THÔNG TƯ
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 05/2005/TT-NHNN
NGÀY 01 THÁNG 9 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG
LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG THEO QUY ĐỊNH TẠI
NGHỊ ĐỊNH SỐ 187/2004/NĐ-CP NGÀY 16/11/2004 CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ VIỆC CHUYỂN CÔNG TY NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
Căn cứ quy định tại các Điều 8, 12, 13, 36 và 42 Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần;
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Chỉ thị số 04/2005/CT-TTg ngày 17/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh vững chắc cổ phần hoá công ty nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng như sau:
1. Về việc công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước (gọi tắt là công ty cổ phần) kế thừa các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay và các thoả thuận khác của công ty nhà nước trước khi cổ phần hoá đã ký kết với các tổ chức tín dụng; quan hệ tín dụng giữa công ty cổ phần với các tổ chức tín dụng:
a. Công ty cổ phần kế thừa và tiếp tục thực hiện mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của công ty nhà nước trước khi cổ phần hoá phát sinh từ hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay và các thoả thuận khác mà công ty nhà nước đã ký kết với các tổ chức tín dụng; trả nợ vay đến hạn; làm thủ tục nhận nợ và thỏa thuận với các tổ chức tín dụng về phương thức xử lý các khoản nợ gốc và lãi.
b. Trường hợp công ty cổ phần cố ý không thực hiện các thoả thuận mà công ty nhà nước trước khi cổ phần hoá đã ký kết với tổ chức tín dụng, không làm thủ tục nhận nợ và trả nợ vay đến hạn, thì các tổ chức tín dụng tiến hành xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức đã thoả thuận trong hợp đồng bảo đảm tiền vay hoặc khởi kiện lên cơ quan Toà án để thu hồi nợ.
c. Công ty cổ phần được tiếp tục vay vốn tại ngân hàng thương mại, công ty tài chính và các tổ chức tín dụng khác của Nhà nước theo cơ chế
2. Về việc xử lý nợ vay tồn đọng của công ty nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước đến thời điểm thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
a. Các ngân hàng thương mại nhà nước và công ty nhà nước cổ phần hoá thực hiện việc xử lý nợ vay tồn đọng theo quy định tại Thông tư số 05/2003/TT-NHNN ngày 24/02/2003 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước theo Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ. Riêng hồ sơ pháp lý xử lý nợ vay tồn đọng đối với công ty nhà nước cổ phần hoá thực hiện
- Văn bản đề nghị xử lý nợ vay tồn đọng của công ty nhà nước cổ phần hoá.
- Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty cổ phần (bản sao).
- Các báo cáo tài chính, biên bản kiểm tra báo cáo tài chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nếu có (bản sao).
- Các tài liệu chứng minh việc không cân đối được vốn để thanh toán các khoản nợ quá hạn (bản sao).
- Biên bản xác định nguyên nhân và đề nghị biện pháp xử lý nợ vay tồn đọng, có xác nhận của ngân hàng thương mại nhà nước cho vay và cơ quan quản lý cấp trên của công ty nhà nước cổ phần hoá.
- Bản sao khế ước vay vốn hoặc tài liệu chứng minh công ty nhà nước cổ phần hoá còn nợ vay do ngân hàng thương mại nhà nước cho vay, bảo lãnh xác nhận.
b. Đối với công ty nhà nước cổ phần hoá gặp khó khăn về tài chính, chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay, các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp khác phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
3. Về việc xử lý quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng thương mại nhà nước khi thực hiện cổ phần hoá:
a. Các ngân hàng thương mại nhà nước phải xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hoá theo hướng dẫn tại Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hoá thực hiện việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định tại các văn bản: Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; điểm 1.4 mục II Thông tư số 126/2004/TT-BTC; Phương án xử lý dự phòng rủi ro trong Đề án cổ phần hóa của ngân hàng thương mại nhà nước đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Xử lý các trường hợp số dư quỹ dự phòng rủi ro chênh lệch so với nhu cầu và số tiền dự phòng phải trích
- Số tiền dự phòng không đủ để xử lý toàn bộ rủi ro tín dụng của các khoản nợ phải xử lý, ngân hàng thương mại nhà nước hạch toán trực tiếp phần chênh lệch thiếu của số tiền dự phòng vào chi phí hoạt động;
- Số tiền dự phòng đã trích còn lại lớn hơn số tiền dự phòng phải trích, ngân hàng thương mại nhà nước phải hoàn nhập phần chênh lệch thừa theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng.
b. Quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng thương mại nhà nước còn lại sau khi cổ phần hóa được chuyển sang ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục quản lý.
4. Tổ chức thực hiện:
a. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 07/1998/TT-NHNN1 ngày 28/9/1998 hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến ngân hàng khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần theo Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998.
b. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng và các công ty nhà nước cổ phần hóa chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.