giấy chứng nhận bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Bị tẩy, xóa, thay đổi nội dung của Giấy chứng nhận hoặc cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 38 Luật Thủy sản hoặc có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận;
b) Thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận: Cơ quan nào có thẩm quyền cấp thì có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận;
c) Khi phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản này, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ cơ sở điều kiện nuôi trồng thủy sản và thông báo thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 36. Đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực
1. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
2. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
a) Đơn đăng ký theo Mẫu số 26.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản;
c) Sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.
3. Hồ sơ đăng ký lại bao gồm:
a) Đơn đăng ký lại theo Mẫu số 27.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính giấy xác nhận đăng ký đã được cấp (trừ trường hợp bị mất);
c) Trường hợp có sự thay đổi chủ cơ sở nuôi phải có giấy tờ chứng minh; thay đổi diện tích ao nuôi, mục đích sử dụng phải có sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.
4. Trình tự đăng ký, đăng ký lại nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực bao gồm:
a) Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh xem xét, cấp Giấy xác nhận theo Mẫu số 28.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Đăng ký lại nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực khi thuộc một trong các trường hợp sau: giấy xác nhận đăng ký bị mất; bị rách; thay đổi chủ cơ sở nuôi; thay đổi diện tích ao nuôi; thay đổi đối tượng nuôi; thay đổi mục đích sử dụng.
Điều 37. Cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam
1. Thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
a) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi vùng biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý;
b) Tổng cục Thủy sản thực hiện cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý.
2. Hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển bao gồm:
a) Đơn đăng ký theo Mẫu số 29.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản thuyết minh dự án nuôi trồng thủy sản theo Mẫu số 30.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thủy sản hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định;
d) Sơ đồ khu vực biển kèm theo tọa độ các điểm góc của khu vực biển đề nghị giao.
3. Trình tự cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ, xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, đơn vị có liên quan và xem xét cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo Mẫu số 31.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này nếu đáp ứng các quy định. Trường hợp không cấp phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Cấp lại Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển trong trường hợp Giấy phép bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi, bổ sung thông tin:
a) Tổ chức, cá nhân gửi đề nghị cấp lại Giấy phép theo Mẫu số 29.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được đề nghị cấp lại Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp lại Giấy phép. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
5. Thu hồi Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
a) Giấy phép bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Giấy phép bị tẩy, xóa, thay đổi nội dung; không thực hiện đúng các nội dung đã quy định trong Giấy phép;
b) Thẩm quyền thu hồi Giấy phép: Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thì có thẩm quyền thu hồi Giấy phép.
Điều 38. Cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo khoản 2 Điều 37 ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trình tự cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản;
b) Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Tổng cục Thủy sản tổ chức thẩm tra hồ sơ; tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến của địa phương nơi có khu vực biển, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội nuôi biển, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp cần thiết, Tổng cục Thủy sản tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế tại địa điểm tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nuôi trồng thủy sản;
c) Sau khi tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan: Trường hợp tất cả ý kiến đồng ý, trong thời hạn 05 ngày làm việc Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo Mẫu số 31.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp có ít nhất 01 ý kiến không đồng ý về việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong thời hạn 07 ngày làm việc sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo Mẫu số 31.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp phép Tổng cục Thủy sản trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
4. Cấp lại Giấy phép trong trường hợp giấy phép bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi, bổ sung thông tin:
a) Tổ chức, cá nhân gửi Đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu số 29.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đến Tổng cục Thủy sản;
b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị cấp lại Giấy phép, Tổng cục Thủy sản xem xét, tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp lại Giấy phép cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Thu hồi giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
a) Giấy phép bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Giấy phép bị tẩy, xóa, làm thay đổi nội dung; không thực hiện đúng các nội dung đã quy định trong Giấy phép;
b) Thẩm quyền thu hồi Giấy phép là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
c) Khi phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định thu hồi giấy nuôi trồng thủy sản trên biển và thông báo thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 39. Xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng
1. Hồ sơ đề nghị xác nhận bao gồm:
a) Đơn đăng ký xác nhận nguồn gốc theo Mẫu số 32.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp hoặc loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm khai thác từ tự nhiên đối với trường hợp sử dụng cá thể có nguồn gốc từ tự nhiên để nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo;
c) Tài liệu chứng minh cá thể có nguồn gốc từ sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật trong trường hợp sử dụng cá thể có nguồn gốc từ sau xử lý tịch thu để nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo;
d) Tài liệu nhập khẩu mẫu vật đối với trường hợp sử dụng mẫu vật có nguồn gốc từ nhập khẩu để nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo;
đ) Sổ theo dõi quá trình nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy nhân tạo đối với loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo Mẫu số 33.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Các loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
2. Trình tự thực hiện như sau:
a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện kiểm tra thực tế tại cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản (nếu cần) và cấp Giấy xác nhận nguồn gốc theo Mẫu số 34.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp Giấy xác nhận nguồn gốc phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 40. Xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên
1. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm khai thác từ tự nhiên.
2. Hồ sơ đề nghị xác nhận nguồn gốc:
a) Đơn đăng ký xác nhận nguồn gốc theo Mẫu số 32.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đối với trường hợp có sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản;
c) Văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
d) Hợp đồng thuê tàu cá đối với trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp Văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sử dụng tàu cá để khai thác nhưng không phải là chủ tàu;
đ) Báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký khai thác thủy sản.
3. Trình tự xác nhận nguồn gốc:
a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận nguồn gốc, trường hợp không cấp giấy xác nhận nguồn gốc phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
4. Trình tự, thủ tục xác nhận mẫu vật loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được khai thác từ tự nhiên trước thời điểm quy định cấm khai thác có hiệu lực:
a) Hồ sơ đề nghị xác nhận bao gồm: Đơn đăng ký xác nhận nguồn gốc theo Mẫu 32.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; tài liệu chứng minh nguồn gốc mẫu vật khai thác từ tự nhiên có xác nhận của Tổ chức quản lý cảng cá hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tại thời điểm khai thác; hợp đồng mua, bán, cho, tặng có công chứng tại thời điểm mua, bán, cho, tặng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân không phải là người trực tiếp khai thác;
b) Trình tự xác nhận: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản này đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh; trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện kiểm tra, xác minh hồ sơ và cấp Giấy xác nhận nguồn gốc theo Mẫu số 35.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp Giấy xác nhận nguồn gốc phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 41. Điều kiện cơ sở, trình tự, thủ tục chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
1. Điều kiện cơ sở nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy nhân tạo các loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp như sau:
a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
b) Đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 38 Luật Thủy sản và Điều 34 Nghị định này.
2. Điều kiện cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trừ loài thủy sản quy định tại khoản 1 Điều này đáp ứng đầy đủ điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản quy định tại Điều 38 Luật Thủy sản và Điều 34 Nghị định này.
3. Thẩm quyền, trình tự và thủ tục chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm:
a) Đối với loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
b) Đối với các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm không thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định này.
Chương IV. KHAI THÁC THỦY SẢN
Mục 1. QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VIỆT NAM KHAI THÁC THỦY SẢN TRÊN CÁC VÙNG BIỂN
Điều 42. Phân vùng khai thác thủy sản
Khoản 1 Điều 48 Luật Thủy sản được quy định chi tiết như sau:
1. Vùng biển Việt Nam được phân thành ba vùng khai thác thủy sản như sau:
a) Vùng ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển dọc theo bờ biển và tuyến bờ. Đối với các đảo, vùng ven bờ là vùng biển được giới hạn bởi ngấn nước thủy triều trung bình nhiều năm quanh bờ biển của đảo đến 06 hải lý;
b) Vùng lộng được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng;
c) Vùng khơi được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.
2. Ủy ban nhân dân hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tiếp giáp nhau căn cứ vào đặc điểm cụ thể về địa lý của vùng biển ven bờ để hiệp thương xác định và công bố ranh giới vùng khai thác thủy sản ven bờ giữa hai tỉnh.
Điều 43. Quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam
1. Đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản:
a) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng;
b) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ;
c) Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi; tàu đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của Ủy ban nhân dân hai tỉnh.
2. Đối với tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản:
a) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi;
b) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi;
c) Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.
3. Quy định về treo cờ:
a) Tàu cá Việt Nam phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là Quốc kỳ) ở đỉnh cột phía lái; đối với tàu không có cột phía lái thì Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê tàu cá của nước ngoài phải thực hiện treo cờ của Việt Nam theo quy định tại điểm a Khoản này.
Điều 44. Quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá
1. Yêu cầu của thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá:
a) Phải được kết nối, đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá lắp đặt tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá ở trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển;
b) Tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần suất 02 giờ/lần các thông tin: vị trí tàu (kinh độ, vĩ độ), thời gian (phút/giờ/ngày/tháng/năm) đối với thiết bị lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên; cảnh báo cho thuyền trưởng khi tàu vượt qua ranh giới cho phép trên biển.
Tự động truyền bằng một trong các phương thức qua hệ thống thông tin vệ tinh, hệ thống thông tin di động GSM, hệ thống thông tin sóng mặt đất sử dụng các băng tần MF, HF, VHF tối thiểu 08 vị trí/ngày với tần suất 03 giờ/lần các thông tin: vị trí tàu (kinh độ, vĩ độ), thời gian (phút/giờ/ngày/tháng/năm) đối với thiết bị lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét; cảnh báo cho thuyền trưởng khi tàu vượt qua ranh giới cho phép trên biển;
c) Sai số tọa độ vị trí tàu cá nhận từ hệ thống định vị toàn cầu GPS hiển thị trên thiết bị giám sát hành trình tàu cá không quá 500 mét, độ tin cậy 99%;
d) Mỗi thiết bị phải có một mã nhận dạng độc lập;
đ) Phải đảm bảo hoạt động bình thường trong môi trường hoạt động trên biển theo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam.
2. Tính năng phần mềm hệ thống giám sát tàu cá tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá:
a) Phần mềm tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá phải tương thích với các hệ điều hành Microsoft Windows, Android, IOS; có giao diện tiếng Việt trực quan. Quản lý toàn bộ thông tin tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình; cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương để kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá; quản lý được nhật ký khai thác, chống khai thác bất hợp pháp;
b) Giao diện phần mềm hiển thị vị trí tàu, thời gian, vận tốc, hướng di chuyển, tín hiệu báo động, thời gian cập nhật dữ liệu gần nhất, thông tin thời tiết, trạng thái hoạt động của thiết bị giám sát tàu cá, gửi thông tin đến thiết bị giám sát tàu cá;
c) Có chức năng truy cập, tìm kiếm, lập bảng biểu, báo cáo, thống kê các dữ liệu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát tàu cá, tạo khu vực để quản lý tàu và gửi cảnh báo tự động khi tàu ra/vào khu vực;
d) Kết nối, truyền dẫn thông tin với trung tâm dữ liệu đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá; phân cấp quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng dữ liệu giám sát tàu cá;
đ) Bản đồ điện tử được sử dụng phải thể hiện rõ được vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, các vùng cấm đánh bắt, các cảng cá do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cung cấp.
3. Quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá:
a) Tổng cục Thủy sản thống nhất quản lý hệ thống giám sát tàu cá và dữ liệu giám sát tàu cá toàn quốc, quản trị hệ thống và phân cấp cho địa phương khai thác dữ liệu giám sát tàu cá, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên;
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát tàu cá của tỉnh, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét;
c) Tổ chức quản lý tàu cá tại các cảng cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định và công bố được phép khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát tàu cá từ hệ thống giám sát tàu cá theo phân quyền;
d) Đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá có trách nhiệm cập nhật, quản lý thông tin về tàu, chủ tàu, thiết bị giám sát tàu cá và tự động truyền về trung tâm dữ liệu giám sát hành trình tàu cá ở trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển, xử lý sự cố tín hiệu thiết bị giám sát tàu cá do đơn vị mình cung cấp. Sau khi lắp đặt thiết bị trên tàu cá, đơn vị cung cấp thiết bị phải thông báo đến Tổng cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra việc lắp đặt thiết bị trên tàu cá. Báo cáo định kỳ hàng quý, 06 tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá trước khi cung cấp thiết bị phải báo cáo và thông báo mẫu kẹp chì về Tổng cục Thủy sản để tổng hợp, thông báo công khai;
đ) Chủ tàu khai báo thông tin lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo Mẫu số 01.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này và gửi đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá để cập nhật vào cơ sở dữ liệu; trả chi phí mua, lắp đặt, bảo dưỡng và dịch vụ khác cho đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá; được cung cấp thông tin giám sát hành trình của tàu cá mình từ Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá khi có yêu cầu.
Chủ tàu phải lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá ở vị trí bảo đảm trạng thái hoạt động tốt nhất của thiết bị, có hướng dẫn lắp đặt thiết bị; có bảng hướng dẫn sử dụng (trên bảng có các thông tin tối thiểu: số điện thoại hỗ trợ 24 giờ/24 giờ, địa chỉ liên hệ của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá); thuyền trưởng có thể kiểm soát được các trạng thái hoạt động của thiết bị trực tiếp hoặc qua các phụ kiện. Thiết bị giám sát hành trình phải được đơn vị cung cấp thiết bị kẹp chì cố định trên tàu khi lắp đặt mới hoặc sau khi sửa chữa;
e) Lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá: Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên phải lắp trước ngày 01 tháng 7 năm 2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp trước ngày 01 tháng 01 năm 2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp trước ngày 01 tháng 4 năm 2020;
g) Thuyền trưởng phải bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24 giờ/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác, báo cáo vị trí tàu cá về trung tâm giám sát tàu cá ở trung ương và 28 tỉnh, thành phố, ven biển 06 giờ/lần và phải đưa tàu về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng;
h) Tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải lắp thiết bị giám sát hành trình đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, quản lý, sử dụng hệ thống và dữ liệu giám sát hành trình tàu cá quy định tại Điều này;
i) Dữ liệu giám sát hành trình tàu cá được sử dụng làm căn cứ pháp lý để quản lý hoạt động của tàu cá, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý các tranh chấp nghề cá trên biển, xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác.
4. Bảo mật dữ liệu:
a) Các dữ liệu được lưu giữ trong máy chủ của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá phải đảm bảo không bị xoá, không bị thay đổi trong suốt thời gian lưu trữ theo quy định;
b) Dữ liệu truyền dẫn giữa thiết bị giám sát hành trình tàu cá với máy chủ của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá phải được mã hóa để đảm bảo tính bảo mật thông tin trong quá trình truyền dẫn; dữ liệu từ máy chủ của trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá khi chuyển cho các cơ quan chuyên môn khác phải được mã hóa theo quy định;
c) Thời gian lưu trữ dữ liệu giám sát hành trình tàu cá tại máy chủ của trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá và đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá tối thiểu là 36 tháng; các máy chủ lưu trữ, xử lý dữ liệu của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá đều phải được đặt tại Việt Nam;
d) Đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá có trách nhiệm bảo mật dữ liệu, cung cấp dữ liệu chính xác; không được cung cấp dữ liệu giám sát tàu cá cho tổ chức, cá nhân khác khi chưa được chấp thuận của Tổng cục Thủy sản.
Điều 45. Cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác thủy sản bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 02.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chụp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định phải đăng kiểm;
c) Bản chụp văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá đối với loại tàu cá theo quy định phải có văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép khai thác thủy sản:
a) Đơn đề nghị cấp lại theo Mẫu số 03.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính giấy phép khai thác thủy sản đã được cấp, trong trường hợp thay đổi thông tin trong giấy phép.
3. Trình tự cấp, cấp lại giấy phép khai thác thủy sản:
a) Tổ chức, cá nhân có yêu cầu gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn 06 ngày làm việc (đối với cấp mới), 03 ngày làm việc (đối với cấp lại) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thẩm quyền thực hiện cấp, cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản theo Mẫu số 04.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Trong trường hợp không cấp, cấp lại cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Thời hạn của Giấy phép khai thác thủy sản: Bằng thời hạn còn lại của hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đã được công bố.
5. Thu hồi giấy phép khai thác thủy sản:
a) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác thủy sản là cơ quan thực hiện việc thu hồi giấy phép;
b) Khi phát hiện vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Thủy sản, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 46. Điều kiện tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam
Tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, không vi phạm khai thác bất hợp pháp.
2. Có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).
3. Có quan sát viên theo quy định của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc quốc gia ven biển.
4. Thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác tại vùng biển do Tổ chức quản lý nghề cá khu vực quản lý.
5. Tàu cá phải trang bị, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải trên tàu cá bao gồm: Máy thu phát vô tuyến điện thoại sóng cực ngắn (VHF) có bộ phận gọi, chọn số và thu trực canh (DCS) trên kênh 70 hoặc 16; máy thu phát vô tuyến điện (MF/HF); máy thu tự động thông báo hàng hải và thời tiết (NAVTEX), phao chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB), thiết bị định vị vệ tinh (GPS).
6. Tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh.
Điều 47. Cấp văn bản chấp thuận cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam hoặc cấp phép cho đi khai thác tại vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực
1. Hồ sơ cấp văn bản chấp thuận cho tàu cá bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp văn bản chấp thuận theo Mẫu số 05.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này hoặc giấy đăng ký cấp phép theo Mẫu số 06.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao chứng thực và bản dịch ra tiếng Việt hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia và lãnh thổ khác phê duyệt đối với trường hợp cấp văn bản chấp thuận;
c) Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;
d) Bản chụp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;
đ) Danh sách, ảnh và số hộ chiếu của thuyền viên, người làm việc trên tàu cá;
e) Bản chụp bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng;
g) Giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác chịu sự quản lý của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
2. Trình tự thực hiện:
Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp văn bản chấp thuận cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, nếu không cấp văn bản chấp thuận hoặc không cấp phép, Tổng cục Thủy sản phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do; nếu hồ sơ đạt theo yêu cầu Tổng cục Thủy sản xem xét và cấp:
a) Văn bản chấp thuận theo Mẫu số 07.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này hoặc giấy phép theo Mẫu số 08.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Danh sách thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo Mẫu số 09.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Sau khi cấp văn bản chấp thuận hoặc giấy phép, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp, Tổng cục Thủy sản phải thông báo theo Mẫu số 10.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tàu đi khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao biết để phối hợp theo dõi và quản lý.
4. Tổ chức, cá nhân khi nhận văn bản chấp thuận hoặc giấy phép và các giấy tờ có liên quan phải nộp cho Tổng cục Thủy sản bản chính Giấy phép khai thác thủy sản hoạt động trong vùng biển Việt Nam đã được cấp.
5. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận lại Giấy phép khai thác thủy sản, gửi đề nghị đến Tổng cục Thủy sản. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, Tổng cục Thủy sản trả lại Giấy phép khai thác thủy sản mà tổ chức, cá nhân đã nộp.
