ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK ------- Số: 03/2005/QĐ-UB | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Buôn Ma Thuột, ngày 10 tháng 01 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ KHUYẾN CÔNG TỈNH ĐẮK LẮK
-------------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK LĂK
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2004 của Chính phủ, về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2004/NQ-HĐ7 ngày 17/12/2004 của HĐND tỉnh Đăk Lăk về việc thành lập Quỹ khuyến công tỉnh Đăk Lăk;
Xét đề nghị của liên Sở: Công nghiệp- Tài chính tại Tờ trình số 628/TT-LS ngày 08/10/2004,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế về Tổ chức và hoạt động của Quỹ khuyến công tỉnh Đắk Lắk.
Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan chức năng liên quan, tổ chức hướng dẫn và triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc: Sở Công nghiệp, Sở Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Như điều 3; - TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; - CT, các PCT UBND tỉnh; - Vụ Pháp chế - Bộ CN; - Cục Công nghiệp địa phương - Bộ CN; - Sở Tư pháp; - Lưu VT-CN. | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂKLĂK CHỦ TỊCH Nguyễn Văn Lạng |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ KHUYẾN CÔNG TỈNH ĐẮKLẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2005/QĐ-UB ngày 10/01/2005 của UBND tỉnh Đắk Lắk)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định việc hình thành, tổ chức và hoạt động của Quỹ khuyến công tỉnh Đắk Lắk.
Điều 2. UBND tỉnh Đắk Lắk sử dụng Quỹ khuyến công để tổ chức hoạt động khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn nhằm mục tiêu sau:
1. Động viên và huy động các nguồn lực trong và ngoài Tỉnh tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp của Tỉnh.
2. Góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trước hết là công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công hợp lý lao động xã hội.
3. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Điều 3. Quỹ khuyến công là quỹ sự nghiệp công nghiệp hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Được miễn thuế và các khoản nộp ngân sách, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước.
Điều 4. Phạm vi và đối tượng áp dụng 1. Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - TTCN tại huyện, thị trấn và xã của tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi là cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn) bao gồm:
a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước;
b) Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
c) Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
d) Hộ kinh doanh cá thể đăng ký theo Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02/4/2004 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;
2. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động dịch vụ khuyến công.
Điều 5. Nội dung hoạt động khuyến công 1. Hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp lập dự án đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng, đào tạo lao động, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư và các thủ tục hành chính khác theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp theo vùng và địa phương.
2. Hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hóa sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
3. Hướng dẫn, tư vấn cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
4. Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề.
5. Hỗ trợ cung cấp thông tin, tiếp thị, tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh và tổ chức triển lãm, hội chợ và giới thiệu sản phẩm.
6. Tổ chức các hoạt động tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, tham quan, khảo sát; hỗ trợ và tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề.
7. Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, sản xuất hàng mẫu, chuyển giao công nghệ và thực hiện dịch vụ tư vấn khoa học - công nghệ để hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn.
8. Thực hiện các nhiệm vụ, chương trình khuyến công khác do UBND tỉnh, Bộ Công nghiệp trực tiếp giao, nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp theo các chính sách ưu đãi của ngành, địa phương về phát triển công nghiệp trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Điều 6. Danh mục ngành, nghề được hưởng chính sách khuyến công
1. Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn vào các ngành, nghề sau đây được hưởng hỗ trợ từ Quỹ khuyến công tỉnh:
a) Công nghiệp chế biến nông, lâm sản;
b) Sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng từ 20 lao động trở lên;
c) Sản xuất sản phẩm mới, hàng thay thế hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước;
d) Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp;
đ) Thủy điện nhỏ, điện sử dụng năng lượng mới hoặc năng lượng tái tạo có công suất lắp đặt dưới 10 MW để cung cấp điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi chưa có điện lưới Quốc gia;
e) Sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và dịch vụ cho các cơ sở sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh;
g) Đầu tư vốn xây dựng kết cấu hạ tầng cho cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
2. Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu công tác khuyến công trong từng thời kỳ, UBND tỉnh quyết định việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề được hưởng hỗ trợ từ Quỹ khuyến công tỉnh.
Điều 7. Các hình thức thực hiện dự án khuyến công
1. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn
2. Tổ chức các địa điểm hướng dẫn, tư vấn, sản xuất thực nghiệm
3. Tư vấn hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở
4. Thông tin tuyên truyền và lập các trung tâm thông tin dữ liệu
5. Hội chợ triển lãm
6. Tổ chức khảo sát, tìm kiếm thị trường, tham quan
7. Chương trình quảng bá thương hiệu và sản phẩm
8. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ có kèm theo đào tạo, bao gồm: Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp; cung cấp bí quyết công nghệ; cung cấp tài liệu kỹ thuật; đào tạo; thực hiện các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn kỹ thuật và quản lý sản xuất kinh doanh; thiết bị ở khâu quan trọng nhất liên quan đến ứng dụng công nghệ; chi phí sản xuất thử (hỗ trợ phần không thu hồi được)
9. Hỗ trợ chi phí nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hóa sản xuất, hạ giá thành sản phẩm;
10. Hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất (phần lập dự án)
11. Hỗ trợ chi phí đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
12. Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật (mô hình sản xuất - kinh doanh điểm), bao gồm: chi phí cho khâu chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị; thiết bị trình diễn kỹ thuật; đào tạo công nhân vận hành; sản xuất thử; giới thiệu mô hình sản phẩm và dịch vụ tư vấn khoa học - công nghệ.
13. Hỗ trợ chi phí ban đầu cho các tổ chức cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn vào các ngành nghề nêu tại Điều 6 - Quy chế này.
Điều 8. Giải thích một số thuật ngữ sử dụng trong Quy chế
1. Dự án khuyến công: Là dự án được lập nhằm triển khai một hoặc một số nội dung hoạt động khuyến công được nêu tại Điều 5 Quy chế này, nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể đề ra trong từng giai đoạn cho hoạt động khuyến công, với một khoản kinh phí và thời gian thực hiện xác định.
2. Dự án khuyến công quốc gia: Là dự án do Bộ Công nghiệp quản lý, tổ chức thực hiện theo chương trình, kế hoạch khuyến công quốc gia, có mục tiêu chung và được thực hiện tại nhiều địa phương, nhằm tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn thuộc những ngành nghề quy định tại Điều 6 - Nghị định 134/2004/NĐ-CP ở những địa bàn và vùng trọng điểm do Bộ Công nghiệp quy định.
3. Dự án khuyến công địa phương: Là dự án do Sở Công nghiệp quản lý, tổ chức thực hiện nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn thuộc những ngành nghề, địa bàn được nêu tại Điều 4 và Điều 6 Quy chế này.
Chương 2.
TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH QUỸ KHUYẾN CÔNG
Điều 9. Cơ quan quản lý điều hành Quỹ khuyến công
1. Sở Công nghiệp là cơ quan giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương, được giao nhiệm vụ quản lý và điều hành các hoạt động của Quỹ khuyến công tỉnh;
2. UBND tỉnh thành lập Trung tâm khuyến công tỉnh, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công nghiệp, có nhiệm vụ sử dụng kinh phí từ Quỹ khuyến công tỉnh để triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch, chương trình đã được phê duyệt; việc thành lập và tổ chức hoạt động của Trung tâm khuyến công tỉnh có quy định riêng.
Điều 10. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Công nghiệp
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Quỹ khuyến công tỉnh và dự toán kinh phí khuyến công trình UBND tỉnh để trình duyệt theo quy định hiện hành; giúp UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Quỹ khuyến công tỉnh sau khi được phê duyệt;
2. Tổ chức xem xét quyết định hình thức và mức hỗ trợ cụ thể từ Quỹ khuyến công tỉnh cho từng dự án khuyến công, nếu vượt quá thẩm quyền thì đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định;
3. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng, trình Bộ Công nghiệp tổng hợp các chương trình, kế hoạch hoạt động khuyến công có sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia;
4. Tham mưu UBND tỉnh quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút các nguồn vốn cho hoạt động của Quỹ khuyến công tỉnh;
5. Tổ chức quản lý, điều hành việc sử dụng kinh phí khuyến công của tỉnh đúng theo các quy định của pháp luật, Quy chế hoạt động của Quỹ khuyến công tỉnh và chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt;
6. Chỉ đạo Trung tâm khuyến công tỉnh tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt và các nhiệm vụ khuyến công khác do UBND tỉnh, Bộ Công nghiệp trực tiếp giao;
7. Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện kế hoạch hoạt động của Quỹ khuyến công tỉnh về UBND tỉnh và Bộ Công nghiệp để theo dõi, chỉ đạo.
Chương 3.
NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ KHUYẾN CÔNG
Điều 11. Các nguồn thu của Quỹ khuyến công
1. Nguồn ngân sách tỉnh cân đối: từ 0,1 - 0,3% trích trong tổng thu ngân sách trên địa bàn hằng năm (HĐND tỉnh phê duyệt cụ thể cho từng năm);
2. Nguồn hỗ trợ của Quỹ khuyến công quốc gia cho hoạt động khuyến công của tỉnh theo các chương trình, đề án được phê duyệt;
3. Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
4. Thu từ các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Nội dung dự toán chi kinh phí của Quỹ khuyến công
1. Chi cho hoạt động khuyến công do Trung tâm khuyến công tỉnh tổ chức thực hiện theo các nội dung quy định tại Điều 5 Quy chế này; dự toán chi được lập cho từng dự án theo hình thức thực hiện quy định tại Điều 7 - Quy chế này;
- Chi phí cho việc xây dựng, thẩm định, quản lý, kiểm tra và quyết toán dự án khuyến công;
- Chi phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ làm công tác khuyến công;
- Chi phí phụ cấp cho cán bộ khuyến công thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về khuyến công theo dõi dự án; trợ cấp cho khuyến công viên ở các xã.
- Chi phí cho hoạt động sơ kết, tổng kết công tác khuyến công và khen thưởng thi đua các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất công nghiệp nông thôn và hoạt động khuyến công.
3. Các khoản chi khác phục vụ cho hoạt động khuyến công khi được cơ quan quản lý cấp trên giao hoặc ủy quyền chi.
Điều 13. Hình thức và mức hỗ trợ kinh phí 1. Hỗ trợ không thu hồi vốn đối với các hoạt động khuyến công theo các nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 7 tại Điều 5 Quy chế này.
2. Hình thức và mức hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động khuyến công quy định tại khoản 8 Điều 5 Quy chế này, thực hiện theo nhiệm vụ, chương trình khi được giao cụ thể.
3. Hỗ trợ 100% kinh phí đối với các hoạt động khuyến công bao gồm: Tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao trình độ, đào tạo, truyền nghề và phát triển các ngành nghề truyền thống, đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; dự án thành lập hợp tác xã ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; cung cấp các thông tin kinh tế, khoa học - kỹ thuật; lập dự án đầu tư công trình bảo vệ môi trường; tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm.
4. Các hoạt động khuyến công khác được quy định từ khoản 1 đến khoản 7 tại Điều 5 Quy chế này, được xem xét tới mức hỗ trợ tối đa là 70% dự toán kinh phí của dự án khuyến công tùy theo tính chất đặc thù, mức độ cần thiết của từng đối tượng, từng dự án khuyến công cụ thể tại từng thời điểm.
5. Sở Công nghiệp có quyền quyết định hỗ trợ cho mỗi đối tượng chỉ được không quá 1 lần/năm và mức tối đa không quá 100 triệu đồng cho một dự án khuyến công. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, nhưng do yêu cầu cấp thiết của việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương mà cần phải hỗ trợ thì trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
6. Trường hợp nhu cầu hỗ trợ vượt quá khả năng tài chính của Quỹ khuyến công tỉnh, thì Sở Công nghiệp trình UBND tỉnh xem xét bổ sung kinh phí hoặc tổ chức xét duyệt theo thứ tự ưu tiên, đối tượng và ngành nghề ưu tiên do Giám đốc Sở Công nghiệp quy định, dựa trên cơ sở các chính sách ưu đãi của nhà nước, của tỉnh, các chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh và Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh tại thời điểm xét duyệt.
Điều 14. Điều kiện và thủ tục, hồ sơ xét hỗ trợ từ Quỹ khuyến công tỉnh 1. Điều kiện để được xét hỗ trợ
a) Có dự án khuyến công;
b) Chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của nhà nước;
c) Có đủ hồ sơ hợp lệ theo hướng dẫn.
2. Hồ sơ để được xét hỗ trợ bao gồm:
a) Tờ trình đề nghị hỗ trợ;
b) Bản sao hợp lệ đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề đối với những ngành nghề có điều kiện;
c) Dự án khuyến công;
d) Các hợp đồng, biên bản, quyết định liên quan đến việc chuẩn bị thực hiện dự án khuyến công (bản sao công chứng);
e) Ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp hoặc của chính quyền địa phương cấp huyện, thành phố.
3. Hồ sơ được lập 3 bộ, nộp tại Trung tâm khuyến công tỉnh, Giám đốc Trung tâm khuyến công tỉnh có trách nhiệm báo cáo Giám đốc Sở Công nghiệp để tổ chức thẩm định và thông báo kết quả cho chủ dự án biết. Lập hợp đồng hỗ trợ theo quy định của pháp luật đối với dự án được xét duyệt.
4. Trường hợp dự án khuyến công do Trung tâm khuyến công tỉnh trực tiếp thực hiện, hỗ trợ cùng lúc cho nhiều đối tượng thụ hưởng trong một ngành, một vùng nào đó (Ví dụ: Tổ chức tham quan, đào tạo cho một nhóm đối tượng thuộc ngành chế biến cà phê) thì Trung tâm khuyến công tỉnh tự lập dự án khuyến công trình Sở Công nghiệp phê duyệt để triển khai thực hiện.
Điều 15. Chế độ tài chính
1. Quỹ khuyến công tỉnh được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước tỉnh, do Giám đốc trung tâm khuyến công tỉnh làm chủ tài khoản.
2. Quỹ khuyến công thực hiện chế độ tài chính, mở sổ sách kế toán, ghi chép chứng từ, hạch toán, quyết toán theo đúng các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Quỹ khuyến công được sử dụng liên tục qua các năm, số kết dư cuối năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc thu từ tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho Quỹ khuyến công tỉnh, hướng dẫn và kiểm tra các hoạt động tài chính của Quỹ khuyến công tỉnh theo đúng quy chế và các quy định hiện hành của nhà nước. Trình UBND tỉnh trích ngân sách hằng năm theo Quy chế cấp cho Quỹ khuyến công tỉnh.
Điều 17. Sở Công nghiệp có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý và điều hành Quỹ khuyến công tỉnh, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế và chỉ đạo Trung tâm khuyến công tỉnh tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn; Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các hoạt động hỗ trợ của Trung tâm khuyến công tỉnh, để các hoạt động khuyến công đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng quy định hiện hành của nhà nước về chế độ quản lý tài chính;
Điều 18. Các đơn vị, cá nhân được hỗ trợ từ nguồn Quỹ khuyến công tỉnh có trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn vốn đúng theo mục đích của dự án khuyến công đã được phê duyệt; báo cáo Sở Công nghiệp định kỳ hằng tháng, quý, năm về tình hình quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của đơn vị mình; chịu sự kiểm tra, giám sát của Sở Công nghiệp và các cơ quan chức năng khác theo quy định.
Điều 19. Khen thưởng và xử lý vi phạm
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, được Chủ tịch UBND tỉnh xét khen thưởng; trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành./.