BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------------------ Số: 48/TB-BNN-VP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2012 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ NGÀNH TRIỂN KHAI
KẾ HOẠCH NĂM 2012 CHUYÊN ĐỀ: QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP
VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN
Ngày 25 tháng 12 năm 2011, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị chuyên đề triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong khuôn khổ Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012 của toàn ngành.
Tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát có ý kiến kết luận như sau:
1. Luật An toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2011. Để triển khai thực hiện Luật ATTP hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chuẩn bị nguồn lực và ban hành các văn bản QPPL phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần đảm bảo chất lượng, ATTP các sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm sản xuất trong nước, nhiều địa phương đã cố gắng triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn chậm; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ở nhiều địa phương chưa có sự chuyển biến rõ rệt so với các năm trước.
2. Trong năm 2012 công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ cũng như nhiệm vụ lâu dài của ngành nông nghiệp. Bộ yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
2.1. Rà soát, quy định chức năng, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cho từng đơn vị trực thuộc Sở.
2.2. Xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định phân cấp, cơ chế phối hợp giữa Trung ương - tỉnh/thành phố - huyện - xã và các ngành có liên quan trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
2.3. Trên cơ sở làm rõ trách nhiệm từng đơn vị, xây dựng phương án kiện toàn bộ máy làm công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, trong đó xác định rõ số lượng biên chế; nhu cầu đào tạo cán bộ; nhu cầu trang thiết bị; năng lực kiểm nghiệm; kinh phí hoạt động hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố phê duyệt, đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp theo dõi, hỗ trợ thực hiện.
2.4. Đẩy mạnh triển khai và nhân rộng việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, GMP, HACCP…), đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất có xác nhận nhằm tăng giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản.
2.5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo phương châm:
- Kiểm tra có hệ thống: thực hiện tổng điều tra, thống kê danh sách, lập hồ sơ doanh nghiệp, đánh giá, phân loại, công khai kết quả phân loại và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
- Kiểm tra theo chuỗi để xác định và tập trung kiểm soát sản phẩm xung yếu, khâu xung yếu dễ gây mất an toàn thực phẩm;
- Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm: Đối với các địa phương chưa triển khai thực hiện Thông tư “14” thì cần triển khai thí điểm đối với sản phẩm chủ lực, địa bàn trọng điểm của địa phương, từng bước rút kinh nghiệm và triển khai thực hiện trên diện rộng.
- Tích cực thực hiện xã hội hóa hoạt động quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
2.6. Đề nghị các địa phương tập trung chấn chỉnh việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, kiểm soát ATTP các sản phẩm thịt, rau quả, thủy sản trong dịp Tết Nguyên đán 2012; đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện chế độ thông tin báo cáo của Bộ, đề xuất khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
3. Các Tổng cục, Cục chuyên ngành thuộc Bộ: rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai Luật An toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; đề xuất sửa đổi các điểm bất cập về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo phù hợp với thực tế sản xuất; đồng thời thường xuyên hỗ trợ đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ các Sở NN&PTNT để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên.
Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Bộ trưởng (để b/c); - Các Thứ trưởng (để b/c); - Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ; - Các Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố; - Lưu: VT, TH. | TL. BỘ TRƯỞNG CHÁNH VĂN PHÒNG Nguyễn Minh Nhạn |