BỘ TÀI CHÍNH ------------------- Số: 2987/BTC-QLG V/v: tăng cường quản lý giá, bình ổn giá năm 2011 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------------- Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2011 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Nhằm tiếp tục thực hiện việc xóa bao cấp qua giá, tiến tới điều hành giá điện, xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, ngày 23/2/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 269/QĐ-TTg về giá bán điện năm 2011, theo đó giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng 165 đồng/kwh so với giá hiện hành, thi hành từ ngày 1/3/2011; giá xăng dầu trong nước cũng đã được Bộ Tài chính chấp thuận để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng từ ngày 24/2/2011 và sẽ tiếp tục được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu nêu trên, cùng với diễn biến giá một số nguyên vật liệu cơ bản đầu vào của sản xuất, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới tiếp tục có xu hướng tăng và việc điều chỉnh tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng VND/USD ngày 11/2/2011… đã có những tác động nhất định đến chi phí sản xuất, giá thành, giá bán của một số mặt hàng chịu tác động trực tiếp; tuy nhiên cũng đã xuất hiện những trường hợp lợi dụng để tăng giá “đón đầu”, tăng giá không hợp lý, không phù hợp với tác động của các yếu tố đầu vào và khả năng chấp nhận của thị trường.
Từ tình hình trên, căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9/01/2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 23/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:
1. Về bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường:
a) Thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu: Chủ động có biện pháp chống đầu cơ, nâng giá. Tiếp tục chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
b) Căn cứ tình hình sản xuất, tiêu dùng tại địa phương (nhất là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các Thành phố lớn …), chỉ đạo sản xuất, dự trữ, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt, trước hết là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu…. không để thiếu hàng, gây tăng giá đột biến.
2. Tăng cường quản lý giá, bình ổn giá trên địa bàn:
a) Tiếp tục triển khai thực hiện đăng ký giá, kê khai giá đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá trên địa bàn; thực hiện giám sát chặt chẽ mức giá đăng ký, kê khai, nhất là đối với những mặt hàng đăng ký, kê khai điều chỉnh tăng giá với lý do tác động của giá điện, xăng dầu, tỷ giá như giá thép, xi măng, phân bón, cước vận tải, khí hóa lỏng, thức ăn chăn nuôi, sữa, thuốc chữa bệnh… Kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký, kê khai tăng giá với mức tăng không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào; các trường hợp tự ý điều chỉnh tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính đối với mặt hàng không chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu, tỷ giá.
b) Thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiểm soát chặt chẽ các kênh chi tiêu từ ngân sách Nhà nước thanh toán cho các mức giá hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất; hàng dự trữ Nhà nước; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá… không bổ sung kinh phí tăng thêm so với kinh phí đã bố trí từ đầu năm để thực hiện các nhiệm vụ trên.
c) Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và pháp luật về giá đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá tại địa phương như: xi măng, thép, khí hóa lỏng, phân bón, đường, sữa, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh cho người, cước vận tải bằng ô tô và hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá tại địa phương.
d) Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, pháp luật về giá theo quy định tại Nghị định 107/2008/NĐ-CP ngày 22/09/2008 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại; Nghị định số 169/2004/NĐ-CP ngày 2/9/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật, trong đó tùy trường hợp vi phạm, kiên quyết áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; tịch thu hàng hóa và số tiền thu lợi do hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; buộc thực hiện kê khai và kê khai lại giá, đăng ký giá theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định về kê khai giá, đăng ký giá; buộc thực hiện niêm yết giá đúng quy định và trả lại khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết; buộc cải chính thông tin đối với hành vi đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa dịch vụ …
e) Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và pháp luật về giá để nhân dân biết và gián tiếp giám sát kiểm tra, tránh bị lợi dụng; đồng thời chỉ đạo và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch cho báo chí, nhất là những vấn đề mà dư luận quan tâm, các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, tiền tệ, giá cả, các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ hộ nghèo trực tiếp chịu tác động của việc thực hiện điều chỉnh giá điện để nhân dân hiểu, đồng thuận.
Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp nêu trên; đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định số 11/NQ-CP ngày 23/02/2011.
Nơi nhận: - Như trên; - TTg, các Phó TTg (để báo cáo): - Lãnh đạo Bộ (để báo cáo) - Văn phòng Chính phủ; - Bộ CT, Bộ TTTT (để phối hợp); - Sở TC, Sở CT, Cục thuế, Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - ThTra TC, TCT, TCHQ, Cục TCDN; - Lưu: VT, QLG | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Văn Hiếu |