THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------------------- Số: 126/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------- Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM CHIA SẺ LỢI ÍCH TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG RỪNG ĐẶC DỤNG
-----------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 23 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Thực hiện thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục đích
Tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chia sẻ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý các khu rừng đặc dụng với cộng đồng địa phương theo nguyên tắc đồng quản lý nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống ở trong khu rừng đặc dụng và vùng đệm khu rừng đặc dụng.
2. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định việc thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tại một số khu rừng đặc dụng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 1 Quyết định này.
3. Đối tượng áp dụng
a) Tổ chức thực hiện thí điểm chia sẻ lợi ích tại Quyết định này gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định và vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
b) Ban quản lý các khu rừng đặc dụng, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trong và các thôn tiếp giáp với ranh giới các khu rừng đặc dụng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 1 của Quyết định này.
c) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện thí điểm chia sẻ lợi ích quy định tại Quyết định này.
4. Nguyên tắc chia sẻ lợi ích
a) Đảm bảo sự thỏa thuận trực tiếp và tự nguyện giữa Ban quản lý khu rừng đặc dụng với cộng đồng dân cư thôn thông qua đại diện hợp pháp là Hội đồng quản lý; công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện.
b) Gắn trách nhiệm của các bên với lợi ích được chia sẻ.
c) Việc khai thác, sử dụng những lợi ích được chia sẻ không làm ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu bảo tồn của rừng đặc dụng. Chỉ các bên tham gia vào thỏa thuận, thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định trong thỏa thuận mới được chia sẻ lợi ích.
5. Lợi ích được chia sẻ
Lợi ích được chia sẻ gồm: Nông, lâm, thủy sản trong các khu rừng đặc dụng thuộc Danh mục các lợi ích được chia sẻ tại Phụ lục I và II ban hành kèm theo Quyết định này.
6. Hội đồng quản lý
a) Hội đồng quản lý gồm: Đại diện của Ban quản lý khu rừng đặc dụng, cộng đồng dân cư thôn, Hạt Kiểm lâm khu rừng đặc dụng hoặc Hạt Kiểm lâm huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện chính sách thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng.
b) Hội đồng quản lý có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền tổ chức lập Thỏa thuận chia sẻ lợi ích, quản lý, giám sát thực hiện chính sách thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng. Tùy theo điều kiện cụ thể, một khu rừng đặc dụng có thể có một hoặc nhiều Hội đồng quản lý.
c) Hội đồng quản lý gồm ít nhất là 5 thành viên đại diện cho các bên có liên quan quy định tại điểm a khoản 6 Điều này. Chủ tịch Hội đồng quản lý là Giám đốc khu rừng đặc dụng, các Phó chủ tịch Hội đồng quản lý là đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã và Hạt Kiểm lâm khu rừng đặc dụng hoặc Hạt Kiểm lâm huyện. Sau một năm thực hiện thí điểm, Hội đồng quản lý tổ chức bầu lại các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý.
Trường hợp Thỏa thuận chia sẻ lợi ích có sự tham gia của Ủy ban nhân dân nhiều xã và nhiều cộng đồng dân cư thôn, thì mỗi xã có 01 đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã là Phó chủ tịch Hội đồng quản lý và mỗi cộng đồng dân cư thôn có một thành viên Hội đồng quản lý.
d) Ban quản lý khu rừng đặc dụng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ việc thành lập; đồng đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận Hội đồng quản lý.
đ) Hội đồng quản lý xây dựng quy chế hoạt động và được Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận. Hội đồng quản lý hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên, quyết định theo đa số.
7. Phương án chia sẻ lợi ích
a) Ban quản lý khu rừng đặc dụng chủ trì, phối hợp với Hội đồng quản lý xây dựng phương án chia sẻ lợi ích trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
b) Phương án chia sẻ lợi ích phải thể hiện được đầy đủ chi tiết các nội dung sau: Hiện trạng các nguồn tài nguyên, danh mục các lợi ích được chia sẻ; định lượng, thời điểm, phương thức, biện pháp khai thác; đối tượng được chia sẻ lợi ích; giám sát quản lý, đánh giá tác động của việc khai thác, các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình khai thác.
8. Thỏa thuận chia sẻ lợi ích
a) Thỏa thuận chia sẻ lợi ích là văn bản thể hiện sự thống nhất của Hội đồng quản lý về trách nhiệm, quyền lợi của các bên tham gia.
b) Nội dung chủ yếu của Thỏa thuận gồm: Danh sách thành viên Hội đồng quản lý, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình và cá nhân tham gia; phương án chia sẻ lợi ích quy định tại khoản 7 Điều này; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan; giải quyết tranh chấp; các vấn đề khác có liên quan.
9. Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thỏa thuận
a) Ban quản lý khu rừng đặc dụng
- Quyền: Thực hiện các quyền của chủ rừng trong quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật; thống nhất danh sách các đối tượng được chia sẻ lợi ích với Hội đồng quản lý; khen thưởng tổ chức, cá nhân có những thành tích trong bảo vệ rừng và phát triển bền vững rừng đặc dụng.
- Nghĩa vụ: Tạo điều kiện cho Hội đồng quản lý triển khai thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích, chi trả các lợi ích theo quy định tại Quyết định này và nghị quyết của Hội đồng quản lý; tổ chức kiểm tra, giám sát việc khai thác các lợi ích được chia sẻ; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển rừng đặc dụng, bảo vệ môi trường; phát hiện, ngăn ngừa, giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật; đảm bảo cho cộng đồng dân cư thôn tham gia cơ chế chia sẻ lợi ích được tiếp cận những thông tin về thỏa thuận, quy chế quản lý khu rừng đặc dụng và những thông tin khác liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận.
b) Cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân
- Quyền: Được khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, nuôi trồng các loài động vật, thực vật tại danh mục các loài được phép khai thác, sử dụng, nuôi trồng được quy định trong thỏa thuận; tham gia, thực hiện thỏa thuận và đề xuất ý kiến với Hội đồng quản lý; được bồi dưỡng các kiến thức về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững rừng đặc dụng.
- Nghĩa vụ: Thực hiện đúng phương án, thỏa thuận chia sẻ lợi ích; các biện pháp bảo vệ rừng và phát triển rừng đặc dụng quy định của pháp luật; thông báo kịp thời cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng những hành vi vi phạm, thông tin về nguồn tài nguyên, những loài phát hiện mới; thông tin kịp thời, ngăn chặn hoặc tham gia việc ngăn chặn những đối tượng có hành vi xâm hại, khai thác trái pháp luật tài nguyên rừng đặc dụng.
c) Hội đồng quản lý
- Quyền: Xây dựng, thực hiện quy chế hoạt động, Thỏa thuận chia sẻ lợi ích; quyết định cho phép khai thác về số lượng, chủng loại, thời điểm, hiện trường, phương thức khai thác các lợi ích được chia sẻ ghi trong Thỏa thuận; giám sát việc thực hiện phương án chia sẻ lợi ích; đảm bảo quyền và trách nhiệm của các bên tham gia; được Ban quản lý khu rừng đặc dụng bố trí phòng họp và hỗ trợ những thiết bị cần thiết để tiến hành các hoạt động.
- Nghĩa vụ: Thống nhất với Ban quản lý rừng đặc dụng các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Thỏa thuận về số lượng, thời điểm, hiện trường, phương thức khai thác, chia sẻ lợi ích theo thỏa thuận; tiếp nhận đơn xin chia sẻ lợi ích của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, lập danh sách các thành viên tham gia thỏa thuận; công khai trong cộng đồng dân cư thôn về thỏa thuận chia sẻ lợi ích và các thông tin liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận; chia sẻ thông tin với các chương trình khác trên địa bàn liên quan đến thực hiện Thỏa thuận; kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích theo Thỏa thuận.
d) Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Quyền: Yêu cầu các bên cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến việc thực hiện chia sẻ lợi ích; kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích.
- Nghĩa vụ: Công nhận Hội đồng quản lý; quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện Quyết định này.
đ) Ủy ban nhân dân cấp xã
- Quyền: Yêu cầu các bên cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến việc thực hiện chia sẻ lợi ích; được chia sẻ lợi ích theo Thỏa thuận; phối hợp với Ban quản lý khu rừng đặc dụng và Hội đồng quản lý kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích.
- Nghĩa vụ: Cử đại diện của Ủy ban nhân dân xã tham gia Hội đồng quản lý; thực hiện các quy định được quy định tại Quyết định này; tổ chức tuyên truyền, phổ biến và quán triệt chính sách chia sẻ lợi ích.
10. Đăng ký tham gia chia sẻ lợi ích
a) Cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trong khu rừng đặc dụng và vùng đệm của khu rừng đặc dụng có nhu cầu tham gia chia sẻ lợi ích quy định trong Quyết định này đăng ký với Hội đồng quản lý.
b) Hội đồng quản lý xem xét, lập danh sách và thống nhất với Ban quản lý khu rừng đặc dụng danh sách các thành viên tham gia thỏa thuận chia sẻ lợi ích.
c) Hội đồng quản lý thông báo và hướng dẫn các điều kiện cần thiết (thỏa thuận, phương án …) cho người được tham gia chia sẻ lợi ích.
