Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 541/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Trịnh Đình Dũng |
Ngày ban hành: | 20/04/2020 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 20/04/2020 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 541/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
_____________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi ranh giới quy hoạch
a) Tên quy hoạch: Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
b) Thời kỳ quy hoạch: Thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
c) Phạm vi của quy hoạch:
Phạm vi của quy hoạch bao gồm các thuỷ vực thuộc vùng nội địa và vùng biển, hải đảo trên lãnh thổ Việt Nam.
d) Đối tượng của quy hoạch:
- Đối với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác có thời hạn, khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản.
- Đối với khai thác thủy sản: Sản lượng khai thác, cơ cấu tàu cá, đối tượng khai thác, lao động, hạ tầng phục vụ khai thác thuỷ sản,...
2. Yêu cầu về quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu lập quy hoạch
a) Yêu cầu về quan điểm, nguyên tắc lập quy hoạch
- Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về thủy sản và pháp luật khác có liên quan.
- Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng phát triển kinh tế xã hội, định hướng, chiến lược phát triển ngành thủy sản.
- Kết hợp hài hòa giữa bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản theo hướng phát triển chất lượng, hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm; hài hoà lợi ích với các ngành kinh tế khác và phát triển kinh tế xã hội các vùng, địa phương.
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia; thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm tính khoa học, tính kế thừa, tính liên kết tổng thể trên phạm vi từng vùng và toàn quốc; đồng bộ về phạm vi, thời kỳ quy hoạch, thứ tự ưu tiên và khả năng đáp ứng nguồn lực theo các giai đoạn.
- Khai thác nguồn lợi thủy sản căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững.
- Bảo đảm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản.
b) Yêu cầu về mục tiêu lập quy hoạch
- Mục tiêu chung
Bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác, gắn với bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; bảo vệ quốc phòng an ninh trên các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Xây dựng được bộ chỉ tiêu, chỉ số cụ thể về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 2021 - 2030 và 2031 - 2050).
+ Xây dựng được phương án tổ chức không gian khai thác thuỷ sản phù hợp từng vùng biển, từng khu vực biển, gắn với số lượng tàu cá hoạt động theo nghề, chiều dài, đối tượng khai thác cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 2021 - 2030 và 2031 - 2050).
+ Xây dựng được phương án bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ở từng vùng sinh thái và vùng biển cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 2021 - 2030 và 2031 - 2050).
+ Quy hoạch được hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi trên phạm vi toàn quốc cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 2021 - 2030 và 2031 - 2050).
+ Xây dựng được hệ thống giải pháp để thực hiện Quy hoạch, đặc biệt là giải pháp về chính sách, tổ chức sản xuất, đầu tư, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế,...
+ Đề xuất được danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 2021 - 2030 và 2031 - 2050).
3. Yêu cầu về nội dung, phương pháp lập quy hoạch:
a) Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch
Nội dung nghiên cứu thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định thi hành chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch. Việc lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản phải đáp ứng các nội dung cơ bản sau đây:
- Thu thập, tổng hợp và đánh giá thông tin, dữ liệu hiện có phục vụ lập quy hoạch, bao gồm:
+ Thu thập các thông tin, tài liệu liên quan;
+ Tổng hợp, đánh giá các thông tin, tài liệu thu thập được;
+ Điều tra, khảo sát thực địa bổ sung;
+ Tổng hợp lập báo cáo kết quả điều tra, thu thập các thông tin, tài liệu.
- Điều tra, khảo sát bổ sung dữ liệu chuyên sâu phục vụ lập quy hoạch:
+ Nội dung điều tra, khảo sát:
Về kinh tế xã hội nghề cá (bao gồm cả hoạt động khai thác thủy sản và công tác quản lý nghề cá);
Xác định vị trí địa lý, ranh giới, diện tích, bản đồ và đối tượng bảo tồn tại khu vực có tiềm năng thành lập khu bảo tồn biển;
Xác định vị trí địa lý, ranh giới, diện tích, bản đồ khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu ở vùng biển;
Xác định vị trí địa lý, ranh giới, diện tích, bản đồ khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn ở vùng nội địa.
+ Phạm vi điều tra, khảo sát:
* Vùng biển:
- Điều tra khảo sát bổ sung tại 11 khu vực có tiềm năng thành lập khu bảo tồn biển bao gồm: Quần đảo Long Châu (Hải Phòng), Hòn Ngư - Đảo Mắt (Nghệ An); rạn ngầm lân cận Hòn La - Đảo Yến (Quảng Bình); bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng); xã đảo Tam Hải (Quảng Nam); Vũng Rô và vùng rạn lân cận (Phú Yên); Cù Lao Xanh (Bình Định); quần đảo Hòn Khoai (Cà Mau); đảo Hòn Sơn, xã Lại Sơn (Kiên Giang); Hòn Mê (Thanh Hóa); Phú Quý (Bình Thuận).
- Điều tra khảo sát bổ sung tại 35 khu vực ven biển là nơi tập trung sinh sống của các loài thủy sản còn non, có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
* Vùng nội địa:
Điều tra khảo sát bổ sung thông tin tại các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống tại các thủy vực, bao gồm: sông Đà, sông Gâm, sông Lô, sông Thái Bình, sông Rạng, sông Văn Úc, sông Mã, sông Krong Ana, hồ Yaly.
- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kết quả điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản; hiện trạng quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
+ Hiện trạng kết quả điều tra, khảo sát; trữ lượng, phân bố và khả năng khai thác nguồn lợi thủy sản; hiện trạng các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản đã được lưu trữ giống, gen và đã sản xuất được giống thương phẩm;
+ Hiện trạng sản xuất, khai thác thủy sản, gồm phương tiện, sản lượng khai thác thủy sản, tốc độ tăng trưởng giá trị khai thác thủy sản, cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản xa bờ.
+ Hệ thống tổ chức quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Đánh giá tác động của việc bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác:
+ Đánh giá tác động của việc bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;
+ Đánh giá tác động của việc bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản đến môi trường, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
- Phân tích, đánh giá tác động của chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và các quy hoạch có liên quan đến bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản
- Dự báo tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu tác động tới bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản:
+ Dự báo xu thế biến động về trữ lượng nguồn lợi thủy sản, đánh giá sự biến động của nguồn lợi thủy sản;
+ Dự báo nhu cầu khai thác nguồn lợi thủy sản; đánh giá mức độ khai thác và sản lượng tối đa cho phép khai thác bền vững;
+ Dự báo tiến bộ khoa học, công nghệ tác động tới các hoạt động bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản;
+ Đánh giá tác động của phát triển kinh tế - xã hội tới nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản;
+ Đánh giá, dự báo tác động của thị trường đến công tác bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản;
+ Đánh giá, dự báo tác động của biến đổi khí hậu tới bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản;
+ Đánh giá, dự báo về nguồn nhân lực phục vụ hoạt động khai thác thủy sản;
+ Đánh giá, dự báo tình hình trên biển Đông, hợp tác quốc tế ảnh hưởng đến nghề cá trong nước và khu vực.
- Quan điểm, mục tiêu bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội:
+ Xác định quan điểm bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản xét về lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quốc phòng, an ninh, đảm bảo việc thực hiện các khuyến cáo và công ước quốc tế.
+ Xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể đối với từng đối tượng quy hoạch, định hướng bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch.
- Định hướng bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản:
+ Xây dựng định hướng phát triển theo giai đoạn 2021 - 2030 và 2031 - 2050; luận chứng xây dựng phương án phát triển và lựa chọn phương án ưu tiên phát triển;
+ Xác định khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn biển; khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu, đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản;
+ Phân vùng khai thác thủy sản; đề xuất biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;
+ Xác định nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; cơ cấu nghề, đối tượng khai thác, vùng biển khai thác thủy sản;
+ Định hướng sử dụng đất, mặt nước cho việc bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản, xây dựng hạ tầng dịch vụ hậu cần khai thác thuỷ sản.
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch:
+ Giải pháp về cơ chế, chính sách;
+ Giải pháp về tài chính, đầu tư;
+ Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ;
+ Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức;
+ Giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực;
+ Giải pháp về hợp tác quốc tế;
+ Giải pháp về tổ chức sản xuất;
+ Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch (bao gồm cả việc xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch).
- Đề xuất danh mục chương trình, dự án ưu tiên đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và nhu cầu vốn:
+ Xây dựng bộ tiêu chí xác định chương trình, dự án ưu tiên đầu tư cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2050);
+ Xây dựng danh mục chương trình, dự án ưu tiên đầu tư; thứ tự ưu tiên đầu tư; cơ cấu nguồn vốn và phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2050).
- Xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch (bản đồ số và bản đồ in):
+ Xây dựng hệ thống bản đồ được tích hợp theo hệ thống bản đồ chuyên ngành và các bản đồ tích hợp theo nhóm ngành:
Nghiên cứu, xử lý tổng hợp các loại bản đồ hiện trạng và định hướng theo các chuyên ngành và nhóm ngành;
Xử lý, chồng lớp bản đồ theo các đối tượng không gian cấp quốc gia.
+ Biên tập hệ thống bản đồ số và bản đồ in sản phẩm cuối cùng:
Bản đồ hiện trạng quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vùng nội địa và vùng biển (tỷ lệ 1:1.000.000 trên toàn quốc; tỷ lệ 1:500.000 trên từng vùng biển, vùng nội địa);
Bản đồ phân vùng khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vùng nội địa và vùng biển (tỷ lệ 1:1.000.000 trên toàn quốc; tỷ lệ 1:500.000 trên từng vùng biển, vùng nội địa).
Bản đồ khoanh định khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn biển; khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu, tỷ lệ 1:50.000.
- Xây dựng báo cáo quy hoạch:
+ Xây dựng báo cáo tổng hợp;
+ Xây dựng báo cáo tóm tắt.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch:
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu của quy hoạch theo yêu cầu chung của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch;
+ Thể hiện nội dung của quy hoạch trên bản đồ GIS để tích hợp vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
- Tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của các cơ quan quản lý, chuyên gia và các đối tượng có liên quan về nội dung quy hoạch.
- Tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.
- Công bố Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
b) Yêu cầu về điều tra, khảo sát:
- Tổng hợp, đánh giá và kế thừa các nguồn thông tin, số liệu hiện có;
- Điều tra, khảo sát bổ sung số liệu phục vụ nội dung quy hoạch khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu bảo tồn biển, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu ở vùng biển; cơ cấu tàu cá, sản lượng khai thác thủy sản,...
c) Yêu cầu về phương pháp lập quy hoạch:
- Các phương pháp cơ bản được sử dụng trong quá trình lập quy hoạch, gồm:
+ Phương pháp kế thừa và tích hợp.
+ Phương pháp điều tra, khảo sát.
+ Phương pháp tham vấn, chuyên gia.
+ Phương pháp xây dựng bản đồ.
+ Phương pháp dự báo.
+ Phương pháp phân tích, xử lý dữ liệu.
- Yêu cầu đối với phương pháp lập quy hoạch bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, có độ tin cậy trên cơ sở thông tin chính xác, đầy đủ, toàn diện, cập nhật và phù hợp với đặc trưng của đối tượng quy hoạch.
4. Thời hạn lập quy hoạch:
Thời hạn lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản được phê duyệt.
5. Thành phần, số lượng và tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ quy hoạch
a) Thành phần hồ sơ quy hoạch:
- Tờ trình và dự thảo Quyết định phê quyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
- Báo cáo quy hoạch: Báo cáo thuyết minh tổng hợp; Báo cáo tóm tắt thuyết minh Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
- Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của bộ, ngành, địa phương về quy hoạch và các ý kiến góp ý kèm theo.
- Báo cáo thẩm định của cơ quan thẩm định quy hoạch.
- Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.
- Bản đồ số và bản đồ in bao gồm:
+ Bản đồ số và bản đồ in tỷ lệ 1:1.000.000 trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ 1:500.000 trên từng vùng biển, vùng nội địa: Bản đồ hiện trạng quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Bản đồ phân vùng khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;
+ Bản đồ số và bản đồ in tỷ lệ 1:50.000: Bản đồ khoanh định khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn biển; khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu.
b) Số lượng: 15 bộ bản in và USB chứa toàn bộ nội dung quy hoạch.
c) Tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ quy hoạch:
- Báo cáo hồ sơ quy hoạch in trên khổ giấy A4.
- Bản đồ in màu, tỷ lệ bản đồ thực hiện theo quy định.
- Sản phẩm của nhiệm vụ lập quy hoạch được đánh giá đạt yêu cầu bởi Hội đồng thẩm định cấp quốc gia theo quy định.
6. Kinh phí lập quy hoạch
a) Chi phí lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các quy định khác có liên quan.
b) Căn cứ nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định mức trong hoạt động quy hoạch, hướng dẫn của Bộ Tài chính về giá trong hoạt động quy hoạch, các quy định khác về định múc, tiêu chuẩn chi có liên quan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập dự toán, thẩm định và quyết định cụ thể chi phí lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản theo đúng, quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phê duyệt dự toán chi tiết nhiệm vụ lập Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai lập quy hoạch theo nhiệm vụ lập Quy hoạch đã được phê duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả.
2. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Kiểm toán Nhà nước; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, CN, QHĐP, PL; - Lưu: VT, NN (2). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG
Trịnh Đình Dũng |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản căn cứ |
04 | Văn bản căn cứ |
Quyết định 541/QĐ-TTg nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030
In lược đồCơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 541/QĐ-TTg |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 20/04/2020 |
Hiệu lực: | 20/04/2020 |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Trịnh Đình Dũng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |