Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | QCVN 13:2011/BTC | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quy chuẩn Việt Nam | Người ký: | |
Ngày ban hành: | 07/01/2011 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 08/07/2011 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
QCVN 13:2011/BTC
VỀ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI Ô TÔ, XE VÀ MÁY CHUYÊN DÙNG
National technical regulation on state reserve of automobiles,
Special machinery and equipments
Lời nói đầu
QCVN 13: 2011/BTC do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với ô tô, xe và máy chuyên dùng biên soạn, Tổng cục Dự trữ Nhà nước trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 03/2011/TT-BTC ngày 07 tháng 01 năm 2011 của Bộ Tài chính.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI Ô TÔ, XE VÀ MÁY CHUYÊN DÙNG
National technical regulation on state reserve of automobiles,
Special machinery and equipments
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định những yêu cầu kỹ thuật, vận chuyển, kiểm tra, giao nhận, bảo quản và công tác quản lý đối với ô tô, xe và máy chuyên dùng nhập kho dự trữ nhà nước.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc quản lý; giao nhận (mua, bán) và bảo quản ô tô, xe và máy chuyên dùng nhập kho dự trữ nhà nước.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Ô tô, xe và máy chuyên dùng nhập kho dự trữ nhà nước gồm các loại ô tô, xe và máy chuyên dùng có nguồn động lực là động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu xăng hoặc diesel…
Ô tô bao gồm ô tô chở người, ô tô chở hàng và ô tô chuyên dùng. Các loại ô tô phân loại theo TCVN 6211: 2003 Phương tiện giao thông đường bộ - Kiểu - Thuật ngữ và định nghĩa.
Xe và máy chuyên dùng là xe có gắn máy công tác hoặc trang thiết bị chuyên dùng.
- Máy công tác gồm cần cẩu, gầu xúc, gầu đào, stec…
- Trang thiết bị chuyên dùng gồm thiết bị y tế, thiết bị bưu điện, thiết bị phát thanh và truyền hình…
1.3.2. Bảo quản ban đầu gồm các công việc thực hiện sau khi giao nhận nhập kho dự trữ nhà nước: Tẩy rửa, kê xếp ô tô, xe và máy chuyên dùng trong kho bảo quản và công việc lần đầu.
1.3.3. Bảo quản thường xuyên gồm các công việc vận hành định kỳ, chống rỉ cho xe, bảo quản dụng cụ đồ nghề và các trang thiết bị theo xe và vệ sinh kho, bên ngoài xe hàng tuần.
2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Yêu cầu đối với ô tô, xe và máy chuyên dùng nhập kho dự trữ nhà nước
Ô tô, xe và máy chuyên dùng đưa vào dự trữ nhà nước phải là ô tô, xe và máy chuyên dùng mới, chưa qua sử dụng, đồng bộ, có tình trạng kỹ thuật tốt, được sản xuất và lắp ráp trong vòng 12 tháng tính đến ngày nhập kho dự trữ nhà nước. Có hành trình chạy, không quá 1000 km (di chuyển bằng bánh lốp) hoặc thời gian làm việc của động cơ không quá 10 h (di chuyển bằng bánh xích). Trang thiết bị theo ô tô, xe và máy chuyên dùng theo tiêu chuẩn nhà sản xuất, lắp ráp.
2.2. Yêu cầu về kho
- Kho bảo quản ô tô, xe và máy chuyên dùng dự trữ nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Kho phải kín có mái che, tường bao che bảo vệ, chống mưa, nắng, có nền cứng, tải trọng tối thiểu đạt 10 tấn/m2.
+ Trong kho phải có ống xả khí hoặc quạt thông gió đảm bảo thoát khí thải khi vận hành định kỳ xe trong quá trình bảo quản.
+ Kho phải cao, rộng để có thể dễ dàng di chuyển, sắp xếp ô tô, xe và máy chuyên dùng trong kho.
- Kho bảo quản phụ tùng, đồ nghề và bảo quản ắc quy yêu cầu là kho kín (có tường bao xung quanh), có nền cứng, tải trọng tối thiểu đạt 5 tấn/m2.
- Yêu cầu kho phải khô ráo, thoáng mát, xa các nguồn hoá chất, xa nơi dễ cháy nổ, xa đường điện cao thế, xa nơi đông dân cư, thuận tiện giao thông. Có hệ thống phòng, cứu hoả đảm bảo.
- Kho có hệ thống điện, chiếu sáng để phục vụ công tác bảo quản, bảo vệ.
* Trong điều kiện không có kho kín thì có thể sử dụng kho có mái che, nền bê tông và vẫn phải đảm bảo tránh mưa, nắng.
3. THỦ TỤC GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN Ô TÔ, XE VÀ MÁY CHUYÊN DÙNG
3.1. Vận chuyển
Khi di chuyển ô tô, xe và máy chuyên dùng dự trữ nhà nước từ nơi nhận về kho hoặc giữa các Chi cục Dự trữ nhà nước, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực không được kết hợp chở hàng. Trường hợp kết hợp xe tải chở xe con (xe nhập kho dự trữ) phải chằng buộc cẩn thận, không làm xây xước xe và trọng lượng xe được chở không vượt quá 30 % tải trọng xe tải.
3.2. Quy trình kiểm tra giao nhận nhập kho
3.2.1. Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật
Trước khi giao nhận nhập kho mỗi xe phải có các tài liệu sau:
- Giấy chứng nhận xuất xưởng của nhà sản xuất.
- Giấy chứng nhận nguồn gốc hàng của phòng thương mại và công nghiệp của nước có nhà máy sản xuất (đối với hàng nhập khẩu).
- Giấy chứng thư giám định chất lượng hàng hoá của cơ quan giám định Nhà nước.
- Tài liệu kỹ thuật về cấu tạo, tài liệu hướng dẫn sử dụng, vận hành và bảo dưỡng kèm theo từng ô tô, xe và máy chuyên dùng. Ngoài tài liệu của nhà sản xuất, đơn vị bán hàng có trách nhiệm cung cấp thêm một bản dịch tiếng Việt (đối với hàng nhập khẩu).
3.2.2. Kiểm tra sản phẩm khi giao nhận
3.2.2.1. Kiểm tra số lượng, chủng loại
Số lượng, chủng loại xe giao nhận đúng với số lượng, chủng loại trong hợp đồng đã ký.
3.2.2.2. Kiểm tra sơ bộ bên ngoài
- Kiểm tra tất cả các hệ thống, chi tiết bên ngoài xe về sự đồng bộ và mức độ mới. Đặc biệt chú ý các vị trí lắp ráp, các bu lông đai ốc...
- Kiểm tra mức độ han rỉ, xây xước, móp, bẹp: Chỉ cho phép bị han rỉ điểm nhẹ ở gầm xe, phần di động (bằng xích) và một số bộ phận công tác như lưỡi ben, gầu xúc, lưỡi đào... vết xước nhẹ (không bị mất hết sơn), ở phần thùng, bệ... móp bẹp nhẹ không bị bong, rỉ sơn. Những vị trí yêu cầu cao về mỹ thuật như ca bin, phần vỏ xe con (đầu xe, sườn xe...) không cho phép bị han rỉ, xây xước, móp, bẹp.
- Kiểm tra dầu mỡ bôi trơn, dầu thủy lực, nước làm mát... phải đảm bảo ở mức quy định. Các vị trí kiểm tra, mặt ngoài đường ống phải khô, sạch, không rò rỉ dầu, mỡ, nước, nhiên liệu...
- Kiểm tra hành trình tự do của tay lái, ly hợp; độ căng của dây đai, xích... tất cả phải đảm bảo đúng yêu cầu hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
3.2.2.3. Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các hệ thống
Yêu cầu kiểm tra đến mức tối đa tình trạng, khả năng làm việc của các hệ thống các trang thiết bị, phần công cụ, máy công tác theo xe.
- Kiểm tra sự làm việc của động cơ: Yêu cầu tiếng nổ phải tròn, đều. Không có tiếng gõ, kêu lạ. Các đồng hồ báo áp suất dầu động cơ, nhiệt độ nước làm mát... đảm bảo như quy định.
- Kiểm tra sự làm việc của đèn chiếu sáng và tín hiệu ở các chế độ: Pha, cốt, lùi, phanh...; sự làm việc của các loại còi; của hệ thống gạt mưa; phun nước rửa kính (nếu có).
Kiểm tra tình trạng làm việc của rađiô, cát sét... và hệ thống điều hoà, quạt gió (nếu có) ở các chế độ từ thấp đến cao...
- Kiểm tra khi xe di chuyển:
+ Đối với xe sử dụng số sàn: Cho xe di chuyển lần lượt ở các số, yêu cầu ly hợp chính (côn) phải đóng, ngắt êm, không có hiện tượng đóng, ngắt không hoàn toàn. Các số của hộp số khi chuyển số phải êm, toàn bộ hệ thống truyền lực làm việc ổn định không có tiếng kêu, gõ lạ.
+ Đối với xe sử dụng số tự động: Cho xe di chuyển lần lượt ở các số (Ví dụ như tay số R, D, S, L). Các số của hộp số chuyển số phải êm, toàn bộ hệ thống truyền lực làm việc ổn định không có tiếng kêu, gõ lạ.
- Đối với xe di động bằng xích chú ý kiểm tra sự làm việc của ly hợp chuyển hướng. Yêu cầu đóng cắt nhẹ, không bị bó dính hoặc bị trượt (đóng cắt không hoàn toàn).
Kiểm tra sự làm việc của hệ thống lái: Yêu cầu phải nhẹ, êm đều.
Kiểm tra sự làm việc của hệ thống phanh: Yêu cầu đóng mở dứt khoát, đều cả 2 phía, không bị bó, không bị lệch phanh... Để xe dừng trên dốc (độ dốc 20 %) để kiểm tra phanh tay (đối với xe bánh lốp).
3.2.2.4. Kiểm tra sự làm việc không tải của các hệ thống phần công tác (đối với xe có gắn máy công tác)
- Nâng hạ ben,
- Nâng hạ và các góc xoay của lưỡi ủi,
- Nâng hạ và tầm vươn của phần xúc,
- Nâng hạ và tầm vươn của cần cẩu...
3.2.3. Giao nhận, điều chuyển trong phạm vi nội bộ Tổng cục Dự trữ Nhà nước
3.2.3.1. Bàn giao hồ sơ
- Khi điều chuyển ô tô, xe và máy chuyên dùng trong phạm vi nội bộ Tổng cục Dự trữ Nhà nước, các hồ sơ liên quan phải được bàn giao đầy đủ theo từng lô xe hoặc từng xe.
- Nếu số ô tô, xe và máy chuyên dùng được điều chuyển không trọn cả lô, các hồ sơ liên quan được bàn giao là bản sao hợp pháp. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực là đơn vị giao hàng phải lưu giữ các hồ sơ chính cùng với số ô tô, xe và máy chuyên dùng còn lại. Trong trường hợp toàn bộ lô ô tô, xe và máy chuyên dùng được điều chuyển cho nhiều Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khác nhau thì đơn vị tiếp nhận ô tô, xe và máy chuyên dùng nhiều nhất được giữ các hồ sơ chính (được ghi rõ trong biên bản bàn giao).
3.2.3.2. Giao nhận ô tô, xe và máy chuyên dùng
Thực hiện như quy định tại điểm 3.2.2.
3.2.4. Biên bản giao nhận
Mọi trường hợp giao nhận ô tô, xe và máy chuyên dùng đều phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chất lượng, tình trạng thực tế của ô tô, xe và máy chuyên dùng và các tài liệu hồ sơ kèm theo. Biên bản giao nhận được lưu giữ cùng các hồ sơ pháp lý khác kèm theo ô tô, xe và máy chuyên dùng.
3.3. Bảo quản
3.3.1. Bảo quản ban đầu
Đối với ô tô, xe và máy chuyên dùng bánh lốp đã chạy trên 300 km phải thay dầu động cơ theo quy định của nhà sản xuất.
3.3.1.1. Rửa xe
- Trước khi đưa ô tô, xe và máy chuyên dùng mới nhận hoặc di chuyển từ các vùng kho trong ngành vào kho bảo quản phải dùng nước sạch có áp lực từ 196 133 Pa đến 294 199,5 Pa (từ 2 at đến 3 at) rửa toàn bộ bên ngoài xe (dùng máy bơm phun nước chuyên dùng để rửa xe). Dùng nước rửa xe trung tính lau cọ kỹ rồi xả nước rửa sạch. Cuối cùng dùng máy nén khí thổi khô toàn bộ xe.
- Lưu ý khi rửa không dùng vòi có áp lực cao phun thẳng vào máy, kính xe và các bộ phận của hệ thống điện mà dùng giẻ mềm thấm nước để lau.
