hieuluat

Quyết định 2728/QĐ-BNN-CB Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2020

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:2728/QĐ-BNN-CBNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Hà Công Tuấn
    Ngày ban hành:31/10/2012Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:31/10/2012Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
    -------

    Số: 2728/QĐ-BNN-CB

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Hà Nội ngày 31 tháng 10 năm 2012

    QUYẾT ĐỊNH

    PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN GỖ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

    ----------

    BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

    Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị định 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về sửa Điều 3 của Nghị định số 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

    Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội;

    Căn cứ Quyết định số 124/2012/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

    Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020;

    Căn cứ Quyết định số 2238/QĐ-BNN-KH ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành Quy định về quản lý quy hoạch ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

    Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối tại Tờ trình số 1390/TTr-CB-LS ngày 18 tháng 10 năm 2012,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau đây:

    1. Quan điểm và định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ

    1.1. Quan điểm phát triển

    Công nghiệp chế biến và thương mại sản phẩm gỗ phải được coi là động lực phát triển kinh tế lâm nghiệp Việt Nam, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển rừng, tận dụng các lợi thế về đất đai và nhân lực trong các vùng rừng, tăng cường sự hợp tác giữa các cơ sở chế biến gỗ với người trồng rừng.

    Phát triển công nghiệp chế biến gỗ một cách bền vững thông qua việc quy hoạch phát triển các cơ sở chế biến gỗ gắn với phát triển gỗ rừng trồng trong nước; cân đối về khả năng cung cấp nguyên liệu nội địa, nhập khẩu với năng lực chế biến; phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng cường các biện pháp để giảm các tác động tiêu cực đến môi trường, minh bạch về nguồn gốc gỗ nguyên liệu.

    Công nghiệp chế biến gỗ phải được quy hoạch phát triển kết hợp giữa các khu vực sản xuất tập trung với quy mô đủ lớn và các vệ tinh; triệt để lợi dụng năng lực hiện tại, phát huy lợi thế cạnh tranh của khu vực đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.

    Đầu tư phát triển năng lực chế biến gỗ theo hướng ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến theo hướng sản xuất sạch, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh phù hợp nhu cầu thị trường, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

    1.2. Định hướng phát triển

    1.2.1. Định hướng nguồn cung ứng nguyên liệu

    Kết hợp các nguồn nguyên liệu gỗ khác nhau để phát triển công nghiệp chế biến: Nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến vẫn bao gồm gỗ nhập khẩu và gỗ khai thác trong nước từ rừng trồng, gỗ rừng tự nhiên được quản lý và sử dụng bền vững, chú trọng sử dụng gỗ các cây công nghiệp theo hướng đa mục đích. Đến năm 2020, trên 60% lượng gỗ khai thác trong nước được đưa vào chế biến công nghiệp. Ưu tiên nhập khẩu gỗ lớn cho gia công bề mặt sản phẩm gỗ và chế biến đồ gỗ mỹ nghệ.

    1.2.2. Định hướng sản phẩm

    Định hướng sản phẩm xuất khẩu: chuyển dần từ sản xuất đồ gỗ ngoại thất sang sản xuất sản phẩm gỗ nội thất, đồng thời hạn chế việc xuất khẩu dăm gỗ.

    Định hướng sản phẩm cho thị trường trong nước: phát triển các loại sản phẩm gỗ nội thất đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thị trường, nhất là các loại sản phẩm phục vụ cho các khu đô thị, chung cư mới được xây dựng, các loại sản phẩm phục vụ cho nhu cầu văn hóa, giáo dục, y tế,... Tập trung phát triển sản xuất ván nhân tạo phục vụ sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, trong đó ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất 20 ghép thanh, MDF, ván dán chất lượng cao,...

    1.2.3. Định hướng quy mô và công nghệ chế biến

    Tập trung rà soát, củng cố và nâng cấp hệ thống cơ sở chế biến gỗ quy mô vừa và nhỏ, đồng thời phát triển công nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn. Xây dựng và mở rộng các khu công nghiệp chế biến gỗ ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo có lợi nhuận và cạnh tranh được trên thị trường khu vực và quốc tế. Hình thành cụm, điểm chế biến gỗ, có quy mô thích hợp để liên doanh liên kết cùng sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, vừa tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, vừa sản xuất các phụ kiện cho các cơ sở sản xuất khác trong vùng và là nơi đào tạo nguồn nhân lực của ngành. Từng bước phát triển và hiện đại hóa công nghiệp chế biến gỗ quy mô nhỏ, các cơ sở sản xuất, chế biến tổng hợp gỗ rừng trồng ở các vùng nông thôn và làng nghề truyền thống, góp phần đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

    Bố trí hợp lý các nhà máy theo các vùng, trong đó ưu tiên xây dựng các nhà máy ở miền núi có đủ nguyên liệu để góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn miền núi, phát triển dân trí, tạo công ăn việc làm cho người dân và phát triển các dịch vụ hỗ trợ.

