Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | 429&430 - 7/2008 |
Số hiệu: | 101/2008/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | 30/07/2008 |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 18/07/2008 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 14/08/2008 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Cơ cấu tổ chức, Cán bộ-Công chức-Viên chức |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 101/2008/QĐ-TTg NGÀY 18 THÁNG 07 NĂM 2008
VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ BIÊN CHẾ
ĐỐI VỚI HỆ THỐNG KHO BẠC NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2009 - 2013
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế áp dụng đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước thuộc Bộ Tài chính giai đoạn 2009 - 2013 (sau đây viết tắt là Kho bạc Nhà nước).
Điều 2. Cơ chế quản lý tài chính và biên chế của Kho bạc Nhà nước phải đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu sau đây:
1. Thực hiện tốt chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính và các quỹ khác của Nhà nước; hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước và quản lý tài sản quốc gia quý hiếm; nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ và phục vụ các hoạt động dịch vụ thông qua giao dịch, thanh toán với các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Đổi mới cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với hoạt động Kho bạc Nhà nước; thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn cao; trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị trong tổ chức công việc, sử dụng lao động và sử dụng các nguồn lực tài chính.
3. Chủ động trong sử dụng nguồn tài chính được giao, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung nguồn lực thực hiện chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020; bảo đảm xây dựng kho tàng, trụ sở giao dịch an toàn, hiện đại; bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin, trang bị kỹ thuật hiện đại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hiện đại hoá công nghệ quản lý nhằm thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ nhà nước giao, đủ điều kiện hội nhập quốc tế; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và từng bước bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức.
4. Thực hiện công khai, dân chủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước.
Điều 3. Về biên chế:
1. Biên chế của Kho bạc Nhà nước được xác định trong phạm vi tổng số biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho Bộ Tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính giao chỉ tiêu biên chế cho Kho bạc Nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định và trên cơ sở chủ động tổ chức, sắp xếp bộ máy quản lý và sử dụng lao động theo đúng chủ trương tinh giản biên chế của Nhà nước.
2. Trường hợp thành lập thêm hoặc sáp nhập các Kho bạc Nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc được bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Ngoài số biên chế được giao, Kho bạc Nhà nước được hợp đồng thuê khoán công việc và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Về nguồn kinh phí và nội dung chi kinh phí hoạt động:
1. Nguồn kinh phí hoạt động hàng năm của Kho bạc Nhà nước bao gồm:
a) Nguồn ngân sách nhà nước giao bảo đảm chi một lần tiền lương, tiền công, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo chế độ Nhà nước quy định.
b) Toàn bộ nguồn thu từ hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật Nhà nước.
c) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
2. Nội dung chi:
a) Chi thường xuyên, gồm: chi thanh toán cá nhân; chi quản lý hành chính; chi hoạt động nghiệp vụ; chi đoàn ra, đoàn vào; trang phục và bảo hộ lao động; chi triển khai và phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Trên cơ sở biên chế được giao và nguồn kinh phí hoạt động, mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức bình quân toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước là 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do nhà nước quy định (lương ngạch, bậc, chức vụ và các loại phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ). Kho bạc Nhà nước chủ động phân phối tiền lương theo kết quả, chất lượng hoàn thành công việc của từng cán bộ, công chức, bảo đảm công bằng, hợp lý, gắn tiền lương với hiệu quả công việc.
b) Chi đầu tư hiện đại hoá ngành, tăng cường cơ sở vật chất; xây dựng kho tàng, trụ sở làm việc và giao dịch; mua sắm các trang thiết bị chuyên dùng; sửa chữa, mua sắm tài sản phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
c) Chi duy trì và phát triển, hiện đại hoá công nghệ thông tin.
d) Chi nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức theo chương trình, kế hoạch của hệ thống Kho bạc Nhà nước.
đ) Chi bù đắp thiệt hại về tiền, tài sản trong các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, hoả hoạn, rủi ro theo quy định của pháp luật.
e) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu cho phù hợp với hoạt động đặc thù của Kho bạc Nhà nước trên cơ sở vận dụng tiêu chuẩn, định mức, chế độ Nhà nước quy định và trong phạm vi nguồn kinh phí được giao.
Điều 5. Kho bạc Nhà nước chủ động sử dụng nguồn kinh phí phù hợp với nhu cầu thực tế và trong phạm vi số kinh phí được giao. Kinh phí cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.
Điều 6. Hàng năm, số kinh phí tiết kiệm được từ chi thường xuyên và số chênh lệch giữa nguồn kinh phí quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định này so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao, Kho bạc Nhà nước được sử dụng cho các nội dung sau:
1. Trích tối thiểu 25% để lập Quỹ phát triển hoạt động ngành để: thực hiện chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước; đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng kho tàng, trụ sở giao dịch; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ; ứng dụng công nghệ thông tin và các nhiệm vụ khác có liên quan của hệ thống Kho bạc Nhà nước.
2. Trích Quỹ dự phòng ổn định thu nhập để: chi đảm bảo ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức hệ thống Kho bạc Nhà nước do những nguyên nhân khách quan làm giảm thu nhập; hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức hệ thống Kho bạc Nhà nước gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc những trường hợp đặc biệt khác. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể mức trích lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập.
3. Trích Quỹ khen thưởng, phúc lợi tối đa 03 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập thực tế thực hiện trong năm.
4. Chi phối hợp công tác trong và ngoài hệ thống, hỗ trợ các hoạt động đoàn thể.
5. Trợ cấp thêm ngoài chính sách chung cho những người tự nguyện về nghỉ chế độ trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại lao động; chi hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước.
6. Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức bình quân toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước tối đa 0,2 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do nhà nước quy định (lương ngạch, bậc, chức vụ và các loại phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ).
Điều 7. Khi Nhà nước thay đổi chính sách, chế độ, Kho bạc Nhà nước tự trang trải các khoản chi tăng thêm theo chính sách, chế độ mới. Trường hợp do các yếu tố khách quan dẫn đến nguồn tài chính của Kho bạc Nhà nước không bảo đảm mức chi tối thiểu để duy trì hoạt động của bộ máy thì Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Điều 8. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính:
1. Hướng dẫn thi hành Quyết định này. Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ kiểm tra việc thực hiện chế độ quản lý tài chính, biên chế của Kho bạc Nhà nước bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu.
2. Quý III năm 2013, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định này, trên cơ sở đó trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế quản lý tài chính và biên chế của Kho bạc Nhà nước cho giai đoạn tiếp theo.
Điều 9. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và được áp dụng cho các năm ngân sách trong giai đoạn 2009 - 2013.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2009, Quyết định số 169/2005/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2005 - 2007 hết hiệu lực thi hành.
Điều 10. Các Bộ trưởng: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản căn cứ |
04 | Văn bản hết hiệu lực |
05 | Văn bản hướng dẫn |
06 | Văn bản hướng dẫn |
07 |
Quyết định 101/2008/QĐ-TTg quản lý tài chính và biên chế với hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2009 - 2013
In lược đồCơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 101/2008/QĐ-TTg |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 18/07/2008 |
Hiệu lực: | 14/08/2008 |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Cơ cấu tổ chức, Cán bộ-Công chức-Viên chức |
Ngày công báo: | 30/07/2008 |
Số công báo: | 429&430 - 7/2008 |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!