Cơ quan ban hành: | Ban Chỉ đạo điều hành giá | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 259/TB-BCĐĐHG | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Đinh Tiến Dũng |
Ngày ban hành: | 30/03/2018 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 30/03/2018 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ Số: 259/TB-BCĐĐHG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2018 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ
NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 2018
Ngày 27 tháng 3 năm 2018, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để đánh giá về kết quả thực hiện công tác điều hành giá 3 tháng đầu năm 2018 và đề ra phương hướng điều hành giá những tháng còn lại của năm 2018. Sau khi nghe báo cáo và ý kiến thảo luận của thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Trong quý I năm 2018, công tác chỉ đạo điều hành giá đã có sự phối hợp tích cực và chủ động của các Bộ, ngành, địa phương, Nhóm giúp việc liên ngành trong việc triển khai các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong 3 tháng đầu năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng biến động theo quy luật tiêu dùng hàng năm theo đúng kịch bản đã được dự báo trước: tăng cao trong hai tháng Tết và giảm trở lại sau Tết. Đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời có những biện pháp bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán, điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp bảo đảm tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm, đồng thời hoàn thành việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 (kết cấu thêm chi phí tiền lương vào trong giá) theo lộ trình thị trường; công tác dự báo tiếp tục được chú trọng và tương đối sát so với diễn biến giá cả thị trường, kịp thời tham mưu cho Chính phủ các kịch bản điều hành giá phù hợp.
Kết quả cụ thể: CPI tháng 3 năm 2018 tăng 0,97% so với tháng 12 năm 2017, CPI bình quân quý I năm 2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước ước tăng 1,34%. Đây là mức tăng sát với kịch bản dự báo và trong tầm kiểm soát của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức 4%.
2. Dự báo trong 9 tháng còn lại của năm 2018, qua phân tích, đánh giá bối cảnh trong nước và thế giới cho thấy mặt bằng giá thị trường chịu tác động đan xen của các yếu tố làm tăng áp lực và các yếu tố kiềm chế tốc độ tăng giá.
Rủi ro về áp lực tăng giá chủ yếu đến từ yếu tố thị trường như xu hướng phục hồi của giá xăng dầu và một số nguyên liệu chính trên thị trường thế giới, gắn với đó là việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số dịch vụ công (dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước...).
Bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố tác động sẽ giúp kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng như cung cầu hàng hóa được cân đối, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá một số nhóm mặt hàng có xu hướng giảm khi áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ như giá dịch vụ viễn thông với việc triển khai công nghệ 4G; lạm phát cơ bản được kiểm soát, giá một số dịch vụ có dư địa giảm như giá thuốc chữa bệnh cho người; dịch vụ sử dụng đường bộ BOT tiếp tục được rà soát để giảm giá, giá vật tư y tế có thể giảm nếu tiếp tục đẩy mạnh áp dụng biện pháp đấu thầu và tăng cường công tác quản lý.
Về phương hướng điều hành cụ thể, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các biện pháp sau:
a. Về chính sách tiền tệ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Chú trọng kiểm soát cung tiền và tiếp tục áp dụng các biện pháp để trung hòa nguồn ngoại tệ thu được từ nguồn đầu tư nước ngoài. Kiểm soát tổng mức tín dụng cả về cơ cấu và chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất; phấn đấu kiểm soát lạm phát cơ bản trong mức 1,6-1,8%.
b. Về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu:
- Mặt hàng nông sản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến giá thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối... nhằm ổn định thị trường; nghiên cứu tổ chức lại thị trường trong nước, tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới cho các mặt hàng nông sản chủ lực nhằm ổn định thị trường, đảm bảo đời sống của người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
- Dịch vụ thủy lợi: Trên cơ sở điều chỉnh mức giá nhóm dịch vụ thủy lợi khác để triển khai Luật Thủy lợi có hiệu lực từ 1/7/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh đến chỉ số giá tiêu dùng để chủ động trong điều hành chung.
- Xăng dầu: Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung; công bố giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu phù hợp với thị trường và quy định của pháp luật theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng-Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại công văn số 439/VPCP-KTTH ngày 1/1/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý, điều hành giá xăng dầu; tăng cường công tác kiểm tra giá, quản lý chất lượng, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu.
- Mặt hàng điện, Bộ Công Thương rà soát các chi phí đầu vào để điều hành giá điện phù hợp với kịch bản điều hành giá chung trong năm 2018, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tránh tạo kỳ vọng về lạm phát.
- Dịch vụ y tế: Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê xây dựng kịch bản riêng về điều hành giá, trong đó chú trọng đến việc điều chỉnh tiền lương cơ sở và kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với thực tế phát sinh và lộ trình quy định, đồng thời bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát.
- Thuốc chữa bệnh cho người: Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tăng cường và mở rộng danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia với mục tiêu tiếp tục kéo giá thuốc giảm từ 10-15% trong năm 2018. Nghiên cứu áp dụng đấu thầu tập trung đối với vật tư y tế và mở rộng ra kênh đấu thầu khác ngoài kênh của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế.
- Giá dịch vụ giáo dục: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đánh giá thực trạng mức thu giá dịch vụ giáo dục (học phí) hiện nay, xác định tỷ lệ đã thực hiện so với khung, mức trần quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; Nghiên cứu cơ chế điều hành, chủ động nắm bắt thông tin, đăng ký lộ trình tăng giá, phân bổ và kiểm soát mức độ, thời điểm tăng giá dịch vụ giáo dục cho phù hợp.
- Giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi: Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, thực hiện quản lý theo quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016, Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26 tháng 6 năm 2017 trong đó chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh và Sở ngành chức năng triển khai tiếp nhận và giám sát kê khai giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi tại khâu bán lẻ cho người tiêu dùng.
Giá vật liệu xây dựng và bất động sản: Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, đặc biệt chú trọng quản lý giá thép, chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung khi nhu cầu nguyên vật liệu cho xây dựng tăng cao; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo tổng thể về thực trạng, phương án quản lý các công trình khách sạn căn hộ (condotel) đảm bảo tính bền vững của thị trường bất động sản.
- Giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT: Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát các dự án, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn. Sớm triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng và tiếp tục rà soát các chi phí liên quan đến vận hành và khai thác các dự án BOT này.
- Công tác thông tin truyền thông: Bộ Thông tin truyền thông chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để đẩy mạnh công tác truyền thông; các Bộ, ngành chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành giá, tăng cường giám sát chi phí đầu vào của sản phẩm, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
C. Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:
Các Bộ, ngành có trách nhiệm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý giá chuyên ngành để điều chỉnh hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định; trong đó tập trung hoàn thiện các văn bản cụ thể sau:
- Bộ Công Thương: Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
- Bộ Giao thông vận tải: (i) Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2014 về hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; (ii) 02 Thông tư thay thế Quyết định số 3863/QĐ-BGTVT ngày 01 tháng 12 năm 2016 về biểu khung giá dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam và Quyết định số 3946/QĐ-BGTVT ngày 09 tháng 12 năm 2016 về biểu khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo tại cảng biển Việt Nam; (iii) Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.
- Bộ GDĐT: khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp); Nghiên cứu, bổ sung văn bản pháp lý đầy đủ hướng dẫn về mức giá, quản lý và sử dụng đối với dịch vụ tuyển sinh để triển khai thực hiện cho phù hợp.
- Bộ Y tế: Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trình Chính phủ ban hành trong tháng 4 năm 2018, chủ động rà soát để ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính về quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc ban hành chậm nhất trong tháng 5 năm 2018, Thông tư sửa đổi Thông tư số 11/2016/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 11 tháng 5 năm 2016 quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, Thông tư về quản lý vật tư y tế.
Bộ Y tế báo cáo kết quả thực hiện các nội dung Phó Thủ tướng-Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo về hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật gửi về Bộ Tài chính trong tháng 4 năm 2018 để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Trưởng ban. Trường hợp cần thiết, Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ làm việc với Bộ Y tế về các nội dung này.
- Đối với các dịch vụ chuyển từ phí sang giá, các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các định mức kinh tế-kỹ thuật trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để có cơ sở xác định giá dịch vụ bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí theo quy định. Trường hợp giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ cao hơn mức quy định hiện hành, phải đề xuất lộ trình điều hành phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
- Đối với việc thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước: Căn cứ các quy định của pháp luật về giá, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc các Bộ chuyên ngành, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, quy định hoặc phân cấp cho cơ quan cấp dưới lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định.
3. Về công tác dự báo: Các Bộ, ngành tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu mối là Tổng Cục thống kê, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong công tác dự báo, bám sát diễn biến giá cả thị trường để đề xuất kịch bản chi tiết đối với các mặt hàng thiết yếu do tác động từ việc điều chỉnh giá hoặc do yếu tố thị trường tới tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân bảo đảm kiểm soát lạm phát năm 2018 theo chỉ tiêu đề ra.
4. Các Bộ, ngành tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình điều hành giá các mặt hàng phụ trách tại các địa phương, đề xuất biện pháp điều hành giá phù hợp, tổng hợp báo cáo theo nội dung ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo này và gửi Bộ Tài chính tổng hợp chung theo đường công văn và thư điện tử: dieuhanhgia@mof.gov.vn trước ngày 20 tháng 06 năm 2018 để xây dựng báo cáo phục vụ cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá theo quy định.
Bộ Tài chính xin thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. TRƯỞNG BAN |
01 | Văn bản dẫn chiếu |
02 | Văn bản dẫn chiếu |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
04 | Văn bản dẫn chiếu |
05 | Văn bản dẫn chiếu |
06 | Văn bản dẫn chiếu |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
09 | Văn bản dẫn chiếu |
10 | Văn bản dẫn chiếu |
11 | Văn bản dẫn chiếu |
12 | Văn bản dẫn chiếu |
Thông báo 259/TB-BCĐĐHG kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 27/03/2018
In lược đồCơ quan ban hành: | Ban Chỉ đạo điều hành giá |
Số hiệu: | 259/TB-BCĐĐHG |
Loại văn bản: | Thông báo |
Ngày ban hành: | 30/03/2018 |
Hiệu lực: | 30/03/2018 |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Đinh Tiến Dũng |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!