hieuluat

Quyết định 1240/QĐ-TTg phê duyệt Đề án điểm điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:443 & 444 - 08/2011
    Số hiệu:1240/QĐ-TTgNgày đăng công báo:08/08/2011
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Sinh Hùng
    Ngày ban hành:22/07/2011Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:22/07/2011Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    -------------------
    Số: 1240/QĐ-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    --------------------------
    Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2011
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐIỂM ĐIỀU TRA, KIỂM KÊ RỪNG TẠI HAI TỈNH BẮC KẠN VÀ HÀ TĨNH
    ---------------------------
    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
     
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
    Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
    Căn cứ Quyết định số 1698/2009/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng điều tra, kiểm kê rừng giai đoạn 2010 - 2015;
    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 896/TTr-BNN-TCLN ngày 05 tháng 4 năm 2011 về việc xin phê duyệt Đề án điểm điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh,
     
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
     
    Điều 1. Phê duyệt Đề án điểm điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh với những nội dung chủ yếu sau:
    1. Tên đề án: Đề án điểm điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh (sau đây được gọi là Đề án điểm).
    2. Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
    3. Cơ quan quản lý: Tổng cục Lâm nghiệp.
    4. Thời gian thực hiện: Từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 6 năm 2012.
    5. Mục tiêu:
    a) Mục tiêu điều tra, kiểm kê rừng là để biết chính xác toàn bộ diện tích rừng; chất lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp (sau đây gọi tắt là đất chưa có rừng) gắn với chủ quản lý cụ thể trên địa bàn tỉnh.
    b) Thiết lập hồ sơ quản lý rừng của địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu theo đơn vị quản lý rừng và đơn vị hành chính các cấp phục vụ theo dõi diễn biến rừng và đất chưa có rừng hàng năm, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng và làm cơ sở thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
    c) Đánh giá tổng kết thực tiễn việc thực hiện Đề án điểm tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh rút kinh nghiệm để chỉ đạo tổ chức thực hiện; xây dựng phương pháp điều tra, kiểm kê phù hợp để triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
    6. Phạm vi, đối tượng điều tra, kiểm kê rừng
    a) Phạm vi
    Thực hiện điều tra, kiểm kê rừng điểm tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh.
    b) Đối tượng
    - Diện tích rừng và đất chưa có rừng, trữ lượng gỗ, tre, nứa và trữ lượng các bon rừng;
    - Chủ rừng được Nhà nước giao đất lâm nghiệp; được giao quản lý, sử dụng rừng, cho thuê rừng và đất chưa có rừng.
    7. Chỉ tiêu điều tra, kiểm kê rừng
    a) Về diện tích, bao gồm các chỉ tiêu chủ yếu sau:
    - Diện tích rừng tự nhiên; rừng trồng và đất chưa có rừng theo đơn vị hành chính;
    - Diện tích đất có rừng theo từng trạng thái và đất chưa có rừng theo hiện trạng thực bì phân theo 03 loại rừng;
    - Diện tích rừng và đất chưa có rừng theo chủ quản lý, sử dụng.
    b) Về chất lượng rừng
    Trữ lượng rừng tự nhiên và rừng trồng (trữ lượng gỗ, tre nứa, trữ lượng các bon) theo trạng thái, theo mục đích sử dụng 03 loại rừng, theo chủ quản lý, theo đơn vị hành chính.
    8. Kết quả đạt được
    a) Hệ thống bản đồ kiểm kê hiện trạng rừng và đất chưa có rừng theo 03 loại rừng, chủ quản lý và đơn vị hành chính tính đến thời điểm kiểm kê rừng.
    b) Hệ thống số liệu kiểm kê rừng bao gồm:
    - Diện tích rừng và đất chưa có rừng theo 03 loại rừng, theo chủ quản lý; trữ lượng rừng theo 03 loại rừng, theo chủ quản lý được tổng hợp từ xã đến huyện, tỉnh; độ che phủ rừng theo đơn vị hành chính.
    - Các biểu kiểm kê rừng được tổng hợp từ xã, huyện, tỉnh.
    - Hệ thống hồ sơ quản lý rừng các cấp: Được quản lý dưới dạng cơ sở dữ liệu số, bao gồm số liệu và bản đồ.
    c) Báo cáo tổng hợp toàn bộ quá trình thực hiện Đề án điểm, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.
    9. Giải pháp thực hiện
    a) Về tổ chức
    - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối tổ chức triển khai Đề án điểm. Thành lập Ban Chỉ đạo đề án điểm về điều tra, kiểm kê rừng do một Thứ trưởng làm Trưởng ban; Tổng cục Lâm nghiệp là cơ quan thường trực để tổ chức thực hiện.
    - Ủy ban nhân dân hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh thành lập Ban Chỉ đạo ở địa phương do Phó Chủ tịch tỉnh làm Trưởng ban và lãnh đạo của các Sở, ngành là thành viên (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường trực) để phối hợp với Ban Chỉ đạo đề án điểm về điều tra, kiểm kê rừng ở Trung ương triển khai thực hiện trên địa bàn.
    b) Về khoa học công nghệ
    - Ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thám trong công tác điều tra, kiểm kê rừng: Sử dụng ảnh vệ tinh để phục vụ việc điều tra xây dựng bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng; ứng dụng các phần mềm chuyên dụng phục vụ giải đoán ảnh vệ tinh và xây dựng bản đồ thành quả kiểm kê rừng;
    - Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dưới dạng số phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng;
    - Ứng dụng các phương tiện, thiết bị và công cụ tiên tiến trong điều tra, kiểm kê rừng, như các trang thiết bị sử dụng cho công tác điều tra ngoại nghiệp và xây dựng thành quả.
    c) Về tài chính
    - Ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho việc triển khai thực hiện Đề án điểm về điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh.
    - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối tiếp nhận nguồn đầu tư và giao Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức triển khai sử dụng theo các quy định hiện hành của nhà nước.
    - Cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phê duyệt dự án điểm và giao nhiệm vụ cho đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện theo đúng mục tiêu Đề án điểm, đảm bảo hiệu quả cao.
    d) Về hợp tác quốc tế
    Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật cho công tác điều tra, kiểm kê rừng như: Hợp tác trao đổi kinh nghiệm, thăm quan nghiên cứu, học tập về thiết lập cơ sở dữ liệu; hồ sơ quản lý rừng; điều tra kiểm kê rừng; trao đổi, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật và dự án đầu tư cho công tác điều tra, kiểm kê rừng.
    10. Nguồn vốn thực hiện Đề án
    Tổng khái toán nguồn vốn thực hiện Đề án điểm khoảng 50 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
    Điều 2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân hai tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Kạn
    1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức triển khai xây dựng, trực tiếp phê duyệt dự án điểm về điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh làm điểm để triển khai thực hiện đảm bảo đúng yêu cầu đặt ra. Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai trên toàn quốc.
    2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào dự toán kinh phí do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập tổ chức thẩm định kinh phí thực hiện Đề án điểm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
    3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan tham gia công tác điều tra, kiểm kê rừng, biên tập bản đồ và ảnh vệ tinh, gồm bản đồ thành quả kiểm kê đất đai năm 2010; bản đồ nền địa hình hệ quy chiếu VN 2000 (bản đồ dạng số); ảnh vệ tinh (Spot5) có độ phân giải cao, với chất lượng tốt, đã được xử lý ở cấp độ II, ảnh được chụp tối thiểu trong năm 2010 bàn giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (kinh phí biên tập và xử lý ảnh vệ tinh thuộc Dự án điểm).
    4. Ủy ban nhân dân hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia triển khai thực hiện điều tra, kiểm kê rừng của tỉnh theo hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp.
    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
    Điều 4. Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

    Nơi nhận:
    - Như điều 4;
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    - Lưu: Văn thư, KTN (5b).
    KT. THỦ TƯỚNG
    PHÓ THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Sinh Hùng
     
     
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X