    Quy mô nhà máy chế biến là: 60.000-100.000 m3 SP/năm đối với MDF, 20.000 m3 SP/năm đối với ván dăm, 10.000 m3SP/năm trở lên đối với chế biến đồ gỗ.

    Sử dụng công nghệ, thiết bị phù hợp từng loại sản phẩm, chú trọng áp dụng công nghệ xử lý nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ; công nghệ tạo sản phẩm mới; công nghệ sản xuất keo dán và chất phủ mặt đáp ứng yêu cầu môi trường; các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu trong sản xuất đồ gỗ, ván nhân tạo; công nghệ sử dụng phế liệu nông, lâm nghiệp, chất thải để làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; công nghệ sử dụng phế, phụ liệu của công nghiệp chế biến gỗ.

    1.2.4. Định hướng thị trường

    Tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống có sức mua lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, đồng thời, tìm kiếm thị trường mới có tiềm năng với các sản phẩm chủ yếu thuộc nhóm nội thất và sản phẩm ngoài trời.

    Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước về số lượng, chất lượng, chủng loại, mẫu mã và dịch vụ bán hàng của các nhóm sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, đồ gỗ phục vụ cho giáo dục, y tế, văn hóa của nhân dân. Trong đó, hướng đến đáp ứng nhu cầu của các cụm dân cư mới, khu đô thị, các khu du lịch, dịch vụ, bệnh viện, trường học.

    2. Mục tiêu phát triển

    2.1. Mục tiêu tổng quát

    Xây dựng công nghiệp chế biến gỗ thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có khả năng cạnh tranh cao để chủ động xâm nhập thị trường quốc tế: tăng kim ngạch xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa; đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế nhằm đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

    2.2. Mục tiêu cụ thể

    Giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ đến năm 2015 đạt 5,0 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 8%/năm; đến năm 2020 đạt 8,0 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9%/năm; đến năm 2030 đạt 12,22 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 6%/năm.

    Giá trị sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đến năm 2015 đạt 72,60 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 9,4 %/năm; đến năm 2020 đạt 108,70 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,0%/năm; đến năm 2030 đạt 142.30 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 5,5%/năm.

    Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nội thất xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đồng thời tăng cường sản xuất ván nhân tạo để sản xuất đồ gỗ, nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên liệu 20 khai thác trong nước.

    Tạo công ăn, việc làm cho 800.000 người vào năm 2020 và 1.200.000 người vào năm 2030.

    3. Quy hoạch tổng thể

    3.1. Quy hoạch sản phẩm

    Sản xuất ván nhân tạo

    TT

    Tổng công suất sản phẩm

    Đơn vị tính

    Giai đoạn 2011-2015

    Giai đoạn 2016-2020

    Giai đoạn 2021-2030

    1

    Ván dăm

    m3 SP/năm

    100.000

    100.000

    100.000

    2

    Ván sợi

    m3 SP/năm

    1.200.000

    1.600.000

    1.800.000

    3

    Gỗ ghép thanh

    m3 SP/năm

    800.000

    1.000.000

    1.500.000

    4

    Các loại ván nhân tạo khác

    m3 SP/năm

    200.000

    300.000

    500.000

    Sản xuất đồ gỗ: Đẩy mạnh sản xuất đồ gỗ nội thất đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Khối lượng sản phẩm đồ gỗ nội địa đạt 2,8 triệu m3 SP/năm vào năm 2020 và 4,0 triệu m3 SP/năm vào năm 2030. Khối lượng sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu đạt 5,0 triệu m3 SP/năm vào năm 2020 và 7,0 triệu m3 SP/năm vào năm 2030.

    Sản xuất dăm mảnh: giảm dần việc chế biến và xuất khẩu, tiến tới ngừng xuất khẩu mặt hàng này vào năm 2020.

