Cơ quan ban hành: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Số công báo: | Theo văn bản |
Số hiệu: | 101/2000/QĐ-NHNN17 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Lê Đức Thuý |
Ngày ban hành: | 29/03/2000 | Hết hiệu lực: | 17/07/2003 |
Áp dụng: | 13/04/2000 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
SỐ 101/2000/QĐ-NHNN17 NGÀY 29 THÁNG 3 NĂM 2000 VỀ VIỆC
BAN HÀNH QUY CHẾ THU HỒI GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ
HOẠT ĐỘNG QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN VÀ VIỆC THANH LÝ QUỸ
TÍN DỤNG NHÂN DÂN DƯỚI SỰ GIÁM SÁT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
- Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997 và Luật các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12/12/1997;
- Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 3 năm 1996 đã được Quốc hội thông qua;
- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân và việc thanh lý Quỹ tín dụng nhân dân dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
THU HỒI GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ
TÍN DỤNG NHÂN DÂN VÀ VIỆC THANH LÝ QUỸ TÍN DỤNG
NHÂN DÂN DƯỚI SỰ GIÁM SÁT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 101/2000/QĐ-NHNN17
ngày 29 tháng 3 năm 2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động (sau đây gọi chung là thu hồi giấy phép) đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (sau đây gọi chung là Quỹ tín dụng); việc thanh lý Quỹ tín dụng dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp nêu tại khoản 5 Điều 3 Quy chế này.
2. Việc thu hồi giấy phép tại Quy chế này được hiểu như sau:
a. Thu hồi giấy phép hoạt động đối với Quỹ tín dụng được cấp giấy phép hoạt động trước ngày 01/10/1998.
b. Thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động đối với Quỹ tín dụng được cấp giấy phép theo Luật các tổ chức tín dụng.
Điều 2. Thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thu hồi giấy phép đối với Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố quyết định thu hồi giấy phép đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn.
Điều 3. Việc xử lý, thanh lý Quỹ tín dụng
1. Trường hợp thu hồi giấy phép do Quỹ tín dụng được chia tách, hợp nhất, sát nhập theo Nghị quyết của Đại hội thành viên, việc xử lý Quỹ tín dụng được thực hiện theo quy định tại Điều 45 Luật hợp tác xã.
2. Trường hợp thu hồi giấy phép do Quỹ tín dụng tự nguyện xin giải thể, việc thanh lý Quỹ tín dụng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Hợp tác xã.
3. Trường hợp thu hồi giấy phép do Quỹ tín dụng bị phá sản, việc thanh lý Quỹ tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
4. Trường hợp thu hồi giấy phép do Quỹ tín dụng không hội đủ các điều kiện hoạt động tại khoản 1 và khoản 3 Điều 38 Luật các tổ chức tín dụng, các sáng lập viên có trách nhiệm giải quyết thanh toán tiền cho những người góp vốn sau khi thanh toán các chi phí có liên quan đến việc thành lập Quỹ tín dụng.
5. Các trường hợp thu hồi giấy phép ngoài quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 của điều này, Quỹ tín dụng phải tiến hành thanh lý ngay dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
MỤC 1: THU HỒI GIẤY PHÉP
Điều 4. Các trường hợp thu hồi giấy phép
1. Có chứng cứ là trong hồ sơ xin cấp giấy phép có những thông tin cố ý làm sai sự thật.
2. Không có đủ các điều kiện hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 38 Luật các tổ chức tín dụng.
3. Hoạt động sai mục đích ghi trong giấy phép.
4. Bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc giải thể.
5. Chia tách, hợp nhất, sát nhập theo Nghị quyết của Đại hội thành viên.
6. Quỹ tín dụng bị phá sản.
7. Quỹ tín dụng tự nguyện xin giải thể trong trường hợp có khả năng thanh toán hết nợ.
Điều 5. Các công việc phải thực hiện trước khi thu hồi giấy phép đối với các Quỹ tín dụng thuộc diện bị buộc giải thể.
Đối với Quỹ tín dụng bị buộc giải thể, trước khi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định giải thể và Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thu hồi giấy phép, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo và giám sát Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc Quỹ tín dụng thực hiện các công việc sau đây:
1. Ngừng ngay việc huy động vốn và cho vay.
2. Kiểm kê toàn bộ tài sản hiện có để xác định chính xác thực trạng tài chính của quỹ tín dụng đến thời điểm ngừng huy động vốn và cho vay:
- Kiểm kê tồn quỹ tiền mặt (nội tệ, ngoại tệ), kim loại quý, đá quý, các ấn chỉ quan trọng (sổ tiền gửi, séc...) và các loại ấn chỉ khác chưa sử dụng.
- Đối chiếu công khai toàn bộ các khoản tiền gửi, tiền vay và dư nợ cho vay của Quỹ tín dụng:
+ Đối với tiền gửi của khách hàng: Sao kê chi tiết và đối chiếu đến từng khách hàng, xác định số tiền (gốc, lãi).
+ Đối với các khoản tiền vay của các tổ chức tín dụng khác: Lập bảng sao kê và xác nhận số dư gốc, lãi.
+ Đối với dư nợ cho vay: Sao kê chi tiết và tổ chức đối chiếu với từng khách nợ. Trên cơ sở đó phân tích thực trạng các khoản nợ, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan và quy trách nhiệm đối với những khoản tổn thất, rủi ro để xử lý theo quy định của pháp luật và điều lệ Quỹ tín dụng.
- Sao kê đối chiếu các khoản phải thu, phải trả khác.
- Kiểm kê, đáng giá lại giá trị thực tế các tài sản cố định, công cụ lao động.
- Kiểm tra, đối chiếu danh sách thành viên góp vốn, số vốn góp.
Trong quá trình kiểm kê, đối chiếu trường hợp có chênh lệch giữa sổ sách với thực tế phải lập biên bản xác định nguyên nhân để xử lý.
3. Lập kế hoạch và tiến hành thu hồi các khoản nợ cho vay (cả gốc và lãi) và các khoản thu khác; áp dụng mọi biện pháp tận thu như phát mại tài sản thế chấp, cầm cố hoặc đưa ra cơ quan pháp luật xử lý để thanh toán các khoản nợ phải trả theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 12 Quy chế này.
4. Sau thời hạn tối đa 12 tháng triển khai thực hiện các công việc tại khoản 1, 2, 3 điều này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định giải thể Quỹ tín dụng; Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thu hồi giấy phép (phụ lục số 1 và số 2).
Điều 6. Hồ sơ đề nghị giải thể Quỹ tín dụng gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
1. Đối với Quỹ tín dụng tự nguyện xin giải thể theo Nghị quyết của Đại hội thành viên, hồ sơ gồm:
a. Đơn xin tự nguyện giải thể của Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng. Nội dung đơn phải nêu rõ thực trạng về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng, lý do xin giải thể;
b. Nghị quyết của Đại hội thành viên về việc tự nguyện giải thể, Nghị quyết chỉ có giá trị khi có ít nhất 3/4 (ba phần tư) tổng số thành viên hoặc đại biểu thành viên tham dự tại Đại hộ biểu quyết tán thành;
c. Phương án thanh lý đã được Đại hội thành viên thông qua;
d. Bảng cân đối tài khoản kế toán của năm gần nhất và đến thời điểm xin giải thể;
2. Đối với các trường hợp khác ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, hồ sơ gồm:
a. Tờ trình của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nêu rõ thực trạng hoạt động của Quỹ tín dụng, kiến nghị, đề xuất biện pháp xử lý đối với Quỹ tín dụng.
b. Báo cáo kết quả thanh tra xác định những vi phạm của Quỹ tín dụng.
Điều 7. Hồ sơ thu hồi giấy phép
1. Trường hợp Quỹ tín dụng tự nguyện xin giải thể, hồ sơ gồm:
a. Các loại văn bản, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy chế này;
b. Ý kiến chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc xin tự nguyện giải thể của Quỹ tín dụng;
c. Tờ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước của Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước về việc thu hồi giấy phép của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương; của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố về việc thu hồi giấy phép của Quỹ tín dụng nhân dân khu vực. Nội dung tờ trình phải nêu rõ kiến nghị của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố về việc Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, Quỹ tín dụng nhân dân khu vực xin tự nguyện giải thể và các biện pháp xử lý sau khi thu hồi giấy phép.
e. Các văn bản khác nếu Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
2. Các trường hợp khác ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, hồ sơ gồm:
a. Tờ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước của Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước về việc thu hồi giấy phép của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương; của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố về việc thu hồi giấy phép của Quỹ tín dụng nhân dân khu vực. Nội dung tờ trình phải nêu rõ kiến nghị của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố về việc thu hồi giấy phép của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, Quỹ tín dụng nhân dân khu vực và các biện pháp xử lý sau khi thu hồi giấy phép.
b. Biên bản thanh tra xác định các vi phạm của Quỹ tín dụng.
c. Quyết định giải thể bắt buộc Quỹ tín dụng của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.
d. Các văn bản khác nếu Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Điều 8. Nội dung chính của quyết định thu hồi giấy phép
1. Tên và địa chỉ của Quỹ tín dụng;
2. Lý do thu hồi giấy phép;
3. Thời điểm hiệu lực của quyết định;
4. Việc xử lý sau khi thu hồi giấy phép;
5. Giám sát thanh lý và trách nhiệm, quyền hạn của Tổ giám sát thanh lý của Ngân hàng Nhà nước tại Quỹ tín dụng.
Điều 9. Công bố quyết định thu hồi giấy phép.
1. Nơi gửi quyết định thu hồi giấy phép.
a. Quyết định thu hồi giấy phép của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở:
- Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở bị thu hồi giấy phép;
- UBND tỉnh, thành phố;
- UBND xã, thị trấn nơi Quỹ tín dụng cơ sở đóng trụ sở;
b. Quyết định thu hồi giấy phép của Quỹ tín dụng nhân dân khu vực:
- Quỹ tín dụng nhân dân khu vực bị thu hồi giấy phép;
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi Quỹ tín dụng nhân dân khu vực đóng trụ sở;
- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi Quỹ tín dụng nhân dân khu vực đóng trụ sở.
c. Quyết định thu hồi giấy phép của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương:
- Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương;
- Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
2. Thông báo quyết định thu hồi giấy phép.
a. Trong thời gian tối đa 5 ngày kể từ ngày Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố ký quyết định thu hồi giấy phép Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm thông báo quyết định tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn nơi Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đóng trụ sở.
b. Trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký quyết định thu hồi giấy phép Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi Quỹ tín dụng nhân dân khu vực đóng trụ sở có trách nhiệm thông báo quyết định trên 1 tờ báo hàng ngày của tỉnh trong 3 số liên tiếp.
c. Trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ ngày Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký quyết định thu hồi giấy phép Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, Vụ Các tổ chức của tín dụng hợp tác có trách nhiệm thông báo quyết định trên 1 tờ báo hàng ngày của Trung ương trong 3 số liên tiếp.
Điều 10. Trách nhiệm của Quỹ tín dụng
1. Quỹ tín dụng phải tự kiểm tra, báo cáo và đề xuất các giải pháp xử lý gửi Ngân hàng Nhà nước.
2. Quỹ tín dụng phải có cam kết về khả năng thanh toán cho các chủ nợ và chịu trách nhiệm chính về các vấn đề liên quan đến quá trình thu hồi giấy phép.
3. Kể từ thời điểm quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực, Quỹ tín dụng phải:
a. Chấm dứt ngay hoạt động huy động vốn và cho vay; ngừng tính lãi, trả lãi đối với các khoản nợ phải trả, phải thu.
b. Ngừng toàn bộ việc chuyển nhượng vốn góp của thành viên. Trường hợp Quỹ tín dụng tự nguyện giải thể, việc ngừng chuyển nhượng vốn góp được thực hiện kể từ thời điểm Đại hội thành viên quyết định giải thể.
c. Thực hiện việc thanh lý theo quy định của pháp luật.
MỤC 2: THANH LÝ QUỸ TÍN DỤNG
Điều 11. Hội đồng thanh lý
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định giải thể bắt buộc Quỹ tín dụng, quyết định thành lập Hội đồng thanh lý Quỹ tín dụng và chỉ định Chủ tịch Hội đồng để tổ chức việc giải thể Quỹ tín dụng. Quyết định thành lập Hội đồng thanh lý phải có các nội dung:
- Họ tên, địa chỉ những người chịu trách nhiệm chính trong Hội đồng thanh lý Quỹ tín dụng;
- Thời hạn thanh lý;
- Vai trò giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
2. Thành phần Hội đồng thanh lý bao gồm đại diện của chính quyền địa phương, đại diện Quỹ tín dụng, đại diện thành viên Quỹ tín dụng và các ban ngành đoàn thể khác có liên quan (nếu xét thấy cần thiết).
3. Hội đồng thanh lý có trách nhiệm:
a. Lập danh sách và số tiền của các chủ nợ, khách nợ đến thời điểm quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực và danh mục các tài sản của Quỹ tín dụng để xử lý bao gồm:
- Tiền gửi của cá nhân, tổ chức kinh tế.
- Các khoản cho vay.
- Tài sản cố định, tài sản đi thuê, đi mượn hoặc cho thuê, cho mượn.
- Các khoản phải thu, phải trả khác.
- Tài sản bằng tiền bao gồm tiền mặt (nội tệ, ngoại tệ), kim loại quý, đá quý và các giấy tờ có giá.
- Các khoản vốn góp tại Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.
- Các tài sản khác.
b. Xây dựng kế hoạch thanh lý; triển khai kế hoạch thanh lý sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận; tìm mọi biện pháp thu hồi nợ và tài sản của Quỹ tín dụng để thanh toán cho các chủ nợ.
c. Tổ chức thanh lý Quỹ tín dụng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Mọi khoản thu của Quỹ tín dụng phải được sử dụng để thanh toán cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 12 Quy chế này.
Điều 12. Thứ tự ưu tiên thanh toán cho các chủ nợ
1. Các khoản lệ phí, chi phí cho việc giải thể Quỹ tín dụng;
2. Các khoản tiền của Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt dưới các hình thức cho vay, gửi tiền có mục đích nhằm hỗ trợ chi trả tiền gửi dân chúng (nếu có);
3. Các khoản tiền gửi của khách hàng;
4. Các khoản tiền vay của Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương và vay của các tổ chức, cá nhân khác (ngoài các khoản quy định tại khoản 2 điều này);
5. Các khoản nợ thuế (nếu có);
6. Trả vốn góp cho thành viên theo khả năng tài chính hiện có trên tinh thần ưu tiên trả vốn xác lập trước và đảm bảo công bằng bình đẳng giữa các thành viên;
7. Việc giải quyết các quyền lợi khác của thành viên chỉ được thực hiện sau khi đã giải quyết xong các nghĩa vụ đối với các chủ nợ.
Điều 13. Thời hạn thanh lý
Thời hạn thanh lý Quỹ tín dụng tối đa không quá 6 tháng, kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực. Trường hợp phải kéo dài quá thời hạn thanh lý thì Hội đồng thanh lý phải báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và Ngân hàng Nhà nước để xử lý (thời gian gia hạn thanh lý không quá 6 tháng).
Điều 14. Kết thúc thanh lý
1. Quỹ tín dụng kết thúc thanh lý trong các trường hợp sau:
a. Đã thanh toán hết các khoản nợ cho các chủ nợ;
b. Hết thời hạn thanh lý theo quy định (kể cả thời gian gia hạn nếu có);
c. Không có khả năng thanh toán đủ cho các chủ nợ.
2. Khi kết thúc thanh lý, Hội đồng thanh lý Quỹ tín dụng phải có báo cáo bằng văn bản với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước đề nghị cho kết thúc thanh lý để làm thủ tục chấm dứt tư cách pháp nhân Quỹ tín dụng.
3. Trong quá trình thanh lý, nếu xét thấy Quỹ tín dụng không có khả năng thanh toán đủ cho các chủ nợ, Hội đồng thanh lý có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước đề nghị cho kết thúc thanh lý để tiến hành thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
Điều 15. Chi phí thanh lý
Mọi chi phí liên quan đến việc thanh lý đều do Quỹ tín dụng bị thu hồi giấy phép chịu.
MỤC 3: GIÁM SÁT VIỆC THANH LÝ QUỸ TÍN DỤNG
Điều 16. Tổ giám sát thanh lý
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc thành lập Tổ giám sát thanh lý để giám sát việc thanh lý Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố quyết định việc thành lập Tổ giám sát thanh lý để giám sát việc thanh lý Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn; chỉ định Tổ trưởng và các thành viên của Tổ trưởng và các thành viên của Tổ giám sát thanh lý; Thành viên tham gia Tổ giám sát thanh lý tối thiểu phải có 3 người.
2. Tổ trưởng và các thành viên của Tổ giám sát thanh lý chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Chi nhành Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố về việc thực thi nhiệm vụ của mình.
Điều 17. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Tổ giám sát thanh lý
1- Phải là cán bộ của Ngân hàng Nhà nước có trình độ, kinh nghiệm về công tác chuyên môn ngân hàng và am hiểu về nghiệp vụ Quỹ tín dụng.
2. Không phải là bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban Kiểm soát, Giám đốc và thành viên của Quỹ tín dụng bị thanh lý.
Điều 18. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ giám sát thanh lý
1. Chỉ đạo Hội đồng thanh lý xây dựng kế hoạch thanh lý theo quy định để trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố chấp thuận.
2. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chỉ đạo, giám sát Hội đồng thanh lý Quỹ tín dụng kiểm kê toàn bộ tài sản hiện có; yêu cầu Quỹ tín dụng mời các khách nợ, chủ nợ đến đối chiếu để xác định khả năng thanh toán và nguồn trả nợ.
3. Yêu cầu Hội đồng thanh lý của Quỹ tín dụng báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin về thực trạng tổ chức và tài chính, về diễn biến tình hình của Quỹ tín dụng tại thời điểm bị thu hồi giấy phép và những vấn đề phát sinh trong quá trình thanh lý.
4. Giám sát toàn bộ quá trình thanh lý Quỹ tín dụng.
5. Báo cáo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và Thống đốc Ngân hàng nhà nước về diễn biến quá trình thanh lý Quỹ tín dụng. Trường hợp cần thiết có văn bản đề nghị các cơ quan có liên quan hỗ trợ Hội đồng thanh lý trong việc thu hồi vốn và tài sản, xử lý các khách hàng cố tình dây dưa, chây ỳ làm thất thoát tài sản của Quỹ tín dụng.
6. Được quyền đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có quyết định tạm đình chỉ hoạt động của những thành viên Hội đồng thanh lý cố ý vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện theo kế hoạch thanh lý hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, từ chối thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ; trường hợp nghiêm trọng, có văn bản yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý các cá nhân sai phạm.
7. Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xử lý đối với Quỹ tín dụng khi kết thúc thanh lý trong những trường hợp nêu tại Điều 14 Quy chế này.
8. Giám sát việc Quỹ tín dụng làm các thủ tục chấm dứt tư cách pháp nhân khi kết thúc thanh lý.
9. Tổ giám sát thanh lý chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thống đốc ngân hàng nhà nước hoặc Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.
CHƯƠNG III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ THUỘC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Điều 19. Trách nhiệm của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.
1. Xem xét và quyết định thu hồi giấy phép Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn.
2. Hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và có tờ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thu hồi giấy phép Quỹ tín dụng nhân dân khu vực.
3. Cử cán bộ giám sát việc thanh lý.
4. Trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý các vấn đề phát sinh ngoài thẩm quyền.
Điều 20. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng nhà nước.
1. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước:
a. Hướng dẫn, chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố kiểm tra và kiến nghị thu hồi giấy phép Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn, trực tiếp kiến nghị Thống đốc ngân hàng Nhà nước thu hồi giấy phép của Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương.
b. Xem xét và có ý kiến đánh giá về thực trạng hoạt động và khả năng tài chính của Quỹ tín dụng phải thu hồi giấy phép.
2. Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác.
a. Hướng dẫn Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Quỹ tín dụng thực hiện Quy chế này.
b. Có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc thu hồi giấy phép của Quỹ tín dụng nhân dân khu vực, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương khi có ý kiến đề xuất kèm theo hồ sơ của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố hoặc kiến nghị của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
c. Đề xuất xử lý những vấn đề liên quan đến việc thu hồi giấy phép và thanh lý Quỹ tín dụng.
3. Vụ Pháp chế:
a. Có trách nhiệm rà soát các quy định pháp luật của ngành ngân hàng liên quan đến thu hồi giấy phép, thanh lý và giám sát thanh lý Quỹ tín dụng để kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉnh sửa cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
b. Là đầu mối phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý các vấn đề pháp lý trong quá trình thanh lý Quỹ tín dụng.
4. Các đơn vị khác có trách nhiệm xem xét, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước những vấn đề liên quan đến việc thu hồi giấy phép Quỹ tín dụng theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Mọi sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
PHỤ LỤC SỐ 1
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÀNH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC TỈNH, THÀNH PHỐ........... Số:................. | CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ..., ngày.... tháng.... năm..... |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA GIÁM ĐỐC CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
TỈNH, THÀNH PHỐ ...............................
Về việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động
Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở .............................
GIÁM ĐỐC CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
- Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997;
- Căn cứ Quyết định số..../..../QĐ-NHNN17 ngày tháng năm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành "Quy chế thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân và việc thanh lý Quỹ tín dụng nhân dân dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước";
- Theo đề nghị của ...............................................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động số............./NH-GP ngày..... tháng..... năm................... của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.........................
............................................................................................................................
Lý do thu hồi giấy phép......................................................................................
............................................................................................................................
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ............................................
Điều 3. Quỹ tín dụng nhân dân ................... tiến hành thanh lý dưới sự chỉ đạo của Hội đồng thanh lý được thành lập theo Quyết định số ...................... và sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước theo các quy định của pháp luật trong thời hạn .... tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Điều 4. Các ông (bà) Chánh Thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Trưởng phòng Quản lý các tổ chức tín dụng hợp tác, Trưởng các phòng, ban có liên quan thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố ............., Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân ....................................... chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
GIÁM ĐỐC CHI NHÁNH NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC TỈNH, THÀNH PHỐ
Nơi nhận:
PHỤ LỤC SỐ 2
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC Số:..../ | CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ...., ngày... tháng... năm....... |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC THU HỒI
GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN KHU VỰC.......
(Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương)
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
- Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997;
- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Theo đề nghị của ......................................................................................
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động số.../NH-GP ngày... tháng... năm... của Quỹ tín dụng nhân dân khu vực ....... (Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương).
Lý do thu hồi giấy phép: .............................................................................
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ....................................
Điều 3. Quỹ tín dụng nhân dân khu vực .................................. (Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương) phải tiến hành thanh lý dưới sự chỉ đạo của Hội đồng thanh lý được thành lập theo Quyết định số ....................................... và dưới sự giám sát của Ngân hàng nhà nước theo các quy định của pháp luật trong thời hạn ...... tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Điều 4. Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ các tổ chức tín dụng hợp tác, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố ................., Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân khu vực .............. (Quỹ tín dụng Trung ương) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Nơi nhận:
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
03 | Văn bản liên quan khác |
04 |
Quyết định 101/2000/QĐ-NHNN17 Quy chế thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân
In lược đồCơ quan ban hành: | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Số hiệu: | 101/2000/QĐ-NHNN17 |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 29/03/2000 |
Hiệu lực: | 13/04/2000 |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Theo văn bản |
Người ký: | Lê Đức Thuý |
Ngày hết hiệu lực: | 17/07/2003 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!