hieuluat

Chỉ thị 30/2004/CT-TTg biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường thời gian trước mắt

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:07 - 8/2004
    Số hiệu:30/2004/CT-TTgNgày đăng công báo:12/08/2004
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Phan Văn Khải
    Ngày ban hành:05/08/2004Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:05/08/2004Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng, Chính sách
  • Chỉ thị

    CHỈ THỊ

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 30/2004/CT-TTG
    NGÀY 05 THÁNG 8 NĂM 2004 VỀ CÁC BIỆN PHÁP KIỀM CHẾ
    TỐC ĐỘ TĂNG GIÁ THỊ TRƯỜNG TRONG THỜI GIAN TRƯỚC MẮT

     

    Từ cuối năm 2003 đến nay, giá nhập khẩu đối với nhiều loại hàng hoá, vật tư, nguyên liệu tăng đột biến và đang ở mức cao; dịch cúm gia cầm xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại nặng đối với chăn nuôi đã tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống. Chính phủ đã có nhiều biện pháp để hạn chế tác động tiêu cực của tình hình trên, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, so với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng và dịch vụ 7 tháng đầu năm nay vẫn ở mức cao trong nhiều năm qua.

    Dự báo trong thời gian tới giá các mặt hàng chủ yếu trên thị trường thế giới mà ta phải nhập khẩu nhiều như: các sản phẩm có gốc dầu mỏ (xăng dầu, nhựa, phân bón...), sắt thép... tiếp tục biến động. Giá dầu thô trên thị trường thế giới đang ở mức cao và diễn biến theo các yếu tố chính trị phức tạp trên trường quốc tế và nhu cầu dầu của thế giới. Nhìn chung xu hướng biến động giá cả trên thị trường thế giới có nhiều yếu tố khó lường. Vì vậy, nhiệm vụ thực hiện mục tiêu về giá cả thị trường như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra là hết sức khó khăn.

    Mặc dầu vậy, để ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân phải phấn đấu quyết liệt nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá trong thời gian tới. Để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

    1. Việc thực hiện các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường phải quán triệt các nguyên tắc sau:

    a) Các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá phải thiết thực, phù hợp nhằm mục tiêu giữ vững các cân đối kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư và giảm bớt khó khăn cho đời sống nhân dân.

    b) Các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá phải linh hoạt, phù hợp cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, không máy móc, duy ý chí, không trở lại cơ chế quản lý bao cấp về giá. Đồng thời, phải xác định việc kiềm chế tốc độ tăng giá trong thời gian tới là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai công tác của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

    c) Các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá phải gắn với thực hiện tiết kiệm triệt để trong đầu tư xây dựng, trong sản xuất, kinh doanh, trong tiêu dùng; đặc biệt tiết kiệm trong chi tiêu của Nhà nước: chi cho đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng nhà nước, nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước và chi tiêu thường xuyên của ngân sách.

    d) Đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng có tác động lớn đến sản xuất và đời sống xã hội và hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, trường hợp giá thế giới biến động cao thì việc điều chỉnh giá phải thực hiện theo nguyên tắc kết hợp hài hoà các lợi ích. Trong trường hợp cần thiết Nhà nước sử dụng các chính sách tài chính phù hợp; đồng thời doanh nghiệp phải có biện pháp cải tiến công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất và lưu thông, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

    2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải quán triệt sâu sắc các nguyên tắc nêu trên và căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để thực hiện các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá thuộc trách nhiệm quản lý; đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện các công tác sau đây:

    a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

    - Phối hợp với các Bộ, ngành quản lý sản xuất theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo các cân đối kinh tế lớn của nền kinh tế quốc dân.

    - Rà soát lại các dự án lớn để bảo đảm đầu tư có hiệu quả. Trong tháng 8 năm 2004 phải trình Thủ tướng Chính phủ danh mục công trình sử dụng vốn nhà nước cần hoãn khởi công, giãn tiến độ thực hiện và đình chỉ những công trình đầu tư không có hiệu quả, chưa cần thiết. Tập trung vốn đầu tư cho những công trình sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả cao. Có biện pháp sử dụng ngay và có hiệu quả nguồn vốn đầu tư đã huy động từ trái phiếu Chính phủ và các hình thức huy động vốn khác của nhân dân.

    b) Bộ Tài chính:

    - Có biện pháp quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách nhà nước theo chế độ quy định, kiên quyết cắt giảm các khoản chi tiêu thường xuyên không hợp lý. Thực hiện việc cắt giảm 10% kinh phí chi tiêu thường xuyên hàng năm của ngân sách nhà nước. Có biện pháp cụ thể để thúc đẩy và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, tiêu dùng xăng dầu, năng lượng, trước hết là ở các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

    - Phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Kế họach và Đầu tư theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả thị trường và tổ chức dự báo kịp thời; đặc biệt chú trọng những mặt hàng nhập khẩu là nguyên liệu chủ yếu để dự báo tình hình, đề xuất sử dụng các công cụ tài chính như thuế, phí, lệ phí, dự trữ nhà nước, ngân sách và các biện pháp phù hợp khác nhằm cân đối cung cầu các hàng hoá, vật tư thiết yếu.

    - Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiến hành kiểm soát các yếu tố hình thành giá của những hàng hóa, vật tư quan trọng, thiết yếu mà Nhà nước kiểm soát giá; kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng tình hình hiện nay để tăng giá trái pháp luật hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh. Sử dụng công cụ thuế, phí, hành chính để điều tiết các khoản thu nhập bất hợp pháp, chấn chỉnh không để các doanh nghiệp tăng giá tuỳ tiện làm thiệt hại lợi ích của người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về giá.

    - Tiếp tục sử dụng linh hoạt, thận trọng chính sách tài chính nhằm góp phần bình ổn giá những mặt hàng quan trọng, thiết yếu nhưng đồng thời phải đảm bảo các cam kết quốc tế.

    c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

    - Tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, tích cực; kiểm soát tiền tệ chặt chẽ nhằm thực hiện mục tiêu ổn định giá cả, ổn định lãi suất, góp phần kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế; điều hành tỷ giá thận trọng, điều tiết linh hoạt theo cung cầu ngoại tệ trên thị trường và theo chính sách ngoại hối của nhà nước, không để xảy ra những đột biến.

    - Chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, đảm bảo nới rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững.

    d) Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng chỉ đạo các Tổng công ty: Than, Điện lực, Xi măng Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá đối với những mặt hàng điện, than, xi măng. Các doanh nghiệp phải phấn đấu quyết liệt để giảm chi phí sản xuất và lưu thông, nhất là chi phí nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm, khắc phục tăng giá đầu vào, kiềm chế tăng giá đầu ra, góp phần ổn định giá thị trường.

    đ) Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quyền hạn của mình chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải nhà nước giữ ổn định giá cước vận tải ô tô, đường sắt, đường sông, hàng không nội địa.

    e) Bộ Bưu chính Viễn thông từ nay đến cuối năm 2004 thực hiện điều chỉnh giảm cước thuê kênh, cước kết nối để bảo đảm giữ mức cước viễn thông và Internet của Việt Nam đạt mức thấp hơn hoặc tương đương bình quân khu vực.

    g) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

    - Chủ trì, phối hợp với các Bộ và các địa phương có biện pháp quyết liệt để sớm khôi phục đàn gia cầm ngay trong năm 2004 và phòng, chống dịch cúm gà không để bùng phát trở lại trên diện rộng; tổ chức lại sản xuất của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, bao gồm cả hệ thống đại lý bán hàng, đảm bảo giảm chi phí sản xuất, chế biến thức ăn, góp phần giảm giá thức ăn gia súc, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

    - Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long kiểm tra nắm chắc lượng gạo hàng hoá vụ mùa 2003 - 2004, lượng lương thực tồn kho trong doanh nghiệp để điều hành xuất khẩu. Giữ lượng gạo xuất khẩu năm 2004 ở mức hợp lý, bảo đảm an ninh lương thực và ổn định giá lúa gạo trong nước.

    h) Bộ Thương mại:

    - Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm theo dõi, dự báo sát diễn biến tình hình thị trường, điều hoà cung cầu hàng hoá, không để xảy ra những mất cân đối cục bộ làm tăng giá, nhất là những mặt hàng nhạy cảm trên thị trường như: gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón, xi măng, đường, giấy... nếu cung cầu mất cân đối phải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có các biện pháp xử lý thích hợp.