    3.2. Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ ở từng vùng sản xuất lâm nghiệp

    3.2.1. Vùng Tây Bắc

    Giai đoạn 2011-2020: Tổng công suất ván dăm 10.000 m3 sản phẩm/năm; ván sợi 150.000 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 50.000 m3 sản phẩm/năm: đồ gỗ tiêu thụ nội địa 100.000 m3 sản phẩm/năm.

    Giai đoạn 2021-2030: Tổng công suất ván dăm 10.000 m3 sản phẩm/năm; ván sợi 150.000 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 100.000 m3s ản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 150.000 m3 sản phẩm/năm.

    Chỉ thực hiện xây dựng mới các nhà máy chế biến ván sợi ở Hòa Bình.

    3.2.2. Vùng Đông Bắc

    Xây dựng các cơ sở chế biến công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu trên cơ sở thâm canh 1,5 triệu ha rừng sản xuất, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất ván nhân tạo và đồ mộc.

    Không xây dựng mới các nhà máy chế biến ván sợi tại những địa phương thuộc vùng núi cao. không thuận tiện cho việc vận chuyển sản phẩm và điều kiện về cơ sở hạ tầng cho sản xuất.

    Giai đoạn 2011-2020: Tổng công suất ván dăm 30.000 m3 sản phẩm/năm; ván sợi 320.000 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 300.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 200.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 400.000 m3 sản phẩm/năm.

    Giai đoạn 2021-2030: Tổng công suất ván dăm 30.000 m3 sản phẩm/năm; ván sợi 450.000 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 350.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 400.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 700.000 m3 sản phẩm/năm.

    3.2.3. Vùng đồng bằng sông Hồng

    Xây dựng các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ, bao gồm sản xuất sản phẩm đồ gỗ từ ván nhân tạo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, trọng tâm là Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh và Hải Dương. Đồng thời thực hiện đổi mới công nghệ và tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến và các làng nghề truyền thống sản xuất đồ mộc.

    Giai đoạn 2011-2020: Tổng công suất gỗ ghép thanh 300.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 500.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 1.000.000 m3 sản phẩm/năm.

    Giai đoạn 2021-2030: Tổng công suất gỗ ghép thanh 300.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 800.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 1.500.000 m3 sản phẩm/năm.

    3.2.4. Vùng Bắc Trung Bộ

    Xây dựng các cơ sở chế biến gỗ công nghiệp gắn với phát triển các vùng nguyên liệu tập trung để hình thành các khu công nghiệp chế biến gỗ của các địa phương. Đẩy mạnh sản xuất đồ mộc và phát triển các làng nghề.

    Giai đoạn 2011-2020: Tổng công suất ván dăm 30.000 m3 sản phẩm/năm; ván sợi 150.000 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 100.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 400.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 400.000 m3 sản phẩm/năm.

    Giai đoạn 2021-2030: Tổng công suất ván dăm 30.0001 m3 sản phẩm/năm; ván sợi 200.000 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 250.000 m3sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 400.000 m3sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 800.000 m3sản phẩm/năm.

    3.2.5. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

    Nâng cấp công nghệ và thiết bị hiện đại trong chế biến đồ mộc xuất khẩu, ván nhân tạo. Xây dựng khu chế biến xuất khẩu tập trung gắn với phát triển vùng trọng điểm trồng rừng gỗ nguyên liệu công nghiệp từ Quy Nhơn đến Đà Nẵng.

    Giai đoạn 2011-2020: Tổng công suất gỗ ghép thanh 50.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 400.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 1.200.000 m3 sản phẩm/năm.

    Giai đoạn 2021-2030: Tổng công suất gỗ ghép thanh 100.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 800.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 1.500.000 m3 sản phẩm/năm.

    3.2.6. Vùng Tây Nguyên

    Xây dựng các cụm công nghiệp chế biến gỗ gắn với việc hình thành các khu rừng sản xuất, cung cấp gỗ lớn tại Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Pleiku, An Khê, thành phố Kon Tum.

    Giai đoạn 2011-2020: Tổng công suất ván dăm 20.000 m3 sản phẩm/năm; ván sợi MDF 280.000 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 100.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 250.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 500.000m3 sản phẩm/năm.

    Giai đoạn 2021-2030: Tổng công suất ván dăm 20.000 m3 sản phẩm/năm; ván sợi MDF 300.000 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 200.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 450.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 700.000 m3 sản phẩm/năm.

