hieuluat

Thông báo 260/TB-VPCP thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2013

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:260/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Nguyễn Văn Tùng
    Ngày ban hành:22/07/2013Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:22/07/2013Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    --------

    Số: 260/TB-VPCP

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------

    Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2013

     

     

    THÔNG BÁO

    Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG

    TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC 6 THÁNG ĐẦU NĂM

    VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

     6 THÁNG CUỐI NĂM 2013

     

     

    Ngày 17 tháng 7 năm 2013, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác 6 tháng đầu năm 2013 và triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2013. Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và trin khai thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2013, ý kiến phát biểu của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu ý kiến chỉ đạo như sau:

    Trước tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa ổn định, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nước ta, ngay từ đầu năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghquyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2013 về tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước.

    Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính, thu ngân sách nhà nước đạt thấp so với dự toán và tiến độ thu do tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn trong khi phải thực hiện các biện pháp giãn, hoãn, miễn, giảm thuế theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của ngành tài chính, của các ngành, các cấp, lĩnh vực tài chính vẫn đạt được những kết quả quan trọng, ngân sách nhà nước được điều hành chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh phát sinh; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ đạt khá so với cùng kỳ năm trước.

    Thủ tướng Chính phủ biểu dương nỗ lực phấn đấu, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính.

    Bên cạnh kết quả đã đạt được, nền kinh tế còn nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó nổi lên là: sức ép lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn; nợ xấu còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sức mua chậm phục hồi; sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ bảo đảm dự toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2013 có ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức quan trọng nhưng cũng rất nặng nề, đòi hỏi nỗ lực, cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, nhất là của ngành tài chính và sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt giữa Bộ Tài chính với các bộ, cơ quan và lãnh đạo các địa phương.

    Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, từ nay đến cuối năm, cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

    1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tạo nền tảng cho ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

    2. Bộ Tài chính, các ngành, các cấp chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tăng cường quản lý thu, chi ngân sách, quyết tâm đạt dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 đã được Quốc hội thông qua. Không thay đổi tổng mức dự toán thu, chi và bội chi ngân sách nhà nước năm 2013.

    3. Cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của Bộ Tài chính và một số địa phương nêu tại Hội nghị; trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

    a) Bộ Tài chính chủ động làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, nhất là các địa phương, doanh nghiệp có số thu lớn để rà soát từng khoản thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ theo quy định; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát việc hoàn thuế giá trị gia tăng; tăng cường xử lý chuyển giá, nợ đọng thuế, trốn thuế; chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực Thuế, Hải quan. Trong điều kiện thu ngân sách khó khăn, trước mắt không ban hành các cơ chế, chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước.

    Lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải thật sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo sát việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - thương mại, làm cơ sở tăng thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu đạt dự toán thu ngân sách được giao.

    b) Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp tăng cường quản lý chi ngân sách đã nêu trong Chỉ thị số 09/CT-TTg. Trước mắt, không ban hành các cơ chế, chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước.

    Bộ Tài chính chủ động làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương để chỉ đạo rà soát từng khoản chi, kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nhất là các khoản chi hội nghị, hội thảo, mua sắm trang thiết bị, xe ô tô, văn phòng phẩm, chi đi công tác trong và ngoài nước; rà soát kinh phí dự phòng thuộc các lĩnh vực đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân thông qua nhưng chưa đủ thủ tục hoặc chưa cấp bách để tạm dừng chưa thực hiện trong năm 2013.

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương rà soát từng dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Kiên quyết thu hồi các khoản chi không đúng quy định, thu hồi vốn đối với các dự án chưa đủ thủ tục, không dùng các khoản thu hồi theo chế độ quy định cho nhiệm vụ khác mà để giảm chi ngân sách nhà nước. Thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản.

    c) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng thu, bảo đảm cân đối ngân sách trung ương, ngân sách địa phương trong phạm vi dự toán đã được quyết định. Quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách, chỉ bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, dành tối thiểu 50% dự phòng ngân sách các cấp để giảm chi ngân sách. Đối với các địa phương, trường hợp giảm thu so với dự toán thì phải chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, trong đó chú trọng bảo đảm chi lương, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

    d) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan, địa phương rà soát kỹ, đánh giá sát thực tế tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi và có phương án cân đối ngân sách nhà nước phù hợp trên tinh thần không thay đổi tổng thể dự toán thu - chi và bội chi ngân sách nhà nước năm 2013. Trên cơ sở đó, xây dựng dự toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2014 theo hướng tích cực, bảo đảm mức bội chi ngân sách nhà nước hợp lý.

    đ) Trong bối cảnh sức ép lạm phát còn tiềm ẩn, các ngành, các cấp không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành; cần chủ động thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý giá cả, thị trường, theo dõi chặt chẽ, ứng phó kịp thời với những biến động bất thường về giá. Kiên định điều hành giá theo cơ chế thị trường đối với than và xăng dầu theo hướng không bao cấp đối với giá than và không giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng dầu kết hợp với công khai, minh bạch Quỹ bình ổn giá; thực hiện điều chỉnh giá điện theo lộ trình; công khai, minh bạch cơ chế, yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý giá.

    4. Bộ Tài chính tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các địa phương và các đại biểu tham dự Hội nghị, khẩn trương xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

    Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương biết và thực hiện./.

     

     Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
    - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
    - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, TKBT;
    - Lưu: VT, KTTH (3b).

    KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
    PHÓ CHỦ NHIỆM





    Nguyễn Văn Tùng

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X