BỘ TÀI CHÍNH ----------- Số: 124/2018/TT-BTC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------- Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2018 |
THÔNG TƯ
Quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện hỗ trợ
đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện
Căn cứ Luật phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy ngày 03 tháng 6 năm 2008 (sau đây viết tắt là Luật phòng, chống ma túy);
Căn cứ Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (sau đây viết tắt là Nghị định số 147/2003/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh (sau đây viết tắt là Nghị định số 135/2004/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cai nghiện ma tuý tại cộng đồng (sau đây viết tắt là Nghị định số 94/2010/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 80/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 147/2003/NĐ-CP; Nghị định số 135/2004/NĐ-CP (sau đây viết tắt là Nghị định số 80/2018/NĐ-CP);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện.
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định về việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập và ngoài công lập (sau đây viết tắt là các cơ sở cai nghiện ma túy) theo quy định của Luật phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
2. Thông tư này không điều chỉnh đối với các khoản hỗ trợ có mục đích, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoặc các khoản hỗ trợ mà nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính đã có thỏa thuận về nội dung và mức chi.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện chế độ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở cai nghiện ma túy.
2. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở cai nghiện ma túy.
Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Nguồn ngân sách trong nước
a) Kinh phí thực hiện chế độ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở cai nghiện ma túy công lập do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành;
b) Kinh phí thực hiện chế độ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập trong thời gian thực hiện thí điểm đến năm 2020 được bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm;
c) Kinh phí tổ chức cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội của ngân sách xã, phường, thị trấn.
2. Nguồn đóng góp của người cai nghiện ma túy (hoặc gia đình người cai nghiện ma túy) theo mức đóng góp cụ thể do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.
3. Nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
4. Nguồn tài chính hợp pháp khác.
Chương II. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI CAI NGHIỆN MA TÚY TỰ NGUYỆN TẠI CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY
Điều 4. Mức ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện công lập.
2. Chi hỗ trợ chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ; điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường
a) Đối tượng hỗ trợ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 48a Nghị định số 135/2004/NĐ-CP được bổ sung tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 80/2018/NĐ-CP;
b) Mức ngân sách nhà nước hỗ trợ 95%, gồm:
- Chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ (bao gồm cả xét nghiệm HIV/AIDS): Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cấp có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thực hiện dịch vụ;
- Chi điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường tại cơ sở cai nghiện ma túy không ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Theo chi phí thực tế phát sinh và hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp. Cơ sở cai nghiện ma túy lập dự toán phù hợp với tình hình thực tế hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương và dự kiến số lượng đối tượng tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc phạm vi quản lý quyết định:
a) Mức hỗ trợ cao hơn, đối tượng mở rộng hơn ngoài chế độ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này (nếu có);
b) Mức hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân ít nhất bằng 70% định mức đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
c) Mức hỗ trợ chỗ ở đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (bao gồm cả các cơ sở đa chức năng có cai nghiện tự nguyện).
Điều 5. Thí điểm hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập
1. Thực hiện thí điểm hỗ trợ đến năm 2020 người cai nghiện ma túy tự nguyện tại 15 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm: Sơn La, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ theo quy định tại Điều 2a Nghị định số 147/2003/NĐ-CP được bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 80/2018/NĐ-CP.
2. Mức hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập thí điểm tối đa bằng mức hỗ trợ quy định tại Điều 4 Thông tư này đối với cơ sở cai nghiện công lập trên địa bàn.
3. Căn cứ mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án thí điểm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; thực hiện hỗ trợ kinh phí đối với các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập được lựa chọn thí điểm để thực hiện cai nghiện ma túy đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở.
Chương III. CHẾ ĐỘ CAI NGHIỆN MA TUÝ TỰ NGUYỆN TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG
Điều 6. Nội dung, mức chi cho công tác tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng
1. Chi lập hồ sơ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng: 30.000 đồng/hồ sơ.
2. Chi hỗ trợ Tổ công tác cai nghiện ma tuý (do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập) khi tham gia công tác thẩm tra, xét duyệt hồ sơ, điều trị, quản lý, bảo vệ, tư vấn, hỗ trợ người cai nghiện ma túy:
a) Chi hỗ trợ công tác quản lý: Văn phòng phẩm, in hồ sơ, mua sổ sách, trang thiết bị phục vụ việc theo dõi, thống kê, lập danh sách, quản lý hồ sơ người cai nghiện ma tuý. Mức chi thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu và theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Chi hỗ trợ cán bộ tham gia công tác điều trị cai nghiện ma túy trong thời gian điều trị cắt cơn nghiện ma túy tập trung tại cộng đồng: 100.000 đồng/người/ngày;
c) Chi hỗ trợ cán bộ quản lý, bảo vệ người cai nghiện ma tuý trong thời gian điều trị cắt cơn nghiện ma tuý tập trung tại cộng đồng: 50.000 đồng/người/ngày;
d) Chi hỗ trợ cho cán bộ được giao nhiệm vụ tư vấn về tâm lý, xã hội cho người cai nghiện ma tuý
- 50.000 đồng/người cai nghiện ma tuý/buổi tư vấn;
- 70.000 đồng/nhóm người cai nghiện ma tuý (từ hai người trở lên)/buổi tư vấn;
đ) Chi hỗ trợ cán bộ xã, phường, thị trấn theo dõi, quản lý đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng: Mức hỗ trợ cụ thể và số lượng cán bộ do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện thực tế về số lượng đối tượng nghiện ma tuý tại cộng đồng và điều kiện địa lý của từng xã, phường, thị trấn nhưng tối đa là 350.000 đồng/người/tháng.
3. Chi phí vận chuyển người nghiện ma tuý từ nơi cư trú của người nghiện ma túy đến cơ sở điều trị cắt cơn tập trung tại cộng đồng (nếu có): Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/km tính theo số km thực tế và giá xăng tại thời điểm vận chuyển. Trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận, phù hợp với giá cả trên địa bàn tại thời điểm thuê.
Điều 7. Chế độ hỗ trợ
1. Người cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình và cộng đồng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật được hỗ trợ một lần tiền thuốc điều trị cắt cơn nghiện ma túy bằng mức hỗ trợ đối với các đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện trong cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo quy định của địa phương.
2. Tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định mức hỗ trợ cao hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương IV. LẬP, PHÂN BỔ, CHẤP HÀNH VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ
Điều 8. Lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí
1. Việc lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
2. Việc hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập trong thời gian thực hiện thí điểm được thực hiện như sau:
a) Cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập tham gia thí điểm tại 15 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập thuộc 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Đề án thí điểm đã được phê duyệt lập kế hoạch cai nghiện ma túy và nhu cầu kinh phí hỗ trợ cai nghiện ma túy hàng năm cho các đối tượng theo mức quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp;
b) Hàng năm, cùng thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ kế hoạch cai nghiện ma túy của các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập, nội dung, mức chi, chế độ hỗ trợ cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập và số lượng đối tượng người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập ở địa phương, lập dự toán kinh phí và tổng hợp chung trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định;
c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ kinh phí đối với các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập trên cơ sở các căn cứ sau:
- Biểu tổng hợp danh sách, kinh phí hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập (có chữ ký hoặc dấu tay điểm chỉ của đối tượng được hỗ trợ) theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lưu chứng từ này làm cơ sở quyết toán;
- Đối chiếu các hóa đơn, chứng từ chi tiêu có liên quan đến việc tổ chức cai nghiện ma túy cho đối tượng. Cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập trực tiếp lưu giữ hóa đơn, chứng từ chi tiêu cụ thể theo quy định hiện hành.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp quyết toán kinh phí hỗ trợ các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập theo quy định.
Chương V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 02 năm 2019.
2. Các quy định về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện quy định tại Điều 1, khoản 1 và khoản 3 Điều 2, điểm b khoản 3 Điều 3 Chương I, Chương IV và Chương V Thông tư liên tịch số 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ
áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ đối với người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung thay thế đó.
4. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - Sở Tài chính, Sở LĐTBXH, KBNN tỉnh, TP trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ; - Cổng TTĐT Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Lưu: VT, HCSN (450 b). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Văn Hiếu |