Cơ quan ban hành: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Số công báo: | 251&252 - 5/2008 |
Số hiệu: | 03/2008/CT-NHNN | Ngày đăng công báo: | 04/05/2008 |
Loại văn bản: | Chỉ thị | Người ký: | Nguyễn Văn Giàu |
Ngày ban hành: | 22/04/2008 | Hết hiệu lực: | 12/08/2017 |
Áp dụng: | 19/05/2008 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, An ninh quốc gia |
CHỈ THỊ
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 03/2008/CT-NHNN
NGÀY 22 THÁNG 4 NĂM 2008
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA, GIÁM SÁT
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Đầu năm 2008, tình hình kinh tế trong nước và thế giới có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã được Quốc hội đề ra. Nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 75/TTg-KTTH ngày 15 tháng 01 năm 2008 và văn bản số 319/TTg-KTTH ngày 03 tháng 3 năm 2008 về tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước và nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng như sau:
1. Đối với các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước
a. Đối với Thanh tra Ngân hàng
- Chủ động tiến hành rà soát chương trình thanh tra, giám sát năm 2008 để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với nhiệm vụ và tình hình mới, đảm bảo hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chính sách, giải pháp của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát, phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững hệ thống các tổ chức tín dụng.
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành đánh giá hoạt động của toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như của từng tổ chức tín dụng trong thời gian qua, tiến hành phân nhóm các tổ chức tín dụng theo mức độ an toàn, từ đó đưa ra các biện pháp thanh tra, giám sát phù hợp đối với từng tổ chức tín dụng trong thời gian tới.
- Định kỳ xây dựng Báo cáo giám sát hàng tháng và hàng quý để tổng hợp và phân tích tình hình hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như của toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng. Trước ngày 20 của tháng tiếp theo phải hoàn thành Báo cáo giám sát của tháng trước; trước ngày 20 tháng đầu tiên của quý tiếp theo phải có Báo cáo giám sát của quý trước.
- Bố trí đủ cán bộ theo dõi từng tổ chức tín dụng nhằm cập nhật thường xuyên tình hình hoạt động và mọi diễn biến của tổ chức tín dụng được phân công theo dõi.
- Tiếp tục thanh tra và giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán; khẩn trương hoàn thành đợt thanh tra về hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản của các tổ chức tín dụng. Tiến hành tổng hợp, phân tích đánh giá thực trạng cho vay thế chấp bằng bất động sản của các tổ chức tín dụng và triển khai đợt thanh tra cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng.
- Tiến hành đợt thanh tra đối với một số tổ chức tín dụng về quản trị điều hành; chấp hành các tỷ lệ an toàn; quản trị rủi ro; hoạt động kiểm toán và kiểm soát nội bộ; việc thực hiện các khuyến nghị của kiểm toán độc lập; các nội dung kết luận của các đoàn thanh tra.
- Tiến hành thanh tra việc mở rộng mạng lưới, tăng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo việc mở rộng mạng lưới, tăng vốn phải phù hợp với tình hình hoạt động, năng lực quản trị, điều hành, trình độ công nghệ, phương án phát triển và kinh doanh khả thi.
- Rà soát và đánh giá việc chấp hành các quy định về chế độ thông tin, báo cáo của các tổ chức tín dụng; có biện pháp xử lý kiên quyết, buộc các tổ chức tín dụng phải chấp hành đầy đủ, đúng thời gian quy định, chính xác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Thanh tra Ngân hàng kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các sai phạm được phát hiện với mức độ phù hợp, từ xử lý cán bộ các cấp của các tổ chức tín dụng, đình chỉ hoặc rút giấy phép một số nội dung hoạt động, đình chỉ hoặc hạn chế việc mở rộng mạng lưới, quy mô hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng, xử lý theo pháp luật hiện hành.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để nắm bắt tình hình và có biện pháp xử lý đồng bộ trước mọi diễn biến trên thị trường.
b. Đối với các đơn vị khác tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước
- Vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải bố trí đủ cán bộ theo dõi từng tổ chức tín dụng nhằm cập nhật thường xuyên tình hình hoạt động và mọi diễn biến của tổ chức tín dụng được phân công theo dõi.
- Vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Nhà nước thẩm định nghiêm túc, chặt chẽ các hồ sơ xin cấp phép, đảm bảo các tổ chức tín dụng mới được thành lập có đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị kinh doanh, phương án hoạt động khả thi, đội ngũ cán bộ và trình độ công nghệ đáp ứng theo quy định hiện hành.
2. Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a. Chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện công tác thanh tra, giám sát nhằm đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
b. Kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền; báo cáo và đề xuất các biện pháp xử lý đối với những sai phạm, nguy cơ rủi ro ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
c. Báo cáo và đề xuất ý kiến với thường trực cấp ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để xem xét, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan tới an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
d. Nâng cao vai trò tham mưu, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc mở rộng mạng lưới, quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn phù hợp với nhu cầu tình hình thực tiễn của địa phương, nguồn nhân lực và khả năng quản trị điều hành của tổ chức tín dụng.
đ. Tiến hành rà soát toàn bộ đội ngũ cán bộ của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để kịp thời bổ sung và tăng cường cán bộ có trình độ và phẩm chất tốt phục vụ cho công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo mỗi tổ chức tín dụng trên địa bàn có ít nhất một cán bộ chuyên quản của Ngân hàng Nhà nước. Phân công 1 Phó Giám đốc chuyên trách chỉ đạo hoạt động thanh tra, giám sát; đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho phép tăng cường thêm 1 hoặc 2 Phó Giám đốc để tập trung làm tốt công tác thanh tra, giám sát, theo dõi hoạt động các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
3. Đối với các tổ chức tín dụng
a. Nghiêm túc chấp hành các chủ trương, chính sách, biện pháp của Nhà nước về kiềm chế lạm phát tại văn bản số 75/TTg-KTTH ngày 15 tháng 01 năm 2008 và văn bản số 319/TTg-KTTH ngày 03 tháng 3 năm 2008 về việc tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008.
b. Triển khai cho vay, đầu tư chứng khoán theo đúng quy định tại Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán.
c. Việc mở rộng mạng lưới, tăng quy mô hoạt động, trong đó có việc tăng vốn phải gắn với kế hoạch kinh doanh của từng năm, chiến lược kinh doanh trung, dài hạn, phù hợp với năng lực tài chính, quản trị kinh doanh, nguồn nhân lực, công nghệ hiện có của từng tổ chức tín dụng và phù hợp với định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
d. Tập trung nâng cao năng lực quản trị, điều hành; kiểm soát, kiểm toán nội bộ theo hướng lành mạnh hóa và kiểm soát tốt rủi ro. Chấp hành đúng, nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoàn thiện mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động phù hợp với đặc điểm, thực trạng hoạt động của từng tổ chức tín dụng, chủ động xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu hoạt động an toàn tổ chức tín dụng.
đ. Rà soát toàn bộ quy trình nghiệp vụ hiện hành để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới cho phù hợp, trong đó đặc biệt chú ý các lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro cao, đồng thời có cơ chế đảm bảo từng bộ phận nghiệp vụ, từng cán bộ tác nghiệp phải nắm vững và chấp hành nghiêm túc các quy định này.
e. Thực hiện việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo đúng các quy định hiện hành; triển khai việc xếp hạng tín dụng đối với khách hàng; thực hiện phân loại thị trường để đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp.
g. Chú trọng đầu tư cho công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời đảm bảo an toàn, bảo mật. Chỉ triển khai các sản phẩm dịch vụ mới về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, thanh toán, chuyển tiền tệ khi có khả năng phân tích và kiểm soát được rủi ro; có nguồn nhân lực đủ trình độ; nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn bảo mật hệ thống công nghệ thông tin theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
h. Rà soát các khuyến nghị của kiểm toán độc lập và các kiến nghị chấn chỉnh của Thanh tra Ngân hàng để khắc phục kịp thời.
i) Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
4. Tổ chức thực hiện
a. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
b. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Ngân hàng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.
THỐNG ĐỐC
Nguyễn Văn Giàu
01 | Văn bản dẫn chiếu |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
04 | |
05 |
Chỉ thị 03/2008/CT-NHNN công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước
In lược đồCơ quan ban hành: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Số hiệu: | 03/2008/CT-NHNN |
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Ngày ban hành: | 22/04/2008 |
Hiệu lực: | 19/05/2008 |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, An ninh quốc gia |
Ngày công báo: | 04/05/2008 |
Số công báo: | 251&252 - 5/2008 |
Người ký: | Nguyễn Văn Giàu |
Ngày hết hiệu lực: | 12/08/2017 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!