hieuluat

Chỉ thị 15/2001/CT-TTg tăng cường quản lý và chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2001

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:15/2001/CT-TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:11/06/2001Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:11/06/2001Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng
  • chỉ thị

    CHỈ THỊ

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 15/2001/CT-TTG
    NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 2001 VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ
    THU VÀ CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2001

     

    Trong 5 tháng đầu năm nay, thu ngân sách trong cả nước đạt 44,8% so với dự toán năm và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2000. Kết quả này một mặt thể hiện sự cố gắng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp trong cả nước, đồng thời thể hiện những nỗ lực trong chỉ đạo của các Bộ, ngành và chính quyền các cấp ở địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2001. Tuy nhiên, tình hình thu ngân sách, trước hết là thuế so với tiềm lực của nền kinh tế vẫn còn chưa tương xứng, tình trạng thất thu nợ đọng, chiếm dụng thuế vẫn còn khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý, chỉ đạo thu ngân sách có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ; chưa bám sát đối tượng quản lý thu, tình trạng đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, lậu thuế vẫn còn xảy ra dưới nhiều hình thức và ngày càng tinh vi, phức tạp.

    Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại trên đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các công việc sau:

    1. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh, kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện còn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; tổ chức thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế năm 2001, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2001 đã được Quốc hội phê duyệt.

    2. Thông qua việc tổ chức đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2001 gắn với việc đánh giá, phân tích tình hình về kinh tế trên từng lĩnh vực, ngành, ở từng địa phương và từng sắc thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu ngân sách năm 2001 cho các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị, đảm bảo việc giao dự toán thu ngân sách năm 2001 phải cao hơn kết quả đã thực hiện năm 2000. Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu ngân sách năm 2001 cho các đơn vị trực thuộc; đồng thời đề ra biện pháp chỉ đạo, phối hợp quản lý thu thuế, chống thất thu ngân sách có hiệu quả.

    3. Trong việc tăng cường quản lý thu và chống thất thu ngân sách, cần tập trung chỉ đạo, thực hiện ngay một số việc sau:

    a) Tiếp tục xem xét, xử lý các vướng mắc về thuế ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và chế độ thu phí, lệ phí; đồng thời thực hiện thu đầy đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách theo đúng luật định, kiên quyết không để tình trạng chiếm dụng tiền thuế phải nộp ngân sách.

    b) Theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời các diễn biến giá cả trên thị trường quốc tế và trong nước để điều chỉnh kịp thời các mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan liên quan ban hành cơ chế thu vào ngân sách Nhà nước khoản chênh lệch giữa giá bán đối với hàng hoá xuất khẩu theo hợp đồng của Chính phủ ký với nước ngoài cao hơn so với giá thị trường.

    c) Đẩy mạnh tiến độ cấp đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để đẩy nhanh tiến độ thu các khoản thu ngân sách về đất đai. Có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan để chống thất thu thuế thu nhập cá nhân, trong đó lưu ý các đối tượng là người nước ngoài đang công tác tại các cơ quan, đơn vị ở Việt Nam. Đối với các hộ kinh doanh hiện đang áp dụng chế độ khoán thu thuế mà có thay đổi quy mô kinh doanh thì phải rà soát, điều chỉnh ngay từ quý III năm 2001 mức thuế khoán cho phù hợp; tích cực đẩy mạnh việc thực hiện chế độ kế toán hộ kinh doanh, tăng số lượng các hộ kinh doanh chuyển sang đăng ký, thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai.

    d) Đề cao trách nhiệm của các đối tượng nộp thuế trong việc tự tính thuế, tự kê khai và nộp thuế vào kho bạc. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thu, nộp thuế, xử lý nghiêm các trường hợp không kê khai hoặc kê khai nộp thuế không đúng với thực tế kinh doanh để trốn thuế, các hành vi chiếm đoạt tiền thuế; đồng thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra thuế chồng chéo, không đúng chức năng, thẩm quyền và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

    đ) Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan thuế, hải quan, công an, quản lý thị trường... trong công tác chống đầu cơ, buôn lậu, chống gian lận thương mại trên từng địa bàn địa phương, đặc biệt là ở địa bàn có cửa khẩu, có các trung tâm buôn bán lớn.

    4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Thông tư 54/2001/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2002
    Ban hành: 05/07/2001 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X