Mục 2. QUẢN LÝ TÀU NƯỚC NGOÀI HOẠT ĐỘNG THỦY SẢN TRONG VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Điều 48. Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 11.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao chứng thực các giấy tờ, văn bản quy định tại Điều 55 Luật Thủy sản;
c) Danh sách thuyền viên, người làm việc trên tàu cá theo Mẫu số 12.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại theo Mẫu số 13.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy phép đã được cấp (đối với trường hợp Giấy phép bị rách, nát);
c) Báo cáo về việc thay đổi tàu cá hoặc thay đổi nghề (nếu có).
3. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 14.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;
c) Báo cáo tình hình hoạt động của tàu cá trong thời gian được cấp Giấy phép;
d) Nhật ký khai thác thủy sản (đối với tàu hoạt động đánh bắt nguồn lợi thủy sản).
4. Trình tự thực hiện như sau:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động trong vùng biển Việt Nam gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc (đối với cấp mới), 07 ngày làm việc (đối với cấp lại) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thủy sản cấp, cấp lại Giấy phép hoạt động thủy sản của tàu nước ngoài trong vùng biển Việt Nam theo Mẫu số 15.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Trong thời hạn 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thủy sản cấp gia hạn giấy phép hoạt động thủy sản của tàu nước ngoài trong vùng biển Việt Nam theo Mẫu số 16.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Trường hợp không cấp, cấp lại, gia hạn Giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
5. Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép như sau:
a) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác thủy sản là cơ quan thực hiện việc thu hồi giấy phép;
b) Khi phát hiện vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật Thủy sản, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi Giấy phép hoạt động thủy sản và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 49. Quy định tàu cá nước ngoài vào cảng cá
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng cá và thông báo danh sách cảng được chỉ định cho Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc.
2. Tàu nước ngoài được cập cảng cá Việt Nam, trừ trường hợp tàu nước ngoài có tên trong Danh sách tàu khai thác thủy sản, vận chuyển, chuyển tải, hỗ trợ khai thác thủy sản bất hợp pháp. Tàu nước ngoài trước khi vào cảng cá Việt Nam phải thông báo trước 24 giờ cho tổ chức quản lý cảng cá theo Mẫu số 17.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Tổ chức quản lý cảng cá phải thông qua cho cơ quan hải quan, biên phòng để thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định; thông báo cho cơ quan quản lý về thủy sản của địa phương hoặc văn phòng thanh tra tại cảng để thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin về nguồn gốc thủy sản, sản phẩm thủy sản trên tàu. Việc kiểm tra, xử lý được thực hiện theo khoản 3, 4, 5 và khoản 6 của Điều 70 Nghị định này.
4. Sau khi các thông tin đã được thanh tra, kiểm tra, xác minh, Tổng cục Thủy sản thông báo ngay đến các quốc gia có liên quan đến con tàu và lịch trình di chuyển của tàu để xử lý theo quy định.
5. Tàu cá nước ngoài khi vào, rời hoặc neo, đậu trong vùng nước cảng cá Việt Nam phải treo Quốc kỳ Việt Nam trên đỉnh cột cao nhất của tàu và treo cờ quốc gia mà tàu đăng ký ở cột thấp hơn.
Chương V. QUẢN LÝ TÀU CÁ, TÀU CÔNG VỤ, CẢNG CÁ, KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO CHO TÀU CÁ
Điều 50. Phân loại cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá
Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá được phân loại như sau:
1. Cơ sở loại I: đóng mới, cải hoán tất cả các loại tàu cá theo vật liệu vỏ.
2. Cơ sở loại II: đóng mới, cải hoán tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét theo vật liệu vỏ.
3. Cơ sở loại III: đóng mới, cải hoán tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét theo vật liệu vỏ.
Điều 51. Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ thép
1. Có nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu theo Mục 1 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật tối thiểu theo quy định tại Mục 4 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Có giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương (đối với cơ sở loại I, loại II); có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá (đối với cơ sở loại III).
Điều 52. Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ
1. Có nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu theo Mục 2 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật tối thiểu theo quy định tại Mục 5 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Có giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương (đối với cơ sở loại I); có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá (đối với cơ sở loại II, loại III).
Điều 53. Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ vật liệu mới
1. Có nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu theo Mục 3 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật tối thiểu theo quy định tại Mục 6 Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Có giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương (đối với cơ sở loại I, loại II); có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá (đối với cơ sở loại III).
Điều 54. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá
1. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản thuyết minh điều kiện cơ sở theo Mẫu số 02.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện:
a) Đơn đề nghị cấp lại theo Mẫu số 03.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đã cấp.
3. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có địa điểm đóng mới, cải hoán tàu cá của cơ sở;
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện cơ sở; trường hợp kiểm tra, đánh giá tại cơ sở không đáp ứng điều kiện, cơ sở thực hiện khắc phục; sau khi khắc phục cơ sở có văn bản thông báo đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện cơ sở;
c) Trường hợp hồ sơ và điều kiện cơ sở đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đánh giá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo Mẫu số 04.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện:
a) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá là cơ quan thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận;
b) Khi phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Thủy sản, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã cấp và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 55. Phân loại cơ sở đăng kiểm tàu cá và quy định về đăng kiểm tàu công vụ thủy sản
1. Cơ sở đăng kiểm tàu cá được phân loại như sau:
a) Loại I: Đăng kiểm tất cả các loại tàu cá;
b) Loại II: Đăng kiểm tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét;
c) Loại III: Đăng kiểm tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét.
2. Quy định về đăng kiểm tàu công vụ thủy sản:
a) Tổ chức quản lý tàu công vụ thủy sản được lựa chọn cơ sở đăng kiểm tàu cá hoặc các tổ chức đăng kiểm khác để thực hiện đăng kiểm tàu công vụ thủy sản;
b) Việc giám sát an toàn kỹ thuật, môi trường, chất lượng tàu công vụ thủy sản thực hiện theo quy định về đăng kiểm của tổ chức đăng kiểm đã lựa chọn.
Điều 56. Điều kiện cơ sở đăng kiểm tàu cá
1. Đối với cơ sở đăng kiểm tàu cá loại I:
a) Được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập (đối với trường hợp là cơ sở đăng kiểm công lập) hoặc được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã; cơ sở đăng kiểm tàu cá phải độc lập về pháp lý, độc lập về tài chính với tổ chức, cá nhân kinh doanh tàu cá, đóng mới, cải hoán tàu cá, thiết kế tàu cá;
b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu: Có thiết bị nhập và lưu trữ dữ liệu; có thiết bị được kết nối mạng và truyền dữ liệu với các cơ quan liên quan về hoạt động đăng kiểm tàu cá của cơ sở; có dụng cụ, trang thiết bị phục vụ kiểm tra kỹ thuật theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Có đăng kiểm viên trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong đó, có ít nhất 01 đăng kiểm viên hạng I và 02 đăng kiểm viên hạng II;
d) Thiết lập và duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương.
2. Đối với cơ sở đăng kiểm tàu cá loại II:
a) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, b, d khoản 1 Điều này;
b) Đăng kiểm viên có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong đó, có ít nhất 02 đăng kiểm viên hạng II.
3. Đối với cơ sở đăng kiểm tàu cá loại III:
a) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này;
b) Đăng kiểm viên có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, khai thác thủy sản; trong đó, tối thiểu 01 đăng kiểm viên hạng II;
c) Có quy trình kiểm tra, giám sát kỹ thuật tàu cá phù hợp với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá.
4. Các cơ sở đăng kiểm tàu cá loại I và loại II được phép thành lập các chi nhánh trực thuộc gần với nơi neo đậu tàu cá hoặc gần các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, mỗi chi nhánh phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và bảo đảm đăng kiểm viên có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, cơ khí tàu thuyền hoặc khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong đó, tối thiểu 02 đăng kiểm viên hạng II trở lên đối với chi nhánh của cơ sở đăng kiểm tàu cá loại I và 01 đăng kiểm viên hạng II trở lên đối với chi nhánh của cơ sở đăng kiểm tàu cá loại II.
Điều 57. Cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá Việt Nam
1. Hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá Việt Nam: Tờ khai theo Mẫu số 05.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ căn cứ hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản và tiêu chí đặc thù của địa phương, xem xét cấp văn bản chấp thuận theo Mẫu số 06.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp văn bản chấp thuận, phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Điều 58. Cấp phép nhập khẩu tàu cá
1. Hồ sơ cấp phép nhập khẩu tàu cá:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 07.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Hợp đồng nhập khẩu tàu cá hoặc hợp đồng thuê tàu trần;
c) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hoặc hồ sơ phân cấp tàu cá còn hiệu lực từ 06 tháng trở lên do tổ chức đăng kiểm của nước có tàu cấp (bản chụp có đóng dấu của cơ sở nhập khẩu);
d) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, đối với tàu cá đã qua sử dụng (bản chụp có đóng dấu của cơ sở nhập khẩu);
đ) Hợp đồng, thanh lý hợp đồng đóng tàu, đối với tàu cá đóng mới.
2. Hồ sơ nêu tại điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này phải dịch ra tiếng Việt.
3. Trình tự cấp phép nhập khẩu tàu cá:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu tàu cá gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản;
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thủy sản xem xét cấp phép cho tổ chức, cá nhân theo Mẫu số 08.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cho phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
c) Giấy phép nhập khẩu tàu cá, cho phép thuê tàu trần phải gửi cho tổ chức, cá nhân xin nhập khẩu tàu cá hoặc xin thuê tàu trần đồng thời gửi đến các cơ quan liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi chủ tàu cá đăng ký hộ khẩu thường trú, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).
Điều 59. Quy định đối với tàu cá được tặng cho, viện trợ
1. Tặng, cho viện trợ tàu cá là việc Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng cho, viện trợ tàu cá cho Chính phủ hoặc tổ chức, cá nhân Việt Nam để sử dụng trong hoạt động khai thác thủy sản hoặc các hoạt động công vụ liên quan đến thủy sản.
2. Việc tiếp nhận tàu cá do Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng cho, viện trợ cho cơ quan nhà nước của Việt Nam, Tổng cục Thủy sản quyết định trên cơ sở nhu cầu, điều kiện thực tế và quan hệ đối ngoại.
3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam tiếp nhận tàu cá của tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng cho phải đảm bảo đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Thủy sản.
4. Trình tự, thủ tục nhập khẩu tàu cá do tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 58 Nghị định này.
Điều 60. Quy định độ sâu luồng vào cảng và vùng nước cảng
1. Đối với cảng cá loại I: Có độ sâu luồng vào cảng và vùng nước cảng đủ điều kiện cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên ra vào cảng.
2. Đối với cảng cá loại II: Có độ sâu luồng vào cảng và vùng nước cảng đủ điều kiện cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên ra vào cảng.
Điều 61. Nội dung, trình tự, thủ tục công bố mở, đóng cảng cá
1. Hồ sơ công bố mở cảng cá:
a) Đơn đề nghị công bố mở cảng cá theo Mẫu số 09.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Văn bản cho phép đầu tư xây dựng cảng cá;
c) Nội quy, phương án khai thác cảng cá của cảng cá (bản chụp);
d) Quyết định thành lập Tổ chức quản lý cảng cá (bản chụp);
đ) Biên bản nghiệm thu công trình cảng cá đã hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng kèm theo bản vẽ hoàn công;
e) Thông báo hàng hải về luồng của cảng và vùng nước trước cầu cảng;
g) Văn bản kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;
h) Văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
2. Trình tự, thủ tục công bố mở cảng cá:
a) Tổ chức quản lý cảng cá gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền công bố mở cảng cá quy định tại khoản 3 Điều 79 Luật Thủy sản;
b) Trong thời hạn 06 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ, tổ chức khảo sát thực tế tại cảng cá, quyết định công bố mở cảng cá theo Mẫu số 10.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không công bố mở cảng cả, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
c) Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày Quyết định công bố mở cảng cá được ban hành, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Nội dung chủ yếu của quyết định mở cảng cá: Tên của cảng cá; loại cảng cá; vị trí tọa độ của cảng cá; vị trí điểm đầu của luồng, độ sâu, chiều rộng luồng vào cảng; chiều dài cầu cảng; cỡ, loại tàu cá lớn nhất có thể cập cảng; năng lực bốc dỡ; thời gian cảng cá bắt đầu hoạt động.
4. Công bố đóng cảng cá:
a) Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 79 Luật Thủy sản ban hành Quyết định đóng cảng cá thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 Luật Thủy sản; đồng thời thực hiện thu hồi Quyết định công bố mở cảng cá đã cấp;
b) Quyết định công bố đóng cảng cá theo Mẫu số 11.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
Chương VI. KIỂM NGƯ
Điều 62. Tổ chức Kiểm ngư
1. Kiểm ngư trung ương được tổ chức như sau:
a) Cục Kiểm ngư là cơ quan thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cục Kiểm ngư có các phòng chuyên môn, các Chi cục Kiểm ngư Vùng và Trung tâm phục vụ hoạt động Kiểm ngư;
b) Chi cục Kiểm ngư Vùng có các phòng chuyên môn, đội tàu Kiểm ngư và Trạm Kiểm ngư;
c) Cục Kiểm ngư và các Chi cục Kiểm ngư Vùng có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước;
d) Trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng có con dấu riêng để giao dịch hành chính và thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
2. Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển là tổ chức hành chính thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
Điều 63. Chế độ, chính sách đối với Kiểm ngư
1. Chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với công chức xếp lương theo các ngạch Kiểm ngư viên:
a) Sau 5 năm (đủ 60 tháng) làm việc liên tục trong lực lượng Kiểm ngư thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
b) Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm được tính thêm 1%.
2. Chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với công chức xếp lương theo các ngạch Kiểm ngư viên:
a) Kiểm ngư viên chính được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
b) Kiểm ngư viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
c) Kiểm ngư viên trung cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 30% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
3. Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức xếp lương theo các ngạch Thuyền viên tàu Kiểm ngư:
a) Thuyền viên Kiểm ngư chính được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 40% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
b) Thuyền viên Kiểm ngư được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 45% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
c) Thuyền viên Kiểm ngư trung cấp được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
4. Công chức, viên chức và người lao động làm việc trên tàu kiểm ngư được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm hệ số 0,3 mức lương cơ sở.
5. Công chức, viên chức và người lao động làm việc trên các tàu kiểm ngư trong thời gian thực tế làm nhiệm vụ trên các vùng biển Việt Nam được áp dụng phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và phụ cấp khu vực:
a) Phụ cấp đặc biệt: Mức 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
b) Phụ cấp thu hút: Mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
c) Phụ cấp khu vực: Hệ số 0,7 mức lương cơ sở.
Phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và phụ cấp khu vực nêu tại điểm a, b, c khoản 5 Điều này được tính trả bằng mức tiền phụ cấp tháng chia cho 22 ngày nhân với ngày thực tế làm nhiệm vụ trên các vùng biển của Việt Nam.
6. Phụ cấp trách nhiệm công việc:
a) Thuyền trưởng tàu kiểm ngư: Hệ số 0,5 mức lương cơ sở;
b) Thuyền phó, Máy trưởng tàu kiểm ngư: Hệ số 0,3 mức lương cơ sở;
c) Máy phó, thủy thủ trưởng: Hệ số 0,2 mức lương cơ sở.
7. Chế độ bồi dưỡng đi biển: Công chức, viên chức và người lao động làm việc trên tàu kiểm ngư trong thời gian đi biển được hưởng chế độ bồi dưỡng đi biển hệ số 0,2 mức lương cơ sở/người/ngày thực tế đi biển.
Điều 64. Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động Kiểm ngư
1. Nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động kiểm ngư theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành:
a) Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí cho hoạt động của Kiểm ngư trung ương, gồm: Vốn đầu tư phát triển; chi thường xuyên;
b) Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho hoạt động của Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, gồm: Vốn đầu tư phát triển; chi thường xuyên;
c) Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách và số tiền thu xử phạt hành chính của năm trước năm hiện hành, cơ quan kiểm ngư lập dự toán kinh phí hoạt động của năm kế hoạch, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, trong đó kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ cho chi thường xuyên hoạt động kiểm ngư.
2. Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Điều 65. Nội dung chi hoạt động Kiểm ngư
1. Chi cho hoạt động bộ máy Kiểm ngư thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.
2. Nội dung chi cho hoạt động Kiểm ngư từ nguồn ngân sách nhà nước cấp duy trì hằng năm:
a) Chi trực đường dây nóng đảm bảo xử lý các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng và các nhiệm vụ trực khác được cấp có thẩm quyền giao;
b) Chi các chế độ phụ cấp, bồi dưỡng đi biển cho công chức, Kiểm ngư viên, Thuyền viên, người làm việc trên tàu Kiểm ngư trong thời gian đi biển theo quy định;
c) Chi hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ chuyên ngành Kiểm ngư;
d) Chi nguyên, nhiên vật liệu cho tàu Kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành; thực hiện công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục các sự cố trên biển; phối hợp cùng lực lượng liên quan tuần tra, kiểm tra, xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; tham gia bảo vệ chủ quyền trên vùng biển, đảo Việt Nam theo quy định;
đ) Chi mua bảo hiểm cho đội tàu Kiểm ngư bao gồm (bảo hiểm con người làm việc trên tàu Kiểm ngư, bảo hiểm tàu, xuồng kiểm ngư); và các loại thuế, phí khác theo quy định;
e) Chi thu thập, mua tin từ cộng tác viên, xử lý thông tin, tài liệu, vật chứng liên quan đến nghiệp vụ Kiểm ngư và thanh tra chuyên ngành; chi hoạt động điều tra, trưng cầu giám định về các nội dung liên quan đến nghiệp vụ Kiểm ngư và thanh tra chuyên ngành;
g) Chi thuê vị trí cập tàu và khu vực neo đậu cho đội tàu kiểm ngư và tàu thuyền vi phạm bị lực lượng Kiểm ngư tạm giữ để xử lý;
h) Chi phí sửa chữa định kỳ, đột xuất tàu, xuồng Kiểm ngư;
i) Chi mua sắm phương tiện, tàu, xuồng kiểm ngư, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, các trang thiết bị chuyên dùng, trang phục cho lực lượng Kiểm ngư; mua sắm vật tư, thiết bị tiêu hao, thuốc, thiết bị y tế phục vụ sơ cứu trên các tàu, xuồng kiểm ngư;
k) Chi xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu và duy trì vận hành hệ thống thông tin về Kiểm ngư;
l) Chi tuyên truyền, đưa tin nóng trên truyền hình, phổ biến, giáo dục pháp luật về Kiểm ngư; thiết kế, in ấn biểu mẫu chuyên ngành Kiểm ngư;
m) Chi tiền công, tiền lương và các khoản theo lương cho cán bộ hợp đồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ hợp đồng lao động;
n) Chi thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc khi tham gia tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo thực thi pháp luật về thủy sản và tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển;
o) Chi công tác học hỏi kinh nghiệm, phối hợp tuần tra, kiểm tra trên biển với lực lượng Kiểm ngư các quốc gia khác;
p) Chi thăm hỏi, động viên hỗ trợ cán bộ và ngư dân khi tham gia trên biển bị tai nạn hoặc tử vong; không quá 5 triệu đồng/người bị tử vong, 2 triệu đồng/người bị thương;
q) Các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động Kiểm ngư.