    3.2.7. Vùng Đông Nam Bộ

    Đẩy mạnh chế biến gỗ ở các cụm công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa thuộc TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời phát triển trồng rừng thâm canh để cung cấp nguyên liệu cho chế biến.

    Giai đoạn 2011-2020: Tổng công suất ván dăm 10.000 m3 sản phẩm/năm; ván sợi MDF 450.000 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 50.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 800.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 1.500.000 m3 sản phẩm/năm.

    Giai đoạn 2021-2030: Tổng công suất ván dăm 10.000 m3 sản phẩm/năm; ván sợi MDF 450.000 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 100.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 800.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ xuất khẩu 1.800.000 m3 sản phẩm/năm.

    3.2.8. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

    Chú trọng xây dựng các cơ sở chế biến gỗ có quy mô thích hợp, ưu tiên nghiên cứu sử dụng nguyên liệu đước, tràm, bạch đàn, keo... để sản xuất ván nhân tạo và đồ mộc cho tiêu dùng nội địa.

    Giai đoạn 2011-2020: Tổng công suất ván sợi 250.00 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 50.000 m3 sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 150.000 m3 sản phẩm/năm.

    Giai đoạn 2021-2030: Tổng công suất ván sợi 250.000 m3 sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 100.000 m3sản phẩm/năm; đồ gỗ tiêu thụ nội địa 200.000 m3 sản phẩm/năm.

    3.3. Nhu cầu nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến

    Nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ giai đoạn 2011-2030

    Đơn vị tính: triệu m3

    TT

    Các chỉ tiêu

    2015

    2020

    2030

    1

    Tổng nhu cầu

    20,7

    23,1

    32,7

    -

    Gỗ lớn cho sản xuất đồ gỗ và gỗ xây dựng

    10,05

    17,1

    24,6

    -

    Gỗ nhỏ cho sản xuất ván nhân tạo và dăm gỗ

    10,65

    6,0

    8,1

    2

    Nhu cầu cho chế biến xuất khẩu

    13,5

    12,6

    16,8

    -

    Gỗ lớn cho sản xuất đồ gỗ

    7,5

    12,6

    16,8

    -

    Gỗ nhỏ cho sản xuất dăm

    6,0

    0

    0

    3

    Nhu cầu cho chế biến nội địa

    7,20

    10,5

    15,9

    -

    Gỗ lớn cho sản xuất đồ gỗ, gỗ xây dựng

    2,55

    4,5

    7,8

    -

    Gỗ nhỏ cho sản xuất ván nhân tạo

    4,65

    6,0

    8,1

    4

    Nguyên liệu gỗ từ khai thác nội địa

    10,5

    14,5

    24,5

    -

    Gỗ rừng trồng

    6,0

    7,5

    8,5

    -

    Gỗ rừng tự nhiên

    1,5

    3,5

    12,0

    -

    Gỗ cây phân tán

    1,5

    2,0

    2,0

    -

    Gỗ cao su

    2,0

    2,0

    2,0

    5

    Nguyên liệu gỗ nhập khẩu

    10,2

    9,1

    8,2

    Tổng sản lượng gỗ trong nước có khả năng cung cấp cho công nghiệp chế biến đến năm 2015 là 10,5 triệu m3, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu nguyên liệu; năm 2020 là 14,5 triệu m3, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu nguyên liệu. Đến năm 2030 là sản lượng nguyên liệu gỗ nội địa đạt 24,5 triệu m3, đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu. Như vậy, trong giai đoạn từ 2011 đến 2030, đáp ứng cho yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo quy hoạch, chúng ta vẫn phải tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu gỗ, nhưng với tỷ lệ giảm dần.

    3.4. Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp chế biến gỗ

    Đến năm 2020 cả nước cần có 800.000 lao động trong công nghiệp chế biến gỗ. Đến năm 2030 cả nước cần 1.200.000 lao động. Trong đó, tăng tỷ lệ cán bộ quản lý và kỹ thuật có trình độ đại học, cao đẳng thuộc các chuyên ngành có liên quan, đồng thời tăng tỷ lệ lao động kỹ thuật được đào tạo để đáp ứng yêu cầu về công nghệ và chất lượng sản phẩm.

    4. Các dự án ưu tiên và nhu cầu vốn đầu tư

    4.1. Các dự án đầu tư

    Các dự án đầu tư xây dựng mới bao gồm các lĩnh vực như: Đầu tư xây mới các nhà máy sản xuất ván nhân tạo (ván sợi MDF, gỗ ghép thanh, ván dăm); Đầu tư nâng cấp về xây dựng mới nhà máy chế biến đồ gỗ xuất khẩu; Đầu tư nâng cấp và xây dựng mới nhà máy chế biến đồ gỗ nội địa; Đầu tư xây dựng các chợ 20 đầu mối tại Hải Phòng, Quy Nhơn và TP.Hồ Chí Minh; Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất keo dán gỗ và phụ liệu tại vùng Đông Bắc Bộ và Đông Nam Bộ.

    4.2. Các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ đào tạo

    Triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo như: Chương trình phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh doanh lâm sản; Chương trình phát triển thị trường nội địa; Đề án nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển sản phẩm từ gỗ; Chương trình Đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong chế biến gỗ; Dự án Xây dựng hệ thống thông tin chung quản doanh nghiệp chế biến gỗ.

    4.3. Nhu cầu vốn và nguồn vốn

    Nhu cầu vốn: Tổng nhu cầu vốn để thực hiện Quy hoạch là 55.884 tỷ đồng: bao gồm vốn cho giai đoạn 2011-2015 là 31.859 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 24.025 tỷ đồng. Trong đó, vốn dành cho đầu tư xây dựng và mở rộng sản xuất đồ gỗ là 35.550 tỷ đồng, vốn dành cho sản xuất ván nhân tạo là 17.704 tỷ đồng và vốn dành cho chương trình đào tạo nghiên cứu phát triển thị trường là 2.630 tỷ đồng.

    Nguồn vốn

    Vốn của doanh nghiệp là 5.000 tỷ đồng (chiếm 8,95% tổng nhu cầu vốn).

    Vốn vay là 45.284 tỷ đồng (chiếm 81,03% tổng nhu cầu vốn).

    Vốn từ ngân sách nhà nước là 5.600 tỷ đồng (chiếm 10,02% tổng nhu cầu vốn), sử dụng cho đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại,...

    5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

    5.1. Về nguyên liệu

    Quản lý bền vững và có hiệu quả tổng diện tích rừng sản xuất được quy hoạch là 8,4 triệu ha, trong đó có 3,63 triệu ha rừng tự nhiên và 4,15 triệu ha rừng trồng, sử dụng nguyên liệu cây công nghiệp tập trung và quản lý sử dụng rừng bền vững theo hướng đa mục đích. Phục hồi rừng và sản xuất nông, lâm kết hợp trên diện tích đất 0,62 triệu ha rừng tự nhiên nghèo kiệt. Thực hiện các dự án hỗ trợ trồng rừng và dịch vụ chi trả môi trường rừng để khuyến khích phát triển rừng một cách nhanh chóng và bền vững, đảm bảo đủ nguyên liệu cho chế biến theo Quy hoạch. Thực hiện các biện pháp trồng rừng và khai thác hiệu quả để hình thành rừng gỗ lớn thay thế nhập khẩu.

    5.2. Về thể chế, chính sách

    a) Tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành, xây dựng chính sách mới

    Xây dựng, bổ sung hệ thống chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến lâm sản để ngày càng phù hợp với điều kiện thực tế như: Chính sách liên kết giữa người sản xuất gỗ, các công ty lâm nghiệp với các cơ sở, công ty chế biến gỗ; Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến gỗ; Hoàn thiện khung pháp lý cho các hoạt động của các tổ chức hội nghề nghiệp như Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các chi hội, hội chế biến gỗ tại các địa phương.

    b) Về đất đai

    Ưu tiên bố trí các doanh nghiệp chế biến vào hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch tại địa phương.

    Rà soát, bổ sung Nghị số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ để khuyến khích hơn nữa đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ, nhất đầu tư các nhà máy chế biến gỗ ở vùng sâu, vùng xa.

    c) Về liên kết trong chế biến gỗ

    Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm (liên kết dọc) từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, về quản lý nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu gỗ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng như tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới. Đặc biệt chú ý đến mối liên kết giữa người trồng rừng, các công ty lâm nghiệp với doanh nghiệp chế biến gỗ.

    Thành lập các tổ chức ngành hàng ở trung ương và địa phương nhằm liên kết các nhà sản xuất theo ngành hàng (liên kết ngang) tạo ra sự ổn định, bền vững và tránh được việc ép cấp, ép giá trong các khâu của chuỗi sản xuất.

    Từng bước phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hỗ trợ một cách phù hợp. Chú trọng đến các địa phương đã hình thành các trung tâm chế biến gỗ lớn.

    e) Về khoa học và công nghệ

    Tập trung nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là các đề tài, dự án về thiết kế sản phẩm, về vật liệu thay thế, về tận dụng nguyên liệu gỗ và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ chế biến, gắn công tác nghiên cứu của các viện, trường với các doanh nghiệp.

    Xây dựng chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường.

    Xây dựng các trung tâm nghiên cứu, thiết kế sản phẩm gỗ bằng kinh phí khoa học công nghệ của Nhà nước.

    Hỗ trợ tập huấn về công nghệ thông tin, xây dựng và áp dụng chứng chỉ FSC, CoC, ISO,... cho doanh nghiệp chế biến và người trồng rừng.

    f) Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

    Thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để đào tạo, đào tạo lại, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ.

    Lồng ghép các chương trình đào tạo khác nhau, trước mắt thực hiện tốt Chương trình đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg để hỗ trợ, tăng cường đào tạo tay nghề công nhân chế biến gỗ.

    5.3. Về phát triển thị trường

    Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu thị trường cung cấp những thông tin cập nhật về thị trường lâm sản thế giới trên các mặt giá cả, cân đối cung cầu, xu hướng sản phẩm và những yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu.

    Xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển thị trường đối với các thị trường trọng điểm, gắn với việc xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia cho sản phẩm gỗ. Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng vào các thị trường lớn và các thị trường mang tính đột phá như Nga, Trung Đông, Trung Quốc,... Từng bước tiến hành xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm gỗ Việt Nam tại nước ngoài.

    Nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế, để chủ động đối phó và đấu tranh với những tranh chấp và rào cản thương mại do chính sách bảo hộ của các nước gây ra.

    Tổ chức các hội chợ chuyên ngành, phát triển thị trường nội địa. Thực hiện thanh tra, giám sát trên thị trường nhằm tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho các sản phẩm gỗ đã công bố về chất lượng, ghi nhãn và ổn định thị trường nội địa.

    5.4. Về môi trường và phát triển bền vững

    Tiếp tục hỗ trợ, đào tạo cho các doanh nghiệp chế biến gỗ áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm thiểu chất thải, và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm.

    Kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chế biến không tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường.

    Tăng cường các biện pháp kiểm tra để đảm bảo đến năm 2020 đạt 100% số nguyên liệu gỗ đưa vào sản xuất có nguồn gốc hợp pháp.

    Điều 2. Tổ chức thực hiện

    1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch như sau

    - Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức trồng và khai thác hiệu quả các loại rừng, phối hợp với Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản về nghề muối trong nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ chế biến theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước, hạn chế xuất khẩu dăm gỗ.

    - Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối: là cơ quan thường trực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Quy hoạch; đầu mối thu thập, xử lý, tổng hợp tình hình, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, lập báo cáo đánh giá kết quả thực hiện. Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức hướng dẫn thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch.

    - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia lĩnh vực chế biến, bảo quản lâm sản hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; đẩy mạnh hoạt động sản xuất sạch hơn trong các cơ sở chế biến gỗ; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ và đảm bảo vệ sinh môi trường.

    2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy hoạch; Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối).

    3. Các doanh nghiệp chế biến gỗ: Căn cứ Quy hoạch định hướng của Trung ương và địa phương có chiến lược đầu tư sản xuất kinh doanh phù hợp cơ chế thị trường.

    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

    Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     Nơi nhận:
    - Như Điều 4;
    - Văn phòng Chính phủ;
    - Các Bộ: Công Thương; KHĐT; Tài chính; KH&CN; TN&MT;
    - Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
    - Tổng cục Lâm nghiệp;
    - Các Cục, Vụ: Quản lý chất lượng NLS&TS; KH; TC; PC, KHCN;
    - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia;
    - Các hội, hiệp hội chế biến gỗ;
    - Trung tâm Tin học Bộ NN&PTNT;
    - Lưu VT, CB.

    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Hà Công Tuấn

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 2728/QĐ-BNN-CB Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2020

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
    Số hiệu:2728/QĐ-BNN-CB
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:31/10/2012
    Hiệu lực:31/10/2012
    Lĩnh vực:Nông nghiệp-Lâm nghiệp
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Hà Công Tuấn
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Quyết định 2728/QĐ-BNN-CB Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2020 (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X