hieuluat

Quyết định 544/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:299&300-04/2017
    Số hiệu:544/QĐ-TTgNgày đăng công báo:28/04/2017
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Xuân Phúc
    Ngày ban hành:20/04/2017Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:20/04/2017Tình trạng hiệu lực:Đã sửa đổi
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng
  • THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
    -------
    Số: 544/QĐ-TTg
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    --------------
    Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2017
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ NỢ TRUNG HẠN 2016-2018
    ------------------
    THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
     
     
    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
    Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 17 tháng 6 năm 2009;
    Căn cứ Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 giai đoạn 2016-2020;
    Căn cứ Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công;
    Căn cứ Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
    Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
    Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
     
    Điều 1. Phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 với những nội dung chính như sau:
    1. Tên Chương trình: Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016 - 2018.
    2. Cơ quan quản lý Chương trình, cơ quan phối hợp:
    a) Cơ quan quản lý Chương trình: Bộ Tài chính.
    b) Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương.
    3. Phạm vi quản lý:
    a) Các công cụ và thỏa thuận vay do Chính phủ phát hành, ký kết theo quy định của Luật quản lý nợ công.
    b) Các khoản vay Chính phủ bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách (Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội) phát hành trái phiếu; các khoản vay Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công.
    c) Các khoản nợ do chính quyền địa phương cấp tỉnh vay, phát hành theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
    d) Các khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả.
    4. Mục tiêu của Chương trình
    a) Mục tiêu chung:
    Tổ chức huy động vốn vay với chi phí và mức độ rủi ro phù hợp, đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) và phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; việc phân bổ, sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, đảm bảo khả năng trả nợ; duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
    b) Mục tiêu cụ thể:
    - Vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi NSNN theo hướng giảm dần, trong đó bội chi NSNN năm 2016 là 5,4% GDP, bội chi ngân sách trung ương năm 2017 khoảng 3,38% GDP và bội chi ngân sách trung ương năm 2018 là 3,3% GDP.
    - Cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ theo hướng hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; đối với 2 ngân hàng chính sách, khống chế hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm; Đối với các chương trình, dự án đang thực hiện, khống chế hạn mức giải ngân ròng hàng năm 1.000 triệu USD/năm.
    - Giảm thiểu rủi ro về tái cấp vốn, thanh khoản, tỷ giá, đồng tiền, có cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ và phấn đấu kéo dài thời hạn vay qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2016-2018 trung bình khoảng từ 6-8 năm và tỷ lệ phát hành kỳ hạn từ 5 năm trở lên tối thiểu 70% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành.
    - Nợ công (bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
    - Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu NSNN hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
    - Đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia hàng năm trên 200%.
    5. Nhiệm vụ huy động vốn, trả nợ
    a) Huy động vốn vay của Chính phủ:
    - Huy động vốn vay của Chính phủ cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước khoảng 606,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 khoảng 247,2 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 172,3 nghìn tỷ đồng và năm 2018 khoảng 186,9 nghìn tỷ đồng.
    - Vay để trả nợ gốc ngân sách trung ương khoảng 414,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 là 132,4 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 144 nghìn tỷ đồng và năm 2018 là 138 nghìn tỷ đồng. Mức vay mới để trả nợ gốc hàng năm sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định, thể hiện trong Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trên cơ sở tổng hợp, cân đối nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư và đảm bảo các chỉ tiêu nợ Chính phủ, nợ công trong giới hạn cho phép theo các Nghị quyết của Quốc hội.
    - Vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 118,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 khoảng 32 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 42,4 nghìn tỷ đồng và năm 2018 khoảng 44 nghìn tỷ đồng.
    b) Bảo lãnh Chính phủ:
    Thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội phê duyệt kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ theo hướng:
    - Đối với phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội, khống chế hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm để ổn định dư nợ;
    - Đối với các khoản vay nước ngoài đã được cấp bảo lãnh Chính phủ và đang giải ngân, thực hiện khống chế hạn mức rút vốn ròng hàng năm là 01 tỷ USD/năm;
    - Tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước; đồng thời rà soát danh mục các chương trình, dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ để xây dựng hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2016-2020 và hàng năm, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt.
    c) Vay nợ chính quyền địa phương: khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương năm 2017 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2018 khoảng 11.100 tỷ đồng.
    d) Hạn mức vay thương mại nước ngoài (vay ròng) của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả tối đa khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mức dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia, tốc độ tăng hàng năm tối đa 8-10%/năm.
    đ) Trả nợ:
    - Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ;
    - Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có trách nhiệm, nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích, không sử dụng vốn vay ngắn hạn cho đầu tư các chương trình, dự án trung và dài hạn, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.
    6. Giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu
    a) Kiểm soát các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép:
    - Triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TW của Trung ương, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững, động viên hợp lý các nguồn lực; chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ.
    - Kiểm soát chặt chẽ việc vay mới ngay từ khâu phê duyệt chủ trương, hạn chế việc vay gắn với ràng buộc chỉ định thầu hoặc mua sắm các trang thiết bị không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các thiết bị không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.
    - Điều hành giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi chỉ giới hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
    - Đảm bảo cân đối, bố trí đầy đủ nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản gốc, lãi của Chính phủ, hạn chế và giảm dần vay đảo nợ; ưu tiên bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho chi trả nợ để giảm dư nợ Chính phủ, nợ công.
    - Kiểm soát chặt chẽ bội chi chính quyền địa phương, nợ của chính quyền địa phương. Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP, biến động tỷ giá, điều kiện huy động vốn vay trong nước và nước ngoài... để chủ động xây dựng phương án, trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh mức vay công và các hạn mức nợ tương ứng.
    b) Nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công
    - Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi ngân sách nhà nước, sử dụng vốn vay và xử lý nợ công. Thu hẹp đối tượng sử dụng nợ công, chỉ tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm và thực sự có hiệu quả thuộc lĩnh vực đầu tư công hoặc vay để giải quyết các nhu cầu cấp bách thuộc lĩnh vực tài chính công để ổn định tài khóa.
    - Dịch chuyển cơ cấu vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài từ cơ chế cấp phát vốn vay sang cơ chế cho vay lại nhằm tăng cường chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng trả nợ của ngân sách nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ trách nhiệm rủi ro tín dụng giữa nhà nước, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay lại, doanh nghiệp, địa phương; cơ chế lãi suất cho vay lại và phí bảo lãnh phải phản ánh đầy đủ rủi ro tín dụng; mức trích lập dự phòng của ngân sách nhà nước.
    - Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và quy định của pháp luật.
    - Hạn chế tối đa việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư bằng nguồn vốn vay; tăng cường nhận thức nợ công; chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
    c) Tiếp tục tái cơ cấu nợ công:
    - Tăng cường huy động nguồn lực trong nước để đáp ứng nhu cầu vay của Chính phủ nhằm giảm rủi ro tỷ giá, có tính đến khả năng huy động nguồn vốn ODA sẽ giảm dần và kết thúc trong thời gian tới.
    - Xây dựng cơ chế huy động vốn vay trên thị trường để tạo bước đệm trong chuyển đổi phương thức huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi sang vay theo điều kiện thị trường sau khi tốt nghiệp IDA.
    - Xây dựng phương án cân đối nguồn trả nợ tăng thêm khi Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn tốt nghiệp IDA.
    - Tiếp tục nghiên cứu, xử lý các khoản nợ lớn gặp khó khăn, đồng thời, rà soát đánh giá các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ đang gặp khó khăn trả nợ để xây dựng phương án tái cơ cấu các khoản nợ này trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước.
    d) Thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước: tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu.
    đ) Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới:
    - Đổi mới cơ chế bảo lãnh Chính phủ theo hướng thu hẹp diện đối tượng được xét cấp bảo lãnh, ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh cho các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
    - Thu hẹp đối tượng ưu tiên của chương trình tín dụng chính sách, chỉ ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ theo phương thức phát hành trái phiếu trong nước.
    e) Tăng cường quản lý nợ chính quyền địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển tại địa phương, hiệu quả sử dụng vốn đồng thời đảm bảo an toàn nợ chính quyền địa phương và nợ công.
    Điều 2. Tổ chức thực hiện
    1. Bộ Tài chính:
    a) Là cơ quan quản lý Chương trình, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình này.
    b) Nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công sửa đổi.
    c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nợ công.
    d) Rà soát danh mục các chương trình, dự án ưu tiếp cấp bảo lãnh Chính phủ và xây dựng hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2016-2020.
    đ) Xây dựng cơ chế huy động vốn vay trên thị trường để tạo bước đệm trong chuyển đổi phương thức huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi sang vay theo điều kiện thị trường sau khi tốt nghiệp IDA.
    e) Xây dựng phương án cân đối nguồn trả nợ tăng thêm khi Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn tốt nghiệp IDA.
    2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan tổng hợp phân bổ kế hoạch giải ngân vốn nước ngoài cho các chương trình, dự án cụ thể giai đoạn 2016-2018 trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội phê duyệt.
    3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước, theo dõi, kiểm tra, giám sát, thanh tra, báo cáo và cung cấp thông tin về nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia theo quy định, đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
    4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý nợ chính quyền địa phương, cung cấp các thông tin, số liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền thuộc cấp tỉnh theo quy định.
    5. Kinh phí triển khai Chương trình:
    a) Nguồn kinh phí được bố trí từ ngân sách nhà nước, huy động từ các nguồn vốn tài trợ nước ngoài và nguồn phí được sử dụng từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 05/2016/QĐ-TTg ngày 5 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
    b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp, cân đối vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để triển khai thực hiện Chương trình.
    Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
    Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

     Nơi nhận:
    - Ban Bí thư Trung ương Đảng;
    - Văn phòng Tổng Bí thư;
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
    - BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
    - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
    - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
    - Văn phòng Quốc hội;
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Kiểm toán Nhà nước;
    - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
    - Ngân hàng Chính sách Xã hội;
    - Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
    - Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Cổng TTĐT,
    các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
    - Lưu: Văn thư, KTTH (3b).
    THỦ TƯỚNG




    Nguyễn Xuân Phúc
  • Loại liên kết văn bản
    01
    Luật Quản lý nợ công, số 29/2009/QH12 của Quốc hội
    Ban hành: 17/06/2009 Hiệu lực: 01/01/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Nghị định 79/2010/NĐ-CP của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công
    Ban hành: 14/07/2010 Hiệu lực: 30/08/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Quyết định 958/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
    Ban hành: 27/07/2012 Hiệu lực: 27/07/2012 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    04
    Nghị định 215/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
    Ban hành: 23/12/2013 Hiệu lực: 15/02/2014 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    05
    Luật Tổ chức Chính phủ của Quốc hội, số 76/2015/QH13
    Ban hành: 19/06/2015 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản căn cứ
    06
    Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020
    Ban hành: 09/11/2016 Hiệu lực: 09/11/2016 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    07
    Nghị định 79/2010/NĐ-CP của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công
    Ban hành: 14/07/2010 Hiệu lực: 30/08/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản được hướng dẫn
    08
    Quyết định 433/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 544/QĐ-TTg ngày 20/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018
    Ban hành: 20/04/2018 Hiệu lực: 20/04/2018 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản sửa đổi, bổ sung
    09
    Quyết định 05/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020
    Ban hành: 05/02/2016 Hiệu lực: 25/03/2016 Tình trạng: Đã sửa đổi
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Quyết định 544/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủ
    Số hiệu:544/QĐ-TTg
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:20/04/2017
    Hiệu lực:20/04/2017
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng
    Ngày công báo:28/04/2017
    Số công báo:299&300-04/2017
    Người ký:Nguyễn Xuân Phúc
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Đã sửa đổi
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X