3. Các khoản chi từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính do lực lượng Kiểm ngư thực hiện được cấp lại để phục vụ cho hoạt động Kiểm ngư:
a) Chi tiền công, tiền lương và các khoản theo lương cho cán bộ hợp đồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; chi thưởng đột xuất cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc khi tham gia tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo thực thi pháp luật về thủy sản và tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển;
b) Chi công tác học hỏi kinh nghiệm, phối hợp tuần tra, kiểm tra trên biển với lực lượng Kiểm ngư các quốc gia khác;
c) Chi thăm hỏi, động viên hỗ trợ cán bộ và ngư dân khi tham gia trên biển bị tai nạn hoặc tử vong; không quá 5 triệu/người bị tử vong, 2 triệu đối với người bị thương.
Chương VII. MUA, BÁN, SƠ CHẾ, CHẾ BIẾN, XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THỦY SẢN, SẢN PHẨM THỦY SẢN
Điều 66. Chế biến loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
Tổ chức, cá nhân có hoạt động chế biến loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Mẫu vật loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật;
2. Mở số theo dõi hoạt động chế biến loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng theo quy định;
3. Sản phẩm hoàn chỉnh được bán trên thị trường phải được dán nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
4. Bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
Điều 67. Xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
1. Tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu không phải xin giấy phép đối với loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam trừ loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
2. Tổ chức, cá nhân được tái xuất, quá cảnh loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật quản lý ngoại thương.
3. Cấp phép xuất khẩu loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu hoặc không đáp ứng điều kiện quy định trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế được thực hiện theo Điều 69 Nghị định này.
4. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp khi xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và quy định tại Nghị định này.
Điều 68. Nhập nội từ biển loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
1. Nhập nội từ biển loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là đưa vào lãnh thổ Việt Nam mẫu vật các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được khai thác từ vùng biển không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào.
2. Tổ chức, cá nhân nhập nội từ biển mẫu vật loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
3. Tổ chức, cá nhân nhập nội từ biển mẫu vật loài thủy sản nguy cấp quý, hiếm trừ các loài quy định tại khoản 2 Điều này, thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Nghị định này.
Điều 69. Cấp phép xuất khẩu loài thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu loài thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu hoặc Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản.
2. Hồ sơ đề nghị cấp phép xuất khẩu loài thủy sản gồm:
a) Đơn đề nghị cấp phép xuất khẩu loài thủy sản theo Mẫu số 36.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Tài liệu chứng minh xuất khẩu loài thủy sản vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.
3. Trình tự thực hiện cấp phép xuất khẩu loài thủy sản:
a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Tổng cục Thủy sản xem xét nội dung hồ sơ, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ;
b) Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cấp phép xuất khẩu loài thủy sản theo Mẫu số 37.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này cho tổ chức, cá nhân sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không đồng ý hoặc nội dung hồ sơ không đạt, Tổng cục Thủy sản trả lời tổ chức, cá nhân bằng văn bản nêu rõ lý do.
Điều 70. Kiểm soát hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ định và công bố danh sách cảng biển cho tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam và thông báo danh sách cảng được chỉ định cho Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO).
2. Tổ chức, cá nhân có tàu vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, trước khi cập cảng 24 giờ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Mẫu số 17.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin của tổ chức, cá nhân có nhu cầu cập cảng; cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xác minh thông tin về nguồn gốc thủy sản, sản phẩm thủy sản trên tàu, quyết định:
a) Cho phép tàu cập cảng và thông báo với cơ quan quản lý cảng nếu không vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp hoặc hỗ trợ cho khai thác bất hợp pháp;
b) Từ chối cho tàu cập cảng và thông báo với cơ quan quản lý cảng nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp hoặc hỗ trợ cho khai thác bất hợp pháp trừ trường hợp bất khả kháng. Công bố và thông báo về quyết định từ chối cập cảng cho quốc gia mà tàu mang cờ, các quốc gia ven biển lân cận, tổ chức quản lý nghề cá khu vực và tổ chức có liên quan.
4. Kiểm tra thông tin liên quan đến tàu nước ngoài khi tàu cập cảng:
a) Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyền kiểm tra tàu nước ngoài ngay sau khi tàu cập cảng (trừ trường hợp tàu chở hàng container có kẹp chì và không lên thủy sản, sản phẩm thủy sản tại Việt Nam) hoặc khi có yêu cầu của quốc gia tàu mà mang cờ, quốc gia ven biển có liên quan;
b) Nguyên tắc kiểm tra: Đảm bảo công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử và không gây phiền hà trong quá trình kiểm tra; không làm ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản trên tàu; cán bộ kiểm tra phải có chuyên môn và am hiểu pháp luật về thủy sản; trong trường hợp cần thiết mời đại diện của quốc gia mà tàu mang cờ tham gia kiểm tra;
c) Nội dung kiểm tra: Thông tin về tàu (tên tàu, số tàu, số IMO); thông tin về chủ tàu, giấy phép khai thác, giấy phép chuyển tải, sản lượng và thành phần loài thủy sản, ngư cụ, tài liệu theo yêu cầu của Công ước CITES (nếu có);
d) Tài liệu phải cung cấp cho cơ quan kiểm tra: Giấy phép khai thác, Giấy đăng ký tàu cá; Giấy phép chuyển tải, các báo cáo chuyển tải và thông tin của tàu chuyển mạn (giấy phép, giấy đăng ký) và tài liệu về thông tin của tàu chuyển tải; tài liệu khác liên quan đến thông tin khai báo trước khi cập cảng;
đ) Quy trình kiểm tra: Cán bộ kiểm tra xuất trình giấy tờ thể hiện công vụ trước thuyền trưởng; tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại điểm c khoản này và thông tin trong Mẫu số 18.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; thuyền trưởng phải cung cấp thông tin đã khai báo và xuất trình giấy tờ quy định tại điểm d khoản này và giấy tờ liên quan đến nội dung kiểm tra và thông tin đã khai báo trước khi cập cảng; lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 18.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; thông báo và xử lý kết quả kiểm tra.
5. Thông báo và xử lý kết quả kiểm tra:
a) Biên bản kiểm tra được lập thành 02 bản, thuyền trưởng và đơn vị kiểm tra mỗi bên giữ 01 bản và gửi cho quốc gia mà tàu cá treo cờ qua địa chỉ mail do Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) công bố;
b) Khi có căn cứ về lô hàng, tàu cá khai thác bất hợp pháp hoặc hỗ trợ cho khai thác bất hợp pháp, cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ chối không cho thủy sản, sản phẩm thủy sản lên cảng và thông báo với Ban quản lý cảng không cho sử dụng các dịch vụ tại cảng đồng thời thông báo cho quốc gia mà tàu mang cờ, quốc gia ven biển, Tổ chức quản lý nghề cá khu vực, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và tổ chức quốc tế có liên quan, quốc gia mà thuyền trưởng của tàu cá đó là công dân về kết quả kiểm tra và biện pháp xử lý vi phạm.
6. Trường hợp đã từ chối cho tàu cập cảng nhưng vẫn cố tình cập cảng hoặc vì lý do bất khả kháng bắt buộc phải cập cảng, cơ quan quản lý cảng phải thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng và lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 19.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; xử lý vi phạm (nếu có). Trường hợp cưỡng chế tàu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì phải thông báo đến quốc gia có liên quan đến tàu và lịch trình di chuyển của tàu.
Chương VIII. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỦY SẢN
Điều 71. Trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản và hoạt động Kiểm ngư;
b) Xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý, kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn biển và trực tiếp tổ chức quản lý các khu bảo tồn biển cấp quốc gia nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; bảo đảm an toàn cho người và tàu cá; quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán thủy sản, sản phẩm thủy sản; truy xuất nguồn gốc thủy sản và Kiểm ngư trên phạm vi cả nước;
c) Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngư cụ, phương pháp khai thác, công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển; bộ chỉ số giám sát, đánh giá thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
d) Kiểm tra, giám sát thực hiện quy định về chế độ quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm từ nuôi trồng thủy sản, khai thác từ tự nhiên; cơ sở nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy nhân tạo loài thủy sản nguy cấp quý, hiếm, bao gồm cả các loài thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp theo quy định; thực thi quy định của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
đ) Đề xuất chính sách trong hoạt động thủy sản;
e) Tổ chức xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; thống nhất quản lý hệ thống giám sát tàu cá trên toàn quốc; quy định quản lý kỹ thuật về hệ thống giám sát tàu cá;
g) Phân cấp, ủy quyền quản lý hoạt động thủy sản cho đơn vị trực thuộc và địa phương; kiểm tra trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý hoạt động thủy sản; giao Tổng cục Thủy sản tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định này theo thẩm quyền;
h) Tổ chức, triển khai thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Thủy sản năm 2017.
2. Bộ Giao thông vận tải:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển đối với các hoạt động của tàu cá, cảng cá;
b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý hoạt động vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản qua cảng biển, dịch vụ hậu cần, tàu cá tại các cảng biển, cảng thủy nội địa thuộc quyền quản lý theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.
3. Bô Tài chính:
a) Quy định về phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định này và pháp luật về phí, lệ phí trong lĩnh vực thủy sản;
b) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan không thông quan đối với lô hàng thủy sản, sản phẩm thủy sản khai thác bất hợp pháp;
c) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý hoạt động vận chuyển thủy sản qua cảng biển, dịch vụ hậu cần, tàu cá tại các cảng biển theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.
4. Bộ Quốc phòng:
a) Chỉ đạo lực lượng thực thi pháp luật trên biển kiểm tra, kiểm soát tàu cá Việt Nam, tàu cá nước ngoài rời cảng, cập cảng và hoạt động trên biển theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tại cảng cá kiểm tra tàu cá, thuyền viên ra vào cảng cá theo quy định của pháp luật;
c) Chỉ đạo lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp, hỗ trợ Kiểm ngư thực thi pháp luật trên biển theo quy định của pháp luật;
d) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý tàu cá, thuyền viên, người làm việc trên tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam và tàu cá Việt Nam hoạt động trên các vùng biển.
5. Bộ Công an:
a) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý tàu cá, thuyền viên, người làm việc trên tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam và tàu cá Việt Nam hoạt động trên các vùng biển;
b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý trong hoạt động thủy sản.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong bảo vệ môi trường, quản lý đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
Điều 72. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Tổ chức, triển khai thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Thủy sản năm 2017.
2. Tổ chức, thực hiện nội dung quản lý hoạt động thủy sản được giao trong Nghị định này.
3. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh triển khai, thực hiện quy định được giao trong Nghị định này.
4. Xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý, kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật về đồng quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn biển; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán thủy sản, sản phẩm thủy sản và Kiểm ngư tại địa phương theo thẩm quyền.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân các cấp, người dân tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chỉ đạo chính quyền các cấp, cơ quan chức năng chủ trì, phối hợp với tổ chức cộng đồng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền tại khu vực thực hiện đồng quản lý. Định kỳ trước ngày 20 tháng 11 hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) về thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí cho hoạt động tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
6. Bố trí lực lượng Kiểm ngư tỉnh thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm tại khu bảo tồn biển theo đề nghị của Ban quản lý khu bảo tồn biển.
7. Chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của Kiểm ngư cấp tỉnh, việc phối hợp hoạt động của Kiểm ngư với cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh; trang bị tàu và xuồng Kiểm ngư; vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng; đồng phục, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu cho Kiểm ngư theo quy định của pháp luật.
Chương IX. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 73. Điều khoản chuyển tiếp
1. Tổ chức đã và đang hoạt động theo phương thức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải thực hiện rà soát và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý theo quy định tại Nghị định này trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
2. Khu bảo tồn biển được thành lập trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy chế quản lý khu bảo tồn biển theo quy định tại Nghị định này trước ngày 01 tháng 01 năm 2020.
3. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè hoặc nuôi đối tượng thủy sản chủ lực trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Nghị định này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
4. Các loại giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ, văn bản chấp thuận được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng đến khi được cấp mới, cấp lại theo quy định tại Nghị định này.
5. Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản các đối tượng chủ lực, cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực tiếp tục được hoạt động và phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện trước ngày 01 tháng 01 năm 2020.
6. Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản không thuộc đối tượng quy định tại khoản 5 Điều này đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực tiếp tục được hoạt động và phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện trước ngày 01 tháng 01 năm 2021.
7. Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá đang hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hoạt động và phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện trước ngày 01 tháng 10 năm 2019.
8. Tổ chức đăng kiểm tàu cá đang hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tiếp tục được hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện trước ngày 01 tháng 01 năm 2020.
9. Cảng cá đang hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành tiếp tục được hoạt động và phải làm thủ tục đề nghị công bố mở cảng theo quy định trước ngày 01 tháng 10 năm 2020.
10. Hồ sơ đăng ký cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận nộp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được cấp thì giải quyết theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ.
11. Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản đã được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục áp dụng đến khi hết thời gian áp dụng chính sách hoặc có văn bản thay thế, hủy bỏ.
12. Việc kiểm tra chất lượng giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu căn cứ tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở do tổ chức, cá nhân công bố đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2020.
13. Việc kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu tiếp tục được áp dụng quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng theo Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản và văn bản hướng dẫn đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Điều 74. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 4 năm 2019.
2. Nghị định này thay thế các văn bản sau đây:
a) Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản;
b) Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
c) Nghị định số 14/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
d) Nghị định số 32/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động thủy sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam;
đ) Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;
e) Nghị định số 52/2010/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ về nhập khẩu tàu cá;
g) Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản;
h) Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;
i) Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;
k) Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư;
l) Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế;
m) Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá Tra;
n) Những nội dung liên quan đến thức ăn thủy sản quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản và Nghị định số 100/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản và Điều 3 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;
o) Điều 15, 16, 17 và Điều 18 Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.
3. Nghị định này bãi bỏ các văn bản sau đây:
a) Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển đặc biệt là đánh bắt xa bờ;
b) Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh;
c) Thông tư số 01/2011/TT-BNN ngày 05 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định sửa đổi, bổ sung danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục vụ và phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17 tháng 7 năm 2008;
d) Thông tư số 101/2008/TT-BNN ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm trang bị máy thu trực canh cho ngư dân;
đ) Thông tư số 26/2014/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá;
e) Quyết định số 20/2006/QĐ-BTS ngày 01 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành Quy chế quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá;
g) Chỉ thị số 05/2007/CT-BTS ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về tăng cường công tác tổ chức và hoạt động của thanh tra thủy sản;
h) Chỉ thị số 10/2005/CT-BTS ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ngăn chặn nghề cào bay và các hoạt động khai thác trái phép tại tuyến bờ, tuyến lộng;
i) Chỉ thị số 03/2006/CT-BTS ngày 27 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác trên các vùng biển Việt Nam.
Điều 75. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
PHỤ LỤC I
CÁC BIỂU MẪU VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN
(Kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ)
TT | Tên biểu mẫu | Ký hiệu |
1 | Đơn đề nghị công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản | Mẫu số 01.BT |
2 | Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản | Mẫu số 02.BT |
3 | Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng | Mẫu số 03.BT |
4 | Thông tin về tổ chức cộng đồng | Mẫu số 04.BT |
5 | Biên bản họp của tổ chức cộng đồng | Mẫu số 05.BT |
6 | Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng | Mẫu số 06.BT |
7 | Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định công nhận và giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản | Mẫu số 07.BT |
8 | Quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng | Mẫu số 08.BT |
9 | Biên bản bàn giao loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm | Mẫu số 09.BT |
10 | Đơn đề nghị cấp văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm | Mẫu số 10.BT |
11 | Phương án khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm | Mẫu số 11.BT |
12 | Văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm | Mẫu số 12.BT |
Mẫu số 01.BT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN VÀ GIAO QUYỀN QUẢN LÝ CHO TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG THỰC HIỆN ĐỒNG QUẢN LÝ TRONG BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh....
hoặc Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố ……..
Tên tôi là: ………………………………………………………………… Giới tính: ……………………
Ngày tháng năm sinh: ………………………………………………….. Dân tộc: …………………….
Mã số định danh/Số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân: ……………………………….
Nghề nghiệp: ………………………………………………………………………………………………
Chỗ ở hiện tại: …………………………………………………………………………………………….
Số điện thoại liên hệ: …………………………………………………………………………………….
Là người đại diện cho [Tên tổ chức cộng đồng]
Từ nhu cầu và sự tự nguyện của các thành viên trong cộng đồng với mục tiêu cùng chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm trong quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản với Nhà nước, chúng tôi [Tên tổ chức cộng đồng], được thành lập theo Quyết định số …… ngày… tháng… năm…… (nếu có), nhận thấy [khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý] có nguồn lợi thủy sản cần được quản lý và bảo vệ nhằm duy trì sinh kế bền vững cho người dân có hoạt động thủy sản tại đây.
Do đó, các thành viên [Tên tổ chức cộng đồng] đã thảo luận và thống nhất xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý tại [khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý] để thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, với nội dung chính như sau:
1. Quyền quản lý đề nghị được giao [theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật Thủy sản].
2. Vị trí, ranh giới khu vực địa lý đề nghị được giao [nêu rõ tên khu vực và tọa độ khu vực (nếu có)].
3. Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.
(Chi tiết tại hồ sơ gửi kèm).
Kính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh.... hoặc Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố ….. xem xét, quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho [Tên tổ chức cộng đồng].
Chúng tôi cam kết sẽ quản lý khu vực được giao theo nội dung được công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tuân thủ các quy định của pháp luật./.
| ………., ngày … tháng … năm 20.... |
Mẫu số 02.BT
PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ VÀ KHAI THÁC NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý gồm các thông tin chủ yếu như sau:
1. Thông tin chung
a) Tổ chức cộng đồng: tên tổ chức cộng đồng; số lượng thành viên.
b) Khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý: vị trí, ranh giới, tọa độ (nếu có), bao gồm sơ đồ vị trí khu vực kèm theo.
2. Sự cần thiết thực hiện đồng quản lý
(Nêu thông tin về hiện trạng nguồn lợi thủy sản, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, du lịch giải trí kết hợp hoạt động thủy sản, kinh tế xã hội; khó khăn, thách thức tại khu vực thực hiện đồng quản lý; dự kiến những vấn đề có thể khắc phục khi thực hiện đồng quản lý hoặc thông tin khác (nếu có) để từ đó thấy được sự cần thiết thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực nêu trên)
3. Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực thực hiện đồng quản lý
a) Mục tiêu, đối tượng thủy sản cần bảo vệ.
b) Phương án tổ chức bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.
c) Phương án tổ chức hoạt động nuôi trồng thủy sản (nếu có).
d) Phương án tổ chức du lịch giải trí kết hợp hoạt động thủy sản (nếu có).
đ) Phương án tổ chức hoạt động khác (nếu có).
4. Giải pháp và tổ chức thực hiện phương án
(Nêu chi tiết hoạt động để thực hiện phương án; nhiệm vụ của tổ chức cộng đồng và các bên liên quan để thực hiện phương án và nội dung khác (nếu có))
Mẫu số 03.BT
QUY CHẾ
Hoạt động của tổ chức cộng đồng
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
(Tên tổ chức cộng đồng, nguyên tắc, mục đích hoạt động của tổ chức cộng đồng)
Chương II
THÀNH VIÊN TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG
(Quy định về đăng ký tham gia tổ chức cộng đồng và chấm dứt tư cách thành viên tổ chức cộng đồng; quyền và nghĩa vụ của thành viên tổ chức cộng đồng; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình không phải là thành viên tổ chức cộng đồng tham gia hoạt động thủy sản tại khu vực đồng quản lý (nếu có))
Chương III
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ CỦA TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG
Điều...: Ban đại diện của tổ chức cộng đồng
1. Ban đại diện hoặc ban tương đương của tổ chức cộng đồng có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là Ban đại diện) do thành viên tổ chức cộng đồng bầu, có trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động của tổ chức cộng đồng, kết nối giữa cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Nhiệm vụ cụ thể
Điều...: Người đại diện tổ chức cộng đồng
1. Người đại diện tổ chức cộng đồng là người thuộc Ban đại diện, do thành viên tổ chức cộng đồng bầu.
2. Nhiệm vụ cụ thể
Điều...: Đội tuần tra, giám sát
1. Đội tuần tra, giám sát do Ban đại diện phân công, thực hiện tuần tra, giám sát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực được giao quản lý; phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm tra, giám sát, lập biên bản và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản.
2. Nhiệm vụ cụ thể
Điều....: Đội tự quản
1. Đội tự quản được tổ chức theo nghề khai thác; theo lĩnh vực hoạt động hoặc theo đơn vị hành chính do các thành viên tổ chức cộng đồng tự nguyện tham gia. Đội thực hiện nhiệm vụ theo quy chế của tổ chức cộng đồng và phân công của Ban đại diện.
2. Nhiệm vụ cụ thể.
Điều....: Các đội khác (nếu có)
1. Các đội khác theo nhu cầu của tổ chức cộng đồng.
2. Nhiệm vụ cụ thể.
(Mỗi ban, đội có người đứng đầu và các thành viên)
Điều....: Nhiệm vụ của tổ chức cộng đồng: tuyên truyền, tập huấn; tuần tra, kiểm soát; tái tạo nguồn lợi thủy sản; thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản, kinh tế xã hội và nhiệm vụ khác (nếu có).
Chương IV
CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG
Điều....: Bầu cử Ban đại diện, người đại diện của tổ chức cộng đồng.
Điều....: Chế độ họp định kỳ hằng năm hoặc đột xuất của tất cả thành viên tổ chức cộng đồng; chế độ họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban đại diện, Đội tuần tra, giám sát, Đội tự quản và các Đội khác.
Điều....: Tài chính cho hoạt động của tổ chức cộng đồng (quy định về thu, chi và thành lập quỹ cộng đồng (nếu có)).
Điều....: Chia sẻ lợi ích của thành viên trong tổ chức cộng đồng (nếu có).
Điều....: Tuần tra, kiểm soát và phối hợp tuần tra, kiểm soát tại khu vực thực hiện đồng quản lý.
Điều....: Giải thể tổ chức cộng đồng.
Điều....: Cơ chế khác (nếu có).
Chương V
QUY CHẾ VỀ HOẠT ĐỘNG THỦY SẢN
Điều....: Quy định về hoạt động được hoặc không được thực hiện.
Điều....: Quy định cụ thể về: nuôi trồng thủy sản; bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản; hoạt động khác của tổ chức cộng đồng (nếu có).
Chương VI
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Mẫu số 04.BT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
THÔNG TIN VỀ TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG
1. Thông tin của tổ chức cộng đồng:
- Tên tổ chức cộng đồng: ………………………………………………………………………………..
- Tổ chức cộng đồng được thành lập theo Quyết định số ………………………………………...... ngày ……. tháng ……. năm ……… (nếu có)
- Số lượng thành viên: …………………………………………………………………………………...
- Thành phần tham gia tổ chức cộng đồng: ……………………………………………………………
2. Thông tin người đại diện của tổ chức cộng đồng (Đối với trường hợp đề nghị thay đổi người đại diện của tổ chức cộng đồng):
- Họ và tên: …………………………………………………… Giới tính: ………………………………
- Ngày tháng năm sinh: ………………………. Dân tộc: ……………. Quốc tịch: …………………..
- Mã số định danh/Số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân: ……………………………..
- Nghề nghiệp: …………………………………………………………………………………………….
- Chỗ ở hiện tại: …………………………………………………………………………………………..
- Số điện thoại liên hệ: …………………………………………………………………………………..
3. Danh sách thành viên tổ chức cộng đồng:
TT | Họ và tên | Năm sinh | Số người trong hộ làm nghề liên quan đến TS | Chỗ ở hiện tại | Khai thác thủy sản | Nuôi trồng thủy sản | Nghề khác | |||||||||
Số ĐK tàu cá | Chiều dài tàu cá (m) | Nghề khai thác TS | Ngư trường khai thác chính | Nguồn thu nhập (chính/ phụ) | Khu vực nuôi | Diện tích nuôi | Đối tượng nuôi | Hình thức nuôi | Nguồn thu nhập (chính/ phụ) | Tên nghề | Nguồn thu nhập (chính/ phụ) | |||||
A | Thành viên là hộ gia đình |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
B | Thành viên là cá nhân |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
NGƯỜI ĐẠI DIỆN CỦA TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG | NGƯỜI LẬP BIỂU |
XÁC NHẬN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ |
Mẫu số 05.BT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
................., ngày ... tháng ... năm ..............
BIÊN BẢN HỌP CỦA TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG
Thông qua Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tên tổ chức cộng đồng: …………………………………………………………………………….
2. Số lượng thành viên tổ chức cộng đồng: …………………………………………………………
3. Thành phần tham dự họp (ghi cụ thể thông tin của đại biểu và số lượng thành viên tổ chức cộng đồng tham dự họp): ……………………………………………………………………………..
4. Thời gian, địa điểm tổ chức họp: ………………………………………………………………….
II. NỘI DUNG CUỘC HỌP
1. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự, người chủ trì, người ghi biên bản cuộc họp.
2. Bầu người đại diện của tổ chức cộng đồng.
3. Thảo luận, thống nhất và biểu quyết thông qua nội dung về:
- Danh sách thành viên tham gia tổ chức cộng đồng.
- Dự thảo Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý.
- Dự thảo Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.
- Các vấn đề khác (nếu có).
(Người ghi biên bản ghi đầy đủ ý kiến của các đại biểu tham dự, kết quả biểu quyết thông qua của thành viên tổ chức cộng đồng đối với từng nội dung)
Cuộc họp kết thúc vào hồi ……………………., ngày …… tháng ……năm ……… tại [tên địa điểm tổ chức đại hội].
Biên bản này được lập thành 02 (hai) bản có giá trị ngang nhau.
ĐẠI DIỆN CỦA CỘNG ĐỒNG | NGƯỜI GHI BIÊN BẢN |
ĐẠI DIỆN ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ THAM DỰ CUỘC HỌP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
……….., ngày ….. tháng …… năm …….
BIÊN BẢN HỌP CỦA TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG
Thông qua nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tên tổ chức cộng đồng: ………………………………………………………………………………
2. Số lượng thành viên tổ chức cộng đồng: …………………………………………………………..
3. Thành phần tham dự họp (ghi cụ thể thông tin của đại biểu và số lượng thành viên tổ chức cộng đồng tham dự họp): ……………………………………………………………………………….
4. Thời gian, địa điểm tổ chức họp: ..............................................................................................
II. NỘI DUNG CUỘC HỌP
1. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự, người chủ trì, người ghi biên bản cuộc họp.
2. Thảo luận, thống nhất và biểu quyết thông qua nội dung về [lựa chọn một hoặc nhiều nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung]:
- Tên tổ chức cộng đồng (đối với tổ chức cộng đồng không có tư cách pháp nhân).
- Tên người đại diện của tổ chức cộng đồng.
- Phạm vi quyền quản lý được giao.
- Vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao.
- Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.
- Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.
(Người ghi biên bản ghi đầy đủ ý kiến của các đại biểu tham dự, kết quả biểu quyết thông qua của thành viên tổ chức cộng đồng đối với từng nội dung)
Cuộc họp kết thúc vào hồi ………………….., ngày … tháng … năm …… tại [tên địa điểm tổ chức đại hội].
Biên bản này được lập thành 02 (hai) bản có giá trị ngang nhau.
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG | NGƯỜI GHI BIÊN BẢN |
ĐẠI DIỆN ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ THAM DỰ CUỘC HỌP |
Mẫu số 06.BT
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH … | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……./QĐ-…… | ……..., ngày … tháng … năm …… |
QUYẾT ĐỊNH
Công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại ………..
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ………………………………………..
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số ..../2019/NĐ-CP ngày ... tháng .... năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Căn cứ văn bản hiệp thương giữa Ủy ban nhân dân tỉnh (nếu có);
Xét văn bản thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng của …………….,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công nhận [tên tổ chức cộng đồng] thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản như sau:
1. Người đại diện [tên tổ chức cộng đồng]: Ông/Bà [họ và tên người đại diện của tổ chức cộng đồng], số chứng minh thư/thẻ căn cước, thường trú tại …………………………
2. Công nhận Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng kèm theo Quyết định này.
3. Nội dung khác (nếu có)
Điều 2. Giao quyền quản lý cho [tên tổ chức cộng đồng] thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực [vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao] (sơ đồ/bản đồ khu vực địa lý kèm theo Quyết định này).
Phạm vi quyền được giao bao gồm: [ghi cụ thể quyền được giao theo đề nghị của tổ chức cộng đồng và quy định tại Luật Thủy sản].
Nội dung khác (nếu có)
Điều 3. [tên tổ chức cộng đồng] có trách nhiệm thực hiện việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản theo đúng nội dung tại Điều 1, Điều 2 Quyết định này và quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 4. Giao [tên các đơn vị có liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng,...] tổ chức thực hiện, theo dõi, hỗ trợ tổ chức cộng đồng thực hiện nội dung tại Điều 1, Điều 2 Quyết định này [ghi nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị].
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các đơn vị có liên quan [kể tên đơn vị], Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện …….., Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã …….., [tên tổ chức cộng đồng] và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …../QĐ-……… | …………….., ngày … tháng … năm …… |
QUYẾT ĐỊNH
Công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại........
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN/THỊ XÃ/THÀNH PHỐ ……..
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số ..../2019/NĐ-CP ngày ... tháng .... năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Xét văn bản thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng của ……………,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công nhận [tên tổ chức cộng đồng] tham gia thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản chi tiết như sau:
1. Người đại diện [tên tổ chức cộng đồng]: Ông/Bà [họ và tên người đại diện của tổ chức cộng đồng], số chứng minh thư/thẻ căn cước, thường trú tại …………………………
2. Công nhận Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng theo nội dung tại Phụ lục Quyết định này.
3. Nội dung khác (nếu có)
Điều 2. Giao quyền quản lý cho [tên tổ chức cộng đồng] thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực [vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao] (sơ đồ/bản đồ khu vực địa lý tại Phụ lục kèm theo Quyết định này).
Phạm vi quyền được giao bao gồm: [ghi cụ thể quyền được giao theo quy định tại Luật Thủy sản].
Nội dung khác (nếu có)
Điều 3. [tên tổ chức cộng đồng] có trách nhiệm thực hiện việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản theo đúng nội dung tại Điều 1, Điều 2 Quyết định này và quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 4. Giao [tên các đơn vị có liên quan như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân xã, Đồn biên phòng,...] tổ chức thực hiện, theo dõi, hỗ trợ tổ chức cộng đồng thực hiện nội dung tại Điều 1, Điều 2 Quyết định này [ghi nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị].
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan [kể tên đơn vị], Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ………, [tên tổ chức cộng đồng] và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Mẫu số 07.BT
TÊN TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
ĐƠN ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN VÀ GIAO QUYỀN CHO TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG THỰC HIỆN ĐỒNG QUẢN LÝ TRONG BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh …………..
hoặc Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố …………..
Tên tôi là: ……………………………………………………… Giới tính: ………………………………
Là người đại diện cho [Tên tổ chức cộng đồng]
[Tên tổ chức cộng đồng] được công nhận và giao quyền quản lý thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Quyết định số ………………. ngày ………………….. của Ủy ban nhân dân tỉnh...... hoặc Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố.
Sau một thời gian hoạt động theo các nội dung được công nhận và giao quyền quản lý, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau [lựa chọn một hoặc nhiều nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung]:
1. Tên tổ chức cộng đồng (đối với tổ chức cộng đồng không có tư cách pháp nhân);
2. Người đại diện của tổ chức cộng đồng;
3. Phạm vi quyền quản lý được giao;
4. Vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao;
5. Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản;
6. Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.
(Chi tiết tại hồ sơ gửi kèm)
Kính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh.... hoặc Ủy ban nhân dân huyện/ thị xã/thành phố xem xét và quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số …………….. ngày ……………………….. để [Tên tổ chức cộng đồng] hoạt động được hiệu quả hơn.
| ………….., ngày …. tháng ….. năm……. |
Mẫu số 08.BT
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH … | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …../QĐ-……… | …………….., ngày … tháng … năm …… |
QUYẾT ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung nội dung Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại ………….
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH …………..
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số ..../2019/NĐ-CP ngày ... tháng .... năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Căn cứ văn bản hiệp thương giữa Ủy ban nhân dân tỉnh (nếu có);
Căn cứ Quyết định số ……… ngày ... tháng ... năm .... của Ủy ban nhân dân tỉnh .... công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại....;
Xét văn bản thẩm định hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng của ……………..,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung nội dung quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại.... như sau: [lựa chọn một hoặc nhiều nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung]:
1. Tên tổ chức cộng đồng.
2. Người đại diện của tổ chức cộng đồng: Ông/Bà [họ và tên người đại diện của tổ chức cộng đồng], số chứng minh thư/thẻ căn cước, thường trú tại ………………………….
3. Phạm vi quyền quản lý được giao.
4. Vị trí, ranh giới khu vực thực hiện đồng quản lý (sơ đồ/bản đồ khu vực địa lý kèm theo Quyết định này).
5. Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản kèm theo Phụ lục Quyết định này.
6. Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng kèm theo Phụ lục Quyết định này.
7. Nội dung khác (nếu có).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những nội dung không quy định tại Điều 1 Quyết định này tiếp tục thực hiện theo Quyết định số …….. ngày ... tháng ... năm .... của Ủy ban nhân dân tỉnh .... công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại....
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các đơn vị có liên quan [kể tên đơn vị], Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ……, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ………….., [tên tổ chức cộng đồng] và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …../QĐ-……… | …………….., ngày … tháng … năm …… |
QUYẾT ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung nội dung Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại ……………………
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN/THỊ XÃ/THÀNH PHỐ …………………….
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số ..../2019/NĐ-CP ngày ... tháng .... năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Căn cứ Quyết định số ……… ngày ... tháng ... năm .... của Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố .... công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại....;
Xét văn bản thẩm định hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng của ……………….,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung nội dung Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại.... chi tiết như sau [lựa chọn một hoặc nhiều nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung]:
1. Tên tổ chức cộng đồng.
2. Người đại diện của tổ chức cộng đồng: Ông/Bà [họ và tên người đại diện của tổ chức cộng đồng], số chứng minh thư/thẻ căn cước, thường trú tại …………………………….
3. Phạm vi quyền quản lý được giao.
4. Vị trí, ranh giới khu vực thực hiện đồng quản lý (sơ đồ/bản đồ khu vực địa lý kèm theo Quyết định này).
5. Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản kèm theo Quyết định này.
6. Quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng kèm theo Phụ lục Quyết định này.
7. Nội dung khác (nếu có).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những nội dung không quy định tại Điều 1 Quyết định này tiếp tục thực hiện theo Quyết định số ……………. ngày ... tháng ... năm .... của Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố .... công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại....
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan [kể tên đơn vị], Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ………………, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã …………., [tên tổ chức cộng đồng] và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Mẫu số 09.BT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
……….., ngày ….. tháng …… năm ……….
BIÊN BẢN
Bàn giao loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
Hôm nay, ngày.... tháng …… năm ……………, tại xã ……… , huyện ……., tỉnh ……….., chúng tôi gồm:
I. BÊN GIAO: (tổ chức/cá nhân khai thác hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản tại địa phương)
1. Ông/bà: …………………………………………… Số điện thoại: …………………………………
- Mã số định danh cá nhân/số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân: ………………….
2. Ông/bà: ………………………………………………………………………………………………..
- Mã số định danh cá nhân/số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân: ………………….
II. BÊN NHẬN: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam/Cơ quan nghiên cứu khoa học/Cơ sở có chức năng cứu hộ, đại diện là:
1. Ông/bà: ……………………………………………………………………………………………….
2. Ông/bà: ……………………………………………………………………………………………….
III. ĐẠI DIỆN CÁC BÊN LIÊN QUAN KHÁC (nếu có):
1. Ông/bà: ………………………………………………………………………………………………
2. Ông/bà: ………………………………………………………………………………………………
Các bên đã thỏa thuận về việc chuyển giao mẫu vật với các nội dung cụ thể sau:
1. Ông/bà …………………… bàn giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam/cơ quan nghiên cứu khoa học/Cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản [số lượng mẫu vật] có nguồn gốc từ ……….. do ……………. (phát hiện, đánh bắt, tịch thu,...) vào ngày …. tháng …… năm ……….;
Đặc điểm mẫu vật tại thời điểm chuyển giao:
Mẫu thứ 1: ……………………………………………………………………………………………….
Mẫu thứ 2: ……………………………………………………………………………………………….
Mẫu thứ n: ……………………………………………………………………………………………….
2. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam/cơ quan nghiên cứu khoa học/Cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản thanh toán cho ông/bà ………………. các khoản chi phí vận chuyển từ ngoài khơi, cất giữ, bảo quản, thông tin liên lạc, …………….với tổng số tiền là: ……………………….. đồng (bằng chữ: ……………….)
3. Số mẫu vật trên được Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam/cơ quan nghiên cứu khoa học/Cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản vận chuyển về ………………………… để chế tác thành mẫu vật trưng bày theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Biên bản được lập thành 04 bản, Bên giao giữ 01 bản, Bên nhận giữ 03 bản và có giá trị pháp lý như nhau./.
BÊN GIAO | CÁC BÊN LIÊN QUAN KHÁC | BÊN NHẬN |
Mẫu số 10.BT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP VĂN BẢN CHẤP THUẬN KHAI THÁC LOÀI THỦY SẢN NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Kính gửi: Tổng cục Thủy sản.
Tên tổ chức/cá nhân: ……………………………………………………………………………………
Giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập tổ chức (đối với tổ chức - ghi rõ số, ngày cấp, cơ quan cấp): ……………………………………………………………………………….
Mã số định danh/Số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân (đối với cá nhân): …………
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………………
Điện thoại liên hệ: ……………………………………………………………………………………….
Đề nghị Tổng cục Thủy sản cấp Văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, chi tiết như sau:
1. Mục đích khai thác: …………………………………………………………………………………..
2. Đối tượng, thời gian, phương tiện, ngư cụ khai thác:
TT | Tên loài | Số lượng/ khối lượng khai thác | Vùng khai thác | Thời gian khai thác (dự kiến) | Phương tiện khai thác | Ngư cụ khai thác | |
Tên tiếng Việt | Tên khoa học | ||||||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
3. Các tài liệu, hồ sơ kèm theo:
Chúng tôi cam kết thực hiện theo đúng mục đích, phương án khai thác và quy định pháp luật về thủy sản.
| ………, ngày …. tháng ….. năm …….. |
Mẫu số 11.BT
PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC LOÀI THỦY SẢN NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
1. Đặt vấn đề:
Giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, lịch sử hình thành, quá trình thực hiện các hoạt động có liên quan,... của đơn vị tư vấn, tổ chức, cá nhân thực hiện việc khai thác; điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và những nghiên cứu đã được thực hiện ở địa bàn trước đây và các thông tin khác có liên quan. Số liệu đánh giá tổng thể về quần thể loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trên thế giới (nếu có) và ở Việt Nam.
2. Tổng quan khu vực thực hiện:
Nêu rõ địa điểm, ranh giới, diện tích khu vực khai thác; hiện trạng nguồn lợi thủy sản ở khu vực dự kiến khai thác.
3. Phương pháp, thời gian thực hiện (thống kê các nội dung điều tra và các phương pháp đã thực hiện các nội dung đó, kèm theo các mẫu biểu nếu có):
4. Đề xuất phương án khai thác: Phương tiện, công cụ, hình thức khai thác.
5. Kết quả dự kiến của nhiệm vụ bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo giống ban đầu, hợp tác quốc tế:
6. Kết luận và kiến nghị:
7. Phụ lục: Trình bày những thông tin chưa được nêu trong phần kết quả như: danh mục loài thủy sản, các bảng số liệu, hình ảnh và các tài liệu khác có liên quan.
8. Tài liệu tham khảo: ………………………………………………………………………………..
| ………, ngày …. tháng ….. năm …….. |
Mẫu số 12.BT
BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /TCTS-…… | ……………., ngày … tháng … năm …… |
Kính gửi: ………………………………………………….
Căn cứ Luật Thủy sản 2017; Nghị định số... /2019/NĐ-CP về việc ………………;
Trên cơ sở hồ sơ của (tổ chức/cá nhân) ……………., Tổng cục Thủy sản đồng ý cấp văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm cho:
Tổ chức/cá nhân: ………………………………………………………………………………………..
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………………
Điện thoại: ………………………………………………………………………………………………..
Giấy phép đăng ký kinh doanh/Thông tin cá nhân: ………………………………………………….
Giấy phép khai thác thủy sản số (nếu có): ……………………………………………………………
Khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm phục vụ mục đích …………., chi tiết như sau:
TT | Tên loài | Số lượng/ khối lượng khai thác | Vùng khai thác | Thời gian khai thác | Phương tiện khai thác | Loại nghề khai thác | |
Tên tiếng Việt | Tên khoa học | ||||||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
Giao (tên cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh) kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn quản lý.
Tổ chức, cá nhân khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có trách nhiệm thực hiện theo đúng mục đích, phương án khai thác và quy định pháp luật có liên quan.
Văn bản này có giá trị đến hết ngày .... tháng.... năm ……..
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
PHỤ LỤC II
DANH MỤC LOÀI THỦY SẢN NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
(Kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ)
PHẦN I. NHÓM I
TT | Tên Việt Nam | Tên khoa học |
I | LỚP ĐỘNG VẬT CÓ VÚ | MAMMALIAS |
1. | Họ cá heo biển (tất cả các loài, trừ cá heo trắng trung hoa - Sousa chinensis) | Delphinidae |
2. | Họ cá heo chuột (tất cả các loài) | Phocoenidae |
3. | Họ cá heo nước ngọt (tất cả các loài) | Platanistidae |
4. | Họ cá voi lưng gù (tất cả các loài) | Balaenopteridae |
5. | Họ cá voi mõm khoằm (tất cả các loài) | Ziphiidae |
6. | Họ cá voi nhỏ (tất cả các loài) | Physeteridae |
II | LỚP CÁ XƯƠNG | OSTEICHTHYES |
7. | Cá chình mun | Anguilla bicolor |
8. | Cá chình nhật | Anguilla japonica |
9. | Cá cháy bắc | Tenualosa reevesii |
10. | Cá mòi đường | Albula vulpes |
11. | Cá đé | Ilisha elongata |
12. | Cá thát lát khổng lồ | Chitala lopis |
13. | Cá anh vũ | Semilabeo obscurus |
14. | Cá chép gốc | Procypris merus |
15. | Cá hô | Catlocarpio siamensis |
16. | Cá học trò | Balantiocheilos ambusticauda |
17. | Cá lợ thân cao (Cá lợ) | Cyprinus hyperdorsalis |
18. | Cá lợ thân thấp | Cyprinus multitaeniata |
19. | Cá măng giả | Luciocyprinus langsoni |
20. | Cá may | Gyrinocheilus aymonieri |
21. | Cá mè huế | Chanodichthys flavpinnis |
22. | Cá mơn (Cá rồng) | Scleropages formosus |
23. | Cá pạo (Cá mị) | Sinilabeo graffeuilli |
24. | Cá rai | Neolisochilus benasi |
25. | Cá trốc | Acrossocheilus annamensis |
26. | Cá trữ | Cyprinus dai |
27. | Cá thơm | Plecoglossus altivelis |
28. | Cá niết cúc phương | Pterocryptis cucphuongensis |
29. | Cá tra dầu | Pangasianodon gigas |
30. | Cá chen bầu | Ompok bimaculatus |
31. | Cá vồ cờ | Pangasius sanitwongsei |
32. | Cá sơn đài | Ompok miostoma |
33. | Cá bám đá | Gyrinocheilus pennocki |
34. | Cá trê tối | Clarias meladerma |
35. | Cá trê trắng | Clarias batrachus |
36. | Cá trèo đồi | Chana asiatica |
37. | Cá bàng chài vân sóng | Cheilinus undulatus |
38. | Cá dao cạo | Solenostomus paradoxus |
39. | Cá dây lưng gù | Cyttopsis cypho |
40. | Cá kèn trung quốc | Aulostomus chinensis |
41. | Cá mặt quỷ | Scorpaenopsis diabolus |
42. | Cá mặt trăng | Mola mola |
43. | Cá mặt trăng đuôi nhọn | Masturus lanceolatus |
44. | Cá nòng nọc nhật bản | Ateleopus japonicus |
45. | Cá ngựa nhật | Hippocampus japonicus |
46. | Cá đường (Cá sủ giấy) | Otolithoides biauratus |
47. | Cá kẽm chấm vàng | Plectorhynchus flavomaculatus |
48. | Cá kẽm mép vẩy đen | Plectorhynchus gibbosus |
49. | Cá song vân giun | Epinephelus undulatostriatus |
50. | Cá mó đầu u | Bolbometopon muricatum |
51. | Cá mú dẹt | Cromileptes altivelis |
52. | Cá mú chấm bé | Plectropomus leopardus |
53. | Cá mú sọc trắng | Anyperodon leucogrammicus |
54. | Cá hoàng đế | Pomacanthus imperator |
Ill | LỚP CÁ SỤN | CHONDRICHTHYES |
55. | Các loài cá đuối nạng | Mobula sp. |
56. | Các loài cá đuối ó mặt quỷ | Manta sp. |
57. | Cá đuối quạt | Okamejei kenojei |
58. | Cá giống mõm tròn | Rhina ancylostoma |
59. | Cá mập đầu bạc | Carcharhinus albimarginatus |
60. | Cá mập đầu búa hình vỏ sò | Sphyrna lewini |
61. | Cá mập đầu búa lớn | Sphyrna mokarran |
62. | Cá mập đầu búa trơn | Sphyrna zygaena |
63. | Cá mập đầu vây trắng | Carcharhinus longimanus |
64. | Cá mập đốm đen đỉnh đuôi | Carcharhinus melanopterus |
65. | Cá mập hiền | Carcharhinus amblyrhynchoides |
66. | Cá mập lơ cát | Carcharhinus leucas |
67. | Cá mập lụa | Carcharhinus falciformis |
68. | Cá mập trắng lớn | Carcharodon carcharias |
69. | Cá nhám lông nhung | Cephaloscyllium umbratile |
70. | Cá nhám nâu | Etmopterus lucifer |
71. | Cá nhám nhu mì | Stegostoma fasciatum |
72. | Cá nhám răng | Rhinzoprionodon acutus |
73. | Cá nhám thu | Lamna nasus |
74. | Cá nhám thu/cá mập sâu | Pseudocarcharias kamoharai |
75. | Cá nhám voi | Rhincodon typus |
76. | Các loài cá đao | Pristidae spp. |
77. | Các loài cá mập đuôi dài | Alopias spp. |
IV | LỚP HAI MẢNH VỎ | BIVALVIA |
78. | Trai bầu dục cánh cung | Margaritanopsis laosensis |
79. | Trai cóc dày | Gibbosula crassa |
80. | Trai cóc hình lá | Lamprotula blaisei |
81. | Trai cóc nhẵn | Cuneopsis demangei |
82. | Trai cóc vuông | Protunio messageri |
83. | Trai mẫu sơn | Contradens fultoni |
84. | Trai sông bằng | Pseudobaphia banggiangensis |
V | LỚP CHÂN BỤNG | GASTROPODA |
85. | Các loài trai tai tượng | Tridacna spp. |
86. | Họ ốc anh vũ (tất cả các loài) | Nautilidae |
87. | Ốc đụn cái | Tectus niloticus |
88. | Ốc đụn đực | Tectus pyramis |
89. | Ốc mút vệt nâu | Cremnoconchus messageri |
90. | Ốc sứ mắt trĩ | Cypraea argus |
91. | Ốc tù và | Charonia tritonis |
92. | Ốc xà cừ | Turbo marmoratus |
VI | LỚP SAN HÔ | ANTHOZOA |
93. | Bộ san hô đá (tất cả các loài) | Scleractinia |
94. | Bộ san hô cứng (tất cả các loài) | Stolonifera |
95. | Bộ san hô đen (tất cả các loài) | Antipatharia |
96. | Bộ san hô sừng (tất cả các loài) | Gorgonacea |
97. | Bộ san hô xanh (tất cả các loài) | Helioporacea |
VII | NGÀNH DA GAI | ECHINODERMATA |
98. | Cầu gai đá | Heterocentrotus mammillatus |
99. | Hải sâm hổ phách | Thelenota anax |
100. | Hải sâm lựu | Thelenota ananas |
101. | Hải sâm mít hoa (Hải sâm dừa) | Actinopyga mauritiana |
102. | Hải sâm trắng (Hải sâm cát) | Holothuria (Metriatyla) scabra |
103. | Hải sâm vú | Microthele nobilis |
VIII | GIỚI THỰC VẬT | PLANTAE |
104. | Cỏ nàn | Halophila beccarii |
105. | Cỏ xoan đơn | Halophila decipiens |
106. | Cỏ lăn biển | Syringodium izoetifolium |
107. | Rong bắp sú | Kappaphycus striatum |
108. | Rong bong bóng đỏ | Scinaia boergesenii |
109. | Rong câu chân vịt | Hydropuntia eucheumoides |
110. | Rong câu cong | Gracilaria arcuata |
111. | Rong câu dẹp | Gracilaria textorii |
112. | Rong câu đỏ | Gracilaria rubra |
113. | Rong câu gậy | Gracilaria blodgettii |
114. | Rong chân vịt nhăn | Cryptonemia undulata |
115. | Rong đông gai dày | Hypnea boergesenii |
116. | Rong đông sao | Hypnea cornuta |
117. | Rong hồng mạc nhăn | Halymenia dilatata |
118. | Rong hồng mạc trơn | Halymenia maculata |
119. | Rong hồng vân | Betaphycus gelatinum |
120. | Rong hồng vân thỏi | Eucheuma arnoldii |
121. | Rong kỳ lân | Kappaphycus cottonii |
122. | Rong mơ | Sargassum quinhonensis |
123. | Rong mơ mềm | Sargassum tenerrimum |
124. | Rong nhớt | Helminthodadia australis |
125. | Rong sụn gai | Eucheuma denticulatum |
126. | Rong tóc tiên | Bangia fuscopurpurea |
PHẦN II. NHÓM II
TT | Tên Việt Nam | Tên khoa học | Thời gian cấm khai thác trong năm (ngày/tháng) | Kích thước tối thiểu cho phép khai thác (Tổng chiều dài (TL) tính theo cm) |
I | LỚP CÁ |
|
|
|
1. | Cá bỗng | Spinibarbus denticulatus | 1/4 - 31/8 | ≥ 50 |
2. | Cá cầy | Paraspinibarbus macracanthus | 1/4 - 31/8 | ≥ 40 |
3. | Cá cháo biển | Elops saurus |
| ≥ 20 |
4. | Cá cháo lớn | Megalops cyprinoides | 1/3 - 1/6 | ≥ 20 |
5. | Cá chày đất | Spinibarbus hollandi | 1/4 - 31/8 | ≥ 30 |
6. | Cá chiên | Bagarius rutilus | 1/4 - 31/7 | ≥ 45 |
7. | Cá chiên bạc | Bagarius yarrelli | 1/4 - 31/8 | ≥ 45 |
8. | Cá chình hoa | Anguilla marmorata | 1/3 - 30/4 |
|
9. | Cá chình nhọn | Anguilla borneensis | 1/3 - 30/4 |
|
10. | Cá còm (cá nàng hai) | Chitala ornata | 1/5 - 30/10 | ≥ 40 |
11. | Cá còm hoa (Thát lát cườm) | Chitala blanci | 1/5 - 30/10 | ≥ 40 |
12. | Cá dảnh bông | Puntioplites bulu | 1/6 - 31/10 | ≥ 30 |
13. | Cá duồng | Cirrhinus microlepis | 1/4 - 31/8 | ≥ 30 |
14. | Cá duồng bay | Cosmochilus harmandi | 1/6 - 31/9 | ≥ 30 |
15. | Cá ét mọi | Morulius chrysophekadion | 1/5 - 31/9 | ≥ 20 |
16. | Cá he đỏ | Barbonymus altus | 1/6 - 31/9 | ≥ 30 |
17. | Cá he vàng | Barbonymus chwanenfeldi | 1/4 - 31/9 | ≥ 30 |
18. | Cá hỏa | Sinilabeo tonkinensis |
| ≥ 43 |
19. | Cá hường | Datnioides microlepis | 1/4 - 31/8 | ≥ 20 |
20. | Cá hường vện | Datnioides quadrifasciatus | 1/6 - 31/8 | ≥ 20 |
21. | Cá lăng (Cá lăng chấm) | Hemibagrus guttatus | 1/4 - 31/7 | ≥ 56 |
22. | Cá lăng đen | Hemibagrus pluriradiatus | 1/4 - 31/7 | ≥ 50 |
23. | Cá măng (Cá măng đậm) | Elopichthys bambusa | 1/4 - 30/7 |
|
24. | Cá măng sữa | Chanos chanos | 1/3 - 31/5 |
|
25. | Cá mòi cờ chấm | Knonsirus punctatus | 1/4 - 31/8 | ≥ 20 |
26. | Cá mòi cờ hoa (Cá mòi cờ) | Clupanodon thrissa | 1/4 - 31/8 | ≥ 20 |
27. | Cá mòi không răng | Anodontosma chacunda | 1/11 - 30/1 | ≥ 10 |
28. | Cá mòi mõm tròn | Nematalosa nasus | 1/4 - 31/7 |
|
29. | Cá mõm trâu | Bangana behri | 1/5 - 31/9 | ≥ 30 |
30. | Cá ngạnh | Cranoglamis bouderius |
| ≥ 21 |
31. | Cá ngựa | Tor mekongensis | 1/6 - 31/10 | ≥ 30 |
32. | Cá ngựa bắc | Tor (Folifer) brevifilis | 1/4 - 31/8 | ≥ 20 |
33. | Cá ngựa nam | Hampala macrolepidota |
| ≥ 18 |
34. | Cá ngựa xám | Tor tambroides | 1/4 - 31/8 | ≥ 30 |
35. | Cá rầm xanh | Sinilabeo lemassoni |
| ≥ 25 |
36. | Cá sỉnh (niên) | Onychostoma gerlachi | 1/4 - 31/8 | ≥ 30 |
37. | Cá sỉnh gai | Onychostoma laticeps | 1/4 - 31/8 | ≥ 20 |
38. | Cá sủ | Boesemania microlepis | 1/4 - 31/8 | ≥ 60 |
39. | Cá thái hổ | Datnioides pulcher | 1/6 - 31/8 | ≥ 20 |
40. | Cá trà sóc | Probarbus jullieni | 1/12 - 30/1 năm sau |
|
41. | Cá trèn | Ompok siluroides | 1/4 - 31/8 | ≥ 40 |
42. | Cá vền | Megalobrama terminalis |
| ≥ 23 |
43. | Cá kim | Schindleria praematura | 1/6 - 31/7 |
|
44. | Cá ngựa chấm | Hippocampus trimaculatus | 1/5 - 1/8 | ≥ 14 |
45. | Cá ngựa đen | Hippocampus kuda | 1/9 - 1/12 | ≥ 12 |
46. | Cá ngựa gai | Hippocampus histrix | 1/5 - 1/8 | ≥ 15 |
47. | Cá ngựa ken lô | Hippocampus kelloggi | 1/5 - 1/8 | ≥ 20 |
48. | Cá mú hoa nâu | Eninephelus fuscoguttatus | 1/3 - 1/6 | ≥ 40 |
49. | Cá đù đầu lớn | Collichthys lucidus | 1/1 - 30/4 | ≥ 10 |
II | GIÁP XÁC |
|
|
|
50. | Cua đá | Gecarcoidea lalandii |
| ≥ 7* |
51. | Cua hoàng đế | Ranina ranina |
| ≥ 10* |
52. | Tôm hùm bông | Panulirus ornatus | 1/4 - 30/5 |
|
53. | Tôm hùm đá | Panulirus homarus | 1/4 - 30/5 |
|
54. | Tôm hùm đỏ | Panulirus longipes | 1/4 - 30/5 |
|
55. | Tôm hùm kiếm ba góc | Linuparus trigonus | 1/4 - 30/5 |
|
56. | Tôm hùm lông đỏ | Palinurellus gundlachi wieneckii | 1/4 - 30/5 |
|
57. | Tôm hùm sen | Panulirus versicolor | 1/4 - 30/5 |
|
58. | Tôm vỗ biển sâu | Ibacus ciliatus | 1/4 - 30/5 |
|
59. | Tôm vỗ dẹp trắng | Thenus orientalis | 1/4 - 30/5 |
|
60. | Tôm vỗ xanh | Parribacus antarcticus | 1/4 - 30/5 |
|
* Kích thước mai
PHỤ LỤC III
CÁC BIỂU MẪU TRONG LĨNH VỰC NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
(Kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ)
TT | Tên biểu mẫu | Ký hiệu |
1. | Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản | Mẫu số 01.NT |
2. | Bản thuyết minh chi tiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản | Mẫu số 02.NT |
3. | Biên bản kiểm tra cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản | Mẫu số 03.NT |
4. | Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản | Mẫu số 04.NT |
5. | Đơn đề nghị cấp phép nhập khẩu giống thủy sản | Mẫu số 05.NT |
6. | Giấy phép nhập khẩu giống thủy sản | Mẫu số 06.NT |
7. | Đơn đăng ký khảo nghiệm giống thủy sản | Mẫu số 07.NT |
8. | Đề cương khảo nghiệm giống thủy sản | Mẫu số 08.NT |
9. | Biên bản kiểm tra cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản | Mẫu số 09.NT |
10. | Quyết định phê duyệt Đề cương khảo nghiệm giống thủy sản | Mẫu số 10.NT |
11. | Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 11.NT |
12. | Bản thuyết minh điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 12.NT |
13. | Biên bản kiểm tra điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản/sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 13.NT |
14. | Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 14.NT |
15. | Đơn đăng ký nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để trưng bày tại hội chợ, triển lãm/để nghiên cứu | Mẫu số 15.NT |
16. | Giấy phép nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 16.NT |
17. | Đơn đăng ký khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 17.NT |
18. | Đề cương khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 18.NT |
19. | Bản thuyết minh điều kiện cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 19.NT |
20. | Biên bản kiểm tra điều kiện cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 20.NT |
21. | Quyết định phê duyệt đề cương khảo nghiệm thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 21.NT |
22. | Quyết định về việc công nhận thức ăn thủy sản/sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã khảo nghiệm | Mẫu số 22.NT |
23. | Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 23.NT |
24. | Biên bản kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 24.NT |
25. | Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 25.NT |
26. | Đơn đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè/đối tượng thủy sản nuôi chủ lực | Mẫu số 26.NT |
27. | Đơn đăng ký lại nuôi trồng thủy sản lồng bè/đối tượng thủy sản nuôi chủ lực | Mẫu số 27.NT |
28. | Giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè/đối tượng thủy sản nuôi chủ lực | Mẫu số 28.NT |
29. | Đơn đề nghị cấp/cấp lại giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển | Mẫu số 29.NT |
30. | Đề cương thuyết minh dự án nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 30.NT |
31. | Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển | Mẫu số 31.NT |
32. | Đơn đề nghị xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm từ nuôi trồng thủy sản/khai thác từ tự nhiên | Mẫu số 32.NT |
33. | Sổ theo dõi nuôi sinh trưởng, sinh sản, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm | Mẫu số 33.NT |
34. | Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm từ nuôi trồng thủy sản | Mẫu số 34.NT |
35. | Giấy xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên | Mẫu số 35.NT |
36. | Đơn đề nghị cấp phép xuất khẩu loài/giống thủy sản | Mẫu số 36.NT |
37. | Giấy phép xuất khẩu loài/giống thủy sản | Mẫu số 37.NT |
Mẫu số 01.NT
TÊN CƠ SỞ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……… | ……..., ngày … tháng … năm …… |
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, ƯƠNG DƯỠNG GIỐNG THỦY SẢN
Kính gửi: (*) …………………………………………….
Tên cơ sở: ………………………………………………………………………………………………..
Địa chỉ trụ sở chính: ……………………………………………………………………………………..
Số điện thoại: ……………………………. Số fax: ………………… Email: …………………………
Địa chỉ nơi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản: ………………………………………………….
Số điện thoại: ……………………………. Số fax: ………………… Email: …………………………
Đề nghị được kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
- Sản xuất giống thủy sản bố mẹ | □ |
- Sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản | □ |
- Ương dưỡng giống thủy sản | □ |
Đăng ký cấp lần đầu: □ | Đăng ký cấp lại: □ |
Hồ sơ và tài liệu kèm theo đơn đề nghị này, gồm:
Chúng tôi cam kết thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
| CHỦ CƠ SỞ ĐĂNG KÝ KIỂM TRA |
Ghi chú: (*) Gửi Tổng cục Thủy sản nếu cơ sở đăng ký kiểm tra là cơ sở sản xuất giống thủy sản bố mẹ; gửi Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nếu cơ sở đăng ký kiểm tra là cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (trừ giống thủy sản bố mẹ).
Mẫu số 02.NT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
BẢN THUYẾT MINH CHI TIẾT VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT, KỸ THUẬT CỦA CƠ SỞ SẢN XUẤT, ƯƠNG DƯỠNG GIỐNG THỦY SẢN
Kính gửi: (*) ……………………………………………………
Tên cơ sở: ………………………………………………………………………………………………
Địa chỉ trụ sở chính: ……………………………………………………………………………………
Số điện thoại: …………………………………… Số fax: ……………….. Email: ………………….
Địa chỉ nơi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản: ………………………………………………...
Số điện thoại: …………………………………… Số fax: ……………….. Email: ………………….
Nội dung thuyết minh về cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, cụ thể như sau:
1. Cơ sở vật chất1: ………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………..
2. Trang thiết bị2: ………………………………………………………………………………………...
……………………………………………………………………………………………………………..
3. Hồ sơ3: …………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………..
4. Danh mục các đối tượng sản xuất, ương dưỡng tại cơ sở: ……………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………..
| ………, ngày .... tháng ... năm …… |
Ghi chú: (*) Gửi Tổng cục Thủy sản nếu cơ sở đăng ký kiểm tra là cơ sở sản xuất giống thủy sản bố mẹ; gửi Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nếu cơ sở đăng ký kiểm tra là cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (trừ giống thủy sản bố mẹ).
__________________________________
1 Mô tả diện tích; quy mô; các khu sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản... kèm theo sơ đồ khu sản xuất, ương dưỡng (nếu có).
2 Nêu đầy đủ tên, số lượng thiết bị phục vụ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
3 Giấy đăng ký kinh doanh, hồ sơ theo dõi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản…
Mẫu số 03.NT
TÊN CƠ QUAN KIỂM TRA | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| ……..., ngày … tháng … năm … |
BIÊN BẢN
Kiểm tra cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Căn cứ kiểm tra: …………………………………………………………………………………..
2. Thành phần Đoàn kiểm tra:
- Ông/bà: ……………………………………………. Chức vụ: ……………………………………..
- Ông/bà: ……………………………………………. Chức vụ: ……………………………………..
- Ông/bà: ……………………………………………. Chức vụ: ……………………………………..
3. Thông tin cơ sở kiểm tra:
- Tên cơ sở: …………………………………………………………………………………………….
- Địa chỉ trụ sở chính: ………………………………………………………………………………….
Số điện thoại: ………………………. Số fax: ……………… Email: ……………………………….
- Số giấy đăng ký kinh doanh/Số giấy phép đầu tư/Số quyết định thành lập: .......
Cơ quan cấp: ………………………………….. Ngày cấp: ………………………………………….
- Đại diện của cơ sở: ………………………….. Chức vụ: …………………………………………..
- Mã số cơ sở (nếu có): ………………………………………………………………………………..
4. Địa điểm kiểm tra:
- Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………….
- Số điện thoại: ……………………Số fax: …………………… Email: ………………………………
5. Đối tượng sản xuất, ương dưỡng:
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
II. NỘI DUNG KIỂM TRA
STT | Chỉ tiêu kiểm tra | Kết quả kiểm tra | Diễn giải kết quả kiểm tra, hành động và thời gian khắc phục lỗi | |
Đạt | Không đạt | |||
I | KIỂM TRA LẦN ĐẦU HOẶC KHI CÓ THAY ĐỔI VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, ƯƠNG DƯỠNG |
|
|
|
1 | Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản |
|
|
|
a | Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học |
|
|
|
b | Hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học |
|
|
|
c | Khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp |
|
|
|
d | Khu sinh hoạt bảo đảm không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng |
|
|
|
đ | Trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học |
|
|
|
e | Thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng |
|
|
|
2 | Có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập |
|
|
|
3 | Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học |
|
|
|
4 | Xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học |
|
|
|
a | Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng |
|
|
|
b | Giống thủy sản trong quá trình sản xuất |
|
|
|
c | Vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải |
|
|
|
d | Tiêu hủy xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy |
|
|
|
đ | Kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở |
|
|
|
e | Thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản |
|
|
|
5 | Trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép. |
|
|
|
II | KIỂM TRA DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN, NGOÀI CÁC CHỈ TIÊU TẠI MỤC I, PHẢI ĐÁNH GIÁ CÁC CHỈ TIÊU SAU |
|
|
|
6 | Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng giống thủy sản đã công bố |
|
|
|
7 | Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố; thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc |
|
|
|
8 | Sản xuất giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam |
|
|
|
9 | Thực hiện ghi nhãn giống thủy sản theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa |
|
|
|
10 | Cập nhật thông tin, báo cáo trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định |
|
|
|
11 | Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật |
|
|
|
12 | Tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ |
|
|
|
Số chỉ tiêu đánh giá thực tế |
|
|
| |
Số chỉ tiêu đạt/không đạt |
|
|
|
III. LẤY MẪU (kèm theo Biên bản lấy mẫu)
1. Thông tin về mẫu lấy (loại mẫu, số Iượng mẫu; tình trạng bao gói, bảo quản mẫu,..)
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
2. Chỉ định chỉ tiêu phân tích:
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
IV. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA:
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
V. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ:
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
ĐẠI DIỆN CƠ SỞ ĐƯỢC KIỂM TRA | TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA |
HƯỚNG DẪN KIỂM TRA CƠ SỞ SẢN XUẤT, ƯƠNG DƯỠNG GIỐNG THỦY SẢN
A. NGUYÊN TẮC KIỂM TRA
1. Ghi biểu mẫu kiểm tra
- Ghi đầy đủ thông tin theo quy định trong biểu mẫu.
- Thẩm tra và ghi thông tin chính xác.
- Nếu sửa chữa trên nội dung đã ghi trong Biên bản, phải có chữ ký xác nhận của Trưởng đoàn kiểm tra.
2. Nguyên tắc đánh giá
- Không được bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung, mức đánh giá đã được quy định trong chỉ tiêu.
- Kết quả đánh giá của chỉ tiêu là “Đạt” hoặc “Không đạt”.
- Dùng ký hiệu X hoặc √ đánh dấu vào các vị trí mức đánh giá đã được xác định đối với mỗi chỉ tiêu.
- Phải diễn giải chi tiết chỉ tiêu đạt và không đạt; mỗi chỉ tiêu không đạt phải xác định thời hạn cơ sở phải khắc phục lỗi đó.
3. Chỉ tiêu áp dụng
- Đối với chỉ tiêu từ 1 đến 5 áp dụng đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đăng ký kiểm tra cấp Giấy chứng nhận lần đầu.
- Đối với chỉ tiêu từ 1 đến 12 áp dụng đối với kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đã được Giấy chứng nhận.
B. HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ TỪNG CHỈ TIÊU
I. KIỂM TRA LẦN ĐẦU HOẶC KHI CÓ THAY ĐỔI VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, ƯƠNG DƯỠNG
1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản
a) Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học
Yêu cầu: Hệ thống xử lý nước cấp riêng biệt với hệ thống thoát nước và hệ thống xử lý nước thải; hệ thống dẫn nước thải được xây đảm bảo chắc chắn, thoát nước nhanh, không ứ đọng, không gây mùi và ô nhiễm vào khu vực sản xuất, ương dưỡng.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trạng hệ thống xử lý nước cấp, nước thải.
b) Hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học
Yêu cầu: Hệ thống ao, bể, lồng bè phải bảo đảm diện tích, thể tích thích hợp, phù hợp với quy trình sản xuất giống của từng đối tượng; hệ thống ao, bể, lồng bè phục vụ nuôi vỗ, sinh sản, ương nuôi ấu trùng không làm bằng vật liệu dễ bị gỉ sét, gây ảnh hưởng xấu đến giống thủy sản.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trạng hệ thống ao, bể, lồng bè.
c) Khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp
Yêu cầu: Các khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu để phục vụ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, nhà cung cấp như nhiệt độ bảo quản, độ ẩm, ánh sáng,... Khu chứa thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, ương dưỡng như máy sục khí, máy phát điện, chất tẩy rửa, dầu mỡ bôi trơn, xăng dầu, hóa chất dễ bay hơi,.,. phải ngăn cách vật lý để tránh việc nhiễm chéo vào thức ăn thủy sản, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trạng khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu.
Ghi chú: Ngăn cách vật lý là bao hàm việc sử dụng tường, vách ngăn hoặc là sự ngăn cách không gian đủ để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm chéo.
d) Khu sinh hoạt bảo đảm không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng
Yêu cầu: Khu sinh hoạt như nhà ở, văn phòng, nhà vệ sinh trong khu vực sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phải bảo đảm có tường hoặc vách ngăn cánh để không ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, ương dưỡng. Đối với nhà vệ sinh không bị rò rỉ ảnh hưởng đến môi trường.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường khu sinh hoạt.
đ) Trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học
Yêu cầu: Trang thiết bị phục vụ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản làm bằng vật liệu phù hợp, chống thấm, không gỉ sét, không bị ăn mòn, không có khả năng thôi nhiễm ra các chất độc hại ảnh hưởng đến giống thủy sản. Có thể vệ sinh sạch sẽ.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, xem xét tài liệu kỹ thuật liên quan đến bề mặt thiết bị, dụng cụ. Kiểm tra hồ sơ và các tài liệu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học.
e) Thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng
Yêu cầu: Trang bị các loại thùng rác phù hợp để phân loại rác (rác thải sinh hoạt, tái chế và nguy hại), thùng chứa rác thải nguy hại cần có nắp đậy kín. Nơi chứa rác thải tách biệt với khu vực sản xuất. Nơi chứa rác thải nguy hại phải được để riêng, kín và có khóa.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường thiết bị thu gom và xử lý chất thải.
2. Khu cách ly thủy sản mới nhập
Yêu cầu: Cơ sở nhập khẩu giống thủy sản phải có khu cách ly; khu cách ly phải tách biệt với khu vực sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Nước thải, chất thải của khu nuôi cách ly phải đảm bảo không ảnh hưởng tới khu sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường.
3. Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học
Yêu cầu: Có bằng cấp liên quan về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học hoặc được đào tạo các khóa học liên quan đến lĩnh vực trên.
Phương pháp đánh giá: Xem xét hồ sơ bằng cấp, chứng chỉ liên quan, phỏng vấn về sự am hiểu về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học.
4. Xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học
a) Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng
Nguồn nước phục vụ cho sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phải phù hợp với từng đối tượng. Chất lượng nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Phương pháp đánh giá: Xem xét kết quả liên quan đến thử nghiệm chất lượng nước như: kết quả quan trắc môi trường, kết quả thử nghiệm chất lượng nước,...
b) Giống thủy sản trong quá trình sản xuất
Yêu cầu: Cơ sở phải xây dựng và kiểm soát chất lượng giống và an toàn sinh học trong từng công đoạn của quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản: Giống thủy sản bố mẹ phải kiểm tra các loại bệnh nguy hiểm trước khi đưa vào sản xuất; quy trình chăm sóc; quy trình kiểm soát các loại bệnh nguy hiểm; không sử dụng thức ăn, thuốc, hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; giống thủy sản trước khi xuất bán phải kiểm tra chất lượng và kiểm dịch theo quy định.
Các nội dung trên phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ kiểm soát quá trình sản xuất.
c) Vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải
Yêu cầu: Có quy định khu vực thu gom rác; quy định tần suất di chuyển về khu tập kết rác ra khỏi khu vực sản xuất, kho (tối thiểu theo ngày). Thuê cơ sở xử lý chất thải có năng lực theo yêu cầu của pháp luật. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về bố trí chỗ để rác, phân loại rác, xác nhận thực tế về tần suất di chuyển rác khỏi nhà xưởng. Xem xét các hồ sơ về xử lý rác thải như hợp đồng với nhà xử lý rác, hồ sơ năng lực nhà xử lý rác, biên bản giao nhận rác,...
d) Tiêu hủy xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy
Yêu cầu: Thủy sản bị chết hoặc nhiễm các bệnh được thu gom, xử lý bằng các biện pháp thích hợp để không ảnh hưởng đến môi trường và lây lan dịch bệnh.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường kết hợp với kiểm tra hồ sơ quá trình xử lý thủy sản bị chết hoặc nhiễm bệnh.
đ) Kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở
Yêu cầu:
- Cơ sở phải có biện pháp kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường tự nhiên như dùng lưới chắn tại các hệ thống thoát nước, có ao chứa để kiểm soát giống thủy sản thoát ra ngoài môi trường tự nhiên.
- Cơ sở phải có biện pháp ngăn chặn động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường.
e) Thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Yêu cầu: Chỉ sử dụng thức ăn, thuốc, hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được phép sử dụng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Không chứa các chất cấm theo quy định.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ ghi chép quá trình sử dụng thức ăn, thuốc, hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Đối chiếu với nhãn sản phẩm với cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản và danh mục thuốc thú y được phép sử dụng.
5. Trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép
Yêu cầu: Cơ sở sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ nguồn gốc đàn thủy sản bố mẹ.
II. KIỂM TRA DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN, NGOÀI CÁC CHỈ TIÊU TẠI MỤC I, PHẢI ĐÁNH GIÁ CÁC CHỈ TIÊU SAU
6. Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng giống thủy sản đã công bố.
Yêu cầu: Có đầy đủ hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đánh giá sự phù hợp của hồ sơ lưu trữ.
7. Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố; thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Yêu cầu:
- Các quy trình, quy định nêu tại Mục 4.I phải được áp dụng đầy đủ trong quá trình sản xuất, ương duỡng giống thủy sản.
- Quá trình áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng phải được ghi chép và lưu trữ để phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Phương pháp đánh giá: Thực hiện theo hướng dẫn cụ thể tại Mục 4.I
8. Sản xuất giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam
Yêu cầu: Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Phương pháp đánh giá: Đối chiếu với Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
9. Thực hiện ghi nhãn giống thủy sản theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa
Yêu cầu: Thông tin ghi trên nhãn sản phẩm phải đúng quy định hiện hành về nhãn hàng hóa.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra nhãn sản phẩm đã sản xuất, lưu thông; đối chiếu quy định về nhãn hàng hóa và tiêu chuẩn công bố áp dụng để đánh giá sự phù hợp của việc ghi nhãn.
10. Cập nhật thông tin, báo cáo trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định
Yêu cầu: Cơ sở phải cập nhật thông tin, báo cáo trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.
11. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
Yêu cầu: Cơ sở được thanh tra, kiểm tra phải phối hợp và chấp hành đúng quy định.
Phương pháp đánh giá: Đánh giá thông qua việc chấp hành các quy định của pháp luật và phối hợp với cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra.
12. Tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ
Yêu cầu: Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ ghi chép quá trình nuôi giữ, sử dụng giống thủy sản bố mẹ và kết hợp với các hồ sơ nhập khẩu, hồ sơ kiểm dịch.
Mẫu số 04.NT
CƠ QUAN CẤP TRÊN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
GIẤY CHỨNG NHẬN
Cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Số: GTSAABBBB (***)
Tên cơ sở: …………………………………………………………………………………………………
Địa chỉ trụ sở chính: ………………………………………………………………………………………
Số điện thoại: …………………………………… Số fax: ………………… Email: ……………………
Địa chỉ nơi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản: ………………………………………………….
Được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (**)
……………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………..
Hiệu lực Giấy chứng nhận đủ điều kiện: Không thời hạn
| …………..,ngày .... tháng.... năm.... |
Ghi chú:
* Tổng cục Thủy sản nếu là cơ sở sản xuất giống thủy sản bố mẹ; cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nếu là cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (ngoại trừ giống thủy sản bố mẹ).
** Được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
Ghi cụ thể từng trường hợp
- Sản xuất giống thủy sản bố mẹ (ghi rõ đối tượng, kèm theo tên khoa học);
- Sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (ghi rõ đối tượng, kèm theo tên khoa học);
- Ương dưỡng giống thủy sản (ghi rõ đối tượng, kèm theo tên khoa học).
*** Quy định cấp số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
- Mỗi số chỉ cấp duy nhất cho một cơ sở và cấp liên tiếp, lần lượt.
- Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất được thu hồi, số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất không sử dụng để cấp cho cơ sở khác. Chỉ cấp lại cho cơ sở trước đó đã được cấp khi đủ điều kiện.
- Số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất có cấu trúc như sau: GTSAABBBB
+ “GTS” thể hiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
+ “AA” gồm 2 chữ số la tinh thể hiện mã của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, cụ thể như sau:
++ Tổng cục Thủy sản có mã số 00
++ Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mã như sau:
STT | Tên đơn vị hành chính | Mã số | STT | Tên đơn vị hành chính | Mã số |
1 | Thành phố Hà Nội | 01 | 33 | Tỉnh Quảng Nam | 49 |
2 | Tỉnh Hà Giang | 02 | 34 | Tỉnh Quảng Ngãi | 51 |
3 | Tỉnh Cao Bằng | 04 | 35 | Tỉnh Bình Định | 52 |
4 | Tỉnh Bắc Kạn | 06 | 36 | Tỉnh Phú Yên | 54 |
5 | Tỉnh Tuyên Quang | 08 | 37 | Tỉnh Khánh Hòa | 56 |
6 | Tỉnh Lào Cai | 10 | 38 | Tỉnh Ninh Thuận | 58 |
7 | Tỉnh Điện Biên | 11 | 39 | Tỉnh Bình Thuận | 60 |
8 | Tỉnh Lai châu | 12 | 40 | Tỉnh Kon Tum | 62 |
9 | Tỉnh Sơn La | 14 | 41 | Tỉnh Gia Lai | 64 |
10 | Tỉnh Yên Bái | 15 | 42 | Tỉnh Đắk Lắk | 66 |
11 | Tỉnh Hoà Bình | 17 | 43 | Tỉnh Đắk Nông | 67 |
12 | Tỉnh Thái Nguyên | 19 | 44 | Tỉnh Lâm Đồng | 68 |
13 | Tỉnh Lạng Sơn | 20 | 45 | Tỉnh Bình Phước | 70 |
14 | Tỉnh Quảng Ninh | 22 | 46 | Tỉnh Tây Ninh | 72 |
15 | Tỉnh Bắc Giang | 24 | 47 | Tỉnh Bình Dương | 74 |
16 | Tỉnh Phú Thọ | 25 | 48 | Tỉnh Đồng Nai | 75 |
17 | Tỉnh Vĩnh Phúc | 26 | 49 | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu | 77 |
18 | Tỉnh Bắc Ninh | 27 | 50 | Thành phố Hồ Chí Minh | 79 |
19 | Tỉnh Hải Dương | 30 | 51 | Tỉnh Long An | 80 |
20 | Thành phố Hải Phòng | 31 | 52 | Tỉnh Tiền Giang | 82 |
21 | Tỉnh Hưng Yên | 33 | 53 | Tỉnh Bến Tre | 83 |
22 | Tỉnh Thái Bình | 34 | 54 | Tỉnh Trà Vinh | 84 |
23 | Tỉnh Hà Nam | 35 | 55 | Tỉnh Vĩnh Long | 86 |
24 | Tỉnh Nam Định | 36 | 56 | Tỉnh Đồng Tháp | 87 |
25 | Tỉnh Ninh Bình | 37 | 57 | Tỉnh An Giang | 89 |
26 | Tỉnh Thanh Hóa | 38 | 58 | Tỉnh Kiên Giang | 91 |
27 | Tỉnh Nghệ An | 40 | 59 | Thành phố Cần Thơ | 92 |
28 | Tỉnh Hà Tĩnh | 42 | 60 | Tỉnh Hậu Giang | 93 |
29 | Tỉnh Quảng Bình | 44 | 61 | Tỉnh Sóc Trăng | 94 |
30 | Tỉnh Quảng Trị | 45 | 62 | Tỉnh Bạc Liêu | 95 |
31 | Tỉnh Thừa Thiên Huế | 46 | 63 | Tỉnh Cà Mau | 96 |
32 | Thành phố Đà Nẵng | 48 |
|
|
|
+ “BBBB” gồm 4 chữ số từ 0001 đến 9999, là số thứ tự cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Mẫu số 05.NT
TÊN CƠ SƠ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……… | ……..., ngày … tháng … năm …… |
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
CẤP PHÉP NHẬP KHẨU GIỐNG THỦY SẢN
Kính gửi: Tổng cục Thủy sản.
Tên cơ sở: ………………………………………………………………………………………………..
Địa chỉ trụ sở chính: ……………………………………………………………………………………..
Số điện thoại: ………………………… Số fax: ……………………….. Email: ……………………….
Đề nghị được phép nhập khẩu giống thủy sản sau:
1. Tên tiếng Việt, tên tiếng Anh, tên khoa học: ………………………………………………………..
2. Số lượng: ……………………………………………………………………………………………….
3. Kích cỡ: …………………………………………………………………………………………………
4. Quy cách bao gói ………………………………………………………………………………………
5. Tên, địa chỉ cơ sở xuất khẩu: ………………………………………………………………………...
6. Thời gian nhập khẩu: ………………………………………………………………………………….
7. Địa điểm nhập khẩu: …………………………………………………………………………………..
8. Mục đích nhập khẩu: …………………………………………………………………………………..
Chúng tôi cam kết thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật có liên quan.
Đề nghị Tổng cục Thủy sản xem xét, cấp phép.
| ĐẠI DIỆN CƠ SỞ |
Mẫu số 06.NT
BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ………/GP-TCTS-…… | Hà Nội, ngày … tháng … năm …….. |
GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU GIỐNG THỦY SẢN
Căn cứ Quyết định số .../QĐ-TTg ngày ... tháng ... năm... của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ ……………………………………………………………………………………………
Căn cứ Nghị định số ..../2019/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Căn cứ đơn đăng ký nhập khẩu số …….. ngày …. tháng ….. năm .... của (cơ sở) …………… và hồ sơ đăng ký nhập khẩu;
Căn cứ kết quả thẩm định ……………………………………………………………………………….
Tổng cục Thủy sản đồng ý cấp phép nhập khẩu ……………………………………………………..
Tên cơ sở: ………………………………………………………………………………………………...
Địa chỉ trụ sở chính: ……………………………………………………………………………………...
Số điện thoại: …………………….. Số fax: ……………….. Email: …………………………………..
Được phép nhập khẩu giống thủy sản:
1. Tên tiếng Việt, tên tiếng Anh, tên khoa học: ………………………………………………………..
2. Số lượng: ……………………………………………………………………………………………….
3. Kích cỡ: ………………………………………………………………………………………………..
4. Quy cách bao gói …………………………………………………………………………………….
5. Tên, địa chỉ cơ sở xuất khẩu: ………………………………………………………………………
6. Thời gian nhập khẩu: ………………………………………………………………………………..
7. Địa điểm nhập khẩu: ………………………………………………………………………………...
8. Mục đích nhập khẩu: ………………………………………………………………………………..
Giấy phép này có giá trị đến hết ngày: ……………………………………………………………….
Cơ sở phải thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Nơi nhận: | Hà Nội, ngày …… tháng …… năm ……. |
Mẫu số 07.NT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐƠN ĐĂNG KÝ KHẢO NGHIỆM GIỐNG THỦY SẢN
Kính gửi: Tổng cục Thủy sản.
Tên cơ sở đăng ký khảo nghiệm: ……………………………………………………………………..
Địa chỉ trụ sở chính: …………………………………………………………………………………….
Số điện thoại: ………………………..; Số fax: ……………………. ; Email: ……………………….
Đề nghị Tổng cục Thủy sản cho phép khảo nghiệm giống thủy sản, cụ thể như sau:
1. Tên tiếng Việt, tên tiếng Anh, tên khoa học của loài khảo nghiệm: …………………………….
2. Cơ sở thực hiện khảo nghiệm: ……………………………………………………………………..
3. Địa điểm thực hiện khảo nghiệm: …………………………………………………………………..
4. Thời gian dự kiến khảo nghiệm: ..............................................................................................
5. Hồ sơ đính kèm: ………………………………………………………………………………………
Chúng tôi xin cam kết thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến khảo nghiệm giống thủy sản.
| …………., ngày …. tháng …. năm …….. |
Mẫu số 08.NT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐỀ CƯƠNG KHẢO NGHIỆM GIỐNG THỦY SẢN
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Cơ sở đăng ký khảo nghiệm: …………………………………………………………………………
Địa chỉ trụ sở chính: ………………………………………………………………………………………
Số điện thoại: ……………..; Số fax: ……………………. ; Email: ……………………………………
2. Cơ sở thực hiện khảo nghiệm: ………………………………………………………………………
Địa chỉ trụ sở chính: ………………………………………………………………………………………
Số điện thoại: ……………………….; Số fax: ………………. ; Email: ……………………………….
3. Thời gian, địa điểm khảo nghiệm
a) Thời gian dự kiến: ……………………………………………………………………………………..
b) Địa điểm khảo nghiệm: ………………………………………………………………………………..
4. Đơn vị giám sát khảo nghiệm: ………………………………………………………………………..
Địa chỉ trụ sở chính: ………………………………………………………………………………………
Số điện thoại: …………………..; Số fax: ………………….; Email: ………………………………….
II. THÔNG TIN ĐỐI TƯỢNG KHẢO NGHIỆM
1. Tên tiếng Việt, tên tiếng Anh, tên khoa học của loài khảo nghiệm: ……………………………….
2. Nguồn gốc xuất xứ của loài thủy sản khảo nghiệm: ……………………………………………….
3. Đặc điểm sinh học của loài thủy sản khảo nghiệm: ………………………………………………..
4. Giá trị kinh tế hoặc các giá trị khác như làm cảnh, giải trí... của loài thủy sản khảo nghiệm: ………………………………………………………………………………………………………………..
5. Hướng dẫn quy trình sản xuất (theo nhà sản xuất): ……………………………………………….
6. Các tài liệu khác liên quan đến đối tượng khảo nghiệm: ………………………………………….
III. NỘI DUNG KHẢO NGHIỆM
1. Nội dung khảo nghiệm: Căn cứ đặc điểm sinh học từng loài thủy sản và mục đích sử dụng để xây dựng đề cương khảo nghiệm nhằm xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của loài khảo nghiệm.
2. Phương pháp nghiên cứu và cách bố trí thí nghiệm
a) Phương pháp nghiên cứu: ……………………………………………………………………………
b) Bố trí thí nghiệm: ………………………………………………………………………………………
3. Biện pháp kiểm soát an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình khảo nghiệm: ……
………………………………………………………………………………………………………………
4. Kế hoạch triển khai: …………………………………………………………………………………..
5. Dự kiến kết quả đạt được: ……………………………………………………………………………
IV. TIẾN ĐỘ KHẢO NGHIỆM …………………………………………………………………………..
V. NHÂN LỰC THỰC HIỆN KHẢO NGHIỆM
ĐẠI DIỆN | ĐẠI DIỆN |
Mẫu số 09.NT
BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| …………, ngày… tháng … năm ……… |
BIÊN BẢN
Kiểm tra cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Căn cứ kiểm tra: ……………………………………………………………………………………..
2. Thành phần Đoàn kiểm tra:
- Ông/bà: ……………………………………… Chức vụ: ………………………………………………
- Ông/bà: ……………………………………… Chức vụ: ………………………………………………
- Ông/bà: ……………………………………… Chức vụ: ………………………………………………
3. Thông tin cơ sở kiểm tra
- Tên cơ sở: ……………………………………………………………………………………………….
- Địa chỉ trụ sở chính: …………………………………………………………………………………….
Số điện thoại: …………….. Số fax : …………………. Email: ………………………………………..
- Số giấy đăng ký kinh doanh/Số giấy phép đầu tư/Số quyết định thành lập: ................
Cơ quan cấp: …………………………….. Ngày cấp: …………………………………………………
- Đại diện của cơ sở: ……………………….. Chức vụ: ……………………………………………….
- Mã số cơ sở (nếu có): ………………………………………………………………………………….
4. Địa điểm kiểm tra:
Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………………….
Số điện thoại: …………………… Số fax: ………………… Email: …………………………………..
5. Đối tượng đăng ký khảo nghiệm:
II. NỘI DUNG KIỂM TRA:
TT | Nội dung cần kiểm tra | Kết quả kiểm tra | Diễn giải kết quả kiểm tra; hành động khắc phục các lỗi | |
Đạt | Không đạt | |||
1 | Có ít nhất hai nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học |
|
|
|
2 | Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với loài thủy sản khảo nghiệm |
|
|
|
a | Có phòng thử nghiệm đủ điều kiện theo quy định hiện hành để theo dõi, kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu theo đề cương khảo nghiệm |
|
|
|
b | Trường hợp khảo nghiệm giai đoạn sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phải đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản và khoản 1 Điều 20 Nghị định này |
|
|
|
c | Trường hợp khảo nghiệm giai đoạn nuôi thương phẩm phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản và Điều 34 Nghị định này |
|
|
|
3 | Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường: Khu nuôi khảo nghiệm có biện pháp ngăn cách với khu sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản thương phẩm khác |
|
|
|
4 | Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình khảo nghiệm |
|
|
|
III. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA:
……………………………………………………………………………………………………….
……………………………………………………………………………………………………….
IV. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ:
……………………………………………………………………………………………………….
……………………………………………………………………………………………………….
ĐẠI DIỆN CƠ SỞ ĐƯỢC KIỂM TRA | TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA |
Mẫu số 10.NT
BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ-TCTS-…... | Hà Nội, ngày …… tháng …… năm …… |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề cương khảo nghiệm giống thủy sản
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUỶ SẢN
Căn cứ Quyết định số .../QĐ-TTg ngày .... tháng ... năm …………. của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ …………….
Căn cứ Nghị định số ..../2019/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Xét đơn đăng ký khảo nghiệm giống thủy sản của …………..;
Theo đề nghị của …………
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cho phép khảo nghiệm giống …………(Kèm theo Đề cương khảo nghiệm).
Điều 2. Cho phép nhập khẩu giống thủy sản:
1. Tên tiếng Việt, tên tiếng Anh, tên khoa học: …………………………………………………
2. Số lượng: ………………………………………………………………………………………..
3. Kích cỡ: ………………………………………………………………………………………….
4. Thời gian nhập khẩu: …………………………………………………………………………..
5. Cửa khẩu nhập khẩu: …………………………………………………………………………..
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng ...., Giám đốc ……., Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ... và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Mẫu số 11.NT
TÊN CƠ SỞ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……… |
|
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT
Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Kính gửi: ……………………………………………..
1. Tên cơ sở: ……………………………………………………………………………………
- Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………
- Số điện thoại: …………………… Số Fax: ………………….. E-mail: …………………….
2. Lĩnh vực công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:
Thức ăn thủy sản
- Thức ăn hỗn hợp - Thức ăn bổ sung - Nguyên liệu - Sản phẩm khác | □ □ □ □ |
Sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
- Chế phẩm sinh học - Hóa chất xử lý môi trường - Hỗn hợp khoáng, vitamin, ... - Nguyên liệu | □ □ □ □ |
3. Hồ sơ và tài liệu kèm theo giấy này, gồm:
………………………………………………………………………………………………………
4. Đăng ký cấp lần đầu: □ Đăng ký cấp lại: □
Chúng tôi cam kết thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
| ………., ngày … tháng … năm 20….. |
Mẫu số 12.NT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
BẢN THUYẾT MINH ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ SẢN XUẤT
Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
(Kèm theo đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản số ……… ngày ....tháng …. năm.....)
1. Tên cơ sở: …………………………………………………………………………………….
- Địa chỉ sản xuất: ………………………………………………………………………………..
- Số điện thoại: ……………… Số fax: …………………. E-mail: …………………………….
2. Sản phẩm dự kiến sản xuất: …………………………………………………………………
3. Giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn (kèm theo bản sao có xác nhận của cơ sở)
- Thực hành sản xuất tốt (GMP) | Có □ | Không □ |
- Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) | Có □ | Không □ |
- Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000) | Có □ | Không □ |
- Hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001) | Có □ | Không □ |
- Hệ thống khác: ……………………………….. | Có □ | Không □ |
4. Thuyết minh chi tiết điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
a) Địa điểm sản xuất: ……………………………………………………………………………..
b) Nhà xưởng, trang thiết bị: ……………………………………………………………………..
c) Phân tích chất lượng trong quá trình sản xuất: ……………………………………………..
d) Hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học: ………………………………………….
đ) Nhân viên kỹ thuật: ……………………………………………………………………………..
e) Tài liệu gửi kèm theo thuyết minh gồm: ……………………………………………………..
g) Danh sách sản phẩm kèm theo: ……………………………………………………………..
| ………., ngày … tháng … năm 20….. |
Mẫu số 13.NT
CƠ QUAN CẤP TRÊN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BIÊN BẢN
Kiểm tra điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản/ sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Số: ……………… /BB-ĐKSX
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Căn cứ kiểm tra, ngày kiểm tra: ………………………………………………………………...........
2. Tên cơ sở kiểm tra: …………………………………………………………………………………….
- Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………………
- Số điện thoại: ……………………….. Số Fax: ……………… Email: ……………………………….
- Tên và số giấy đăng ký kinh doanh/giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập: …………………….
Tên cơ quan cấp: ………………………….. Ngày cấp: ……………………………………………….
- Người đại diện của cơ sở: ……………………….. Chức vụ: ……………………………………….
- Giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn: ……………………………………………………
3. Địa điểm kiểm tra:
- Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………………..
- Điện thoại: …………………………Số Fax: ……………………… Email: ………………………….
4. Thành phần Đoàn kiểm tra:
- Ông/bà: …………………………………….. Chức vụ: ……………………………………………….
- Ông/bà: …………………………………….. Chức vụ: ……………………………………………….
5. Sản phẩm sản xuất:
……………………………………………………………………………………………………………….
……………………………………………………………………………………………………………….
II. NỘI DUNG KIỂM TRA
STT | Chỉ tiêu kiểm tra | Kết quả kiểm tra | Diễn giải kết quả kiểm tra; hành động khắc phục lỗi | |
Đạt | Không đạt | |||
I | KIỂM TRA LẦN ĐẦU HOẶC CÓ THAY ĐỔI ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT |
|
|
|
1. | Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại |
|
|
|
2. | Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài |
|
|
|
3. | Nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm |
|
|
|
a | Có nhà xưởng kết cấu vững chắc, nền không đọng nước, liên thông và một chiều từ nguyên liệu đến thành phẩm |
|
|
|
b | Tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học |
|
|
|
c | Khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu vật liệu, thành phẩm bảo đảm không nhiễm chéo lẫn nhau và bảo đảm theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp |
|
|
|
d | Trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học |
|
|
|
đ | Thiết bị thu gom và xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất |
|
|
|
e | Trường hợp cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất chế phẩm sinh học vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật |
|
|
|
4 | Có phòng thử nghiệm hoặc có thuê phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất |
|
|
|
5 | Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học |
|
|
|
a | Kiểm soát chất lượng nước phục vụ sản xuất |
|
|
|
b | Kiểm soát nguyên liệu |
|
|
|
c | Kiểm soát bao bì |
|
|
|
d | Kiểm soát thành phẩm |
|
|
|
đ | Kiểm soát quá trình sản xuất |
|
|
|
e | Kiểm soát tái chế |
|
|
|
g | Lưu mẫu thành phẩm |
|
|
|
h | Kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị |
|
|
|
i | Kiểm soát động vật gây hại |
|
|
|
k | Vệ sinh nhà xưởng |
|
|
|
l | Thu gom và xử lý chất thải |
|
|
|
6 | Nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học hoặc công nghệ thực phẩm. |
|
|
|
II | KIỂM TRA DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN, NGOÀI CÁC CHỈ TIÊU TẠI MỤC I, PHẢI ĐÁNH GIÁ CÁC CHỈ TIÊU SAU |
|
|
|
7 | Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học trong quá trình sản xuất theo các nội dung tại Mục 5, I; ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc |
|
|
|
8 | Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng; công bố hợp quy theo quy định |
|
|
|
9 | Thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. |
|
|
|
10 | Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất; xử lý, thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật; bồi thường thiệt hại gây ra cho người mua, người nuôi trồng thủy sản |
|
|
|
11 | Gửi thông tin sản phẩm đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường |
|
|
|
12 | Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật |
|
|
|
Số chỉ tiêu đánh giá thực tế |
|
|
| |
Số chỉ tiêu đạt/không đạt |
|
|
|
III. LẤY MẪU
1. Thông tin về mẫu lấy (loại mẫu, số lượng mẫu; Tình trạng bao gói, bảo quản mẫu,..)
…………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………
2. Chỉ định chỉ tiêu phân tích (Biên bản lấy mẫu kèm theo):
…………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………
IV. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA:
…………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………
V. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ:
…………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………
ĐẠI DIỆN CƠ SỞ ĐƯỢC KIỂM TRA | TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA |
HƯỚNG DẪN KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
A. NGUYÊN TẮC KIỂM TRA
1. Ghi biểu mẫu kiểm tra
- Ghi đầy đủ thông tin theo quy định trong biểu mẫu.
- Thẩm tra và ghi thông tin chính xác.
- Nếu sửa chữa trên nội dung đã ghi trong Biên bản, phải có chữ ký xác nhận của Trưởng đoàn kiểm tra.
2. Nguyên tắc đánh giá
- Không được bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung.
- Kết quả đánh giá của chỉ tiêu là “Đạt” hoặc “Không đạt”.
- Dùng ký hiệu X hoặc √ đánh dấu vào các vị trí mức đánh giá đã được xác định đối với mỗi chỉ tiêu.
- Phải diễn giải chi tiết chỉ tiêu đạt và không đạt; mỗi chỉ tiêu không đạt phải ghi cụ thể lỗi và xác định thời hạn cơ sở phải khắc phục lỗi đó.
3. Chỉ tiêu áp dụng
- Đối với chỉ tiêu từ 1 đến 6 áp dụng đối với cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đăng ký kiểm tra cấp Giấy chứng nhận lần đầu.
- Các chỉ tiêu 1 đến 12 áp dụng đối với kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã được Giấy chứng nhận.
- Đối với kiểm tra lần đầu hoặc có thay đổi điều kiện sản xuất, kiểm tra chỉ tiêu “Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học” là kiểm tra nội dung xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học của sản phẩm dự kiến sản xuất.
- Đối với kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất, kiểm tra chỉ tiêu “Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học trong quá trình sản xuất” là đánh giá việc áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học của sản phẩm trong quá trình sản xuất.
B. HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ TỪNG CHỈ TIÊU
I. KIỂM TRA LẦN ĐẦU HOẶC CÓ THAY ĐỔI ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT
1. Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại
Yêu cầu: Địa điểm sản xuất phải xây dựng trên địa điểm tránh bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại từ môi trường xung quanh như: nguồn chất thải từ bệnh viện, bãi rác, ngập nước,... Trong trường hợp không thể thay thế vị trí thì phải thiết lập biện pháp kiểm soát như vách ngăn, hệ thống thông gió, phòng kín có thông gió.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường để đánh giá các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến an toàn và chất lượng sản phẩm. Đối chiếu các kết quả thử nghiệm liên quan, hồ sơ về địa điểm để đánh giá mức độ ô nhiễm khi cần thiết.
2. Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài
Yêu cầu: Xung quanh nhà xưởng có tường, rào để ngăn chặn sự di chuyển của động vật gây hại và các yếu tố chủ ý phá hoại; có cổng để kiểm soát ra vào.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường.
3. Nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm
a) Có nhà xưởng kết cấu vững chắc, nền không đọng nước, liên thông và một chiều từ nguyên liệu đến thành phẩm
Yêu cầu: Nhà xưởng có kết cấu vững chắc, đủ không gian làm việc, bố trí hướng di chuyển hợp lý cho nguyên liệu, sản phẩm, nhân viên. Nền nhà không thấm nước, không bong tróc, không có những kẽ nứt, dễ dàng vệ sinh.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trạng nhà xưởng
Ghi chú: Về việc xây dựng vững chắc là trần nhà, máng thoát nước không bị dột.
b) Tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học
Yêu cầu: Trần không bị dột, tường, sàn nhẵn, không bong tróc, dễ dàng làm sạch, thiết kế giảm bụi bám và đọng nước. Các cửa sổ, quạt thông gió thông ra bên ngoài phải có lưới chắn côn trùng.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường.
c) Khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu vật liệu, thành phẩm bảo đảm không nhiễm chéo lẫn nhau và bảo đảm theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp
Yêu cầu: Các khu chứa nguyên liệu cấu thành sản phẩm, bao bì, linh phụ kiện cho thiết bị, hóa chất hỗ trợ sản xuất (chất tẩy rửa, dầu mỡ bôi trơn, xăng dầu, hóa chất là hơi, ...) phải ngăn cách vật lý để tránh việc nhiễm chéo các dị vật, hóa chất vào nguyên liệu ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn cho sản phẩm. Đối với khu lưu trữ nguyên liệu bay hơi thì cần thiết kế thông thoáng và có thông gió. Đối với mỗi loại nguyên vật liệu cần đảm bảo điều kiện bảo quản đúng kỹ thuật theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp, không ảnh hưởng đến chất lượng trong quá trình lưu trữ (Ví dụ: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,...).
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về việc bố trí, phân bố các khu vực, kho chứa. Xem xét hồ sơ kỹ thuật của nguyên liệu, sản phẩm (tiêu chuẩn công bố áp dụng, nhãn hàng hóa, tài liệu đính kèm,...) để xác định sự phù hợp.
Ghi chú: Ngăn cách vật lý là bao hàm việc sử dụng tường, vách ngăn hoặc là sự ngăn cách không gian đủ để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm chéo.
d) Trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học
Yêu cầu: Bề mặt trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm được làm từ vật liệu phù hợp, chống thấm, không gỉ sét, không bị ăn mòn, không có khả năng thôi nhiễm kim loại nặng (Ví dụ: Pb, As, Hg, Cd) vào sản phẩm. Có thể vệ sinh sạch sẽ.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, xem xét tài liệu kỹ thuật liên quan đến bề mặt thiết bị, dụng cụ. Xem xét hồ sơ kiểm tra, vệ sinh.
đ) Trang thiết bị thu gom và xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất
Yêu cầu: Trang bị các loại thùng rác phù hợp để phân loại rác (rác thải sinh hoạt, tái chế và nguy hại), thùng chứa rác thải nguy hại cần có nắp đậy kín sau khi sử dụng. Nơi chứa rác thải tách biệt với khu vực sản xuất. Nơi chưa rác thải nguy hại phải được để riêng, kín và có khóa.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường.
e) Trường hợp cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất chế phẩm sinh học vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.
Yêu cầu: Phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật phục vụ sản xuất như: Cân kỹ thuật, máy lắc, nồi hấp tiệt trùng, tủ ấm, tủ sấy, máy lắc nhu động, lò vi sóng, tủ cấy vi sinh vật, tủ lạnh, nồi lên men hoặc thiết bị lên men.
Phương pháp đánh giá: Quan sát thực tế và xem xét các thông tin kỹ thuật, tình trạng của thiết bị để đánh giá sự phù hợp.
4. Có phòng thử nghiệm hoặc có thuê phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất.
Yêu cầu:
- Có phòng thử nghiệm (phòng chất lượng) để kiểm soát chất lượng công đoạn sản xuất, cho từng lô nguyên liệu, thành phẩm; người thực hiện phải có năng lực, chuyên môn phù hợp về kiểm tra chất lượng; phải có các tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Các kết quả kiểm tra chất lượng công đoạn phải được ghi chép lưu trữ cho từng lô hàng.
- Đối với kiểm nghiệm định kỳ để kiểm tra xác nhận, thì phải cần phòng thử nghiệm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 17025.
- Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường phòng thử nghiệm, giấy tờ chứng nhận, hồ sơ hiệu chuẩn thiết bị …., hồ sơ năng lực của nhân viên (bằng cấp, chứng chỉ đào tạo).
5. Xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học
a) Kiểm soát chất lượng nước phục vụ sản xuất
Yêu cầu: Nước phục vụ sản xuất phải đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc phải đạt yêu cầu chất lượng và vi sinh tương ứng với sản phẩm sản xuất. Các chỉ tiêu kỹ thuật cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Xem xét hồ sơ kiểm định nước định kỳ theo yêu cầu kỹ thuật.
Ghi chú: Người có thẩm quyền là chủ cơ sở hoặc người được chủ cơ sở phân công và chịu trách nhiệm phê duyệt.
b) Kiểm soát nguyên liệu
Yêu cầu:
- Nguyên vật liệu phải được kiểm tra phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo từng lô khi nhập. Thực hiện kiểm tra và xác nhận sự phù hợp về xuất xứ, chất lượng như: Hạn sử dụng, giấy tờ xuất xứ, chất lượng (CO, CA), cảm quan về chất lượng hoặc kiểm tra các chỉ tiêu độ ẩm hoặc tạp chất). Nguyên liệu không được chứa chất bị cấm. Các chỉ tiêu kỹ thuật cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.
- Nguyên liệu không phù hợp với thông số kỹ thuật phải được kiểm soát tránh sử dụng sai mục đích.
- Nguyên liệu phải sắp xếp cách ly với mặt đất, tường; có nhận diện từng lô đảm bảo có thể truy xuất, dễ dàng cho việc nhập trước xuất trước, nhập sau xuất sau.
Phương pháp đánh giá: Xem xét hồ sơ kiểm tra nhập, xuất nguyên liệu. Quan sát hiện trường sắp xếp, nhận diện nguyên liệu.
c) Kiểm soát bao bì
Yêu cầu: Chất liệu bao bì phù hợp với đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, sắp xếp theo từng lô, loại bao bì và nhận diện rõ ràng. Bao bì không thôi nhiễm kim loại nặng hoặc các chất độc hại vào sản phẩm. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Xem xét hồ sơ kiểm tra nhập bao bì, quan sát hiện trường lưu trữ bao bì.
d) Kiểm soát thành phẩm
Yêu cầu:
- Thành phẩm được kiểm tra xác nhận chất lượng theo thông số kỹ thuật trước khi thông qua, có hồ sơ kiểm tra, được ghi chép và phê duyệt của người có thẩm quyền.
- Thành phẩm được lưu trữ bảo quản trong kho tránh tác động môi trường ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, sắp xếp ngăn cách với sàn, sắp xếp theo từng lô hàng để dễ dàng cho việc truy xuất.
- Thành phẩm phải được kiểm tra trước khi xuất (Hạn sử dụng, cảm quan tình trạng bên ngoài như bục rách, biến dạng, bẩn,...).
- Thành phẩm sắp xếp cách ly với mặt đất, tường; có nhận diện từng lô đảm bảo có thể truy xuất, dễ dàng cho việc nhập trước xuất trước, nhập sau xuất sau.
- Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ cho các lô thành phẩm đã xuất đi và dữ liệu hàng hóa tồn kho.
đ) Kiểm soát quá trình sản xuất
Yêu cầu:
- Các yêu cầu đầu vào cho hoạt động sản xuất phải đảm bảo bao gồm con người có năng lực, máy móc thiết bị luôn trong trạng thái phù hợp, phương pháp sản xuất hợp lý, nguyên liệu đầu vào đạt yêu cầu.
- Phải có sẵn các tiêu chuẩn kỹ thuật cần đạt được của sản phẩm cụ thể bằng văn bản. Các chỉ tiêu về an toàn theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Sẵn có thiết bị đo lường.
- Phải có hồ sơ ghi chép từng công đoạn sản xuất về thời gian, số lượng, loại sản phẩm sản xuất, bao gồm cả việc nhập nguyên liệu cho sản xuất
- Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, kiểm tra hồ sơ lô, hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng.
e) Kiểm soát tái chế
Yêu cầu: Các sản phẩm, bán thành phẩm tái chế phải được để khu riêng, vẫn còn hạn sử dụng, phải duy trì được sự an toàn, chất lượng, khả năng truy xuất. Phải có quy định tỷ lệ tái chế và có hồ sơ ghi nhận tỷ lệ hàng tái chế trong hồ sơ sản xuất cho lô sản phẩm. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt
Phương pháp đánh giá: Xem xét các hồ sơ ghi nhận liên quan đến hàng lỗi, cách thức xử lý hàng lỗi trong việc đem tái chế cho từng lô hàng. Quan sát hiện trường khu vực quy định để hàng tái chế.
g) Lưu mẫu thành phẩm
Yêu cầu: Mỗi lô hàng cần lưu một lượng mẫu đủ để phân tích theo tiêu chuẩn kỹ thuật công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và được đóng gói tình trạng giống với sản phẩm lưu hành trên thị trường. Dán tem nhãn ghi rõ tên sản phẩm, lô (hoặc ngày sản xuất), hạn sử dụng. Các sản phẩm lưu cần nhận diện rõ ràng, dễ tìm dễ kiểm tra. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Quan sát khu sắp xếp lưu mẫu, tem nhãn nhận diện. Xem xét hồ sơ ghi chép về ngày lưu mẫu, thời gian hủy mẫu, đánh giá tình trạng trong suốt thời gian lưu.
h) Kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị
Yêu cầu: Lập kế hoạch hiệu chuẩn, hiệu chỉnh định kỳ, nhận diện trạng thái cho các thiết bị đo lường (Tem nhãn hiệu chuẩn, thiết bị hỏng). Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Quan sát tem nhãn hiệu chuẩn được gắn lên thiết bị hoặc hồ sơ hiệu chuẩn đi kèm với thiết bị. Nếu thiết bị đo lường tự hiệu chuẩn nội bộ thì kiểm tra bộ chuẩn có được kiểm định hay không.
i) Kiểm soát động vật gây hại
Yêu cầu: Nhà xưởng được lắp mành, lưới, bẫy chuột, đèn diệt côn trùng để đảm bảo không xuất hiện côn trùng, động vật gây hại trong nhà xưởng. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về sự hiện diện có hay không côn trùng, động vật gây hại trong nhà xưởng, kho (có thể quan sát gián tiếp qua việc xuất hiện phân gián, phân chuột...)
k) Vệ sinh nhà xưởng
Yêu cầu: Quy định các phương pháp vệ sinh, tần suất, hóa chất vệ sinh (nếu có) cho từng khu vực, bề mặt tiếp xúc sản phẩm. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về tình trạng vệ sinh, xem xét tài liệu quy định vệ sinh (tần suất, phương pháp). Xem xét hồ sơ kiểm tra vệ sinh định kỳ.
l) Thu gom và xử lý chất thải
Yêu cầu: Có quy định khu vực thu gom rác; quy định tần suất di chuyển rác ra khỏi khu vực sản xuất, kho (tối thiểu theo ngày) về khu tập kết. Thuê cơ sở xử lý chất thải có năng lực theo yêu cầu của pháp luật. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về bố trí chỗ để rác, phân loại rác, xác nhận thực tế về tần suất di chuyển rác khỏi nhà xưởng. Xem xét các hồ sơ về xử lý rác thải như hợp đồng với nhà xử lý rác, hồ sơ năng lực nhà xử lý rác, biên bản giao nhận rác,...
6. Nhân viên kỹ thu