TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM -------- Số: 170/QĐ-TLĐ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ THU, PHÂN CẤP THU, SỬ DỤNG, QUẢN LÝ NGUỒN THU KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN
---------------------
ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012; Điều lệ Công đoàn Việt Nam
- Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X
- Theo đề nghị của Ban Tài chính Tổng Liên đoàn
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành Quy định tạm thời về thu, phân cấp thu, sử dụng, quản lý nguồn thu kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn năm 2012.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Điều 3: Các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, Công đoàn các cấp có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Các đ/c UVĐCTTLĐ; - Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (để phối hợp thực hiện) - Lưu VP TLĐ. | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH CHỦ TỊCH Đặng Ngọc Tùng |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ THU, PHÂN CẤP THU, SỬ DỤNG, QUẢN LÝ NGUỒN THU KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN THEO LUẬT CÔNG ĐOÀN NĂM 2012
( Ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-TLĐ ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn )
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này quy định về thu, phân cấp thu, sử dụng, quản lý nguồn thu kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn năm 2012.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
Đối tượng áp dụng là công đoàn các cấp và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo Luật Công đoàn năm 2012.
Điều 3. Nguyên tắc thu, phân cấp thu, sử dụng kinh phí công đoàn.
1- Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng là nguồn thu chủ yếu của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Các cấp công đoàn được phân cấp thu kinh phí công đoàn phải thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, sử dụng, quản lý nguồn thu đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm.
2- Phân cấp thu kinh phí công đoàn phải tạo động lực thúc đẩy khai thác nguồn thu, không làm ảnh hưởng đến tính chủ động trong sử dụng nguồn thu kinh phí công đoàn phục vụ hoạt động của công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ THU, PHÂN CẤP THU, SỬ DỤNG, QUẢN LÝ NGUỒN THU KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN
Điều 4. Thu kinh phí công đoàn.
1- Đối tượng thu kinh phí công đoàn theo khoản 2, Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012, bao gồm:
a- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (Kể cả doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang), các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
b- Cơ quan nhà nước từ cấp phường, xã, thị trấn trở lên, đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
c- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác.
d- Tổ chức, đơn vị hoạt động theo quy định của pháp luật.
đ- Cơ quan, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh có sử dụng lao động Việt Nam.
2- Mức và căn cứ để thu kinh phí công đoàn.
Mức thu kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
a- Người lao động là đối tượng để tính quỹ tiền lương thu kinh phí công đoàn bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức.
- Người lao động Việt Nam làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
b- Tiền lương làm căn cứ thu kinh phí công đoàn.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tiền lương làm căn cứ thu kinh phí công đoàn là mức lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương tối thiểu là tiền lương tối thiểu đơn vị đang áp dụng theo quy định của Nhà nước.
- Người lao động hưởng chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ thu kinh phí công đoàn là mức tiền lương theo hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
3- Thời gian đóng kinh phí công đoàn.
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần: Đối với doanh nghiệp kinh phí công đoàn của tháng trước đóng vào 10 ngày đầu của tháng sau; Đối với đơn vị HCSN đóng kinh phí công đoàn cùng với kỳ rút kinh phí chi lương hàng tháng của đơn vị.
- Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoặc doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất sản phẩm kéo dài, không đóng được kinh phí công đoàn hàng tháng, LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn quy định thời gian đóng kinh phí công đoàn của các đối tượng này cho phù hợp.
4- Hạch toán khoản đóng kinh phí công đoàn của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
a- Đối với doanh nghiệp khoản đóng kinh phí công đoàn hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh. Đối với tổ chức, đơn vị sử dụng các nguồn khác (Kinh doanh, dịch vụ của đơn vị sự nghiệp, dự án, đề tài,.) đóng kinh phí công đoàn thì hạch toán vào chí phí các nguồn khác của đơn vị.
b- Đơn vị HCSN (Thụ hưởng ngân sách Nhà nước), nguồn đóng kinh phí công đoàn do ngân sách Nhà nước cấp trong dự toán hàng năm của đơn vị.
Điều 5. Phân cấp thu kinh phí công đoàn.
Phân cấp thu kinh phí công đoàn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất thu kinh phí công đoàn và phân cấp thu cho LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn như sau:
a- LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và Công đoàn cấp trên cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn của đơn vị hành chính sự nghiệp do ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoạt động, tổ chức, doanh nghiệp (Nơi đã thành lập công đoàn cơ sở và nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở).
b- LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xem xét để phân cấp thu kinh phí công đoàn cho các công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp không thụ hưởng kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước đã thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn.
c- LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn quyết định đơn vị được phân cấp thu kinh phí công đoàn và thông báo cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện.
2- Quy định về nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên, cấp kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở.
a- Công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn có trách nhiệm nộp lên công đoàn cấp trên quản lý trực tiếp 35% số thu kinh phí công đoàn; 40% số thu đoàn phí công đoàn của đơn vị. Trong năm nộp theo dự toán, khi có báo cáo quyết toán nộp theo số thu quyết toán.
b- Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn, khi nhận được kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng phải cấp 65% số thu kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở. Khi cấp được dùng phương thức bù trừ 40% số thu đoàn phí công đoàn cơ sở phải nộp lên.
c- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn của đơn vị, sử dụng 65% số thu để chi cho hoạt động của đơn vị này theo quy định của Tổng Liên đoàn, nếu chi chưa hết số kinh phí được sử dụng thì tích lũy và chuyển cho công đoàn cơ sở của đơn vị đó sau khi được thành lập.
Điều 6. Sử dụng kinh phí công đoàn.
Nguồn thu kinh phí công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn theo khoản 2 Điều 27 Luật Công đoàn năm 2012, bao gồm:
1- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.
2- Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
3- Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh.
4- Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động.
5- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; Đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn.
6- Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động.
7- Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới.
8- Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; Tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động.
9- Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác.
10- Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách.
11- Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp.
12- Các nhiệm vụ chi khác.
Điều 7. Quản lý nguồn thu kinh phí công đoàn.
Nguồn thu kinh phí công đoàn được quản lý theo quy định của pháp luật, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Quy chế quản lý tài chính công đoàn ban hành theo Quyết định số 169/QĐ-TLĐ ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Hướng dẫn thực hiện, thanh tra, kiểm tra.
1- Ban Thường vụ các LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đề nghị UBND tỉnh, thành phố; Bộ trưởng; Tổng Giám đốc; Chủ tịch Tập đoàn chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc đóng kinh phí công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2- Công đoàn các cấp tập trung chỉ đạo, đôn đốc thu, phối hợp với cơ quan Nhà nước cùng cấp đôn đốc, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc đóng kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
3- Ủy ban Kiểm tra, Ban Tài chính công đoàn các cấp có trách nhiệm kiểm tra việc đóng kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.