11. Giám sát thực hiện thỏa thuận
a) Tổ chức giám sát
- Ban quản lý khu rừng đặc dụng hỗ trợ, phối hợp với Hội đồng quản lý kiểm tra, đôn đốc toàn diện việc thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích.
- Hội đồng quản lý lập chương trình, kế hoạch và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích và Thỏa thuận.
b) Nhiệm vụ giám sát
- Giám sát toàn diện việc thực hiện thỏa thuận của các bên;
- Việc chấp hành các quy định liên quan đến thỏa thuận; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện của các bên;
- Phát hiện và thông báo kịp thời cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng và Ủy ban nhân dân xã, Ủy ban nhân dân huyện về những vi phạm đối với thỏa thuận và kiến nghị biện pháp khắc phục.
12. Xử lý vi phạm
a) Các vi phạm thỏa thuận đã ký được quy định xử lý như sau:
Các hình thức xử lý vi phạm phù hợp với phong tục của cộng đồng dân cư thôn không trái với các quy định của pháp luật, gồm:
- Phê bình trước cộng đồng dân cư thôn;
- Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật quả tang và chuyển giao ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tạm dừng quyền được khai thác lợi ích được chia sẻ;
- Báo cáo cấp trên trực tiếp quản lý khu rừng đặc dụng, nếu vi phạm thuộc về Ban quản lý khu rừng đặc dụng.
b) Thẩm quyền áp dụng xử lý vi phạm Thỏa thuận
- Hội đồng quản lý quyết nghị và phối hợp với cộng đồng tổ chức thực hiện việc phê bình trước cộng đồng dân cư thôn; báo cáo cấp trên trực tiếp quản lý khu rừng đặc dụng, nếu vi phạm thuộc về Ban quản lý khu rừng đặc dụng.
- Ban quản lý khu rừng đặc dụng thực hiện việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật quả tang và chuyển giao ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tạm dừng quyền được khai thác lợi ích được chia sẻ.
13. Giải quyết tranh chấp
Tranh chấp phát sinh giữa các cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân và Ban quản lý khu rừng đặc dụng do Hội đồng quản lý giải quyết theo phương thức hòa giải, được quyết nghị tại phiên họp của Hội đồng quản lý.
14. Kinh phí thực hiện chính sách thí điểm
a) Nguồn kinh phí thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích cho các khu rừng đặc dụng quy định tại Quyết định này gồm:
- Ngân sách nhà nước cân đối trong dự toán chi hàng năm của khu rừng đặc dụng;
- Quỹ Bảo tồn rừng đặc dụng Việt Nam và hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Các nguồn tài trợ khác theo quy định của pháp luật.
b) Nội dung chi phí bao gồm:
- Triển khai thực hiện Quyết định;
- Xây dựng và triển khai các phương án chia sẻ lợi ích;
- Hoạt động của Hội đồng quản lý;
- Xây dựng và triển khai các mô hình chia sẻ lợi ích;
- Hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích;
- Báo cáo, quản lý, giám sát, đánh giá tác động, các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện Quyết định này.
Điều 2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan và địa phương
1. Các Bộ, ngành Trung ương
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định này, phê duyệt phương án chia sẻ lợi ích của các khu rừng đặc dụng; tổ chức tổng kết, đánh giá sau thời gian thí điểm; hoàn thiện cơ chế, chính sách về chia sẻ lợi ích trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành để áp dụng chung trong cả nước.
b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Quyết định này.
2. Các địa phương thực hiện thí điểm
a) Tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách về cơ chế thí điểm chia sẻ lợi ích và những chính sách về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững rừng đặc dụng.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã và Ban quản lý khu rừng đặc dụng được làm thí điểm triển khai thực hiện các nội dung được quy định tại quyết định này.
c) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Quyết định này; tổng kết rút kinh nghiệm sau thời gian thực hiện thí điểm.
3. Chế độ báo cáo
a) Hàng quý, Ban quản lý khu rừng đặc dụng báo cáo tình hình thực hiện Quyết định này với Ủy ban nhân dân tỉnh và Tổng cục Lâm nghiệp.
b) Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Quyết định này với Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Thủ trưởng các cơ quan liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nam Định, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam; Giám đốc các Ban quản lý các khu rừng đặc dụng được chọn thí điểm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Như Điều 4; - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KTN (5b). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Hoàng Trung Hải |