Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | TCVN 8400-3:2010 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam | Người ký: | |
Ngày ban hành: | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật | |
Áp dụng: | 01/01/2010 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8400-3:2010
BỆNH ĐỘNG VẬT – QUY TRÌNH CHẨN ĐOÁN – PHẦN 3: BỆNH GIUN XOẮN
Animal disease – Diagnostic procedure –Part 3: Diagnostic procedure for trichinellosis disease
Lời nói đầu
TCVN 8400-3:2010 do Cục Thú y biên soạn, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
TCVN 8400 Bệnh động vật – Quy trình chẩn đoán gồm có các phần sau:
- TCVN 8400-1:2010 Bệnh động vật – Quy trình chẩn đoán – Phần 1: Bệnh lở mồm long móng;
- TCVN 8400-2:2010 Bệnh động vật – Quy trình chẩn đoán – Phần 2: Bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra trên lợn;
- TCVN 8400-3:2010 Bệnh động vật – Quy trình chẩn đoán – Phần 3: Bệnh giun xoắn;
- TCVN 8400-4:2010 Bệnh động vật – Quy trình chẩn đoán – Phần 4: Bệnh Niu cát xơn.
BỆNH ĐỘNG VẬT – QUY TRÌNH CHẨN ĐOÁN – PHẦN 3: BỆNH GIUN XOẮN
Animal disease – Diagnostic procedure –Part 3: Diagnostic procedure for trichinellosis disease
CẢNH BÁO – Việc áp dụng tiêu chuẩn này có thể liên quan đến các vật liệu, thiết bị và các thao tác gây nguy hiểm. Tiêu chuẩn này không thể đưa ra được hết tất cả các vấn đề an toàn liên quan đến việc sử dụng chúng. Người sử dụng tiêu chuẩn này phải tự thiết lập các thao tác an toàn sức khỏe thích hợp và xác định khả năng áp dụng các giới hạn quy định trước khi sử dụng tiêu chuẩn.
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định quy trình chẩn đoán bệnh giun xoắn trên động vật.
2. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
Bệnh giun xoắn/bệnh giun bao (Trichinellosis)
Các loài giun xoắn thuộc giống Trichinella, ngành Nemathelminthis, lớp Nematoda, bộ Trichocephalida, họ Trichinellidae. Giun trưởng thành ký sinh ở ruột non còn ấu trùng sống ở cơ vân, cuộn tròn hình xoắn ốc, là bệnh truyền lây giữa người và động vật.
3. Thuốc thử và liều thử
Chỉ sử dụng thuốc thử loại tinh khiết phân tích và sử dụng nước cất hoặc nước đã khử khoáng hoặc nước có độ tinh khiết tương đương, trừ khi có quy định khác.
3.1. Axit clohydric (HCl) 25% hoặc 37%.
3.2. Bột pepsin
4. Thiết bị, dụng cụ
Sử dụng các thiết bị, dụng cụ của phòng thử nghiệm thông thường và cụ thể như sau:
- Bình lắng thủy tinh quả lê dung dịch 2 lít hoặc 3 lít
- Bình thủy tinh dung tích 2 lít hoặc 3 lít
- Bông cồn
- Cốc đong thủy tinh dài 50ml
- Đĩa Petri
- Kéo
- Nhiệt kế
- Kính ép cơ chuyên dụng
- Kính hiển vi với các độ phóng đại 150 lần, 200 lần và 400 lần
- Lưỡi dao sử dụng một lần
- Màng lọc (cỡ lỗ 180mm)
- Máy khuấy từ gia nhiệt
- Máy xay thịt
- Panh
- Phễu lọc thủy tinh
- Thanh khuấy từ.
5. Lấy mẫu
5.1. Mẫu huyết thanh
Sát trùng vị trí lấy mẫu máu bằng bông cồn. Dùng bơm kim tiêm vô trùng lấy từ 2ml đến 3ml, để đông chắt lấy phần huyết thanh. Dùng bông khô tiệt trùng lau ở vị trí vừa lấy máu xong.
5.2. Mẫu cơ
Các vị trí thích hợp lần lượt là
- Lợn: Cơ hoành, cơ lưỡi, cơ vùng mặt, cơ bụng
- Ngựa: Cơ lưỡi, cơ mặt, cơ hoành, cơ cổ
- Gấu: Cơ hoành, cơ mặt, cơ lưỡi
- Chim: Cơ vùng đầu
- Cá sấu: Cơ mặt, cơ liên sườn.
Khối lượng mẫu cơ lấy tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm
Các mẫu bệnh phẩm phải bảo quản ở nhiệt độ từ 2oC đến 4oC, dán nhãn cùng với các thông tin về mẫu. Chuyển bện phẩm đến phóng thí nghiệm càng nhanh càng tốt trong điều kiện bảo quản lạnh khoảng 2oC đến 8oC.
CHÚ THÍCH: Khi tiến hành lấy mẫu bệnh nhân phải được trang bị dụng cụ bảo hộ như găng tay cao su sử dụng một lần, lưỡi dao mổ sử dụng một lần. Lấy bệnh phẩm cẩn thận, tránh để mầm bệnh vương vãi ra ngoài môi trường.
6. Cách tiến hành
6.1. Chẩn đoán lâm sàng
6.1.1. Dịch tễ học
Bệnh thường xảy ra ở vùng nuôi (lợn) thả rông, có tập quán ăn thịt sống hoặc thịt chưa nấu chín như món gỏi, lạp, thịt chua…
Người, động vật có vú, lưỡng cư, chim ăn thịt đều có thể mắc bệnh.
Đường truyền lây: Sự lây truyền từ ký chủ này sang ký chủ khác là do ăn phải thịt chưa nấu hoặc nấu chưa chín có chứa ấu trùng giun xoắn.
6.1.2. Triệu chứng lâm sàng
Con vật bị sốt từ 39oC đến 40oC, bị tiêu chảy, có cảm giác ngứa, đi lại khó khăn, ăn uống không bình thường, khó nuốt, gầy yếu, hay nằm. Thủy thũng ở mắt.
6.1.3. Giải phẫu bệnh học
Thịt có màu trắng nhạt tới đỏ tím, thịt thường rắn hơn bình thường chỗ cơ viêm.
Phổi xuất huyết, tụ máu, thủy thũng, có khí nhồi huyết.
Não viêm, có khí xuất huyết.
6.2. Chẩn đoán phòng thí nghiệm
6.2.1. Phát hiện ấu trùn giun xoắn
6.2.1.1. Phương pháp ép cơ
6.2.1.1.1. Nguyên tắc
Dưới tác dụng của lực cơ học, cơ được dàn mỏng bộc lộ ấu trùng giun xoắn.
6.2.1.1.2. Chuẩn bị mẫu
Lấy mẫu cỡ khoảng 1 gam. Dùng dao, kéo cắt phần cơ thành những lát mỏng cỡ 3mm x 10mm.
6.2.1.1.3. Cách tiến hành
Chia đều những lát cơ đã cắt vào hai bên của kính ép cơ.
Vặn chặt 2 đầu vít của kính ép cơ sao cho cơ được dàn mỏng tối đa.
Kiểm tra dưới kính hiển vi với độ phóng đại 150 lần hoặc 400 lần.
GHI CHÚ: Hiện nay, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) không khuyến cáo kiểm tra thịt tại các cơ sở giết mổ bằng phương pháp này vì độ nhạy thấp và khó phát hiện giun xoắn không có kén như loài T. pseudospiralis, T. papuae, T. zimbabwensis. Tuy nhiên, phương pháp này dễ thực hiện và chi phí thấp và có thể áp dụng tại những nơi chưa có điều kiện thực hiện phương pháp tiêu cơ.
6.2.1.2. Phương pháp tiêu cơ với khuấy từ gia nhiệt
6.2.1.2.1. Nguyên tắc
Dưới tác dụng của pepsin và aixt clohydric (HCL), cơ bị phân hủy, ấu trùng giun xoắn trong cơ sẽ được giải phóng.
6.2.1.2.2. Chuẩn bị mẫu
Dùng panh gắp mẫu cơ; dùng dao, kéo cắt 50 gam mẫu cơ thành những miếng nhỏ, dùng máy xay thịt nghiền nhỏ.
6.2.1.2.3. Cách tiến hành
Cho 1 lít nước ấm (từ 44oC đến 46oC) vào bình thủy tinh. Đặt lên máy khuấy từ gia nhiệt. Đặt máy khuấy từ ở nhiệt độ 45oC. Cho thêm 8ml dung dịch axit clohydric 25%, 5 gam bộ pepsin. Đảo đều dung dịch bằng thanh khuấy từ.
Bổ sung 50 gam mẫu cơ đã nghiền nhỏ.
Dùng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ của dung dịch tiêu cơ, nhiệt độ của dung dịch tiêu cơ luôn phải được duy trì ở nhiệt độ trong khoảng 44oC đến 46oC.
Thời gian tiêu cơ: 30 min. Sau 30 min nếu quan sát phần đáy cốc vẫn còn thịt ở phía dưới có thể tiêu cơ thêm 10 min.
Đổ dung dịch tiêu cơ vào bình lắng cặn qua phễu lọc cỡ lỗ 180mm. Để lắng 30 min.
Đổ dung dịch phía trên, thu lấy 40ml phần cặn cho vào ống đong thủy tinh. Để lắng 10 min.
Đổ dung dịch phía trên, thu lấy 10ml phần cặn đổ vào đĩa Petri.
Kiểm tra ấu trùng giun xoắn bằng kính hiển vi với độ phóng đại 150 lần hoặc 200 lần. Khi nghi ngờ bất cứ ấu trùng nào cần kiểm tra lại hình thái ở độ phóng đại 400 lần.
CHÚ THÍCH: Đối với mẫu cơ có khối lượng trên 50 gam, các nguyên liệu cho tiêu cơ sẽ gấp đôi, thời gian tiêu cơ và các bước không thay đổi. Trong các cơ sở giết mổ, có thể lấy mẫu gộp (lợn: 5 gam/con, ngựa: 10gam/con).
Đối với tất cả nước rửa dụng cụ, dung dịch sau tiêu cơ đều phải được thu gom và đun ở 60oC ít nhất 1 min để tiêu diệt ấu trùng có thể còn sót lại trước khi thải ra môi trường.
Đây là phương pháp được khuyến cáo áp dụng cho kiểm tra thịt tại các cơ sở giết mổ. Phương pháp này có độ nhạy cao hơn phương pháp ép cơ. Độ nhạy của phương pháp tiêu cơ phụ thuộc vào khối lượng mẫu và vị trí của mẫu cơ lấy để kiểm tra.
6.2.2. Phát hiện kháng thể kháng ấu trùng giun xoắn
Phương pháp huyết thanh học bao gồm ELISA, Western blot, IFAT… Trong đó, phương pháp ELISA được biết đến là phương pháp kinh tế, hiệu quả, đáp ứng an toàn chất lượng, có độ nhậy và độ đặc hiệu cao khi thực hiện trong các phòng thí nghiệm.
Hiện nay, bộ kit ELISA thương mại có trên thị trường và các quy trình xét nghiệm thực hiện tuân theo quy trình của nhà sản xuất bộ kit.
7. Kết luận
Động vật được xác định mắc bệnh giun xoắn khi có các đặc điểm dịch tễ học, triệu chứng lâm sàng của bệnh giun xoắn và kết quả dương tính với một trong những phương pháp xét nghiệm sau:
- Phương pháp ép cơ: Phát hiện ấu trùng xoắn trong cơ.
- Phương pháp tiêu cơ: Kết quả dương tính: Số ấu trùng thu hồi được (nếu có). Ấu trùng giun xoắn có dạng hình cuộn tròn (khi lạnh), chuyển động (khi ấm) hoặc hình chữ C (khi chết).
Phụ lục A
(tham khảo)
Một số hình ảnh ấu trùng giun xoắn
A.1 – Hình ảnh ấu trùng giun xoắn trong cơ (phương pháp ép cơ)
A.1 – Hình ảnh ấu trùng giun xoắn sau khi tiêu cơ (Phương pháp tiêu cơ)
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Community reference laboratory for Parasite. Guideline for the detection of Trichinella larvae at the slaughterhouse or connected laboratory in a Quality Assurance System. 2006.
[2] Official Journal of the European Union.Commission Regulation No.2075/2005. Specific rules on official controls for Trichinella in meat. 338, 60-82, 2005.
[3] OIE. Manual of standards for diagnostic tests and vaccines, 322-327, 2008.
[4] Pozio, E. 2001. Taxonomy of Trichinella and the epidemiology of infection in the Southeast Asia and Australian regions. Southeast Asian J. Trop. Med. Public Health 32 Suppl 2: 129-132.
[5] Pozio, E. & Zarlenga, D.S. 2005. Recent advances on the taxonomy, systermatics and epidemiology of Trichinella. Int. J. Parasitol. 35: 1191-1204.
[6] Soulsby E.J. 1982. Helminths, Arthropods and Protozoa of Domesticated Animals.
[7] Nguyễn Văn Đề, Phăn Văn Khuê. Bệnh ký sinh trùng truyền lây giữa người và động vật 2009,2:37-41.
[8] Phạm Sỹ Lăng. Ký sinh trùng và bệnh ký sinh trùng giữa người và động vật 2009,4:42-96.
Không có văn bản liên quan. |
TCVN 8400-3:2010 Bệnh động vật-Quy trình chẩn đoán-Phần 3: Bệnh giun xoắn
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Số hiệu: | TCVN 8400-3:2010 |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Năm ban hành: | 0 |
Hiệu lực: | 01/01/2010 |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Người ký: | |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản tiếng Việt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!