- Đối với xe có gắn máy công tác, đặc chủng khi rửa không để nước đọng vào hệ thống truyền động xích, cáp... Cần thủy lực ở vị trí thu lại hoàn toàn. Các máy công cụ, tổ hợp công tác nếu có thể khi rửa tách khỏi phần đầu kéo, làm sạch theo phương pháp riêng tuỳ thuộc vào đặc tính kỹ thuật.
- Đối với xe có gắn máy chuyên dùng: Trên thùng xe để các thiết bị chuyên dùng (y tế, bưu điện...), phải đóng kín cửa xe, thùng xe không để nước lọt vào trong.
3.3.1.2. Sắp xếp ô tô, xe và máy chuyên dùng trong kho
- Mỗi loại ô tô, xe và máy chuyên dùng được sắp xếp ở kho riêng hoặc theo từng khu vực của kho.
- Các loại ô tô, xe và máy chuyên dùng tuỳ theo cấu tạo cụ thể để có khoảng cách phù hợp:
+ Khoảng cách theo chiều ngang giữa các xe và khoảng cách từ xe tới tường, cột kho tối thiểu phải lớn hơn chiều rộng một cửa xe lớn nhất mở vuông góc với xe.
+ Khoảng cách theo chiều dọc giữa xe trước với xe sau tối thiểu cho phép thao tác khởi động máy bằng tay quay (maniven) hoặc cánh nhau tối thiểu 1 m.
- Khi sắp xếp ô tô, xe và máy chuyên dùng phải chú ý phân luồng trong kho để đảm bảo thuận tiện cho quá trình xuất, nhập.
- Các bộ phận, trang bị theo xe như ắc quy, bạt, dụng cụ đồ nghề, tài liệu... bảo quản trong kho kín riêng và được sắp xếp trên các giá. Nếu là ắc quy ướt (đã đổ điện dịch) phải bảo quản ở kho riêng và không được xếp chồng lên nhau.
- Các thiết bị chuyên dùng được bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
* Đối với kho chỉ có mái không có kết cấu bao che: Khi quy hoạch, sắp xếp ô tô, xe và máy chuyên dùng phải nằm trong góc hắt tối thiểu của mái (450).
3.3.1.3. Kê kích ô tô, xe và máy chuyên dùng
Tất cả các loại ô tô, xe và máy chuyên dùng di chuyển bằng bánh lốp đều phải được bảo quản trên các giá kê. Ô tô, xe và máy chuyên dùng sau khi ở trên giá kê đảm bảo các yêu cầu sau:
- Điểm thấp nhất của lốp xe cách sàn kho từ 3 cm đến 5 cm, áp suất trong săm từ 98066,5 Pa đến 147 099,75 Pa (từ 1,0 kG/cm2 đến 1,5 kG/cm2 ). Hệ thống giảm sóc (nhíp, lò xo) ở trạng thái nghỉ (không chịu tải).
- Xe ở trên giá phải đảm bảo cân bằng, ổn định để có thể vận hành và đảm bảo an toàn khi các hệ thống của ô tô, xe và máy chuyên dùng hoạt động.
- Giá kê ô tô, xe và máy chuyên dùng được chế tạo theo thiết kế chung đảm bảo gọn nhẹ dễ thao tác, sử dụng và có thể dùng lẫn cho nhiều loại khác nhau.
- Các điểm tiếp xúc giữa giá kê với xe phải ở đúng các vị trí quy định để kê kích xe.
3.3.1.4. Bảo quản lần đầu
- Nới lỏng toàn bộ các dây đai truyền lực; bọc bầu lọc gió, nắp két nước, két dầu, ống thông hơi động cơ, ống xả... bằng giấy nến hoặc giấy có tẩm mỡ bảo quản.
- Tháo bugi hoặc vòi phun quay trục cơ từ 5 vòng đến 6 vòng. Nhỏ vào mỗi xi lanh 30 g đến 40 g dầu nhờn động cơ đã được chưng kiệt nước, sau đó quay trục cơ 5 vòng đến 6 vòng để dầu nhờn xoa đều trong mặt gương xi lanh. Làm sạch bugi, vòi phun, nhúng đầu bugi, vòi phun vào dầu nhờn động cơ rồi lắp lại.
