hieuluat

Quyết định 400/2004/QĐ-NHNN Quy định xếp loại các Ngân hàng thương mại cổ phần

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Ngân hàng Nhà nước Việt NamSố công báo:21 - 4/2004
    Số hiệu:400/2004/QĐ-NHNNNgày đăng công báo:30/04/2004
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Trần Minh Tuấn
    Ngày ban hành:16/04/2004Hết hiệu lực:06/04/2008
    Áp dụng:15/05/2004Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng
  • QUYếT ĐịNH

    QUYẾT ĐỊNH

    CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 400/2004/QĐ-NHNN
    NGÀY 16 THÁNG 4 NĂM 2004 BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC
    XẾP LOẠI CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN
    CỦA NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN

     

    THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

     

    Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997, Luật các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12/12/1997, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước số 10/2003/QH11 ngày 17/6/2003;

    Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

    Căn cứ Nghị định số 49/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại;

    Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi ngân hàng,

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này "Quy định về việc xếp loại các Ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước và nhân dân".

     

    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 292/1998/QĐ-NHNN5 ngày 27/8/1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về ban hành Quy chế xếp loại các Tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam.

     

    Điều 3. Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng Phi ngân hàng, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, thành phố và các Ngân hàng thương mại cổ phần chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

     

     


    QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XẾP LOẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN CỦA NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN

    (ban hành kèm theo Quyết định số 400/2004/QĐ-NHNN ngày 16/4/2004
    của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

     

    CHƯƠNG I
    QUY ĐỊNH CHUNG

     

    Điều 1. Đối tượng áp dụng

    Quy định này áp dụng đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước và nhân dân (gọi tắt là Ngân hàng thương mại cổ phần) được phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

     

    Điều 2. Các chỉ tiêu đánh giá xếp loại

    1. Vốn tự có;

    2. Chất lượng hoạt động;

    3. Công tác quản trị, kiểm soát, điều hành;

    4. Kết quả kinh doanh;

    5. Khả năng thanh khoản.

     

    Điều 3. Phương pháp đánh giá xếp loại

    1. Việc đánh giá, xếp loại các Ngân hàng thương mại cổ phần được căn cứ vào số điểm của từng chỉ tiêu quy định tại Điều 2 Quy định này.

    2. Nguyên tắc tính điểm là lấy điểm tối đa trừ đi số điểm bị trừ ở từng chỉ tiêu. Những Ngân hàng thương mại cổ phần không có hoạt động nghiệp vụ theo các quy định tại Quy định này thì không cho điểm đối với chỉ tiêu quy định về nghiệp vụ đó.

    3. Số liệu để xem xét cho điểm được căn cứ:

    a) Số liệu trên bảng cân đối tài khoản (cấp III, cấp IV, cấp V), số liệu báo cáo thống kê của Ngân hàng thương mại cổ phần;

    b) Số liệu qua công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước;

    c) Các tài liệu khác có liên quan như kết quả kiểm toán, báo cáo tài chính... của Ngân hàng thương mại cổ phần.

     

    Điều 4. Một số thuật ngữ tại Quy định này được hiểu như sau:

    1. Tổng dư nợ: bao gồm dư nợ cho vay thông thường và dư nợ thanh toán thay.

    2. Tổng các khoản nợ xấu: bao gồm nợ quá hạn hạch toán ở tài khoản nợ quá hạn, nợ thanh toán thay trên 30 ngày kể từ ngày thanh toán thay, nợ chờ xử lý, nợ cho vay được khoanh, nợ chuyển cho Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản để xử lý thu hồi vốn cho Ngân hàng thương mại cổ phần.

    3. Nợ khó đòi: là các khoản nợ được hạch toán trên tài khoản nợ khó đòi, bao gồm nợ quá hạn trên 360 ngày, nợ trong hạn và quá hạn đến 360 ngày có cơ sở xác định là không có khả năng thu hồi.

    4. Nợ khó đòi ròng: là khoản nợ khó đòi quy định tại khoản 3 điều này trừ đi dự phòng rủi ro chưa sử dụng.

    5. Vốn điều lệ thực có là vốn điều lệ được hạch toán trên bảng cân đối tài khoản trừ đi số lỗ hạch toán trên bảng cân đối tài khoản sau khi đã điều chỉnh theo quy định tại khoản 6 Điều này.

    6. Lãi, lỗ: là số liệu phản ánh trên tài khoản lỗ lãi luỹ kế của Ngân hàng thương mại cổ phần tại thời điểm đánh giá xếp loại sau khi đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro.

    Trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần chưa trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, số liệu tại tài khoản lỗ lãi luỹ kế trên bảng cân đối tài khoản cần điều chỉnh trừ đi phần trích lập dự phòng rủi ro còn thiếu để thực hiện tính toán các chỉ tiêu có liên quan và đánh giá xếp loại Ngân hàng thương mại cổ phần.

    7. Nguồn vốn cho vay trung, dài hạn gồm:

    a) 100% vốn điều lệ thực có trừ đi các khoản vốn cấp cho các công ty trực thuộc, các khoản đầu tư tài sản cố định, hùn vốn liên doanh mua cổ phần tại các tổ chức khác và vốn kinh doanh khác;

    b) 100% số dư nguồn vốn huy động từ 24 tháng trở lên;

    c) 80% số dư nguồn vốn huy động trên 12 tháng và dưới 24 tháng;

    d) 30% số dư tiền gửi ngắn hạn dưới 12 tháng.

    8. Tài sản có sinh lời: là tổng các khoản mục tài sản "có" có khả năng sinh lời của tổ chức tín dụng tại thời điểm thực hiện đánh giá, xếp loại.

    9. Nợ bảo lãnh quá hạn: là các cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với khách hàng không được thanh toán khi đến hạn.

     

    CHƯƠNG II
    NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

     

    MỤC I. THANG ĐIỂM CÁC CHỈ TIÊU XẾP LOẠI

     

    Điều 5. Vốn tự có: Mức điểm tối đa 15 điểm, tối thiểu - 2 điểm

    1. Các Ngân hàng thương mại cổ phần đạt 10 điểm về vốn tự có phải có đủ các điều kiện sau:

    a) Vốn điều lệ đủ theo mức vốn pháp định;

    b) Đảm bảo an toàn vốn, cụ thể:

    - Duy trì vốn điều lệ thực có không thấp hơn số vốn điều lệ đã đăng ký tại Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố nơi Ngân hàng thương mại đặt trụ sở chính;

    - Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    - Sử dụng vốn điều lệ theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước;

    - Đảm bảo các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu.

    2. Điểm thưởng: tối đa 5 điểm

    - Vốn điều lệ đạt từ 150% mức vốn pháp định đến dưới 200% mức vốn pháp định: cộng 1 điểm.

    - Vốn điều lệ đạt từ 200% vốn pháp định đến dưới 300% mức vốn pháp định: cộng 3 điểm.

    - Vốn điều lệ đạt trên 300% vốn pháp định: cộng 5 điểm

    3. Điểm trừ: tối đa 12 điểm

    a) Vốn điều lệ không đủ mức vốn pháp định: trừ tối đa 4 điểm

    - Vốn điều lệ đạt trên 70% đến dưới 100% mức vốn pháp định: trừ 2 điểm.

    - Vốn điều lệ đạt dưới 70% mức vốn pháp định: trừ 4 điểm.

    b) Không đảm bảo an toàn vốn: trừ tối đa 8 điểm

    - Vốn điều lệ thực có thấp hơn số vốn điều lệ đã đăng ký tại Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố nơi Ngân hàng thương mại đặt trụ sở chính; hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu nhỏ hơn 8%: trừ 3 điểm;

    - Sử dụng vốn điều lệ không theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước: trừ 3 điểm, bao gồm vi phạm một trong các trường hợp sau:

    + Sử dụng vốn điều lệ để mua cổ phần, hùn vốn với các cổ đông;

    + Hoạt động kinh doanh lỗ và không có quỹ nhưng vẫn chia lợi tức cổ phần cho các cổ đông (sử dụng vào vốn điều lệ);

    + Mua sắm tài sản cố định vượt quá 50% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ;

    + Mức góp vốn mua cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần trong một doanh nghiệp so với vốn điều lệ của doanh nghiệp đó hoặc tổng mức góp vốn mua cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần trong tất cả các doanh nghiệp so với vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của chính Ngân hàng thương mại cổ phần đó vượt quá tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước;

    + Các vi phạm khác trong việc sử dụng vốn điều lệ;

    - Vi phạm các quy định về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu: trừ 2 điểm, bao gồm vi phạm một trong các trường hợp sau:

    + Không đủ số lượng cổ đông theo quy định tại Điều 4 Quy định ban hành theo Quyết định số 1122/2001/QĐ-NHNN ngày 04/9/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

    + Vi phạm một trong các nội dung dưới đây: Hồ sơ cổ đông theo dõi không đầy đủ, người đại diện không đảm bảo tư cách, vi phạm quy định về nguồn vốn góp và giới hạn sở hữu cổ phần được quy định tại các Điều 5, Điều 11, Điều 16 Quy định ban hành theo Quyết định số 1122/2001/QĐ-NHNN ngày 04/9/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

    + Vi phạm một trong các nội dung dưới đây: Việc phát hành cổ phiếu, quản lý theo dõi cổ đông không thực hiện đúng quy định tại Điều 11, Điều 13, Điều 14 Quy định ban hành theo Quyết định số 1122/2001/QĐ-NHNN ngày 04/9/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

    Điều 6. Chất lượng hoạt động: Mức điểm tối đa 35 điểm

    1. Chất lượng tín dụng: Mức điểm tối đa 25 điểm, tối thiểu 0 điểm

    a) Ngân hàng thương mại cổ phần đạt điểm tối đa (25 điểm) về chỉ tiêu chất lượng tín dụng phải đảm bảo:

    - Tỷ lệ giữa tổng các khoản nợ xấu so với tổng dư nợ nhỏ hơn hoặc bằng 2%;

    - Không có nợ khó đòi hoặc nợ khó đòi ròng nhỏ hơn hoặc bằng 0.

    b) Trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần không đảm bảo một trong các điều kiện nêu tại mục a khoản 1 điều này sẽ bị trừ điểm như sau:

    - Tổng các khoản nợ xấu nhỏ hơn hoặc bằng 2% so với tổng dư nợ và có nợ khó đòi: trừ 5 điểm;

    - Tổng các khoản nợ xấu trên 2% đến 5% so với tổng dư nợ và không có nợ khó đòi: trừ 10 điểm;

    - Tổng các khoản nợ xấu trên 2% đến 5% so với tổng dư nợ và có nợ khó đòi: trừ 15 điểm;

    - Tổng các khoản nợ xấu trên 5% đến 10% so với tổng dư nợ và không có nợ khó đòi: trừ 18 điểm:

    - Tổng các khoản nợ xấu trên 5% đến 10% so với tổng dư nợ, có nợ khó đòi: trừ 20 điểm:

    - Tổng các khoản nợ xấu trên 10% so với tổng dư nợ: trừ 25 điểm;

    2- Chất lượng bảo lãnh: Mức tối đa 5 điểm, tối thiểu 0 điểm.

    a) Ngân hàng thương mại cổ phần đạt điểm tối đa (5 điểm) về chỉ tiêu chất lượng bảo lãnh phải đảm bảo không có nợ bảo lãnh quá hạn.

    b) Trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần có nợ bảo lãnh quá hạn sẽ bị trừ điểm như sau:

    - Nợ bảo lãnh quá hạn dưới 10% tổng số dư bảo lãnh: trừ 1 điểm;

    - Nợ bảo lãnh quá hạn từ 10% đến dưới 15% tổng số dư bảo lãnh: trừ 2 điểm;

    - Nợ bảo lãnh quá hạn từ 15% đến dưới 20% tổng số dư bảo lãnh: trừ 3 điểm;

    - Nợ bảo lãnh quá hạn từ 20% đến dưới 25% tổng số dư bảo lãnh: trừ 4 điểm;

    - Nợ bảo lãnh quá hạn trên 25% tổng số dư bảo lãnh: trừ 5 điểm.

    3. Cơ cấu tài sản có nội bảng: Mức điểm tối đa 5 điểm, điểm tối thiểu 2 điểm.

    a) Tài sản có sinh lời từ 75% trở lên so với tổng tài sản có nội bảng: 5 điểm

    b) Tài sản có sinh lời dưới 75% so với tài sản có nội bảng, trừ tối đa 3 điểm:

    - Từ 65% đến dưới 75%: trừ 2 điểm;

    - Dưới 65%: trừ 3 điểm.

     

    Điều 7. Quản trị, kiểm soát, điều hành: Mức điểm tối đa 15 điểm, tối thiểu 0 điểm

    1. Tổ chức tín dụng cổ phần đạt điểm tối đa (15 điểm) phải đảm bảo các điều kiện sau:

    a) Thành viên Hội đồng quản trị, kiểm soát viên đủ số lượng theo quy định;

    b) Ban hành và thực hiện tốt các quy chế nội bộ;

    c) Hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ tương xứng với quy mô ngân hàng và hoạt động hiệu quả, đảm bảo các rủi ro quan trọng luôn được nhận dạng, đo lường, kiểm tra, kiểm soát một cách liên tục;

    d) Các thành viên Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, Ban điều hành có năng lực, đoàn kết, có ý thức chấp hành luật pháp, có trách nhiệm, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn trong việc quản trị, kiểm soát, điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần.

    2. Trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần không đảm bảo một trong các điều kiện nêu tại khoản 1 điều này sẽ bị trừ điểm như sau:

    a) Ngân hàng thương mại cổ phần bị trừ 3 điểm trong trường hợp không đảm bảo một trong các điều kiện sau:

    - Không đủ số lượng thành viên Hội đồng quản trị, kiểm soát viên (bao gồm cả số luợng kiểm soát viên chuyên trách) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần;

    - Không ban hành các quy chế nội bộ về hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành, kiểm soát nội bộ và các quy chế cần thiết khác cho hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần (tín dụng, bảo lãnh, hạch toán kế toán...);

    b) Bộ máy kiểm tra, kiểm toán nội bộ yếu kém, hoạt động không hiệu quả: trừ 4 điểm;

    c) Không đảm bảo các điều kiện nêu tại điểm d khoản 1 Điều này: trừ tối đa 8 điểm:

    - Nội bộ mất đoàn kết: trừ 5 điểm

    - Có thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành vi phạm các quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước (vi phạm điều 77, 78 Luật các tổ chức tín dụng....), không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn trong việc quản trị, kiểm soát, điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần: trừ 3 điểm;

    3. Trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần đang bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt: cho điểm 0 đối với chỉ tiêu quản trị, kiểm soát, điều hành.

     

    Điều 8. Kết quả kinh doanh: Tổng số 20 điểm

    1. Kết quả kinh doanh: tối đa 15 điểm

    a) Kết quả kinh doanh lãi, điểm tối đa 15 điểm:

    - Lãi trước thuế so với vốn chủ sở hữu (bao gồm vốn điều lệ và các quỹ) đạt từ 20% trở lên: 15 điểm;

    - Lãi trước thuế so với vốn chủ sở hữu đạt từ 15% đến dưới 20%: 12 điểm;

    - Lãi trước thuế so với vốn chủ sở hữu đạt từ 10% đến dưới 15%: 9 điểm;

    - Lãi trước thuế so với vốn chủ sở hữu đạt từ 5% đến dưới 10%: 6 điểm;

    - Lãi trước thuế so với vốn chủ sở hữu đạt dưới 5%: 3 điểm;

    b) Cân bằng thu chi: đạt 0 điểm

    c) Kết quả kinh doanh trong kỳ lỗ: Tính điểm âm.

    - Lỗ so với vốn chủ sở hữu dưới 5%: - 3 điểm;

    - Lỗ so với vốn chủ sở hữu từ 5% đến dưới 10%: - 6 điểm;

    - Lỗ so với vốn chủ sở hữu từ 10% đến dưới 15%: - 9 điểm;

    - Lỗ so với vốn chủ sở hữu từ 15% đến dưới 20%: - 12 điểm;

    - Lỗ so với vốn chủ sở hữu từ 20% trở lên: - 15 điểm;

    2. Tỷ lệ thu dịch vụ trong tổng thu nhập: điểm thưởng: 5 điểm

    a) Đạt 40% trở lên: 5 điểm

    b) Đạt trên 30% trở lên đến dưới 40%: 3 điểm

    c) Đạt trên 20% đến dưới 30%: 1 điểm

    d) Đạt dưới 20%: 0 điểm.

     

    Điều 9. Khả năng thanh khoản: Mức điểm tối đa 15 điểm, tối thiểu - 6 điểm

    1. Khả năng thanh toán ngay = Tài sản "có" có thể thanh toán ngay/Tài sản "nợ" phải thanh toán ngay:

    a) Ngân hàng thương mại cổ phần đảm bảo tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định của Ngân hàng Nhà nước được điểm tối đa 9 điểm;

    b) Ngân hàng thương mại cổ phần không đảm bảo tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định của Ngân hàng Nhà nước bị trừ điểm như sau:

    - Vi phạm 1 lần không đảm bảo tỷ lệ khả năng chi trả: trừ 5 điểm

    - Vi phạm nhiều lần, có văn bản nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính của Ngân hàng Nhà nước về việc vi phạm quy định bảo đảm tỷ lệ khả năng chi trả: trừ 9 điểm.

    2. Tỷ lệ sử dụng nguồn vốn trung và dài hạn: Tổng dư nợ cho vay trung, dài hạn/Nguồn vốn dùng để cho vay trung, dài hạn:

    - Nếu đạt 100% hoặc nhỏ hơn: 6 điểm;

    - Từ trên 100% đến 105%: 0 điểm;

    - Nếu lớn hơn 105%: - 6 điểm.

    3. Việc đánh giá, xếp loại chỉ tiêu này được lấy số liệu tại thời điểm 31/12 hàng năm, tuy nhiên Ngân hàng thương mại cổ phần phải duy trì khả năng thanh toán ngay và khả năng thanh toán chung liên tục trong năm tài chính. Trường hợp trong năm có vi phạm, sẽ trừ 5 điểm khi đánh giá xếp loại.

     

    MỤC II. XẾP LOẠI

     

    Điều 10. Tính điểm

    Tổng số điểm của các Ngân hàng thương mại cổ phần được tính là tổng cộng số điểm của từng chỉ tiêu theo quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và 9 Quy định này.

     

    Điều 11. Xếp loại các Ngân hàng thương mại cổ phần

    1. Ngân hàng thương mại cổ phần xếp loại A có tổng số điểm đạt từ 80 điểm trở lên và có điểm số của từng chỉ tiêu quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và 9 Quy định này không thấp hơn 65% số điểm tối đa của từng chỉ tiêu đó.

    2. Ngân hàng thương mại cổ phần xếp loại B có tổng số điểm đạt từ 60 điểm đến 79 điểm và có điểm số của từng chỉ tiêu quy định tạ các Điều 5, 6, 7, 8 và 9 Quy định này không thấp hơn 50% số điểm tối đa của từng chỉ tiêu đó; hoặc có tổng số điểm cao hơn 79 điểm nhưng có điểm số của từng chỉ tiêu từ trên 50% đến dưới 65% số điểm tối đa của chỉ tiêu đó.

    3. Ngân hàng thương mại cổ phần xếp loại C có tổng số điểm đạt từ 50 điểm đến 59 điểm và có điểm số của từng chỉ tiêu quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và 9 Quy định này không thấp hơn 45% số điểm tối đa của từng chỉ tiêu đó; hoặc có tổng số điểm cao hơn 59 điểm nhưng có điểm số của từng chỉ tiêu từ trên 45% đến dưới 50% số điểm tối đa của chỉ tiêu đó.

    4. Ngân hàng thương mại cổ phần xếp loại D có tổng số điểm dưới 50 điểm; hoặc có tổng số điểm cao hơn 50 điểm nhưng có điểm số của từng chỉ tiêu thấp hơn 45% số điểm tối đa của chỉ tiêu đó.

     

    Điều 12. Thời gian thực hiện việc đánh giá xếp loại

    1. Số liệu đánh giá xếp loại được căn cứ vào số liệu, tình hình thực trạng của Ngân hàng thương mại cổ phần tại thời điểm ngày 31 tháng 12 hàng năm. Riêng chỉ tiêu công tác quản trị, kiểm soát, điều hành (Điều 7), khả năng thanh khoản (Điều 9) được đánh giá chung cho cả năm hoạt động.

    2. Thời gian xem xét đánh giá, xếp loại:

    a) Chậm nhất ngày 31 tháng 01 năm sau, từng Ngân hàng thương mại cổ phần tự đánh giá xếp loại và gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính;

    b) Chậm nhất cuối tháng 02 năm sau, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, thành phố đánh giá, xếp loại các Ngân hàng thương mại cổ phần tại địa bàn và lập báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

    c) Quý II hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn kết quả đánh giá xếp loại các Ngân hàng thương mại cổ phần.

     

    CHƯƠNG III
    TỔ CHỨC THỰC HIỆN

    Điều 13. Trách nhiệm của Ngân hàng thương mại cổ phần

    1. Cung cấp số liệu trung thực, chính xác và theo đúng chế độ thông tin báo cáo hiện hành. Trường hợp sau khi xếp loại phát hiện số liệu báo cáo của Ngân hàng thương mại cổ phần không chính xác, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố lại việc đánh giá, xếp loại Ngân hàng thương mại cổ phần.

    2. Tự đánh giá, xếp loại theo đúng thời gian quy định.

     

    Điều 14. Trách nhiệm của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi Ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính:

    1. Đôn đốc các Ngân hàng thương mại cổ phần gửi báo cáo tự đánh giá, xếp loại đúng thời hạn;

    2. Kiểm tra, xác định mức độ chính xác của số liệu do các Ngân hàng thương mại cổ phần cung cấp;

    3. Hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá xếp loại Ngân hàng thương mại cổ phần tại địa bàn theo đúng quy định.

     

    Điều 15. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương:

    1. Vụ Các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: Hướng dẫn Ngân hàng thương mại cổ phần triển khai thực hiện quy định;

    2. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước: Chỉ đạo việc xác định thực trạng tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần, phối hợp các Vụ có liên quan tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương thẩm định và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả đánh giá xếp loại các Ngân hàng thương mại cổ phần, đề xuất biện pháp xử lý đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần xếp loại C, D.

     

    CHƯƠNG IV
    ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 16. Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản tại Quy định này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Ngân hàng Nhà nước số 01/1997/QH10
    Ban hành: 12/12/1997 Hiệu lực: 01/10/1998 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10
    Ban hành: 12/12/1997 Hiệu lực: 01/10/1998 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Nghị định 49/2000/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng thương mại
    Ban hành: 12/09/2000 Hiệu lực: 27/09/2000 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Nghị định 86/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
    Ban hành: 05/11/2002 Hiệu lực: 20/11/2002 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    05
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 của Quốc hội
    Ban hành: 17/06/2003 Hiệu lực: 01/01/2004 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    06
    Quyết định 06/2008/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần
    Ban hành: 12/03/2008 Hiệu lực: 06/04/2008 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản thay thế
    07
    Quyết định 292/1998/QĐ-NHNN5 của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế xếp loại các tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam
    Ban hành: 27/08/1998 Hiệu lực: 11/09/1998 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản thay thế (01)
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 400/2004/QĐ-NHNN Quy định xếp loại các Ngân hàng thương mại cổ phần

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
    Số hiệu:400/2004/QĐ-NHNN
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:16/04/2004
    Hiệu lực:15/05/2004
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng
    Ngày công báo:30/04/2004
    Số công báo:21 - 4/2004
    Người ký:Trần Minh Tuấn
    Ngày hết hiệu lực:06/04/2008
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X