    - Xúc tiến nghiên cứu xây dựng chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý để đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam rà soát các hợp đồng đã ký, bám sát tình hình giá cả lương thực trên thị trường trong nước để điều hành, tránh tình trạng mua lúa, gạo dồn dập, tập trung vào một thời điểm đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao. Kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua biên giới. Trước mắt chỉ cho phép xuất khẩu không quá 3,5 triệu tấn gạo cho cả năm 2004 và chỉ cho phép điều chỉnh chỉ tiêu này trong quý IV năm nay.

    i) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp Bộ Thương mại chỉ đạo Tổng công ty Thép Việt Nam và Hiệp hội thép Việt Nam trong tháng 8 năm 2004 hoàn thiện hệ thống cung ứng thép, tăng cường năng lực điều hành quản lý thị trường, chống đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết độc quyền về giá thép; sớm ban hành quy chế điều hành thị trường thép trong nước (áp dụng cho cả doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo Tổng công ty Thép Việt Nam sớm hình thành hệ thống đại lý và mạng lưới kinh doanh thép nhằm bảo đảm các mục tiêu ổn định giá thép, tránh lợi dụng việc điều chỉnh thuế để nâng giá thép và liên kết bất hợp pháp giữa các nhà sản xuất và phân phối để nâng giá thép tuỳ tiện; kiểm tra và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp không chấp hành quy định trong khâu lưu thông thép.

    k) Bộ Y tế có các biện pháp kiên quyết để bình ổn thị trường giá thuốc, đặc biệt là các loại thuốc thiết yếu phòng và chữa bệnh cho người, bảo đảm các loại thuốc này không tăng giá đột biến; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trong tháng 8 năm 2004 hoàn thiện đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về dược" để trình Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện sau khi đề án được phê duyệt, góp phần hoàn thiện hệ thống cung ứng thuốc, tăng cường năng lực điều hành quản lý thị trường, chống đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết độc quyền về giá thuốc, kiểm tra và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp không chấp hành quy định trong khâu lưu thông thuốc.

    l) Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các Bộ, cơ quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ việc điều hành giá cả của Nhà nước, quan hệ giá trong nước và ngoài nước trong hội nhập, từ đó ngăn ngừa tác động tâm lý đẩy giá lên cao.

    m) Tổng cục Thống kê tổ chức xác định lại cơ cấu các nhóm hàng hoá, dịch vụ trong "rổ" hàng hoá tính chỉ số giá hàng tiêu dùng và dịch vụ, thực hiện tính và công bố chỉ số lạm phát theo GDP phù hợp với thông lệ quốc tế.

    n) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

    - Chịu trách nhiệm ổn định giá cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt trong thành phố, thị xã, khu công nghiệp.

    - Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan thực hiện các biện pháp kiểm soát các yếu tố hình thành giá của những vật tư, hàng hoá có biến động bất thường, kiểm soát giá của những doanh nghiệp lợi dụng tình hình giá cả hiện nay, nhất là việc tăng giá xăng dầu để tăng giá trái pháp luật hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật nhà nước về giá, không để các doanh nghiệp tăng giá tuỳ tiện làm thiệt hại lợi ích của người tiêu dùng.

    - Đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá quy định tại Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải theo dõi sát tình hình giá cả thị trường và thực hiện công tác bình ổn giá theo đúng quy định của Chính phủ.

    4. Các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và người tiêu dùng cần thực hiện nghiêm chủ trương tiết kiệm của Đảng và Nhà nước; có những biện pháp cụ thể, thiết thực để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng.

    5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chịu trách nhiệm theo dõi tình hình thực hiện Chỉ thị này và định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện. Từ nay trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, quý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ phải có phần nói về kết quả thực hiện chỉ thị trên.

    6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Chỉ thị 06-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hành triệt để tiết kiệm, khắc phục tệ sử dụng lãng phí công quỹ
    Ban hành: 05/01/1993 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Chưa xác định
    Văn bản dẫn chiếu
    02
    Chỉ thị 368/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp Nhà nước
    Ban hành: 22/06/1995 Hiệu lực: 22/06/1995 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    03
    Chỉ thị 21/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng ngân sách nhà nước mua tài sản, vật tư, trang thiết bị xây dựng trụ sở cơ quan và phục vụ cho công tác quản lý hành chính
    Ban hành: 11/09/2001 Hiệu lực: 11/09/2001 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    04
    Chỉ thị 29/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
    Ban hành: 30/11/2001 Hiệu lực: 30/11/2001 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    05
    Chỉ thị 06/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xăng dầu
    Ban hành: 27/03/2003 Hiệu lực: 27/03/2003 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Nghị định 170/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá
    Ban hành: 25/12/2003 Hiệu lực: 14/01/2004 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Chỉ thị 23/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm xăng dầu
    Ban hành: 18/06/2004 Hiệu lực: 18/06/2004 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Chỉ thị 30/2004/CT-TTg biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường thời gian trước mắt

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:30/2004/CT-TTg
    Loại văn bản:Chỉ thị
    Ngày ban hành:05/08/2004
    Hiệu lực:05/08/2004
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng, Chính sách
    Ngày công báo:12/08/2004
    Số công báo:07 - 8/2004
    Người ký:Phan Văn Khải
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X