- Thùng nhiên liệu:
+ Đối với xe có hệ thống cung cấp nhiên liệu điều khiển cơ khí: Xúc rửa sạch bằng nhiên liệu, thổi khô bằng khí nén, tráng toàn bộ bề mặt bên trong một lớp dầu nhờn động cơ đã chưng kiệt nước. Bắt chặt các ống dẫn nhiên liệu (rắc co tuy ô nhiên liệu). Bọc nắp, bịt lỗ thông hơi bằng giấy nến hoặc giấy có tẩm mỡ bảo quản.
+ Đối với xe có hệ thống cung cấp nhiên liệu điều khiển điện tử: Bọc nắp, bịt lỗ thông hơi bằng giấy nến hoặc giấy có tẩm mỡ bảo quản.
- Xe và máy chuyên dùng:
+ Cần thủy lực: Bôi mỡ, bọc giấy nến hoặc giấy có mỡ bảo quản.
+ Thùng téc xe: Đậy kín nắp téc, các cửa hút, cửa xả, lỗ thông hơi được bọc giấy nến hoặc giấy có bôi mỡ.
- Đóng kín các cửa, nắp máy (nắp ca po) rồi niêm phong lại.
3.3.2. Bảo quản thường xuyên
3.3.2.1. Vận hành định kỳ
Ô tô, xe và máy chuyên dùng được vận hành định kỳ 3 tháng một lần (4 lần trong năm).
3.3.2.1.1. Các điều kiện chuẩn bị trước khi vận hành định kỳ
- Chuẩn bị ắc quy: Dùng ắc quy có điện áp theo quy định của xe, có dung lượng tối thiểu bằng dung lượng ắc quy theo xe, ắc quy phải được nạp đủ điện. Dùng bộ cáp riêng để nối ắc quy với vị trí đấu nối ắc quy của ô tô, xe và máy chuyên dùng.
- Đối với xe sử dụng hệ thống cung cấp nhiên liệu điều khiển cơ khí:
+ Chuẩn bị nhiên liệu đúng theo quy định của xe. Đựng nhiên liệu trong can, dùng ống dẫn (tuy ô) mềm để dẫn nhiên liệu từ can đến trước cốc lọc; khi nối đầu ống dẫn với đầu vào của cốc lọc sao cho không được hỏng ren.
+ Dùng bơm tay bơm đầy nhiên liệu vào bộ phận phân phối nhiên liệu (chế hoà khí hoặc bơm cao áp).
- Đối với xe sử dụng hệ thống cung cấp nhiên liệu điều khiển điện tử:
Chuẩn bị nhiên liệu đúng theo quy định của xe. Đổ nhiên liệu vào thùng nhiên liệu, nhiên liệu phải ngập bơm nhiên liệu.
- Kiểm tra xe: Kiểm tra mức dầu nhờn và chất lượng dầu nhờn ở cacte động cơ, hộp số, truyền lực cuối cùng, cầu xe, dầu thủy lực... Dầu động cơ bị lẫn nước thì phải xác định rõ nguyên nhân, xử lý và thay dầu mới.
Đổ đầy nước làm mát chuyên dùng vào trong két nước. Điều chỉnh độ căng của các dây đai truyền lực, xích tải... theo đúng tiêu chuẩn quy định. Tháo vật liệu bao bọc bảo quản ở tất cả các vị trí có liên quan đến hoạt động của các hệ thống khi vận hành định kỳ như ống xả, ống hút, cần xi lanh thủy lực…
Kiểm tra toàn bộ bên ngoài động cơ, toàn xe và độ ổn định của ô tô, xe và máy chuyên dùng trên giá.
3.3.2.1.2. Khởi động ô tô, xe và máy chuyên dùng
- Khởi động bằng động cơ điện (máy đề):
+ Đối với xe sử dụng hệ thống cung cấp nhiên liệu điều khiển cơ khí:
Dập chân ga từ 2 lần đến 3 lần, vặn chìa khoá về vị trí hâm nóng để từ 5 s đến 10 s. Vặn chìa khoá ở vị trí khởi động, khi máy nổ, bỏ tay ra để chìa khóa điện trở về vị trí làm việc. Mỗi lần đề không quá 10 s, thời gian tối thiểu giữa 2 lần đề là 60 s.
Sau 3 lần đề mà động cơ không nổ phải ngừng việc khởi động để kiểm tra dung lượng, các điểm nối... của ắc quy; làm sạch, kiểm tra mức độ đánh lửa của bugi, kiểm tra nhiên liệu đến bộ phận phân phối, kiểm tra làm việc của vòi phun...
Với động cơ xăng có thể khởi động bằng tay quay (maniven). Không được kết hợp vừa quay máy vừa đề, tránh xẩy ra tai nạn.
+ Đối với xe sử dụng hệ thống cung cấp nhiên liệu điều khiển điện tử:
Vặn chìa khóa để khởi động máy. Mỗi lần đề không quá 10 s, thời gian tối thiểu giữa 2 lần đề là 60 s.
Sau 5 lần đề mà động cơ không nổ phải ngừng việc khởi động để kiểm tra ắc quy, kiểm tra mức độ đánh lửa của bugi, kiểm tra làm việc của vòi phun...
- Khởi động bằng máy lai:
Dùng tay quay, dây khởi động hoặc đề cho máy lai làm việc với số vòng ổn định rồi cho lái động cơ chính (cắt côn, vào số, đóng côn lại) khi động cơ chính nổ cắt côn, ra số máy lai. Mỗi lần cho máy lai kéo động cơ chính không quá 15 s và không được quá 3 lần. Nếu động cơ chính không nổ phải kiểm tra lại điện, nhiên liệu...
- Kiểm tra sự làm việc của ô tô, xe và máy chuyên dùng:
Hâm nóng động cơ ở chế độ chạy không tải vài phút. Khi động cơ đạt nhiệt độ làm việc tối thiểu 40 0C, tiếp tục kiểm tra theo quy định tại 3.2.2.3, 3.2.2.4.
Riêng các hạng mục công việc kiểm tra vận hành tổng thể, phải đưa ô tô, xe và máy chuyên dùng ra khỏi vị trí sắp xếp trong kho đến vị trí thuận lợi để kiểm tra sự làm việc của của li hợp chuyển hướng, nâng hạ và tầm với của gầu xúc, nâng hạ và tầm với của cần cẩu, nâng hạ và góc quay của lưỡi ben... Các công việc này thực hiện 6 tháng một lần.
- Sau khi kiểm tra sự làm việc của toàn bộ các hệ thống của ô tô, xe và máy chuyên dùng tiến hành thao tác sau:
+ Đối với xe sử dụng hệ thống cung cấp nhiên liệu điều khiển cơ khí: Các loại xe động cơ xăng thì tháo can xăng để động cơ nổ đến khi tự tắt, động cơ diesel thì tắt máy, dùng bơm tay bơm đầy nhiên liệu diesel vào hệ thống nhiên liệu (bầu lọc, bơm cao áp) để bảo quản.
+ Đối với xe sử dụng hệ thống cung cấp nhiên liệu điều khiển điện tử: Có thể dùng thiết bị chuyên dùng để hút nhiên liệu ra khỏi thùng nhiên liệu.
3.3.2.2. Bảo quản sau vận hành
- Nới lỏng toàn bộ các dây đai truyền lực; bọc bầu lọc gió, nắp két nước, két dầu, ống thông hơi động cơ, ống xả... bằng giấy nến hoặc giấy có tẩm mỡ bảo quản.
- Tháo bugi hoặc vòi phun quay trục cơ từ 5 vòng đến 6 vòng. Nhỏ vào mỗi xi lanh 30 g đến 40 g dầu nhờn động cơ đã được chưng kiệt nước, sau đó quay trục cơ 5 vòng đến 6 vòng để dầu nhờn xoa đều trong mặt gương xi lanh. Làm sạch bugi, vòi phun, nhúng đầu bugi, vòi phun vào dầu nhờn động cơ rồi lắp lại.
- Làm vệ sinh toàn bộ bên ngoài động cơ, trong ca bin bằng giẻ sạch, máy hút bụi. Đóng kín các cửa, nắp máy (nắp ca po) rồi niêm phong lại.
* Đối với xe sử dụng hệ thống cung cấp nhiên liệu điều khiển cơ khí thực hiện thêm thao tác:
- Xả toàn bộ nước trong hệ thống làm mát ngay sau khi vận hành, kiểm tra xong khi nước còn nóng (đối với nước không pha dung dịch làm mát).
- Làm sạch toàn bộ chế hoà khí, cốc lọc nhiên liệu thổi khô và tráng 1 lớp dầu nhờn trong bề mặt các cốc lọc.
3.3.2.3. Chống gỉ cho ô tô, xe và máy chuyên dùng
TT | Vị trí cần chống rỉ | Thời gian | Phương pháp thực hiện |
1
3 4
6
| Thùng nhiên liệu + Đối với xe có hệ thống cung cấp nhiên liệu điều khiển cơ khí + Đối với xe có hệ thống cung cấp nhiên liệu điều khiển điện tử Tất cả các vị trí vú mỡ Tất cả các khớp quay khác, cửa nắp máy, thành thùng xe, móc kéo, giá lốp dự phòng... Xích truyền lực, cáp, lò xo, mâm quay... Cần thủy lực Những vị trí bị han rỉ, bong sơn Thùng téc của xe | 1 lần/ 1 năm
2 lần/ 1 năm 1 lần/1 năm
1 lần/1 năm
| Xúc rửa sạch bằng nhiên liệu, thổi khô bằng khí nén, tráng toàn bộ bề mặt bên trong một lớp dầu nhờn động cơ đã chưng kiệt nước. Bắt chặt các ống dẫn nhiên liệu (rắc co tuy ô nhiên liệu). Bọc nắp, bịt lỗ thông hơi bằng giấy nến hoặc giấy có tẩm mỡ bảo quản.
Làm sạch, bôi mỡ hoặc nhỏ dầu nhờn. Làm sạch, bôi mỡ.
Đánh sạch rỉ, sơn lót chống rỉ rồi sơn đúng mầu sơn nguyên thủy. Lau sạch, tẩy rỉ, phun dầu chống rỉ toàn bộ bề mặt trong téc. Đậy kín nắp téc, các cửa hút, cửa xả, lỗ thông hơi được bọc giấy nến hoặc giấy có bôi mỡ. |
3.3.2.4. Bảo quản dụng cụ, đồ nghề
- Dụng cụ đồ nghề theo xe: Mỗi năm một lần được lau chùi sạch, tẩy rỉ và bọc bằng giấy nến.
- Ắc quy theo xe nếu là ắc quy khô được bảo quản như ắc quy dự trữ. Nếu là ắc quy ướt (đã đổ điện dịch) được bảo quản ở kho riêng trên giá bê tông, xếp một lượt trên mặt giá mặt, vỏ ắc quy được lau khô sạch hàng tuần. Mức điện dịch trong từng ngăn phải cao hơn tấm cực hoặc lưới ngăn từ 10 mm đến 15 mm. Hàng tháng phải nạp điện bổ sung đến khi ắc quy no điện. Thời hạn bảo quản ắc quy ướt dưới một năm.
3.3.2.5. Bảo quản các trang thiết bị chuyên dùng
Đối với các loại ô tô, xe và máy chuyên dùng có trang thiết bị chuyên dùng như bưu điện, y tế... ở trên thùng xe, khi bảo quản chỉ lau chùi bên ngoài các trang bị hoặc dùng máy hút bụi cùng với công việc vận hành định kỳ hút sạch bụi bẩn. Định kỳ theo mỗi lần vận hành phải kiểm tra các thiết bị chuyên dùng, nếu phát hiện bị hư hỏng, sự cố thì phải xử lý ngay.
Các thiết bị chuyên dùng được bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
3.3.2.6. Các công việc bảo quản khác
- Tiến hành định kỳ thay nước làm mát chuyên dùng theo hướng dẫn nhà sản xuất.
- Tiến hành thay thế định kỳ các loại dầu như dầu phanh, dầu trợ lực lái... thì thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ví dụ: Thay dầu phanh 3 năm một lần đối với xe mới.
- Đối với các bộ phận, chi tiết phi kim loại trên xe như lốp, gioăng… thì thay thế định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuât.
3.3.2.7. Lau chùi, vệ sinh
Vệ sinh kho và bên ngoài xe mỗi tuần một lần quét sạch sàn kho, dùng giẻ sạch, mềm, ẩm để lau chùi vỏ xe, dùng máy hút bụi để làm sạch gầm xe, thùng xe.
3.4. Xuất hàng
3.4.1. Khi có lệnh xuất hàng, thủ kho phải chuẩn bị đủ sổ sách, giấy tờ có liên quan.
3.4.2. Kiểm tra chất lượng, số lượng hàng dự kiến xuất.
3.4.3. Xuất hàng theo nguyên tắc: Hàng nhập trước xuất trước, hàng nhập sau xuất sau.
3.4.4. Xuất đúng số lượng, đúng chủng loại.
3.4.5. Khi xuất hàng xong phải hoàn chỉnh các thủ tục, chứng từ giao nhận theo đúng quy định.
3.5. Chế độ ghi chép sổ sách theo dõi hàng hóa
3.5.1. Lập thẻ kho
Mỗi lô ô tô, xe và máy chuyên dùng nhập kho phải được lập một thẻ kho, trong đó ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu số S 21 - H ban hành kèm theo Thông tư số 213/2009/TT-BTC ngày 10/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng cho Dự trữ nhà nước.
3.5.2. Sổ theo dõi công tác bảo quản
- Dùng ghi chép hàng ngày hoặc đột xuất về tình hình công tác bảo quản ô tô, xe và máy chuyên dùng, diễn biến về số lượng, chất lượng. Sổ phải đóng dấu giáp lai, ghi đủ các nội dung theo mẫu, có đủ các thành phần ký tên và đóng dấu đơn vị.
- Thủ kho bảo quản ô tô, xe và máy chuyên dùng phải ghi chép đầy đủ các diễn biến về chất lượng, công việc bảo quản, các hư hỏng phát sinh và kết quả xử lý cho từng xe trong quá trình lưu kho. Định kỳ 3 tháng một lần, thủ trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước phải kiểm tra và ghi nhận xét đánh giá công tác bảo quản vào sổ nhật ký bảo quản.
3.6. Phòng chống cháy nổ và an toàn lao động
3.6.1. Kho bảo quản ô tô, xe và máy chuyên dùng phải được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng chống cháy nổ và có phương án tổ chức công tác phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.
3.6.2. Đối với các khâu bảo quản có liên quan đến dầu mỡ, nhiên liệu phải tuyệt đối cách ly các nguồn lửa hoặc các nguồn dễ phát sinh ra lửa. Khi chưng cất dầu máy không được đun trực tiếp dầu máy trên ngọn lửa.
3.6.3. Thường xuyên kiểm tra độ ổn định trên giá kê của ô tô, xe và máy chuyên dùng, đặc biệt trước khi vận hành định kỳ trên ô tô, xe và máy chuyên dùng giá kê.
Phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, đồ nghề tốt để phục vụ công tác bảo quản. Chú ý các thao tác trong vận hành, bảo quản ô tô, xe và máy chuyên dùng phải đúng yêu cầu kỹ thuật tránh xẩy ra tai nạn.
3.6.4. Công nhân bảo quản phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động (quần áo, khẩu trang...) theo quy định.
4. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
4.1. Ô tô, xe và máy chuyên dùng nhập kho dự trữ nhà nước phải có chất lượng phù hợp với quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này.
4.2. Thời gian từ khi sản xuất ô tô, xe và máy chuyên dùng đến khi nhập kho dự trữ nhà nước không lớn hơn 12 tháng.
4.3. Thời gian lưu kho
- Đối với ô tô, xe và máy chuyên dùng di chuyển bằng bánh lốp thời gian lưu kho luân phiên đổi hàng không lớn hơn 5 năm.
- Đối với ô tô, xe và máy chuyên dùng di chuyển bằng xích, bánh kim loại thời gian lưu kho luân phiên đổi hàng không lớn hơn 7 năm.
- Đối với các loại ô tô, xe và máy chuyên dùng mà thời gian lưu kho ngắn hơn thời gian lưu kho của xe cơ sở, thì lấy theo thời gian lưu kho của trang thiết bị chuyên dùng hoặc máy công tác (do nhà sản xuất quy định, đã hoặc sẽ có quy định cụ thể riêng).
5. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
5.1. Các tổ chức, cá nhân cung cấp ô tô, xe và máy chuyên dùng cho dự trữ nhà nước có trách nhiệm cung cấp sản phẩm có chất lượng phù hợp với quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này.
5.2. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc giao nhận và bảo quản ô tô, xe và máy chuyên dùng theo đúng quy định của Quy chuẩn này.
6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
6.1. Tổng cục Dự trữ Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Quy chuẩn này.
6.2. Trong trường hợp các tiêu chuẩn, hướng dẫn quy định tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.
Không có văn bản liên quan. |
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính |
Số hiệu: | QCVN 13:2011/BTC |
Loại văn bản: | Quy chuẩn Việt Nam |
Ngày ban hành: | 07/01/2011 |
Hiệu lực: | 08/07/2011 |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
Người ký: | |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |