Cơ quan ban hành: | Tổng cục Thuế | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 3730/TCT-CS | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Cao Anh Tuấn |
Ngày ban hành: | 18/08/2016 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 18/08/2016 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Khoa học-Công nghệ, Doanh nghiệp |
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3730/TCT-CS | Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2016 |
Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (gọi tắt là TTLT 12). Tổng cục Thuế giới thiệu một số nội dung tại TTLT 12 như sau:
1. Về phạm vi Điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1)
- Phạm vi Điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
- Đối tượng áp dụng: Các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2. Về hình thức tổ chức của Quỹ (Điều 3)
Quỹ có thể tổ chức dưới một trong hai hình thức như sau:
- Thành lập tổ chức không có tư cách pháp nhân và trực thuộc doanh nghiệp.
- Không thành lập tổ chức Quỹ và do cán bộ của doanh nghiệp kiêm nhiệm thực hiện các hoạt động.
Trước đây, tại Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (gọi tắt là Thông tư số 15) quy định: Quỹ là một bộ phận, không có tư cách pháp nhân và trực thuộc doanh nghiệp.
3. Về nguồn hình thành Quỹ (Điều 4)
- Nguồn hình thành Quỹ: Quỹ được hình thành từ 02 nguồn:
+ Thu nhập tính thuế TNDN trong kỳ tính thuế;
+ Điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ xuống Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên; Điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các công ty con, doanh nghiệp thành viên về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ.
- Mức trích lập Quỹ từ thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế:
+ Đối với doanh nghiệp Nhà nước: trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế TNDN trong kỳ để lập Quỹ;
+ Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước: Tự quyết định mức trích cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế TNDN trong kỳ.
Trước đây, tại Thông tư số 15 quy định: Doanh nghiệp tự quyết định mức trích cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế trong kỳ.
- Ngoài ra, có bổ sung quy định việc Điều chuyển Quỹ không áp dụng đối với một số trường hợp như sau:
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Điều chuyển cho công ty mẹ ở nước ngoài;
+ Công ty mẹ ở Việt Nam Điều chuyển cho công ty con ở nước ngoài.
4. Về trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân quản lý Quỹ (Điều 5)
Tại Điều này quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của Quỹ như: Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phê duyệt kế hoạch thu, chi tài chính hàng năm của Quỹ, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và chi hoạt động quản lý Quỹ; Kiểm tra, tổ chức đánh giá việc thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí của Quỹ; Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quyết định việc Điều chuyển nguồn giữa các Quỹ...
5. Về hội đồng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 6)
Tại Điều này quy định cụ thể về thẩm quyền ra quyết định thành lập Hội đồng, thành phần và tiêu chí của các thành viên Hội đồng, nguyên tắc làm việc của Hội đồng và quy trình đánh giá xét chọn, nghiệm thu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
6. Về thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (Điều 7)
Tại Điều này quy định nguồn vốn của Quỹ dùng để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau:
- Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh;
- Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được thực hiện theo Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được chi cho các nội dung đã được Hội đồng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp thẩm định và theo quy định tại Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ; Định mức chi cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp xây dựng, quyết định ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật; Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định tại Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và được quyền áp dụng theo quy định của Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
7. Về hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 8)
Tại Điều này quy định cụ thể các Khoản hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như: Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Mua quyền sử dụng, quyền sở hữu: Mua máy móc, thiết bị; Trả tiền công, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Chi cho các hoạt động sáng kiến; Chi cho đánh giá, thử nghiệm, kiểm chuẩn; chi phí quảng bá, thương mại hóa sản phẩm mới, công nghệ mới; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; Các Khoản chi nghiên cứu thực hiện dự án, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới nhưng sản phẩm mới không tiêu thụ được hoặc các dự án này không tiếp tục triển khai và được Hội đồng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp xác định vì nguyên nhân khách quan.
8. Về đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (Điều 9)
Tại Điều này quy định cụ thể về đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, gồm: Nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng; Xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ và dự toán cho hoạt động đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ; Nội dung chi và định mức chi cho các hoạt động đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ.
9. Về hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ (Điều 10).
Tại Điều này quy định các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; quy định hình thức hợp tác về khoa học và công nghệ; quy định các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ được nhà nước khuyến khích, ưu tiên.
Trước đây, tại Thông tư số 15 chỉ quy định chi phí cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp trong nước thuộc Khoản hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
10. Bổ sung quy định về nội dung chi cho hoạt động quản lý Quỹ (Điều 11)
Bổ sung quy định về nội dung chi phục vụ hoạt động quản lý Quỹ (như chi lương và các Khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các Khoản đóng góp theo quy định; Chi phụ cấp cho các cán bộ kiêm nhiệm; Chi thuê trụ sở làm việc (nếu có); ...) và quy định định mức chi hoạt động quản lý Quỹ và tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý Quỹ do cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quyết định.
12. Về quản lý tài chính Quỹ (Điều 12)
Tại Điều này quy định về nguyên tắc chi và hóa đơn, chứng từ đối với các Khoản chi từ Quỹ.
13. Về quản lý tài sản hình thành từ Quỹ (Điều 13)
Tại Điều này quy định về cách thức quản lý tài sản; việc sửa chữa, nâng cấp, hoặc Điều chuyển tài sản; tài sản hình thành từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Điều chuyển nguồn Quỹ khi Điều chuyển tài sản; thanh lý tài sản. Một số nội dung cụ thể như sau:
- Trường hợp tài sản cố định đã được đầu tư từ nguồn vốn của Quỹ chưa hết hao mòn, nếu chuyển giao cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì phần giá trị còn lại của tài sản cố định phải hạch toán vào thu nhập khác và phần giá trị còn lại của tài sản cố định đó được trích khấu hao, tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Trường hợp tài sản cố định được hình thành từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp chuyển giao phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì xác định giá trị của tài sản cố định phải hạch toán vào thu nhập khác và phần giá trị của tài sản đó được trích khấu hao, tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Trường hợp tài sản cố định nêu tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 8 được Điều chuyển nguồn theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của TTLT 12, doanh nghiệp phải xác định giá trị còn lại để Điều chỉnh tăng, giảm nguồn quỹ khoa học công nghệ khi Điều chuyển tài sản.
- Các trường hợp thanh lý tài sản phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành.
Trước đây, tại Thông tư 15 chỉ quy định đối với tài sản cố định doanh nghiệp ghi giảm Quỹ tương ứng và không phải trích khấu hao mà theo dõi hao mòn tài sản cố định.
14. Về xử lý Quỹ khi doanh nghiệp không sử dụng, sử dụng không hết và sử dụng không đúng Mục đích (Điều 14)
14.1. Bổ sung quy định về xác định số tiền Quỹ đã sử dụng như sau:
Số tiền đã sử dụng của Quỹ được xác định bằng tổng số tiền đã được quyết toán, số tiền đã tạm ứng và có đầy đủ chứng từ nhưng chưa đủ Điều kiện quyết toán để thực hiện các hoạt động của Quỹ theo các nội dung quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 của TTLT 12 và số tiền đã được Điều chuyển khỏi nguồn vốn của Quỹ quy định tại Khoản 2 Điều 4 của TTLT 12.
14.2. Về việc sử dụng Quỹ:
- Trường hợp doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% số Quỹ đã trích lập (trong đó có bổ sung quy định về việc nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế), cụ thể:
Trong thời hạn 05 năm, kể từ khi trích lập, tổng số tiền đã sử dụng và số tiền nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế không hết 70% số quỹ đã trích lập kể cả nhận Điều chuyển (nếu có) thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên số tiền Quỹ còn lại và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dùng để tính số thuế thu hồi là thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp trong thời gian trích lập Quỹ.
Lãi suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần quỹ không sử dụng hết là lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm (hoặc lãi suất tín phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm) áp dụng tại thời Điểm thu hồi và thời gian tính lãi là hai năm.
- Trường hợp doanh nghiệp sử dụng Quỹ không đúng Mục đích:
Trong thời gian trích lập, doanh nghiệp sử dụng Quỹ không đúng Mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên Khoản thu nhập đã trích lập Quỹ mà sử dụng không đúng Mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dùng để tính số thuế thu hồi là thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp trong thời gian trích lập Quỹ.
Lãi suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần Quỹ sử dụng không đúng Mục đích là mức tính tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thời gian tính lãi là Khoảng thời gian kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm đến ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Trước đây, tại Thông tư 15 quy định: Trong thời hạn 5 năm, kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu Quỹ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng Mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên Khoản thu nhập đã trích lập Quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng Mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.
14.3. Quy định cụ thể việc xử lý Quỹ đối với từng loại hình doanh nghiệp như sau:
Tùy theo loại hình doanh nghiệp, số tiền trích lập Quỹ khi doanh nghiệp không sử dụng, sử dụng không hết 70% trong thời hạn 05 năm kể từ năm trích lập hoặc sử dụng không đúng Mục đích sẽ được xử lý như sau:
a) Đối với doanh nghiệp nhà nước
- Doanh nghiệp nhà nước trích Quỹ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 TTLT 12, nếu Quỹ không được sử dụng, sử dụng không hết 70% số Quỹ đã trích lập kể cả nhận Điều chuyển (nếu có) thì phải nộp một phần Quỹ chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế.
Số tiền nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố được xác định tối thiểu bằng 20% số Quỹ đã trích lập không được sử dụng, sử dụng không hết 70% số Quỹ đã trích lập kể cả nhận Điều chuyển (nếu có).
- Tổng số tiền đã sử dụng và số tiền nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế không hết 70% số Quỹ đã trích lập kể cả nhận Điều chuyển (nếu có) thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên số tiền Quỹ còn lại và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.
Sau khi nộp các Khoản tiền theo quy định nêu trên, số tiền trích lập Quỹ còn lại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định.
- Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước sử dụng Quỹ không đúng Mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên Khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà sử dụng không đúng Mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.
b) Đối với các doanh nghiệp khác
- Các doanh nghiệp khác (không phải là doanh nghiệp nhà nước) được quyền đóng góp vào các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế.
- Trường hợp doanh nghiệp không đóng góp vào quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố hoặc có đóng góp vào quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố nhưng Quỹ không được sử dụng, sử dụng không hết 70% số quỹ (bao gồm cả phần có đóng góp vào quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố nếu có) hoặc sử dụng Quỹ không đúng Mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên Khoản thu nhập đã trích lập Quỹ mà không sử dụng, sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng Mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.
Đồng thời bổ sung các ví dụ minh họa đối với từng trường hợp cụ thể.
14.4. Bổ sung quy định về việc xử lý Quỹ đối với doanh nghiệp nhận Điều chuyển đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Trường hợp doanh nghiệp nhận Điều chuyển Quỹ mà không sử dụng, sử dụng không hết 70% số Quỹ (bao gồm cả số tiền nhận Điều chuyển) hoặc sử dụng không đúng Mục đích thì doanh nghiệp nhận Điều chuyển Quỹ phải nộp vào Ngân sách nhà nước thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền lãi theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp nhận Điều chuyển đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời Điểm trích lập thì số thuế thu nhập doanh nghiệp truy thu được thực hiện như sau:
- Đối với số tiền trích lập quỹ tại doanh nghiệp nhận Điều chuyển thì xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức ưu đãi thuế tại thời Điểm trích lập của doanh nghiệp nhận Điều chuyển.
- Đối với số tiền nhận Điều chuyển từ doanh nghiệp khác về thì xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp theo mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông tại thời Điểm nhận Điều chuyển.
Việc xác định số tiền nhận Điều chuyển chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng Mục đích được phân bổ theo tỷ lệ giữa số tiền nhận Điều chuyển và số Quỹ (bao gồm cả số tiền nhận Điều chuyển).
Đồng thời bổ sung ví dụ minh họa cụ thể.
15. Bổ sung quy định doanh nghiệp được yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, bộ, địa phương quy định tại Điều 15 như sau:
- Các doanh nghiệp đã đóng góp vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, bộ, địa phương tại Điểm a và Điểm b Khoản 7 Điều 14 của TTLT 12 khi có nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần sử dụng kinh phí có quyền yêu cầu hỗ trợ từ các quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
- Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, bộ, địa phương nơi đã nhận Điều chuyển có trách nhiệm hỗ trợ bằng số kinh phí đã Điều chuyển và ưu tiên hỗ trợ thêm trong khả năng đáp ứng của quỹ theo dự toán của nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Số tiền Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, bộ, địa phương hỗ trợ và hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp được quản lý theo dõi theo quy định tại Điều lệ hoạt động Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, bộ, địa phương.
- Đồng thời bổ sung quy định về trình tự và thủ tục yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp đối với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, bộ, địa phương.
16. Về việc gửi báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước
16.1. Về Quyết định thành lập Quỹ và Quy chế khoa học và công nghệ, Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ của doanh nghiệp:
Khi doanh nghiệp thành lập Quỹ, doanh nghiệp gửi Quyết định thành lập Quỹ cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Quỹ.
Doanh nghiệp gửi Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính cùng thời Điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên.
16.2. Về Báo cáo trích lập, Điều chuyển và sử dụng Quỹ
Hàng năm doanh nghiệp phải lập Báo cáo trích lập, Điều chuyển và sử dụng Quỹ theo Mẫu số 02 của Phụ lục ban hành kèm theo TTLT 12.
Trường hợp các tổng công ty, công ty mẹ có Quỹ được hình thành từ nguồn Điều chuyển Quỹ của công ty con, doanh nghiệp thành viên hoặc ngược lại thì đơn vị nhận Điều chuyển và sử dụng Quỹ phải báo cáo tình hình nhận Điều chuyển và sử dụng số tiền Quỹ được Điều chuyển. Báo cáo phải ghi rõ năm trích lập nguồn Quỹ được Điều chuyển và nhận Điều chuyển.
Báo cáo trích lập, Điều chuyển và sử dụng Quỹ được gửi đến cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Tài chính. Thời hạn nộp báo cáo cùng thời Điểm nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm của doanh nghiệp.
17. Về hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện (Điều 18)
- Thông tư liên tịch số 12 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2016 và áp dụng cho việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016.
- Đối với các doanh nghiệp đã thành lập Quỹ và trích lập quỹ theo các văn bản quy phạm pháp luật trước đây, kể từ ngày TTLT 12 có hiệu lực, các nội dung chi và việc quản lý Quỹ được thực hiện theo quy định của TTLT 12.
Trên đây là một số nội dung tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC. Tổng cục Thuế đề nghị các Cục thuế phổ biến, thông báo cho cán bộ thuế và tuyên truyền tới người nộp thuế trên địa bàn quản lý các nội dung của TTLT 12 để nghiêm chỉnh thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các Cục Thuế căn cứ nội dung vướng mắc cụ thể để kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học công nghệ (Vụ Tài chính) hoặc Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để được giải quyết kịp thời./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
01 | Văn bản dẫn chiếu |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
Công văn 3730/TCT-CS giới thiệu Thông tư liên tịch về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN
In lược đồCơ quan ban hành: | Tổng cục Thuế |
Số hiệu: | 3730/TCT-CS |
Loại văn bản: | Công văn |
Ngày ban hành: | 18/08/2016 |
Hiệu lực: | 18/08/2016 |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Khoa học-Công nghệ, Doanh nghiệp |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Cao Anh Tuấn |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |